Ái Vân: Tiếng hát vượt trùng dương
Rồi từ giọng hát em chợt vút cao vút cao
một trời, một trời
Bài ca thánh đêm vang lên trong ngày dài
mệt nhoài một phận đời
(Từ Giọng Hát Em – Ngô thụy Miên)
20 tháng 4, một ngày đầu Xuân, không gian còn se sắt lạnh, trời chiều đượm nét trong xanh và nắng vàng còn vương vãi bóng trên những ngọn đồi, chưa chịu dãy chết trên thung lũng Hoa Vàng; khi tiết Thu còn vương vấn mà mùa Xuân đã vội vã bước qua. Dưới chân đồi Evergreen (Trường Xuân) ở cuối đường Tully tại một ngôi trang thất tiếng cười nói rộn rã bỗng dưng chợt im, khách thanh lịch theo tiếng mời gọi lũ lượt kéo nhau vào gian thất chính. Đã 8 giờ hơn, một giọng Huế (Quảng Trị) cất lên ở micro, nghiêm trang khẩn thiết, giới thiệu, mở màn cho một giọng hát trong sáng dâng lên cao, cuốn hút mời gọi một số người sao lãng hối hả vào bên trong.
“Mệt ghê, đi lạc một lúc, vừa đến góc đường thấy xe đậu đầy ngoài ngõ, không biết nhà nào thì chợt nghe tiếng hát cao vút dắt mình đi đúng ngay vào nhà!” Một người đàn ông thố lộ khi được hỏi sao đến trễ vậy. Ông ta thở ra một hơi dài như trút đi nỗi mệt nhọc của một chiều thứ Sáu bận bịu.
Ôi biết bao giờ ta đốt hết từng lời ca êm
mặn nồng trong tim muộn phiền
Người đem giá băng về trên tuổi đá buồn
(Từ Giọng Hát Em – Ngô thụy Miên)
Tiếng hát Ái Vân lại trỗi dậy, âm vang thoát ra không gian bên ngoài, ngây ngất. Dưới bầu trời xanh thẳm và trong vắt của một chiều Xuân, tiếng hát thanh cao lại vươn lên làm mê say những tâm hồn trong tầm nghe, bao phủ của nó, dường như họ đang tìm về giọng ca thánh thót của nàng, một tiếng hát trong trẻo dường như lúc nào cũng toát ra nét tinh anh, trẻ trung và thánh thiện của nó. Tối nay cũng như hàng ngàn buổi trình diễn ca nhạc khác trong đời của người ca sĩ Hà Nội thuần túy này, tiếng hát thanh tao đó lại quyện với ma lực quyến rũ người nghe cùng với vẻ duyên dáng mỹ miều của nàng đã thu hút hàng lớp thế hệ thanh niên xưa nay, giúp họ quên đi những tàn tích xấu xa đen tối của cuộc đời, của lịch sử, của những con người sa đọa trong chế độ vong bản, mang thảm họa diệt vong để tìm về nhân bản chân thiện mỹ của dân tộc.
Có lẽ đây là ý chí “vươn thoát” của nghiệp chướng con người mà Luật sư Nguyễn hữu Liêm – người đã có nhã ý đứng ra tổ chức buổi văn nghệ này – đã nói trong phần mở đầu, giới thiệu buổi ra mắt cuốn DVD: Hoa Hồng Ký Ức của Ái Vân: “Có bốn điều mà chúng ta có thể chia sẻ với ca sĩ Ái Vân: Lịch sử, Khổ đau, cái Đẹp và ý chí Vượt thoát. Trong DVD mà chúng ta sẽ được thưởng thức đêm nay, “Hoa Hồng Ký Ức” là một tập hợp của những ký ức, từ cá nhân Ái Vân, nhưng đi từ một lịch sử của một dân tộc phân ly, chia cắt, ngây thơ hồn hậu, bi đát nhưng đầy tình người trong tất cả những ai oán khổ đau, oai hùng và chấp nhận.”
