WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

“Lãnh đạo phải biết thừa nhận sai lầm và sửa sai”

GS David Ellwood. Ảnh: tuanvietnam

Điều nguy hiểm nhất đối với chính phủ là làm mà sợ sai, cuối cùng đi đến không làm gì cả. Những chính phủ thông minh, những con người thông minh là biết chấp nhận, thừa nhận sai lầm, rút kinh nghiệm và đứng lên – Hiệu trưởng trường Harvard Kennedy, GS David Ellwood nói.

Trao tự chủ, độc lập cho giảng viên, học viên

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tại trường quay VietNamNet, GS. David Ellwood, Hiệu trưởng Trường Harvard Kennedy school, trường quản lý nổi tiếng của nước Mỹ và của thế giới đã có mặt để cùng đàm luận với bạn đọc, độc giả, thính giả VietNamNet.

Rất nhiều câu hỏi của bạn đọc đã được gửi đến với GS. David Ellwood. Chúng tôi xin chọn lựa một câu đầu tiên. Thưa ông, ông và trường Harvard Kennedy schoool đã làm gì, đã có chiến lược gì để tạo ra một trường đào tạo quản lý nhà nước hàng đầu của nước Mỹ và hàng đầu thế giới?

GS David Ellwood: Trường Harvard Kennedy là một thành viên của trường Đại học Harvard  và chúng tôi là một nơi rất đặc biệt. Tất cả mọi người đến với trường Harvard Kennedy đều có một mục tiêu chung là làm sao để có một thế giới tốt hơn. Họ có chung một nguyện vọng, có một hoài bão lớn hơn những mục đích cá nhân của mình, đặt lợi ích của cộng đồng, của khu vực công lên trên hết. Mục tiêu đó là vì một thế giới tốt hơn.

Tôi có thể nói có 4 yếu tố làm trường Harvard Kennedy trở thành trường đào tạo hàng đầu. Một là, lãnh đạo, không chỉ dừng lại ở chỗ tạo cảm hứng mà lãnh đạo phải có một sự cam kết nghiêm túc.

Hai là, giải quyết những vấn đề thông qua những kỹ năng, thông qua những công cụ tốt, với những hoạt động phân tích chất lượng cao.

Thứ ba là đưa cho học viên tiếp cận trực tiếp với những ý tưởng mạnh, ý tưởng mới về những vấn đề nóng bỏng trong khu vực công hiện nay, tức là đưa họ đi với thực tiễn.

Thứ tư, trường Kennedy là nơi đến của rất nhiều sinh viên từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nhiều quốc gia khác nhau. Tất cả các sinh viên của trường Kennedy đến từ hơn 120 quốc gia, tham gia học tập rất nhiều chương trình khác nhau. Chúng tôi tin tưởng là việc học viên học tập lẫn nhau vô cùng quan trọng, tôn trọng nhau, tạo cảm hứng cho nhau, học tập lẫn nhau.

Như vậy đã tạo thành 4 yếu tố trụ cột của trường Kennedy, đó là: 1/ tạo cảm hứng, 2/ Có kỹ năng, năng lực, 3/ tiếp xúc với những ý tưởng mạnh, với thực tiễn; 4/ học hỏi lẫn nhau với một môi trường rất đa dạng.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tôi có một ý kiến bình luận thêm là có lẽ ngoài những điều đó, còn là những giáo sư mà ông chưa nói tới, đó là những giáo sư xuất sắc, có tầm nhìn và đặc biệt là những giáo sư có nhân cách mà những nhà báo VietNamNet đã có điều kiện tiếp xúc, phỏng vấn, đã đến VN như giáo sư Thomas Patterson, giáo sư Joseph Nye, rồi sự hiện diện của trường Fulbright tại VN là một cánh tay kết nối với trường Kennedy, với Tom Vallely, với GS David Dapice… với đội ngũ được đào tạo từ trường Kennedy School để về Fullbright giảng dạy để tạo ra một chương trình có ý nghĩa và gần như là chương trình đào tạo quản lý tốt nhất ở VN hiện nay trong quản lý nhà nước.

GS David Ellwood: Tôi nghĩ rằng đó cũng là một trong những điều kiện. Đó là lý do vì sao tôi nói với anh là tôi tin tôi là người có được một công việc tốt nhất trên thế giới.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo quan sát của tôi, nhiều giáo sư có uy tín, có danh vọng họ nghĩ đến việc làm sao kiếm tiền nhiều hơn, xem các bài viết, bài giảng như một cuộc đàm phán để giành thu nhập cao. Tuy nhiện, trường Harvard Kennedy, tôi cảm nhận rằng các giáo sư không nghĩ đến việc đó nhiều, họ nghĩ đến việc dâng hiến cho cộng đồng. Vậy trường Kennedy đã làm thế nào để tạo ra đội ngũ lãnh đạo có tính hiến dâng, không chạy theo vụ lợi nhiều như ở những trường khác?

GS David Ellwood: Trước hết, tôi muốn nói là anh hoàn toàn đúng và đó là lý do mà tôi muốn nhấn mạnh tất cả những người đến với trường Harvard Kennedy đều tin rằng mình muốn tạo ra một thế giới tốt hơn. Họ nghĩ đến những lợi ích nằm ngoài lợi ích cá nhân của mình.

