Nhân Đầu Xuân Nhâm Thìn 2012, tưởng nhớ đến mấy người bạn ở Hành Thiện của tôi
Quê tôi ở làng Cát Xuyên thuộc Huyện Xuân Trường, Tỉnh Nam Định, cách xa làng Hành Thiện chừng 4 cây số. Làng tôi được nhiều người biết đến vì có Chợ Cát mỗi tháng họp 6 phiên vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 theo Âm lịch.
Vào năm 1950 -51, tôi theo học tại tư gia của Thầy Đặng Vũ Tiển – như tôi đã viết chi tiết trong bài được đăng trong Đặc san Hành Thiện năm trước đây.
Năm 2012 này, tôi muốn viết về một số người bạn thân thiết xuất thân từ Hành Thiện, mà đều đã qua đời trong những năm sau 1975.
1 – Trước hết là trường hợp bị thiệt mạng trên đường vượt biển của các bạn Đặng Như Kỳ và Đặng Ngọc Lân là những bạn tôi hay gặp vì cùng làm việc trong ngành luật pháp ở Saigon.
Anh Đặng Như Kỳ là luật sư, hồi trước năm 1975 anh cộng tác với các luật sư Lê Sĩ Giai, Nguyễn Tường Bá, Đàm Quang Lâm trong văn phòng của Luật sư Vương Văn Bắc tọa lạc trên đường Pasteur Saigon. Vào khỏang năm 1978 – 79, anh Kỳ đem gia đình cùng đi vượt biên, nhưng không may anh bị rớt xuống biển vào lúc sắp được một con tàu chuyên chở viễn dương cứu vớt và đã bị chết đuối trước sự đau lòng chứng kiến của người bạn đời của anh là chị luật sư Thục Lan.
Còn anh Đặng Ngọc Lân thì làm Lục sự lâu năm tại Tòa Thượng Thẩm Saigon, Vào cuối thập niên 1970, anh Lân cũng đem gia đình đi vượt biên và bị mất tích tòan bộ gia đình trên biển cả. Anh Lân và tôi thường hay gặp nhau tại Tòa án Saigon và chúng tôi hay chuyện trò với nhau về những kỷ niệm tại quê nhà vào thời kỳ trước năm 1954 ở Hành Thiện ngòai miền Bắc.
2 – Người bạn thân thiết khác nữa là anh Nguyễn Xuân Nghiên cũng bị thiệt mạng vì tai nạn xe cộ trên xa lộ Biên Hòa vào năm 1977 – 78. Anh Nghiên là một giáo sư dậy môn Lý Hóa rất thành công và nổi tiếng tại Saigon từ cuối thập niên 1950, và sau này đứng ra làm Hiệu trưởng của trường Phục Hưng ở gần với bệnh viện Saint Paul trên đường Phan Thanh Giản.
Anh Nghiên và tôi cùng là sinh viên di cư từ Hanoi vào miền Nam hồi giữa năm 1954 với nhau, lại ở chung trong một căn lều tại khu đất cũ của Khám Lớn Saigon, gần kề với Tòa Án, nên chúng tôi có nhiều kỷ niệm thật đáng nhớ với nhau. Đầu năm 2011 tôi đến thăm anh chị bác sĩ Chu Bá Bằng tại thành phố Houston tiểu bang Texas, thì được anh chị gợi lại những kỷ niệm rất thân thương gắn bó với anh Nghiên, việc này khiến cho tôi nhớ lại cái thời sinh viên đại học Hanoi chúng tôi ở lứa tuổi đôi mươi, mà vừa mới cùng nhau đặt chân trên đất Saigon để tiếp tục việc học hành tại vùng đất tự do ở miền Nam. Cái thuở thanh xuân đày thơ mộng ấy sao mà đẹp đẽ dễ thương biết bao!
