Giải pháp công bằng hợp lòng dân
Bộ Chính trị đã buộc phải nhân nhượng yêu cầu của một số trí thức là kéo dài việc lấy ý kiến về Dự thảo Hiến pháp đến cuối tháng 9 năm nay, nhưng vẫn ấn định việc thông qua bản Hiến pháp sẽ được tiến hành trong phiên họp Quốc hội trong tháng 10 tới.
Tuy một nhân nhượng nhỏ cuối cùng đã diễn ra, nhưng sự ngang ngược vẫn còn nguyên đó.
Trong văn thư thông báo việc kéo dài lấy ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lên giọng đe dọa “cần kịp thời đấu tranh, ngăn chặn lợi dụng góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để truyền bá những quan điểm sai trái, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá đảng, nhà nước và chế độ ta”. Rõ ràng là kiểu “lịch sự võ biền”, miệng mởi chào, tay dơ dùi cui hăm dọa. Đây không thể là giải pháp công bằng đúng đắn cho việc góp ý kiến vào Dự thảo Hiến pháp mới.
Trước đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn nói rõ 4 điều cấm kỵ – cấm đòi bỏ Điều 4, cấm đòi đa nguyên đa đảng, cấm đòi tam quyền phân lập, cấm đòi phi chính trị hóa quân đội – coi đó là những biểu hiện của suy thoái chính trị, tư tưởng và đạo đức, cần có biện pháp “xử lý”. Cả 4 điều cấm kỵ trên đều nằm trong Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp do 72 trí thức đề xướng, được hơn 6 ngàn người lập tức tán đồng. Làm sao “xử lý” một số người đông đảo đến thế? Hơn 3 phần tư là người trong nước, chừng hơn 2 ngàn là viên chức nhà nước và đảng viên Cộng sản, có cả nguyên phó thủ tướng, nguyên bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng, giáo sư, viện sỹ, tiến sỹ, tướng lĩnh quân đội và công an, cán bộ lão thành, và cũng có không ít đảng viên trẻ và đoàn viên thanh niên Cộng sản.
Chính quyền rất muốn thực hiện xử lý kiểu trừng phạt năm xưa, như cúp hết lương, phụ cấp của Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, cho nhà văn Hà Minh Tuân đi chăn bò ở chân núi Tam Đảo, bắt nhà văn Phùng Quán đi vác giấy in cho nhà in Nhân Dân, cho tướng Đặng Kim Giang và tướng Chu Văn Tấn lên trại cải tạo ở Vĩnh Phú để nhân dân “quản lý và giáo dục”. Họ rất muốn làm điều đó với các nhà đấu tranh đòi dân chủ thứ thiệt hiện nay, những người có tâm và có tầm, tự tin, đang cố kết với nhau, số lượng tăng theo cấp số nhân trước thái độ trịch thượng, dạy đời, đạo đức giả của 14 vị vua tập thể đuối lý, chỉ còn cãi chày cãi cối, nghĩ sai rằng kẻ nắm quyền luôn luôn có lý! Nếu cấm kỵ không cho nói khác dự thảo chính thức thì bày chuyện lấy ý kiến nhân dân làm gì?
Họ không muốn đối thoại, tranh luận bình đẳng với người đối lập, chỉ muốn ra tay đàn áp, bịt mồm, trừng trị đối lập, nhưng tình hình đã khác trước nhiều. Dân đã không còn sợ cường quyền. Càng đàn áp sự chống đối càng đông hơn, mạnh hơn.
Gần đây lại có ông Phó Thủ tướng Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phước vào cuộc, lên giọng kêu gọi “phải phản bác những nội dung góp ý kiến sai trái với đường lối của đảng Cộng sản”. Nhưng phản bác bằng cách nào? Ở đâu? Với ai thay mặt cho đảng đây? Hay là vẫn những giáo sư, tiến sỹ dỏm như Trần Đăng Thanh, Nguyễn Duy Chiến, Nguyễn Viết Thông, Hồ Quang Lợi với 900 dư luận viên và các nhóm chuyên gia đấu tranh trên internet, chính kiến không rõ, lập luận không vững, lý luận suông không có dẫn chứng thực tế, chỉ đưa ra một chồng mũ tự chế mang nhãn hiệu “cơ hội chính trị, bị giật dây bởi các thế lực phản động thù địch” để chụp lên đầu đối phương thay cho lý lẽ?
