Tam Dân chủ nghĩa: Ai là thừa kế nhân của Tôn Trung Sơn?
Tôn Văn, tự Trung Sơn, khi ở Nhật lấy hiệu là Dật Tiên, sinh ngày 12 tháng 11 năm 1866 tại làng Thanh Hưng thuộc huyện Hương Sơn, khoảng giữa Quảng Châu và Ma Cao, thuộc tỉnh Quảng Đông[i], trong một gia đình nông dân nghèo khó.
Cuộc đời của họ Tôn thay đổi nhờ những chuyến xuất ngoại lúc ở tuổi rất trẻ. Tôn Văn có người anh cả đi làm công thợ (nghề nông) ở Hawai (Hoa Kỳ). Khi trở về quê hương, ông này kể lại nhiều chuyện kỳ thú tại nơi làm việc, gây sự tò mò nơi người em nhỏ. Năm 1879, tức chỉ là một cậu bé 13 tuổi, đã một mình[ii]phiêu lưu theo thuyền chở những di dân để sang Honolulu (Hawai, Hoa Kỳ) gặp anh mình bên đó.
Ở đây ông theo học 3 năm trong một trường thuộc một hội thánh Tin Lành (ông làm lễ Báp Têm tại Quảng Châu năm 1884). Sau cuộc du hành lần thứ hai sang Honolulu, ông trở về học ngành y khoa tại Quảng Châu (1886) với vị giáo sưlà Dr John A. Kerr, một vị mục sư kiêm nhà giải phẩu, người Mỹ. Tại đây, do những hoạt động “phản Thanh”, ông bị chính quyền truy nã, phải bỏ trốn sang Hồng Kông (vì nơi đây là nhượng địa của Anh).
Nhờ sự giúp đỡ của hội thánh, ông vào học trường Y Khoa Hồng Kông trong vòng năm năm (1887-1892). Khoảng thời gian này ông có giao du với các hội kín chống Thanh triều, trong đó có hội Tam Điểm. Ông trở thành một « trưởng lão » của hội này. Đồng thời ông cũng làm quen nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội Tây phương thời đó nhưGiáo sư kiêm giám đốc James Cantlee, người Anh, cũng là một mục sư. Nhờ uy tín và thế lực của những người này mà ông thoát nhiều cuộc bắt bớ, như lần ở Luân Đôn năm 1896. Tôn Văn hành nghề bác sĩ giải phẩu tại Ma Cao và Quảng Châu. Ông cho rằng môi trường học đường rất thuận lợi để ông tuyên truyền lý tưởng “lật đổ nhà Thanh, xây dựng một nền cộng hòa dân quốc”. Về việc hành nghề bác sĩ thì nó đã giúp ông “phương tiện đi ra thế giới”. Nhưng khoảng thời gian sinh sống và học hỏi tại Hawai lúc còn trẻ đã gầy dựng cho ông một vốn liếng về ngôn ngữ cần thiết cho những lúc bôn ba hoạt động cách mạng sau này nơi nước ngoài. Những ấn tượng, những khái niệm cơ bản về một xã hội dân chủ văn minh, ý thức về những quyền con người, về tiến bộ khoa học kỹ thuật… cũng đã hằn dấu trong đầu óc mới mẻ của Tôn Văn. Các chủ thuyết của ông về Dân Tộc, Dân Chủ, Dân Sinh, tức Tam Dân chủ nghĩa, thành hình sau này đã bắt nguồn từ những cảm nhận ban đầu đó.
Tư tưởng chính trị của ông được kết tinh từ sự học hỏi, tìm tòi trong sách vở, nhưng phần lớn do cặp mắt biết quan sát, phân tích, phê bình và tổng hợp của một người làm khoa học. Ông quan sát những mô hình chính trị, văn hóa và xã hội của các nước mà ông đã từng đi qua, đọc và nghiềm ngẫm những tác phẩm của các nhà tư tưởng xã hội Tây Phương, phân tích và so sánh chúng với văn minh và xã hội Trung Hoa qua các thời kỳ. Từ đó ông rút ra những ý kiến mà ông cho là tinh túy, phù hợp với con người và văn minh Hán, tổng hợp lập thành 3 chủ nghĩa, còn gọi là Tam Dân chủ nghĩa. Trong đời ông cũng đã từng lập ra ít nhất là 5 tổ chức chính trị (thực ra là dưới dạng hội kín). Gần cuối đời, ông thường đi diễn thuyết ở các nơi. Tìm hiểu ý nghĩa về tư tưởng Tam Dân chủ nghĩa của ông là tìm lại các ý tưởng của ông, từ thuở ban đầu lúc mới kết tinh, cho đến lúc chín chắn về già.
Các tư tưởng này có thể tìm thấy ở các bài diễn văn, các bài tiểu luận, bài báo… đăng tải trên các báo hay qua các buổi diễn thuyết, xuyên qua các thời kỳ hoạt động. Tư tưởng của Tôn Văn, thể hiện trên thực tế qua Tam Dân chủ nghĩa, thành công hay thất bại ra sao, đều được thể hiện, qua các tổ chức (hội kín), hay đảng cách mạng (Quốc Dân Đảng), trải qua các thời kỳ tiền cách mạng, giai đoạn hậu cách mạng, các quá trình xây dựng nền cộng hòa hiến định và giai đoạn phát triển đất nước (Trung Hoa lục địa và Đài Loan).