Có lẽ vì vậy mà anh Liêm đã nhấn mạnh tính chất văn hóa nghệ thuật của buổi văn nghệ phi chính trị, đề cao sự thống hợp của mọi chính kiến: “một gặp gỡ của lịch sử và con người,” và trong tâm thức cởi mở đó của gia chủ, đã có sự hiện diện và phát biểu từ phía phải sang phía trái, của ông thẩm phán Phan Quang Tuệ, một người trung kiên với tinh thần quốc gia dân tộc và Tổng lãnh sự Lê Quốc Hùng, một người thuộc bộ phận ngoại giao của nhà nước Việt Nam. Thẩm phán Phan Quang Tuệ nói: “Tôi không ngại sự đối thoại… vì những điều tôi nói không phải là độc thoại…” cũng như ông ghi nhận tiếng nói của anh Liêm, một người tự đóng cho mình một dấu ấn rất trêu ngươi: “Từ Phía Trái” trên cột báo VTimes của mình. Ông Tổng Lãnh sự, nhận dạng được sức mạnh trưởng thành của nhiều người hải ngoại, thanh minh: “Tôi đến đây với tư cách một người bạn…” ông nhấn mạnh: “Chúng ta đến đây vì tình người cũng như vì cái đẹp trong tiếng hát của Ái Vân, một người mà tôi đã quen từ trong nước hơn ba mươi năm nay.”
Nói chung hai ông, đại diện cho hai thái cực, không khác gì nhiều nhân vật có mặt đêm đó, họ đều ở những mức độ chịu đựng, chấp nhận chính kiến đậm nhạt hay đối chọi khác nhau. Tất thảy được quy tụ vì tiếng hát của Ái Vân, muốn được xem, chúc mừng và ủng hộ Ái Vân trong buổi ra mắt DVD Hoa Hồng Ký Ức của nàng. Đây là một điểm son hiếm có của một cuộc hợp quần của cộng đồng Việt Nam, thiết tưởng cần có nhiều hơn. Ái Vân trong vai trò của một người nghệ sĩ dân tộc (xin minh định ở đây không đồng nghĩa với danh xưng “nghệ sĩ nhân dân” được ban phát) mà nó nói lên tinh thần quốc hồn quốc túy của một ca sĩ hát được tiếng hát kết nối hai miền Nam-Bắc. Bởi lẽ một người nghệ sĩ thuần túy ở một góc độ nào đó cần đến với nghệ thuật, với quần chúng hơn là đương đầu với chế độ cầm quyền.
Cái khó là làm sao họ đến với dân tộc, với đám đông trong và ngoài nước bằng ca nhạc, hiểu được, xoa dịu được nỗi đau của đồng hương trong cuộc sống mà không bị nhà chức trách làm khó dễ vì tư duy hay lập trường của mình. Trong một hoàn cảnh lý tưởng, khi mọi chuyện đều bình đẳng, thiết nghĩ chuyện nghệ thuật phải được tách rời khỏi chính trị và nghệ sĩ phải có chỗ đứng độc lập với nhà nước và chính giới. Buổi trình diễn hôm thứ bảy đã có nhiều thành công trên mặt nghệ thuật. Nhất là có sự hiện diện của cây saxo điêu luyện của anh Trọng Khôi và anh Lê Vân, keyboard. Theo tôi nền tân nhạc Việt-Nam được có được chỗ đứng của nó hôm nay một phần nhờ sự hổ trợ của các nhạc sĩ và nhạc cụ của họ. Tiếng hát của ca sĩ thật sự được sống dậy với tiếng kèn và piano êm ái.
Ái Vân cho biết cái khó khăn khi thực hiện cuốn DVD này, vừa thâu trong nước vừa mix lại ở hải ngoại, phải bay qua về nhiều lần. Là một ca sĩ có xu hướng hát những bài nhẹ nhàng, du dương cũng như một số nhạc truyền thống, Ái Vân vượt thoát được hệ lụy thường tình của sự phân cách, không chỉ quen thuộc với một điệu hay thiên về một thể loại yêu thích nào. Tuy đa phần nàng chọn hát tân nhạc, Ái Vân vẫn óng ả, yểu điệu trong những bài dân ca miền Bắc, nhưng có lẽ một điều làm cho nhiều người yêu thích chính vì nàng có thể ca những bài cải lương rất mùi. Đúng vậy bài đầu tiên nàng trình bày chiều thứ Bảy là một bài trong tuồng Cải Lương cổ truyền nổi tiếng: Dạ Cổ Hoài Lang của Cao văn Lâu.
Người xem được thưởng thức một clip (đoạn) của tuồng này trong DVD Bông Hồng Ký Ức, được hai vợ chồng trình chiếu trên một màn ảnh dẹp (flat screen) bằng tinh thể lỏng, cắm qua máy vi tính và mixer cùng với một căp loa JBL hạng nặng. Tuy có những lúc điều động không được ăn khớp lắm, người xem thấy Ái Vân rất rành rọt với vai trò đạo diễn cũng như chuyên viên kỹ thuật, một tay cầm micro hát, một tay nàng trổ, điều khiển chồng và mixer, và lâu lâu lại trách yêu chàng không nhanh nhạy đổi bài cho kịp với chương trình cô hát.