Nhiều người cũng nói với tôi rằng nếu tin vào cái đó, tin có thể làm thế giới tốt đẹp hơn thì rất ngây thơ, và tôi đã đáp lời, tôi rất hạnh phúc được lãnh đạo một đội ngũ giảng viên rất thông minh nhưng cũng rất ngây thơ.

Đó là một cái yếu tố mà chúng tôi tìm kiếm ở những giảng viên mà chúng tôi muốn mời về trường Kennedy.

Khi tuyển các giảng viên, không phải những giảng viên ấy đến trường Kennedy để tìm kiếm 1 mức lương cao nhất, nhưng mà mức lương cũng phải là quan trọng, bởi vì giảng viên họ cũng quan tâm đến mức lương ở một chừng mực nào đấy, nhưng câu hỏi quan trọng thường tôi đưa ra cho họ đó là tôi hỏi họ anh hay chị có cảm thấy đây là một thời đại không thể tin được trên thế giới, có phải là tuyệt vời không nếu chúng ta đưa vào một cái môi trường mà chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề nóng bỏng nhất, bức xúc nhất của thế giới, và nếu chúng ta làm được như vậy thì có phải là tốt hay không? Và khi họ trả lời là đúng và muốn tham gia thì đấy là những người chúng tôi muốn mời.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thực tế là ý tưởng của trường Harvard Kennedy rất mong muốn đem đến điều tốt đẹp và đang sống với những tâm niệm, những hoài bão tốt đẹp, những ước mơ tốt đẹp, nhưng trong thực tế cuộc sống, trong đời sống chính trị nước Mỹ và thế giới hiện nay thì các nhà lãnh đạo cũng đang có những vấn đề về tha hóa về nhân cách về lối sống. Không chỉ lãnh đạo trong chính quyền, chính phủ mà lãnh đạo trong các tổ chức đòi hỏi nhân cách rất cao như tôn giáo cũng đã bị tha hóa, ngay cả tại nước Mỹ hay trên thế giới cũng thế. Thậm chí các nhà lãnh đạo tôn giáo Thiên Chúa Giáo cũng đã bị phát hiện tội lạm dụng tình dục trẻ em, rồi rất nhiều những hành vi thiếu nhân cách. Đây là vấn đề phải chăng xã hội ngày hôm nay, thế giới ngày hôm nay đang đặt ra vấn đề xem xét nhân cách các nhà lãnh đạo hay không? Dưới góc độ một nhà lãnh đạo một trường quản lý nhà nước, một trường quản lý nổi tiếng ông nhìn nhận vấn đề tha hóa nhân cách đạo đức của giới lãnh đạo hôm nay như thế nào?

GS David Ellwood: Tôi rất là quan ngại. Có lẽ lần đầu tiên tôi cảm thấy rất lo ngại trước một vấn đề rất là thách thức lãnh đạo đặt ra như vậy.

Chúng ta đang phải ứng phó với rất nhiều những cái vấn nạn rất nóng bỏng nhưng mà dường như các lãnh đạo không đứng ra để mà giải quyết những vấn nạn đó, họ không sẵn sàng trao đổi với những người xung quanh với các bên để giải quyết những vấn đề nóng bỏng này.

Nhưng tôi có 2 lý do để chúng ta có thể lạc quan. Thứ nhất về vấn đề cơ cấu, tổ chức thì một số vấn đề trục trặc hiện nay mà chúng ta quan sát thấy thì đó là do bộ máy nhà nước chính phủ hay doanh nghiệp được cấu trúc, tạo ra những rào cản để mà những người lãnh đạo không phản ứng được trước những cái thách thức. Đôi khi, cả báo chí truyền thông cũng đòi hỏi, cũng đặt ra những cái giới hạn rất lớn cho những nhà lãnh đạo này.

Tôi cho rằng chúng ta cũng có thể xử lý được, điều chỉnh được về mặt cơ cấu tổ chức.

Nhưng một lý do lớn hơn tôi thấy rất lạc quan đó là những con người trẻ trung tài năng hiện nay đang theo học lĩnh vực chính sách công tại trường Kennedy đều tuyệt vời, đầy nhiệt huyết. Không ai đến Harvard Kennedy để làm giàu cả. Nếu như đặt mục tiêu làm giàu thì họ có nhiều cách khác.

Họ đến đây bởi họ tin họ có được những ý tưởng mới, kỹ năng mới và họ đều có chuẩn mực đạo đức rất cao để mà có thể đóng góp sau này trong tương lai.

Anh cũng ở trường Harvard rồi thì anh cũng có thể thấy sinh viên của trường ấn tượng như thế nào và tôi cũng vinh dự được đi vòng quanh thế giới, gặp những sinh viên đã tốt nghiệp từ trường Kennedy, thấy được những thành tựu họ đạt được trong công việc của họ.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Lãnh đạo hôm nay đòi hỏi những phẩm chất mới vì thế giới hôm nay đã đổi thay, vậy trường Kennedy sẽ giúp sức gì những chương trình học, những tư duy nào mới để tạo nên một thế hệ lãnh đạo mới giải quyết những thách thức mới như chúng ta vừa nêu?

GS David Ellwood: Để đạt được điều đó, có thể nói trường luôn luôn ở tiền tuyến của tất cả những vấn đề khó khăn, những vấn đề nóng bỏng cần giải quyết.

