Ba tôi đi bệnh viện
Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, một người đi mổ cả họ bệnh lây là hòan cảnh chung của những ai có thân nhân phải nằm bệnh viện, nhứt là người bệnh đó đã ở vào tuổi bát tuần, lại bị trở ngại về ngôn ngữ mặc dù phương tiện và dịch vụ y tế ở những xứ biết quý trọng sinh mạng con người như xứ Úc này rất là chu đáo chặt chẽ và tận tâm.
Bước vào thang máy để lên lầu hai thăm người cha đamg nằm bệnh viện, chị em tôi đã thấy có năm bảy người đứng sẵn trước mình, người nào người nấy đều có vẻ mặt bơ phờ mệt mỏi lo âu không khác chi mình. Ba tôi vào nhà thương mấy ngày trước và sáng hôm kia đã được giải phẩu về bệnh sưng tuyến tiền liệt. Năm nay ông đã 83 tuổi, lứa tuổi tuy đã “hết xài” đối với xã hội nhưng đối với gia đình, ông là người cha, là ông ngọai, ông cố vô vàn kính yêu, hiền lành như bụt, suốt một đời chỉ biết căm cụi chăm chút lo gia đình, thương yêu con cháu, một thâm tình cốt nhục bao la như trời biển mà chúng tôi có bổn phận phải phụng dưỡng báo hiếu cho đến ngày ông mãn kiếp lìa đời.
Từ khi qua Úc đòan tụ gia đình cho tới nay đã mười chín năm, một thời gian quá dài đủ cho một thế hệ trưởng thành, quá lâu để ông có thể thông thạo, hội nhập với xã hội và đời sống ở đây, một xứ sở xa lạ không phải là quê hương nói tiếng mẹ đẻ của mình. Nhưng vì lúc ban đầu ông không chịu học tiếng Anh, cũng không thích tham gia những sinh họat chung trong hội người gìa dù rằng ông là hội viên, lại cũng không có dịp gặp gỡ bạn bè đồng hương cũ. Ai đến thăm ông thì thăm còn không thì nhà ai nấy ở, hồn ai nấy liệu. Ngày ngày ông chỉ quanh quẩn trong nhà với má tôi, lúc còn khỏe thì đưa rước cháu đi học, thỉnh thỏang ra shop hớt tóc và mua chút nhu yếu phẩm gì đó, hoặc đi tản bộ lòng vòng quanh xóm cho có “exercise” rồi thôi. Những gì ông biết được về xã hội bên ngòai chỉ là qua chương trình phát thanh Việt ngữ đài SBS với những tin tức cập nhựt hằng ngày. Vì cách sống cô lập chẳng bao giờ tiếp xúc với ai mà ông mất hẳn niềm tin tự bảo vệ, ông cảm thấy rất hoang mang sợ hãi mỗi khi gặp phải chuyện gì xảy đến cho bản thân ông.
Cả tuần trước ngày mổ, chị em chúng tôi ba đứa phải cổ động tinh thần, trấn an ông hết lời, nói rằng nhà thương ở đây người ta làm việc rất cẩn thận đàng hòang chớ không phải như nhà thương ở Việt Nam bất kể mạng người, chết ai nấy chịu. Không cần mình yêu cầu, đòi hỏi hay dặn dò, người ta cũng chữa trị tận tình cho bệnh nhân theo đúng nguyên tắc và phương pháp của mỗi bệnh trạng. Tôi đem mớ kinh nghiệm những lần đi mổ nằm nhà thương nói lại cặn kẻ cho ông nghe chẳng hạn như trước khi vào phòng mổ, người ta sẽ kiểm tra lại tên tuổi, ngày sinh và bệnh trạng của mình. Sau đó bác sĩ sẽ gây mê bằng cách tiêm một mũi thuốc vào mạch máu hoặc chụp thuốc mê lên mũi. Lập tức mình sẽ ngủ mê ngay và khi tỉnh lại thì bệnh của mình đã được giải quyết xong hòan tòan. Có thể mình sẽ bị nôn mữa vài lần do ảnh hưởng của thuốc mê. Sau đó, nếu không có biến chứng gì, mình sẽ được đưa về phòng nằm tịnh dưỡng. Tối đến, nhân viên y tá sẽ thay phiên thăm chừng, đến đo nhiệt độ và huyết áp mỗi hai tiếng đồng hồ họăc cho mình uống thuốc nếu cần.