Cứ thế, Ái Vân chuyển sang bài kế tiếp Nhớ Mùa Thu Hà Nội của trịnh Công Sơn, một bài hát rất hay thể như nói lên vẻ đẹp của Hà Nội và chính mình, người con gái của Hà thành. Xong Ái Vân kể chuyện Triệu Bông Hồng, một truyện thật của một chàng họa sĩ nghèo của Nga thuộc thành phố Tbilisi, ngày xưa yêu một cô ca sĩ thích bông hồng. Một buổi sáng kia, khi nàng thức dậy mở cửa sổ đón ánh ban mai thì thấy cả triệu bông hồng trải đầy trước cửa nhà mình. Thì ra chàng họa sĩ nghèo đã bán nhà để mua hoa tặng người mình yêu. Có phải là hiện thân của Ái Vân không, vì trong chuyện cũng như trong video của DVD mang tên Bông Hồng này, Ái Vân thức dậy trong một phòng ngủ đầy ắp đủ loại bông hồng khoe tươi màu sắc. Rồi đến bài Ngậm Ngùi của Huy Cận, Hà Nội Mùa Này Vắng Những Cơn Mưa. Ái Vân kể lại những kỷ niệm về bố mẹ, mà nàng gọi bằng ba má, về thời thơ ấu ở Hà Nội của mình. Rồi hát một bài rất nên thơ dễ thương, thịnh hành ở Sàigòn vào thập niên 60, bài Bảy Ngày Đợi Mong.
Đến phần giải lao, dành cho những ai muốn tình nguyện lên hát, Trương Gia Vy, chủ nhiệm báo Việt Tribune, đóng vai đốc thúc, vừa nói khích vừa hô hào chủ nhà – ca sĩ Chế Liêm (tức là Nguyễn hữu Liêm) chuyên trị Boléro – lên hát bài Nó Và Tôi, chậm nhẹ và truyền cảm. Sau đó, người xem được nghe một tiếng hát bất ngờ của đấng lang quân của Ái Vân, anh Nguyễn Lê Tiến. Anh lại cả gan hát lại bài Nhớ Mùa Thu Hà Nội của vợ mình vừa hát, cùng với bài Diễm Xưa. Anh hát không dở, giọng cũng ấm, bị vợ dọa sẽ nghỉ hát cho anh đi hát thế! Trong dịp này, nhiều người đã xếp hàng mua DVD (và CD) lấy chữ ký ủng hộ. Tổng cộng có trên 150 người đến dự buổi ra mắt DVD của Ái Vân.
Đến phần hai, Ái Vân trở lại với các bài Bài Tango cho Em nhịp nhàng; Đêm Ả Đào, với tiết tấu bi ai cổ truyền; Đừng Xa Em Đêm Nay, bài này Ái Vân hát rất ư là mời mọc, trêu chọc các anh, các ông, kể cả các cô cũng hứng tình. Nàng trà trộn với người nghe, đưa micro cho nhiều người phụ họa. Xong lại chuyển sang một bài ray rứt chậm rãi, nỉ non, và tỉ tê hơn: Người Ở Đừng Về. Sau đó, chương trình chấm dứt, dành chỗ cho hai cặp nhạc sĩ ca sĩ Tú Minh-Trần Quảng Nam, rồi đến các ca sĩ cây nhà lá vườn của San José, kéo dài đến gần 12 giờ khuya.
Tâm Tình Với Ái Vân
Ngày chủ nhật sau buổi trình diễn, tôi có dịp nói chuyện với Ái Vân, một người dường như lúc nào cũng giữ mãi nét đẹp tươi trẻ của thời xuân sắc. Bất chấp cuộc đời thăng trầm và chuyện tình yêu trắc trở, sau vài lần bắt đầu lại, không hiểu cô có đến với tình yêu như thuở ban đầu không? Đối với tôi, cô có vẻ như vẫn còn nét ngây thơ của một nữ sinh hồn nhiên và vô tư, vẫn không hề hấn sa sút gì qua những trải nghiệm trầm luân của cuộc sống. Người ta có cảm giác cô mang nét hồn hậu ngây thơ vào trong bài hát của mình, lúc nào cũng một giọng hát, một giọng nói đó, dễ thương và thánh thót, thu hút được người nghe, chiếm được cảm tình của số đông. Năm 1990 cô sang Đông Đức, lấy chồng năm 1991 ở Tây Đức. Có lẽ cô là một ca sĩ miền Bắc đầu tiên sang Mỹ vào năm 1994 (Ái Vân chữa tôi, bảo rằng có một ca sĩ miền Bắc – cô Huyền Châu – sang Mỹ năm 1980, mới chính là người đầu tiên, hình như cô có làm emcée cho Paris By Night thứ 18)
H: Ái Vân có thể cho đọc giả biết qua về thân thế và gia đình mình không?
