WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Miền hư ảo [1]: Tranh blog – Kẻ tự vẫn

 

Chào mừng bạn đến với diễn đàn Miền Hư Ảo.

Trước khi tham gia diễn đàn, xin bạn hãy chọn cho mình một nickname và đọc qua điều lệ dưới đây của ban quản trị.

Điều lệ:

Người tham gia diễn đàn không được phép tiết lộ công khai trên mạng bất cứ „thông tin cá nhân“ nào của chính bản thân, của các thành viên khác và của những nhân vật liên quan. Thông tin cá nhân bao gồm: tên thật, tuổi tác, niên học, địa chỉ nơi ở, địa chỉ e-mail, số tel., chức vụ hiện tại và hình ảnh.

Ngoài quy định này, các thành viên của diễn đàn không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Ban quản trị không áp đặt quan điểm, tư tưởng, cảm nhận của mình cho những người tham gia, cũng như không chịu trách nhiệm về độ chính xác của các thông tin đăng tải. Bài vở và ý kiến  trên diễn đàn thể hiện quan điểm, tư tưởng, cảm xúc riêng tư và khả năng hư cấu của mỗi người viết, không mang tính cách đại diện hay tính chất tiêu biểu cho diễn đàn Miền Hư Ảo. Mỗi thành viên đăng ký vào diễn đàn đều có quyền mở blog riêng, trực tiếp đăng bài viết và ý kiến của mình. Mỗi thành viên đăng ký đều có quyền gửi ý kiến phản hồi với các bài viết và các ý kiến khác.

Cảnh báo:

Blog là một trò chơi nguy hiểm. Hãy cẩn trọng và tự tìm cách phòng vệ.

————————————————-

 Chương I:

Tranh blog – Kẻ tự vẫn

Ảnh minh họa

Trường đại học nằm trên đỉnh đồi. Mộ của hắn nằm cô quạnh dưới hàng dương liễu. Ngày bạn bè tiễn hắn ra đây, cả triền đồi còn ngút ngàn màu xanh. Chiều chiều trên cánh đồng xa, có đàn cò trắng bay đi bay về. Hắn không sợ cô quạnh. Hắn chỉ sợ sự ồn ào, khi màu xanh quanh chỗ hắn nằm cứ mất dần đi. Quán nhậu, quán net, quán ôm, quán cá, quán đề… thi nhau mọc lên lố nhố. Thửa ruộng cuối cùng rồi cũng bị san bằng. Cây dương cuối cùng rồi cũng bị đốn bỏ. Người ta đổ beton lên chỗ hắn nằm. Quán karaoke ôm phía trên rèm che kín mít, nhạc xập xình, đèn nhí nháy, ngày cũng như đêm. Hắn nằm ngay dưới dàn karaoke, không cách chi ngủ được. Mấy thằng vô quán karaoke ôm thường là mấy thằng không biết hát. Chữ nhảy hai ba hồi, tay chân bắt nhịp loạn xạ mà vẫn không vô đúng nhịp. Vừa hát vừa rượt theo chữ, té lên té xuống mấy bận mà cứ ham té. Mấy con nhỏ bán quán ôm cũng không phải là ca sĩ. Có một con tóc dài, giọng khoẻ hung, nhưng hắn ghét con nớ. Gặp ai nó cũng ôm, cũng kể lể, em là sinh viên, vì hoàn cảnh khó khăn phải ráng làm thêm, để kiếm tiền đóng học phí.

Hắn chán nghe tiếng nhạc xập xình, tiếng hát lập lờ, tiếng tâm sự ỉ eo. Hắn bò ra khỏi tấm áo quan mục rữa, đi lang thang trên đồi.