Nhưng ông vẫn cứ nơm nớp lo sợ, tinh thần ông suy nhược trầm trọng. Ông lo lắng đủ điều, sợ đau không biết làm sao nói, sợ xảy ra chuyện gì hay cần gì không biết làm sao diễn tả với nhân viên bệnh viện v v… Biết vậy cho nên trước khi ông nhập viện, cậu em tôi đã viết sẵn vào một tập giấy bằng song ngữ Việt và Anh những điều cần thiết mà có thể ông cần y tá giúp đỡ nửa đêm nửa hôm hoặc những lúc con cháu chưa kịp vào với ông.
Nhưng khổ nổi, tối hôm qua không biết ông lẩn thẩn thế nào, quên là mình mới mổ ngày hôm trước và còn đang nằm nhà thương, ông quờ quạng ngồi dậy định xuống giường. Nhưng vì ba cái dây nhợ chuyền nước biển và bọc chứa nước tiểu vướng vít chằng chịt làm ông lúng ta lúng túng vấp ngã, chừng đứng lên được thì cây kim ghim vào mạch máu chuyền nước biển bật sút ra làm máu me tuôn lai láng. Ông khụyu xuống sàn nhà bò lê bò lết quơ được cái khăn tắm quấn tạm lại cánh tay . Vừa lúc ấy may sao tới giờ y tá trực đến thăm bệnh thấy vậy vội vã đỡ ông lên rồi kêu người tới phụ băng bó. Từ đó ông không ngủ lại được, nằm trằn trọc cho tới sáng. Vừa hừng sáng ông đã gọi phone về nhà cho hay tự sự làm ba chị em tôi sốt vó cuống cuồng lên.
Đây đâu phải là lần đầu tiên ba tôi gọi về làm chúng tôi hết hồn như vậy. Trong đêm trước ngày mổ, vì quá lo sợ, ông bị khủng hỏang tinh thần gần như lng trí. Ông không ngủ được mặc dù đã được uống thuốc ngủ lúc đầu hôm. Ông cứ tưởng mình đang ở nhà, ngồi dậy đi tới đi lui rồi ra thẳng cửa phòng lần dò định đi xuống cầu thang. Các y tá thấy vậy sợ ông đi lạc mới dẫn ông trở vào phòng bắt ông lên giường nằm và kéo hai song giường lên chận giữ ông lại. Ông vùng vẫy kêu la khiến y tá không biết ông muốn gì phải gọi phone về cho cậu em tôi. Lúc đó là đã gần 12 giờ khuya. Cậu em sắp sửa đi ngủ thì nghe điện thọai reo vang. Bên kia đầu giây ông khóc ròng nói không biết là họ muốn làm gì mà quấn ông chặt cứng và nhốt lại trong giường không nhúc nhích cục cựa gì được hết. Ông nói ông thấy lạnh quá và muốn đi xả bọc nước tiểu mà người ta không cho đi. Cậu em phải giải thích với y tá rồi nói chuyện lại với ông già, nói ông hãy bình tỉnh, đừng lo sợ gì hết. Cứ kể như mình bị điếc. Mà điếc thì còn sợ súng gì nữa. Nếu ngủ không được thì cứ nằm nhắm mắt dưỡng thần dưỡng sức để ngày mai còn giải phẩu. Sáng mai cậu ta và nhỏ cháu sẽ vào sớm cho ông yên lòng trước khi vào phòng mổ và hai đứa sẽ ở lại cho tới khi phẩu thuật hòan tất xong xuôi.
