Chính quyền ‘can thiệp’ lễ tang bà Liêng
Gia đình blogger Tạ Phong Tần cáo buộc chính quyền không chia buồn mà còn ‘can thiệp thô bạo’ vào tang lễ bà Đặng Thị Kim Liêng, thân mẫu bà Tần.
Sau hai ngày tang lễ, vào lúc 7 giờ sáng thứ Năm ngày 2/8, các con bà Liêng đã làm lễ an táng mẹ.
Bà Liêng qua đời trong lúc con gái bà là cây viết blog Tạ Phong Tần đang ở trong nhà giam chờ ngày ra tòa về tội tuyên truyền chống Nhà nước vào ngày 7/8 tới. Theo gia đình cho biết thì đến giờ bà Tần vẫn chưa biết tin mẹ mất.
Trong diễn biến mới nhất, Việt Nam lần đầu tiên lên tiếng chính thức về vụ tự thiêu này hôm thứ Năm ngày 1/8.
Khi được hãng tin Pháp AFP hỏi về vụ việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị lần đầu tiên xác nhận là bà Liêng đã ‘châm lửa tự thiêu hôm 30/7 và chết trên đường đến bệnh viện’.
Ông Nghị cũng cho biết là chính quyền hiện đang điều tra vụ việc.
Còn ông Hà Huy Sơn, luật sư bào chữa cho bà Tần trong phiên tòa vào ngày 7/8 tới cũng nói với AFP là cho đến giờ ông chưa nhận được thông tin gì về việc dời phiên xử và ‘phiên tòa sẽ vẫn diễn ra như kế hoạch’.
‘Công an dàn trận’
Mô tả với BBC về buổi lễ chôn cất sáng nay, bà Tạ Minh Tú, con gái bà Liêng, cho biết ‘có nhiều công an đi theo’ và ‘không biết làm gì mà dàn trận quá trời’.
“Họ thấy những người đến cúng họ đi theo,” bà Tú kể, “Trong lúc cúng, họ chen vào thiếu điều như muốn bóp cổ người ta.”
“Họ kè sát bên mình. Họ chen chen lấn sợ như mình sắp sửa bạo động hay cái gì đó. Họ che mình lại không cho người ta chụp hình quay phim,” bà nói với BBC qua điện thoại từ nhà ở Bạc Liêu trong tiếng kinh vãng sinh cho bà Liêng.
Cùng khoảng 10 người trong gia đình, chỉ có một nhóm thân hữu từ thành phố cùng đưa tang bà Liêng sáng nay, bà Tú cho biết, nhưng ‘có cả trăm công an đi theo’.
“Ra đến nơi chôn mà họ vẫn còn người ngồi tại nhà để canh,” bà nói, “Sau khi những người đưa tang về hết chỉ còn vài quý thầy tụng kinh thôi mà nó vẫn theo rình và chờ những thầy đó về hết thì mới ra về.”
Trong những ngày tang lễ, bà Tú cho biết công an canh chừng nhà bà là ‘đầu hẻm một đống, cuối hẻm một đống, ở nhà mấy chục người ngồi ngay trước cửa’.
“Có một đống thanh niên ở đâu lại quá trời dạng qua dạng lại như xã hội đen,” bà kể, “Chúng mặc quần short, áo thun ba lỗ đi tới đi lui ngóng vào đám tang.”
Bà còn kể khi khách viếng viết những lời chia buồn trên dải băng giấy thì công an ‘cho người nhào đến giật’.
“Vừa viết xong để lên ghế phía sau linh cữu là họ đến giật rồi chạy đi mất tiêu,” bà nói với giọng bức xúc.
Những người đến chia buồn, theo bà Tú, thì thân thuộc với gia đình không có bao nhiêu mà phần lớn là ‘khách thập phương nghe qua mạng mà đến’ và ‘có khi đi một người, có khi đi thành đoàn’.