Mấy thằng sinh viên đàn em của hắn, bây chừ là giảng viên đại học. Thằng nhỏ sinh viên ngày mô ném nắm đất xuống huyệt cho hắn, hiện là trưởng phòng đào tạo. Buổi sáng tụi nó lên giảng đường dạy đạo đức, cho sinh viên ăn cơm cao su, ăn mì dây thun. Buổi chiều tụi nó ra ngồi quán uống bia, ôm gái. Sinh viên quán bên này, thầy giáo quán bên kia. Thỉnh thoảng thầy trò cũng xuề xoà ngồi chung một bàn nhậu, là để tâm sự chuyện thi cử. Những bàn nhậu thức ăn ê hề. Những đứa bạn cũ cố phình bụng ra nuốt. Mấy con nhỏ sinh viên dỏm ỏn ẻn rót thêm bia cho thầy. Mặt thầy phệ. Bụng thầy phệ. Một thầy xơ gan. Một thầy ngộ độc thực phẩm. Một thầy ngộ độc rượu. Phải đi xa như hắn, xa thật xa rồi, quay lại nhìn mới thấy xót thương. Ăn. Ăn. Ăn. Ăn nữa. Ăn mãi. Để trả thù những ngày đói khổ. Bây chừ không ai nhắc đến cái đói. Bây chừ cái đói không còn nằm trong bao tử. Cái đói chui vô nằm trong não, vô cảm mà ám ảnh không nguôi.

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày mùa mưa, năm đói.

Hắn hoá điên. Chỉ có người điên mới nhận diện được nhau trong thế giới người điên. Khi điên rồi hắn mới biết, những đứa sinh viên đồng khoá đã điên trước hắn rất lâu. Người điên thường sợ sự thật, sợ hình ảnh của chính mình trong gương và ghét tắm rửa. Những thằng điên tìm đến nhau, tụ tập thành nhóm, chúng mang một khuôn mặt, một nụ cười, một giọng nói. Chúng nói rất nhiều, nói rất to, vừa nói vừa vuốt đuôi nhau. Chúng rất sợ bị phát hiện mang bệnh điên, cứ phải giấu giấu giếm giếm, sơ hở lung tung. Hắn điên trễ nhưng điên nặng hơn bất cứ đứa nào. Và hắn quyết định, điên không giống ai, điên công khai. Hắn bỏ học đi lang thang suốt đêm trên đồi, sục vô từng góc giảng đường tối tăm, leo lên những bờ sân thượng chênh vênh. Đám nữ sinh đi học ban đêm thấy hắn đều bỏ chạy. Hắn cười sằng sặc, đuổi theo. Răng mà chạy. Chạy đi mô chừ. Đừng chạy, mình hiền lắm mà. Đừng chạy. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.

Buổi sáng, hắn bò về cư xá, ngủ vùi trong góc nhà đầy rác, thoi thóp giữa cơn đói. Hai lá bao tử ép dính vô nhau. Một đàn kiến đang tìm cách chui qua. Tụi nó bò nhột nhạt, thỉnh thoảng cắn lên thành bao tử một phát đau điếng. Hắn ôm bụng quặn thắt. Mồ hôi tướp ra. Còn hơn hai tiếng đồng hồ nữa thì tới giờ ăn cơm trưa. Lại nhắm mắt thiếp đi. Con chuột mẹ làm tổ trong chiếc giày vải của hắn, đẻ sáu con. Hắn cắt mũi giày, làm cửa cho mẹ con chút chít chui ra chui vô. Sinh viên còn đói, chuột lấy chi mà nuôi con. Hắn chép miệng, răng mà tội nghiệp, cho tụi bây luôn chiếc giày. Mấy con chuột chút chít. Hắn cười sung sướng, lại thiếp đi trong cơn đói tràn ngập tình yêu thương. Còn hai tiếng đồng hồ nữa thì tới giờ ăn cơm trưa. Mấy đứa điên vỗ tay reo hò ầm ĩ ngoài cửa sổ. Mấy con chuột thức giấc. Hắn thức giấc, chửi tán loạn rồi lại cười sằng sặc, đuổi theo mấy thằng điên, đuổi theo đoàn múa lân lên hội trường. Vui, vui hè. Hắn thập thò dựa cửa ngó vô, con tim bỗng nghẹn ngào xúc động. Cha mạ ơi, trong nớ, đại hội đoàn trường.

