WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

CIA và các ông Tướng [6]

Phần 6:

Chương 9: Tìm lối đầu hàng và di tản
Chương 8: Một quyết định quân sự

Tìm lối đầu hàng và di tản

Ngày 11/4 quân đội cộng sản bị chận đứng ở mặt trận Xuân Lộc.Tại Sài gòn Khiêm từ chức thủ tướng, Nguyễn Bá Cẩn, Chủ tịch Hạ nghị viện thay thế. Dân Sài Gòn có vẻ phấn khởi, nhưng chính quyền vẫn tê liệt. Nhiều tổng bộ trưởng tìm đường ra đi. Ngày 19/4 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giảm nhân số tòa đại sứ xuống còn 1.250 người, trong số đó có 270 nhân viên CIA.

Đại sứ Martin và Polgar có hai công tác chính.Thứ nhất là khai triển một chương trình di tản người Mỹ và người Việt làm việc với Hoa Kỳ và thân nhân mà  không làm cho dư luận xôn xao. Nhưng trước viễn ảnh một cuộc di tản khó thành công nếu Hà Nội dùng lực lượng quân sự ngăn cản, công tác chính thứ hai là thương thuyết với Hà Nội tìm một giải pháp chính trị để an toàn di tản mọi đối tượng liên hệ ra khỏi Việt Nam. Hoa Kỳ còn hy vọng qua vận động với Nga Xô duy trì một tòa đại sứ tại Sài gòn để duy trì sự liên tục ngoại giao.

Công tác chính trị chính yếu là thuyết phục tổng thống Thiệu từ chức, và tìm cách chuyển quyền cho tướng Dương Văn Minh để thành lập một chính phủ “liên hiệp” gọi là chính phủ “đoàn kết quốc gia” để chuyển chính quyền cho phe cộng sản. Hà Nội cho biết chỉ nói chuyện với Minh.

Thuyết phục Thiệu Hoa Kỳ không thấy khó. Khó là làm sao chuyển quyền cho Minh mà không vi phạm Hiến pháp VNCH.

Tuy nhiên, tin chiến sự càng ngày càng xấu. Ngày 16/4 quân đội Bắc Việt chiếm Phan Rang, quê của Thiệu, bắt sống tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và một sĩ quan tình báo Mỹ. Tin tình báo của CIA từ Hà Nội xác nhận tin đã biết rằng Hà Nội quyết định chiếm Sài Gòn bằng vũ lực càng sớm càng tốt, chậm lắm là trước ngày sinh nhựt của ông Hồ Chí Minh, 19 tháng 6.

Trong khi đó tại Washington có nhiều diễn biến không lợi cho sự ổn định tình hình tại Sài gòn. Thứ nhất, một viên chức cao cấp tuyên bố chính phủ Hoa Kỳ không can dự gì đến một giải pháp chính trị để cho Nam Việt Nam đầu hàng. Thứ hai , ông Thứ trưởng Ngoại giao Philip Habib khi được giới truyền thông yêu cầu Hoa Kỳ giúp di tản các phóng viên của họ làm việc tại Sài gòn trả lời rằng Hoa Kỳ không có chương trình di tản người Việt làm việc với các cơ sở của người Mỹ. Trong khi đó thật ra đại sứ Martin đã im lặng cho di tản hơn 350 người Việt làm việc với các cơ sở truyền thông Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam.

Ngày 18/4 Janos G. Toth, một đại tá người Hungary trong phái đoàn quốc tế kiểm soát đình chiến gặp Polgar và cho biết qua các cuộc  nói chuyện với phái đoàn Hà Nội ông ghi nhận rằng Hà Nội chỉ muốn tăng sức ép để Sài gòn sụp dần chứ không muốn có một cuộc tấn công quân sự để kết thúc chế độ. Đại tá Toth nói Hà Nội không muốn ép Hoa Kỳ phải tháo chạy như đã tháo chạy tại Phnom Penh mấy ngày trước đó. Toth nói Hungary từng nếm mùi thất trận và tàn phá nên không muốn thấy Sài Gòn bị tàn phá như Berlin năm 1945. Polgar hiểu đây là lời nhắn của Hà Nội, nên bên cạnh việc di tản, Polgar và đại sứ Martin lo tìm cách thuyết phục Thiệu từ chức và thành lập một chính phủ liên hiệp gồm các thành phần thiên cộng để đầu hàng.