Ngay trong Quốc hội hiện tại cũng có sẵn một giáo sư tài ba xuất chúng là Hoàng Hữu Phước. Ông này từng phản đối việc xây dựng Luật biểu tình được thủ tướng ủng hộ, bảo vệ sự lãnh đạo độc quyền của đảng Cộng sản, miệt thị nhân dân là dân trí quá thấp. Trong trang web của ông ta ra mắt một bài viết theo ngôn ngữ chợ búa, lăng mạ một đồng viện bằng những lời chửi rủa thô bỉ. Một bloger trong nước cho rằng chỗ ngồi của ông ta lẽ ra là ở ngoài chợ Đồng Xuân, chứ không phải tại cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Chính nhà chính trị con cưng của đảng Cộng sản này đã tuyên bố giữa Quốc hội rằng có Mặt trận Tổ quốc là đủ, không cần một tổ chức nào thêm nữa; ông ta còn bày tỏ cảm tình “cao quý” với tên sát nhân Sadam Hussein bằng cách xin được làm đại sứ lưu động để tạo thế chiến lược liên hoành Iraq – Iran – Bắc Triều Tiên, một việc làm ngu muội mất trí về chính trị mà lãnh đạo đảng và Quốc hội không mảy may xử lý.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phước còn nhân dịp này nhấn mạnh rằng “những nội dung góp ý trái với đường lối của đảng cần phải được phản bác lại trên cơ sở lý luận khoa học”. Đây mới thật là nhiệm vụ đội đá vá trời của nhóm lãnh đạo giáo điều toàn trị, vì cả 4 điều họ cấm kỵ đều mang bản chất phản dân chủ đậm đà, phản khoa học sâu sắc và đi ngược xu thế của thời đại.
Giải pháp duy nhất hợp lý hiện nay là tổ chức một cuộc tranh luận công khai, bình đẳng, khoa học giữa 2 đoàn đại biểu cho 2 bản dự thảo đối lập nhau, nên có mặt cả Bộ Chính trị, Ban Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia ở một bên, và bên đối lập là đại diện cho 72 trí thức đề xuất ra kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp. Cuộc thảo luận phải mở rộng cho giới báo chí trong và ngoài nước chứng kiến, truyền đi rộng rãi cho nhân dân tỏ tường. Sau đó nếu có được một cuộc trưng cầu dân ý để xem ý dân ra sao là hợp lý nhất.
Nếu coi giải pháp mẫu mực và đơn giản là dùng chính quyền xử lý thô bạo và độc ác bằng cách đuổi nhà báo dân chủ Nguyễn Đắc Kiên khỏi tòa soạn báo Gia đình và Xã hội, thì Bộ Chính trị đã lầm to, chẳng khác nào thú nhận rằng ông Tổng Bí thư không có lý lẽ để tranh luận với một nhà báo trẻ, đành phải giở cái lý rỗng tuyếch của kẻ mạnh.
Không có biện pháp nào đúng, hợp lý ngoài tổ chức đối thoại bình đẳng. Vận mệnh của đất nước đang được đặt ra khẩn trương và quyết định trong thời cơ cực hiếm về sửa đổi Hiến pháp này. Đảng Cộng sản và lực lượng đối lập anh em trong đại gia đình dân tộc hãy tương thân tương kính, tranh luận ngay thật thẳng thắn, đặt quyền lợi chung của đất nước lên cao nhất, lấy toàn dân làm trọng tài, vui vẻ chấp nhận ý kiến cuối cùng của toàn dân.
Tôi tin rằng phía nào yêu nước thật lòng, thương dân thật tình, có tinh thần dân chủ sâu sắc, chân thành đi theo những giá trị cơ bản của thời đại, phía đó sẽ được nhân dân tín nhiệm ở mức rất cao.
© Bùi Tín – VOA
Biết phận hèn- dù có viết bao nhiêu cũng chỉ là vô danh tiểu tốt ! Tôi trân trọng LỜI VÀNG Ý NGOC của những bậc TRI THỨC có lòng với quê hương ! Xin tiếp tay gơỉ đến bà con !
Tâm sự của một trí thức Việt Nam trước hiện tình đất nước
BS Nguyễn Quý Khoáng
Trước tình hình đất nước ngày càng xuống dốc về xã hội, văn hoá, kinh tế, chính trị… nhất là tương lai Đất nước rất đen tối trước hoạ xâm lăng của Trung Quốc, là người trí thức Việt Nam, tôi tự thấy lương tâm bị cắn rứt khi cứ im lặng chấp nhận những điều chướng tai gai mắt diễn ra hàng ngày cũng như nghe những lời than vãn của đồng bào mình.