Người điên cũng có lúc tỉnh, chớ sao. Một cán bộ đoàn ưu tú như hắn, lẽ nào nhìn cái sân khấu kia mà không tỉnh lại. Hai lá cờ đỏ thắm. Một tấm hình. Một bình bông cúc. Một tấm bảng viết tên các ứng cử viên.

Chỗ của hắn là ở trên nớ, sau cái bục gỗ có bình hoa cẩm chướng, có cái micro màu đen. Hắn phải lên sân khấu, đứng đúng vô chỗ của mình. Hắn đã từng nhiều lần leo lên sân khấu, đứng ngay sau micro, hăng say ca ngợi những điều đẹp đẽ tuyệt vời.

Hắn trong bộ dạng còm ròm, xanh xao, áo quần bèo nhèo, râu tóc luộm thuộm. Có răng mô. Lý tưởng cao đẹp toả sáng ở trong tim mà. Hắn cần không hàm hồ gào thét như những diễn giả khác. Để làm chi. Một cán bộ đoàn xuất sắc như hắn luôn biết cách truyền đi ngọn lửa. Hắn vừa lên tới nơi liền cất giọng nói, mạnh mẽ và tự tin. Phải đi ngay vô vấn đề trước khi một thằng ngu nào khác nhảy ra cắt ngang.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo đảng bộ, kính thưa ban giám hiệu trường, kính thưa đại diện các ban ngành đoàn thể, kính thưa ban chấp hành đoàn thanh niên đương nhiệm, cùng các bạn sinh viên đoàn viên thân mến. Lần cuối cùng các bạn ăn hủ tiếu mì là khi mô? Còn ai nhớ được hương vị của nó không? Mì trứng? Hành phi? Nước lèo tôm khô? Bây chừ là mười một giờ trưa. Còn một tiếng đồng hồ nữa, cửa nhà ăn tập thể sẽ mở. Bữa ăn trưa của sinh viên có thứ chi? Cơm gia súc, canh đại dương, nước mắm toàn quốc. Ăn vô no cồn cào, đói rã rượi, chất lượng học tập giảm sút. Còn một tiếng đồng hồ nữa mới tới giờ ăn. Các bạn cứ bình tĩnh, ngồi im ở đây. Đúng một tiếng đồng hồ nữa thì đi ăn cơm. Tôi mạn phép xin chút thì giờ quý báu còn lại này để báo cáo trước đại hội đoàn trường một phương án.”

Chống đói để nâng cao chất lượng học tập.