Rồi sau năm 1975, tôi còn gặp lại anh Nghiên mấy lần, kéo nhau cùng đi uống cà phê và tôi được anh cho biết đang bận rộn lo việc chăm sóc trồng vườn cây thuốc nam tại miệt Long Thành trên đường từ Saigon đi ra Bà rịa – Vũng Tàu. Anh Nghiên vẫn lạc quan, tự tin tháo vát, không hề tỏ vẻ e ngại gì trước sự “đổi đời” ở miền Nam lúc đó. Tôi vẫn còn nhớ việc anh kể lại cho tôi nghe nhiều chuyện ngộ nghĩnh đến tức cười liên quan đến một số nhân vật vào hàng lãnh đạo ở Hanoi – mà đều xuất thân từ làng Hành Thiện và đất Nam Định.
Ấy thế mà chẳng bao lâu sau, tôi được tin anh Nghiên bị tai nạn xe và anh đã thiệt mạng vào lúc chưa đến tuổi 50. Cùng với vài người bạn khác, tôi có đến viếng thăm linh cữu của anh được quàn tại tư gia và bày tỏ niềm thương tiếc với gia đình. Anh bác sĩ Bằng có cho tôi biết là hiện chị Nghiên và các cháu đã qua định cư ở bên Pháp, và tôi hy vọng sẽ có dịp đến thăm viếng gia đình chị – khi tôi qua thăm bạn bè ở Âu châu vào mùa hè năm 2012 sắp tới.
3 – Người bạn thân thiết khác nữa mà vừa mới qua đời vì bệnh cách nay mấy năm tại Canada là anh Nguyễn Xuân Quế. Vào kỳ hè năm 1952, khi mới từ miền quê ra theo học ở Hanoi, thì tôi bắt đầu quen biết với anh Quế, vì cùng ở trọ chung với nhau tại một căn gác trên đường Phủ Dõan gần với phố Hàng Bông thuộc khu vực trung tâm thành phố. Anh Quế tính tình hiền lành, điềm đạm và rất mực chung thủy với bạn bè. Vào miền Nam, chúng tôi thường hay gặp nhau, nhất là sau năm 1975 anh em chúng tôi đều là nạn nhân của chế độ hà khắc của người cộng sản, nên dễ thông cảm và tin tưởng tâm sự với nhau.
Vào năm 2003, con trai của anh chị Quế là cháu Khanh lại kết hôn với cháu Thanh Giang là con của cô em của bà xã nhà tôi ở thành phố San Jose California. Vì thế mà giữa anh em chúng tôi – ngòai tình bạn lâu năm – lại còn có thêm mối ”liên hệ sui gia“ với nhau nữa. Lâu lâu, qua điện thọai, chúng tôi vẫn chuyện trò thân mật với nhau và gợi nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm của thuở hàn vi trên đất Bắc và những năm tháng bước vào đời ở miền Nam.
Nhưng cũng chẳng được bao lâu sau, thì anh Quế đã ra đi về bên kia thế giới, bỏ lại gia đình và các bạn hữu thân thương. Riêng đối với tôi, thì tôi luôn giữ được những kỷ niệm tốt đẹp về anh Quế là một người bạn thâm tình, khẳng khái và hết mực hồn nhiên gắn bó với gia đình và bằng hữu. Tình bạn giữa anh và tôi đã kéo dài đến gần 60 năm từ miền Bắc vào Nam và qua cả đến miền Bắc Mỹ này nữa.
4 - Tôi còn muốn viết về một người bạn học khác nữa – cũng gốc gác từ Hành Thiện – đó là anh Đặng Mộng Lân mà vừa mới qua đời ở Hanoi cách nay chừng 3 năm. Anh Lân học chung lớp Đệ Nhất với tôi tại trường Chu Văn An Hanoi niên khóa 1953 – 54. Chúng tôi cùng thi Tú tài phần hai với nhau trong kỳ thi vào đầu tháng 6 năm 1954. Sau đó thì chia tay nhau, tôi di cư vào miền Nam, còn anh Lân thì ở lại miền Bắc. Qua anh bạn chung là Phạm Xuân Yêm dậy học lâu năm ở Pháp, tôi được biết anh Lân là một giáo sư về khoa học tại Đại học Hanoi, mà lại có nhiều công trình nghiên cứu và biên khảo về Vật lý rất có giá trị, cụ thể như là cuốn “Tự Điển Vật Lý”.