“Nhưng họ rất sợ hãi vì có một đống cứ tràn qua tràn lại trước mặt người ta,” bà nói, “Có người tới chỉ đốt nhang xong là đi liền chứ không dám ở.”
‘Tạt gáo nước lạnh’
Bà Tú khẳng định chính quyền không hề có đoàn nào đến viếng, gửi vòng hoa hay chia buồn gì với gia đình cả.
Tuy nhiên bà nói bà biết cũng có ‘lẻ tẻ một vài người’ của chính quyền nhưng ‘không đại diện ai’ đến đốt nhang và ‘xá xá xong rồi đi ra’ chứ ‘không có chia buồn gì hết’.
Không những không chia buồn mà chính quyền còn ‘tạt gáo nước lạnh’ vào đám tang, bà Tú cáo buộc.
Theo bà thì vị trưởng công an phường 1, thành phố Bạc Liêu, nơi bà cư trú đến nói với bà là ‘không được tiếp xúc với đài, báo chí vì những lời tụi em là không đúng sự thật’.
“Tại sao không đúng sự thật?,” bà nói, “Mẹ em vì tức tối mà chết thiêu như thế. Có ai tự nhiên mà đi đốt mình không?”
“(Trưởng công an) Làm um sùm làm cho em (Tạ Khởi Phụng) bức xúc và nó khóc bệnh thêm,” bà nói.
Bà cho biết từ lúc bà Liêng tự thiêu đến nay do gia đình bối rối với việc đưa bà đi nhà thương và làm đám tang nên chưa tìm hiểu sự việc bà đã tự thiêu như thế nào.
“Công an đến báo mẹ em nằm trong bệnh viện trong tình trạng không thể nào qua được,” bà kể và cho biết gia đình không biết gì về việc điều tra.
Tuy nhiên khi được hiểu liệu gia đình có tìm hiểu về hành động tự thiêu của bà Liêng hay không, bà Tú trả lời: “Không cần hỏi. Trong gia đình mỗi ngày bà cụ nói những gì, trong lòng uất ức những gì đều biết rõ cả.”
“Tranh chấp đất đai với người hàng xóm thưa kiện mà không giải quyết và rất đau lòng khi nuôi con trưởng thành như thế mà bị tù tội như thế,” bà Tú vừa nói vừa nức nở.
Bà cho biết từ khi Tạ Phong Tần bị bắt đi đến giờ thì bà Liêng chưa một lần gặp được mặt con.
“Có một lần xin giấy bên Viện kiểm sát được gặp mặt. Em kiếm tiền dẫn mẹ lên gặp chị” bà Tú kể, “Khi lên đến nơi là 4h chiều rồi. Tưởng là được gặp mặt nhưng vào đến nơi họ nói muốn thăm nuôi phải vào buổi sáng.”
“Mẹ con em đành phải về vì đâu có nhà cửa ở đó đâu mà chờ hai tuần sau nữa mới được gặp.”
Bà kể mẹ bà Liêng trong nhà ‘chỉ đi ra đi vô mặt buồn thiu’ và có lần nói với các con rằng: “Tao nuôi con mấy chục năm cực khổ mà nó bị tù tội như thế tao rất là đau lòng.”
“Trong lòng buồn bực uất ức chuyện nhà, chuyện con cái sinh ra uẩn khúc làm bà rối trí nên mới sinh ra việc tự thiêu này,” bà Tú nói.
‘Không hợp đạo lý’
BBC cũng liên lạc ông Lê Hiếu Đằng, trước đây là phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, để tìm hiểu ý kiến của ông về cách chính quyền xử lý đám tang bà Liêng.
Ông Đằng phê phán cách làm của chính quyền Bạc Liêu là ‘không có đạo lý’.
“Nghĩa tử là nghĩa tận,” ông giải thích, “Chính quyền phải có nghĩa cử để thể hiện rằng đó là một sự việc đáng tiếc.”
