WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bàn về Quan hệ nhân quả

III. Các thái độ trước đây trong lịch sử

1. Hai loại giải thích

Mê tín và khoa học

Không chắc người nguyên thủy có khả năng phân tích một khái niệm trừu tượng như quan hệ nhân quả không, nhưng có bằng chứng rằng họ chấp nhận nó như một thực tế. Ở những chỗ thiếu tri thức khoa học, con người có khuynh hướng bù đắp vào bằng những giải thích mê tín.

Hễ nơi nào thái độ khoa học thắng thế, những giải thích mê tín bị hất cẳng bởi những giải thích tự nhiên. Người ta giả định rằng các biến cố tự nhiên đều có nguyên nhân tự nhiên; nếu khám phá ra nguyên nhân ta có thể kiểm soát biến cố ấy.

Người mê tín qui bệnh tật cho bùa ngãi độc dữ hoặc hành động của đấng “Hoàng thiên nổi cơn thịnh nộ”. Các nhà khoa học tìm kiếm nguyên nhân của bệnh tật trong các sự việc như điều kiện vệ sinh, chứ không phải sự ghét bỏ mang tính thiêng liêng hay huyền bí, vì nếu tình trạng thiếu vệ sinh hiện hành có liên quan tới bệnh tật thì có thể cải thiện tình trạng đó. Trong hình thức y dược hiện đại, kết quả của lối tiếp cận mới này là bằng chứng thực tiễn và tốt đẹp cho tính chính xác của nó.

2. Aristotle và bốn nguyên nhân

Aristotle là một trong các nhà tư tưởng đầu tiên đưa ý tưởng quan hệ nhân quả làm đối tượng cho một cuộc phân tích khắc nghiệt, và chúng ta sẽ hiểu rõ hơn những triển khai về sau của nó nếu chúng ta xem xét kỹ lý thuyết của vị triết gia Hi Lạp cổ đại ấy.

Bốn nguyên nhân

Nếu xem xét bất cứ đối tượng sống động hay bất động nào, chúng ta sẽ thấy cái nào cũng có một “lịch sử”. Mọi cái chúng ta đang quen thuộc đều đến từ cái nào khác, và nếu không có cái nào khác ấy, chúng không thể thành hiện thực. Ðiều đó có nghĩa rằng có một nguyên nhân chất liệu (material cause) cho mọi cái, hiểu theo ý nghĩa của học thuyết Aristotle thì cái này nào đó là tiềm năng (potential) của cái khác nào đó. Ðể xây cất một ngôi nhà, chúng ta phải có đá hoặc gỗ, v.v. Những cái đó không thật sự là ngôi nhà mà chỉ là cái tiềm năng, và do đó, biểu hiện cho nguyên nhân chất liệu.

Gạch đá hoặc gỗ tự chúng không có khả năng hình thành ngôi nhà. Ðể làm chuyện đó, chúng ta cần thợ mộc hay thợ nề hay thợ đẻo đá. Chính qua nỗ lực của những người thợ đó, nguyên nhân chất liệu có thể khoác một hình thức nhất định. Thế thì những người ấy là nguyên nhân tác động (efficient cause), hay nguyên nhân hiệu ứng, cái sản sinh kết quả trong trường hợp ngôi nhà.

Chúng ta thử hạn chế minh họa ấy vào người thợ nề. Y không lượm gạch lên, ném chúng vào nhau một cách ngẫu nhiên với hy vọng đạt kết quả tốt nhất. Không. Trong khi xây dựng, y luôn luôn có một kế hoạch hoặc một bản thiết kế hướng dẫn. Bản thiết kế ấy biểu hiệu hình thức sẽ được thực hiện, và đó là nguyên lý tổ chức. Trong học thuyết Aristotle, nó là dạng thức (form) biến tiềm năng thành hiện thực, biến một vật thành đúng loại của chính nó. Ðó là nguyên nhân dạng thức (formal cause).

