WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Việt Nam, Cộng Hòa một cõi riêng

 

* Truyện của Ban Mai, tặng chị MVH, các bạn DCV và những ai từng ở Bataan.

Chúng tôi thoát chết trong cuộc vượt biên kinh hoàng và cuối cùng ghe dạt được vào bờ biển Philippines. Khi tỉnh lại mới biết Bang vẫn còn đang ngồi bên cạnh, nắn bóp cánh tay tôi. Vừa lơ mơ đã thấy Bang òa vỡ vui mừng. Bang cúi sát vào tai, nói nhỏ: “Mai, nhận biết Bang không?”. Tôi chớp mắt. Tôi nhớ như in khuôn mặt gầy rạc, hốc hác và quầng mắt sâu hoắm phờ phạt đó của Bang, giây phút mà tôi không bao giờ quên. Giây phút của ký ức!

8a_edit.232122048_std

Được Cao ủy tị nạn nhận rồi đưa về trại Bataan lập hồ sơ, Bang hỏi: “khai thế nào đây?” “khai riêng thì chắc Mai đi trước, còn Bang thuộc diện ‘con bà Phước’ [1] liệu sẽ về đâu?” Bang đáp: “lúc ở nhà, Bang chạy chọt, lén gửi được hồ sơ qua ngã bưu điện Sài Gòn đến Tòa Đại sứ Mỹ bên Thái Lan rồi, nên hy vọng sẽ được cứu xét nhanh hơn”. Tôi ngập ngừng: “nhưng…” Bang tiếp: “đã thoát đến bến tự do rồi… thì đi đâu và lúc nào cũng được…” “nhưng…” tôi lặp lại, vẫn cứ ngập ngừng. Đôi mắt Bang sâu lắng đậu lại trong mắt tôi. Bang hiểu.

Hai đứa quen vì học cùng trường, Bang trên 2 lớp, và chúng tôi chỉ chơi thân với nhau sau khi Bang ra tù. Những năm cải tạo đã biến một Bang công tử bột trở thành cương nghị. Một Bang mơ mộng “hoa sim tím… chiều hoang biền biệt…” nức nở theo từng nốt nhạc của tiếng đàn guitar trở thành thực tế và quyết đoán. Ngày trước thích cái tinh tế rất ‘Kim Trọng’ [2] bây giờ lại thích cái dứt khoát cương nghị của Bang. Hoàn cảnh xã hội thay đổi kinh hoàng đã lột xác từng cá nhân, trong đó có tôi. Bang tiếp: “vậy Mai muốn khai thế nào?”. Tôi phân vân, muốn gợi ý ‘ghép phom’ [3] nhưng bản chất ngại ngần tế nhị tự nhiên còn sót lại nên không nói ra lời. Bang hiểu, nheo mắt, tỉnh bơ: “đâu có được, vợ/chồng hồi nào đâu mà khai zậy?” Tôi đỏ mặt, đấm Bang trả đũa: “được ăn ké diện thân nhân bảo lãnh để khỏi làm ‘con bà Phước’ mà còn giả bộ”. Bang cười, cố tạo thêm điệu bộ rất đểu cáng: “chơi với nhau bình thường, rủ nhau vượt biên cũng bình thường… bây giờ tự dưng thành vợ chồng, thành ‘cục nợ’ có lạ không?” Tôi biết tõng ý Bang nhưng nhứt định trả đòn cho bỏ tức, liều: “có ngon thì chịu vợ chồng đi !”. Lời nói chưa dứt Bang nhào tới ôm chặt: “Ừa, thì ‘vợ chồng’ ngay bây giờ nghen !” Tôi vùng vẫy nhưng không thoát được nụ hôn cháy bỏng đầu tiên, rồi nước mắt bỗng trào ra. Bang chửng lại, ý ân hận. Tôi giấu mặt vào ngực Bang, im lặng. “Mai biết rõ mà, tình yêu tụi mình đẹp quá, mấy ai có được? Yêu mà không dám nói nhưng dám liều lĩnh vượt biên với nhau là tự hứa nguyện rồi, phải thế không?”. Bang tiếp: “Bang đã ‘bị hớp hồn’ từ ngày còn học chung trường nhưng không dám ngỏ lời vì lúc đó Mai có nhiều người trên cơ đeo đuổi…” Tôi bịt miệng Bang: “Thời đó giả bộ nghiêm chớ bộ, Mai thích nét ‘Kim Trọng’ của Bang, chỉ tại Bang ‘ngu’ nên hổng bít. Bi chừ cái ‘cục ngu’ cũng còn y nguyên đó, híc!”.