Về việc di tản nhân sự ra khỏi Việt Nam, với phương tiện hiện có tòa đại sứ Hoa Kỳ chỉ có thể di tản từng đợt mỗi đợt 1.600 người, và đại sứ Martin than phiền với Bộ Ngoại giao rằng một cuộc di tản như vậy không thể thành công và lịch sử sẽ phê phán ông. Kissinger an ủi Martin rằng nếu có gì xẩy ra lịch sử cũng sẽ phê phán ông nặng hơn phê phán ông đại sứ. Trong một điện văn gởi Martin, Kissinger viết một cách ấn tượng rằng, nếu “người  ta treo cổ ông thì tôi cũng sẽ bị treo cao hơn ông vài thước”, và để yên lòng Martin Kissinger thông báo ông đang nói chuyện với Nga Xô về tình hình Việt Nam.

Trong khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa có chương trình dứt khoát di tản người Việt thì tòa đại sứ phải giải quyết vài trường hợp đơn lẻ do Washington nhờ. Ngày 19/4 Kissinger gởi Polgar một điện văn yêu cầu vào Chợ Lớn tìm gia đình vợ của Ken Quin, một nhân viên cao cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, và đưa qua Mỹ. Polgar phái Chip Schofield, một nhân viên giỏi tiếng Việt và tiếng Hoa lặn lội vào Chợ Lớn tìm bà mẹ vợ của Quin và gia đình rồi gởi lén ra khỏi nước không có giấy phép của chính quyền Việt Nam bằng C-130 chở tiếp liệu đến Sài Gòn và trở về căn cứ Clark tại Phi Luật Tân. Cùng lén rời khỏi Việt Nam có một vài thân nhân của Polgar.

Ngày 21/4 Kissinger điện cho Martin thông báo Nga Xô hứa sẽ thuyết phục Hà Nội chấp nhận giải pháp chính trị và tránh không làm nhục Hoa Kỳ. Trong khi đó nhiều tin tức, thật có, giả có được loan truyền tại Sài gòn. Hai tin giả: Quốc hội Hoa Kỳ chuẩn chi 350 triệu mỹ kim viện trợ quân dụng; và chính phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CH/MNVN – do Hà Nội dựng nên) cho biết Martin phải đi nhưng tòa đại sứ Hoa Kỳ có thể được duy trì tại Sài Gòn. Tin thật: Hoa Kỳ áp lực Thiệu từ chức nhưng không muốn các tướng lãnh làm đảo chánh như năm 1963 đối với cựu tổng thống Ngô Đình Diệm.

Trước tình hình này thủ tướng Nguyền Bá Cẩn nói Cẩn không muốn ngồi ở ghế thủ tướng khi Minh thay Thiệu vì ông ngại các thành phần cực hữu trong quân đội sẽ giết ông và ông muốn từ chức. CIA yêu cầu Cẩn ngồi nán lại trước khi có một giải pháp rõ ràng hơn.

Ngày 19/4 trước đó, Martin yêu cầu tướng Timmes thuộc Phái bộ Tùy viên Quốc phòng (Defense Attache – hậu thân của MACV) gặp Thiệu để thảo luận một hình thức từ chức để Phó tổng thống Hương thay thế trước khi chuyển quyền cho Minh. Chiều ngày 19/4 và sáng ngày 20/4 Martin gặp Thiệu hai lần. Martin nói với Thiệu rằng “Tôi không ép ngài từ chức, nhưng ngài biết cộng quân có khả năng đánh vào Sài gòn bất cứ lúc nào, và nếu ngài không từ chức tôi ngại rằng các tướng của ngài cũng yêu cầu ngài từ chức”. Nhớ đến Lucien Conein với cuộc đảo chánh ông Diệm năm 1963 Thiệu im lặng nghe và trả lời: “Tôi sẽ làm những gì có lợi nhất cho đất nước tôi.” Martin nói: “Tôi biết ngài sẽ làm!”.

Ngày 21/4 Thiệu cho biết sẽ từ chức trong ngày. Polgar vội vàng thông báo cho Toth. Vài giờ sau Thiệu từ chức trao quyền tổng thống cho Phó tổng thống Trần Văn Hương. Thiệu đọc một bài diễn văn từ chức nảy lửa kết án Hoa Kỳ và Kissinger “đã đưa Nam Việt Nam vào chỗ chết.”

Ngay sau khi Thiệu từ chức, Hoa Kỳ bắt tay vào việc sắp xếp để Hương trao quyền cho Minh. Hà Nội cho biết sẽ không thương thuyết với Hương, một người nổi tiếng chống cộng sản. Vấn đề là tìm một cách hợp hiến để trao quyền cho Minh. Theo Hiến pháp VNCH nếu Hương từ chức thì quyền tổng thống vào tay chủ tịch Thượng nghi viện Trần Văn Lắm. Bế tắc vẫn bế tắc.