Chúng ta không tập trung vật liệu và thuê thợ nề để xây dựng một loại ngôi nhà nào đó nằm ngoài chủ định của mình. Có thể chúng ta muốn làm một ngôi nhà cho mình ở, hoặc đầu tư để cho thuê, hoặc chỉ làm nhà để xe hoặc nhà kho. Rõ ràng rằng mục đích đóng vai trò lớn lao trong việc quyết định sẽ dùng loại vật liệu nào, bỏ ra bao nhiêu tiền và thuê loại thợ nào.

Không có việc nào được thực hiện mà không có mucï đích. Từ ngữ “mục đích” (goal), cũng thường được gọi theo cách khác, bao quát hơn, là “cứu cánh” (purpose) có nguồn gốc từ chữ Hi Lạp telos, nghĩa đen là cái đích tối hậu hoặc cái được nhắm tới. Trong tiếng Việt, mục là mắt, đích là cái nhắm tới; mục đích là cái được con mắt nhắm tới. Cả hai ý nghĩa ấy đều hàm ý cái được nhắm tới ấy vượt quá, hay ở quá bên kia vật chất. Chừng nào chúng ta còn nhấn mạnh tới các nguyên nhân có tính mục đích, chừng đó chúng ta còn phát biểu mang tính *cứu cánh luận (teleology). Trong mẫu thức (pattern) phân tích quan hệ nhân quả theo Aristotle, cái này được gọi là nguyên nhân tối hậu (final cause), hay như về sau thường gọi là nguyên nhân cứu cánh, cho rõ nghĩa hơn.

Nguyên nhân cứu cánh quan trọng nhất

Thế thì theo Aristotle, có bốn nguyên nhân liên quan tới việc giải thích sự phát triển của bất cứ vật nào: chất liệu, tác động, dạng thức và cứu cánh. Bốn nguyên nhân ấy đều liên quan tới sự thảo luận của Aristotle về vật chất (matter) và dạng thức (form). Nguyên nhân chất liệu như có tính tiềm năng cũng vẫn chỉ là vật chất trong khi ba nguyên nhân kia là sự triển khai ý nghĩa của dạng thức (formal) hoặc thực tế (actuality).

Ðối với Aristotle, trong ba nguyên nhân đó, nguyên nhân cứu cánh (tối hậu) quan trọng nhất. Ông cho rằng mục đích – hoặc cứu cánh – của phát triển là lý do thật sự của một vật.

Cụm từ “nguyên nhân cúu cánh” gợi cho thấy hiện tại được quyết định bởi tương lai, theo ý nghĩa rằng chính cái đang là của vật-sắp-trở-thành quyết định giai đoạn phát triển của nó trong hiện tại. Chúng ta có thể hiểu sai ý nghĩa của thuật ngữ ấy, làm phát sinh những khó khăn không cần thiết nếu chúng ta giả dụ rằng tương lai phi hiện hữu là nguyên nhân của hiện tại đang hiện hữu.

Ý nghĩa nằm trong dạng thức

Nguyên nhân cứu cánh phải có ý nghĩa khác hơn ý nghĩa đơn thuần về thời gian. Ý nghĩa ấy được tìm thấy trong bản tính tổng quát của dạng thức của vật nếu nó được xem xét theo khía cạnh phi thời gian.

Cây bắp đã ở sẵn trong hạt bắp, vì cái mà hạt bắp sắp trở thành quyết định cả chất dinh dưỡng sẽ thẩm thấu lẫn định hướng phát triển. Hạt bắp không thể nào là cây thuốc lá hoặc cây kê hoặc bất cứ loại cây nào khác, ngoại trừ cây bắp. Suốt quá trình phát triển, ở bất cứ giai đoạn nào, dạng thức hiện thời điều hướng sự phát triển, và định hướng ấy bị quyết định bởi cứu cánh sẽ được thể hiện.

Aristotle và Kitô giáo

Từ khái niệm về nguyên nhân cứu cánh trong quá trình phát triển của một vật, người ta dễ dàng chuyển sang ứng dụng tổng quát nguyên tắc ấy và toàn thể thiên nhiên. Chúng ta có thể giả định rằng nếu có nguyên nhân cứu cánh (hoặc tối hậu) của từng biến cố đơn lẻ thì phải có cứu cánh cho toàn bộ thiên nhiên.