Hình như mỗi người sau khi vượt qua được trạng thái quá sức căng thẳng giữa sống và chết bỗng trở nên buông thả? Tôi chứng kiến rất rõ sự buông thả đó của nhiều người vượt biển, vì thế tình trạng bồ bịch lộn xộn, gãy đổ tại trại tị nạn xảy ra rất nhiều. Từ đó mới có chữ “ghép phom” (!) Và, có lẽ, chính tôi cũng không thoát khỏi? Vì bình thường tôi rất ‘mô phạm’, giáo sư đệ nhị cấp mà! [4]

JVA [5] phỏng vấn được suôn sẻ, có lẽ nhờ hồ sơ có sẵn của Bang nên không gặp trở ngại. ‘Vợ chồng’ tôi được sắp xếp ở chung một căn với đôi vợ chồng trọng tuổi, con bảo lãnh, ở đầu một dãy barrack, Vùng 5, chính giữa trại Bataan. Hơn 3 tháng lấn cấn sinh hoạt chật hẹp chung phòng, trước khi mãn khóa Anh ngữ căn bản, được ‘transit’ ra Manila để sang Mỹ, là sự lúng túng đầy lãng mạn của đôi tình nhân/vợ chồng. Ông bà cụ rất tế nhị, coi như con gái, cứ tũm tĩm nhìn tôi! Chính những nụ cười nhân hậu đó như khuyến khích ngầm gây hưng phấn nên tôi có vẻ bạo dạn? ‘Ăn vụng’ thì lúc nào cũng ngon hơn cơ mà! Cũng nhờ sự chật chội đó nên 2 đứa phải tìm nhiều dịp lãng mạn ngoài trời. Dòng suối hoang dã bên kia đường, nằm dưới thung lũng rất sâu như là khu vườn địa đàng của những kẻ yêu nhau. [6] Âm thanh rì rào không bao giờ dứt mà đêm vắng nghe rõ mồn một như là tiếng gọi mời. Và, chắc chắn, không phải chỉ là thế giới riêng 2 đứa tôi! Có điều mỗi lần xuống suối thì hăm hở nhưng tắm xong phải lần từng bước trèo lên con dốc ngoằn ngoèo, trơn tuột gần như thẳng đứng, dài hơn cây số, đến toát mồ hôi. Nhiều lần Bang đi phía sau dùng 2 tay đẩy vào mông giúp tôi ‘bò’ lên và cứ bị tôi la oai oái: “đừng có lợi dụng à nghen, coi chừng có người nhìn đó, mắc cỡ hông”!

Đến Mỹ chưa đâu vào đâu, đêm đó trên giường Bang cứ thói quen lãng mạn. Ghìm tay lại, nhìn vào mắt Bang để thăm dò, tôi xì tin: “dính rùi !”, nghĩ là ‘hung tin’ làm Bang giựt mình, ai đời anh bung dậy nhanh như phản ứng cái lò xo, mừng rỡ, vén áo ngủ nhìn chăm chăm vào cái bụng nõn nà thon thả của tôi rồi cúi xuống hôn ngay rốn, nói tỉnh bơ: “thiệt hông, anh mừng quá, con sẽ chào đời trong tự do!” Tôi thụi Bang thật mạnh: “phần mình chưa xong làm sao lo cho con đầy đủ được? Em lo lắm!” Bang ghẹo: “Lo gì nữa mà lo, hơn nữa em cũng ‘già khú khụ’ rùi, trễ quá hổng được. Cực trước, sướng sau!” rồi Bang giở giọng đặc sệt miền cực Nam ra: “zậy kiêng cử mần gì nữa? Xả láng à nghen”, nói dứt câu là nháo nhào, muốn nghẹt thở! Tôi hưởng ứng vì biết mình trẻ đẹp, phông độ, tự tin, tràn đầy sinh lực như Bang. Và, chính tôi cũng đang háo hức khởi đầu cuộc hành trình mới trong tự do.

Quăng lại sau lưng tất cả. Quên hết ngày tháng phải làm con vật của một thứ chủ nghĩa man rợ!

