Gia tài của Mác
Rồi chế độ toàn trị sẽ chấm dứt tại Việt Nam. Nhưng người Việt Nam không thể xây dựng đất nước bằng cách phủ định thực tại Việt Nam. Trong thực tại ấy, có Mác.
Cuối năm, nhiều cơ quan truyền thông – trong cũng như ngoài nước – đồng loạt đưa tin “Dân Sài Gòn cởi áo cho kẻ trộm mặc chống lạnh.” Đọc xong bỗng chợt thấy có cái gì “vương vướng?” Tại sao không phải là “người dân cởi áo cho kẻ trộm mặc chống lạnh” mà lại có thêm hai chữ “Sài Gòn” vô đó, vậy kìa?
Thương người như thể thương thân.
Rét thời cho mặc, đói thời cho ăn.
Gia Huấn Ca có dạy như vậy mà. Không lẽ, ở nơi khác, dân chúng lại hành xử khác sao? Mà có khác thiệt, và khác lắm, khi xem lại vài trang báo cũ:
Cách đây chưa lâu, báo Dân Trí đi tin:
“Rạng sáng nay 7/6, người dân xã Hưng Đông, TP Vinh (Nghệ An) phát hiện một vụ cháy kinh hoàng: một người đàn ông cùng một chiếc xe máy bị thiêu cháy bên vệ đường...
Quan sát kỹ tại hiện trường, PV Dân trí nhận thấy nạn nhân bị đốt cháy gần thành than, không thể nhận dạng, bốc mùi khét lẹt… Chiếc xe máy bị đốt cũng chỉ còn trơ khung đen.Nhiều người cho rằng nạn nhân xấu số này ăn trộm chó bị phát hiện, bị đánh chết ở đâu đó rồi đưa ra cánh đồng này đốt xác.”
Hai tháng sau, cũng báo Dân Trí, lại có thêm tin nữa:
“Khoảng 17 giờ 30 phút chiều ngày 29/8, hai kẻ ăn trộm chó đã bị người dân xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đánh chết.…
Ba người bị đánh chết (ở Nghệ An) trong vòng hai tháng, đã khiến tôi liên tưởng đến những cái chết khác – thảm khốc và thương tâm không kém – cũng ở địa phương này, hồi giữa thế kỷ trước, chính xác là vào năm 1952, theo lời kể của nhà văn Võ Văn Trực:
“Một lũ ngồi lúc nhúc ở giữa vòng vây người nung nấu căm thù, nóng rực như vòng lửa. Người xem đông quá là đông. Sóng người xô dồn lên, rồi dạt ra phía sau, rồi lại cuộn xoáy, ôm nhau, níu áo nhau. Không thể nào nghe được dân quân đang tra khảo tội nhân điều gì? Chỉ nghe nhứng tiếng quát lớn;’Mi có khai không? Mi có khai không?’ trộn lẫn với tiếng đấm đá huỳnh huỵch…”
“Tổ cha cái đồ phản động cái đồ Việt gian” – có tiếng người hét to như muốn vỡ ngực vỡ họng. Chính cái người hét to ấy đang ôm một gốc cây phi lao sần sùi mấu lao từ trên bức tường xuống như con mạnh thú vồ mồi, giơ cao gốc cây phang một cú vào ngực người bị treo ngược. Người bị treo rú lên một tiếng thất thanh và hai tay run rẩy như con nhái trước lúc chết. Thịch! Sợi dây đứt. Người bị treo ngược rơi xuống, sọ đập trên đất lổn nhổn cứt sắt… Người bị treo ngược bây giờ thành cái xác nằm sõng xoài trên đất ….”
(Võ Văn Trực. Chuyện Làng Ngày Ấy. California: Tạp Chí Văn Học, 2006)
Chuyện làng ngày ấy, và chuyện làng bây giờ – xem ra – không khác nhau nhiều lắm. Lòng “nung nấu căm thù, nóng rực như vòng lửa” được thổi bùng lên từ thời “cách mạng phóng tay phát động quần chúng” đến nay – có lẽ – chưa bao giờ tắt (hẳn) ở rất nhiều nơi, tại Việt Nam.
Sài Gòn may mắn không phải là một nơi như thế. Vùng đất này không từng trải qua những năm Cải Cách Ruộng Đất (“nung nấu căm thù, nóng rực như vòng lửa”) như tỉnh Nghệ An. Có phải nhờ vậy mà người dân “cởi áo cho kẻ trộm mặc chống lạnh,” thay vì đánh cho đến chết rồi mang đi đốt?
