Bàn về Đạo đức thay lời chúc mừng Giáng sinh
Trước nay tôi thích nói về luật pháp hơn đạo đức. Không phải do tôi xem thường tầm quan trọng của nó trong mối các quan hệ nhân sinh mà bởi tôi cho rằng một chuẩn mực chỉ có thể được giữ gìn khi đi kèm theo nó là những biện pháp thúc ước hữu hiệu. Chúng ta thấy rõ luật pháp có được điều kiện tích cực đó- cái mà đạo đức không có được hoặc có nhưng kém hiệu quả hơn.
Thế nhưng cuộc đấu tranh hiện nay của chúng ta là vì một thể chế dân chủ tự do- một chế độ chính trị mà đặc trưng của nó là đạo đức, trong khi sự sợ hãi là đặc trưng của chế độ độc tài, như Montesquieu đã nói. Tuy nhắc đến những giá trị dân chủ tự do, chúng ta không trực tiếp đưa ra những tuyên ngôn cho tinh thần đạo đức nhưng kỳ thực chúng ta đang cổ vũ cho một xã hội nơi đạo đức được trọng vọng. Thật lạ đời rằng trong một chế độ dân chủ tự do, nơi người ta không chính thức đưa đạo đức lên như một giá trị của thể chế, nơi người ta chỉ dành nhiều thời gian và công sức để đề cao và bảo vệ nền pháp trị thì đạo đức lại được phát huy. Bởi xét cho cùng những giá trị như công bằng, tự do, tự thân chúng lại là một vấn đề đạo đức. Không có kẻ vô đạo đức nào yêu chuộng công bằng, tự do. Bởi vậy, không ngoa chút nào khi ta nói xã hội dân chủ được đặc trưng bởi đạo đức.
Trong xã hội hiện đại, con người vướng mắc vào khá nhiều vấn đề khó tháo gỡ dù đã cố gắng không mệt mỏi theo đuổi việc hoàn thiện những định chế chính trị và xã hội hiện có của mình . Và khi các chuẩn mực luật pháp chẳng thể phát huy vai trò của mình trong nhiều lĩnh vực, chuẩn mực đạo đức sẽ làm tiếp phần việc ấy.
Trong các chế độ độc tài, như một điều rất tự nhiên, con người thường sống, suy nghĩ và hành động trong nỗi sợ hãi; tất cả mọi tình cảm, ý chí và nguyện vọng hầu như chỉ để xoa dịu, khỏa lấp và thậm chí là để tự phù hợp với nỗi sợ hãi từ tâm thức đó. Nơi đó, đạo đức chỉ là thứ yếu, là thứ để ca ngợi chứ không phải để thực hiện. Vì thế sự băng hoại đạo đức là hậu quả trực tiếp của nền độc tài; đến lượt mình sự suy đồi đó lại củng cố cho sự vững mạnh của nền chuyên chính. Sự xói mòn nền tảng đạo đức là vấn đề đáng lo nhất trong tất cả những vấn đề đáng lo ở Việt Nam ta ngày nay. Đồng ý là thiện ác luôn song hành trong bất cứ xã hội nào. Nhưng nếu một xã hội dung túng cái ác và không có những biện pháp tích cực để chế tài cái ác và bảo vệ cái thiện, thì ắt xã hội đó có vấn đề từ gốc rễ. Trong những xã hội được vận hành bằng sự sợ hãi, đạo đức trở nên điều thứ yếu, và khi đạo đức đóng vai phụ trong nền văn hóa, cái ác sẽ lên ngôi. Bởi vậy, dù với một lực lượng công an hùng hậu, chính quyền Việt Nam chỉ có thể trấn áp những người dân lương thiện mà không thể ngăn cản nổi tội phạm tung hoành khắp nơi, cũng bởi chính nó là hiện thân vĩ đại của cái ác. Tư tưởng Hồ Chí Minh, những giáo trình giáo dục công dân… không thể ngăn nổi những vụ giết người man rợ, hàng ngàn vụ phá thai mỗi năm, những vụ tài xế xe tải đâm xe cho tới khi nạn nhân chết mới thôi để khỏi tốn phí tổn y tế, cùng những vụ bê bối học đường…
Không nói những tưởng tất cả chúng ta đều nhận thức rõ đạo đức là nguồn mạch của nhân văn, là thứ thể hiện bản chất một xã hội. Nếu đạo đức là nhân tố chính hình thành nên cốt cách một con người thì cũng chính đạo đức tạo nên thần thái của một dân tộc. Theo tôi, một con người đáng tôn kính không phải vì tiền bạc và danh vọng mà chính vì đức hạnh của họ. Không khó hiểu khi Đức Đạt Lai Lạt Ma được ca ngợi là vị Thánh sống, một biểu tượng cho tình yêu và đạo hạnh dù Ngài chỉ là một Quốc vương vong quốc. Cũng như thế, một dân tộc mạnh không phải vì nó có vũ khí hạt nhân. Sức mạnh tinh thần và tiềm lực nội tại của nó phần chính đến từ đạo đức. Xây dựng kinh tế, thủ đắc vũ khí hạt nhân đã khó khăn, bảo vệ nền văn hóa, xây dựng một xã hội văn mình còn khó hơn gấp nhiều lần. Thật khó tưởng tượng một dân tộc có thể hội nhập nhân loại văn minh với nền đạo đức suy hoại của mình. Bạn sẽ coi quốc gia nào mạnh hơn, đáng kính phục hơn: Đan Mạch hay Bắc Triều Tiên? Nơi mà một người viết truyện cổ tích nhân văn được suy tôn là người Anh hùng dân tộc hay một quốc gia bất hảo thủ đắc vũ khí hạt nhân, được lãnh đạo bởi một tên độc tài bệnh hoạn? Thật vậy, giá trị tinh thần và nền văn minh của một dân tộc bắt nguồn từ những giá trị đạo đức.
Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ hiện nay, đạo đức phải được đề cao hơn nữa. Bởi trong những yếu tố cần thiết đóng vai trò động lực cho cuộc đấu tranh, nâng cao tinh thần người dân hướng về dân chủ tự do và đoàn kết người Việt khắp nơi , đạo đức đóng vài trò lớn. Bởi thứ nhất, không một người Việt nào có thể được gọi là người tốt mà cảm thấy an lòng, cảm thấy không phẫn nộ khi sống trong xã hội Việt Nam hôm nay; không một người có đầy đủ tư cách đạo đức nào ủng hộ những kẻ chà đạp con người. Không cần trí tuệ cao xa, bất cứ ai có lòng nhân ái, lòng yêu nước đều không sớm thì muộn sẽ nhận rằng rằng chế độ độc tài là vật chướng ngại cho an sinh và sự phồn thịnh của chúng ta. Chính đạo đức chứ không gì khác sẽ góp phần chính vạch ra chiến tuyến giữa một bên là những người yêu nước, yêu chuộng tự do dân chủ và bên kia là chế độ độc tài. Thứ nữa, đối với những người đang đấu tranh trong và ngoài nước, tinh thần đạo đức sẽ là chất keo kết dính họ với nhau dưới ngọn cờ dân chủ tự do bất chấp những khác biệt về quan điểm. Vì khi tinh thần dân chủ kết hợp với đạo đức, mọi toan tính chính trị, mọi đố kỵ ghen ghét, mọi mưu đồ trục lợi cá nhân sẽ nhường chỗ cho tình tự dân tộc, cho sự yêu chuộng công lý và tự do. Tôi thiết nghĩa rằng, không thể dễ dàng để có một chính thể tốt đẹp khi lãnh đạo nó là những kẻ vô đạo đức, mưu mô trục lợi. Vì thế, đạo đức là vũ khí của chúng ta chống độc tài và cũng chính nó mở ra khả năng xây dựng thành công nền dân chủ tự do sau này.
Lâu nay với công việc dạy học ở nhà, tôi đã không ít lần nghĩ ngợi và thấy buồn khi từng lớp học sinh đi qua mỗi năm, tôi nhận thấy lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm của những em lớp mới chẳng bằng lớp cũ- một sự tụt hậu về đạo đức. Trong những câu chuyện của các em, các em nói về những việc đau lòng như thể nó là việc bình thường, với một thái độ rất thờ ơ. Các em đối xử với một người bạn nghèo như kẻ ngoài lề. Các em không giữ được sự lễ phép thường có của trẻ em thời tôi còn bé. Thật lòng, trong góc nhà bé nhỏ của mình, tôi lo lắng cho con đường đi lên của dân tộc.
