Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [12]
Tiếp theo các phần: I, II, III, IV, V, VI, VII, VIII, IX, X và XI
Tên đội trưởng dẫn chúng tôi vào buồng giam, đó là căn nhà cấp 4 thấp lè tè. 60 con người tù trong căn nhà chật hẹp, chúng tôi nằm xoay lưng người này áp người kia giữa tiết hè. Không cụng cựa nổi. Mờ sáng chúng tôi ra bãi đất trống bắt đầu cuộc cải tạo để thành người lương thiện, phải lao động để nhận ra giá trị của cuộc sống, phải làm ra của cải bằng bàn tay mình để nhận thức được cái quý báu cuộc đời, như thế mới hiểu rõ tội lỗi mình gây ra, mới ý thức sâu sắc việc ăn năn hối cải mong muốn thành người lương thiện. Đó là những lời của cán bộ giáo dục dạy chúng tôi 15 ngày đầu trong trại, kèm với những trận đòn của bọn tù trong trại. Nói thêm là đội tù gạch của chúng tôi là đội lẻ ở cách trại vài chục cây. Có nhiều đội lẻ như vậy trong bán kính quanh trại vài chục cây. Các quản giáo tự đi nhận việc với các chủ lò gạch để cai lao động. Có quản giáo đầu tư tiền làm lò gạch luôn. Chỉ có quản giáo mới vào nghề thì dẫn tù đi nhận lao động công. Các quản giáo quen nghề đều tự bỏ tiền đâu tư làm lò gạch tự kinh doanh như một ông chủ. Họ nộp tiền cho trại khoản nhất định, còn đâu họ hưởng. Có những quản giáo làm ăn được thì muốn thêm tù làm, thì nộp tiền cho trại theo đầu người để lấy thêm tù.
Chúng tôi vừa là tù, vừa là những người lao động không công.
Công việc của chúng tôi là vác gạch ướt từ cái máy đùn gạch mang đến chỗ sân phơi gạch cách cái máy khoảng 100 mét. Mỗi ngày một người phải vác 1200 viên, sáng 600 viên, chiều 600 viên. Mỗi lần vác là 5 viên gạch ướt. Tính ra một ngày một tù nhân đi quãng đường là 1200 viên chia cho 5 nhân với 100 mét đi có mang gạch, 100 mét quay lại không mang gạch. Mỗi viên gạch ướt xấp xỉ 2 klg, 5 viên là 10 kg.
Chúng tôi vác dưới cái nắng cháy da, cháy thịt. Môi khô nứt nẻ vì khát, mồ hôi chẳng còn vì cơ thể ú ra giọt nào nắng đã đốt khô. Đói , khát, kiệt sức, chúng tôi đi như những cái máy. Mới đầu còn thấy đói, khát và nhức nhối các khớp xương theo bước chân và đôi vai. Sau mọi thứ tê dại, chúng tôi không nghe, không thấy, không cảm thấy gì hết. Cứ thế cơ thể đi như những cái máy,trong đầu cũng không có cả đến ý nghĩ nào nữa.
Vài tên tù được quản giáo cắt đặt đốc thúc chúng tôi làm. Những tên tù cầm roi, nếu ai đi chậm hoặc làm rơi gạch , lập tức những chiếc roi quật bỏng rát trên lưng. Trước sự chứng kiến của quản tù phụ cầm súng AK47 ngồi trong bóng râm với chai bia hay nước ngọt.
Quản giáo chính ít xuất hiện chỗ tù làm, ông ta đi giao dịch với các nơi xây dựng hay cơ sở mua bán vật liệu xây dựng lo chuyện bán gạch. Ông ta còn phải lo mua than, ký hợp đồng khai thác đất với chính quyền địa phương. Như một chủ doanh nghiệp, hàng ngày ông ta đến chút buổi sáng xem công việc và chiều tối đến điểm danh nghe báo cáo tình hình lao động và tư tưởng của tù. Ông đi cái xe Honda Drem II, loại xe đắt tiền thời đó. Mặt mũi trơn tru và đỏ au, bóng nhẫy vì nhậu nhẹt giao dịch khách hàng. Giúp ông ta có hai cảnh sát nghĩa vụ cầm súng AK47 đầy ắp đạn để trông tù và những tên tù trách nhiệm duy trì công việc trôi chảy bằng những chiếc roi, gậy, và dây thừng trói.
Ông ta tên là Sáu, vợ ông ta khá đẹp, bà ta đôi khi cũng đến chỗ tù thay ông ta nhận than từ xà lan dưới sông hoặc giao gạch cho khách hàng. Hôm nào bốc gạch giao hàng bà ta mua cho chúng tôi thịt ba chỉ ăn thêm.
Có hai người tù không chịu đựng được, một người quá gầy gò, một người dạng công tử bột. Họ bị trói giật tay về đằng sau. Quản phụ dùng báng AK thúc vào ngực họ, trách nhiệm dùng roi vụt lưng họ trên đường dẫn từ chỗ làm gạch về khu buồng giam. Họ bí trói treo ngược lên cái xà ngang mà cán bộ dùng để tập thể dục chờ quản giáo về giải quyết.
