Người phụ nữ và những trào lưu giải phóng [1]
Con vật ngốc nhứt, là người đàn ông.
(Le plus sot animal, c’est l’ homme – Olympe de Gouges)
Trời đất sanh ra con người được phân ra làm 2 thành phần: Nam và Nữ . Phái nữ chiếm đa số nhân loại . Trong đời sống xã hội, người phụ nữ hiện diện khắp nơi. Khi được nắm giữ những vai trò quan trọng thường giao phó cho đàn ông họ thành công rất đáng thán phục. Thế mà, người phụ nữ vẫn bị kỳ thị, ngược đãi, có khi còn bị bạo hành ngay trong gia đình.
Không thể chấp nhận thân phận bị áp bức kéo dài triền miên như vậy nữa, người phụ nữ khắp nơi trên thế giới đã đứng lên đòi quyền sống xứng đáng theo nhân phẩm, đòi quyền được tôn trọng bình đẳng như nam giới trong xã hội. Những đòi hỏi chánh đáng này đã được định chế hóa. Nhưng ngày nay, sau những đợt giải phóng, bình quyền, thân phận người phụ nữ trên thế giới được thăng tiến đến mức độ nào? Riêng ở Việt Nam, địa vị người phụ nữ được cải thiện hay bị xuống cấp?
I – Thân phận người phụ nữ
Ngày nay địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình vẫn chưa được thuận lợi . Khủng hoảng kinh tế và xã hội tác hại các nước kỹ nghệ, những khó khăn ở các nước đang mở mang, những xung đột địa phương gây ra những cuộc di dân vĩ đại, tất cả ảnh hưởng lên người phụ nữ nhiều hơn đối với nam giới. Để thấy tại sao ngươi phụ nữ ở khắp nơi lúc nào cũng bị thiệt thòi, chúng ta hãy xem lại những điều kiện thăng tiến xã hội mà người phụ nữ đã thụ hưởng được đến đâu.
1 – Về mặt giáo dục :
Ngày nay có một số khá đông phụ nữ đạt được những học vị cao tương đương với nam giới nhưng nhìn chung, việc học và thành đạt của nữ giới so với nam giới vẫn còn chênh lệch quá nhiều.
Theo báo cáo của Chương trình phát triển LHQ năm 2007, Bắc Mỹ có 1% mù chữ chung cho 2 giới nam/nữ, Liên hiập Âu châu có 1,8% nữ mù chữ, nam có 1,5%, ở Nam Á có 50,4% nữ mù chữ, nam có 30,6% . Riêng các xứ hồi giáo, nữ có 31,8% mù chữ, nam có 14,5% . Ở Phi châu, nữ mù chữ chiếm 47,4%, nam chiếm 30,1%
Thế giới ngày nay vẫn còn 600 triệu phụ nữ mù chữ .
Cấp Trung học, theo Eurostad năm 2007, nữ sinh ở vài nước phát triển của Âu châu học thành công hơn nam sinh . Pháp có 86% nữ sinh thi đậu, nam sinh chỉ có 80,1% . Bỉ có 85,3% nữ sinh thi đậu, nam sinh có 78,4% . Đức có 72,5% nữ sinh thi đậu, nam sinh có 70,4% .
Cấp Đại học, Pháp có 28,2% nữ thành công, nam chiếm 24,7% . Bỉ có 33,5% nữ thành công, nam có 30,9% . Đức có 20,8% nữ thành công, nam được 28% .
Về việc chọn môn học để tiến thân sau này, theo một bản báo cáo của một trường Đại học Hoa kỳ, con trai phần lớn nghiêng về các môn như toán, khoa học, kỹ thuật và học thành công, trong lúc đó, con gái chọn những môn này thường bỏ dở nửa chừng.
Ngoài việc người phụ nữ chọn ban ngành học không thuận lợi cho việc hội nhập xã hội, điều đáng lấy làm ngạc nhiên là các trường đại học chỉ bắt đầu đón nhận nữ sinh vào từ cuối thế kỷ thứ 19 do sức ép của sự phản kháng xã hội lúc bấy giờ. Tại nhiều quốc gia, mãi đến sau thập niên 50 hoặc 60, các đại học mới nhận nữ sinh viên vào học. Một số lớn những đại học có tiếng đã trải qua nhiều thế kỷ từ sau ngày thành lập mới chịu nhận nữ sinh viên. Cụ thể như ở Hoa kỳ, đại học Harward đã ra đời trước đây hơn 250 năm. Ở Anh, đại học Cambridge đã mở cửa từ 593 năm qua và đại học Oxford đã có từ 714 năm về trước.
