WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Xuân về trên xứ sở mai anh đào

Đà Lạt thường được gọi là thành phố ngàn thông, thành phố ngàn hoa, thành phố lưng trời nhưng đặc sắc và biểu trưng nhất có lẽ là tên gọi “thành phố Mai anh đào”. Vì ngàn thông, ngàn hoa, lưng trời tuy hiếm nhưng không phải là duy nhất. Duy nhất chỉ có một xứ sở Mai anh đào.

Không phải anh đào Nhật Bản, không phải đào Hà Nội, không phải đào Sapa, không phải đào lông mà là mai anh đào Đà lạt. Có lẽ các nhà thực vật học, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử nên làm một cuộc nghiên cứu công phu để làm rõ thêm tính độc đáo của loại hoa mai – đào này.

Mỗi năm hoa chỉ nở một lần, sau khi cây trút lá. Đóa mai anh đào năm cánh bé bỏng, đơn sơ, màu hồng phớt tím nhưng khi hàng ngàn hoa nở rộ, toàn cây thành một ngọn lửa bập bùng, không rừng rực nhưng dịu dàng, nồng nàn, ấm áp. Thân cành mai anh đào khi còn non mảnh mai nhưng khi già trở thành cổ thụ cũng sần sùi, tạo dáng vững chãi và có thể cao đến mươi thước.

Trước đây mai anh đào thường nở vào trước hay sau Noel nhưng những năm gần đây do thời tiết thay đổi, thời gian nở chậm dần và tết năm Kỷ Sửu 2009, lần đầu tiên mai anh đào nở rộ vào đúng dịp tết, tạo thành một hiện tượng làm cư dân thành phố và du khách kinh ngạc và vui mừng, báo hiệu sự hồi sinh của xứ sở mai anh đào.(*)

Đà Lạt nổi tiếng với muôn ngàn sắc hoa, được nhiều người nhắc đến với “mimosa từ đâu em tới đất này”, hay “dã quỳ nồng nàn thúc giục”, các loài lan kiêu sa vương giả, hay cả cây phượng tím cổ thụ duy nhất trước chợ Hòa Bình nở tím cả một vùng trời năm xưa (bây giờ người ta đã nhân được giống trồng khắp nơi nhưng không có cây nào có được tàn cây lớn và vẻ đẹp lạ lùng của cây phượng tím cổ thụ này)…  Tuy vậy, có lẽ những người từng gắn bó sâu xa hay có “kỷ niệm rưng rưng” với Đà Lạt, không ai có thể quên lời nhắc nhở tha thiết của nhạc sĩ Hoàng Nguyên năm xưa “ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa”.

Năm nay, trước Tết Tân Mão 2011 chừng mươi ngày, mai anh đào bắt đầu lác đác khoe màu, báo hiệu một mùa hoa bàng hoàng như cách đây hai năm. Chỉ tiếc những con đường quanh hồ Xuân Hương đang lầm bụi đỏ do xe chuyển đất từ những công trình đang xây dựng đã và sẽ làm hoen ố không ít sắc hoa.

“Nàng mai anh đào” nở sớm ven hồ Xuân Hương. (Phía bên kia hồ là nhà hàng Thủy Tạ).

Ở Đà Lạt nói riêng, cả nước nói chung, hiện nay đi đâu cũng thấy công trình đang xây dựng, ngổn ngang lở dở. Đó là điều tất yếu của một đất nước vừa thoát ra khỏi đói nghèo, đặc biệt đối với những thành phần giàu lên nhanh chóng hay có cuộc sống khá hơn. Vấn đề là tầm nhìn, trình độ lãnh đạo, quản lý của chính quyền có theo kịp với bước phát triển để đưa việc xây dựng vào quy hoạch, giữ cho đô thị phát triển đúng hướng, có tính khoa học, thẩm mỹ, giữ được bản sắc, lịch sử, đồng thời hài hòa với tính hiện đại. Đây là bài toán khó cho mọi thành phố.