Khi được hỏi có phải chính quyền có gì khó xử vì bà Liêng có liên hệ với một nhân vật bất đồng chính kiến, ông Đằng nói: “Theo đạo lý truyền thống của người Việt Nam, dù bất cứ lý do gì trước cái chết bi thảm của một người mẹ như vậy thì ai cũng phải đến viếng tang và chia buồn.”
“Vả lại người mẹ đó đâu phải là phần tử phản động hay kẻ ác nào đâu. Bà chỉ bày tỏ sự phẫn uất bằng cái chết của mình,” ông nói thêm.
Khi được hỏi ý kiến về cáo buộc ‘công an sách nhiễu’ khách viếng tang, ông Đằng cho rằng nếu chính quyền sợ ‘có phần tử phản động sách động’ thì ‘có đủ lực lượng để xử lý’ đằng này lại làm ảnh hưởng đến quyền đến viếng tang của người dân.
Ông nói ông không rõ việc của bà Tần có liên quan gì đến việc chính quyền Bạc Liêu không xử lý khiếu kiện đất đai của bà Liêng hay không, nhưng ông cho rằng chính quyền phải xử lý ‘bằng luật pháp chứ không thể nói mẹ của một người có chính kiến khác với Nhà nước mà không xử lý’.
“Bất cứ vì lý do gì, việc bà Đặng Thị Kim Liêng tự thiêu là một sự kiện rất bi thảm và gây xúc động lớn,” ông nói.
“Chính quyền để xảy ra việc đó là cũng có trách nhiệm trong cái chết của bà Liêng,” ông nói thêm.
Nguồn BBC
Chẳng còn gì để diễn tả nổi. Thật lố bịch và bẩn thỉu. Chỉ có những kẻ vô văn hóa mới làm như vậy với một đám tang. Ác nhơn thì ác báo, khỏi chạy đâu.
Cái chính quyền ” Hai lúa ” này thì học hành gì đâu, đầu óc toàn ” bả đậu ” thì biết gì văn hóa ? Ví dụ như tỉnh Trà vinh chẳng hạn, cái thằng mới học lớp 5 trường làng, đưa lên làm giám đốc sở giao thông của một tỉnh. Trên thế giới chỉ có tại Việt nam.
Để che mắt thiên hạ rằng cán bộ ” có học vấn “, thì đưa đi học ” lớp chính trị “, còn có hiểu gì hay không thì không rỏ. Sau đó cấp cho cái bằng chính trị, để hợp thức hóa học vấn. Thậm chí là tiến sĩ chính trị nữa mơi thật là ghê chứ, thiên hạ không hiểu mới nghe qua là hết hồn vía. Gióng như vị cán bộ gì ở Cà mau đât Mũi, đang làm chức to nhất trong chính phủ đấy ? Bà con.
Tôi xem một đoạn phim trên đài truyền hình về một số tù binh của quân đội Syria, bị quân nỗi dậy bắt, nhiều tù binh bảo họ bị bắt lầm vì trong người họ cầm thẻ của đảng của chính phủ, nhưng thực ra họ không gia nhập vào tổ chức chính quyền. Để sau này, VN mình đừng bắt lầm kẻ có tội dính máu với nhân dân, tốt nhất chụp ảnh mấy tên công an rình mò bất chính và bọn xã hội đen hầu sau này chúng hết chỗ để cải,bảo rằng chúng tôi không phải là công an, chúng tôi là dân bình thường.
Tang lễ của bà Liêng là cơ hội chúng ta chụp ảnh những tên công an đang ngăn cả tang lễ một cách thô lỗ và cộc cằn sau đó đưa những bộ mặt bọn chúng lên internet để thế giới thấy rõ bộ mặt hung tợn ấy,sau này có cơ hội, dân bắt bọn chúng về tội đàn áp thì không có oan ức gì vì có bằng chứng cụ thể.