Hắn cười hiền lành. Người điên thường có nụ cười trong sáng, thánh thiện. Có thực mới vực được đạo. Với một lực lượng trí thức ưu tú, một đội ngũ những nhà khoa học xuất xắc, một tầng lớp lãnh đạo sáng suốt, trường đại học của chúng ta có thể đạt được những thành tích chống đói mà không nơi nào trên thế giới đạt được. Đơn cử một biện pháp nhỏ, phân khoa Cao Su có thể kết hợp với phân khoa Hoá Thực Phẩm nghiên cứu ra một loại cơm cao su. Cơm cao su dĩ nhiên phải trắng rời như cơm không cao su. Cơm cao su phải mềm dẻo thơm ngon như cơm không cao su. Nhưng cái đặc biệt là, loại cơm cao su này ngày hôm trước ăn vô bụng, ngày hôm sau thải ra còn nguyên xi. Sinh viên chỉ cần mỗi buổi sáng đem theo lon hứng lại phần cơm đó, rửa sạch, buổi trưa, buổi chiều hấp lại ăn tiếp. Mỗi sinh viên vô trường được phát hai lon cơm cao su. Nhai đi nhai lại, rửa tới rửa lui, sau năm năm thì tốt nghiệp đại học. Bụng lúc nào cũng đầy, tinh thần lúc nào cũng khoai khoái. Rứa là an tâm, chuyên chú học tập. Dĩ nhiên là hương liệu chế tạo cơm cao su phải có độ bền tối ưu, để đảm bảo độ ngon miệng. Hắn cười hiền lành thánh thiện, chậm rãi thuyết trình về các loại hương liệu. Hương cơm gà quay, hương cơm tấm bì, hương cơm cà ri… Hương cơm gà quay phải sực mùi ngũ vị hương, mùi xì dầu. Hương cơm tấm bì phải đượm mùi thính bì, mùi mỡ hành… Không! Không! Phải có đủ cả mùi nước mắm tỏi ớt, mùi đồ chua dưa kiệu, mùi thịt sườn ram… Hắn chép miệng nhai ngon lành. Cái mùi vừa béo mỡ, vừa đằm thính, vừa thấu chua cay… Tươm ra trên từng muỗng cơm.  Ăn vô bụng rồi ợ lên ba tiếng. Ọt. Ọt. Ọt. Cái mùi vẫn còn nguyên rứa, quyện trên đầu lưỡi, xốc lên vòm mũi. Vừa nói hắn vừa nuốt nước miếng. Tóp tép. Tóp tép. Đôi mắt hắn sáng rực. Cặp mắt người điên thường rất sáng, tưởng như cả nguồn sức sống cạn kiệt dồn hết vô đôi mắt. Hắn nói say sưa, giọng khàn đi. Thỉnh thoảng hắn dừng lại, đưa ngón tay trỏ quẹt quẹt ngang đầu mũi. Hít hà. Hít hà. Hà hà. Đẩy bớt mùi cơm gà để hửi mùi cơm sườn. Ăn vô cũng mùi nớ, thải ra cũng mùi nớ, bất biến. Hà hà, bất biến. Không đổi. Hắn nhặt mớ giẻ lau ở góc cánh gà, định nhổ phẹt phẹt phẹt…mấy bãi nước miếng lên túm vải rách. Nhưng cổ họng hắn khô quắt. Khẹt khẹt. Hắn chạy tới bên bình bông cúc, túm chùm bông liệng ra góc sân khấu. Chùm bông vàng rực rơi tả tơi. Răng mà phí của – bình bông ni đáng giá hai tô hủ tiếu – nhưng hủ tiếu là hủ tiếu, hoa là hoa – ăn được và không ăn được. Hắn bưng bình bông lên uống ừng ực. Nước cắm bông thúi lum lủm nhưng mát lạnh – nước mát như nước giếng nông trường – mình đưa sinh viên xung phong về nông trường cuốc đất với thanh niên xung phong – vừa ăn khoai mì, vừa cuốc đất, vừa hát hò – sướng ngất – lý tưởng chói ngời – bụng vẫn đói – có răng mô – ta đốt lửa cho đồi hoang ấm mãi – hẹn người lên tìm lại dấu chân xưa. Phẹt phẹt phẹt. Hắn cầm mớ giẻ lau tẩm nước miếng, lau lên tấm bảng ghi danh sách ứng cử viên ban chấp hành đoàn trường nhiệm kỳ mới. Tấm bảng nằm chễm chệ giữa sân khấu. Nước miếng của hắn kéo ngang kéo dọc qua những cái tên ứng cử viên được viết hoa nắn nót. Đám nước miếng nhầy nhụa kéo qua những cái tên mà đám sinh viên ghét cay ghét đắng. Mấy cái bao tử bỗng giãn ra khoái trá. Ừa, bôi đi, bôi hết mấy cái tên chết tiệt vô tích sự đó đi. Sự hả hê lồ lộ ra trên những bản mặt. Cả đám ứng cử viên trang trọng ngồi phía bên kia, cũng có khối đứa đang sung sướng, hí hửng nhìn tên đối thủ của mình bị nước miếng chà quẹt. Niềm sung sướng ti tiện hèn mạt khi có người khác làm giùm cho mình cái điều mình muốn. Dù là một thằng điên. Hắn khoái trá nhận ra điều đó. Người điên thường khôn ranh. Hắn lau chậm rãi, kéo dài khoái cảm cho mọi người, dù là thứ khoái cảm giả tạo. Những thằng đau khổ vì tên mình bị lau cũng vẫn sung sướng nhìn tên mấy thằng khác bị quẹt nước miếng. Nước miếng dây dưa trên bảng đen thành những vệt trắng vằn vện. Hắn viết chồng lên mặt bảng lem nhem một đám công thức hóa học có những nối carbon nhằng nhịt và những nhánh hydro lòng thòng – để loè đám cán bộ giảng viên miền Bắc cờ lo, hy đờ rô. Nếu chế tạo thành công món cơm cao su, chúng ta có thể nghiên cứu thêm món phở dây thun, hủ tiếu dây thun, bánh canh dây thun, mì dây thun… Dĩ nhiên màu sắc, độ đàn hồi của từng loại sợi phải tương ứng với đặc tính từng loại bột. Bột gạo – bột mì – bột năng. Bột năng làm từ khoai mì – dưới chân đồi khoai mì xanh ngắt – dân quanh vùng cũng đói vàng mắt – sinh viên mò xuống đào trộm khoai mì bị đánh què chân – khoai mì xay, chắt thành bột năng – bã khoai mì nấu cháo cho heo ăn – heo chê – sinh viên xin bã khoai mì về nấu cháo – không mập được như heo – đêm nằm mơ thấy toàn ma quỷ – xanh xao rã rượi. Hắn thôi nói về những món cao lương mỹ vị, hắn đổi giọng, nói về cái đói của sinh viên. Hắn nói về những buổi trưa nắng ở giảng đường đói cồn cào gan ruột. Về những giờ học trôi qua rã rượi, những giáo trình học nhai đi nhai lại dai nhách như mì dây thun. Về những đêm chong đèn biết sinh lực mình đang tàn dần, thoi thóp như ngọn bấc cạn dầu… Hắn nói bằng chất giọng hư hao của một thằng nhịn đói đã nhiều ngày. Thỉnh thoảng hắn ngừng lại, chăm chú nhìn những cái ngón tay đóng ghét đen đủi, để khán giả ngậm ngùi tự nhận ra, may quá, dù đói rụng rún, đôi bàn tay của mình vẫn còn đủ cả mười ngón. Cả hội trường lặng im xốn xang. Đã gần mười hai giờ trưa, ai cũng đói rụng rún. Những cái bụng vừa được ăn no lại trống rỗng. Cảm giác bị lừa bịp, hoang mang mê muội, đói no lẫn lộn. Tiếng cái bụng rỗng sôi rồn rột trên sân khấu. Rồn rột. Rồn rột, chui qua lỗ tai. Rồn rột, chui vô bụng mình. Rồn rột kêu réo ở trong nớ. Có đứa mô đưa tay lên xoa cái bụng lép kẹp. Hắn xoa bụng hắn. Bàn tay dơ hầy đặt lên lớp vải áo đen đúa bèo nhèo. Đám sinh viên nhìn hắn xót xa thương cảm. Hắn thấy mừng vì mặc bộ đồ cũ lên sân khấu. Ban lãnh đạo nhìn hắn khinh bỉ, miệt thị. Hắn thấy buồn vì không mặc đồ mới lên sân khấu.