Bạn Yêm còn cho tôi biết là anh Lân đã tìm cách chỉ dẫn về cách thức ứng xử cho nhà thơ Lê Đạt sau nhiều năm bị tù vì chuyện “Nhân Văn Giai Phẩm”, lúc được trả tự do, thì vẫn bị theo rõi quản chế ngặt nghèo. Anh Lân mách bảo nhà thơ là nên tìm các sách báo chuyên về khoa học ở Thư viện, cụ thể là về nhà bác học Einstein, để mà nghiên cứu – dịch thuật, thì sẽ giảm bớt được sự căng thẳng trong đầu óc và còn tránh được mọi chuyện phiền phức với cơ quan an ninh hay bày đặt làm khó dễ nữa.
Tuy xa cách đã lâu, nhưng tôi vẫn giữ được cái ấn tượng sinh động về một người bạn học năm xưa ở Hanoi mà có tính tình trầm lặng kín đáo này, và qua một anh bạn khác là Đỗ Xuân Lôi đã từng dậy học nhiều năm tại Đại học Bách khoa ở Hanoi, tôi còn được biết thêm chi tiết về những ngày cuối đời của anh Đặng Mộng Lân nữa.
Nhưng bài viết đến đây kể đã dài rồi, tôi xin tạm kết thúc ở đây với tấm lòng thương nhớ vô vàn đến những người bạn cùng lứa tuổi, cùng xuất thân từ miền đất Xuân Trường – Nam Định và cùng học hành, cùng sinh họat chung với nhau trên đất Bắc, tại miền Nam cũng như trên đất Mỹ nữa. Các bạn tuy đã lìa xa chốn thế gian này, nhưng các bạn vẫn còn hiện diện trong tâm tưởng chúng tôi với những kỷ niệm thật tươi đẹp của thế hệ những người đương thời với các bạn vậy.
Xin nguyện cầu các bạn luôn mãi thanh thản nơi cõi Vĩnh Hằng.
California, cuối năm Tân Mão 2011
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt
Tôi có 1 thắc mắc xin hỏi luật sư Liêm , LS có biết Dược sĩ Phạm Tư Tề người Hành Thiện, ở đường Phan Thanh Giảng, đối diện với nhà của DS Nguyễn Cao Thăng , không? Ông bà Tề là bác ruột của tôi, tôi nghe nói cháu nội của ông bà ấy đang ở Cali nên mạn phép hỏi thăm LS.
Một số người được LS nhắc đến tôi có biết như GS Nguyễn xuân Nghiên là bác họ của tôi, trước 75 nhà bác ấy ở góc đường Tự Đức-Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Xin lỗi bây giờ mới đọc được thư của bạn Minh.
Tôi xin trả lời ngắn gọn như sau : Cháu nội của Cụ Phạm Tư Tề là Phạm Tư , thì anh ấy là con rể của tôi, vì cưới con gái tôi là Thùy Trang từ năm 1990 ở Saigon. Nhưng không may, Việt bị dứt mạch máu não và mất năm 1999 ở Saigon. Việt có một con gái là cháu Thùy Hân hiện ở California với mẹ cháu.
Còn em gái Việt là Phương Dung thì hiện ở Canada,
Ít hàng xin thông báo để bạn rõ.
Chúc An Lành
Liêm (email : ltdoan911@gmail.com)
LS.Liêm có biết những người Hành Thiện khác như DS.Đặng vũ Biền(còn sống ở Paris) là thầy dậy dược khoa,và em là Đặng vũ Quảng(mất cở 2 năm tại Paris)viết nhiều cho tập san Hành Thiện?Nhưng người Hành Thiện nổi tiếng vẫn là”Trường Trinh” Đặng xuân Khu!
Là người đọc “chăm chú”những bài”du ký”(ở Mỹ,và Âu châu)của tác giả ĐTL, nên báo tin để ông biết là nhân viên người VN(Nguyễn tăng Cảnh) làm cho Conseil Oeucuménique des Egliges(Genève,TS)mà ông gặp trước 1975,khi ông qua họp ở Genève(nếu không nhầm?),đã mất(vì heart attact)năm 2012,khi cùng vợ,đi ăn cưới ở Toulouse(Pháp)
“Nhưng người Hành Thiện nổi tiếng vẫn là ”Trường Trinh” Đặng xuân Khu!”.