Phương pháp đấu tranh cách mạng, thông qua một đảng cách mạng, nhằm lật đổ đế chế Mãn Thanh của Tôn Văn hoàn toàn tương phản với lối tranh đấu ôn hòa “duy tân” của các nhà tranh đấu cùng thời là Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu … Hai vị Khang, Lương chủ trương hợp tác với Thanh triều để canh tân nước nhà, hiện đại hóa đất nước, theo mô hình của Anh, tức xây dựng một nền “quân chủ lập hiến”.
Hai vị này cũng thấm nhuần các tư tưởng về tự do, dân chủ… của Phương Tây. Họ lựa chọn phương pháp đấu tranh ôn hòa đểvừa canh tân đất nước, vừa thay đổi chế độ. Họ nhận thức rằng dân trí của người dân trong nước cần phải nâng cao, qua các việc thay đổi lề lối học hành thi cử, kiến thức khoa học cần được đưa vào học trình theo Tây Phương. Hai vị Lương, Khang e ngại một cuộc cách mạng sẽ gây nhiều đổ vỡ như đã thấy qua kinh nghiệm của cuộc cách mạng của Pháp 1789. Ý tưởng canh tân của hai vị này được vua Quang Tự ủng hộ, sau khi thua nhực nhã Nhật phải ký hiệp ước Mã Quan (Simonoseki) năm 1895, thể hiện qua cuộc “cách mạng canh tân 100 ngày”.
Cuộc cách mạng bị thất bại do sự cản trở của phe thủ cựu, đầu đàn là Từ Hi Thái Hậu. Ý tưởng tranh đấu ôn hòa của Tôn Văn cũng đã có từ trước năm 1892, có thể cùng thời với Khang Hữu Vi. Nhưng quyết định dứt khoát của ông về lựa chọn con đường cách mạng có lẽ do sự thất bại của ông lúc đi đến Thiên Tân tìm gặp Lý Hồng Chương để dâng bản điều trần năm 1892, nội dung gồm 4 điểm, nhằm giúp triều đình thoát khỏi những khó khăn. Đó là : tổ chức nhà nước hiện đại, trọng dụng nhân tài, khai thác tối đa tài nguyên đất đai và cho tự do thông lưu hàng hóa. Việc làm này thất bại. (Nhưng nội dung các đề nghị sau này được thực hiện qua việc vua Quang Tự trọng dụng Khang Hữu Vi cũng như các động tác nhằm hiện đại hóa đất nước và cải cách kinh tế.
Cuộc “cách mạng 100 ngày” thất bại do thế lực thủ cựu thắng thế so với thế lực duy tân. Nguyên nhân là do Khang Hữu Vi chỉ là một nhà trí thức yêu nước mà không phải là một nhà chính trị lão luyện để thừa cơ được Quang Tự trọng dụng trong triều mà gạt đi những thành phần thủ cựu ra ngoài).
Hai trường phái tư tưởng – duy tân theo lối Khang Hữu Vi, cách mạng theo lối Tôn Văn – ảnh hưởng khá sâu đậm lên các tầng lớp yêu nước Việt Nam. Ta thấy Phan Châu Trinh theo khuynh hướng duy tân, tranh đấu ôn hòa, nương vào thực dân Pháp để nâng cao dân trí và phát triển (hạ tầng cơ sở) đất nước, tức ảnh hưởng lý thuyết của Khang Hữu Vi. Trong khi Phan Bội Châu thì chủ trương làm cách mạng, đấu tranh bạo động, tức phần nào theo khuynh hướng của Tôn Văn (nhưng cũng không hoàn toàn vì Phan Bội Châu chủ trương đánh đuổi thực dân Pháp đồng thời ủng hộ một nền quân chủ, tương tự mô hình của Nhật). Thất bại hay thành công của hai nhân vật lịch sử này không luận bàn ở đây vì hoàn cảnh hai nước Việt-Trung khác nhau khá nhiều.
Nguồn gốc về Tam Dân chủ nghĩa có lẽ đã đến với Tôn Văn từ lúc những năm còn trẻ, lúc ở Hoa Kỳ, với câu nói bất hủ của Tổng thống A. Lincoln: nhà nước của dân, do dân và vì dân. Câu nói tóm gọn ý nghĩa nền tảng nhà nước dân chủ Hoa Kỳ. Các tư tưởng này ngày càng thêm rõ nét, nhất là sau cuộc chiến Nhật-Trung 1895. Tôn Văn đã ý thức được sự quan trọng của các công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước đã được áp dụng tại Nhật trước đó. Ông nhận thức rằng sự phú cường của các nước Châu Âu, mà Nhật cũng đã đạt được nhờ học hỏi, thì người Hoa có thể làm khá hơn nếu dân tộc này giải quyết được các vấn đề “chủng tộc”, cùng với các việc xây dựng một nền chính trịdân chủ và cải thiện đời sống của người dân.