Một ngày trước khi Thiệu từ chức, Shackley yêu cầu Polgar tìm cách lấy những thư từ Nixon trao đổi với Thiệu trong những năm 1972, 1973 trước khi ký Hiệp định Paris. Shackley nói nếu những văn kiện đó lọt vào tay Hà Nội thì thật “bất tiện” cho Hoa Kỳ. Polgar trả lời, ông không biết đó là những thư từ gì và CIA  cũng không thấy có cách gì lấy lại. Vã lại Hoa Kỳ đã không giúp Nam Việt Nam ngay cả trên tinh thần “một đổi một” thì không có lý do gì Thiệu sẽ không công bố những văn kiện đó để làm cho Hoa Kỳ lúng túng.

Ngày 23/4 lãnh sự quán Biên Hòa yêu cầu được di tản về Sài gòn vì tòa lãnh sự không tin cậy vào sự bảo vệ an ninh của tỉnh trưởng Biên Hòa Lưu Yêm. Đồng  thời Minh than phiền với Hoa Kỳ -thông qua đại sứ Pháp Jean Marie Merillon- ông được tin Kỳ có thể đảo chánh nếu ông thay Hương. Merillon điện thoại cho tướng Timmes hay. Được tin đại sứ Martin yêu cầu tướng Timmes gặp Kỳ và Kỳ nói ông không hề có ý dịnh đó. Minh còn ngỏ ý muốn Hoa Kỳ tìm giải pháp càng chóng càng tốt để ông có thể nói chuyện với phe cộng sản và than phiền sự hiện diện của Thiệu tại Sài gòn làm cho sắp xếp gì cũng khó vì tuy từ chức Thiệu vẫn còn ảnh hưởng lớn trong quân đội.

Ngày 24/4 để tôn trọng Hiến pháp, Hoa Kỳ có sáng kiến đề nghị Minh thay Cẩn làm thủ tướng toàn quyền, nhưng Minh từ chối. Minh nói với tướng Timmes ông sẽ gặp Hương trong ngày để yêu cầu Hương từ chức. Đồng thời Polgar vận động các tướng nhắn lời với Hương rằng “các tướng đồng lòng ủng hộ Minh và nếu không nhường chức tổng thống cho Minh, các tướng có thể đảo chánh Hương”. Tuy vậy Hương vẫn chần chờ và yêu cầu giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thay Cẩn lập chính phủ. Giáo sư Huy từ chối.

Hết đường, chiều ngày 24, Hương gặp Martin đồng ý trao quyền cho Minh và yêu cầu Hoa Kỳ tìm một cách thức chuyển quyền hợp hiến. Hương cũng đồng ý với Minh yêu cầu Hoa Kỳ đưa Thiệu ra khỏi nước. Sự hiện diện của Thiệu tại Sài Gòn là một bất tiện cho mọi người.

Một quyết định quân sự

Trong ngày 24/4, Polgar tiếp xúc với đại tá Võ Đông Giang, người đại diện của Chính phủ CH/MNVN trong Ủy ban Quân sự 4 bên cho biết triển vọng thỏa  thuận giữa Hương và Minh và yêu cầu Giang cho biết ý kiến của phía cộng sản. Giang hứa sẽ trả lời sau (TBN: Giang phải thỉnh ý của Hà Nội). Giữa trưa ngày 24/4 đài phát thanh của chính phủ CH/MNVN kêu gọi Hoa Kỳ rút đại sứ Martin về nước và rút hạm đội 7 đang nằm ngoài hải phận quốc tế đi chỗ khác. Polgar hỏi Giang có phải đó là tín hiệu đối phương có thể chấp nhận sự ở lại của tòa đại sứ Hoa Kỳ khi họ chiếm Sài Gòn không. Giang ởm ờ: “Có thể!” Polgar chuyển nội dung trò chuyện của ông với Võ Đông Giang về Langley và bày tỏ hy vọng. Shackley kinh nghiệm hơn Polgar, cho rằng trả lời của Giang chỉ là trả lời cho có trả lời, không mang một ý nghĩa thực tế nào. Shackley khuyến cáo Polgar làm gì thì làm nhưng đừng quên công tác di tản thành phần Mỹ-Việt có thể bị nguy hiểm nếu bị cộng sản bắt. Shackley nhắc Polgar đừng hy vọng gì nhiều ở giải pháp Dương Văn Minh vì ông ta quá “chậm chạp”.

Chiều tối ngày 24/4 đài phát thanh chính phủ CH/MNVN lại thông cáo đòi hỏi Hoa Kỳ rút mọi nhân viên tình báo ra khỏi Việt Nam và yêu cầu Hoa Kỳ cam kết không can thiệp vào chuyện sắp xếp nội bộ giữa người Việt Nam với nhau. Thông cáo vẫn không nói gì đến tư cách của tòa đại sứ Hoa Kỳ làm cho Polgar càng hy vọng tòa đại sứ có thể được duy trì và Hoa Kỳ có thể  làm công tác cứu trợ. Được Polgar dò hỏi, Giang trả lời mọi chi tiết sẽ rõ ràng trong cuộc họp báo của phái đoàn cộng sản vào ngày 26/4 sắp tới.