Đứa con trai kháu khỉnh ra đời. Chúng tôi chọn tên ViệtNam với mong muốn khi lớn lên, cho dù có là Mỹ 100%, cũng nhớ mình gốc là người Việt Nam. Ba năm sau sinh đứa thứ hai, con gái, tôi thích tên Hòa, vì hòa bình, hòa mình, hòa đồng, hòa nhã, an hòa… đều là những nét Việt rất đáng yêu của phái nữ, điều mà mẹ nó mong muốn nhưng không thể nào có được. Nghe thế Bang phán: “zậy tại sao không gọi là CộngHòa? Là tổng hợp mọi thứ ‘hòa’. Hơn nữa, ghép tên 2 đứa nhỏ lại thành tên của quê hương miền Nam mình trước kia?”

Thế rồi, lúc hai nhỏ mới vào High school, đời sống vừa ổn định thì Bang đột ngột ra đi, không bao giờ trở lại! Đau đớn nhưng tôi biết anh ra đi trong hạnh phúc vì trong tim anh là hình bóng vợ và 2 đứa con anh hết mực thương yêu. Việt Nam Cộng Hòa cũng là quê hương miền Nam yêu dấu trước năm 1975, nơi anh đã một thời đổ máu xương cầm súng bảo vệ.

Chiều nay, ôm đứa cháu út vào lòng ngồi nhìn biển hoàng hôn, tôi nhớ lại hơn mười năm trước. Ngày đó Bang và tôi cũng ngồi nhìn hoàng hôn, hướng về quê hương bên kia biển Thái Bình. Tôi nhớ như in giọng hát thật thê thiết, lãng đãng của một nữ ca sĩ… “bóng anh như cánh chim … xa ngàn khơi…” để nghe chiều rơi! Bây giờ, cũng màu cam thẩm hoàng hôn đó ở chân trời, cũng vài cánh hải âu lẻ loi… Tôi nhớ Bang, tha thiết muốn gọi tên anh. Con cháu như chợt hiểu ra, chúng vây quanh… bà bà má má níu tôi trở lại với hạnh phúc đời thường.

Mây sẽ tan đi, đời sẽ qua đi… như gió thoảng nhưng thương yêu vẫn còn đó. Và mãi mãi.

(2016)

Ban Mai

© Đàn Chim Việt

—————–
[1] ‘con bà Phước’ là tiếng lóng chỉ người không có thân nhân ở các nước sẽ được định cư, phải chờ các Hội thiện nguyện bảo lãnh.
[2] Kim Trọng, nhân vật chính của truyện Kiều, Nguyễn Du.
[3] “phom’ là form, hồ sơ.
[4] Thời VNCH, dạy bậc Tiểu học gọi là giáo viên, Trung học gọi là giáo sư. Đệ nhị cấp là học sinh phải đỗ xong bậc Trung học Đệ nhất cấp (lớp 9 bây giờ) học tiếp lên Đệ tam, Đệ nhị và phải thi đỗ Tú tài 1 mới lên đến Đệ nhất, thi Tú tài 2.
[5] JVA tên toán phỏng vấn người tị nạn của chính phủ Hoa Kỳ.
[6] Trại Bataan, theo thứ tự từ cổng vào là Vùng 9. Tận cùng là Vùng 1. Vùng 5 ngay chính giữa, nơi có con đường mòn dẫn xuống suối. Đường rất dốc, không có tam cấp. Barrack trong truyện nằm thẳng góc với đường chính. Khoảng giữa barrack đến đường chính là khu vực cung cấp nước, có mấy cây xoài sum suê.

25 Phản hồi cho “Việt Nam, Cộng Hòa một cõi riêng”

  1. Nguyễn Văn says:

    Mải đọc truyện Ban Mai quên cả nồi thịt kho gần cháy khét.
    Hay và đẹp, và cũng thật bất ngờ…

    Nhưng mưa đã tạnh, nắng đã lên và trời rồi lại sáng… Cuộc sống tha hương vẫn tiếp diễn, dù đời có đổi thay nhưng yêu thương kia vẫn không phai nhòa. Tình Mai cho Bang vẫn như ngọn sóng trào… Và mãi mãi.
    Cầu chúc Ban Mai luôn hạnh phúc với hai con và các cháu.

    nv

    • Nguyễn Trọng Dân says:

      Thưa, tưởng chỉ có mỗi mình mạt Dân đọc xong truyện tình của nữ sĩ Ban Mai thì bị té ghế, hóa ra còn có …Văn huynh!

      • Nguyễn Văn says:

        Thưa, nói như Dân huynh, đại khái ăn kho ăn mặn hoài khát nước nên cũng cần phải có canh.
        Người đẹp Ban Mai (cái này không phải nịnh đâu nhe mà người đẹp tự khai) có lẽ thấy bạn đọc còm hơi mặn nên có nhã ý đem canh đến cho mọi người thưởng thức. Cũng đã có vài vị thưởng thức canh hạ cơn khát. Cũng dzui. Lại có thêm beer thêm rượu cho riêng các bạn nhậu lại càng thêm dzui nữa. Cám ơn Ban Mai.