Hắn thều thào hết hơn một giờ đồng hồ. Đứa mô chịu đựng nổi thì đờ đẫn ngồi nghe. Đứa mô không chịu đựng nổi thì đã ngủ khò khò. Đó là nghệ thuật. Ban lãnh đạo trường ngoẹo đầu ngủ sau mấy bình bông cẩm chướng. Ai cũng đói, ai cũng mệt. Mười hai giờ ba mươi. Thầy hiệu phó bỗng giật mình, tỉnh ngủ. Thầy ngơ ngác nhìn quanh, lơ mơ hiểu được tính chất đểu cáng của sự việc. Thầy nhìn đồng hồ, giận dữ phát hiện ra mình ngủ quá lâu. Thằng ốm đói vẫn thều thào ghê rợn trên sân khấu. Bụng thầy rồn rột kêu réo. Đâu phải sinh viên mới biết đói. Lãnh đạo mà không ăn thì cũng đói. Thầy la lên, mấy đứa cán bộ đoàn đâu, lôi cái thằng bầy hầy này xuống sân khấu. Hắn cười sằng sặc, mấy thằng cán bộ đoàn đều là đàn em của hắn. Một phần lý tưởng trong đầu tụi nó là do hắn cấy vô. Hắn không thèm chống cự, cứ lả người ra để mấy đứa đàn em dìu đi. Đi ngang qua hàng ghế sinh năm thứ nhất, cặp mắt ranh mãnh của hắn bỗng hé mở và hắn bắt gặp nó. Một thằng nhỏ, bản mặt hiền khô bấm ra sữa. Tấm huy hiệu đoàn cài ngay ngắn trên ngực áo. Hắn hứng chí cười, đôi môi hắn nhấp nháy nhắn nhủ.