Phe tướng Minh cũng ráo riết chuẩn bị. Minh gởi hai phụ tá sang Paris gặp phái đoàn Bắc Việt và xin gởi một phái đoàn ra Hà Nội. Đại diện Hà Nội trong Ủy ban Quân sự 4 bên đề nghị phương tiện di chuyển với phái đoàn Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ cho một máy bay đặc biệt đưa phái đoàn của Minh ra Bắc (TBN: Dân biểu Nguyễn Phúc Liên Bảo thuộc khối đối lập Dân Tộc Xã Hội là một nhân vật trong phái đoàn này).

Ngày 25/4 Polgar lái xe lên Tân Sơn Nhất gặp Giang. Giang xác nhận một giải pháp chính trị có thể thành hình và Hà Nội sẵn sàng chấp nhận Minh là đối tác và lần đầu tiên nói, chính phủ CH/MNVN không phản đối sự hiện diện của tòa đại sứ Mỹ tại Sài gòn. Giang nói Giang chờ đợi việc Minh thay Hương và yêu cầu Polgar thông báo nếu có diễn tiến. Cũng trong ngày 25/4 đại tá Toth gặp Polgar cho biết Hà Nội muốn biết có những ai trong danh sách Nội Các khi Minh thay Hương và hạm đội Hoa Kỳ túc trực ngoài hải phận quốc tế của Việt Nam để làm gì. Polgar nói hạm đội chờ làm công tác di tản và cứu trợ. Polgar yêu cầu Toth cho Hà Nội biết Hoa Kỳ không muốn thấy các cuộc không kích vào Sài gòn như đã xẩy ra trước đây. Những cuộc bỏ bom như vậy có thể làm cho các thành phần quân nhân cực hữu tại Sài Gòn bạo động và sẽ không thể sắp xếp một giải pháp êm thắm. Polgar nhấn mạnh việc Hương trao quyền cho Minh sẽ diễn ra nhanh chóng.

Để chuẩn bị việc chuyển quyền, ngày 24/4 Martin yêu cầu Polgar sắp xếp để Thiệu rời khỏi Việt Nam. Sự ra đi của Thiệu và Khiêm được Polgar sắp xếp một cách tối mật. Không một người Việt Nam nào biết (ngoài những người cùng đi với Thiệu và Khiêm) và chỉ những người Mỹ liên hệ sắp xếp kế hoạch ra đi mới được biết. Thận trọng đến nổi Polgar phải nhờ Frank Snepp, chuyên viên phân tích cao cấp của tòa đại sứ Hoa Kỳ làm tài xế cho Thiệu và Khiêm. Cuộc di tản được tổ chức vào đêm 25/4, và CIA dùng một máy bay trước nay không dùng tới. Chiếc máy bay C-118 tầm xa do tổng thống Johnson dành riêng cho đại sứ  Bunker dùng để thỉnh thoảng đi thăm vợ là bà đại sứ Carol Bunker tại Katmandu, Nepal. Sau khi ông Bunker hết làm đại sứ tại Việt Nam, chiếc máy bay C-118 vẫn nằm trong kho Tân Sơn Nhất không ai dùng tới kể cả đại sứ Martin. Polgar hỏi và được biết chỉ cần vài giờ bảo trì và chuẩn bị máy bay có thể được khiển dụng.

Thiệu giao cho Khiêm quan hệ với Polgar sắp xếp nhân sự và hành trình . Đoàn người kể cả Thiệu và Khiêm được lên danh sách gồm 14 người. Mỗi người được mang một xách hành lý và tối ngày 25/4 tập trung tại tư thất của Khiêm trong vòng thành bộ Tổng Tham Mưu gần Tân Sơn Nhất. Từ nhà mình, cũng ở trong bộ Tổng Tham Mưu, Thiệu chờ trời thật tối mới bước qua nhà Khiêm. Polgar sau khi lên Tân Sơn Nhất gặp Giang tạt lại nhà Khiêm gặp tướng Timmes. Timmes và Polgar dùng chiếc đàn dương cầm nơi nhà Khiêm làm bàn viết để điền giấy tờ tị nạn (parolee) cho đoàn người. Tổng cộng 12 người. Có hai người bỏ cuộc.