Nhưng những sự việc đã xảy ra với gia đình tôi hai tháng vừa qua cho tôi cơ hội có một cái nhìn khác. Hôm nay xin kể ra đây một vài câu chuyện mà chúng ngày càng trở nên thưa thớt trong xã hội này. Có một bác buôn bán ở chợ cóc, dành dụm những đồng tiền vất vả, lăn lộn cả ngày ngoài chợ để gởi cho tôi dù bác chỉ biết tôi qua mấy bài viết được in chui ra giấy. Những đồng tiền cũ, nhàu nát, nhưng được gấp phẳng phiu như mảnh đời khó nhọc của bác, như tấm lòng yêu thương chất phác mà bác dành cho tôi. Lại có một bạn gọi điện thoại cho bạn trai tôi phân trần vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn không thể giúp nhiều cho tôi và hỏi xem có thể tặng tôi ba chục ngàn bằng cách nạp tiền vào tài khoản di động của tôi được không? Một cụ già sống tận Houston, Mỹ quốc dành tặng tôi 30 đô la. Rồi một tăng sĩ ở Sài Gòn đã tám mươi tuổi, dành tặng tôi hơn một triệu. Rồi những em sinh viên, những nhà giáo nghèo, những cô chú bác tôi chưa từng gặp mặt khác…. Và còn nhiều tấm lòng Người Việt khác ưu ái dành cho gia đình tôi trên khắp thế giới.
Mọi người thấy không? Đó chính là Đạo đức- Đạo đức dũng mãnh vạch ra lập trường đối lập với Nhà cầm quyền bằng hành động ủng hộ Dân chủ, Đạo đức lên án kẻ ác vì chứng kiến sự chà đạp nhân phẩm của họ, Đạo đức yêu thương chia sẻ vì nhìn thấy khổ đau của đồng loại. Tổ quốc sẽ vì có những con người này mà có thể vượt qua mọi kiềm tỏa để vươn lên. Đó là tình yêu thương mà những kẻ thấp cổ bé miệng dành cho nhau lúc hoạn nạn. Đó là hành động minh chứng dân tộc đứng về phía của lẽ phải và đỡ đầu cho Công lý. Đó chính là sức mạnh của chúng ta, là tia lửa hy vọng đang nhen nhóm một ngày nào đó sẽ thắp bừng lên ngọn đuốc canh tân. Đó là những lá phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ xây dựng thể chế Dân chủ tự do. Tôi tin vào chiến thắng cuối cùng của chúng ta khi chúng ta là những kẻ biết thương yêu nhau, những kẻ có chính nghĩa! Chế độ độc tài! Các người sẽ thua không chỉ vì hoàn cảnh thế giới bất lợi cho các người, mà còn bởi đạo đức đang ở phía chúng tôi, những người dân có lương tri và trí tuệ của đất nước này ủng hộ chúng tôi.
Trong những ngày mùa đông lạnh lẽo này, những ngày chờ đợi lệnh cưỡng chế từ Nhà Cầm quyền, gia đình tôi đã có được sự ấm áp trong tình yêu thương và ơn nghĩa của đồng bào. Tôi mừng vui nhưng không kém phần lo lắng vì nghĩ mình chưa làm được gì xứng đáng với tình yêu thương đó. Mùa Giáng sinh đã đến gần. Giáng sinh là mùa của yêu thương, là dịp để gởi đi thông điệp của tình yêu không kể tôn giáo, văn hóa; bởi vì cũng như đạo đức, tình yêu mang tính phổ quát. Xin nhân dịp này, kính chúc quý đồng bào trong nước cũng như hải ngoại một mùa Giáng sinh ấm áp và an lành. Xin cầu nguyện cho một Việt Nam sớm có dân chủ tự do, cho dân tộc Việt Nam thăng tiến cùng thế giới.
Tôi biết rằng khi nói đến đạo đức là nói đến thứ khó nắm bắt và thúc ước. Thế nhưng không phải vì thế mà chúng ta không nhận thức được vai trò to lớn của nó. Nếu chúng ta có thể tốn giấy mực để lý luận về dân chủ, pháp trị, thì không lý nào không thể có những nỗ lực cần thiết để đề cao Đạo đức trong tình hình xã hội Việt Nam ngày nay. Vì thế xin mượn bài biết này như một thông điệp của tinh thần Đạo đức và Tình yêu trong mùa Giáng sinh. Đạo đức và Tình yêu sẽ xóa nhòa bao cuộc chia rẽ, ly tán và tổn thương của dân tộc, sẽ giúp những người yêu nòi giống Việt đoàn kết bên nhau trong cuộc đấu tranh cam go này.
© Huỳnh Thục Vy
© Đàn Chim Việt
Thục Vy,
Chắc chắn bạn đã không thể làm vừa lòng được mọi nguời, nhưng trong những nguời vui lòng kia chắc chắn là có tôi.
