Có một người mẫu Hà thành
Tôi đã lúng túng khá lâu trước cầu thang của một đơn nguyên khu tập thể. Không hiểu cái cổng đối diện là cửa tiền hay cửa hậu. Chao ôi, cửa tiền mà thấp tè đến khó tin. Tựa như không chỉ những khối bê tông cũ kỹ, nham nhở đè nặng
lên nó, mà chính thời gian mới là khối lượng lớn nhất khiến cái cổng phải cúi xuống, đầy cam chịu. Ngay cả những bậc cầu thang lên xuống cũng sứt mẻ, vỡ nát khiến người đi, do bản năng phải bước rất nhẹ nhàng, bởi tưởng tượng nếu lỡ may dẫm chân mạnh…
Tranh có thân phận của tranh
Rồi người đàn bà ấy ra mở cửa. Tôi cảm nhận cũng bằng linh tính đàn bà. Một người đàn bà Hà Nội gốc, mái tóc đã bạc trắng, gương mặt vẫn giữ được nét đẹp thời con gái, đôi mắt vẫn có gì rất tinh anh, dáng điệu khoan thai, lịch thiệp nền nã. Cái cốt cách ấy thường chỉ gặp ở những người đàn bà HN sinh trưởng trong những gia đình nền nếp, mà những thăng trầm hay biến động của đời sống, của thời cuộc chỉ như những ngọn sóng táp men bờ…
Tôi lặng lẽ ngắm nhìn khi bà nhẹ nhàng đi lại lấy nước mời khách. Thời còn là một cô nhà báo tóc tết ngang vai, tôi đã sững sờ trước bức tranh có tựa đề Em Thúy. Đôi mắt Em Thúy trong trẻo, thánh thiện, dáng ngồi trẻ thơ non dại, với cái nhìn tựa như cuộc đời này chỉ bình yên và đẹp như cổ tích đã ám ảnh rất lâu.Tôi cứ thầm xuýt xoa, sao lại có vẻ đẹp tuyệt mỹ đến vậy, mà không chút ngờ rằng mấy chục năm sau, như lúc này đây, tôi lại ngồi đối diện với nguyên mẫu của bức tranh tuyệt tác.
Vâng, bà là Minh Thúy- người mẫu năm xưa của bức tranh Em Thúy có một không hai- làm nên tên tuổi của danh họa Trần Văn Cẩn.
Hóa ra, họa sĩ Trần Văn Cẩn là bác ruột của bà. Và câu chuyện làm người mẫu hội họa của bà cũng ngẫu nhiên, tự nhiên và giản dị như tuổi thơ, nhưng cũng có gì như cơ duyên của một người đẹp là thế.
Đó là vào năm 1943. Khi ấy bà mới lên 8 tuổi. Cả gia đình bà, một gia đình công chức HN khá phổ biến sống ở 23 phố Hàng Cót. Họa sĩ Trần Văn Cẩn cũng sống ở đó. Không hiểu sao, ông không lập gia đình, cứ ba lô trên vai rong ruổi khắp nơi, trở về nhà là vẽ, vẽ và vẽ…Lúc rảnh, bác Cẩn của bà lại tự nấu ăn và ông nấu ăn cũng rất giỏi. Trong mấy đứa cháu, họa sĩ Trần Văn Cẩn yêu quý bé Thúy nhất.
Nhưng để ngồi yên với một tư thế nhất định suốt mấy giờ liền cho họa sĩ, dù là bác ruột vẽ, với một đứa trẻ đang tuổi hiếu động quả là rất khó chịu. Bà kể cứ đi học về là bà phải ngồi vào ghế, làm mẫu cho. Ông vẽ lâu lắm…Vì thế mà bác Cẩn cứ phải dỗ dành bé Thúy, lúc cho kẹo, lúc hứa mua cho áo dài đẹp.
Mãi rồi bức tranh với chú thích ngắn gọn: “Em Thúy” cũng ra đời. Khi ấy, nói thật, cũng chẳng ai trong gia đình bà hiểu hết và ý thức được hết giá trị nghệ thuật của bức tranh, nhất là trong thời tao loạn, kháng chiến chống Pháp sắp bùng nổ, đâu đâu cũng thấy nói chuyện chuẩn bị đánh nhau, chuyện tản cư…Nhưng cả nhà, ai cũng thấy bức tranh rất đẹp, rất quý giá và với bà, còn là niềm sung sướng tự hào rất trẻ thơ.