Vào phi trường xe phải đi qua hai trạm Polgar cho là nguy hiểm: cỗng ra bộ Tổng Tham Mưu và nhất là cỗng vào phi trường nên Polgar thận trọng dùng công xa của đại sứ Martin với bảng số và cờ ngoại giao đoàn để chở Thiệu và Khiêm giả như một đoàn xe đưa đón một phái đoàn ngoại giao cao cấp. Qua cỗng phi trường Polgar yêu cầu Thiệu cúi thấp người, và Thiệu làm theo.

Đại sứ Martin đứng đợi tiễnThiệu tại chân cầu thang máy bay trong bóng tối mờ nhạt. Polgar lên máy bay cho phi trưởng biết mục đích của công tác và ông ta cần làm những thủ tục gì khi máy bay đến Taipei. Khi chiếc C-118 khuất dạng trong bóng đêm Polgar điện cho cơ sở CIA ở Taipei biết giờ phỏng định máy bay tới, sau đó gởi điện văn báo cáo với Langley: “Thông báo quý cấp, thi hành lệnh trên, CIA Sài gòn đã thành công di tản cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và thủ tướng Trần Thiện Khiêm và đoàn tùy tùng 10 người khác. Máy bay chuyển bánh lúc 21:20 phút ngày 25 tháng 4, giờ địa phương.”

Ngày 26/4 sau khi Thiệu đi, Hà Nội tăng áp lực quân sự quanh Sài gòn buộc phi trường Biên Hòa đóng cửa. Trong khi đó Thái Lan vẫn chưa quyết định có cho Hoa Kỳ di tản người Việt qua Thái không. Và phi Luật Tân cho biết không nhận người Việt làm việc với CIA.

Polgar cho rằng Hà Nội hành động vì sự chậm trễ của Hương. Trong khi đó đại tá Toth cho Polgar biết Hà Nội muốn có những ai trong danh sách Nội Các của Minh. Minh đồng ý bà Ngô Bá Thành (một thành phần thân Cộng chỉ mới tháng trước tướng Nguyễn Khắc Bình đã định nhốt nếu không có sự can thiệp của CIA) nhưng nhất định không chịu cho linh mục Chân Tín tham gia Nội Các.

Trong thời gian Polgar thảo luận với Minh nên giữ ai, từ chối ai trong danh sách Hà Nội đề nghị thì tờ New York Times tiết lộ một báo cáo của Polgar gởi cho cho Kissinger về công tác này và trả lời của Kissinger rằng ông không tin tưởng một giải pháp chính trị do Toth làm trung gian có thể thành công. Polgar nghi ngờ chính Kissinger tiết lộ tin này vì Kissinger không muốn thấy nỗ lực của chính phủ Hungary ảnh hưởng đến cuộc vận động của ông với Nga Xô.

Cho đến ngày 26/4,  Cẩn theo khuyến cáo của CIA vẫn còn giữ ghế thủ tướng nhưng bắt đầu sốt ruột.  Cẩn yêu cầu đại sứ Martin cho ông phương tiện rời nước. Ngày 27/4, Martin thấy không ai cần Cẩn nữa nên yêu cầu CIA sắp xếp cho Cẩn ra đi. Cẩn rời Sài gòn ngày 28/4 cùng gia đình tướng Nguyễn khắc Bình và vợ con của tướng Đặng Văn Quang trên một chiếc máy bay C-130. Quang nói ông không thể rời nước khi đang còn chức vụ. Sau khi Thiệu từ chức Quang đã xin tổng thống Hương giải nhiệm, nhưng không ai xét đơn của ông.

Trong ngày 27/4, với sự đồng ý của đại sứ Martin lưỡng viện quốc hội VNCH họp thông qua quyết định giao trọn quyền cho tướng Minh. Minh tuyên thệ nhậm chức tổng thống lúc 5:00 giờ chiều ngày 28/4 trong một bầu không khí ảm đạm. Minh ngỏ ý với Hà Nội muốn thương thuyết theo tinh thần của Hiệp định Paris. Các cuộc tiếp xúc có thễ diễn ra tại Paris trước khi hai bên đồng ý một địa điểm thích hợp tại Việt Nam.

Sự nhậm chức của Minh không thay đổi gì kế hoạch của Hà Nội kết thúc chiến tranh bằng vũ lực như nguồn tin tình báo từ Hà Nội đã cho biết. Sau khi Minh tuyên thệ nhậm chức Hà Nội dùng máy bay lấy được của Không quân VNCH bỏ bom phi trường Tân Sơn Nhất. Và 4 giờ sáng ngày 29/4 quân đội Bắc Việt pháo kích phi trường trong mấy giờ liền làm hư hỏng phi đạo, và phá hủy 4 chiếc trực thăng của CIA. Polgar vội vàng ra lệnh phân phối cho nhân viên mình mỗi người một phong bì đựng 1.000 mỹ kim tiền mặt và một ít tiền Hồng Kông, tiền Thái để dùng khi cần thiết.

