WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ải Nam Quan trong lịch sử

Trả lời và câu hỏi.

Như đã xác định theo tiêu đề của bài viết, đây chỉ là đôi điều góp ý ngắn gọn.  Muốn phân tích và chia sẻ cho thấu tình đạt lý về vấn đề BĐMT với LT thì ít nhất cũng cần vài ba trăm trang như có người đã viết, vì nó liên quan đến quá nhiều nhân vật, nhiều sự cố đã thành cố sự.  Do đó, tôi chỉ đi thẳng vào trọng tâm của vài ba vấn đề tiêu biểu.

Trước hết là vấn đề Phật giáo với cộng sản. Phật giáo Việt Nam (PGVN) – nói chung chứ không phải là giáo hội PGVN thân chính quyền đang hiện diện trong nước – cơ bản theo tinh thần Đại Thừa.  Đạo Phật đi vào cuộc đời hiện thực nên có sự tương tác tùy duyên giữa đạo và đời; đời và đạo.  Tinh thần nhập thế của đạo Phật Việt Nam đã được thể hiện hài hòa từ thời Lý Trần.  Vua Trần Nhân Tông là một thiền sư.  Nhưng khi cần, vua cũng cầm quân ra trận đánh tan quân xâm lược Mông Nguyên. Khi thanh bình trở lại, vua treo kiếm, coi chuyện công danh như đôi dép bỏ, lên Trúc Lâm Yên Tử tu hành giác ngộ.  Đạo Phật Việt Nam uyển chuyển như một dòng sông; đi song song với dòng lịch sử dân tộc nên phải chảy qua những chặng đường quanh co, khúc khuỷu theo vận nước thăng trầm.  Nhìn đạo Phật mà chỉ nhìn vào một giai đoạn, một bộ phái, một tổ chức hay một phong trào riêng lẻ nằm trong toàn thể sinh hoạt Phật giáo, rồi vội vàng kết luận đạo Phật như thế này, như thế kia… là nhìn biển qua sóng, nhìn sông qua bèo; nên có nhìn mà không thấy!

Khi Việt Minh (tiền thân CSVN) dấy lên phong trào toàn quốc chống Pháp vào mùa Thu năm 1945, những người Việt Nam yêu nước không phân biệt khuynh hướng, thành phần, giai cấp xã hội đều lên đường tham gia kháng chiến.  Lịch sử còn ghi lại những hình ảnh cảm động của xóm đạo Tha La.  Tuy đạo Thiên Chúa chịu nhiền ân nghĩa với Pháp, nhưng năm 1946, thanh niên xứ đạo Tha La bỏ ruộng vườn, xóm đạo lại đằng sau; Linh mục Nguyễn Bá Kính cũng cởi áo lên đường cứu nước.  PGVN với lịch sử gắn liền với vận nước nên nhiều nhà sư từ Bắc chí Nam cũng đã tham gia những phong trào cứu quốc nên đã bị Pháp gọi là “Giặc Thầy Chùa”!

Sau thời kỳ Việt Minh trở thành CSVN thì sự hệ lụy giữa tôn giáo và chính trị kéo dài khi nỗi, khi chìm; nhưng chưa bao giờ đạo Phật quay lưng với đất nước và dân tộc.

Trong BĐMT, LT đã nhìn thấy cộng sản khắp nơi.  Điều nầy đúng. Khắp miền Nam, từ phủ tổng thống đến các nha, sở, bộ; trường học, chùa chiền, tu viện; thậm chí tư thất, tư dinh đều có cộng sản len lỏi vào. LT chọn bối cảnh cho “biến động miền Trung” bằng cách cắt một mảnh cuối cùng trong cuộc chiến Việt Nam từ 1963 đến 1975.  Nghĩa là từ khi có phong trào tranh đấu Phật giáo và Ngô triều bị sụp đổ cho đến khi CSVN chiếm hết miền Nam.