2 -Về mức sống vật chất :
Người phụ nữ nghèo khổ vẫn là số đông và vô cùng đáng thương. Hiện tại có hơn một tỷ người sống nghèo khổ thì có đến 70% là phụ nữ. Số phụ nữ một mình nuôi con càng ngày càng đông . Theo LHQ ước tính, cứ 3 gia đình thì có một trường hợp. Ở Phi châu, tỷ lệ này cao hơn.
Sự nghèo đói hằng năm đã làm thiệt mạng hàng nhiều triệu phụ nữ và thiếu nữ. Tình trạng này vô cùng nghiêm trọng ở vùng quê và ở các nước kém mở mang. Nhưng ngày nay, ở vùng kỹ nghệ phát triển như Pháp, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện tốt đẹp hơn bao nhiêu .
Quyền lợi về đi học và đào tạo đồng đều nhưng cái nghèo khó vẫn hăm dọa và gây thiệt hại cho người đàn bà là nặng nề hơn đàn ông. Trong hơn 10 năm qua, nạn thất nghiệp hoành hành phụ nữ rất nặng nên họ bị bắt buộc phải chấp nhận làm những việc tạm bợ hoặc dưới khả năng và lương bổng thấp.
Ở Pháp, cứ 10 ngưòi hưởng trợ cấp tối thiểu để tái hội nhập xã hội thì số phụ nữ lúc nào cũng đông hơn. Ở Hoa kỳ, gần phân nửa những gia đình được giúp đỡ tài chánh gồm toàn phụ nữ độc thân. Họ sống chỉ bằng 2/3 của mức nghèo chính thức qui định.
3 – Về sức khoẻ:
Sức khoẻ của phụ nữ vẫn còn là vấn đề tranh cãi giữa tôn giáo và xã hội. Sự đồng thuận được đặt định từ 20 năm qua thì ngày nay bị khơi dậy bởi những quan điểm trái ngược về vai trò và địa vị của người phụ nữ trong xã hội. Vấn đề phá thai, vấn đề ngừa thai, đã từng gây sóng gió ở Hội nghị về dân số và phát triển tại Le Caire vào tháng 9 năm 1994.
Nhìn chung phải thừa nhận vấn đề sức khoẻ của phụ nữ từ 20 năm qua được cải thiện những bước quan trọng. Con số sanh đẻ có giảm nhiều từ 5, 9 đứa con xuống còn 3, 1 đứa con/1 phụ nữ. Tuy nhiên, sự chênh lệch về mặt sức khoẻ được chăm sóc vẫn còn kéo dài so với đàn ông. Mặt khác, người phụ nữ còn bị ngược đãi, hành hạ tổn thương đến sức khoẻ. Cứ mỗi năm có 500.000 phụ nữ tử vong vì sanh đẻ, trong đó lại có đến 30% là thiếu nữ vị thành niên. Người ta tính mỗi năm có 100.000 phụ nữ chết vì phá thai lén lút, thiếu kiểm soát y tế. Có tới 300 triệu phụ nữ không có được phương tiện lo liệu kế hoạch hóa gia đình. Có từ 85 đến 114 triệu phụ nữ bị thương tật ở bộ phận phụ nữ.
Và đây là sự thật đang xảy ra ở Hoa kỳ ngày nay: cứ 8 giây đồng hồ là có một phụ nữ bị ngược đãi và cứ 6 phút là có một phụ nữ bị cuỡng hiếp.
Người phụ nữ phải đối diện hàng ngày với thảm trạng xã hội mà họ là nạn nhơn: hãm hiếp, đánh đập, sách nhiễu tình dục. Trong số những nạn nhơn này có cả những phụ nữ chánh trị gia, chỉ huy xí nghiệp … Tình trạng này vẫn chưa thấy thuyên giảm đáng kể .
Tại quốc gia Thụy Điển văn minh và có tiếng tôn trọng phụ nữ, chỉ trong năm 1999, có đến 20.000 đơn thưa của phụ nữ bị hành hung, tỷ lệ tăng lên 140% kể từ năm 1980. Ở Tây Ban Nha, mỗi năm có ít nhứt 70 phụ nữ bị chồng hoặc tình nhơn sát hại chỉ vì người phụ nữ muốn thôi chồng hoặc chia tay với tình nhơn. Ở Liên Hiệp Âu Châu, theo một báo cáo phổ biến hồi tháng 6/2000, thì nạn sách nhiễu tình dục đã gia tăng, có đến từ 40% đến 50% phụ nữ nạn nhân. Con số này lên đến 60% ở các quốc gia về phía nam lục địa Âu châu .