Tại Washington Shackley được Polgar báo cáo Minh đã nhậm chức, nhưng Shackley không quan tâm lắm và chỉ lo việc di tản. Shackley biết Hà Nội có khả năng pháo kích phi trường Tân Sơn Nhất bất cứ lúc nào và đã chuyển lệnh của Washington cho tướng Homer Smith, Trưởng Phòng Tùy Viên Quốc Phòng Hoa Kỳ rằng nếu phi trường bị pháo kích ông ta có quyền lấy quyết định khi nào thì ngưng các chuyến bay di tản bằng C-130.

Đại sứ  Martin đang bị bệnh sưng phổi không nói được nhưng cũng đến tòa đại sứ lúc 6 giờ sáng cho yên lòng nhân viên, và mọi việc liên lạc với tướng Smith ở Tân Sơn Nhất, với Đô đốc Noel Gayler Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương ở Honolulu và với Kissinger Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington đều do Polgar đảm trách.

8 giờ sáng, tòa đại sứ nhận được thông báo của Minh yêu cầu tất cả nhân viên thuộc Phòng Tùy Viên Quốc Phòng Hoa Kỳ phải rời Sài Gòn trong vòng 24 giờ.  Đại sứ Martin hứa thi hành và lệnh di tản toàn diện bắt đầu.

Tướng Smith báo cáo cho đại sứ Martin biết phi trường không thể xử dụng được nữa và đề nghị Martin chuyển qua chương trình di tản bằng trực thăng.  Không tin, đại sứ Martin đích thân lên phi trường Tân Sơn Nhất để quan sát bất chấp sự ngăn cản của các phụ tá. Trở về tòa đại sứ, 10:30 sáng Martin ra lệnh chuẩn  bị di tản bằng trực thăng. Một mặt chuyển yêu cầu của ông đến Đô đốc Gayler, một mặt cho đốn cây nhãn trong bãi đậu xe trong khuôn viên tòa đại sứ lấy chỗ cho trực thăng lên xuống (hôm trước, 28/4, Đô đốc Noel Gayler đã ra lệnh đốn cây đó nhưng Martin ngăn lại sợ rằng các thành phần hiếu động thấy cây chặt biết tòa đại sứ di tản sẽ có phản ứng bạo động bất lợi).

11 giờ sáng lệnh di tản bằng trực thăng của Lực lượng Thái Bình Dương được ban hành. Ngoài vòng thành tòa đại sứ nhiều người Việt bắt đầu tụ tập xin đi. Polgar đi một vòng kiếm soát an ninh và thấy tướng Đặng Văn Quang, âu phục xanh như thường lệ đang đứng chờ nơi cỗng. Polgar yêu cầu hé cỗng cho Quang len vào.

Vào khoảng 3 giờ chiều cuộc di tản bằng trực thăng do hạm đội 7 điều động  bắt đầu. Trực thăng lớn C-53 di tản nhân sự tại phi trường Tân Sơn Nhất, ưu tiên cho nhân viên thuộc Phòng Tùy viên Quốc Phòng. Trực thăng C-47 nhỏ hơn di tản nhân sự tại tòa đại sứ. Mọi người phải ra đi ngoại trừ 200 nhân viên tối cần trong đó có 50 nhân viên CIA ở lại cho đến các chuyến bay cuối cùng để thanh lý mọi việc.

Trên nguyên tắc đại sứ Martin đã hết nhiệm vụ ông có thể rời tòa đại sứ bay  ra hạm đội. Nhưng ông đại sứ đặc biệt xin phép tổng thống Ford để ông và vài phụ tá ở lại. Ông hy vọng – qua cuộc vận động của Kissinger với Moscow – phút chót Hà Nội chấp nhận tòa đại sứ Hoa Kỳ có thể ở lại và tránh được cái nhục cho Hoa Kỳ cuốn cờ bỏ chạy.

Ngoài một số lý do như quản lý kém, quân đội VNCH tan rã quá nhanh, lệnh di tản bằng trực thăng ban hành quá trễ là trở ngại lớn nhất làm cho Hoa Kỳ không thể thực hiện một cuộc di tản trong trật tự. Nhiều nhân viên người Việt và người nước ngoài làm việc cho Hoa Kỳ bị bỏ lại.

Vào phút chót Phó trưởng cơ sở LaGueux thấy mấy triệu mỹ kim tiền mặt của CIA vẫn còn trong két sắt tòa đại sứ. Ông khẩn cấp xin một trực thăng đặc biệt chở 4 nhân viên, mỗi người mang một bao tải nặng 35 kg gồm tiền mặt và giấy tờ kế toán bay thẳng ra chiến hạm USS Blue Ridge.

