Văn hóa nịnh trên nạt dưới
Nhập đề
- Một cố tật chăng?
- Không phải ngài ơi! Nó là một di căn đã ăn sâu vào máu thịt của 2-3 thế hệ người Việt rồi.
- Có quá không? chứ tuổi trẻ thời “@” chẳng ai dại gì đi choàng lên mình màu xanh rêu của quá khứ.
- Vậy là ngài lạc quan tếu đấy. Quá khứ xanh rêu ấy có thể bây giờ không còn là câu cửa miệng nhưng không phải là người ta đã tống tiễn nó vào dĩ vãng và nó đã tận thế đâu nhé, mà vì tế nhị, vì ngoại giao mặt mũi thôi, chứ thực tế nó vẫn hiện tồn trong từng bữa ăn, giấc ngủ, trong từng bước đi, dáng đứng, trong từng cử chỉ, lời nói và hành động của mỗi thành viên trong dòng giống Lạc Hồng đấy. Mà ngài đừng cười thế. Ối người chả bảo: Dân Việt mình là một dân tộc hơi bị hiếu khách đó sao?!
***
- Có ai ở nhà không?
- Ai đấy? – bà An lên tiếng rồi tất tưởi bước ra. Nhận ra nữ công an hộ khẩu của phường bà An đon đả chào hỏi. – Chào cô! Dạo này có chuyện gì mà cô cứ phải đi tuần suốt thế?
- Nhà có người từ nước ngoài mới về phải không?
Chủ nhà chừng đã hiểu nguyên nhân sự hiện diện của viên công an hộ khẩu, bèn đáp, giọng vẻ hồi hộp.
- Vâng, các cháu nó về mấy hôm nhưng có chuyện gấp nên lại đi ngay rồi.
- Đi đâu thế? Về cả tuần lễ rồi chứ mấy hôm gì nữa. Sao không thấy lên phường trình báo?
- Rõ khổ – bà An ta thán – chắc các cháu nó vội nên chưa kịp lên cô trình báo. Để bữa này các cháu quay lại tôi sẽ bảo các cháu lên ngay.
- Làm vậy là thiếu nguyên tắc và phạm pháp đấy. Gia đình nên nhắc nhở, lần này được bỏ qua, lần sau sẽ gặp phiền hà đấy. Thôi nhớ, hết chuyện rồi.
Trước khi bước ra cổng người công an hộ khẩu còn đảo mắt nhìn quanh quất vào trong nhà như muốn tìm ra điều gì đó khuất tất của chủ nhà, nhưng không thấy dấu hiệu khả nghi, bèn lùi lũi bước ra cổng.
Chờ cho nữ công an hộ khẩu khuất dạng, tiếng bà An than thở với chồng: Cái cô này mặt mũi còn non choẹt, chưa đáng tuổi cháu mình mà sao ăn nói thì xấc xược thế không biết.
Tiếng chồng bà An: Bà rõ thật. Người công quyền ở đâu chả thế.
Tiếng bà An: Thì tôi cũng biết vậy, nhưng mình cũng là người già cả, vậy mà đến đây lần nào cô ấy cũng chỉ gọi đổng từ cổng gọi vào. Dạo này xảy ra chuyện gì mà đi tuần dữ thế không biết.