“Mì dây thun, hà hà, mì dây thun. Chỉ nhai đi nhai lại, rửa tới rửa lui, sau năm năm là thành kỹ sư. ”

Thằng nhỏ co rúm người lại. Mấy đứa sinh viên khác cũng co rúm người lại, ruột gan thắt lại, bụng đói cồn cào. Hắn biết, hiệu ứng một giờ diễn thuyết của hắn để lại sẽ rất quái gở. Cái cảm giác được ăn đầy bụng mà không no. Cảm giác sung sướng mà không khoái cảm. Cảm giác cồn cào, xót xa không nằm trong thể xác mà hành hạ đay nghiến tinh thần. Cảm giác trống rỗng ngu muội bất lực hèn hạ. Cảm giác thèm khát mà ghê tởm. Mấy đứa con gái quẹt mồ hôi trán. Những đứa con gái suốt những kỳ đại hội đoàn, chỉ ngồi đệt mặt chờ người ta xỏ mũi dắt đi. Bọn con trai lơ láo nhìn nhau. Những đứa con trai suốt mấy năm đại học đầu óc chỉ tằn mằn chuyện gạo mắm. Cả hội trường hối hả kéo ra nhà ăn.

Hắn ngồi trước phần ăn, cười sằng sặc. Một dúm cơm gạo mốc vàng lẫn hạt cỏ hạt sạn. Một chén lưng canh đại dương, lõng bõng mênh mang nước biển. Một muỗng nước mắm toàn quốc, chỉ toàn là nước. Hắn cười sằng sặc, bọn sinh viên tụi bây cứ ngồi nhìn những thứ ni mà nghĩ tới cao lương mỹ vị.

Hai tuần sau, một buổi tối, hắn leo lên sân thượng giảng đường. Hắn đứng thật lâu ở đoạn thoát nước cho mái nhà. Chỗ này mùa mưa rêu đóng trơn tuột. Bám lên thành xi măng, đu qua máng xối là tới một khoảng sân rộng. Cảm giác hụt hẫng chơi vơi, chực té lộn cổ xuống bao giờ cũng căng thẳng thắt tim. Hắn sẽ giả bộ quên bám lên thành xi măng, sẽ lảo đảo, sẽ “á” lên kinh hãi. Hắn sẽ vội vàng đưa hai tay chụp lấy thành xi măng, sẽ giả bộ trịnh trọng lắc đầu như tự trách mình bất cẩn. Tim hắn sẽ thắt lại cảm giác mạo hiểm mơ hồ, bên dưới sâu chênh vênh. Hắn đứng trên mái nhà, ngước đầu lên, vũ trụ đầy sao. A ha, chào 61, đỉnh cao muôn trượng. Hắn cúi nhìn xuống, cánh đồng tối đen đom đóm lập lòe. Hắn cười sung sướng, quê mình kìa, đất cày lên sỏi đá, quê mình ở dưới đó thôi. Sảy chân là rớt về quê.