Chiều xuống, hàng chục ngàn người Việt chen lấn nhau vây kín tòa đại sứ. Nhân viên CIA và viên chức tòa đại sứ ra nhìn mặt xem ai quen để giúp. Polgar thấy một đại tá thuộc Nha Chiến Tranh Tâm Lý, người từng cung cấp tin tức cho ông. Polgar bảo viên đại tá gom người thân lại bảo vệ một khu nhỏ dưới chân tường rồi quẳng hành lý vào bên trong trước khi ông và nhân viên Mỹ kéo từng người leo tường vào bên trong . Không được dặn trước lính TQLC Hoa Kỳ thấy hành lý quẳng vào sợ chất nổ quẳng trở ra.

Toán người Việt phiên dịch tài liệu cho tòa đại sứ và nhân viên phòng viện trợ kinh tế cũng bị bỏ lại. Tổng đài điện thoại tòa đại sứ không có ai trực, Chip Schofield nói được tiếng Việt tình nguyện ngồi trực giúp.

Và việc di tản nhân viên CIA và nhân viên tòa tổng lãnh sự Cần Thơ là một giai thoại chiến tranh. Trạm CIA Cần Thơ có 4 trực thăng Air America. Ngày 26/4 trưởng trạm CIA Jim Delany xin di tản nhân viên CIA, tổng lãnh sự Francis McNamara không cho ngại rằng dư luận thành phố xôn xao. Delany và McNamara cãi vã nhau. McNamara dọa báo cáo Delany vô kỷ luật. Ngày 27/4 Delany trình nhu cầu di tản sớm lên đại sứ Martin và Martin đồng ý với Delany. Delany cho di tản đa số nhân viên CIA người Mỹ, riêng ông và một số người Mỹ cần thiết và nhân viên tình báo người Việt ở lại chờ lệnh. Ngày 29/4 George Jacobson, viên chức phụ trách di tản ra lệnh cho McNamara di tản toàn bộ nhân viên ra hạm đội. Bốn trực thăng sáng đó đã được điều động về Sài gòn thay cho 4 chiếc Air America bị pháo kích hư hại trong buổi sáng. Kêu gọi trực thăng của hạm đội bị từ chối, McNamara dùng tàu của tòa lãnh sự theo sông Hậu chạy ra biển không đếm xỉa gì đến Delany và nhân viên của ông. Giữa trưa Delany được tin McNamara đã đùng đường sông ra biển, ông gọi trực thăng. 1:20PM hai chiếc trực thăng đến, Delany gọi McNamara hẹn đón ông bên bờ sông, McNamara giận từ chối. Delany cùng với các người Mỹ và một số ít nhân viên Phi luật Tân và Việt Nam được nhét lên hai chiếc trực thăng bay ra chiến hạm USS Barbour County. Hơn 100 nhân viên Việt Nam bị bỏ lại.

Trong lúc bối rối, Polgar đã quên chỉ thị cho các cơ sở của mình tại các vùng chiến thuật khi nào thì cần di tản và di tản bằng cách nào. Sau này ông nói ông tin tưởng các nhân viên đầy kinh nghiệm tình báo của ông thế nào cũng tìm đường xoay xở an toàn!

Hôm 28/4 sau khi cộng sản dùng máy bay của không quân VNCH bỏ bom Tân Sơn Nhất Polgar cho Joe Hartman đến Đức Hotel chuẩn bị phương tiên liên lạc và bãi đáp để di tản nhân viên CIA vào ngày hôm sau. Ngày 29/4 máy bay trực thăng của hãng Air America bị pháo kích nên không có phương tiên di tản. Đến 14:30, Hartman thấy lính VNCH nổ súng chung quanh khách sạn, và chiếc xe buýt tòa đại sứ gởi tới bốc người không đến được. Hartman kêu cứu và Robert Cantwell, phụ tá của Polgar bảo Hartman chuẩn bị di tản người Mỹ thôi và bằng trực thăng. Cantwell thông báo cho người Mỹ gồm 33 người lén lên sân thượng. Hartman đốt lựu đạn khói và một chiếc trực thăng bay đến. Phi công cho biết cần hai chuyến, nhưng sau chuyến thứ nhất chở đến tòa đại sứ anh ta phải ra hạm đội lấy xăng. Số người Mỹ chờ chuyến thứ hai phải dùng sức mạnh ngăn cản nhân viên người Phi và người Việt trèo lên sân thượng, cho đến khi chiếc trực thăng tới chở họ ra hạm đội 7.

O .B. Harnage phụ trách di tản các điểm hẹn rãi rác trong thành phố với một chiếc trực thăng. Thượng nghị sĩ Trần Văn Đôn và các phụ tá quan trọng của tướng Nguyễn Khắc Bình chờ tại điểm hẹn ở số 22 đường Gia Long trong khu chung cư nơi LaGueux ở, nhưng những người này đã không đến được tòa đại sứ.

