WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Người có học

Một lớp ngoại khoá mở ra cho những sinh viên chăm chỉ trong dịp hè. Mỗi người có một phiếu vào lớp với số ghế cố định, có nghĩa là dù đi sớm hay muộn, anh vẫn có một chỗ ngồi đàng hoàng. Nhầm to! Ban tổ chức lớp nhầm to, ngày nào cũng có cãi vã đòi chỗ: số người nhiều hơn số ghế và đâu phải chỗ nào cũng dễ nhìn thấy bảng đen.

Tôi ngồi ghế số một, hàng hai, ở một góc mà từ đây tôi phải liếc về bảng chứ không nhìn thẳng được. Một cái quạt trong góc giảng đường luôn làm đầu tóc tôi rối tung rối mù, vở lật tứ tung. Ba giờ học trôi qua như trong cơn giông. Tóm lại là cũng chẳng béo bở gì! Vậy mà cũng không thoát. Vào buổi học thứ ba, tôi đi muộn năm phút. Một anh béo tóc xoăn đang ngọ nguậy trong cái ghế của tôi. Co mình lại vì ý thức được rằng cả cái giảng đường dốc ngược kia đang ngồi nhìn xuống mà tôi thì đang đứng, tôi bảo : “Anh ơi! Chỗ này của em!”. “Giấy đâu?”. Tôi buồn cười, rút tờ giấy có ghi số ghế đưa anh béo, cảm thấy hành động của mình sao mà khúm núm giống như các gia đình có công đi nộp một tờ giấy chứng nhận thành tích cho cán bộ phường để xin một mảnh đất làm nhà. Anh béo đọc xong, rất thờ ơ và công chức, bảo tôi: “Đợi tí được không? Để tôi nghe nốt đoạn này đã!”. Tôi cũng không nhớ đã nói gì, hình như là nằng nặc đòi lại cái ghế bão gió của mình. Không phải để ngồi nghe giảng nữa, đơn giản là tôi sợ bị quê, tôi cần phải chứng tỏ cho cả một đống người đang nhìn xuống kia rằng đây là cái ghế của tôi, rằng nãy giờ tôi đòi ghế chứ không phải xin ghế… Cuối cùng, thằng béo ấy cũng rút, để lại một câu chửi tôi không nghe rõ. Một vụ tranh chấp cũng khá nhẹ nhàng, tôi không có gì là ghê gớm lắm…

Buổi học thứ năm. Kem bảo tôi: “Đi sớm để khỏi phải đòi ghế!”. Vào sớm nhưng trong cái ghế của tôi, một cô nàng đang chống cằm tư lự, mắt nhìn xa xôi… Lần nay, hùng dũng hơn, tôi cười: “Chị ơi, tôi ngồi chỗ này!”. Một đôi mắt xếch ngược ngước lên nhìn tôi rồi cô ả nói như ra lệnh: “Chị đuổi cái anh đang ngồi ghế số chín ra đi rồi tôi trả lại chỗ!” “Sao kỳ vậy?” Tôi hoàn toàn đảo điên trước con người này.