Mục sư Martin Luther King có nói:
– “Kẻ nào chấp nhận cái ác mà không phản đối chắc chắn là tiếp tay cho cái ác lộng hành” (He who accepts evil without protesting against it is really cooperating with it); và:
– “Cuộc đời của chúng ta bắt đầu chấm dứt khi chúng ta lặng thinh trước những vấn đề sống còn” (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter).
Tôi luôn tự hỏi mình: Nếu mọi người dân, nhất là các trí thức, vì sợ hãi cho bản thân mình và gia đình mình, cứ tiếp tục im lặng trước hiện tình của Đất nước thì tương lai Nước ta sẽ đi về đâu? Chắc chắn sẽ rất đen tối! Trước lời kêu gọi của Nhà nước cho phép dân chúng góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 đến tháng 9 năm 2013 tới, nếu một số đông trí thức vẫn lặng thinh thì xem như chúng ta chấp nhận bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Quốc hội đưa ra, nghĩa là vẫn “rượu cũ trong bình mới”, nghĩa là “vũ như cẩn”, vậy trách nhiệm với Đất Nước của chúng ta ở đâu?,
Tôi đã cảm động đến rơi nước mắt khi nghe VIỆT KHANG hát bài “VIỆT NAM, QUÊ HƯƠNG TÔI ĐÂU?” và một trong những hình ảnh người đi biểu tình chống Trung Quốc trong những năm qua khiến tôi xúc động nhất là hình một cô gái Việt Nam khóc trong tuyệt vọng. Tôi có cảm nghĩ như cô đang hết sức đau lòng khi thấy người dân Việt bày tỏ lòng yêu nước mà lại bị chính quyền do mình “bầu” lên ngăn cản, đạp vào mặt, bắt bớ, giam cầm…
Chính vì các lý do trên mà mặc dù rất ghét chính trị, tôi tự thấy không thể tiếp tục lặng thinh được nữa. Tôi mong muốn sự lên tiếng của mình sẽ đóng góp một phần nhỏ cho sự thay đổi của Đất nước, cho tương lai của các con cháu chúng ta. Thay đổi hay không là tuỳ theo Đảng và Nhà nước có thật lòng lo cho Dân, cho Nước không? Còn nếu một ngày xấu trời nào mà Nước Việt chúng ta chịu chung số phận của nước Tây Tạng thì tôi cũng tự thấy mình đã làm hết sức rồi và sẽ không thẹn với lương tâm trước khi nhắm mắt. Nếu có ngày đó thật thì quả là sống không bằng chết, vì mất Tổ quốc là mất tất cả!
Đối với tôi, cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi mình sống có ích cho người khác. Chính vì lý do đó, mặc dù có giấy bảo lãnh đi Canada đoàn tụ gia đình năm 1982, tôi đã chấp nhận ở lại quê hương để làm công tác của một Thầy thuốc, hầu xoa dịu bớt đau khổ của bệnh nhân cũng như đào tạo thêm các bác sĩ về X quang, Siêu âm. Thành thật mà nói, đến giờ phút này, tôi chưa bao giờ hối tiếc về sự chọn lựa đó.
Công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh từ 1977 đến 1983, rồi tại Bệnh viện An Bình TP Hồ Chí Minh từ 1983 đến 2009, tổng cộng thời gian công tác là 32 năm, tôi được mời vào Đảng CSVN 2 lần nhưng đều đã từ chối vì không thích làm chính trị, không thích theo bất cứ một phe phái nào. Tôi chỉ thích làm chuyên môn và dạy học mà thôi.
Cách đây không lâu, tôi đã ủng hộ Kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp 1992 do 72 nhân sĩ trí thức công bố ngày 19 tháng 1 năm 2013 với số thứ tự trong danh sách những người ký tên là 7034. Tôi biết khi làm việc này, tôi có thể gặp nhiều rủi ro, nhưng không sao, vì tôi đã sẵn sàng, đến chết là cùng chứ gì!