Vừa qua chính quyền Đà Lạt quyết định tháo nước hồ Xuân Hương để nạo vét, xây bờ kè và xây lại đập, mở rộng cầu Ông Đạo, chiếc cầu duy nhất cuối hồ đi vào khu phố chính. Đó là một quyết định đúng và cần thiết. Không nạo vét, xây kè, hồ sẽ cạn dần, lở lói. Chiếc cầu Ông Đạo đã quá chật chội so với lượng xe ngày càng đông đảo. Thời gian một năm mặt hồ trơ đất xấu xí, cỏ mọc tràn lan. Con đường tạm chạy qua hồ gập ghềnh bụi bặm. Dân Đà Lạt ngán ngẩm và du khách không còn muốn tới. Không có hồ, Đà Lạt mất đi không phải 60 mà là 90 phần trăm nét quyến rũ. Nhưng mọi chuyện đã được đền bù. Một tháng trước Tết, sau khi xây đập xong, người ta bắt đầu đóng đập tích nước, hồ đang đầy dần lên, tuy nhiên đang là mùa khô nên phải nhiều tháng nữa, mặt hồ mới lấy lại được khuôn mặt trữ tình vốn có. Và một tuần trước Tết, sau những ngày tháng “cấp tập thi công”, cầu Ông Đạo mới rộng rãi đã được khánh thành thông xe trong niềm vui của những người chứng kiến.

Hồ Xuân Hương 4 ngày trước Tết Tân Mão.

Chợ Hòa Bình, tác phẩm của kiến trúc sư tài hoa Ngô Viết Thụ năm nào đã từng là niềm tự hào của người Đà Lạt, tuy không thể sánh được với những công trình kiến trúc độc đáo lừng danh từ thời Pháp như trường Yersin, nhà ga Đà Lạt, Nha Địa Dư, Dinh 1, Dinh 2, Dinh 3, nhà thờ Domaine. Trước sức ép phát triển, người ta đã phải xây chợ thêm mấy tầng lầu. Vẫn chưa đủ. Bây giờ lại có kế hoạch cải tạo phần sau của chợ bằng một công trình hiện đại, mới được khởi công chưa lâu, có tên là Dalat Center, bao gồm chợ truyền thống, trung tâm thương mại – giải trí, khách sạn và căn hộ cao cấp. Nếu theo đúng thiết kế, công trình này sẽ có nhiều tầng. Các tầng trên dùng làm văn phòng, cửa hàng, khách sạn, căn hộ nhưng mấy tầng dưới sẽ dùng bố trí lại các gian hàng của chợ cũ. Ai đã từng đi vào khu phía sau này của chợ, nơi bán cá thịt, nông sản chật chội, hôi hám, ướt át quanh năm mới thấy công trình này là một sáng kiến thật sự hữu ích nhiều mặt. Miễn là phải làm đúng quy hoạch, bố trí lại các cửa hàng cho những sạp đã phải tạm thời dời về phía trước, vô cùng chật chội, cho dù mất đến 3 năm chờ đợi cũng xứng đáng.

Trong khi hồ Xuân Hương đang thi công và phần sau chợ Đà lạt mới giải tỏa, có một số dư luận cho rằng nhà nước chiếm hồ để bán đất làm biệt thự, cướp cửa hàng của tiểu thương… Những ý kiến này hoặc do thiếu thông tin, hoặc do ác ý sẽ trở thành lố bịch trước thực tế. Không kẻ nắm quyền lực nào, dù tham lam, ngu đần đến mấy, có thể làm được việc chiếm hồ Xuân Hương để xây nhà. Cướp đất của nông dân để làm sân golf xảy ra nhiều nơi nhưng khó lòng cướp được mấy trăm sạp của tiểu thương chợ Đà Lạt mà không xảy ra một cuộc đại loạn. Nhận định, phê phán phải chính xác, công bằng mới có sức thuyết phục.

Cầu Ông Đạo mới vừa khánh thành thông xe dù chưa hoàn chỉnh.

Vô số chuyện đang diễn ra đều có mặt ưu, mặt khuyết. Như việc làm công viên văn hóa Bà Huyện Thanh Quan bên hồ Xuân Hương, một vị trí tuyệt đẹp, giải tỏa lấy đất xong, làm tường rào vẽ vời hào nhoáng nhưng mấy năm rồi chỉ mới xây dựng chút xíu và cày ủi đất nham nhở. Nghe nói chủ đầu tư không có tiền và đang tìm cách bán lại cho người khác. Chung quanh hồ Tuyền Lâm, một khu du lịch rộng lớn mới hình thành sau năm 75, nổi tiếng với Trúc Lâm thiền viện, những mảnh rừng vô giá đã được phân lô chia chác hết. Hầu hết các dự án đầu tư đều công bố làm khu du lịch sinh thái, sân golf nhưng chủ yếu là phá rừng làm biệt thự. Không kiểm soát được, việc này sẽ có hại nhiều hơn lợi, hay chỉ có lợi cho một thiểu số “nhóm lợi ích” móc ngoặc với quan chức chính quyền.