Aristotle gợi ý rằng nguyên nhân cứu cánh của toàn thể vạn vật là Thượng đế, dù khái niệm của ông về Thượng đế ít có điểm chung với khái niệm của Kitô giáo. Tuy nhiên, sự thể hiện của thiên nhiên như được quyết định bởi một hấp lực toàn hảo hiện hữu bên ngoài nó. Khái niệm của Aristotle được thông diễn thành các thuật ngữ Kitô giáo, và giờ đây, ý tưởng về nguyên nhân cứu cánh được nối kết với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho thế gian.

Những kẻ theo Aristotle biến nguyên nhân cứu cánh thành nguyên nhân quan trọng nhất, và ngày nay nó vẫn còn được chấp nhận là thành phần của truyền thống Kitô giáo, vốn đã và đang bị nhào nặn bởi các phạm trù Aristotle. Chúng ta sẽ khảo sát khái niệm ấy đầy đủ hơn một chút ở chương sau, để đánh giá tầm quan trọng về lâu về dài của nó.

Ứng dụng vào khoa học

Xét theo các cứu cánh của chúng ta, sự ứng dụng quan trọng nhất của học thuyết Aristotle là trong lãnh vực khoa học. Khi đươc nối kết – và phải nối kết như thế – với học thuyết các yếu tính (theory of essences), nó đã giới hạn khoa học do sự nhấn mạnh của nó vào mục đích của khoa học như một sự giải thích động thái.

Quả thật, chừng nào còn quan tâm tới Aristotle, chúng ta không có lý do gì để lơ là nguyên nhân tác động, thế nhưng có một điều chúng ta cũng phải nói tới: chính vì lòng ưu ái của vị triết gia ấy dành cho nguyên nhân cứu cánh nên nguyên nhân tác động bị mờ mịt. Và đó là lý do khiến Francis Bacon khẳng định rằng thuyết nguyên nhân cứu cánh (tối hậu hay mục đích) đã làm hư hoại khoa học.

3. Chống nguyên nhân cứu cánh

Ðề cao nguyên nhân tác động

Trên một qui mô lớn, cuộc cách mạng khoa học trong hai thế kỷ 16 và 17 là cuộc cách mạnh chống lại khái niệm nguyên nhân tối hậu và tái khẳng định tầm quan trọng của nguyên nhân tác động (hiệu ứng). Trong số các lãnh tụ của cuộc cách mạng đó có Galileo, Bacon, Hobbes và Descartes. Galileo nhấn mạnh và thực hiện cuộc trở về với quan sát và thí nghiệm như hai phương cách khám phá các vật xảy ra như thế nào thay vì lý luận về chúng để khám phá chúng xảy ra vì lý do nào.

Những kẻ theo Aristotle lấy làm thỏa mãn mối quan tâm khoa học của mình khi họ có thể chỉ cho ta thấy rằng viên đá rơi xuống đất là vì nó đang tìm kiếm vị trí tự nhiên của nó là mặt đất, và trạng thái tự nhiên của nó là an nghỉ, cũng như ngọn lửa hướng lên trời vì trạng thái tự nhiên của nó là bốc cháy. Về phần Galileo, ông quan tâm hơn tới sự quan sát cái thật sự xảy ra và mô tả việc đang xảy ra trong liên quan tới không gian và thời gian.

Khoa học chỉ cần một nguyên nhân

Nếu nguyên nhân cứu cánh là tối thượng thì lúc đó quan hệ nhân quả có tính tác động (efficient causality) không quan trọng, người theo Aristotle đã phán quyết như thế. Khoa học hiện đại bắt đầu khi vai trò của hai nguyên nhân ấy bị đảo ngược và quan hệ nhân quả có tính tối hậu ngày càng bị gạt bỏ.

Thành quả nhanh chóng của khoa học dường như chứng minh cho thái độ ấy, và chẳng bao lâu, trở thành thời thượng việc cười vào mũi những người vẫn còn cảm thấy phải cần tới nguyên nhân tối hậu để có một thông giải đầy đủ. Khoa học bằng lòng với chỉ một nguyên nhân thôi trong khi đó Aristotle quả quyết có tới bốn nguyên nhân.