Thứ nhất là ở đội ngũ giảng viên của trường. Quyết tâm của họ là tập trung giải quyết những vấn đề hóc búa nhất, đưa ra những ý tưởng mới để giải quyết những vấn đề này. Họ tập trung nghiên cứu những vấn đề hàng đầu.

Thứ 2, cũng rất quan trọng đó là làm sao để những hoạt động nghiên cứu, những giảng viên ấy có một sự gắn kết chặt chẽ với kinh nghiệm thực tiễn đang xảy ra.

Không phải ngẫu nhiên khi anh có nhiều dịp phỏng vấn những giảng viên, giáo sư của trường Harvard Kennedy bởi họ luôn luôn muốn đi ra thế giới, muốn gắn kết với kinh nghiệm thực tiễn. Tất cả trong số họ sẽ không ai nói rằng họ là chuyên gia về VN, nhưng họ vẫn đến VN để tìm hiểu.

Ngay cả tôi trong chuyến đi ngắn ngủi này cũng học được rất nhiều điều, rất nhiều ý tưởng mới và tôi sẽ mang trở lại nhà trường.

Do vậy ý tưởng tạo một sự khác biệt, tạo một sự thay đổi rất quan trọng. Có ý tưởng mới chưa phải là tất cả. Ý tưởng đó phải thiết thực.

Một điểm nữa tôi muốn nói về vấn đề lãnh đạo, đó là tuyển dụng những giảng viên, những giáo sư tốt, tuyệt vời. Sau đó phải để họ có thể nghiên cứu, để họ có thể hoạt động một cách độc lập.

Một đặc điểm rất tuyệt vời của hệ thống GD Hoa Kỳ trong đó có trường Harvard đó là sự độc lập, để cho các giảng viên, giáo sư, để cho các học viên tự ra quyết định của họ, nghiên cứu vấn đề gì là thích hợp với họ. Là lãnh đạo nhà trường tôi không bắt các giảng viên phải nghiên cứu vấn đề này, phải làm cái này, tôi có thể gợi ý đây có thể là những vấn đề thú vị, đây có thể là những nguồn nguồn kinh phí có thể tài trợ cho những hoạt động nghiên cứu đó, nhưng quyết định cuối cùng, sự tự chủ cuối cùng là thuộc về các giảng viên.

Bạn Lê Hồng: Trong môi trường lãnh đạo ở Việt Nam, đội ngũ lãnh đạo trẻ cũng đã trang bị nhiều lý thuyết làm lãnh đạo. Tuy nhiên, ví dụ như trong môi trường giáo dục không nhiều nhà lãnh đạo thành công. Vậy theo giáo sư, có cần có những khóa học tư vấn trực tiếp tại môi trường làm việc của họ để kết hợp áp dụng lý thuyết dạy làm lãnh đạo và thực tiễn phức tạp mà họ phải đương đầu?

GS David Ellwood: Theo tôi, cả lý thuyết lẫn thực tiễn đều quan trọng, vấn đề là kết nối được cả hai. Đó là cái việc chúng tôi làm ở trường Harvard Kennedy. Chúng tôi áp dụng cách dạy gọi là “Nghiên cứu tình huống” , phát triển nghiên cứu tình huống từ những tình huống thực tiễn, đưa vào trên lớp để các học viên cùng mổ xẻ, phân tích các tình huống đó.

Một việc chúng tôi sẽ làm sau chuyến đi này là viết về một tính huống nghiên cứu về Việt Nam, phản ứng của Việt Nam trong đại dịch cúm gà, Việt Nam đã phản ứng như thế nào? Việt nam đã chấp nhận hy sinh, mặc dù phải giết gà, mặc dù phải phong tỏa, nhưng phản ứng nhanh như vậy đã giúp Việt nam ngăn chặn được dịch cúm.

Trong quá trình nghiên cứu ở các trường đại học, người ta đã thấy học hiệu quả nhất là bằng cách anh đi làm và như vậy, ở trường chúng tôi phát triển rất nhiều các đợt thực tập cho học viên. Học viên học chương trình thạc sỹ, sau khi hoàn thành khóa học và làm luận văn, chúng tôi cũng có những bài tập lớn gọi là phân tích chính sách và học viên phải liên hệ với một khách hàng thực tiễn. Tức là một khách hàng, một tổ chức họ có một vấn đề gì trục trặc, khó khăn họ đặt ra cho học viên và học viên phải giải quyết các vấn đề thực tiễn đó trong luận văn của mình.

Một vấn đề nữa, theo tôi là sai lầm nếu chúng ta đào tạo quá sâu vào một vấn đề đặc thù, hẹp, mà dạy kỹ cho sinh viên. Cái điểm quan trọng là dạy cho sinh viên khả năng linh hoạt, khả năng áp dụng những ý tưởng mới, bởi vì không thể ai trong cả cuộc đời mình chỉ làm mỗi một việc cả. Vì vậy, ảnh phải đào tạo mở rộng, đào tạo linh hoạt, chứ không nên đào tạo cho sinh viên chỉ chú trọng vào một số kiến thức rất là hạn hẹp.

Lãnh đạo phải biết hỏi và biết nghe

Bạn Nguyễn Mạnh Hùng (Hà Nội): Trong thời đại ngày hôm nay theo ông thế nào là một nhà lãnh đạo giỏi. Để trở thành nhà lãnh đạo tốt, trình độ học thức có quan trọng hay không, hay chỉ biết cách giao tiếp lấy lòng mọi người là được.