Một chuyện lớn bây giờ vẫn còn là cái gai trong mắt người dân là cho thuê đồi Cù làm sân golf với giá rẻ mạt, trở thành “thiên đường riêng” rào giậu kín bưng cho một số người lắm tiền nhiều của, làm ô nhiễm môi trường, tước đoạt mất một tài sản chung  vô giá, “của hương hỏa” của người dân Đà Lạt. Nhất định đây phải là món nợ cần đòi, càng sớm càng tốt chứ không phải đợi đến 50 năm.

Một chuyện nhỏ người dân đã làm được là ngăn chận việc xây dựng nhà hàng ăn uống nhiều tầng nơi nhà hàng Thanh Thủy bên hồ Xuân Hương. Do dư luận phản đối quyết liệt, khi đang xây dựng, công trình này buộc phải thay đổi thiết kế, cắt bớt các tầng cao, nếu không sẽ phá vỡ nét đẹp của mặt hồ. Một chuyện nhỏ hơn là cứu được cây mai anh đào cổ thụ đẹp nhất Đà Lạt ở cuối công viên Xuân Hương khi người ta định bứng đi để làm đường vào nhà?! Có tự do thông tin, báo chí, người dân được làm chủ thực sự, chắc chắn những việc sai trái không thể diễn ra dễ dàng hay sẽ được ngăn chặn kịp thời.

Các khu dân cư mới đang hình thành. Khu đất phía bên hông trường Cao Đẳng Sư Phạm trong năm qua đã trở thành một đại công trường với việc xây dựng cụm 5 chung cư nhiều tầng và hàng trăm nhà ở dọc đường Yersin. Công trình khu thể thao gần đó sắp xong. Khu công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt vừa mới động thổ. Một số con đường đang được làm lại lề. “Con đường đau khổ” Nguyễn Công Trứ đã “hoàn thành cơ bản” việc làm mới… Sau một thời gian “bóc lột thắng cảnh và thiên nhiên”, người ta buộc phải tìm cách cứu vãn hồ Than Thở cạn dần không còn chỗ thở than, đang ra sức khôi phục lại thác Cam Ly, một tên gọi đầy sức quyến rũ sau thời gian dài sặc mùi xú uế và đầy rác rưởi. Vài khu du lịch sinh thái mới được hình thành có sức hấp dẫn như Núi Langbian, Thung Lũng Vàng, Đồi Mộng Mơ… tuy vẫn còn nhiều điều chưa như ý.

Cụm chung cư Yersin đang là đại công trường.

Đà Lạt từ xưa đã được mệnh danh là thành phố “ba không”: không đèn đỏ, không siêu thị, không nhà hát. Đèn đỏ bây giờ vẫn chưa có và thỉnh thoảng bắt đầu xảy ra nạn kẹt xe ở cầu Ông Đạo, vòng xoay đường 3 tháng 2 – Hải Thượng, đường Nguyễn Đình Chiểu. E rằng trong tương lai không xa, đèn đỏ sẽ xuất hiện vì vào những ngày lễ tết, du khách đến Đà Lạt hàng vạn người, với hàng ngàn xe, trong đó có hàng trăm xe bus khổng lồ bề ngang chiếm hơn một nửa mặt đường. Đã có hai siêu thị (đường Phan Đình Phùng và đường Phan Chu Trinh) nhưng khách còn lưa thưa vì chưa đúng nghĩa siêu thị (chỉ cho thuê chỗ bán hàng) và người dân vẫn chưa có thói quen đi siêu thị, thích vào chợ truyền thống hơn. Rạp chiếu phim chỉ có một ở Khu Hòa Bình kiêm nhiều chức năng chứ chưa phải nhà hát đúng nghĩa.

Đi ra xa xa khỏi các khu phố chính, ở những khu trồng rau, hoa, trước đây mượt mà màu xanh, bây giờ mênh mông trắng lóa “nhà kính” (thực ra là nhà ni lông) vì trồng theo công nghệ mới. Cảnh tượng không còn gì là thơ mộng nữa mà khô khốc vô hồn.

Mai vàng miền Nam bên hồ Xuân Hương cao nguyên.