Cố để len được một câu “hoành tráng” vào… khe hẹp, nhưng lại ngọng líu ngọng lịu! Ai là “Trường Trinh” vậy nhỉ?
Làng Hành Thiện, hay họ Đặng Vũ nói riêng nối tiếng học giỏi có nhiều người đỗ đạt, làm quan. Và chỉ có vậy thôi! Nhưng nhiều người thổi phồng lên quá đâm “mất vui”. Chẳng hạn như một ông bác sĩ tôi quên mất tên – trước 75 làm khoa trưởng Y Khoa trường ĐH Minh Đức thì phải – viết một bài về ngôi làng của mẹ mình (làng HT) tương vào một câu: số người làng HT đỗ tiến sĩ nhiều hơn cả nước cộng lại! Sự thật là sao?
Wikipedia viết: “Thời Nho học, làng Hành Thiện có 419 người đỗ đạt. Trong đó: 7 đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Người khai khoa cho làng là cụ Nguyễn Thiện Sĩ sinh năm 1501, đỗ Cử nhân năm 1522. [...]
Ông “đại” bác sĩ có 1/2 máu Hành Thiện đó còn viết: câu “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện” chỉ để ca tụng làng HT, còn làng Cổ Am (không ai biết tới?) chỉ được để vào cho có vần!
Vậy Cổ Am là cái làng nào? Làng Cổ Am thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hài Dương (một thời kỳ ngắn thuộc tỉnh Kiến An, hiện nay đã xát nhập vào thành phố Hải Phòng). Ngay cái tên Cổ Am cũng cho thấy đây là một làng rất cổ, dù chữ Cổ trong Cổ Am không có nghĩa là cổ xưa mà có lẽ là làng mạc, thành phố, như trong …Cổ Loa, Cổ Nhuế… Tục truyền làng Cổ Am vốn từng là cứ địa (nới đóng quân) của bà Lê Chân, một nữ tướng của Hai Bà Trưng… làng Cổ Am thờ quan Thái Úy Tô Hiến Thành (đầu đời nhà Lý) làm Thàng Hoàng, vì ông Tô Hiến Thành đến thăm làng và cho xây một ngồi chủa ở đó, gọi là chùa Mét. Nhưng người nổi tiếng nhất của làng Cổ Am chính là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng người dân “làng Cổ” không muốn “nhận vơ”, thường nói Trạng Trình người làng Tây Am, một làng bên cạnh. Người “làng Cổ” nổi tiếng gần đây nhất có lẽ là nhà văn Khái Hưng (và Trần Tiêu). Khái Hưng tên thật là Trần Khánh Giư (*), con “cụ Thượng Mỹ”, tức Thượng thư (và Tổng đốc) Trần Mỹ…
Sử sách chép, làng Cổ Am có 20 họ chính, mà họ “lớn” ngoài họ Trần, là họ Đào… với “lớn” đây có nghĩa là nhiều người đỗ đạt. Wikipedia viết (trích): “Họ Nguyễn ở Cổ Am cũng là họ có khá nhiều người đỗ đạt. trích trong cuốn Quốc triều hương khoa lục tại Viện Hán Nôm do quan đại thần Cao Xuân Dục chủ biên) có tới trên 20 người đỗ tiến sĩ.”
Ngoài truyền thống học hành, làng Cổ Am nổi tiếng là “làng cách mạng”, cũng không phải “cách mạng” theo nghĩa “đi theo Việt Minh (CS)” mà tư xưa, mỗi khi nước nhà lâm nguy thì trai làng đi “đánh giặc” cả!