Chỉ còn nguyên nhân tác động

Có lẽ tư tưởng tinh tiến một cách tự nhiên nhờ việc quay 180 độ từ cực đoan này sang cực đoan khác và thao tác trên nội hàm của mỗi lập trường trước khi kết tập thành một thỏa hiệp trong đó bảo tồn cái tốt đẹp nhất của mỗi quan điểm và loại bỏ những cái vô lý quá đáng trong cả hai.

Dù đúng hay không đúng, thực tế chúng ta càng ngày càng quen thuộc với ý tưởng quan hệ nhân quả có tính tác động như một quan hệ nhân quả duy nhất, tới độ rất khó khăn khi cần phải thuyết phục người khác rằng trong ý tưởng nguyên nhân cứu cánh cũng có điều gì đó có giá trị.

Sự chọn lựa và chấp nhận của khoa học về quan hệ nhân quả như tương quan tự nhiên của các biến cố ở đó cái này nhất thiết đi trước và sản sinh cái kia có vẻ như được chứng minh nhờ nó thao tác hữu hiệu. Cuộc tìm kiếm các nguyên nhân đã cung cấp cho con người sự kiểm soát mà nó cần tới.

Ở nơi sự mê tín và bùa ngải thần chú thất bại trong việc kiểm soát bệnh đậu mùa, bệnh sốt rét và bệnh tiêu chảy cấp (dịch tả), cuộc tìm kiếm của khoa học nhằm sở hữu tri thức về các lý do thiên nhiên của bệnh tật đã mang các tai họa ấy của loài người vào trong tầm kiểm soát.

Chiến thắng dồn dập

Hết thắng lợi này tới thắng lợi khác, các thắng lợi giòn giã hàng hàng lớp lớp ấy lập nên giá trị của phương pháp đó, tới độ vào cuối thế kỷ 19, nhà vạn vật học (naturalist) người Ðức *Ernst Haeckel (1834-1919) đã có thể khoe khoang rằng trong một trăm năm ấy, con người tăng tiến tri thức hơn tất cả các thiên niên kỷ trước đó trong cuộc tồn sinh của loài người.

Khi những kẻ ủng hộ khoa học tiền-Newton (pre-Newtonian science) tấn công phương pháp của các nhà khoa học hiện đại và thúc giục hãy trở về các phương pháp cũ như một phương cách tiếp cận chân lý hữu hiệu hơn, họ đã la ó quá đáng như gã lái buôn hết vốn đang khuyến cáo các nhà triệu phú cách thức kiếm tiền.

Sự thách đố này hoặc nọ các giả định căn bản của khoa học hiện đại chỉ có thể thành công nếu nó chứng minh được rằng thành quả của khoa học hiện đại không thật sự tùy thuộc vào một quan điểm nhất định về quan hệ nhân quả hoặc rằng khái niệm về quan hệ nhân quả mà khoa học chọn lựa và chấp nhận hoàn toàn không đúng như cái mà nó đang nghĩ.

Tư duy lối hàm số

Có nhiều nhà khoa học đã và đang suy ngẫm sự giả định về quan hệ nhân quả. Họ sẵn sàng tránh những hàm ý siêu hình học (metaphysical implications) bằng việc chỉ đơn thuần xem xét nó như một hàm số của hai biến số. Bằng thái độ đó, họ có ý nói rằng bất cứ thay đổi nào trong biến số này đều đi kèm theo sự thay đổi tương ứng trong biến số kia.

Do đó, qui luật khoa học chỉ dấu cho ta biết rằng có tương quan hiệu ứng giữa hai biến cố hoặc các cấp bậc biến cố khiến cho sự sửa đổi của cái này đi kèm theo sự sửa đổi tương ứng trong cái kia. Trong lời phát biểu này, khoa học cho thấy nó không cần phải gắn bó vào bất cứ thông giải nào về nguyên lý quan hệ nhân quả. Nó đơn thuần chỉ dấu cho thấy rằng chính sự khám phá tương quan giữa hai biến cố hoặc hai cấp bậc biến cố làm vững mạnh thêm thái độ đó.