Thân mến.
kính chúc chú Tuấn, thục Vy, Hiếu một Giáng sinh an lành…
Nói về cái đức thật là bao la,vô bờ bến,cho nên trong kinh dịch có dạy…
Trí là gốc cũa đức,
Người là cái Đức cũa trời đất.Vì thế,một đất nước mà thiếu hiền tài,lùn trí tuệ là nghèo nàng nhân đức…Vì vậy,mà trong nhân gian thường nói có trời mà cũng có ta,hay thiện căn ỡ tại lòng ta…
Trong thuyết tái sinh có dạy,khi nào con người không còn biết đạo đức là gì,thì chúng sinh ỡ cõi trời sẽ sanh xuống trần gian nhiều hơn,đễ duy trì,phát huy thêm cái trí đức đó…
Đồng thời,trong nhà phật có day rằng.
NHÂN THÂN NAN ĐẮC,PHẬT PHÁP NAN PHÙNG,nghĩa là thân người khó được,phật pháp
khó gặp.Đễ nói lên cái cơ duyên hi hữu thù thắng đó…dù sao cũng hoan hô tg cũng có tinh thần đạo đức trong buỗi giao thời nầy./.
Có thể ở đâu đó, lúc nào đó hay luôn miệng người ta nói “đạo đức đang xuống cấp”. Nhưng ta nghĩ Thục Vy không nên thở than rằng “tôi lo lắng cho con đường đi lên của dân tộc”, bởi lẽ chính con cũng nhận thấy còn nhiều tấm lòng Người Việt ưu ái dành cho gia đình con (ta gọi như thế bởi tính về tuổi tác ta xếp ngang hàng với cha của Thục Vy). Đạo đức của dân tộc không phải là của một thiểu số người, cho dù thiểu số đó là những người nắm quyền hành trong tay. Đạo đức của dân tộc cũng không chỉ nhìn vào một phần lớp em nhỏ mà con tiếp xúc hằng ngày thông qua việc dạy học tại gia mà đánh giá được. Con hãy tin rằng đạo đức là cái gốc của con người, nếu không còn đạo đức thì con người cũng sẽ không còn là con người nữa. Trong mấy tháng nay, gia đình con nhận được nhiều lời nói, hành động hoặc chỉ là những nghĩ suy của những người xa lạ cùng sẻ chia, thương cảm… đó là tình người, là đạo đức. Có thể trong từng điều kiện, từng thời điểm, biểu hiện của đạo đức có phần thay đổi nhưng không phải con người ta đang mất dần đạo đức. Chẳng có gì là vĩnh hằng, bất biến. Giá trị đạo đức có những nội dung cũng phải thay đổi đôi chút cho phù hợp với thời đại. Ngày xưa, con cháu phải thưa phải bẩm phải cúi đầu thật thấp khi đứng trước ông bà, cha mẹ…một thời gọi dạ, bảo vâng tuân lời răm rắp, cha mẹ dạy sao phải nghe theo làm vậy không được phân trần một lời cho dù đúng hay chưa đúng… Ngày nay bọn trẻ có thể tranh luận trực tiếp cùng cha mẹ. Bản thân con đấy thôi cũng đàm đạo cùng những người hàng cha bậc chú… Đạo đức cả dân tộc ta không hề suy đồi. Chỉ có thể một bộ phận nhỏ thôi, sao đổ đồng để rồi suy luận vậy được. Còn việc “tội phạm hoành hành, những vụ giết người man rợ, hàng ngàn vụ phá thai mỗi năm, những vụ tài xế xe tải đâm xe cho tới khi nạn nhân chết mới thôi để khỏi tốn phí tổn y tế, cùng những vụ bê bối học đường…” đâu chỉ có ở Việt Nam. Trên thế giới những vấn đề đó nhiều nơi còn nhức nhối hơn. Chúng ta không nên chỉ nhìn vào những mặt khuyết thiếu, non kém để kết luận là đang băng hoại, xói mòn nền tảng đạo đức của cả dân tộc được chứ con? Chúc con và gia đình mạnh khỏe!
Là người dân Việt yêu chuộng tự do dân chủ, tôi chia sẻ với bạn nhiều ý tưởng mơ ước về một đất nước dân chủ, phồn vinh, mang lại đời sống tốt hơn cho người dân. Nhưng rất tiếc nhiều suy nghĩ của bạn tôi e là quá cực đoan, không thể nhận được sự đồng thuận của đa số người dân tại VN, tại địa phương bạn sinh sống.