Kháng chiến nổ ra. Bức tranh lênh đênh như phận người Hà thành. Khi gia đình bà Thúy từ nơi tản cư trở về thì bức tranh ấy bị trộm lấy lúc nào cũng không biết. Cái đẹp, cho dù là một bức tranh, dường như cũng có thân phận riêng của nó. Bức tranh trở lại với chủ nhân cũng ngẫu nhiên và tình cờ như khi mất trộm
Theo lời bà Thúy, gia đình đã phải chuộc lại bức tranh từ một nhà buôn. Ông nhà buôn này tìm được bức tranh đó ở nhà một người thợ cạo. Bức tranh được treo lại trang trọng trong ngôi nhà 23 hàng Cót, cho đến khi họa sĩ Trần Văn Cẩn tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật VN, chính thức trở thành tài sản quốc gia. Đó cũng là bức duy nhất, độc bản.
Họa sĩ Trần Văn Cẩn có rất nhiều tác phẩm về người đẹp như Hai thiếu nữ trước bình phong, Chải đầu, Chợ Tết, Mùa thu…Nhưng dường như nói đến ông, người ta lại nhắc ngay đến Em Thúy có lẽ còn bởi điều này: Bức tranh chính là thông điệp giản dị về sự trong sáng, thánh thiện của con người. Về khát vọng hòa bình, khát vọng bình yên của con người giữa thời cuộc đầy biến loạn của chiến tranh.
Vẻ đẹp trẻ thơ của Em Thúy như một thứ ánh sáng nhân văn giữa những loạn lạc của tội ác, thức tỉnh cái thiện của lòng người trong cõi u mê, cuồng bạo…Chính bức tranh Em Thúy đã đem đến cho bà niềm xúc động được biết thêm bao tấm lòng.
Có một người đàn ông ngoại quốc- người Anh- tên là Paul Zetter (Phó Giám đốc Hội đồng Anh), lần đầu tiên nhìn thấy bức tranh Em Thúy. Paul đã như bị “sét đánh”, bị mê hoặc, bởi “Như nhìn thấy tuổi thơ của mình, thấy những xáo động nội tâm của mình…đến rơi nước mắt bởi sự mộc mạc, giản dị tuyệt đối của bức tranh”.
Là một nhà soạn nhạc, Paul đã nắm bắt lấy cái cảm giác ngọt đắng của tuổi thơ vào từng nốt nhạc của bản nhạc Điệu Minuet cho Em Thúy. Bản nhạc là một bài hát giản dị giành cho trẻ em theo điệu vanxơ được Paul viết tặng cho bức tranh. Paul ao ước được gặp nhân vật của Em Thúy.
Paul đã đến thăm bà, và như anh nói: “Không phải ngày nào bạn cũng có diễm phúc được gặp một hình tượng quốc gia, người đã phản ánh rõ nét linh hồn, tính cách của đất nước đó, cũng như những giá trị đã được thừa nhận như tính khiêm tốn, lòng tự trọng, tự hào”.
Cũng hiếm có một người yêu tranh nào như Paul. Khi bức tranh Em Thúy bị hư hại (do thời gian, do chất liệu và kỹ thuật bảo quản chưa tốt) cần được phục chế, Paul lại đôn đáo tìm mọi cách quyên góp, vận động bạn bè, và may mắn, có một người phụ nữ Úc là bạn Paul, đã sang Việt Nam giúp phục chế lại bức tranh tại bảo tàng. Dân khu vực nơi bà ở dần dần biết chuyện. Đi chợ, gặp bà, một bà già đã hơn 70 tuổi đẹp lão, họ đùa: Chào “Em Thúy”!
Tôi đã quay trở lại Viện Bảo tàng Mỹ thuật một sáng xuân ẩm ướt, chỉ để ngắm lại bức tranh. Thời gian đã sang trang, thời cuộc đã sáng trang, và lịch sử cũng đã sang trang. Chỉ Em Thúy vẫn ngồi đó, trước trang đời chưa mở, đôi mắt trong veo thánh thiện, đôi bàn tay bé gái khép nép, ngoan hiền, chiếc vòng cổ tay và chiếc ghế mây một thuở…Một vẻ Hà thành bình yên.
Cái duyên bức tranh Em Thúy chưa dừng ở đó. Người yêu tranh hẳn cũng không thể quên được một bức tranh chân dung tuyệt tác khác của danh họa Trần Văn Cẩn- bức “Bé Thúy Nga”. Bé Thúy Nga cũng chính là con gái của bà Thúy. Lịch sử của hội họa liệu có lặp lại? Danh họa Trần Văn Cẩn vẽ Em Thúy lúc bà 8 tuổi, và vẽ bé Thúy Nga, con gái của bà Thúy lúc bé Nga lên 7. Cũng một đôi mắt đen tròn, trong veo nhìn đời- nhưng là một cuộc đời, một thời cuộc đã khác, bình yên và không bình yên…
Cái duyên bức tranh Em Thúy còn mang tới cho bà niềm hạnh phúc bất ngờ. Đó là một lần, cô em dâu của bà phát hiện có cửa hàng treo bán bức tranh Em Thúy rất lớn, khảm bằng đá. Nghe tin, hai vợ chống bà tức tốc ra ngay cửa hàng hỏi mua. Mua được tranh xong, vợ chồng bà mới nói chuyện. Đến lượt chủ cửa hàng sửng sốt, và họ cũng thật mừng rỡ khi biết bà khách hàng chính là nguyên mẫu của bức tranh. Có lẽ, đó cũng là một kỷ niệm đẹp trong đời kinh doanh của họ.