Nội dung và chủ đích chính của LT và cái “Think Tank” (bồn trí tuệ) sau lưng ông là trang hoàng, sơn phết, làm đầy cho một cái khung định kiến đã đúc sẵn.  Cái khung khép lại chỉ đơn giản như thế nầy:

Phật giáo + Cộng sản = Đảo chánh nhà Ngô + Mất miền Nam

Đó là… cứu cánh của cách đặt vấn đề trong BĐMT.  Mọi phương tiện dầu đúng, dầu sai, dầu hay, dầu dở đều là phương kế khả thi nếu nó phục vụ cho cứu cánh đã đặt định.  Điều khó hiểu nhất đối với một người đọc trung bình là có chăng trăm nghìn sự kiện mâu thuẫn và cách hành xử nghịch lý như những điều LT đã diễn tả trong BĐMT đã thực sự diễn ra tại miền Nam?  Những thắc mắc chính đáng của độc giả đã thể hiện qua những câu hỏi cụ thể, đại khái như:   Tại sao một trưởng ty cảnh sát nhỏ bé như LT lại có quyền lực khắp nơi, khắp chốn như vậy?  Tại sao một nhân viên cấp tỉnh như LT lại có uy quyền trên cả hàng tổng, bộ trưởng?  Tại sao một hệ thống quân giai có kỷ cương như quân lực VNCH lại để cho một viên thiếu tá địa phương như LT có quyền hành xử tùy tiện và bất chấp như thế?  Chỉ có một trong hai bên đúng:  Hoặc là giới lãnh đạo quân đội và dân sự miền Nam hoàn toàn vắng bóng; hoặc là LT nói sai sự thật.  Nói cường điệu quá đà toàn những chuyện không thật thì người Huế gọi đó là nói “phách tấu !”  Mà lẽ nào người Hoàng phái như LT lại đi nói điều phách tấu?!

Có thể nói những tiết mục hấp dẫn nhất trong BĐMT là những màn “tình báo nổi”.  Trong kỹ thuật tình báo kinh điển có nói đến phần nhận diện nhân dáng và quan sát tang vật hiện trường như một nghệ thuật “warm up” (hâm nóng) ban đầu để đo lường phản ứng của nhân vật; chuẩn bị tinh thần cho một tiến trình tra vấn tiếp theo. Nhưng không biết LT đã tốt nghiệp ở trường tình báo nào mà thường khi lẫn lộn giữa kỹ thuật nhận diện với tiểu xảo coi tướng của các ông thầy bói xem giò gà xứ Huế theo kiểu xếp bộ “mắt trắng môi thâm”, “tai dơi mặt chuột”… để sơ kết bản chất của những nhân vật mà ông sắp sửa kết án (nhưng chưa chắc đã thấy bao giờ).  Cũng theo nguyên tắc tình báo quốc tế thì sự lẫn lộn giữa định kiến, cảm tính và lý tính sẽ “nullification” (vô hiệu) kết quả điều tra.

Trong số nhiều khuôn mặt được ông đưa ra tố cộng trong BĐMT, có hai nhân vật Phật giáo được LT chiếu cố tận tình nhất là thầy Trí Quang và thầy Đôn Hậu.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng nhân vật Thích Trí Quang vẫn còn là một đối tượng tham khảo và phân tích của các học viện chính trị, nhân chủng và xã hội quốc tế, nhất là ở Mỹ.  Mọi sự suy diễn đơn giản và phiến diện về nhân vật nầy là một trường hợp “nullification” dữ kiện đáng tiếc mà tôi đã có dịp nói ở trên.