Và lần thứ hai là ngay cái đêm vừa mới mổ xong. Gần nửa đêm, ông thức giấc vì vết mổ hành đau nhức, ông bấm chuông gọi y tá và lật sẵn trang giấy có viết câu “Tôi bị đau” rồi nằm chờ nhưng rủi thay cái chốt điện của cái buzzer không biết lỏng lẻo trục trặc thế nào mà các y tá không nhận được cú gọi nào của ông. Ông bấm liên tục mấy chục lần nữa vẫn không có ai tới cho nên ông lại kêu về nhà. Cậu em nghe ông già nói vậy mới nóng ruột nổi xung thiên gọi cho y tá trưởng hỏi sao ba tôi bấm chuông mấy chục lần mà không ai tới coi ông cả. Lúc đó mấy thầy cô y tá mới hớt hãi chạy lại phòng ông xem xét lại cái buzzer thì mới hay là nó bị lỏng chốt điện. Họ rối rít nói xin lỗi với cậu em và ông già.
Từ hôm ông nhập viện cho tới hôm nay là đã năm ngày, ngày nào chị em chúng tôi cũng chia phiên nhau có mặt ở bệnh viện với ông gần như suốt. Mỗi sáng sau khi đưa hai cháu ngọai đến trường, trên đường đi tới bệnh viện, vợ chồng chúng tôi ghé lại nhà cô em gái chở cô đi theo để cô ở lại chăm sóc ông. Ba tôi sống chung nhà với cô em gái cho nên cô rất hiểu rành tánh ý, thói quen của ông, có thể nuôi bệnh ông chu đáo hợp ý ông hơn là các cô y tá. Ông không ăn được đồ ăn của bệnh viện, nói chỉ nghe mùi thôi đã thấy muốn nhợn rồi. Vì vậy tôi có bổn phận lo thức ăn cho ông, ngày nào vào thăm cũng đều mang theo vài món coi ông ăn được món gì thì ăn. Buổi trưa khỏang gần 12 giờ thì hai vợ chồng chúng tôi đi về vì xế chiều còn phải rước cháu và lo nấu ăn. Tội nghiệp em gái tôi là cực nhứt, cô phải ở lại với ông cho tới chiều, cậu em đi làm về ăn cơm xong mới cùng vợ nó vào ở tới 9 giờ đêm. Công viêc nuôi người bệnh là một công việc cực kỳ nhàm chán uể ỏai và mất sức không thể tưởng. Nếu không vì muốn chia sẻ, an ủi tinh thần cho người thân của mình thì chắc không ai có kiên nhẫn chịu đựng ngày này qua ngày nọ trừ phi đó là nghề nghiệp do mình tự chọn. Người bệnh bất đắc dĩ phải nằm một chỗ đã đành chớ người không bệnh cứ phải xớ rớ theo bệnh nhân và lẩn quẩn trong phòng bệnh cả ngày không làm gì được tất nhiên sẽ cuồng tay cuồng chân, đờ đẩn từ thể xác đến tinh thần phát bệnh luôn. (Tôi đã có kinh nhgiệm này vài phen với ông xã và ngược lại ông xã cũng đã vất vả bao lần vì tôi mặc dù tôi nói không cần).
Và hôm nay cũng vậy. Lên đến phòng bệnh, thấy ba tôi đang ngồi dựa ở chiếc ghế bành, mặt mày nhợt nhạt, mắt lõm sâu thâm quầng, thần sắc mệt mỏi, tôi chạy lại bên ông hỏi:
- Hồi sáng này ba ăn được không? Con có nấu nouille (paste) với soup và cơm trắng thịt kho tiêu đem lại cho ba ăn nè. Ba muốn ăn liền một chút không, còn ấm ấm đây.
Lan, cô em tôi chen vào:
- Nếu không thì để trưa con hâm nóng lại cho ba ăn trưa luôn thể. Hồi tối ba làm sao mà cây kim văng ra vậy? Rồi chảy máu nhiều lắm hả ba? Để chút nữa anh Hai lên con nhờ ảnh hỏi bác sĩ trực coi như vậy thì có cần tiếp máu thêm cho ba không. Nhà thương tư gì mà làm việc bất cẩn quá. Hồi sáng con Dung (con gái tôi) nó nghe nói lại chuyện tối hôm qua ba liên lạc với y tá không được và thêm vụ chảy máu hồi khuya này, nó đùng đùng nói sẽ gọi điện thọai hoặc trực tiếp khiếu nại với ban giám đốc về sự lơ là tắc trách của nhân viên ở đây cho họ biết.