Các “vấn đềchủng tộc” từ đó qua nhiều suy tư và chứng nghiệm trên thực tế, trở thành Dân Tộc chủ nghĩa ; việc xây dựng một “nền chính trị dân chủ” trở thành Dân Quyền chủ nghĩa và việc “cải thiện đời sống của người dân” trở thành Dân Sinh chủ nghĩa. Tất cả gọi chung là Tam Dân chủ nghĩa. Nhưng ý nghĩa thực sự của các chủ nghĩa này như thế nào ? đã được áp dụng trên thực tế ra sao? Ta phải biết nó tường tận để có thể so sánh với các chế độ hiện hành, từ đó mới có thể kết luận ai là thừa kế nhân của Tôn Văn nhưchủ đề bài viết đã đặt ra.
1/ Dân tộc chủ nghĩa : hay Dân tộc đấu tranh (la lutte des races) là phần tiền cách mạng Tân Hợi. Phần này chỉ nói giản lược vì nội dung chính đã được trình bày qua bài viết có tựa đề: “Chủ nghĩa dân tộc của Trung Hoa lục địa”, sẽ được công bố gần đây.
Đây là phần (tiền cách mạng) cực kỳ quan trọng vì nó đã quyết định thành công hay thất bại cho cuộc cách mạng lật đổ Thanh triều và xây dựng nền cộng hòa dân quốc. Tức nó là cẩm nang của tất cả các hội kín, của các thành phần yêu nước theo ảnh hưởng của Tôn Văn. Chính nhờ nội dung “dân tộc chủ nghĩa” của Tôn Văn được loan truyền rộng rãi mà cuộc cách mạng Tân Hợi ngày 10-10-2011 mới xảy ra, được hưởng ứng rộng rãi và thành công. Trong khi đó hai chủ nghĩa về dân quyền và dân sinh là các lý thuyết nền tảng để xây dựng thể chế và định hướng phát triển đất nước sau này.
Ý nghĩa của Dân tộc chủ nghĩa thời tiền cách mạng được phổ biến qua bài tiểu luận “Giải pháp thực sự cho vấn đề Trung Hoa” năm 1904, trong đó đặt nặng vấn đề chủng tộc và lên án nặng nề nhà Thanh là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra trên đất Trung Hoa cũng như các đế quốc đã cưỡng ép Trung Hoa qua các hiệp ước bất bình đẳng.
Quan niệm về một “đảng cách mạng” của Tôn Văn cũng nhờ bài tiểu luận này người ta cũng biết đến. Năm 1905 Tôn Văn tổ chứcĐồng Minh Hội tại Tokyo. Lời tuyên thệ của các hội viên là : thề nguyện tranh đấu lật đổ bọn Thát Đát, dành lại nước Trung Hoa cho người Hoa, xây dựng một nền Cộng hòa, phân bổ ruộng đất đồng đều cho mọi người.
Tức là, trong chừng mực, Tôn Văn khai thác tinh thần tự tôn của dân tộc để vực dân tộc Hán đứng dậy đánh đuổi triều đình cai trị thuộc giống “Thát Đát”, là một dân tộc thấp kém so với người Hán. Ông so sánh dân tộc Hán như những hạt cát rời rã, do đó không tạo được sức mạnh để thực hiện một việc to lớn. Ông cho rằng chủ nghĩa Dân Tộc của ông có giá trị như một chất keo để làm gắn bó những hạt cát đó lại với nhau.
Năm 1907, Tôn Văn có diễn thuyết ở Tokyo, nhân ngày kỹ niệm thành lập tờ Dân Báo. Bài diễn văn này cũng đậm đà tư tưởng “chủnghĩa Dân tộc”, thể hiện gồm 10 điều lên án triều đình Mãn Thanh và dân tộc Mãn Châu. Dịp này ông cũng hô hào thiết lập một nền cộng hòa trên nền tảng “quốc tế hòa bình” và “tình hữu nghị”.
Sau cuộc diễn thuyết tại Tokyo năm 1907, ông bị nhà cầm quyền trục xuất phải bôn ba đi nhiều nước, trong đó có thời gian ở Việt Nam. Vào mùa thu năm 1911, lúc ông đang ở Denver, thì nhận được tin tức qua báo chí cuộc cách mạng đã bùng nổ. Thay vì tức tốc trở về nước, Tôn Văn cho rằng việc quan trọng hơn là đi tìm sự ủng hộ của các cường quốc cho chính quyền cách mạng.Điều này cho thấy Tôn Văn có năng khiếu về chính trị, sắc bén về ngoại giao.
2/ Dân quyền chủ nghĩa: tức Dân quyền độc lập (le peuple souverain). Cũng như hai chủ nghĩa Dân Tộc và Dân sinh, toàn bộ ý nghĩa của Tam Dân chủ nghĩa đã được Tôn Văn trình bày rõ rệt qua 16 lần diễn thuyết, từ ngày 27 tháng giêng đến ngày 24 tháng 8 năm 1924. Tôn Văn có nhắc đến các lý thuyết của các vị như: Saint Thomas d’Aquin, Bacon, Bakounine, Bismarck, Cromwell, Darwin, Henry George, Karl Marx, Stuart Mill, Monroe, Newton, Pasteur, Platon, Proudhon, George Washington, Lincoln và Wilson.
Sau các cuộc diễn thuyết dành cho Dân tộc chủ nghĩa, sáu cuộc diễn thuyết kế tiếp là nói về các vấn đề về nhà nước, về chính trị và vấnđề dân chủ, tức các vấn đề thuộc Dân quyền chủ nghĩa.