Tại Tân Sơn Nhất sau 3 giờ chiều một số quân nhân quân đội VNCH bắn cháy vài chiếc trực thăng của hạm đội. Polgar báo cáo Langley “Sự việc kết thúc quá nhanh. Và trông không đẹp mắt chút nào!”

Về nhân sự CIA ông báo cáo: “Toàn bộ nhân viên CIA an toàn, hoặc đang bay ra hạm đội, hoặc đã ở trong khuôn viên tòa đại sứ chờ di tản”.

Một gương can đảm liều mình cứu người được ghi nhận. Út, xưa kia là tài xế của Shackley đã an toàn trong tòa đại sứ nhưng biết còn nhiều nhân sự tính mạng có thể bị đe dọa còn chờ tại Lee Hotel. Út vượt thành ra ngoài đến Lee Hotel tìm các đối tượng làm việc với CIA, gom lại  đưa đến một địa điểm khác an toàn và sau đó được trực thăng di tản.

Nhân viên làm việc cho các đài tiếng Việt của CIA phát thanh ra Bắc (TBN: như đài Gươm thiêng Ái Quốc) gồm 4 sĩ quan CIA và gần 1.000 người Việt đã được chuyển ra đảo Phú Quốc trong ngày 28/4 và dự tính đưa ra hạm đội bằng trực thăng. Nhưng bối rối Sài gòn mất liên lạc với Phú Quốc. Washington phải yêu cầu Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Mỹ tại Thái Bình Dương thuê một thương thuyền đến chở toàn bộ rời khỏi Phú Quốc trước khi Phú Quốc bị các đơn vị cộng sản chiếm đóng.

Xế chiều các đơn vị cộng sản bố trí ở phía Đông Sài gòn bắt đầu pháo kích Tân Sơn Nhất, đạn bay rào rào qua thành phố tạo thêm kinh hoàng. Hạm đội 7 cho biết có thể ngưng di tản bất cứ lúc nào. Đại sứ Martin dù còn yếu vẫn lên máy kêu gọi Bộ Ngoại giao, Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Mỹ tại Thái Bình Dương và tòa Bạch Ốc duy trì các chuyến bay di tản tại tòa đại sứ. Ông không ước lượng giờ có thể chấm dứt vì số người lọt vào tòa đại sứ càng lúc càng đông.

8:00 giờ tối Washington cho lệnh cuộc di tản phải chấm dứt vào lúc 3:45 sáng ngày 30/4 (TBN: Washington có giờ chính xác do liên lạc với Nga Sô). Được lệnh, Polgar báo cáo cần 20 phút để phá máy truyền tin đặc biệt, và 3:20 sẽ là giờ chót chấm dứt mọi liên lạc bằng điện văn mật với Washington.

9 giờ tối, Polgar báo cáo còn 8 nhân viên CIA ở lại trong đó có ông, và CINCPAC yêu cầu Martin phải ra đi trước 11:00 giờ đêm để bảo đảm an toàn.

11:00 khuya, Langley thúc Polgar cho mọi người ra đi, cho biết chỉ còn 35 chuyến trực thăng nữa thôi. Polgar cho biết đại sứ Martin quyết định chỉ ra đi trong chuyến máy bay cuối cùng thôi.

Do lệnh từ Hà Nội các đơn vị cộng sản nằm im để cho Hoa Kỳ di tản, nhưng Polgar biết họ có thể pháo kích vào thành phố bất cứ lúc nào.

Colby giám đốc CIA gởi điện văn cuối cùng khen ngợi Polgar. Trả lời Polgar nói “mọi việc không kết thúc như ý muốn, nhưng tận trong thâm tâm tôi biết chúng ta đã nỗ lực tối đa.”
Vào lúc 4 giờ sáng ngày 30/4/1975, một viên Thiếu Tá TQLC bước đến gần đại sứ Martin và thưa với ông rằng nếu ông không bước lên chiếc trực thăng đang chờ sẳn thì tôi “thừa lệnh đặc biệt của tổng thống” sẽ phải khiêng ông đi.

Không có sự lựa chọn nào khác đại sứ Graham Martin cuốn cờ bước lên trực thăng. Theo chân ông là Polgar, LaGueux và Jacobson. Máy bay đưa ông đại sứ ra chiến hạm USS Blue Ridge trực chỉ Subic Bay.

Bóng đêm trùm xuống thành phố Sài gòn!

Kỳ tới: Cảm nghĩ : Ôn Cố Tri Tân

Sept. 26, 2009

Đọc các kỳ trước: I, II, III, IV, V.

Bài do tác giả gửi đăng.

Phản hồi