Ba tôi yếu ớt bảo:
- Tụi con nói với con Dung làm chi vậy. Con nhỏ đó nó nóng tánh quá đi. Tại mình xui xẻo chớ cũng không phải tại người ta hết đâu. Chuyện qua rồi thôi. Đừng làm lớn chuyện, gây xích mích làm gì, mìmh đâu có ở đời nơi này đâu.
Vừa lúc ấy, ông xã tôi cũng đã lên tới sau khi quần tới quần lui mấy vòng tìm chỗ đậu xe. Ông xã tôi chào ông già vợ:
- Chào ba, bữa nay ba thấy đở chút nào chưa? Hồi tối qua ba lại mất ngủ nữa hả?
Ba tôi lắc đầu:
- Đêm nào cũng xảy ra chuyện làm không ngủ được. Mình không biết tiếng nói của người ta thiệt khổ quá anh nó ơi. Có miệng mà cũng như câm, không hỏi không nói gì được với ai hết. Cứ phải chờ con cái vô. Không biết chừng nào tôi mới được về nhà nữa đây. Ở trong này một ngày nó lâu như một tháng. Ngồi đi anh nó. Làm phiền anh phải chở tới chở lui chị em nó mỗi ngày, tôi thấy ngại quá.
Ông xã tôi cười khóat tay :
- Có gì đâu ba. Chuyện đó là bổn phận của con mà. Ba yên tâm đi. Bệnh này là bệnh thông thường ở người lớn tuổi. Bác sĩ nói ca mổ thành công lắm, tối đa là ở nhà thương thêm ba bữa nữa để người ta theo dõi coi mình bài tiết nước tiểu bình thường lại thì sẽ cho về. Hôm nay là thứ sáu, con nghĩ chắc qua thứ hai tuần sau ba sẽ được về. Mà muốn vậy thì ba phải rán ăn uống và ngủ nghê nhiều hơn cho mau lại sức.
Lan như sực nhớ điều gì ái ngại nói:
- À, mấy bữa nay ba mình có vẻ như lẫn vậy đó anh Hai. Nhà tắm, toilet ở ngay trong phòng mà mỗi lần muốn đi vệ sinh là ba cứ đi thẳng ra cửa như đang ở nhà. Còn nữa, y tá căn dặn ba phải uống nước thật nhiều để thải hết chất độc trong bọng đái ra thì ba nói với Lan, “nếu vậy ba phải đi nấu nước chứa thêm mới được”. Rồi ba ngồi dậy tính đi nấu nước. Lan mới nhắc ba là mình đang ở nhà thương thì lấy cái gì mà nấu. Người ta có sẵn nước lọc cho mình rồi. Chừng đó ba mới nhớ ra hỏi lại “Vậy hả? ”
Ông già có vẻ bất bình lớn giọng:
- Ba đâu có lẫn, muốn kêu điện thọai cho ai ba cũng nhớ số bấm liền cái một, không cần coi sổ gì hết.
Tôi phân giải:
- Ba nói phải đó. Chắc tại thình lình bị vô nhà thương, ba chưa thích nghi hòan cảnh nên hơi xà bát lộn xộn đầu óc một chút vậy mà. Mà cũng không cần quen làm gì. Vài bữa nữa về nhà rồi mọi thứ sẽ bình thường như cũ thôi. Không có sao đâu.