Tôn Văn cho rằng người Hoa cần phải bắt chước người phương Tây trên nền văn minh vật chất chứ không thể bắt chước các khía cạnh về chính trị và xã hội. Bởi vì, theo ông, đất nước Trung Hoa đã có quan niệm rất dở về sựtự do vì nó luôn bị đàn áp. Việc bắt buộc, không phải là tự do cho cá nhân, vì cá nhân chỉ lạm dụng tự do nên phải cần hạn chế, mà là sự tự do cho dân tộc.
Theo Tôn Văn, con người có thể chia ra thành 3 thứ bậc, tùy theo trí thông minh, kiến thức : lớp người tiền quán triệt (pré-voyants), lớp người hậu quán triệt (post-voyants) và lớp người không quán triệt (non-voyants). Thí dụ : lớp người “tiền quán triệt” là những kiến trúc sư ; lớp “hậu quán triệt” là những nhà thầu giúp kiến trúc sư thực hiện ngôi nhà; lớp “không quán triệt” là lớp người không thể học hỏi gì, chỉ có thể sử dụng vào việc thừa hành. Họ là những người thợ khuân vác vật liệu để xây dựng ngôi nhà.
Theo Tôn Văn, dân chúng đa phần thuộc lớp “không quán triệt”, họ phải lựa chọn một số người “tiền quán triệt” có khả năng để điều khiển bộ máy. Nền cộng hòa là một nhà máy mà tổng thống là viên quản đốc. Người dân là những cổ đông viên (actionnaires). Hoặc nền cộng hòa là một cổ xe mà người chủ chính là toàn dân. Những viên chức nhà nước là những viên tài xế. Nhưng để cho nhà máy – nền cộng hòa – vận hành, bắt buộc phải tách rời quyền hành (pouvoir) ra khỏi quyền lực (puissance).
Tất cả quyền lực được tập trung vào dân chúng, người dân giao một phần quyền lực dước dạng quyền hành cho nhà nước. Một cổ máy có năng suất 100 ngàn mã lực, trong đó người ta phải đổ than đá và nước cần thiết, thì dân chúng là người tạo ra năng lực tương ứng trong khi người cầm quyền là kỹ sư điều khiển cỗ máy.
Như thế, ngoài chủ trương giới hạn quyền tự do của cá nhân, Tôn Văn cũng không chấp nhận quyền bình đẳng của mọi người dân trong xã hội, mà chia ra thành ba tầng lớp riêng biệt. Việc này tạo cho người cầm quyền những lý cớ để tiếp tục cầm quyền, dựa trên bản chất “tinh túy” của giai cấp (trí thức), hay bản chất “tiên phong” của đảng cầm quyền.
Sau phần định nghĩa về dân chúng, nhà nước, quyền lực và quyền hành, Tôn Văn nói đến “quyền” của dân. Phần này ảnh hưởng nhiều ở cách thức dân chủ trực tiếp ở Thụy Sĩ và phần nào của Hoa Kỳ. Người dân có 4 quyền (droits): 1/ Quyền bầu cử. 2/ Quyền bãi miễn. Người dân có quyền truất quyền các công chức đã không làm đúng bổn phận. 3/ Quyền đề khởi. Nhờ quyền này người dân có quyền đề nghị bãi bỏ một điều luật không phù hợp hay có tác hại. 4/ Quyền trưng cầu dân ý.
Về quyền hành nhà nước thì thì được chia làm 5 quyền (pouvoirs) : quyền lập pháp, quyền tư pháp, quyền hành pháp, quyền khảo sát và quyền phê bình.
Người dân sở hữu 4 quyền (droits) nhằm kiểm soát nhà nước.
Về 5 quyền (pouvoirs) của nhà nước, 3 quyền ta thường thấy trong các nền dân chủ. Hai quyền sau chỉ thấy trong tập quán của nước Trung Hoa thời cổ. Các quyền tư pháp, hành pháp, lập pháp ta có thể đọc trong “Pháp lý tinh hoa – l’Esprit des lois” của Montesquieu. Quyền khảo sát nhằm để lựa chọn công nhân viên nhà nước, quyền phê bình nhằm tố cáo những người không xứng đáng.
Về chủ trương xây dựng nền cộng hòa, Tôn Văn đề nghị thành lập qua ba thời kỳ : thời kỳ quân phiệt, thời kỳ chuyển tiếp và thời kỳ hiến định.
3/ Dân sinh chủ nghĩa: Thực tế là vấn đề “xã hội chủ nghĩa”, tức phần nói về các chính sách kinh tế. Phần này bị gián đoạn, chỉ có 4 cuộc diễn thuyết, vì cái chết của Tôn Văn 12-3-1925.
Về kinh tế, Tôn Văn chủ trương một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đây là chủ trương đến từ những cố vấn của Tôn Văn, người Liên Xô. Những người này góp ý kiến cho Tôn Văn trong chính sách “Tam đại chiến lược” trong Mặt trận thống nhất năm 1924, gồm các việc: 1/ liên minh với Liên Xô, 2/ hợp tác với cộng sản Trung Hoa, 3/ ủng hộ các phong trào công nhân và nông dân. Tuy vậy Tôn Văn phản bác Mác xít, cho rằng ông này chỉ có vài mươi năm khảo sát vấn đề xã hội và lấy kinh nghiệm từ quá khứ, như vậy ông ta không thể dự đoánđược tương lai. Không phải Mác từng tiên đoán sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản hay sao?