        Nhân tiện cũng xin gửi lời cám ơn ban biên tập ĐCV.info, đặc biệt là chị Mạc Việt Hồng, đã không ngại phiền lại còn bỏ công sức chiêu đãi bạn đọc nhiều món ăn tinh thần bao năm qua. Kính chúc chị Hồng và ban biên tập luôn khỏe và ĐCV luôn thăng tiến.

        Kính,

        nv

  2. Thắc-Mắc says:

    Lâu rồi không vào diễn-đàn. Hôm nay chợt vào, chợt đọc bài này. Thật, nửa thật, hay hư-cấu đi nữa, thì bài viết cũng đã khiến độc-giả nói chung bồi-hồi, cảm-động ! Chả trách NTrD không thể không phóng bút dệt ít vần thơ để đời. Cảm ơn tác-giả. Thăm NTrD.

    • Nguyễn Trọng Dân says:

      Thưa, thấy được vài dòng phản hồi là lòng mừng rồi….

  3. Ngọc Uyên says:

    Trích: “Ban Mai nắng rọi xuyên song/ Ngó người góa phụ nhớ chồng soi gương”

    Thơ hay! Đọc lên thấy hiu quạnh lẻ loi làm sao ấy! NTrD là đàn ông mà làm thơ như thế này thì chắc phải có tư chất rất thanh tao nhưng kín đáo tỉ mỉ khó đoán.

    Cám ơn chị Ban Mai. Gia đình tụi em cũng từ Bataan đi ra. Chúc chị an vui khỏe mạnh.

    • Nguyễn Trọng Dân says:

      Thưa, cám ơn đại tẩu quá khen- Người thật sự “có tư chất rất thanh tao nhưng kín đáo tỉ mỉ khó đoán.” trên diễn đàn này thì phải là…Đỗ huynh nhà ta. Nếu đại tẩu không tin thì có thể đối ẩm với Đỗ huynh vài phen cho biết. Mạt dân góc miệt vườn Gia Định, nhà quê thấy mồ!

      Kính -NTrD

  4. Tudo.com says:

    Bang-Mai một cõi riêng quá đẹp!

    Cầu nguyện Bang yên nghĩ

    Chúc Mai tâm bình yên

    Việt Nam Cộng Hoà yêu thương mải !

  5. phamminh says:

    Tác giả Ban Mai chắc không phải là còm sĩ Ban Mai thỉnh thoảng còm. trên DCV này chứ? Là ai cũng được. Chuyện dễ thương, bớt căng thẳng bởi những bài chính trị, bình loạn mệt óc, dễ phiền lòng dù trên mạng ảo. Có điều dường như “ghép phom” là chuyện hư cấu?

    Trại Bataan là PRPC (Philippine Refugee Processing Center). Nói là processing nhưng thực ra hồ sơ những người ở đây đều đã được chấp thuận đi định cư ở Mỹ hoặc Na Uy từ trại tị nạn trước đó. Đi định cư các quốc gia khác như Pháp, Úc, Canada v.v… không qua trại này. Ở đây người tị nạn được khám sức khỏe, học Anh văn và orientation về văn hóa đời sống ở Mỹ và chờ bên Mỹ hoàn tất thủ tục nhập cư trong đó có việc lo người bảo lãnh để giúp người mới đến không gặp khó khăn.
    Nhân vật Bang đã ở Bataan tức đã được đi Mỹ nên không cần phải ghép form mới có diện đi. Nếu cô Mai (t/g) muốn người yêu của mình cùng đi cho nhanh, đến Mỹ cùng địa chỉ thì chỉ cần báo cho thân nhân cô bên Mỹ sponsor giùm Bang, Hội Thiện Nguyện bên Mỹ không phải tìm “sponsor chùa” giùm Bang thôi. Muốn ghép form thì thực hiện khi mới thiết lập hồ sơ đầu tiên ở trại thứ nhất, trước khi phỏng vấn, theo chỗ tôi biết PRPC không làm việc ghép form, kết hôn.

    Tôi ở Palawan 6 tháng, làm ở phòng nhân viên và là một trong 3 thông dịch viên thay phiên nhau dịch cho JVA và ở Bataan 8 tháng nên có biết việc này.