Hắn định sảy chân thật. Người chết vì lý tưởng có quá nhiều, những bài ca tụng cứ dài dằng dặc ra mãi. Hắn muốn khác họ, muốn đảo ngược mệnh đề. Hắn sẽ chết vì không lý tưởng. Chân hắn đứng mấp mé thành máng xối trơn trợt. Khoảng không bên dưới sâu thẳm, tối tăm. Hắn bước về phía trước, chợt nhận ra hai bàn chân để trần đen đúa. Bậy quá – mình quên nói với con chuột – còn một chiếc giày giấu sau kẹt cửa – chao ôi – không còn dịp nữa rồi – bậy quá. Thân hình hắn chúi về phía trước. Hắn dang tay ra, cười sằng sặc. Cảm giác trượt từ đỉnh cao lý tưởng vào vực sâu không lý tưởng thật là tuyệt diệu. Chỉ tiếc là nó quá ngắn ngủi, cảm giác bồng bềnh chưa kịp tận hưởng, cơn chấn động dội ngược từ phía sau làm hắn kinh hãi. Hồn hắn vọt ngược lên không trung. Thân xác nằm bất động bên dưới. Dòng máu rỉ ra lặng lẽ. Hắn tò mò quay lại nhìn thân xác mình, nó nằm đó, hiền lành như đất cát.

Hắn sảy chân vào ban đêm, nằm chết thẳng cẳng trước sân trường. Hai tay dang rộng, mắt nhìn thẳng lên trời, đôi môi mỉm cười. Cả trường náo động, sinh viên nườm nượp kéo lên xem. Gia đình hắn ở quê nghèo tơ xơ mướp, đành gửi xác con lại trường. Ban giám hiệu muốn đưa hắn ra chôn sau đồi, nhưng không ban ngành đoàn thể nào chịu bỏ tiền sắm áo quan. Mấy thằng sinh viên cùng lớp kéo lên giảng đường, tụi nó chẻ bộ bàn học ra đóng áo cho bạn. Hắn ngồi bên cạnh, nhìn bạn bè gõ búa, nhớ từng kỷ niệm nhỏ nhặt chia sẻ với nhau. Những ngày mưa nắng ở nông trường – thằng mô té ở cầu cá – những buổi chiều gánh phân đi qua cánh đồng lầy lội – thằng mô tuột dép tìm hoài không ra  – những cánh đồng mía ngập mặn – những đêm đốt lửa trên đồng nghe câu hò vọng cổ – mấy con đỉa no tròn bám ở bắp chân – mấy thằng bạn nghèo nước mắt mồ hôi nhễ nhại, gõ từng nhát búa lên tấm áo quan – vì mình mà bạn bè cực khổ – vì mình mà thế hệ đàn em mất một bộ bàn học – mình bỏ cuộc rồi – không đi tiếp nữa đâu. Hắn đưa tay lên chùi nước mắt, bỗng ngỡ ngàng nhận ra, mình đã hết điên từ bao giờ. Chết là hết. Cơn điên ngắn ngủi đi qua đời hắn và chấm dứt bằng cái chết.

Cả trường lũ lượt đi đưa. Bạn quen và bạn không quen. Những cục đất tống tiễn ném xuống huyệt, như dội vô tim hắn. Mấy đứa con gái xô vô nhau mà khóc. Mấy đứa con gái ban đêm lên thư viện học hay bị hắn đuổi chạy. Tội nghiệp – khóc cái chi – chẳng lẽ mình chết rồi cuộc đời ni bớt vui – khóc cái chi – choáng váng – ngậm ngùi – dằn vặt – cảm thông – đau thương – tự vấn – ai mà biết tụi con gái nghĩ gì – nhưng thôi, mấy đứa về đi – đừng nghĩ gì nữa.

Đừng nghĩ gì nữa.

Hắn nằm đó giữa lòng đất, hai bàn tay thong dong đặt lên cái bụng lép kẹp. Hắn chờ bạn bè lấp huyệt để thanh thản yên giấc. Chết vì lý tưởng hay chết vì không lý tưởng – tất cả đều về hư vô.