GS David Ellwood: Những nhà lãnh đạo lớn, những nhà lãnh đạo tuyệt vời họ rất khác nhau nhưng ở đây tôi xin đưa ra những đặc điểm để tạo ra những nhà lãnh đạo lớn. Thứ nhất, theo tôi nhà lãnh đạo phải có một lý tưởng lớn, phải có một tầm nhìn và quyết tâm để đạt được lý tưởng và tầm nhìn đó. Ví dụ như lý tưởng tạo ra một thế giới tốt hơn.

Thứ hai, là phải có sự sáng suốt, phải có tri thức và dùng sự sáng suốt, trí thức đấy của mình để ra quyết định một cách dũng cảm.

Thứ ba, đó là một nhà lãnh đạo biết nghe. Đôi khi chúng ta nghĩ chúng ta thông minh, chúng ta làm ra mọi thứ, chúng ta chỉ người khác phải làm. Nhưng theo tôi, một nhà lãnh đạo phải là một người biết hỏi để người khác đưa đến câu trả lời cho mình.

Thứ tư, đó là nhà lãnh đạo phải biết khiêm tốn về năng lực và khả năng của mình, bởi vì mình không thể làm được tất cả, mà quan trọng là anh phải tạo ra được sự hậu thuẫn, tập hợp được nguồn lực tập thể để giúp anh đạt được cái lý tưởng của mình.

Tôi cho rằng, nhà lãnh đạo không chỉ phụ thuộc vào mối quan hệ cá nhân, hay cái mạng lưới của mình, cho dù trong công việc họ đương nhiên sự dụng những mối quan hệ đó.

Có lẽ tôi tóm lại 5 ý như thế này: Thứ nhất là phải có lý tưởng và đạo đức. Thứ hai là phải có tư duy sáng suốt và thông minh để ra quyết định đúng đắn. Thứ ba là biết lắng nghe cộng với khiêm tốn. Thứ tư là có sự dũng cảm để nói lên sự thật. Thứ năm là có quyết định kiên quyết khi cần phải làm là làm.

Bạn Đinh Việt Hòa: Chuyên gia về lãnh đạo đã chỉ ra rằng, lãnh đạo là ảnh hưởng không hơn không kém và thay đổi lãnh đạo là thây đổi tổ chức. Vậy theo ông, người dân Việt Nam phải đưa ra cho mình những tiêu chí nào để tạo ra nhà lãnh đạo có thể tạo ảnh hưởng tích cực để phát triển Việt Nam mạnh mẽ hơn?

GS David Ellwood: Thực chất những tiêu chí của nhà lãnh đạo Việt Nam cũng giống những tiêu chí như tôi vừa trình bày, cũng là có lý tưởng, có tầm nhìn; có sự sáng suốt để ra quyết định đúng đắn; khiêm tốn và biết lắng nghe; dũng cảm để nói lên sự thật và mạnh mẽ để có thể làm được việc.

Một điểm nữa tôi cũng muốn đề cập là một nhà lãnh đạo cần phải hiểu biết thế giới. Nhà lãnh đạo phải biết những gì đang diễn ra trên thế giới và giải pháp người ta đã đưa ra nhiều nơi khác nhau. Không thể nào anh ngồi một chỗ ở một địa phương, một thành phố để anh có được tất cả mọi giải pháp. Anh phải nắm được cái đó bằng cách anh phải kết nối với thế giới.

Không vì sợ sai mà không phản ứng

Bạn đọc Nguyễn Việt Hưng – Nha Trang: Trong cuộc sống có thất bại mới có thành công, tuy nhiên đối với lãnh đạo một quyết định sai lầm gây ra tổn thất rất lớn. Vậy lãnh đạo có quyền sai lầm hay không?  Và lâu dài, hình thức sửa sai phải áp dụng ra sao?

GS David Ellwood: Thực tế là phải cho phép nhà lãnh đạo mắc sai lầm. Không thể nào không cho phép nhà lãnh đạo mắc sai lầm cả.

Năm nào khi ở trường Kennedy tốt nghiệp tôi cũng có một bài phát biểu diễn văn nói chuyện với các sinh viên tốt nghiệp và năm nào trong bài diễn văn tôi cũng có một cái ý như thế này: Cơ quan không gian và vũ trụ Hoa Kỳ NASA có một câu cửa miệng dán ở khắp nơi: Thất bại không phải là lựa chọn.

Nếu cứ khăng khăng rằng anh làm mà không bao giờ gặp thất bại là chứng tỏ anh không chấp nhận rủi ro.

Theo tôi, đối với các tổ chức, điều nguy hiểm nhất đối với chính phủ là làm mà sợ sai, cuối cùng đi đến không làm gì cả và không phản ứng. Những chính phủ thông minh, những con người thông minh là họ chấp nhận sai lầm để đứng lên.

Tôi nghĩ điều không được phép làm đó là không chịu học, không chịu rút kinh nghiệm, bài học từ thất bại.  Chúng ta phải nhận ra thất bại, thừa nhận thất bại đó, và rút ra bài học và sửa sai từ những sai lầm đó.

Lãnh đạo phải duy trì sự gắn kết với dân

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trong mỗi lễ tốt nghiệp ông đều có một diễn văn, có một thông điệp. Năm nay những sinh viên tốt nghiệp, ông có dự kiến gì đưa ra với họ không?