Nếu giả định rằng tương quan ấy diễn ra liên tục thì sự giả định như một tiên đoán ấy có khả năng đúng. Trước khi khoa học có thể đạt tới sự phát biểu có hệ thống ấy, đã có những cuộc khảo sát nhằm tìm kiếm ý nghĩa của quan hệ nhân quả, vì chắc chắn rằng các nhà khoa học trước thời đó đã xem quan hệ nhân quả như một loại sức mạnh giữa một nguyên nhân và một kết quả khiến người ta có thể nói rằng kết quả được sản sinh bởi nguyên nhân.

4. Hume và quan hệ nhân quả

Nguồn kinh nghiệm của ý tưởng

Lối tiếp cận ấy khởi đầu với David Hume. Các triết gia trước ông xem là hiển nhiên việc họ hiểu cái gì được ngụ ý trong cụm từ quan hệ nhận quả và việc khoa học chấp nhận nó đã được chứng minh xong xuôi. Hume vạch ra rằng các phương pháp khoa học và những lời xác nhận của nó về tri thức đều trực tiếp mâu thuẫn nhau và rằng phải buông bỏ một trong hai cái đó.

Theo chân Bacon, những kẻ thuộc trường phái Newton khước từ việc đơn thuần đề ra lý thuyết về các vấn đề bản tính của thiên nhiên và nhấn mạnh sự hoàn toàn viện dẫn kinh nghiệm. “Hypothesis non fingo: Tôi không tạo dựng ra giả thuyết”, đó là khẩu hiệu của nhà khoa học vĩ đại Newton. Như một kẻ phục vụ và kẻ thông giải thiên nhiên, con người hướng tới thiên nhiên để tìm lời giải đáp cho các câu hỏi của mình và chỉ chấp nhận những gì mà kinh nghiệm có thể cho là có giá trị.

Locke thấy rằng sự viện dẫn kinh nghiệm này có nghĩa duyệt xét ý nghĩa của tri thức và đặt giới hạn cho những gì con người có thể biết một cách chắc chắn. Toàn bộ tri thức bắt đầu với các ý tưởng được tiếp nhận thông qua giác quan từ các đối tượng ngoại tại, và không ý tưởng có giá trị nào có thể ở trong tâm trí nếu trước hết nó không ở trong giác quan.

Locke thấy cái được hàm chứa trong phương pháp khoa học mới, nhưng ông không tiến hành cuộc phân tích của mình đủ độ xa của nó vì đôi khi trong các tiền đề của chính mình, ông chấp nhận các ý tưởng không thể có giá trị. Chúng ta đã thấy điều đó với ý tưởng bản thể vật chất; và nó cũng đúng y như thế với ý tưởng quan hệ nhân quả. Locke quả thật đạt tới khái niệm quan hệ nhân quả do suy ra từ các ý tưởng nhất định chứ không như một ý tưởng được sở đắc trực tiếp qua giác quan.

Hume chấp nhận các nguyên tắc duy nghiệm tổng quát (the general empirical principles) của Locke nhưng ông nhấn mạnh tính chất nhất quán trọn vẹn trong khi ông để cho các nguyên lý mang mình đi tới đâu thì tới. Do đó, ông đưa ra lời tuyên bố làm nền tảng rằng không thể chấp nhận một ý tưởng có giá trị nếu nó không thể cho thấy có nguồn gốc trong kinh nghiệm giác quan. Lời ấy dẫn tới sự khảo sát ý tưởng quan hệ nhân quả.

Phân tích của Hume

Khi phân tích đầy đủ những gì được xem xét một cách tổng quát là có liên hệ tới quan hệ nhân quả, theo Hume, ta sẽ nhận thấy có bốn thành tố:

1. Nguyên nhân và kết quả phải gần kề nhau; không thể nào có một hành động có tính nguyên nhân ở cách một quãng. Quả thật sự tiếp giáp này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp. Nó trực tiếp khi cục đá chạm vào cửa kính vào lúc kính vỡ; nó gián tiếp khi bình xăng ô-tô nổ khiến các bánh xe văng ra ngoài. Cũng có thể thấy rằng sự tiếp xúc gián tiếp thật sự là một chuỗi các nguyên nhân, ở đó mỗi nguyên nhân và mỗi hậu quả tiếp xúc trực tiếp với nhau;

2. Nguyên nhân luôn luôn đi liền trước kết quả. Không cần phải nhận thức được sự tiếp xúc của cả hai, nhưng rõ ràng phải có sự nối tiếp. Khi chúng ta suy nghĩ dưới dạng khái niệm thô sơ hơn về quan hệ nhân quả, thí dụ viên đạn giết chết một người, thì rõ ràng viên đạn ấy phải trúng ngực trước khi người ấy chết. Hình ảnh minh họa ấy cho thấy rõ rệt rằng sự nối tiếp hàm ý trong chính từ ngữ của nó có nguyên nhân được xác định đi liền trước kết quả.