Làng Cổ Am nổi tiếng “làm loạn” đến nỗi, sau khi Nguyễn Thái Học (VNQDĐ) khởi nghĩa thất bại, người Pháp cho bỏ bom “bình địa” làng Cổ Am. Cuộc bỏ bom “mặt bằng” đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam…
(*) nhiều chỗ viết tên tục Khái Hưng là Trần Khánh Dư là sai, đúng là Trần Khánh Giư. Chữ “Kháì Hưng” được tạo thành bới sự đảo lộn những mẫu tự của “Khánh Giư”.
“Trâu buộc,ghét trâu ăn”,nên bắt bẻ tên Trường Chinh Đặng xuân Khu(vì là VC nên muốn xóa dòng dõi Hành Thiện?!),và Khái Hưng Trần khánh Giư,rồi “Cụ Lẫn”đề qua làng Cổ Am,tỉnh Hải Dương! Như vậy có lẽ Cụ Lẫn dòng dõi làng”khỉ ho,cò gáy” nào đó,nên phải dèm pha”làng Hành Thiện…nổi tiếng học giỏi,có nhiều ngưởi đỗ đạt làm quan.Và chỉ có vậy thôi!”.Vậy thì làng của Cụ Lẫn”có vậy”không?!
Nhân dịp viết về tỉnh Hải Dương,Cụ Lẫn có biết làng Mộ Trạch(có đình thờ cụ Tổ Vũ Hồn)nổi tiếng là làng Tiến Sĩ không?Và gần đó có làng Lương Đường(sau đổi thành Lương Ngọc)cũng được biết là”làng có nhiều TS(họ Vũ)từ quan”vì không muốn”làm quan với Tây”để trở về quê quán dậy học.Nhiều ngưởi dòng dõi làng Luơng Ngọc như các GS.Vũ quốc Thúc,Vũ quốc Thông,Vũ văn Mẫu…
Thôi”kính lão,đắc thọ”,dù là lão”lẫn” như “Cụ Lẫn”giữa tuổi 80 rồi!
Xin trả lời quý bạn đọc :
1 – Dĩ nhiên là tôi quen GS Đặng Vũ Biền là dân gốc ở Hành Thiện. Ông học rất giỏi và dậy tại Đại Học Dược Khoa Saigon trước 1975. Năm 2012, lúc ở Paris, tôi có nói chuyện qua Phone với GS Biền, nhưng lại không gặp mặt được.
2 – Tôi quen nhiều với anh Nguyễn Tăng Cảnh làm việc lâu năm với World Council of Churches ở Geneva. Lúc Anh mất vì heart attack, thì có anh Trần Ngọc Báu ở Geneva đại diện các bạn hữu đến dự Lễ An Táng ở bên đó.
3 – Bạn hữu chúng tôi đều đã ở vào cái tuổi sấp xỉ 80 cả rồi, nhiều người đã ra đi. Nghĩ thật là buồn cho cái thân phận con người trên cõi tạm này vậy…
Chúc An Lành
Liêm
Ngoài Trường Chinh , Hành Thiện có rất nhiều người nổi tiếng mà tại quý vị không để ý thôi. Tôi xin đơn cử 1 vài thí dụ như ông Nguyễn Thế Truyền cùng thời với Hồ Chí Minh, sáng lập ra tờ Người Cùng Khổ mà sau này VC cho là của Hồ Chí Minh. Nguyễn Thế Truyền tốt nghiệp kỹ sư Hóa Học, tiếng Pháp giỏi như tiếng Việt , chứ lúc đó Hồ Chí Minh chỉ biết bập bẹ vài câu tiếng Pháp mà thôi. Ngoài ra một trong những người bác sĩ Tây y nổi tiếng đầu tiên của Việt Nam là Đặng Vũ Lạc chẳng hạn. Hay mới gần đây là nhà khoa học nổi tiếng của thế giới Đặng Vũ Thiên Thanh.
Riêng LS Liêm: xin cám ơn LS đã trả lời thắc mắc của tôi.
Tôi cảm thấy chạnh lòng khi đọc bài này. Người xưa sao tâm hồn họ quá thân thiện, tình cảm, đạo đức. Cảm ơn ” Đàn chim việt ” có nhiều bài đa dạng. Cũng cám ơn nhiều tác giả cộng tác với ” Đàn chim việt “