Xưa kia, tôi đã chọn ở lại quê hương để phục vụ bệnh nhân và các thế hệ thầy thuốc trẻ, giờ đây, tôi nói lên chính kiến của mình để xây dựng và bảo vệ Đất nước vì đối với tôi, cuộc đời mỗi người như một quyển tiểu thuyết đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố, quan trọng là quyển sách đó có hay không chứ không phải nó có dày hay không!
Nếu có một ngày tôi bị bắt, công an sẽ hỏi tôi (như đã từng hỏi những Bloggers, những người không đồng chính kiến, những người biểu tình…) là ai đã xúi dục, được cho bao nhiêu tiền… thì tôi đã có sẵn câu trả lời:
Không ai có thể xúi dục được tôi, không ai mua chuộc được tôi mà CHÍNH LƯƠNG TÂM TÔI ĐÃ MÁCH BẢO, CHÍNH TRÁI TIM TÔI ĐÃ THÚC DỤC TÔI LÀM THẾ!
Cuối cùng, xin cầu mong đất nước Việt Nam chúng ta được độc lập, tự do, hạnh phúc thật sự.
Việt Nam, ngày 10 tháng 03 năm 2013
N.Q.K.
SAO CHẲNG NGHE.
1.
Sao chẳng nghe người dân bày tỏ,
Thói búa liềm sừng sỏ tự chuyên.
Mác Lê định hướng độc quyền,
Tự thân buộc lấy xích xiềng trói thân.
Đảng đè đảng thập phần tơ rối,
Sao vờn sao lắm nổi dọc ngang.
Hoàng Trường rờn rợn hồn oan,
Chữ Vàng Bốn Tốt phủ phàng trớ trêu.
2.
Sao chẳng nghe tiếng kêu ta thán,
Dân mất nhà ruộng bán tiền neo.
“Ăn lạt dân lại mang nghèo,
Mèo không bắt chuột chuột trèo lên ăn.”
Nương thế quyền lung lăng bòn rút,
Bầy RUỘNG SÂU lúc nhúc tranh phân.
Cho nên đa đảng chẳng cần,
Một mình một chợ trọn phần tóm thâu.
3.
Sao chẳng nghe tiếng sầu lời oán,
Bao hồn oan đoạn đoạn nỉ non.
Hoàng Sa tuẩn tiết sắt son,
Trường Sa chết đứng mắt còn trơ trơ.
Thờ Bốn Tốt lập lờ liềm buá,
Đội Chữ Vàng tua tuả tơ mao.
Dẫn đường đưa lối tưạ đào,
Tập quen cận nết binh đao đảo huyền.
4.
Sao chẳng nghe tình riêng vì đảng,
Quên Ngàn Năm ta thán biển rừng.
Ngà vưng trai ngọc bợ bưng,
Thây tan xương rã lớp từng còn kia.
Đảng như khoá không chià khó mở,
Sao quện tơ hơ hớ đón đưa.
Tiếc chi chỉ đoá hoa thưà,
Gió đưa tơi tả nghiệp xưa rã hình.
Còn sao hồ tưạ xác xình !!!
Phải chăng Bộ Chính trị kéo dài việc lấy ý kiến về Dự thảo Hiến pháp đến cuối tháng 9 năm nay, không phải là nhân nhượng, mà là mua thêm thời gian để tránh phản ứng mạnh của dân và chuẩn bị màn kịch xin chử ký đồng thuận từng tổ dân phố hoặc chuẩn bị đàn áp một cách quyết liệt những ý kiến khác biệt với đảng CS?
“Bộ chính-trị (Việt cọng) buộc phải nhân nhượng…kéo dài việc lấy ý-kiến về dự thảo Hiến-pháp…”
Việt cọng đang áp-dụng chiến-thuật “Tri-hoản-chiến” cầm chân lực-lượng phản-biện mãnh-liệt từ Nhân-dân, và ngay trong nộ bộ Việt cọng, Việt cọng đã và đang từng bước phản-công trong thế-thủ của chiến-thuật Trì-hoản-chiến. Đang nghiên-cứu chọn lựa đường lối hành-động tốt nhất. Sẽ phản-công táo-bạo và khốc-liệt. Khả-năng làm được gì và đến đâu ? Sát hại, đánh đập, bỏ tù Nhân-dân như đã làm. Hay tự-nguyện chiêu-hồi trở về với Dân-tộc Việt-Nam ? Việt cọng còn hay mất ? Sẽ hiễn-hiện trong những hành động đáp ứng nguyện-vọng của toàn dân sau tháng 9 năm 2013 trả lời.