Ông già gật đầu :
- Chị Hai con nói phải đó, để ba kể chuyện đời xưa cho tụi con nghe rồi sẽ biết là ba có lẫn hay không. Mấy đêm nay ngủ không được, nằm một mình trong này, ba ôn lại cuộc đời của ba từ nhỏ cho tới bây giờ, hết chuyện này tới chuyện nọ, giống như mình coi phim tập vậy đó. Nhớ hồi ba còn nhỏ, ông bà nội con rất nghèo, ba có bốn anh em. Bà nội thì ở nhà lo chuyện nhà và con cái. Ông nội làm “tổng khậu” nấu ăn cho một nhà máy xay lúa rất nhiều nhân công. Tiền lương ông nội chỉ đủ nuôi ăn cho vợ con, ngòai ra nếu bệnh họan hay có chuyện gí xảy ra thình lình thì phải đi vay mượn hay tìm cách nào đó. Tương lai rất bấp bênh. Vì vậy mỗi ngày đi học về mấy anh em ba phải đi làm mướn linh tinh chẳng hạn như lãnh bột về se bánh tằm hay tới lò bún phụ người ta chuyện lặt vặt. Chuyện gì vừa sức mình ba đều nhận lãnh thậm chí mấy thằng bạn con nhà giàu trong lớp mướn ba làm thủ công góp cho thầy, ba cũng làm luôn để kiếm thêm chút tiền phụ giúp gia đình.
Lớn lên, nhờ biết chữ, ba được giao cho công việc quản lý một nhà máy lúa gạo, hằng ngày chỉ cai quản công nhân, trông coi sổ sách chớ không cần phải lao động chân tay nặng nhọc. Có một lần thấy người ta đánh bạc thắng lớn, ba cũng nóng lòng làm giàu, tưởng dễ ăn, ba đem hết 2000 đồng dành dụm được nướng sạch vô sòng bài. Con biết không, thời đó tiền giấy có in hình bộ lư 100 đồng trị giá lớn lắm, một căn nhà xòang xòang ở được chỉ khỏang năm sáu trăm đồng thôi. Vậy mà ba thua tới hai chục tờ giấy bộ lư. Nghĩ lại thiệt tức mình sao ngu quá. Ba tiếc hùi hụi cả tháng trời mà không dám nói với bà nội con.
Ba tôi ngừng lại nghỉ mệt. Lan bưng ly nước cho ba uống và nói :
- Hồi con lớn khôn tới giờ con đâu có thấy ba đánh bài cờ bạc gì đâu. Ba sống đàng hòang mẫu mực lắm mà. Hàng xóm ai cũng quý mến nể trọng ba, coi ba như thánh sống vậy.
Ba tôi thở ra nói tiếp :
- Thì sau lần đó ba quyết chí bỏ hẳn. Cờ bạc là bác thằng bần, mà bần cùng thì sẽ sinh đạo tặc mấy hồi. Cũng may nhờ trời thương cho ba tỉnh táo, biết suy nghĩ thiệt hơn nên sau đó ba chí thú làm ăn trở lại và để dành tiền cưới vợ. Lập gia đình rồi thì ba càng có trách nhiệm nên càng không dám rớ tới con bài vì sợ rủi ro sẽ làm khổ cả nhà. Chỉ có vào dịp tết mới chơi vui một vài ván với bạn bè mà thôi. Ba còn nhớ hồi đó ngày hai mươi chín, ba mươi tết đối với ba nó rất là háo hức vì đó là ngày tính sổ cuối năm. Sau khi kết tóan sổ sách, biết năm đó công ty lời nhiều thì càng mừng vui hơn vì biết chắc rằng nhân viên sẽ được thưởng cho nhiều tiền. Thường thì ngày ba mươi tết ba chỉ đi làm nửa ngày. Làm xong ba vội vã về nhà tắm rửa rồi qua nhà ông chủ ăn bữa tất niên với gia đình chủ. Sau đó ông chủ duyệt lại sổ sách rồi chia tiền thưởng cho các nhân viên. Với số tiền hoa hồng đó, mọi người mới xúm nhau gài sòng đánh vài bàn lấy hên năm mới. Chuyện đó cho tới bây giờ là đã gần bốn mươi năm rồi và mặc dầu đang sống ở xứ Úc nhưng mỗi lần nghe cái bài hát “Câu chuyện đầu năm” là ba lại thấy nao nao nhớ tới những cái tết thời vàng son Việt Nam cộng hòa. Kiếp này đâu còn kiếm lại được.