Nhưng 200 năm qua, quan sát những sự kiện xảy ra ở các nước Âu, Mỹ… ta thấy thực tế khác hẵn với những gì Mác đã tiên đoán. Một ngày làm việc 8 giờ đã bị Mác cho là chuyện hảo huyền thì đã được áp dụng tại Anh và Hoa Kỳ cũng nhưnhiều nước khác. Tôn Văn cho rằng: “Việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề của đời sống là quy luật của sự tiến hóa xã hội, và do đó là trung tâm hấp dẫn của lịch sử. Chủ nghĩa duy vật của Marx không thể khám phá ra luật của sựtiến hóa xã hội nên không phải là trung tâm hấp dẫn của lịch sử”.
Như thế Tôn Văn bác bỏ giải pháp Mác xít. Trong tác phẩm đang soạn thảo, Tôn Văn cho biết nhiều chính sách về kinh tế : Về điền địa, ông chủ trương cân bằng thuế. Về kinh tế, chủ trương hạn chế nguồn vốn tư nhân và phát triển vốn nhà nước. Về vấn đề cơm ăn áo mặc, làm thế nào để giải quyết vấn đề thiếu thốn thực phẩm. Bảo vệ nông dân chống lại những bất công của chủ đất. Cải thiện sản xuất nông nghiệp qua việc sử dụng máy móc, phân bón. Xây dựng đường xá, xây dựng đê, đập, trồng rừng trên các ngọn đồi…
Kết luận: Như thế, trái với sự hiểu biết của nhiều người (Việt Nam) hiện nay, Tôn Văn chủ trương một nhà nước độc lập, theo đó hạn chế các quyền tự do của cá nhân, chủ trương phân loại chủng tộc cũng như phân loại con người, thể hiện một nhà nước độc tài toàn trị. Về kinh tế, Tôn Văn chủ trương một nền kinh tế có sự can thiệp của nhà nước, tức xã hội chủ nghĩa. Thể hiện điển hình của chủ nghĩa này là chế độ độc tài của Tưởng Giới Thạch đã được áp dụng trong nhiều thập niên tại Đài Loan. Đó là chưa nói đến chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, khai thác lòng tự tôn và khinh bỉ các giống dân (không Hán).
Như thế ai là thừa kế nhân của Tôn Văn?
Là Tưởng Giới Thạch? Dĩ nhiên là Tưởng Giới Thạch, nhưng không toàn vẹn vì chính sách kinh tế. Ông này lãnh đạo Quốc Dân đảng do Tôn Văn gầy dựng, thành lập nước Cộng hòa Dân Quốc, sau đó thua Mao Trạch Đông phải di tản ra Đài Loan.
Tại đây họ Tưởng áp dụng một nền độc tài sắt máu, hoàn toàn phù hợp với Tam Dân chủ nghĩa. Riêng về chủ trương kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhà nước can thiệp vào sinh hoạt kinh tế và sử dụng đất như là tài sản của quốc gia để điều hòa ngân sách nhà nước. Chủ trương này suýt làm cho Đài Loan bị phá sản. Sau, nhờ có Hoa Kỳ khuyến cáo, Đài Loan thay đổi chính sách về kinh tế, cho cải cách điền địa, cho phát triển tư bản tư nhân, hạn chế đầu tư nhà nước vào kinh tế, do đó mới cất cánh lên thành rồng thành hổ vào thập niên 80. Việc dân chủ hóa Đài Loan không hề đến từ phía Quốc Dân đảng như có người đã nói mà do áp lực của thành phần trí thức bản địa cũng như sự dũng cảm của các đảng đối lập, nhất là đảng Dân Tiến. Sự việc Mã Anh Cửu và Quốc Dân Đảng trở lại nắm quyền Đài Loan hiện nay đã gieo những hoang mang nơi trí thức Đài Loan, vì những hành động của đảng này, trong chừng mực, hướng tới việc tóm thâu quyền hành và đưa Đài Loan trở về thời động tài đảng trị.
Là Đặng Tiểu Bình? hay các lãnh đạo cộng sản tại lục địa hiện nay? Chỉ có phần nào vì Bắc Kinh luôn muốn sử dụng Tôn Văn như là một nhà cách mạng tiên phong, nếu không gọi như Đài Loan là Quốc phụ (cha già dân tộc!), để lấy được tính chính thống cho nền cộng hòa nhân dân.