GS David Ellwood: Năm nào gần đến lễ tốt nghiệp, tôi cũng rất khó khăn khi đưa ra một cái gì đó hữu ích để nói trong bài diễn văn tốt nghiệp cho các học viên.

Tôi nhớ lại bài diễn văn tốt nghiệp hè vừa rồi có một thông điệp tôi có nói với các học viên: Bây giờ một người nhìn ra thế giới có vẻ nản lòng, vì nhận thấy có nhiều vấn đề đang xảy ra trên thế giới và có vẻ như các nhà lãnh đạo không quan tâm và không đủ sức để giải quyết những cái vấn nạn đó. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, dịch cúm, vấn đề về năng lượng, bất bình đẳng, khan hiếm lương thực… khiến nhiều người thất vọng và chán nản. Thực tế như vậy, nhưng tôi nói với sinh viên, tôi nhìn vào chính các anh các chị thấy không chán nản nữa, các anh các chị là niềm tin và tương lai.

Một thông điệp nữa tôi có đề cập, đó là nhà lãnh đạo luôn luôn phải nhớ tới, phải giữ lấy khía cạnh con người của mình, đặc biệt là khi chúng ta đã đưa lên cái vị trí cao cấp, có một quyền lực cao và có thể chúng ta sẽ đánh mất cái khía cạnh ấy.

Phải nhớ lại hoài bão của một ngày nào đó là khi mình lên vị trí lãnh đạo, nhìn thấy một đưa trẻ bỏ đói thì mình phải làm một cái gì đó; nhìn thấy hệ thống đê điều bị vỡ thì mình phải tìm cách xử lý nó.

Tôi thấy điều quan trọng của nhà lãnh đạo là phải luôn luôn duy trì sự gắn kết của mình với người dân, bản chất nhân văn của mình phải kết nối với những người dân bình thường; phải kết nối với đối thủ trong hệ thống chính trị và phải tìm được tiếng nói. Đấy là những thông điệp mà tôi đưa ra.

Bạn Mỹ Hòa: Trong đợt bầu cử Đảng dân chủ Nhật vừa qua, có nhiều ý kiến tranh luận nên bầu cho ông Naoto Kan, một người có lý lịch trong sạch hay cho ông Ichiro Ozawa, được xem là người đàn ông của bóng tối. Có ý kiến cho rằng, nếu nước Nhật liều chọn ông Ozawa thì mới có thể tạo ra được sự khác biệt, thay vì chọn con đường bằng phẳng là ông Naoto Kan. Ý kiến của ông thế nào? Và trong những giai đoạn cần sự thay đổi quyết liệt thì người lãnh đạo cần có phẩm chất ra sao mới phù hợp được?

GS David Ellwood: Đúng là Nhật Bản cần phải có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán, nhưng vẫn phải trong sạch.

Tôi thì không muốn đưa ý kiến đánh giá cá nhân của mình đối với các nhà lãnh đạo của các nước, đặc biệt là Nhật Bản, vì tôi không ở bên trong để đánh giá. Nhưng có một điểm ở đây chúng ta có thể nhận thấy rằng, không có gì là không nhất quán giữa chuyện anh vừa có năng lực lãnh đạo một cách quyết đoán, nhưng anh cũng vừa cởi mở, minh bạch, trong sạch. Hai khía cạnh phẩm chất đó nó không loại trừ lẫn nhau.

Lãnh đạo giỏi phải dám đưa ra những quyết định khó khăn

Bạn Tấn Lâm: Làm thế nào để chọn được người lãnh đạo giỏi, yếu tố nào là quyết định nhất? Yếu tố nào là không thể thiếu được và yếu tố nào là yếu tố phụ? Giáo sư có thể giúp cho các quốc gia có chế độ khác nhau được hay không?

GS David Ellwood: Đấy cũng là một thách thức rất lớn để làm sao phát hiện ra được nhà lãnh đạo tốt.

Như ở đầu buổi phỏng vấn này tôi đã nói đến những phẩm chất của một nhà lãnh đạo tốt: có lý tưởng, có sự sáng suốt trong ra quyết định, khiêm tốn, dũng cảm và mạnh mẽ. Làm sao để phát hiện ra những phẩm chất đó, làm sao để phát hiện ra những nhà lãnh đạo giỏi thì theo tôi nên nhìn vào kinh nghiệm quá khứ của học để xem họ đã làm được những gì, để xem họ đã vượt qua được những thách thức gì.

Như đầu buổi, có câu hỏi là các nhà lãnh đạo được phép thất bại hay không, thì đấy cũng là một hướng để pháp hiện ra các nhà lãnh đạo, đó là xem những thất bại trước đây của họ là như thế nào. Nhưng quan trọng hơn là xem họ đã khắc phục những thất bại ấy ra sao.

Đôi khi, ta nên hỏi họ là thất bại lớn nhất của họ trong quá khứ là như thế nào? Nếu có người trả lời thất bại lớn nhất của họ là họ làm việc quá tích cực. Theo tôi người trả lời như vậy thì đó không phải là người lãnh đạo tốt. Một nhà lãnh đạo tốt, khi gặp câu hỏi đó họ sẽ đơn cử một cái thất bại rất là lớn, có ý nghĩa trong cuộc đời của họ và họ sẽ đi sâu vào phân tích họ đã rút ra được những bài học như thế nào và khắc phục nó trong tương lai ra sao.