    Tôi chỉ góp ý chia sẻ với tác giả và những ai đã từng sống ở Bataan về một chút kỷ niệm. Dù chuyện có hư cấu hoàn toàn hay một phần đâu có sao miễn là hay và cảm được.

    Tháng trước có đọc phóng sự và một số hình ảnh thuyền nhân trở lại Bataan xây lại mộ cho thân nhân đã chết ở đó mà chạnh lòng. Thấm thoát đã xa Bataan 34 năm.

    PM

    • Tudo.com says:

      @phamminh:

      -Nghe giọng văn đúng là chính hiệu con nai vàng. . .Ban Mai trên DCV.

      -”Ghép phom” là thật, là những người tự động vợ/chồng hay anh em con cháu vào một sổ gia đình trước khi JVA phỏng vấn.

      -Bataan mặc dù là PRPC (Philippine Refugee Processing Center) hay còn gọi là Transit Center nhận chuyễn tiếp dân tị nạn từ các trại ở Malaysia, Indonesia, Thailand. . . Tuy nhiên, nếu những thuyền nhân vào thẳng Phi (như Ban Mai) thì cũng được đưa vào đây và nhóm JVA ở đây làm việc trực tiếp.

  6. tonydo says:

    Hai cái nhầm chết người của tôi về Ban Mai:
    -Phải là một ông lão chống cộng đến hơi thở cuối cùng.
    -Văn chương chữ nghỉa thì cũng chỉ thường thường bậc trung, không hơn tôi mấy, vừa đủ để viết còm.

    Đọc hết bài, cố gắng kìm nước mắt. Nhưng đọc thêm bài thơ của ngài Trọng Dân, tôi không kìm được nữa. Tất cả những gì trước mặt đều mờ mờ, ảo ảo.

    Một kiếp người!
    Tôi bỏ xuống dưới nhà kiếm ly cafe. Lan man trong đầu; hình như cả cuộc đời này cũng mông lung, cũng bấp bênh, mờ ảo theo con thuyền định mệnh.

    Ban Mai ngừng với câu kết:
    (Mây sẽ tan đi, đời sẽ qua đi… như gió thoảng nhưng thương yêu vẫn còn đó. Và mãi mãi.).

    Tôi hiểu Nữ Sĩ không thể viết thêm được. Nhưng may mắn Trọng Dân tiếp lời:

    (Lời văn như gió thoảng qua …
    Thổi niềm nhung nhớ gần xa vào lòng.
    Ban Mai nắng rọi xuyên song,
    Ngó người góa phụ nhớ chồng soi gương.)

    (Mây sẽ tan đi đời nhiễu nhương
    Cuộc sống trôi qua, cũng lẽ thường
    Những cơn gió lạnh buồn heo hút
    Ôm cháu chiều tà nặng nhớ thương)

    Nhẹ nhàng tình tứ, mặc dù có nhiều cái “khí hơi qúa” với tuổi đời của chúng ta (Đẩy mông, bú rốn..v.v.) nhưng quả thật, bài viết hết sức sống động tình người.

    Xin cám ơn tác giả!
    (Chiều tà ôm cháu nhớ người
    Ôm bà nhớ mẹ, cháu cười ngây thơ)

  7. Nguyễn Kim Nên says:

    “Mây sẽ tan đi, đời sẽ qua đi… như gió thoảng nhưng thương yêu vẫn còn đó. Và mãi mãi.”

    Kính tặng chị tác giả Ban Mai: “Chỉ có tình yêu là thật trên cõi đời này.
    Tất cả những chuyện khác chỉ là ảo ảnh”

  8. Nguyễn Trọng Dân says:

    Thưa, chưa kịp chỉnh thì sơ suất nhấn lộn nút “submit”- xin phản hồi như sau

    Lời văn như gió thoảng qua …
    Thổi niềm nhung nhớ gần xa vào lòng.
    Ban Mai nắng rọi xuyên song,
    Ngó người góa phụ nhớ chồng soi gương.

    Xin kính – NTrD

  9. Nguyễn Trọng Dân says:

    Lời văn như gió thoảng qua,
    Đem theo nhung-nhớ; gần-xa vào lòng.
    Ban Mai nắng rọi xuyên song,
    Ngó người quá phụ nhớ chồng soi gương.

    NTrD

  10. Tran Vinh says:

    Ra đi ôm trọn niềm thương nhớ Tổ quốc Việt Nam Cộng Hoà

    Thương hoài ôi ngàn năm còn đó
    Đá mòn mà tình có mòn đâu
    Tâm tư thương hoài ngàn năm

Phản hồi