Tiếng chồng bà An: Tuần tiễu cái ngữ gì. Cái ngõ phố bằng cái mắt muỗi, mấy chục hộ, lại toàn hộ lao động lương thiện, già cả và nghèo kiết xác cả. Có chuyện gì mà phải tuần với tiễu. Chuyện đáng làm là cái đám choai choai nghiện hút thậm thụt đêm hôm để buôn bán heroin và chích choác, rồi chó, mèo, gà vịt, cây kiểng, ao cá… trong xóm thì khua khoắng bằng hết cả. Chán chê lại đi bứng cả trấn song cửa sổ, rồi dỡ hết cả cổng sắt của các nhà để đem bán cho đồng nát lấy tiền hút hít thì chả thấy động tới. Thời thế bây giờ sao lại khổ sở thế không biết nữa. Bố mẹ thì vục mặt đi kiếm tiền, ngỡ con cái ở nhà học hành tử tế, ai dè lớn bé đều đua nhau không nhậu nhẹt thì chích hút, trộm cắp. Chập tối đến là ngóc ngách nào cũng thấy túm năm tụm ba, rồi bật lửa phập phùng để hút hút hít hít với nhau. Đường đi lối lại chỗ nào cũng thấy kim tiêm của đám nghiện. Cứ đà này ngỡ chừng ít bữa nữa cái phố này sẽ phải đổi tên thành phố nghiện hút không biết chừng. Đợt này vợ chồng nó về, bà bảo các con lên trình diện ngay đi, bằng không người ta xuống lần nữa là phiền phức lắm.
***
Đồn công an phường
- Chào chị! Chị làm ơn cho gặp chị Tuất bên hộ khẩu.
Người trực ban ngửng lên nhìn chằm chặp người đối diện, giọng thiếu thiện cảm.
- Chuyện gì thế?
- Tôi muốn đăng ký thường trú thôi chị ạ.
- Đăng ký ở đây cũng được. Có mang giấy tờ tùy thân không?
- Có đây chị ạ!
- Được rồi, cầm giấy này, sang bàn bên kia, khai trung thực vào đây. À mà thôi – người trực ban giật lại bản khai hộ khẩu thường trú – chờ chút đã – này – người trực ban nói với một đồng nghiệp vừa bước từ phòng trong ra – người của khu vực em quản lý đấy. Thiêng thế, vừa nhắc tới thì xuất hiện. Nói xong người trực ban bỏ vào phòng trong.
- Anh chị về lâu chưa?
- Chào chị! Chúng tôi về cũng hơn tuần rồi chị ạ!
- Về lâu vậy sao không lên trình báo?
- Chúng tôi bận quá, phần vì nghĩ trình báo một bên là đủ.
- Đủ là sao? Ở đâu phải trình báo báo đó thì chúng tôi mới quản lý được chứ? Thế giấy tờ tùy thân có đem đủ không?
- Có đây chị ạ.
- Ngồi xuống, khai vào đi. Mà đi lâu thế, còn viết được tiếng Việt không?
Tiếng người chồng: Để tôi thử, chỗ nào sai nhờ chị đánh vần giùm.
Tiếng người công an hộ khẩu: Anh cũng tếu nhể. Tập trung mà ghi cho chuẩn xác đi. Tên tuổi, quê quán, địa chỉ thường trú, địa chỉ tên tuổi người thân, lý do thường trú, ở bao lâu, nước nào về? về với mục đích gì? ngày về, ngày đi… nhớ là ghi thành khẩn đấy nhớ.
Mà hộ chiếu của anh chị đâu?
Tiếng người chồng: chị đang cầm trên tay.
Tiếng người công an hộ khẩu: Hộ chiếu gốc cơ. Không mang hộ chiếu gốc lên à?
Tiếng người chồng: Chị yêu cầu bản sao, mà tôi nghĩ bản sao là đủ, sao còn phải nộp bản gốc nữa?
Người công an hộ khẩu mặt thoáng sa sầm: Thôi được rồi. Khai đi. Lần sau nhớ đem theo cả hộ chiếu gốc để đối chiếu. Người công an hộ khẩu còn định nói điều gì đó nhưng chợt thấy viên thiếu tá bước vào bèn vội vàng nhổm dậy, hai tay xoa xoa, nhoẻn cười tươi rói, nói:
- Ơ, em chào thủ trưởng. Thủ trưởng tới thăm sao không báo trước để phòng em chuẩn bị?
Viên thiếu tá:
- Tiện thể thăm các cô cậu thôi. – viên thiếu tá khẽ liếc mắt, hất hàm hỏi người đồng nghiệp – mới ở nước ngoài về à?