Ái Vân: Vân tên thật là Hà Thị Ái Vân, là người con thứ 9 trong một gia đình có 11 người con, 6 gái, năm trai. Ba của Ái Vân là Hà Quang Định, nhà làm phim kỳ cựu, nếu không muốn nói là người tiền phong trong ngành điện ảnh Việt Nam, ông bắt đầu làm phim từ năm 1953. Má là nghệ sĩ Cải Lương Ái Liên, hát cải lương và tân nhạc…
H: Tôi lấy làm lạ, chị là Bắc Kỳ chính cống, vì sao lại gọi bố mẹ là ba má?
Ái Vân: (cười rất duyên dáng) Mẹ Ái Vân sinh hoạt với một gánh Cải Lương Nam bộ tập kết từ trong Nam ra Bắc nên quen cung cách đối xử thân tình không khách sáo của người Nam, ăn uống cũng bỏ chuyện mời chào, không bắt ne bắt nét như các gia đình Bắc cổ. Có nhiều diễn viên trong gánh hát là người Nam hay đến nhà chơi coi mẹ là má nuôi và ngược lại ba mẹ cũng rất yêu quý bạn bè Nam của con cái nên nhận họ làm con nuôi, vì thế Vân bắt đầu quen gọi bố mẹ là ba má từ đó…
H: Có phải do vậy mà Ái Vân hát cải lương rất “mùi” không?
Ái Vân: Vì mẹ là người đảm trách gánh cải lương nên Ái Vân và em ̣là Ái Xuân rất mê Cải Lương. Má Vân chê Vân hát cải lương không ‘mùi’, cứ như Tây hát , xuống 6 câu vọng cổ không hay bằng cô em là Ái Xuân, nhưng Vân vẫn mê Cải Lương. Hai chi em rất thích các vai hoàng tử và công chúa lộng lẫy trong các vở tuồng cải lương, thấy đồ lấp lánh là mê rồi. Có lần hai chị em thấy các tài tử cắt tóc ngắn ngang vai, thích quá cũng rủ nhau cắt tóc ngắn, tóc thề đang dài đẹp mà cắt lổm chổm cứ như bị thương hàn…về nhà bị ba má phạt bắt quỳ úp mặt vào trong tường.
H: Ái Vân bắt đầu hát từ năm nào?
Ái Vân: Năm 7 tuổi Vân ở nhà nghe mẹ hát, sau đó đi hát với Nhà Hát Đoàn Kịch Nói Trung Ương. Năm 15 tuổi, Vân học chuyên nghiệp về thanh nhạc và âm nhạc ở Trường Âm Nhạc, ngày nay gọi là Học viện Quốc Gia Âm Nhạc Việt Nam ở Ô Chợ Dừa Đống Đa, Hà Nội cách nhà ở số 3638 Phố Huế 3 cây số, cứ 7 năm trời như thế bắt tội ba phài đèo xe đạp cho con đi mỗi ngày bốn bận vừa đi vừa về 12 cây số. Ngày nào cũng đi qua đường Cô Đầu, nay gọi là đường Khâm Thiên nối dài đến Nguyễn thượng Hiền, đến Ô Chợ Dừa. Ngày nào ông cũng pha nước chanh mang đến trường cho con.
H: Qua câu chuyện, Thái Anh thấy và hình như Vân có nói ông cụ thương mình nhất?
Ái Vân: (nói chữa thẹn) Ba yêu tất cả những người con, nhất là những người nối nghiệp (cầm ca của) má. Ông rất trân trọng nghệ thuật, thương yêu các con tìm mọi cách để tạo điều kiện, chăm sóc cho con. Ông thường bảo Vân: Con hát thì phải biết đàn mới giỏi được. Thuở nhỏ, có lần ba tìm được một thân đàn, lấy vỏ bầu, rồi rút dây phanh (thắng) xe đạp làm đàn bầu cho con tập hát.