…Và người, có thân phận của người
Như mọi thiếu nữ Hà thành gia giáo khác, bà Thúy theo học một trường học nổi tiếng của Hà Nội- Trường PT Trưng Vương. Dường như duyên phận đã đặt bà sau đó, học tiếp sư phạm và trở thành nhà giáo.
Bà đã trải qua một cuộc đời dạy học khá êm đềm nhưng không ít cung bậc khó khăn, vì đất nước những năm tháng đó đang có chiến tranh. Cô giáo Thúy lúc ở trường ngoại thành lúc chuyển về dạy ở nội thành. Hết dạy môn Văn- Sử- Địa ở trường phổ thông, lại dạy nữ công gia chánh ở trường sư phạm, môn học vốn là sở trường của những người đàn bà Hà thành khéo tay, tinh tế.
Giờ nhìn lại những tháng năm đi dạy học, bà bảo không hiểu sao mình cũng thích ứng được hoàn cảnh, cũng có thể làm được nhiều việc thế.
Nghe bà kể chuyện tình duyên, tôi cứ mỉm cười. Nó quá khác xa với chuyện của không ít người mẫu bây giờ. Nó giản dị mà sâu sắc, nặng lòng và đầy đức hy sinh như chính tình yêu là thế, nhưng bà vẫn tin đó là số mệnh, vì “Giời run rủi lắm”. Chồng bà, nguyên là Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục, một người tôi rất quen biết. Ông là một công chức mẫn cán, hiền lành và lịch lãm.
Số phận đưa đẩy ông quen người cô của bà Thúy, cũng là một nhà giáo. Người cô của bà bảo: “Này, tôi có đứa cháu gái xinh lắm, muốn làm mối cho anh!”. Câu nói nửa đùa nửa thật ấy lại hóa thành sợi dây tơ hồng. Hai người chưa nên vợ nên chồng thì ông phải đi học xa- tại Liên Xô cũ. Những năm tháng xa cách, nhớ nhung, bên ông, lúc nào cũng có bức tranh họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ lúc bà Thúy 24 tuổi- cái tuổi của vẻ đẹp thiếu nữ trẻ trung, lộng lẫy nhất.
Quả thực, bà vẫn “theo” ông trên mỗi chặng đường dài của xứ sở bạch dương lãng mạn, đầy tuyết trắng. Sự xa cách đằng đẵng của không gian, thời gian chỉ như những hạt muối làm mặn nồng thêm tình yêu đôi lứa, cho dù cuộc đời không phải lúc nào bà cũng ưng ý. Đến nay bức tranh này vẫn được ông bà gìn giữ như một kỷ vật.
Nhưng tôi đặc biệt chú ý nghe cả ngữ điệu ngôn ngữ của bà khi nghe bà kể về những đứa con. Dường như mọi xa cách, mọi vất vả của bà chẳng là gì nếu so với nỗi lòng của bà trước mọi nẻo đường của các con. Sự thành đạt của chúng là hạnh phúc lặng thầm vô bờ bến trong lòng bà. Sự vất vả rủi ro của chúng là nỗi xót xa lặng lẽ trong tim bà. Cũng may, các con của bà đều đã trưởng thành và con tầu cuộc đời chúng cuối cùng, cũng đều có bến đỗ.
Bà có hài lòng với số phận mình không? Tôi tin là có. Khi nhìn vào gương mặt của người mẫu Hà thành một thời ấy. Bất chợt, tôi nhìn lại căn hộ của bà. Khác hẳn một trời một vực với cái vẻ lão hóa, nham nhở của khu tập thể, căn hộ được sửa sang khá đẹp của bà như mở ra một thế giới khác hẳn- an lành và ấm cúng.
Đó cũng là điều bất ngờ và bí ẩn của con người và cuộc đời chăng? Trong cái già lão là cái trẻ trung. Trong cái hỗn độn là cái bình yên. Mà tựa vào đó con người ta mới có thể đi bằng đôi chân của mình trên hành trình nhân thế của kiếp người, hướng tới ánh sáng tinh thần của cái đẹp vĩnh cửu Chân- Thiện- Mỹ.
Nguồn: Kim Dung, Blog Hiệu Minh
Ảnh trong bài do gia đình bà Thúy cung cấp.