“Ghế số 9 là của tôi, ảnh chiếm, tôi đuổi không ra!”. “Đó là chuyện của chị, chị đuổi không được nên sang lấy ghế của tôi sao?”. Tôi lắp bắp, thấy mình có vẻ hèn hèn sao đó. Một cái cười khinh bạc như cái cười của nữ tặc và nó bảo: “Không biết, tôi không đi! Chị mời ban tổ chức lại đây!”. Mọi thứ đều u mê đi trong tôi, tôi đứng đó gọi Kem: “Kem, anh Huy đâu?” Anh Huy – người hùng của những ai bị chiếm chỗ- hôm nay biến mất. Hoảng loạn (và cũng không hiểu vì sao tôi hoảng loạn lên như vậy ), tôi hỏi câu ấy bốn năm lần dù Kem đã bảo: “Không thấy”. Kem cũng đang đằng đằng sát khí ở cái ghế của nó! Tôi nhìn tất cả, thấy sao ai cũng kinh khủng quá, trơ tráo quá. Tôi bảo nữ tặc mắt xếch ấy: “Chị ra đi!”. “Không, tôi không đi!”. Mọi người đã bắt đầu nhìn tôi và tôi ngượng, một câu nói như đưa con hoang tự động vọt ra miệng: “Chị đừng có ăn nói du côn như thế!”. Và con người ấy ngồi thẳng lên. Một cái áo soie hồng kín cổ, tay phồng, một mái tóc dài kẹp lưng đoan trang, như một nhà đạo đức, bảo tôi: “Này! Vào đại học rồi, chúng ta là những người có học, đừng có dùng chữ du côn ở đây. Khi chị nói chữ đó ra, chị đã mật dạy hơn người ta rồi đấy!”. Và khoảng một chục cặp mắt xung quanh nhìn tôi, nhìn một đứa ngày thường vẫn được coi là ngổ ngáo giờ đã có người trị. Tôi không nhận ra được ai quen ai lạ trong đám đó, tự nhiên thấy sợ hãi: “Hay mình mất dạy thật?”. Tôi thấy mọi chuyện như trong mơ. Một ví von rất tiểu thuyết nhưng đúng là như vậy. Vì thế tôi hành động một cách u mê. Những tác phong bạo dạn ngày thường tôi bỏ đi sạch! Tôi cảm thấy hình như cái cổ áo mình quá rộng, cái đầu mình quá ngắn, cái quần mình quá to… Tóm lại là không có học tí nào! Một loạt ý nghĩ diễn ra như chớp trong đầu tôi lúc ấy, để bây giờ quay chậm lại, ấy là tôi cảm thấy cô đơn vô cùng. Tôi nhớ đến Mỹ, con bạn “vườn” của tôi. Nó đi làm ở một xưởng may mặc, vào làm đựoc hai tháng đã suýt đánh nhau ba lần chỉ vì cáu tiết, bất bình bé tí, vậy mà về nhà nó như em tôi. Tôi ngồi nơi bàn học bài thi, nó nằm dưới đất, thò hai chân vào gầm, đọc truyện trinh thám… Trời đất, tôi mong có nó ở cạnh biết bao nhiêu. Không bị ràng buộc bởi chữ học to tướng, nó sẽ nhảy vào thộp cổ, vò nát cái áo soie hồng kia cho đúng luật và bảo con ấy một cách vô cùng đơn giản, minh bạch: “Tao không cần biết, chỗ tao, mày lấy là tao đánh!”. Rồi tôi nhớ đến Luynh của tôi với cái đầu tóc lộn xộn, với một nghề nghiệp mọi người coi là hư hỏng. Tôi muốn có phép lạ nào đó khiến mình tự nhiên biến mất trước hàng trăm cặp mắt kia, bay vù một cái về bên Luynh, ở một cái quán nào đó, nghe nó nói bậy cũng được, sặc sụa vì khói thuốc nó hút… Hình như tôi hợp với thế giới đó hơn. Trong cái thế giới bị coi là mất dạy của tụi nó, chuyện gì cũng được hiểu theo nghĩa đen, sòng phẳng. Ở đó, một hành động nghĩa hiệp có thể tiến hành song song với một câu chửi thề. Cũng chẳng ai ý thức được câu chửi đó có ý nghĩa gì, đơn giản là quen miệng vậy thôi. Và hình như tiếng chửi đó thốt ra mạnh bạo chỉ cốt để che giấu sự bối rối vụng về của một người bị coi là vô đạo đức nay lại đi làm việc thiện.

… Bất lực. Những người xung quanh không ai nói gì, tôi đi tìm một ai đó có máu mặt. Ở văn phòng Đoàn, cửa đóng. Ở thư quán, cửa cũng đóng. Tôi bò lại giảng đường, lo âu và uất ức, chẳng lẽ mình thua sao! Nhưng quả thật, ở đây, giữa một đám trí thức tương lai này, tôi không được xử sự như ở ngoài đường. Ở đây, một cái trừng mắt, một nắm tay nổi gân khẽ đưa lên cũng có thể khiến những con người tinh tế ấy cảm thấy bị tổn thương kinh khủng. Tôi đứng lại cạnh Nghiệm, một người quen khác lớp. Nghiệm chỉ: “Anh Khoa kìa!”. Và tôi rối rít kêu gọi anh cán bộ lớp ấy, cũng là một việc khá vất vả! Rồi như đứa bé dẫn mẹ đến gặp đứa đã bắt nạt mình để rồi bẽ bàng khi hiểu rằng cái thằng ấy mới là con ruột của bà, còn mình chỉ là con nuôi, tôi lại lâm vào trạng thái hư thực khi anh Khoa cười cười, nói với cái áo hồng: “à, bạn của X. à! Xin lỗi nhé, xin lỗi nhé… “, và :”Xuyên, em chịu khó một chút qua góc kia được không?”. Bay giờ tôi mới hiểu thế nào là công lý. Nó vô vọng và thật không định nghĩa nổi. Cái ghế của tôi mà tôi phải bỏ đi, phải thu xếp một chỗ khác sau bao nhiêu thời gian đứng ngượng nghịu giữa mọt đám người ngồi, lại còn bị chửi nữa chứ… Không nhớ tôi đã nói gì, anh Khoa loay hoay khó xử đã nói gì, cái áo hồng kia đã nói gì, chỉ nhớ kết cục, dưới sự điều động của anh Khoa, một bạn trai đã tìm một cái nghế phụ, nhường chỗ cho cái áo hồng, và tôi rơi phịch vào cái ghế của tôi. Mọi người nhìn tôi khó chịu vì các mặt sưng sỉa đau đớn không biết kiềm chế tình cảm. Dở thật! Tôi quay sang con bé đó. Nó vẫn đạo mạo như không, tay chống cằm, đầu gật gật, mắt chớp theo lời thầy giảng, rất đúng tác phong con nhà!