Tôi cũng nói đùa một câu là, nếu muốn phát hiện ra một nhà lãnh đạo tốt thì xem xem họ đã học ở trường Harvard Kennedy chưa?

Bạn Tony: Việt Nam rất thiếu những nhà lãnh đạo có thể dẫn dắt vượt qua thách thức tham nhũng, quan liêu… Trong ý kiến của ông, những nhà lãnh đạo Việt Nam phải làm gì để tại nên một thế hệ tương lai có nhân cách và tài năng?

GS David Ellwood: Tôi không biết nhiều về Việt Nam để có thể đưa ra câu trả lời cụ thể là Việt Nam nên tuyển chọn các nhà lãnh đạo như thế nào, nhưng tôi chỉ có bình luận như thế này: ở rất nhiều nơi thì người dân luôn chỉ trích quốc gia của mình không có những nhà lãnh đạo tốt, không có những nhà lãnh đạo hữu hiệu.

Theo tôi chuyện một quốc gia có nhà lãnh đạo tốt hay không chính là phụ thuộc ở người dân. Người dân có tập trung, tạo điều kiện để có được những nhà lãnh đạo đó hay không.

Chúng ta đều biết, để đóng vai trò lãnh đạo đó  rất khó khăn. Những nhà lãnh đạo để làm tốt công việc của mình thì phải đưa ra những quyết định khó khăn, làm nhiều người tức giận, phản đối. Khi họ đưa ra những quyết định đó, liệu chúng ta có ủng hộ ho hay không?

Nhiều lúc chúng ta cũng cần phải hỗ trợ, ủng hộ những nhà lãnh đạo để họ thực hiện những quyết định khó khăn vì lợi ích chung của cả đất nước.

Khi có lí tưởng lớn, các lãnh đạo có thể chung tay xử lí mọi thách thức

Bạn Hoàng Minh: Trong bối cảnh vị trí nước Mỹ đang bị thách thức với sự nổi lên của Trung Quốc, trách nhiệm của các cán bộ quản lí, các nhà lãnh đạo Mỹ ra sao trong việc vực dậy niềm tự hào nước Mỹ để mỗi người dân Mỹ hành động vì vị trí của nước Mỹ trên thế giới?

GS David Ellwood: Thủ tướng Anh  Wilson Churchill đã có một lần nói rằng chúng ta luôn luôn có thể đặt niềm tin vào nước Mỹ có thể sẽ làm cái đúng, nhưng họ chỉ làm cái đúng sau khi đã thử làm tất cả những cái khác.

Hoa Kỳ cũng là một nơi đặc biệt, một xã hội rất năng động, có lúc Hoa Kỳ đi lên, có lúc đi xuống, có lúc người ta thấy rằng là Hoa Kỳ là một đất nước thật vĩ đại, thật tuyệt vời, có lúc người ta nhìn Hoa Kỳ như một nơi rất độc ác, rất xấu xa.

Hiện nay đúng là thời điểm rất khó khăn thách thức đối với Hoa Kỳ. Khủng hoảng đang diễn ra. Nhiều người lo lắng về việc chính phủ có giải quyết đuợc các vấn đề khó khăn như vậy hay không về mặt toàn cầu thay đổi cán cân quyền lực.

Nhưng Hoa Kỳ là một nơi có đặc điểm là người dân luôn tin vào mình, là nơi rất năng động, một nơi cởi mở. Mọi người đều nhìn thấy Hoa Kỳ khó khăn như vậy nhưng mọi người đều biết tự Hoa Kỳ sẽ điều chỉnh và sẽ trỗi dậy.

Đương nhiên không phải Hoa Kỳ sẽ là siêu cường độc tôn chiếm ưu thế mãi mãi như trước, và điều đó hoàn toàn bình thường nhưng vấn đề là quốc gia, đất nước sẽ thay đổi, điều chỉnh và vươn lên.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông Thom Friedman Economist của Newyork Time có nói vấn đở thế hệ các ông là luôn đối mặt với các thách thức lớn, vấn đề lớn vì thế mà suy nghĩ tầm lớn, được giáo dục về sự hi sinh và sự phấn đấu, sự dâng hiến là để đưa nước Mỹ là số 1. Trong khi đó người ta không tìm thấy điều này ở thế hệ trẻ nước Mỹ ngày hôm nay. Các giá trị Mỹ trong giới trẻ dường như đang bị giảm sút. Vậy trách nhiệm của ngôi trường nhu Kennedy làm thế nào để tạo dựng một thế hệ mới xứng đáng cho nước Mỹ trong tương lai?

GS David Ellwood: Tôi chưa được đọc bài đó của ông Thom Friedman. Thông thường tôi rất đồng tình với các quan điểm của ông Thomas Friedman. Nhưng nếu như ông Thomas Friedman nói như vậy thì tôi sẽ phải nói là tôi không đồng ý với ông.

Tôi nhận thấy giới trẻ ở Hoa Kỳ hiện nay họ vẫn nhiệt huyết, vẫn nhiệt tình, vẫn tin vào tương lai. Hoa Kỳ có 1 phụ nữ tên là Wendy Craff  xây dựng chương trình gọi là dạy học vì nước Mỹ. Đó là một chương trình khuyến khích các sinh viên mới tốt nghiệp đại học tham gia dạy học ở các vùng, các trường ở những vùng nghèo nhất nước Mỹ trong vòng 2 năm với mức lương hầu như không có gì cả. Một chương trình như vậy mà rất nhiều các sinh viên tốt nghiệp đã đăng kí tham gia. 15% sinh viên tốt nghiệp ở đại học Harvard đăng kí tham gia, thể hiện một sự nhiệt tình muốn đóng góp.