Gần 30 năm trước, lúc mới chân ướt chân ráo đến Mỹ thì tôi đã đọc một bài viết xuất phát từ vùng Tiểu Sài Gòn nói rằng, thầy Trí Quang là trung tá Việt cộng. Ngày CSVN chiếm Sài Gòn, thầy mang lon đội mũ trung tá cầm cờ chạy rông ngoài đường phố hoan hô quân miền Bắc. Tin tức kiểu tiếu lâm AVT đó, nay mới nghe lại LT lập lại trong BĐMT!  Không có gì thú vị và “xả hơi” hơn khi đọc về nhân vật Thích Trí Quang qua màn tình báo LT.  Nguồn tin tình báo LT cho rằng, thầy Trí Quang là đảng viên cộng sản.  Rằng, thầy là cộng sản gộc, nhận chỉ thị trung ương Đảng đứng ra sách động phong trào đấu tranh Phật giáo. Đi xa hơn nữa, LT còn viết là thầy Trí Quang có người yêu già nhân ngãi non vợ chồng là một cô bé làm thị giả 13 tuổi. Có lý nào LT là cháu của danh tăng Thích Tịnh Khiết lại hiểu tổ chức Phật giáo Huế có tiếng về giới luật khắt khe, nghiêm ngặt một cách quá nông nổi và sai lạc đến như thế.  Trong tổ chức Phật giáo làm sao lại có chuyện tréo cẳng ngỗng “thị giả” nữ 13 tuổi bên cạnh một thượng tọa là thế nào?  Chưa hết, LT còn kể là ông đã cãi lệnh tướng tư lệnh cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan, vào lục soát phòng riêng của thầy Trí Quang và tìm thấy một bằng chứng hùng hồn cho sự nghiệp tình báo của ông là một cái xì líp đàn bà.  Tưởng tượng vượt quá giới hạn đạo lý sẽ trở thành vô luân.

Thầy Trí Quang là một tu sĩ nổi bật trong cuộc đấu tranh Phật giáo 1963. Thầy được (hay bị?) báo chí Âu Mỹ và Việt Nam khai thác triệt để; hình thầy xuất hiện trên trang đầu của những tờ báo lớn như Time, FP với những lời bình luận nóng hổi. Đa số những bài viết đều có một điểm chung khá tương tự về khuynh hướng Dân Tộc của thấy Trí Quang:  Không lệch theo con đường duy vật vô thần của khối Cộng sản; mà cũng chẳng nghiêng về con đường duy linh nhất thần của khối Tư bản.  Thầy đứng giữa “hai lằn đạn”.  Bên tả cho thầy là CIA, bên hữu cho thầy là Cộng sản.

Biến động 1966 phát xuất từ nguồn gốc là người Mỹ đã chuyển hướng biến Miền Nam thành kho súng đạn sau khi xoa tay bức tử triều đại Ngô Đình. Mỹ không muốn mất thời gian tái tổ chức một xã hội miền Nam theo mẩu mã dân sự ổn định như Hoa Kỳ mà nóng lòng muốn dứt điểm cuộc chiến Việt Nam để ôm Trung Quốc bằng cách quân đội hóa toàn miền Nam.  Mỹ là chuyên viên dựng lên những chính quyền quân sự ở các nước chậm tiến và bất ổn như một sự dằn mặt giới lãnh đạo đương quyền do Mỹ hỗ trợ rằng, hãy khôn hồn, đảo chánh và lật đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.  Tại sao một miền Nam đang đối đầu với một đối thủ có bộ máy chính trị quá chặt chẽ như miền Bắc mà đồng minh Hoa Kỳ lại áp dụng một sách lược “ăn xổi ở thì” như vậy?   Những chính khách miền Nam chống cộng không nằm trong guồng máy hành chánh quân sự đều có chung mối quan ngại như thế.

Thầy Trí Quang và một số các nhà sư Phật giáo đã đứng lên đòi hỏi một hiến pháp và một sách lược mới thích hợp cho chính thể VNCH ổn định và có thực lực tại miền Nam trong thời điểm 1966 là đi ngược lại sách lược của Mỹ đang triển khai tại vùng châu Á Thái Bình Dương.  Đồng thời, CSVNcũng thấy được nguy cơ của một miền Nam ổn định. Trong lúc đó, Kissinger đang đi đêm thương thuyết với Bắc Kinh và thuyết phục nội các Johnson bỏ rơi miền Nam. Vô hình chung,  nhân vật Trí Quang trở thành đối đầu cùng lúc với cả Mỹ lẫn CSVN. Và khi Mỹ đã bật đèn xanh với túi đô la lè kè bên cạnh thì dẫu cho họ có muốn sông cạn núi mòn trong chớp mắt cũng chẳng có gì là khó.  Đã có quá nhiều tài liệu công bố nói rằng, Mỹ đã cho nhân vật Trí Quang một trong ba sự chọn lựa là:  Im lặng bó tay vào chùa dịch kinh niệm Phật, lưu vong sang Hoa Kỳ hay về thăm… cụ Diệm (?!)

Pages: 1 2 3

Phản hồi