H: Thế thì quả là cụ thương con quá rồi! Lần cuối Vân gặp ba là năm nào?
Ái Vân: Năm 2006, khi Vân về thăm và đóng vở kịch Kim Vân Kiều có đến mấy trăm người tham gia. Lúc đó cụ rất minh mẩn và xởi lởi, vẫn say mê các con mình. Sau đó, khi Vân đi rồi thì ba Vân mất, khoảng đầu năm 2007. Vân nhớ mãi lời ba nói với mình: Khi nào con giàu thì làm một cái vườn trong nhà, đặt tên là Villa (biệt thự) Triệu Bông Hồng.
H: Ái Vân trúng giải quốc tế năm nào, có thể cho khán giả biết về bối cảnh cuộc thi này không?
Ái Vân: Dạ năm 1981 ạ. Lúc đó Công Hòa Dân Chủ Đức ở Dresdan tổ chức Nhạc tình Quốc tế lần thứ 11, Việt Nam tham dự lần đầu tiên. Vân hát một bài Việt Nam ‘Bài ca Xây dựng’ của nhạc sĩ Hoàng Vân, và một bài của Đức “Mặt Trời Chưa Bao Giờ Mọc Như Vậy Cả” Cuộc thi được tổ chức trong 3 đêm. Vân trúng được hai giải Grand Prix (Giải Lớn) và một giải ca sĩ được khán giả yêu thích nhất, giải này được khán giả bình chọn, bằng cách xé tên các ca sĩ và diễn viên được in trên vé và bỏ vào thùng phiếu.
H: Ái Vân có thể cho biết bí quyết làm thế nào để tươi trẻ mãi không?
Ái Vân: (cười to) Vân mà trẻ gì, trông vậy chứ ‘trong héo ngoài tươi’ đấy!
Về cuốn DVD Hoa Hồng Ký Ức
H: Ái Vân có thể cho biết phải tốn bao nhiêu thời gian để thực hiện DVD Hoa Hồng Ký Ức này? Cũng như những chuyện khó khân trong khi quay DVD này?
Ái Vân: Dạ thưa anh cả thảy là 19 tháng. Chúng em, đạo diễn cũng như các chuyên viên trong êkíp (đoàn) đã chuẩn bị từ lâu, đến tháng Sáu 2007 thì bắt đầu và hoàn thành vào tháng Giêng 2009. Khỏi nói thì anh cũng biết, thường thì thực hiện một cuốn DVD rất tốn kém và khó khăn, nhưng mà đặc biệt cuốn DVD này, Ái Vân muốn có một chương trình thật vừa ý, thật quy mô từ màu sắc, hình ảnh và ấn tượng, kết hợp những gì tốt đẹp nhất…
H: (Tôi cắt lời) Để đời phải không?
Ái Vân: (Cười) Dạ không dám để đời, nhưng có lẽ đây là một chút gì của mình…một kỷ vật để lại trước nhất cho mình và bạn bè và sau đó cho những người yêu thích, hâm mộ mình…
H: Ái Vân mong mỏi, muốn gói ghém gì qua cuốn DVD này?
Ái Vân: Mình muốn có một cái nhìn tổng hợp về đời mình, một cái nhìn cả về thời gian mình đã trải qua, một câu chuyện tóm tắt, kể lại một cuộc sống tình cảm qua âm nhạc. Vân đeo đuổi và thực hiện được DVD này vì có sự khuyến khích cổ vũ của chồng, của bạn bè, công ơn sinh thành của ba má
H: Xin lỗi Ái Vân, tôi trở lại với những cái khó trong khi quay phim DVD này…?
Ái Vân: Trước nhất phải tìm các đạo diễn mà mình tin tưởng có thể cảm nhận được điều mình mong muốn chứ không chỉ làm theo ý của họ, rồi sau đó, để huy động được các dàn nhạc giao hưởng, cũng như các diễn viên hợp ý không phải dễ. Vân phải đi về Việt Nam (từ Mỹ) 4 lần nhiều khi vì không gian xa xôi cách trở muốn thay đổi một chuyện gì rất khó, thí dụ như phần audio (âm thanh) thâu ờ Hà Nội phải gởi vào trong Nam để hát bè. Nhiều khi thâu xong ở Việt Nam phải gởi qua Mỹ để mix lại. Mà phải gởi Fedex (cấp tốc) tốn cả trăm đôla mỗi lần. Thời gian muốn hoàn thành một scene nào rất lâu, đòi hỏi mình phải hết sức tận tụy… Thí dụ như lúc quay ở Thủ Đức, Vân phải ngâm mình trong bồn nước (xin bảo đảm với đọc giả một scène trầm mình hấp dẫn và khêu gợi, có hoa sen thả chung quanh), nhúng mình trong bồn mà răng cứ đánh lập cập. Chờ nước nóng chở từ dưới đồi lên…Anh có tin là Vân phải dậy từ 3 giờ rưỡi sáng quay đến 11 giờ đêm, 18 tiếng một ngày nhiều ngày như vậy. Sau khi quay xong em mất đến 9 pounds.