Giới trẻ hiện nay có rất nhiều những ý tưởng mới rất mong muốn đóng góp. Nhiều lúc tôi lo ngại thế hệ như  tuổi chúng tôi nhiều lúc cũng tự thỏa mãn, nhiều lúc nghĩ rằng như thế đã đủ rồi. Thế hệ trẻ ngày nay họ có nhiều hoài bão, có những lí tưởng rất lớn. Đôi khi họ không hiện thực, họ không đi sát với thực tế nhưng mà cái lý tưởng của họ thì đáng khâm phục.

Tôi cũng thấy điều đó ở Việt Nam, Việt Nam là một đất nước vô cùng năng động rất nhiều nhiệt huyết và trong một thời gian ngắn mà tôi đã thấy rất thích Việt Nam, học hỏi rất nhiều từ chuyến đi của tôi và hi vọng rằng có nhiều người trẻ tuổi Việt nam sẽ đến trường Harvard Kennedy để học tập.

Bạn Thu Hiền: Có ý kiến cho rằng hiện nay 2 Đảng cộng hòa dân chở Mỹ lúc này tập trung vào việc đổ lỗi cho nhau, chỉ trích cho nhau hơn là gánh vác trách nhiệm để giải quyết khủng hoảng, quan điểm của ông như thế nào? Trường Kennedy School, trường Harvard Kennedy sẽ làm gì để góp phần hàn gắn 2 Đảng và nghĩ đến trách nhiệm của quốc gia?

GS David Ellwood: Tôi đồng ý với 2 ý trong câu hỏi vừa rồi. Tôi dành rất nhiều thời gian của tôi để suy nghĩ về câu hỏi đó.

Đúng là nền chính trị, hiện trạng Hoa Kì đang không được tốt đẹp cho lắm. Hai Đảng của Hoa Kì hiện nay dùng mọi sức mạnh của mình để chỉ trích phía bên kia, không quan tâm giải quyết đến những vấn đề bức xúc mà chúng ta vừa thảo luận vừa rồi của Hoa Kỳ và của toàn cầu.

Tôi cũng đi các nơi, hỏi ý kiến mọi người xem là trong tình hình như thế thì trường Harvard Kennedy có thể làm gì, có thể đóng góp gì.

Tôi cũng xin đưa ra một vài ý tưởng. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động đào tạo thì trường Harvard Kennedy còn là nơi tổ chức các hội nghị mang các nhà lãnh đạo ở các bên, các nơi đến cùng gặp mặt nhau, cùng trao đổi thảo luận với nhau. Đó là một vai trò mà tôi nghĩ rằng là trường Kennedy có thể đứng ra để đưa các nhà lãnh đạo mà có thể là ở các bên Đảng chính trị đối lập nhau để cùng thảo luận những vấn đề.

Ý tưởng ban đầu  khi mời các nhà lãnh đạo đến thì chưa thể đưa họ bàn ngay về một vấn đề hàng đầu với quá nhiều mâu thuẫn, khoảng cách. Hãy chọn một số vấn đề mà các nhà lãnh đạo các bên đối lập có thể làm việc được với nhau những vấn đề cũng quan trọng ví dụ như là thay đổi cơ cấu dân số, vấn đề hỗ trợ đào tạo cho những người trẻ tuổi. Khi đó các bên dù đối lập cũng có thể ngồi với nhau, có thể bàn với nhau và tạo ra những thắng lợi. Thắng lợi đó là nền tảng để đưa các bên tới lại gần nhau hơn.

Đó là một trong những khía cạnh, những lĩnh vực mà trường Harvard Kennedy có thể có những đóng góp quan trọng. Tôi cho rằng các tổ chức giáo dục vẫn có những uy tín nhất định để làm chuyện đó.

Nhìn lại lịch sử của chúng tôi thì tôi cũng thấy rất yên tâm, 2 lãnh tụ sáng lập ra nước Hoa Kỳ là Thomas Jefferson và John Adam, những người đã cùng chung tay để viết lên tuyên ngôn độc lập, viết lên hiến pháp Hoa Kì và sau khi lập nước thì họ đi vào 2 đảng phái đối lập nhau và chỉ trích nhau một cách rất thậm tệ, dùng những lời lẽ vô cùng thậm tệ để chỉ trích nhau, nhưng sau cùng họ vẫn trở thành những người bạn, vẫn trao đổi thư từ và cả 2 cùng chết đúng vào ngày độc lập, ngày quốc khánh của Hoa Kì chỉ cách nhau có vài phút thôi.

Tôi cho rằng nếu các nhà lãnh tụ có cùng những lí tưởng lớn, những lí tưởng vĩ đại về tự do, về phúc lợi, về đưa đất nước lớn mạnh lên thì họ vẫn có thể chung tay giải quyết những vấn đề lớn.

Đúng là giai đoạn này, thời gian vừa rồi là khó khăn đối với Hoa Kì, nhưng tôi có một niềm tin chắc chắn là Hoa Kì sẽ vượt qua được.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông, trường Harvard Kennedy School có thể trở thành vai trò trung gian hòa giải cho 2 đảng?