Nhắc đến Sài Gòn, tưởng cũng nên đọc lại vài dòng bút ký của anh Ba Sàm:
“Sau 1975, có những thứ mà Sài Gòn, miền Nam làm cho hắn rất lạ và không thể quên. Một đêm, chạy xe máy về nhà (ông cậu), tới ngã tư đèn đỏ, ngó hai bên đường vắng hoe, hắn rồ ga tính vọt thẳng. Bất ngờ nghe bên tai tiếng thắng xe cái rẹc, liếc qua thấy ông lão với chiếc xích lô trống không. Quê quá, phải dừng theo!
Nhiều năm sau, ở Hà Nội, những ngã tư đông đúc như Tràng Tiền-Hàng Bài, ngoài một chú cảnh sát đứng bục, thường phải thêm có 4 chú cầm gậy chặn bốn phía, lùa, đuổi mà cũng không xuể.
Lên xe bus, xe đò trong Nam luôn cho hắn những cảm giác thích thú để quan sát. Đủ các hạng người, mà sao không chen lấn, cãi vã. Khách nhường ghế cho nhau, thăm hỏi, chỉ đường tận tình (những thứ mà cho đến hôm nay, trên xe bus Hà Nội, người ta phải ghi lên tấm biển to đùng, thành ‘Nội quy’). Lơ xe lăng xăng xách, buộc chằng đồ cẩn thận cho khách, nhảy lên mui, đeo bên thành xe la nhắc người dưới đường cẩn thận.”
Thảo nào mà hôm rồi ông Chủ Tịch UBND Nguyễn Thế Thảo “than phiền về thái độ văn hóa ứng xử nơi công cộng của người dân thành phố, và “mong người Hà Nội ra đường trật tự như TP HCM.”
Chớ người Hà Nội “ứng xử nơi công cộng” ra sao mà mang tiếng dữ vậy cà? Xin đọc một đoạn văn khác của một nhà văn (vốn) gốc Hà Thành:
“Sắp đến ngày kỷ niệm Quốc khánh mùng 2 tháng 9, cả Hà Nội bừng sáng trong rừng khẩu hiệu và cờ hoa… Nơi các cửa hàng thịt cá mậu dịch người ta niêm yết trên bảng thông cáo: Các ô sổ phụ của phiếu thực phẩm tháng Chín bán cá bể, mỗi hộ được mua hai ký cá ngoài tiêu chuẩn để ăn mừng quốc khánh…”
“Cá bể chưa về. Thế mà có mấy người chầu chực sắp hàng từ năm giờ sáng. Trời vào thu rồi mà vẫn nóng, đám người chờ mua đông đặc không ra hàng lối gì. Mồ hôi, mồ kê nhễ nhại…vừa lúc đó, thốt nhiên bên kia đường bật lên tiếng reo lớn:”Cá về! Cá về!…”
Lúc đó thì không còn hàng lối gì nữa, mọi người chen chúc xô đẩy nhau, ý ới gọi nhau. Từng lớp sóng người dồn lên rồi lại dạt xuống, khiến không còn chỗ cho những bà mậu dịch viên đổ hàng. Thế là lại phải giải thích cho mọi người lùi lại, nhường cho một khoảng trống. Có đến hai mươi phút sau cá mới được đổ xuống vỉa hè, chả cần thau chậu gì ráo. Và lũ ruồi đánh hơi mới tài làm sao! Chỉ loáng một cái chúng đã kéo đến hàng đàn, bám đen lên đống cá. Tôi không đủ can đảm để giữ tư cách nữa, cứ thế mà chen đẩy theo sức lực của mình. Đứng trước tôi là một thằng bé, không hiểu bằng cách nào mà len lỏi tới trước được, nhưng cũng khổ cho nó, mỗi khi đợt xô đẩy dồn tới là nó lại bị đè ngã vào đống cá …” (Thế Giang. “Lộc Thánh”. Thằng Người Có Đuôi. Costa Mesa, CA: Người Việt, 1987).
Chuyện “xô đẩy” vì vài con cá, vài lạng thịt của người dân Hà Nội – năm xưa – có ảnh hưởng (ít nhiều) chi đến “văn hóa ứng xử nơi công cộng” của họ hôm nay không? Và “ảnh hưởng” (hay “di sản” hoặc “di hoạ”) này, mai hậu, “sẽ cần bao nhiêu lâu để vượt qua” là một trong nỗi bận tâm của nhà văn Phạm Thị Hoài:
“Chúng ta thử hình dung, một ngày nào đó không xa, trong vòng một thập niên tới, Việt Nam sẽ chuyển thành công từ thể chế độc quyền dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam sang dân chủ đa nguyên, với nhà nước pháp quyền dựa trên tam quyền phân lập, với tự do tư tưởng và ngôn luận, tự do hội họp và xã hội dân sự.
Khi đó, cái di sản kéo dài gần ba phần tư thế kỉ ở miền Bắc và gần một nửa thế kỉ trên toàn quốc đó sẽ đặt chế độ mới trước những thử thách nào?