Mến gởi Anh Huỳnh Ngọc Tuấn hai Cháu Thục Vy Trọng Hiếu và toàn gia đình anh lời cầu chúc an lành đầm ấm trong những ngày Giáng Sinh và yên bình thành đạt trong suốt nmới, Sự hiểu biết chín chắn sâu sắc, lòng Vị tha nhân từ , ý chí can trường sắt thép … của Anh, của hai cháu, của những nhà đấu tranh cho Dân chủ như: chị Hằng, cô Nghiêm, anh Đức, Anh Vũ v.v. chính là tinh hoa của dân tộc,là trái tim của nhân loại, là anh hùng của thời đại, Chúng tôi và mọi người rất thương kính và ngưỡng mộ anh, hai cháu và tất cả những nhà đấu tranh cho Việt nam được tự do dân chủ thật sự..
Ngẫm lại 26 tuổi tôi chưa viết được những bài chính trị , xã hội kèm phẫm chất đạo đức nhân bản như cháu Huỳnh Thục Vy đã viết . Tôi cãm phục những bài viết của cháu Thục Vy vượt xa tầm nhìn “lọng cong.” của anh chàng Nguyen khoa thai Anh nào đó trên diễn đàn này .
Tương lai tươi sáng của đất Việt nằm trong tay thế hệ trẻ từ khoãng 24 đến 55 tuổi có suy tư nhân bản thêm vào được trang bị kiến thức khoa học trong tinh thần vô ngã, vô úy trước bao. lực của phe nhóm tà giáo.
Mến chúc gia đình cháu Huỳnh Thục Vy thân tâm an lạc , vững tiến trên con đường phục hoạt giá trị nhân bản và nhân quyền trên quê hương .
Sống trong xã hội cộng sản đầy bạo lực và dối trá nên những người dân đều bị tư tưởng tự ty, nghi kỵ lẫn nhau. Vì vậy có một số người như La Xuan không tin vào khả năng của người khác, thậm chí khả năng của chính bản thân mình. Khốn khổ thay cho kiếp sống một con người không còn gì là nhân cách khi phải “vật vã khóc than” cho cái chết của một kẻ độc tài “lãnh tụ vĩ đại” trong công cuộc bần cùng hóa nhân dân Bắc Hàn. Vy à, em thương hại cho những con người này. Anh may mắn có 10 năm sống dưới nền dân chủ tự do non trẻ của miền Nam và bất hạnh trong 36 năm sống dưới cái chính thể tự xưng là “đỉnh cao trí tuệ”. Tuy còn nhỏ và chỉ 10 năm ngắn ngủi nhưng đã cho anh nhận thức đạo đức của nền dân chủ tự do và cái gọi là “đạo đức con người XHCN” như ánh sáng và bóng tối. Xã hội Việt nam dưới sự cầm quyền của một nhóm cộng sản đã và đang suy đồi về đạo đức nhân bản cho dù nhóm cầm quyền luôn mồm kêu gào “học tập đạo đức và tư tưởng…Hồ Chí Minh”. Học những cái “siêu thực” thì làm sao có đạo đức được? Anh đồng ý với em, một cô gái trẻ tuổi nhưng nhận thức rất sâu sắc và chỉ ra được :” chế độ độc tài là vật chướng ngại cho an sinh và sự phồn thịnh của chúng ta. Chính đạo đức chứ không gì khác sẽ góp phần chính vạch ra chiến tuyến giữa một bên là những người yêu nước, yêu chuộng tự do dân chủ và bên kia là chế độ độc tài.” Tuy nhiên, khi nhìn sang chế độ độc tài quân sự Miến Điện đang tự thay đổi dần sang dân chủ và nghe theo dân hủy bỏ dự án thủy điện gây hại cho môi trường dân cư của Trung cộng, nhìn lại Việt nam thì mới củng cố quan điểm : chế độ độc tài cộng sản tàn bạo, ngoan cố với nhân dân và hèn hạ với Trung cộng hơn nhiều.
Chúc Thục Vy cùng gia đình vững vàng vượt qua những hành động bỉ ổi của chính quyền cộng sản. Mọi người dân yêu nước, yêu tự do dân chủ đều ở cạnh và ủng hộ gia đình Thục Vy.
Cháu HTV: Viết hay lắm!. Trong cái thời đại “mạt pháp” của xã hội Việt-Nam hiện nay thì đạo đức rất cần thiết – dù chỉ là 1 ngọn đèn trong tăm tối của địa ngục.
Nếu đạo đức , như là loại đạo đức của bác Hồ, là 1 chiêu bài, 1 công cụ tại Việt-Nam thì cũng đừng nên quá chủ quan: đạo đức tại các nước dân chủ như tại Hoa Kỳ vẫn là 1 thử thách (challenge) thường trực cho những tiến bộ nhân bản của con người.
Mến chúc cháu và gia quyến 1 mùa giáng sinh an lành.