Tại lục địa, từ khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền tại lục địa, Tôn Văn được đề cao, nhiều tác phẩm nghiên cứu về nhân vật này được công bố. Tại quê hương của Tôn Văn, hàng năm đều tổ chức nhiều buổi lễ tưởng niệm. Gần nhất là việc tổ chức rầm rộ 100 năm ngày cách mạng Tân Hợi, được tổ chức đồng lúc tại hai bên bờ eo biển Đài Loan. Hai bên đều muốn dành lấy hào quang của Tôn Văn để được kế thừa nền Cộng Hòa Trung hoa đầu tiên do Tôn Văn làm tổng thống. Nhưng cũng không trọn vẹn, mặc dầu chính sách kinh tế có điều tiết của nhà nước nhưng hoàn toàn khác với chủ trương của Tôn Văn là bài ngoại, không chấp nhận tư bản nước ngoài đầu tư. Chính sách “mèo trắng mèo đen” thực tiễn của Đặng Tiểu Bình, tiếp nhận tư bản cũng như khoa học kỹ thuật của Tây phương xem ra mâu thuẫn rất lớn với chủ trương “dân tộc chủ nghĩa” cũng như chủ trương “kinh tế xã hội chủ nghĩa” của Tôn Văn.
Riêng về “dân tộc” và “dân quyền”, nhà cầm quyền Bắc Kinh dường như áp dụng 100°/° chủ nghĩa của Tôn Văn. Quyền tự do của người dân bị thu lại, đến không còn quyền nào. Đảng Cộng Sản là nơi quần tụ những người “tiên phong”, tinh túy của dân tộc Hán, phù hợp với lớp người mà Tôn Văn gọi là “tiền quán triệt”. Các quyền bầu cử của dân chỉ là quyền bầu cho những người “tiền quán triệt”, tức là đảng viên.
Trong khi đó quyền tự do cá nhân, đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng lập lại lý luận của Tôn Văn: cần phải hạn chế các quyền tự do cá nhân của người dân Trung Hoa. Về chủ nghĩa “dân tộc”, hiện nay tại lục địa đã nổi dậy phong trào dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, theo đó đề cao văn hóa và văn minh của người Hán, khinh bỉ những giống dân thấp kém, khơi lại nỗi nhục của Trung Hoa dưới triều nhà Thanh, với các hiệp ước bất bình đẳng ký với các cường quốc, để khơi lại lòng căm thù thế giới Tây Phương đồng thời khẳng định những đòi hỏi về lãnh thổ mà theo họ thuộc về người Hán từ xưa. Điều này phản ảnh hoàn toàn “dân tộc chủ nghĩa” của Tôn Văn.
Và còn những ai?
Tại Việt Nam từ thời đổi mới đến nay, từ cách tổ chức nhà nước cho đển các chính sách kinh tế, đều âm hưởng rất sâu đậm Tam Dân chủ nghĩa, với « giai cấp tiên phong » tương ứng với giai cấp « tiền quán triệt », qua tấm bình phong « tư tưởng Hồ Chí Minh ». Điều không thể phản biện, nhân vật Hồ Chí Minh không phải là một nhà tư tưởng, có tầm nhìn xa hiểu rộng như Tôn Văn để có thể lập thuyết như ông này, mà chỉ là một người làm chính trị gặp nhiều thời cơ thuận tiện. Tư tưởng (tạp nham) của ông Hồ chỉ là một bản cóp py rất mờ nhạt của Tôn Văn, vì ông không có điều gì rõ rệt trong bất kỳ một chính sách, chủ trương, hay lý thuyết làm nền tảng để xây dựng và phát triển đất nước. Vì thế, nếu nói rằng xây dựng đất nước trên nền tảng tư tưởng của Hồ Chí Minh thì đó là một sự xảo ngôn ở tầm quốc gia, mà điều nguy cơ là quyết định này có thể dẫn đất nước vào một cuộc phiêu lưu vô định.
Hiện nay, ta có thể cho rằng Nguyễn Tấn Dũng có thể là người kế thừa của Tôn Văn, ít ra về chủ trương kinh tế: xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế này lấy quốc doanh chủ đạo, lấy quyền sở hữu đất đai thuộc về nhà nước để điều tiết ngân sách quốc gia. Hiện nay, tại Trung quốc, ngân sách của một số tỉnh, một tỉ lệ rất lớn (khoảng 30%) lấy từ việc giải tư đất đai. Tại Việt Nam con số này cũng rất lớn. Kinh tế càng khủng hoảng, nguồn thu gặp khó khăn, thì tỉ lệ ngân sách lấy từ nguồn đất đai có thể lên hơn 40%. Đây là chính sách kinh tế đã gặp sự thất bại cay đắng của Quốc Dân đảng tại Đài loan từ thập niên 60.
Ở Việt Nam (và Trung quốc) việc này đã tạo ra một tầng lớp dân chúng mới : dân oan, những người đã bị nhà nước tước đoạt quyền sở hữu đất. Sự thất bại của Đài Loan suýt làm cho nền Cộng hòa dân quốc sụp đổ, (nếu không có sự viện trợ của Hoa Kỳ). Xem ra Nguyễn Tấn Dũng đã thực thi chủ trương kinh tế (của Tôn Văn) rất tốt: Việt Nam đang trên bờ vực thẳm. Ông Lê Đăng Doanh mới đây lên tiếng báo động (đại khái): Việt Nam chưa bao giờ đối diện với những nguy cơ như thế này từ năm 1992.
© Trương Nhân Tuấn
© Đàn Chim Việt
————————————————————-
Tài liệu tham khảo:
Lévy Roger. Le souvenir de Sun Yat-sen et la République populaire de Chine (1886-1960). In: Politique étrangère N°5 – 1960 – 25e année pp. 491-516.