Ba tiết sau đó, tôi hầu như không nghe, không hiểu được gì. Dù mọi việc đã ổn, tôi vẫn cảm thấy đau đớn vì nhận ra mình là một đứa hèn, chỉ giỏi ở nhà bắt nạt mẹ và bà, đau đớn vì ngượng và ngượng vì tác phong bặm trợn hàng ngày của mình rốt cuộc chỉ là một cái vỏ rỗng.

Tôi về, tôi chạy như bay đến nhà Mỹ. Nó mặc cái áo pun xanh, một cái quần soọc, ngồi chồm hổm trên cái ghế đá nhìn tôi trêu chọc: “Sao có vẻ tức giận thế kia hả con?”. Tôi kể lại, nó vừa nghe vừa chửi luôn miệng, nhiều nhất là chửi tôi. Nó dài mồm: “Đại học! Là những người có học! Sao mày không cho cái con đạo đức giả ấy một bợp, hỏi nó: Mầy biết tao là ai không?”. Rồi Mỹ nhìn tôi từ đầu đến chân thảm hại, phì cười: “Mọi ngày dữ lắm mà?”. “Không, quả thật tao chưa bao giờ gặp chuyện ngang ngược như vậy, tạo lạ quá nên không biết làm sao!”. Mỹ lại nổi cáu: “Không biết làm sao! Tụi này phải để tao xử luật rừng. Mẹ, đồ vô học!”. Tôi bảo: Mày mở miệng là chửi thề, cái miệng bẩn kinh khủng!”. Mỹ nhìn tôi, cười đơn giản: “Cà phê?”

Và tôi ngồi sau xe, bình an và cũng chẳng còn giận hờn gì cả. Tôi thấy mình hình như là hai nửa con người, nửa hướng thiện và nửa hướng ác. Lúc này, nửa hướng thiện đang trên đường ra quán cà phê.

© Phan Thị Vàng Anh

4 Phản hồi cho “Người có học”

  1. Anonymous says:

    “Và tôi rối rít kêu gọi anh cán bộ lớp ấy, cũng là một việc khá vất vả! Rồi như đứa bé dẫn mẹ đến gặp đứa đã bắt nạt mình để rồi bẽ bàng khi hiểu rằng cái thằng ấy mới là con ruột của bà, còn mình chỉ là con nuôi, tôi lại lâm vào trạng thái hư thực khi anh Khoa cười cười, nói với cái áo hồng: “à, bạn của X. à! Xin lỗi nhé, xin lỗi nhé… “, và :”Xuyên, em chịu khó một chút qua góc kia được không?”. Bay giờ tôi mới hiểu thế nào là công lý. Nó vô vọng và thật không định nghĩa nổi. Cái ghế của tôi mà tôi phải bỏ đi, phải thu xếp một chỗ khác sau bao nhiêu thời gian đứng ngượng nghịu giữa mọt đám người ngồi, lại còn bị chửi nữa chứ…”

    Đi học đại học mà phải có “cán bộ lớp” dàn xếp chỗ ngồi ??
    Chị Vàng Anh ơi, còn vô số “công lý vô vọng” nhan nhản bên ngoài khung học đường. Mong chị để tâm quan sát và phản ánh qua ngòi viết của mình.

  2. Nguyen Nguyet Anh says:

    Mệt lắm

  3. dân miền Nam says:

    Thật buồn….chị Vàng Anh nhỉ…..chắc có lẽ tại bao nhiêu năm nay người ta đã quên đi môn “Giáo dục công dân”. Chúc chị uống càphê vui vẻ.

  4. Võ Hưng Thanh says:

    PHẢN HỒI VỚI VÀNG ANH

    Cái nghèo khiến đụng cái eo
    Cái eo đụng phải cái nghèo càng tăng
    Bởi nghèo mới chạy lăng xăng
    Làm người có học đặng mong đổi đời
    Đổi đời chẳng đổi con người
    Nên thành bao chuyện nực cười lắm thay
    Vàng Anh muốn tỏ chân tài
    Nên chi phản ánh để người nom theo
    Đúng rồi nghèo phải tránh eo
    Phải thành có học để theo kịp người
    Vốn đâu chửi tục trên đời
    Chỉ giàu vốn ấy quả người đều kinh
    Huống chi gặp chuyện bất bình
    Cũng đừng gấu ó giữa mình với ta
    Học phong kiểu ấy mới là
    Đúng là trí thức giưa ta với người !

    VHT

Phản hồi