Những “người của Đà Lạt ngày xưa” đi xa trở về hẳn sẽ thất vọng khi không tìm lại được hình ảnh một Đà Lạt nhỏ nhắn, yên bình, tĩnh lặng, mượt mà, ngát xanh, tỏa hương, lãng mạn, trữ tình của một thời xưa cũ, “một thời để yêu và một thời để nhớ”. Ngay những cư dân Đà Lạt lâu năm vẫn sống trong thành phố này cũng lắm điều không hài lòng. Nhưng biết làm sao được. Làm sao có thể ngăn cản hàng vạn dân nhập cư. Làm sao có thể ngăn cản người dân tìm cách mưu sinh trong thời kỳ kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu. Làm sao có thể ngăn cản số lượng du khách đến ngày càng đông đảo… Cuộc sống vẫn đi tới không ngừng theo vận hành tự nhiên của xã hội. Vấn đề đặt ra, như đã nói, vẫn là tầm nhìn, trình độ lãnh đạo và quản lý của chính quyền song song với nhận thức, năng lực làm chủ của người dân. May ra, đến một lúc nào đó, Đà Lạt trở thành một thành phố đại học, đồi Cù được dùng làm công viên hay vườn thực vật, theo như đề nghị gợi ý của một số chuyên gia nước ngoài, lúc đó  Đà Lạt lại sẽ có một diện mạo mới nhưng văn minh hơn, quyến rũ và hài hòa hơn với xứ sở ngàn thông mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.

Các vùng trồng rau, hoa trắng lóa “nhà kính” hiện nay ở Đà lạt.

Những ngày giáp Tết Con Mèo, chịu ảnh hưởng của không khí lạnh từ miền bắc tràn về, Đà Lạt lạnh hơn mọi năm. Bầu trời chưa thực trong xanh vời vợi, nắng chưa đủ ấm vì những đám mây xám âm u ẩn hiện, gió quật tơi bời cây lá nhưng mọi người vẫn xôn xao chuẩn bị Tết. Mọi thứ hàng hóa, đặc biệt là quần áo, rau trái và các mặt hàng phục vụ tết được bầy ra đầy kín những con đường vào các chợ. Những người buôn bán nhỏ vô cùng vất vả nhưng cũng là dịp để kiếm thêm ít tiền trong những ngày năm cùng tháng tận. Các khu chợ hoa xuất hiện ven hồ Xuân Hương không phải chỉ với hoa Đà lạt mà còn hoa và cây trái miền Nam đưa lên. Sắc vàng hoa mai chan hòa với sắc hồng mai anh đào và vô vàn sắc màu của ngàn hoa Đà Lạt.

Mai anh đào, thông non và hoa loa kèn bên nhau in bóng lên nền trời xuân.

Dù sao cho đến nay, ở Đà Lạt, ngồi trong phố vẫn còn nhìn thấy rừng thông. Thông xanh mướt trên đồi Cù, thông êm ả ở công viên Xuân Hương, thông chập chùng phủ kín Dinh 2 và một khoảng dài  trên đường Trần Hưng Đạo. Xa xa hơn nữa vẫn còn nhiều nơi rừng thông ngút ngàn trùng điệp. Cũng vẫn còn có thể gọi là “rừng trong phố, phố trong rừng” dù bê tông đã lan tràn. Mai anh đào và mimosa đã được trồng khắp nơi, trong nhà, trong công viên, trên đường phố, có cả con đèo mới mang tên “đèo mimosa” và cũng xứng danh vì mùa này đang rực sắc vàng tươi trên những đoạn đường quanh co uốn lượn. Và hi vọng từ tết này, khi sắc màu “như môi hồng người mình yêu” xuất hiện “trên má ai”, lại một lần nữa báo hiệu sự hồi sinh của một xứ sở mai anh đào.

Mimosa cũng vào hội mùa xuân

Đà Lạt những ngày giáp Tết Tân Mão 2011.

© Đan Vy

© Ảnh: Bạch Yến

(*) Bài viết “Về một xứ hoa đào” của Đan Vy, đăng trên Danchimviet.com đầu năm 2009.

1 Phản hồi cho “Xuân về trên xứ sở mai anh đào”

  1. Vũ Duy Giang says:

    Cám ơn Đan Vy viết về tình trạng mới nhất của Dalat,để những”người Dalat”tìm lại được thấy lại một vài hình ảnh,và kỷ niệm của một Dalat kiến trúc như 1″tỉnh nhỏ của Pháp”(province Française)thuở xưa,khi Dalat chỉ có 50’000 người ở(gồm cả các dân di cư năm 1954 từ Bắc,qua Trung,Nam vào Dalat.cùng nhiều gia đình Pháp sinh sống ở đây,như cô tài tử điện ảnh Marie France Pisier). Bây giờ Dalat có hơn 300’000 dân,quá nhiều cho 1 thành phố nhỏ,nên UBNN Dalat đã nhờ các nhà thiết kết đô thị Pháp về Dalat để thiết kế lại thành phố mở rộng này.

Phản hồi