Corcuff Stéphane. Une remise en cause des trois principes du peuple ? L’avenir d’une idéologie. In: Perspectives chinoises.N°30, 1995. pp. 35-40.
Albert Maybon : La politique chinoise. Etude sur les doctrines des Partis en Chine, 1898-1908, Maspero H.Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, Année 1908, Volume 8, Numéro 1, p. 252 – 259
[i] Có thời kỳ tại Luân Đôn, tiếng đồn rằng ông sinh ở Honolulu (Hawai, Hoa Kỳ), do đó có quốc tịch Mỹ. Việc này nhằm vào việc bảo vệ ông tránh khỏi sự ruồng bát của cảnh sát Anh.
[ii] Theo Albert Maybon trong « La Politique Chinois 1898-1908 » thì ghi rằng Tôn Văn đi với mẹ.
Bàn về ai là người thừa kế Tôn Trung Sơn thì chế độ tại Đài Loan là chế độ có ảnh hưởng của Tam Dân Chủ Nghĩa nhất vì nó do Trung Hoa Quốc Dân Đảng lập nên, mà tư tưởng chủ đạo của Quốc Dân Đảng là Tam Dân Chủ Nghĩa. Còn những người CS Trung Quốc hay Việt Nam thì chẳng dính dáng gì đến Tam Dân Chủ Nghĩa cả. Cộng Sản Trung Quốc lúc đầu theo thuyết Mác Lê rồi sau theo đường lối của Mao bày ra. Đặng Tiểu Bình thấy đường lối Mác xít Mao ít thất bại nên quay ra đi theo con đường thực tiễn, chẳng theo của nghĩa nào cả, cũng không theo Tam Dân Chủ Nghĩa. Còn Hồ Chí Minh thì trung thành với khuôn mẫu của Liên Xô, cóp nguyên con từ kinh tế, chính trị đến các thủ đoạn bá đạo của Stalin. Đường lối này rất xa với Tam Dân Chủ Nghĩa. Tôn Văn chủ trương có sự phân biệt giữa hành pháp, lập pháp là có ý muốn lập pháp do dân bầu lên thật chứ đâu có muốn thứ quốc hội giả hiệu kiểu Liên Xô hay kiểu CSVN. Sau khi Liên Xô sụp đổ thì CSVN cũng chỉ theo Trung Quốc để sống còn chứ đâu có theo chủ nghĩa nào. Có chăng là chủ nghĩa “còn đảng còn mình”.
Nguyển-tấn-Dủng sẽ gây ra một TỘI-ÁC KINH-TẾ kinh-hoàng nhất trong lịch-sử Việt Nam.
Nguyển-tấn-Dủng sẽ gây ra một TỘI-ÁC KINH-TẾ kinh-hoàng nhất trong lịch-sử Việt Nam.
Nguyển-tấn-Dủng sẽ gây ra một TỘI-ÁC KINH-TẾ kinh-hoàng nhất trong lịch-sử Việt Nam.
Người San Jose.
(BBT: Bạn ơi, bạn muốn chê hay chửi người ta thì cũng phải tập viết cho đúng cái tên của người ta chứ! Người ta tên Nguyễn Tấn Dũng (hai dấu ngã) mà bạn đánh thành Nguyển Tấn Dủng (hai dấu hỏi) là ông nào, vậy bạn???)
Cám ơn BBT đã nhắc-nhỡ.
Nhưng tôi viết chử theo quy-tắc riêng.
Danh-từ dùng dấu hỏi,động-từ dùng dấu ngã.
Tên người có hai chử : viết hoa cả hai (không có gạch nối)
Tên người có từ ba chử trỡ lên có hai cách viết :
*Viết hoa đũ các chử (không có gạch nối)
*Chĩ viết hoa họ và tên,chữ lót viết thường (có gạch nối)
Đây chĩ là ý-kiến riêng. Kính.
Người San Jose
1. “Ta thấy Phan Châu Trinh theo khuynh hướng duy tân, tranh đấu ôn hòa, nương vào thực dân Pháp để nâng cao dân trí và phát triển (hạ tầng cơ sở) đất nước, tức ảnh hưởng lý thuyết của Khang Hữu Vi. Trong khi Phan Bội Châu thì chủ trương làm cách mạng, đấu tranh bạo động, tức phần nào theo khuynh hướng của Tôn Văn…”
“(nhưng cũng không hoàn toàn vì Phan Bội Châu chủ trương đánh đuổi thực dân Pháp đồng thời ủng hộ một nền quân chủ, tương tự mô hình của Nhật).”
Oan cho 2 cụ Phan lắm lắm.
Cụ Phan Chu Trinh kô có theo phái bảo hoàng, mà ví cụ như ông Khang Hữu Vi, 1 người theo và cổ võ cho phái bảo hoàng, thì đúng là oan cho cụ.
Còn cụ Phan Bội Châu, cụ là 1 người theo phái bảo hoàng, mà đem ví cụ với ông Tôn Văn, 1 người kô theo phái bảo hoàng, thì oan cho cụ lắm lắm. Việc cụ PBC cử cụ Cường Để, 1 nhân vật “hoàng gia”, vào vị trí lãnh đạo đủ cho ta thấy khuynh hướng của cụ.