GS David Ellwood: Đúng. Tôi cho rằng là trường Harvard Kennrdy có vai trò trong nỗ lực như vậy. Trường Kennedy luôn là nơi đưa ra những ý tưởng mới cho cả lãnh tụ của cả hai Đảng.

Đóng vai trò trung gian để các bên cùng ngồi lại cùng chung tay với nhau thì đó chính là vai trò không chỉ ở Hoa Kì mà theo tôi còn ở những nơi khác trên thế giới.

Hôm qua tôi có một bài phát biểu tại hội nghị ở đây với chủ đề là hành động kịp thời làm sao để chúng ta có thể nhìn những vấn đề bức xúc như hiện nay,chắc chắn là sẽ gây ra những tác động trầm trọng trong tương lai nhưng chúng ta lại không sẵn sàng, không chịu giải quyết từ bây giờ.

Vấn đề thách thức là làm sao để có thể làm được như vậy .Theo tôi, đó chính là một trong những vai trò đóng góp của trường Harvard Kennedy.

Đúng cách đây 50 năm, vào tháng giêng tổng thống Jonesh Kennedy nhậm chức. Tổng thống Jonesh Kenndy có rất nhiều câu nói nổi tiếng đi vào lòng người. Một trong những câu nói nổi tiếng nhất đó là ông nói rằng đừng có đòi hỏi đất nước làm gì cho ta, hãy nói rằng ta có thể làm gì cho đất nước, ta có thể làm gì cho đất nước đó chính là khẩu hiệu của trường Kennedy.

Một câu nói nữa là đừng có đòi hỏi Hoa Kì làm gì cho các anh các chị và hãy hỏi rằng các anh các chị có thể làm gì cho nhân loại trong tương lai. Tôi nhìn vào Hoa Kì, nhìn vào thế giới cả Việt Nam, một xã hội rất năng động, hoài bão và tôi thấy rất lạc quan, chúng ta đều muốn vươn tới những đỉnh cao, có thể chúng ta không biết khi nào vươn tới nhưng rõ ràng là chúng ta đều biết được hướng đi, đều là như thế nào phải vượt qua những thách thức ra sao.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay trong các nhà trường hầu như chưa quan tâm nhiều đào tạo vấn đề giá trị tinh thần, những lãnh tụ tinh thần và trong thế giới ngày nay không chỉ là khoa học quản trị đã đủ, nguyên tắc quản lí khoa học quản trị mà  còn giá trị tinh thần, lãnh tụ tinh thần trong đó nữa. Đặc biệt làm sao hướng tới một thế giới hòa giải yêu thương lẫn nhau. Liệu trường Harvard Kennedy có những định hướng đào tạo nào để bù đắp cho những thiếu hụt của các nhà lãnh đạo ngày hôm nay, thiếu hụt về giá trị tinh thần, giá trị hòa giải không chỉ là vươn lên mà nghĩ yêu thương hòa giải đến cả đối thủ của mình để làm sao cho một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn?

GS David Ellwood: Trường Harvard Kennedy luôn luôn muốn nhận những sinh viên mà chúng tôi nói là có trái tim mềm dẻo. Nhưng cái tôi sợ là cùng với trái tim mềm dẻo đó, họ cũng có cái đầu mềm dẻo. Chúng tôi muốn họ có trái tim mềm dẻo nhưng có cái đầu cứng rắn, và chính vì vậy họ phải học những môn về mặt kĩ thuật, học những kĩ năng, học kinh tế học thống kê…  Việc này đòi hỏi nỗ lực khó khăn để học qua những môn đấy. Chúng tôi luôn nhắc họ lí do mình đã chọn đến trường Harvard Kennedy là gì?

Để làm như vậy thì ở trường chúng tôi tổ chức diễn đàn, hàng tối mời các nhà lãnh đạo, các diễn giả đến nói chuyện cùng với học viên, chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích tinh thần, nhiệt huyết của học viên và khuyến khích họ đưa ra những ý tưởng mới, đưa ra những dự án mới hỗ trợ họ, đào tạo họ, đưa họ ra thế giới và tự hào về những gì mình đã đạt được. Điều chúng tôi muốn có là đào tạo ra những con người có trái tim mềm dẻo và có đầu óc cứng rắn, sáng suốt.

Gần đây anh cũng đã đến thăm trường Harvard Kennedy và cũng hi vọng rằng là những bạn trẻ Việt Nam cũng chỉ cần một nửa sự can đảm thôi nộp đơn nhập học vào trường Kennedy và chúng tôi sẵn sàng chào đón các học viên Việt Nam ở trường Harvard Kennedy.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thời gian trực tuyến với Giáo sư David Ellwood đã dài, chúng tôi xin dừng cuộc đàm luận tại đây. Xin trân trọng cám ơn GS David Eddwood và chúc cho trường Harvard Kennedy có những tư tưởng mới, những triết lí mới trong việc đào tạo phát triển năng lực lãnh đạo, đào tạo ra những nhà lãnh đạo cho thế giới ngày hôm nay, cho thế giới đã đổi thay với toàn cầu hóa với nền văn minh thông tin và luôn luôn giữ là một trường hàng đầu trong đào tạo các nhà lãnh đạo quản trị công. Cám ơn bạn đọc VietNamNet đã quan tâm theo dõi và hi vọng trong tương lai VietNamNet sẽ được tiếp tục phỏng vấn GS từ xa.

 Nguồn: vietnamnet

Phản hồi