3. Phải có sự truyền lực từ nguyên nhân sang kết quả. Ý tưởng này nối kết với khái niệm về quan hệ nhân quả như một hành động sản sinh cái gì đó vì ý tưởng về sản sinh không thể không liên quan tới một sức mạnh nào đó. Khi trái bi-da lăn tới, chạm vào một trái bi-da khác đang đứng yên, trái thứ hai phải chuyển động theo cách gợi cho thấy có sự truyền lực từ cái này sang cái kia.

Pages: 1 2 3 4

3 Phản hồi cho “Bàn về Quan hệ nhân quả”

  1. Ngàn Khơi says:

    PHIẾM LUẬN NGẮN VỀ NHÂN QUẢ

    Quan hệ nhân quả đã được tôn lên thành luật, tức quy luật khách quan, phổ biến, thống nhất, có nền tảng chung nhất. Điều này, nhân loại đã biết tới rất nhiều từ nhiều ngàn năm qua, trong đó đặc biệt nhất, có tư tưởng đạo Phật. Quan hệ nhân quả, quả vậy, có hai vế tạo thành là nhân và quả. Từ nhân đưa đến quả, và từ quả lại thành ra nhân mới, cứ thế mà tiếp diễn mãi. Đó là một chuỗi vô hạn, ai cũng có thể thấy rõ được. Nhưng còn cái quan trọng hơn thế, là không phải chỉ có hai vế đó, mà chính cái gì mới tạo nên bản thân của mối quan hệ giữa hai vế đó. Đây mới là ý nghĩa quyết định nhất, mà không phải chỉ thuần đơn giản là nguyên nhân và kết quả, như điều mọi người đểu biết. Có nghĩa, trong thực tại cuộc đời, có vô số các loại dạng nguyên nhân và kết quả khác nhau, từ cụ thể đến vô hình, từ vật chất đến xã hội, từ vật lý đến hóa học, đến sinh học, đến ý thức, đến nhận thức v.v… Cá nhân con người, tập thể con người, xã hội con người, và lịch sử của sự sống hay sinh vật nói chung, cũng đều như thế. Cho nên, mọi người đều cảm nhận được các phương diện bên ngoài của mối quan hệ hay quy luật nhân quả này. Nhưng mối quan hệ từ bản chất bên trong của nó, thật sự còn bao quát hơn, trừu tượng hơn, quyết định hơn, thì quả thật rất nhiều người từ xưa đến nay hãy còn chưa nghĩ tới. Điều này, có lẽ chỉ riêng bản thân ông Phật Thích ca mới tự biết, còn những người theo ông ta, vẫn đều chưa chắc đã tự biết như ông ta được. Sự khác nhau giữa niềm tin, sự cảm nhận, và bản thân của tinh thần, ý thức con người, cũng như của tư duy triết học đích thực nó là như thế.

    Võ Hưng Thanh
    (20/8/11)

  2. Le Thien y says:

    “Tro*`ng da*u duo*c da*u “. Trie’t hoc Pha*t Gia’o tha*m thu’y vo* cu`ng khi lua*n ve*` Nha*n Qua` .

    Trie’t ly’ so*’ng theo NHANQUA` la`m con nguo*`i vi -tha , cong-b@`ng, dao-du*’c ho*n ; go’p pha*`n

    du*a nha*n loai so*’ng hoa` nha*p, ye*u thuo*ng du`m boc nhau ho*n .

  3. Trung Hoàng says:

    “Luật nhân quả thật là cao viễn,
    Suốt cổ kim chẳng lọt một ai.”

Leave a Reply to Trung Hoàng