Ba tôi lại ngừng kể. Ông xã góp ý :
- Chuyện mấy chục năm mà ba còn nhớ từng chi tiết như vậy thì nói ba lẫn sao được mà lẫn. Vậy ba còn nhớ chuyện đi đòi nợ không? Hai cha con mình cứ thỉnh thỏang chở nhau đi đòi nợ mà có bao giờ đòi được đồng xu cắc bạc nào đâu hả ba.
Ba tôi hớp thêm miếng nước rồi gật đầu:
- Nhớ chớ, làm sao quên được. Vừa thấy mặt mình là họ đã than con đau vợ bệnh thành ra mình đành ngậm miệng làm thinh. Họ cứ nói thông cảm cho họ, chờ một hai tháng nữa gặt lúa xong rồi sẽ thanh tóan cả vốn lẫn lời nhưng rốt cuộc thì lời không có mà vốn cũng mất luôn. Cũng bởi vì tôi xuất thân từ gia đình nghèo khó cho nên rất thông cảm với hòan cảnh những người thiếu hụt phải đi vay mượn. Tôi không phải là người chuyên môn cho vay ăn lời cắt họng người ta mà chỉ nghĩ làm phước. Ai biết trả thì tốt còn giựt luôn thì mình cứ kể như là mình thiếu nợ người ta kiếp trước, kiếp này người ta lấy lại thôi. Từ nhỏ có lẽ vì là con nhà nghèo cho nên tôi rất biết thân, lúc nào cũng nhún nhường hạ mình với người chung quanh, nhún nhường thôi chớ không phải là khiếp nhược. Dù về sau tôi làm ăn được. có cuộc sống khá giả hơn, tôi vẫn giữ bản tánh nhường nhịn hòa nhã, luôn đem chữ “nhẫn” và chữ “hòa” ra đối đãi với mọi người. Cái gì bỏ qua được thì nên bỏ, đừng quá cố chấp. Cố chấp thì người thiệt hại trước tiên là mình chớ không phải đối phương. Nghĩ kỹ lại thì hình như tới tuổi này tôi chưa hề gây thù kết óan với ai. Còn kiếp trước thì tôi không chắc.
Ba tôi nói đến đây thì một cô y tá bước vào thăm bệnh, lấy nhiệt độ và đo huyết áp. Cô chào mọi người và nói với ba tôi:
- You are so lucky handsome old man! You have your children all the time. (Ông cụ đẹp lão, ông có phước quá, luôn có con cái bên cạnh).
Ông xã tôi cười nói :
- Truyền thống người Á châu chúng tôi là vậy đó. Con cái có bổn phận chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ già nhứt là khi ốm đau bệnh họan. Chúng tôi ai cũng cố sắp xếp thời giờ thay phiên nhau có mặt bên ông thường xuyên cho ông vui và yên lòng dưỡng bệnh.
- Tinh thần gia đình người Á châu các ông thật đáng phục. Nếu dân Âu Mỹ được phần nào như người Á châu thì những ông bà cha mẹ già đỡ vất vưởng cô đơn biết bao. Tôi biết có nhiều bệnh nhân lớn tuổi ở đây, suốt từ khi nhập viện cho tới xuất viện chẳng hề có một người thân nào thăm viếng. Suốt ngày họ nằm chèo queo rất tội nghiệp . Ông cụ đây thật là may mắn. Thôi không làm phiền quý vị nữa, hãy tự nhiên trò chuyện tiếp đi. Xin chào.
Cô y tá đi ra. Ba tôi quay qua vợ chồng tôi bảo:
- Thôi tụi con đi về đi. Chiều còn đi rước hai thằng nhỏ nữa. Có con Lan ở đây với ba được rồi. Ờ mà nhớ cản con Dung, kêu nó đừng có thưa gởi gì hết đó nghe. Bây giờ ba đã không có sao, nó đi sinh sự thưa gởi mấy người y tá làm họ bị quở trách họặc bị đuổi việc thì mình không yên ổn lương tâm đâu. Ai cũng phải nhờ vào công việc để kiếm sống, nếu mình báo hại người ta mất chén cơm thì nặng tội lắm đó. Đừng vì ích kỷ muốn hả hơi mà làm chuyện bất nhân như vậy. Con về nói phải quấy cho nó nghe. Đời còn dài, còn gặp biết bao nhiêu chuyện bất mãn hơn. Đâu phải lúc nào mình cũng suông sẻ thắng thế đâu. Hôm nay mình bỏ qua cho người ta thì ngày mai người ta xí xóa cho mình. Khi người khi ta là vậy đó.