Hắn mở mắt nhìn lần cuối khoảng trời trong xanh, định bụng sẽ phiêu diêu chìm vào giấc thiên thu. Giữa lúc đó, hắn lại nhìn thấy nó, thằng sinh viên năm thứ nhất đang lò mò ra đứng bên bờ huyệt. Bàn tay nó đưa ra trước, run lẩy bẩy. Nắm đất nằm yên trong tay nó, không rơi xuống. Hắn ngóc đầu nhìn nó, con tim bỗng quặn đau. Chết rồi răng vẫn còn đau – hư vô là cái chi chi. Thằng nhỏ kia là hình ảnh của hắn những ngày đầu náo nức bước chân vào trường đại học. Có bao nhiêu thằng như vậy. Có bao nhiêu những đứa trẻ tuổi tâm hồn trong sáng tràn đầy niềm tin yêu như vậy. Tấm huy hiệu đoàn cài thẳng thớm trên ngực áo. Hắn thở dài, ném nó xuống đi, mày ném nó xuống cho tao, còn chờ chi nữa.  Thằng nhỏ nhìn xuống lòng huyệt đôi mắt mở to hoang mang. Hắn lại gắt, mày thả nắm đất xuống cho tao, còn giữ làm chi nữa. Chỉ là cát bụi – nắm đất này không ném lại đây, phải mang theo suốt cuộc đời, làm răng mà sống nổi – phải biết bỏ lại để mà đi tiếp – đừng bỏ cuộc. Thằng nhỏ vẫn giữ chặt nắm đất trong bàn tay tướp mồ hôi. Mấy đứa sinh viên khác chen tới, đẩy nó qua một bên. Hắn nạt lớn, phải biết bỏ lại để mà đi tiếp, nghe chưa. Nó giấu bàn tay ra sau lưng, cúi đầu len lét lùi lại. Hắn giận dữ bò ra khỏi huyệt, tới bên cạnh nó, thổi cơn gió lạnh chạy dọc qua sống lưng thằng nhỏ. Hắn thì thào ghê rợn.

“Mì dây thun, hà hà, mì dây thun. Đừng nghĩ gì hết. Thì sẽ thấy ngon.“
Thằng nhỏ kinh hãi quẳng nắm đất xuống huyệt. Nó quay đầu bỏ chạy. Hắn đứng đó, ước gì mình còn điên để có thể cười sằng sặc.

—————————————

Comments (1 total)

Giang

Chủ nhân blog này là ai? Anh Tranh chết đã hơn hai mươi năm rồi, sao còn có kẻ mạo danh anh lôi câu chuyện đau lòng này ra khỏi quá khứ?

Tôi là Trần Thanh Giang, là thằng nhỏ ném đất xuống huyệt anh Tranh ngày đó. Bao nhiêu năm qua rồi, đầu đã nhuộm hai màu tóc, mà nỗi ám ảnh đó vẫn bám theo mình dai dẳng. Nó thường đến vào lúc nửa đêm, thường bắt đầu bằng những cơn đói rã rượi, thường bắt đầu bằng giọng nói thều thào thê lương của anh Tranh. “Mì dây thun, hà hà, mì dây thun. Đừng nghĩ gì hết. Đừng nghĩ gì hết. Đừng nghĩ gì hết. Đừng nghĩ gì hết…“

Chúng ta đã không nghĩ gì hết. Chúng ta đã từ chối (hay bị tước đoạt?) quyền được suy nghĩ. Câm lặng để có cơ may tồn tại. Câm lặng chôn vùi vết thương. Bạn bè giờ đây đứa mất đứa còn. Thời gian đã đủ dài hay chưa, để tụi mình bình tĩnh nhìn lại quá khứ u buồn?

Nếu muốn trao đổi cùng nhau, mời bạn qua Giang blog.

© Lưu Thủy Hương

© Đàn Chim Việt

Phản hồi