Phần trích trong dấu ngoặc đơn cũng đã giải thích phần nào những sự việc trên.
2. “Về chủ nghĩa “dân tộc”, hiện nay tại lục địa đã nổi dậy phong trào dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, theo đó đề cao văn hóa và văn minh của người Hán, khinh bỉ những giống dân thấp kém, khơi lại nỗi nhục của Trung Hoa dưới triều nhà Thanh, với các hiệp ước bất bình đẳng ký với các cường quốc, để khơi lại lòng căm thù thế giới Tây Phương đồng thời khẳng định những đòi hỏi về lãnh thổ mà theo họ thuộc về người Hán từ xưa. Điều này phản ảnh hoàn toàn “dân tộc chủ nghĩa” của Tôn Văn.”
Trong Từ Thực Dân Đến Cộng Sản của Mặc Định Hoàng Văn Chí có kể lại 1 giai thoại khi TV cùng gặp Khuyển Dưỡng Nghị (KDN), 1 nhà chính trị rất có ảnh hưởng trong chính giới Nhật lúc bấy giò. Khi KDN hỏi TV về cách mạng VN, TV đã nói rằng người Việt có “nô lệ căn tính”, nên cách mạng VN sẽ kô đi tới đâu. Ông KDN đáp (đại loại) lại rằng, người Quảng Đông xa xưa là dòng giống Việt đã bị Hán hoá, còn n gười Việt qua bao nhiêu năm bị đô hộ vẫn giữ được bản sắc của mình, thành ra cách mạng VN có nhiều triển vọng lắm.
Ông KDN rất đắc ý về việc này, vì đã “chơi chữ” được với TV, 1 nhà cách mạng nổi tiếng của TH, nên có lẽ đã kể lại cho cụ PBC và cụ HVC hay.
Lúc bấy giờ người Nhật, Việt, và TH trò chuyện đều là bút đàm cả, vì VN, Nhật, và TH là những nước đồng văn (tự), xài cùng 1 thứ chữ viết.
Rất đồng ý với tác giả ; HCM không phải là một nhà tư tưởng …..cuộc phiêu lưu vô định.( trích) Nhưng không đồng ý với tác giả : Hiện nay ,ta có thể cho rằng Nguyễn Tấn Dũng…..để điều tiết quốc gia.( trích). Không một ai không biết TT NTD của VN chỉ là một tên y tá vô học ngoài cái bằng cử nhận luật rừng và một cái bằng tốt nghiêp từ trường đảng có tên HCM. Được làm học trò của Tôn Văn,không đơn giản như tác giả đã dịu dàng đồng ý cho một tên thất học NTD làm người kế thừa của Tôn Văn.Đặc biệt tên NTD không biết ngoại ngữ Trung Văn thì lấy đâu ra vốn để đọc những tư tưởng vĩ đại của Tôn Văn. Mong tác giả xét lại vấn đề trên.
Trích: Sau, nhờ có Hoa Kỳ khuyến cáo, Đài Loan thay đổi chính sách về kinh tế, cho cải cách điền địa, cho phát triển tư bản tư nhân, hạn chế đầu tư nhà nước vào kinh tế, do đó mới cất cánh lên thành rồng thành hổ vào thập niên 80
Mỹ áp lực với các nước trong ảnh hưởng của Mỹ để các nước này theo kinh tế thị trường, từ Tây Ban Nha, dưới sự cai trị của tướng Franco, Chile, dưới sự cai trị của tướng Pinochet, đến Nhật, Nam Hàn, và cả Đài Loan, Việt Nam Cộng Hòa. Chính vì các nước này bị Mỹ “can thiệp vào nội bộ” mà có nền kinh tế tự do, có tỉ lệ tăng trưởng cao.
Về quyền người dân, Tôn Văn chủ trương Ngũ Quyền Phân Lập, ngoài các viện Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp lại có thêm viện Khảo Sát và viện Giám Sát. Như vậy Tôn Văn cũng muốn có một chế độ dân chủ như các nước Tây Phương.
Tưởng Giới Thạch theo chính sách độc tài lấy cớ là tình hình chưa thuận lợi để bước qua giai đoạn huấn chính, nghĩa là giáo dục cho dân về dân chủ và cho dân tự do, mà nên ở giai đoạn quân chính, nghĩa là dùng quân đội để giữa an ninh, trật tư. Sau khi nhà Thanh bị lật đổ, Trung Hoa nhiều sứ quân nổi lên, Tưởng Giới Thạch phải đem quân đánh, bắt phải phục tùng chính quyền Quốc Dân Đảng do đó chưa thể bước qua giai đoạn huấn chính. Rồi Cộng Sản lại xuất hiện nên lại đánh nhau, chưa thể yên ổn mà bước đến dân chủ. Khi chạy ra Đài Loan, Tưởng Giới Thạch nuôi mộng dùng quân đội tái chiếm Hoa Lục nên cũng không bước qua giai đoạn huấn chính. Chỉ đến khi Đài Loan bị hất ra khỏi Liên Hiệp Quốc, bị Mỹ bỏ rơi thì Quốc Dân Đảng mới bỏ ý định tái chiếm Hoa Lục, chấp nhận cho đối lập chính trị hoạt động, đi đến dân chủ.