Tôi trấn an ba tôi:
- Ba đừng lo, để con nói lại với nó. Con rất hiểu đạo lý ở đời . Tụi nhỏ lớn lên ở xứ này không có được sự suy nghĩ như mình bởi vì bọn nó ít có dịp chịu khổ chịu cực và cũng vì ảnh hưởng tính khí bộc trực của dân Úc cho nên rất háo thắng, đụng đụng một chút là muốn làm cho ra lẽ, chuyện gì cũng muốn sòng phẳng thẳng thừng. Ngày mai thứ bảy, nó nói xế chiều sẽ vô thăm ba. Hay là ba dạy nó giùm con một chút đi. Dù gì nó cũng kính nể ông ngọai hơn con là má của nó.
Và quay sang cô em, tôi nói:
- Vậy anh chị về trước nghe. Bây giờ cũng sắp tới giờ ăn trưa rồi. Lát nữa người ta đem đồ lại, nếu có món nào ba thấy được thì nói ba rán ăn đi, tuy nó không hợp gôut mình nhưng đủ dinh dưỡng hơn thức ăn mình nấu. Hộp paste này nhiều lắm. Có phần cho Lan ăn trưa luôn đó. Lan hãy sớt một nửa ra mà ăn. Đừng có ăn ba cái biscuits và chips hòai, bệnh chết.
Lan gật đầu:
- Dạ, anh chị về đi. Sáng mai hai vợ chồng Lan vô buổi sáng, anh chị cứ đi chợ cho xong rồi trưa vào thế cho Lan. Còn chiều tối thì tới phiên hai vợ chồng thằng Tony. Cầu cho ba mình mau bình phục về nhà. Hổm rày Lan phải nhờ hàng xóm đưa rước hai đứa nhỏ đi học giùm, cũng phiền người ta lắm.
Ra khỏi phòng ông xã tôi nói:
- Bữa nay ông già nói chuyện nhiều quá, khác hẳn mọi lần, hồi nào tới giờ ba ít nói lắm mà, nhứt là nói chuyện tâm tình với con cái.
- Bởi vậy em thấy hơi lo. Khi một người có biểu hiện khác thường thì mình phải nghĩ tới đó là dấu hiệu báo trước chuyện gì đó sắp xảy đến cho họ. Nhưng mong rằng em nghĩ sai. Chắc tại ông già muốn chứng minh là ổng không bị lãng trí nên mới nói huyên thiên như vậy. Dù sao mình cũng phải chuẩn bị tinh thần lỡ như ba có chuyện chẳng lành. Đâu có ai lột da sống đời mãi. Mình đây còn chưa biết lúc nào ngã xuống, lúc nào ngủ luôn không thức dậy huống chi ba đã sống thọ tới tuổi này. Không biết ba còn được bao lâu nữa với mình…
Nói tới đây, tôi thấy nghèn nghẹn, mắt cay cay. Tôi vội cắm đầu đi trước dấu đi hai hàng nước mắt sắp trào ra. Đối với tôi, nỗi lo sợ lớn nhứt là mất mát, nhứt là mất mát người thân. Tôi rất sợ cảnh sinh ly tử biệt. Nhưng trên đời này có ai tránh khỏi quy luật đi, về, sinh ký tử quy?! Có sinh thì ắt có tử!
Kiếp người sinh tử, tử sinh
Tử sinh sẵn định lúc sinh ra đời
Mỗi người một vé khứ hồi
Ta đi đã mỏi đành thôi phải về
Đường trần quá đổi nhiêu khê
Một lần xe cuối xin về thiên thu…
© Người Phương Nam