H: Thái Anh xem DVD thấy nhiều cảnh rất đẹp, như con đò trên sông, với những thân cây khẳng khiu gầy guộc, mặt nước chung quanh với những đốm lửa cháy như đuốc thiêng. Mình về Việt Nam đã nhiều lần, ít khi thấy được trời trong xanh như trong phim, lúc nào trời cũng mây mù, có phải mấy cánh ở Hồ Gươm, cảnh hoàng hôn chim trời bảng lảng. Hay những bầu trời trong vút, hay đỏ rực ánh tà dương…có phải quay vào mùa Thu không? Tìm đâu ra những nơi thơ mộng như vậy?
Ái Vân: Quang cảnh quay thật 100% như thế đấy anh. Anh nói đúng, Hà Nội đẹp nhất vào độ tháng Mười trở đi, cho đến mùa Đông…Cảnh ở Phan Thiết phải mang hoa và các cành cây khô từ Đà lạt mang về. Các đốm lửa là các chậu đựng hoa bằng gỗ, được đổ dầu vào và đốt lên thả trên sông…
H: Cảnh thành quách trong Bài Hát Ả Đào, nơi có lính Tây, lính Nhật, khách làng chơi đến thăm Cô Đầu mỹ nữ, được quay ở đâu?..
Ái Vân: Dạ thưa anh đấy là Phủ Thành Chương do một họa sĩ xây dựng nên…
H: Trong DVD có nhiều cảnh rất ‘ấn tượng’ , gợi tình, gợi cảm…như cảnh chiếc thuyền nan có trải ra (drap) trắng, và một người tình lý tưởng kề vai áp má. Động phòng hoa chúc chăng? Ông xã nghĩ thế nào?
Ái Vân: (cười to ròn rả, một giọng trong trẻo rất ngon lành, một là nàng nghĩ tôi rất ngốc nghếch trong chuyện đạo diễn phim, hai là nàng cười che lấp nỗi e thẹn của mình) Anh Tiến là người khuyến khích, đạo diễn cho Vân làm những cảnh đó! Đây là chuyện nghệ thuật mà. Anh ấy chả bao giờ biết ghen đâu!
H: DVD đã quay ở nhiều nơi khác nhau. Vậy đoàn phim phải đi đến những vùng hay thành phố nào?
Ái Vân: Tất cả là chín nơi, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Sóc Sơn, Sàigòn, Đà lạt , Bình Dương, Phan Thiết, Thủ Đức.
H: Nghe nói vì DVD làm rất công phu nên phí tổn lên đến cả 100 nghìn đô la. Có đúng thế không?
Ái Vân: Đúng đấy anh ạ. Anh có tin không, một ngày như vậy phải tốn đến $5, 000 đô cho một đạo diễn, vì muốn thực hiện một DVD cho lý tưởng nên tụi này không từ nan chuyện khó khăn cũng như tiền nong.
H: Ngoài chuyện trẻ mãi không già, Ái Vân ao ước điều gì nhất.
Ái Vân: Vân ao ước mình có thể đi hát mãi cho người hâm mộ…ngoài cái DVD này mình có thể quay một phim musical như ABBA..
H: Chúc Ái Vân trẻ mãi để có thể phục vụ cho nghệ thuật nhé.
Ái Vân: Cảm ơn anh rất nhiều!
© 2009 www.danchimviet.com
Người trong nước có thể tìm mua DVD ở:
Cty Thăng Long: 58 Kim Mã, Ba Đình Hà Nội
Điện thoại 04 6266 9
Ở Mỹ, Tây Âu:
Xin liên lạc với Ái Vân
Điện thoại: (408) 393-4942
Già rồi , nên tu tâm cầu gia huỵ cho Nhung 5 tháng về sau , bà khôn quá và cùng sành quá về bon chen , làm cho VC , làm cho Tây tàu .. Không bằng sám hối đe tích đục cho con cái về sau … Tiền nhiều quá rồi .. Nên suy nghĩ lại đi …