4 -Về mặt nghề nghiệp :
Về mặt nghề nghiệp và thăng tiến, đã có giảm bớt sự chênh lệch giữa nam và nữ, nhưng ở mức độ còn rất thấp.Trên thế giới, người phụ nữ vẫn chưa được xếp ngang hàng với nam giới về mặt này.
Theo báo cáo của Văn Phòng Quốc tế Lao động (BIT) thì có 41% nữ nhân công trong các nước kỹ nghệ và 34% trên toàn thế giới; người phụ nữ chiếm 38% dân số lao động.
Mức lương của phụ nữ thường thấp hơn mức lương của nam giới từ 20% đến 40%. Sự chênh lệch này có thể hiểu được do sự chọn nghề theo hướng chọn ban ngành học ở nhà trường. Nữ sinh đa số chọn ban khoa học nhân văn hoặc xã hội. Nếu phải chọn khoa học kỹ thuật thì chọn y khoa hoặc sinh học thay vì toán và thường tránh thi vào các trường kỹ sư. Trong cả Âu Châu, vào cuối thế kỷ XX cũng như hai mươi năm về trước, số nữ sinh chọn ngành kỹ sư chỉ có 20%.
Do đó mà lương bổng của phụ nữ vẫn còn là vấn đề thiệt thòi lớn, tuy rằng luật pháp vẫn bảo đảm sự bình đẳng lương bổng. Những nghề dành ưu tiên cho phụ nữ được trả lương thấp hơn những nghề ưu tiên dành cho nam giới. Cùng làm một công việc như nhau, người phụ nữ được trả lương kém hơn người đàn ông. Cùng có bằng cấp như nhau, người phụ nữ được thăng tiến nghề nghiệp chậm hơn đàn ông. LHQ và Liên Hiệp Âu châu phản đối tình trạng này rất quyết liệt. Tỷ lệ sai biệt về lương bổng năm 2008 trên thế giới giửa nam và nữ là 25% Riêng ở Pháp, mức sai biệt này là 40% . Mức lương càng cao thì mức sai biệt càng lớn : từ 75% đến 91% . Pháp có 38% phụ nữ lãnh đạo xí nghiệp , Bỉ có 27% .
5 - Về mặt tham chánh :
Ở nhiều quốc gia hay trên chánh trường quốc tế, người phụ nữ nắm chánh quyền không chỉ thiểu số mà có khi còn bị loại hẳn ra khỏi địa hạt quyền lực. Họ được thừa nhận là công dân sau đàn ông rất muộn .
Chỉ ở một số nước Bắc Âu, đàn bà tham chánh như là trường hợp điển hình gương mẫu. Islande là nước đầu tiên đã bầu cử, bằng phổ thông đầu phiếu, một phụ nữ làm Quốc trưởng. Ở Thụy Điển, Quốc hội có đến 40% nữ dân biểu. Ở Na-Uy, Thủ tướng và Chủ tịch các chánh đảng đối lập đều là phụ nữ. Phần còn lại ở Âu Châu và Hoa kỳ, những nơi quyền phụ nữ được luật pháp tôn trọng, người phụ nữ tham chánh vẫn còn là thiểu số rất thấp.
Tuy nhiên cả thế giới ngày nay có 23 Nữ hoàng, nữ Quốc trưởng hay nữ Thủ tướng.
Ở Pháp, trong nền Đệ V Cộng hòa, có 11 Chánh phủ có tới 4 Chánh phủ không có phụ nữ .
Nhưng ngày nay, trong Chánh phủ của Thủ tướng Fillon , số Tổng Bộ trưởng ngang ngửa nhau về mặt giới tính . Đây là lần đầu tiên . Nên Pháp được Liện Hiệp Âu châu tuyên dương là quốc gia giữ được tỷ lệ cân đối nam/nữ trong Chánh phủ .
Tuy nhiên, nghịch lý của Pháp vẫn còn, sau 8 năm (năm 2000) Đạo luật về nam/nữ bình quyền ra đời, những chức vụ quan trọng vẫn rơi vào tay đàn ông . Đây là thực tế : dưới 11% phụ nữ làm xã trưởng, dưới 20 % phụ nữ làm dân biểu, thượng nghị sĩ, và chỉ có một phụ nữ duy nhứt làm chủ tịch Hội đồng Quản hạc ( Conseil Régional ) .
Qua cái nhìn tổng kết trên đây, chúng ta đều nhận thấy cần phải được tranh đấu nhiều hơn nữa cho quyền phụ nữ.
(Còn nữa)
© Nguyễn Văn Trần
© Đàn Chim Việt