Xã hội Việt Nam sẽ cần bao nhiêu lâu để vượt qua di sản đó?”
Nhà văn Phạm Thị Hoài không phải là người duy nhất có nỗi lo âu (bao la) cỡ đó. Trước đó, trong tác phẩm Di Sản Mác Xít Tại Việt Nam – xuất bản vào năm 2002 – giáo sư Đỗ Mạnh Tri cũng cũng đã … cầm đèn chạy trước ô tô một đoạn rất xa:
“Học thuyết Mác sẽ để lại gì trên đất nước Việt Nam ? Có chút tương lai nào cho học thuyết đó ? Nói rộng ra, tương lai nào sau khi độc tài toàn trị chấm dứt ?
….
Nhưng chôn hay không chôn, dù sao ông Mác cũng di tản vào Việt Nam rồi…. Vào với tất cả hành trang lỉnh kỉnh của ông, của con cháu và tổ tiên ông…. Cũng như mấy thế kỷ trước đây đạo Kitô và trước nữa, Khổng, Phật, Lão. Dù muốn dù không, Mác đã thuộc phần gia tài của người Việt. Trong gia tài có thể có nợ. Kể cả nợ máu.
Làm gì với gia tài đó ?
Dù muốn dù không, Mác và những bóng ma của Mác đã và đương ám ảnh người Việt từ hơn nửa thế kỷ nay. Dù muốn dù không, nhân danh Mác hay nhân danh chống Mác, người ta đã làm nên ức triệu những con ma, những oan hồn từ đây sẽ luôn luôn quyện vào lịch sử dân tộc.
Hồn những kẻ đã nằm xuống nơi rừng núi, trong hầm sâu, nơi đồng ruộng, trong những trại giam, trong bụng cá, tại những đài tử sĩ đã bình địa vì thuộc bên này hay vẫn còn đó nhưng mốc meo không ai dòm ngó vì thuộc bên kia. Còn phải kể tới hồn những kẻ chưa sinh ra nhưng rồi đây sẽ phải gánh lấy gia tài đó…”
Cái đầu (bò) của một anh thường dân vớ vẩn như tôi khó có thể thể hình dung ra được (mai sau) “những kẻ chưa sinh ra nhưng rồi đây sẽ phải gánh lấy gia tài” của XHCN ra sao? Tôi chỉ có chút kỷ niệm (không vui) liên quan đến Marx và đứa con gái út của mình.
Khi cháu chừng mười hai hay mười ba gì đó, một hôm thay vì mua quà sáng cho cháu, tôi bảo nó xuống xe vào tiệm mua lấy theo ý mình đi. Mấy phút sau, con bé đi ra tay không:
- Con ghét người Việt Nam, con ghét người Việt Nam. I hate Vietnamese, I hate Vietnamese!
Mặt cháu đỏ bừng vì ngượng ngùng và tức giận khiến tôi ái ngại:
- Chuyện gì vậy con?
- Con đứng xếp hàng nhưng mấy người đến sau cứ chen lên trước nên con đợi mãi cũng chả đến lượt mình.
Cháu chào đời và lớn lên tại California nên không biết rằng những ông bà, cô dì, chú bác … khách hàng trong tiệm giò chả này phần lớn (cũng y như chính bố nó) đều là những thuyền nhân. Họ đã bán tống bán tháo hết cả gia sản, bỏ của chạy lấy người, đâm xầm ra biển, xô đẩy chen lấn và sẵn sàng đạp lên nhau (nếu cần) chỉ để mong có thể dành được một chỗ trên một con thuyền ọp ẹp và mong manh nào đó. Người nhanh chân chưa chắc đã sống nhưng kẻ chậm chân thì chắc chết, chết chắc.
Kinh nghiệm hãi hùng này vẫn còn in đậm trong tâm trí và cách hành xử của rất nhiều người tị nạn C.S. nên cứ thấy đám đông là là họ chen liền, như một phản xạ tự nhiên, cho nó chắc ăn – dù chỉ để mua và cái bánh giò, hay mấy cân chả lụa. Cá nhân tôi, đôi lần, cũng đã “chen xe” trên freeway một cách hoàn toàn vô thức (và ngu xuẩn) tương tự.
Thiệt khó mà biết “xã hội Việt Nam sẽ cần bao nhiêu lâu để vượt qua di sản” thổ tả này nhưng ý thức được rằng “chúng ta không thể xây dựng đất nước bằng cách phủ định thực tại Việt Nam … có Mác” (chắc chắn) sẽ giúp cho dân tộc này dễ thông cảm và bao dung với nhau hơn khi cùng chung tay xây dựng lại Việt Nam – trong tương lai gần.
© Tưởng Năng Tiến
© Đàn Chim Việt