Nữ công an hộ khẩu:
- Dạ, vâng! Thưa thủ trưởng, đôi này coi trời bằng vung lắm thủ trưởng ạ. Về cả hơn tuần, đi tứ tung cả, mà hôm nay mới chịu lên trình báo. Vẫn đôi bàn tay khẽ xoa vào nhau, lưng hơi còng về phía trước, người công an hộ khẩu nói – em mời thủ trưởng vào trong phòng ngồi nghỉ, để em giao ban xong sẽ dẫn thủ trưởng đi dùng cơm trưa ạ. Tiễn viên thiếu tá vào phòng trong xong, người công an hộ khẩu trở ra, hỏi cộc lốc.
- Viết xong chưa? Có mấy dòng mà khai vất vả nhỉ. Được rồi. Cả hai ký vào đây. Lần sau về phải lên trình báo ngay nhớ.
***
Thấy vợ chồng người con trở về, bà An vội vàng chạy ra hỏi: Sao rồi các con, có phiền phức gì không?
Tiếng người con: Phiền thì không, nhưng chỉ muốn đánh lộn bà ạ.
Tiếng bà An: Vớ vẩn. Anh chị đến cửa quan phải cố mà nhũn nhặn. Một điều nhịn là chín điều lành. Từ bữa các anh chị về ngày nào người ta cũng đảo qua đây để hỏi han. Rút kinh nghiệm, lần tới anh chị về, vợ chồng con cái lên hết trên đó trình diện một thể cho khỏi phiền hà.
Tiếng ông An trách vợ: Bà này hay thật. Các con nó về thăm nhà, thăm quê hương chứ đi cải tạo về đâu mà bảo tụi nó phải trình diện.
Tiếng bà An: Ôi dào, ông thì lúc nào cũng lý sự. Người ta là người của nhà nước muốn nói thánh nói tướng gì chả được. Muốn con cái khỏi phiền thì tốt nhất họ bảo trình gì thì trình đó. Khỏi mất công bị vặn vẹo. Bà An quay sang hỏi vợ chồng người con – thế vừa rồi cái cô công an hộ khẩu có vặn vẹo gì không?
Tiếng cô con gái: Có đấy mẹ ạ! Họ đòi xem hộ chiếu gốc của tụi con. Và còn hỏi “đểu” nhà con có nhớ tiếng Việt không nữa.
Tiếng bà An: Đấy, ông thấy chưa. Con ông đi học đại học, cái cô công an ấy còn chưa mở mắt, vậy mà nó về thăm nhà lại bị hỏi có biết tiếng Việt không?
Tiếng ông An: Thôi, vậy là xong hết mọi chuyện. Vào nhà đi. Không nhỡ người ta đi tuần, nghe câu được câu mất, thành phức tạp.
Tiếng người con: Người nhà mình ở giữa công sở mà sao ăn nói, xưng hô với nhau thô lỗ thế hả mẹ.
Tiếng ông An thở dài: Xã hội nó thế. Các anh chị ăn cơm tây, học cách sống của tây, nên có trình có tự, chúng tôi ở nhà sống cảnh trên đe, dưới búa miết nó thành quen nên người ta nói sao thì biết gật vậy chứ có ho he cũng chẳng giải quyết nỗi gì mà chỉ thêm phiền phức vào thân.
Tiếng bà An: Phải đấy. Vợ chồng con cái các anh chị về thăm bố mẹ ít hôm rồi lại đi, cứ bắt chiếc chúng tôi mũ ni che mắt mà sống. Những chuyện khác ngoài xã hội đã có người nhà nước lo. Chúng tôi thân già thế này mà nhiều khi vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Tiếng người con: Thế phải ngậm đến bao giờ hả bà?
Ông An bật cười: Anh đúng là tếu. Ngậm cho đến chết. Nghe các anh chị về, chúng tôi đã thỉnh cho anh chị chữ NHẪN. Làm người sống nơi đâu cũng đều phải NHẪN cả, nhưng làm người Việt thì phải sống trên cả chữ NHẪN mới mong có một chút cơ hội để sinh tồn.
© Việt Hà
© Đàn Chim Việt