Quản giáo về lập biên bản họ vì tội chống đối lao động, đưa về trại tống vào xà lim cùm chân 15 ngày. Sau đó sẽ chuyển lại về đội. Người tù bị lập biên bản đi cùm sẽ mất đi việc được xét duyệt giảm án vài tháng một năm. Chuyện chống đối lao động vì thế phải bất đắc dĩ lắm tù mới dám làm.
Đôi chân tôi đau nhức, vì đi nhiều quá, chất nhờn ở các khớp xương tiết ra không đủ. Chỗ các khớp xương sưng tấy. Mỗi bước đi cơn đau nhói đến tận đỉnh óc. Tôi thấy căm hận tên quản giáo, tôi nghĩ lũ tù thật hèn. Ngoài xã hội vì câu nói, va chạm nhỏ chúng sẵn sàng rình nhau cả tháng để trả thù nhau bằng dao, gậy,gạch. Vào nhà tù bị quản giáo hành hạ như nô lệ, súc vật thì chúng lại coi chuyện đó là đương nhiên. Và khi được chút trọng dụng của quản giáo, chúng lại đầy oai phong để hành hạ , đánh đập những tù nhân khác. Suy nghĩ làm sự căm hờn của tôi dâng cao dần. Mà việc gì tôi phải sợ, nếu chúng không đánh chết được tôi lúc này. Tôi sẽ báo thù kể cả tên quản giáo lẫn những tên nào nếu đánh tôi, thậm chí ngay tại đây cứ vớ được cái gì đập vào đầu tên tù hay tên quản giáo rồi đến đâu thì đến nếu không nhịn được đến ngày sau.
Đêm đến các khớp xương càng đau hơn. Tên tù nằm cạnh thì mồm xoen xoét một điều hãy nghe các anh, nghe thầy, nào là mày được thầy nói câu ” nhìn nhận” là quý hơn vàng. Trước sau thử thách thời gian là mày sẽ làm được trách nhiệm. Tên tù đã đi mấy lần, hắn kể lần tù trước vợ hắn kiếm được nhiều tiền nên hắn được làm đội trưởng, cũng khét tiếng ở đội 16 trại này. Giờ vợ hắn kém tiền nên hắn phải chấp nhận lao động thế này thôi.
Tôi mê man trong cơn đau, đói, mệt. Tôi trào nước mắt nhớ mẹ. Tôi không ngờ rằng cha mẹ tôi sinh tôi ra, để rồi tôi đi những bước đời sai lầm đến nỗi tấm thân cha mẹ sinh thành, nuôi nấng giờ thành con vật trong tay người ta. Đáng ra giờ này tôi sắp ra trường đại học, sắp có chỗ làm để mẹ tôi mát mặt thì tôi đem thân mình vào chốn lưu đầy ê chề này. Nếu mẹ tôi biết tôi đang khổ thế này ruột gan mẹ tôi sẽ đứt từng khúc. Dòng suy nghĩ trong cơn đau nhức nhối và cơn đói quặn ở dạ dày khiến trong tôi chỉ còn sự căm thù, tôi thấy tối tăm không còn gì để hy vọng và tha thiết ở cõi đời này nữa.
Sáng ấy, trong đầu tôi chỉ có hình ảnh tên quản giáo và những tên tù trách nhiệm.
Trời gần trưa, ở quãng đi về chỗ lấy gạch, tôi gặp vũng nước nông choèn đầy nòng nọc và rêu. Cơn khát trỗi dậy, tôi quỳ xuống đập nhẹ tay trên mặt nước để lũ nòng nọc chạy ra xa, cố gắng vục tay thật nhẹ để bùn không khuấy theo. Tôi bụm tay uống được vài ngụm nước nóng rẫy vì nắng và tanh lòm mùi bùn và sinh vật. Tên tù trách nhiệm gọi tôi lại hỏi.
- Ai cho mày uống nước giữa chừng?
Tôi nhìn thẳng vào mặt hắn mỉm cười nói.
- Vì tao sẽ về trại chịu cùm, tao không làm nữa.
Hắn sững sờ nhìn tôi, chiếc roi đung đưa theo suy nghĩ của hắn. Tôi đã nói đến cái giá cuối cùng tôi chấp nhận, có nghĩa kể cả việc hắn đánh tôi thì khả năng tôi đánh lại là có. Vì đằng nào cũng đi cùm, thì tội đánh nhau hay tội chống đối lao động cũng thế. Mà tội đánh nhau tất hắn có liên quan, còn tội tôi chống đối lao động thì hắn chả liên quan gì.
Hắn gọi quản phụ.
- Thầy ơi ! Thằng này bào không làm này.
Quản phụ xách AK47 lại gần , hất hàm hỏi sao mày không làm.
Tôi nhìn anh ta, nói rõ.
- Tôi muốn về trại chịu kỷ luật, tôi đủ sức bị cùm chứ không còn sức làm. Việc không lao động đã có quy chế của trại. Ông đánh tôi là cá nhân ông có thù với tôi, chứ luật trại có quy định để ông xử lý trong trường hợp chống đối lao động thế nào.
Quản phụ nhìn tôi lát rồi nói.
- Tao không có thù cá nhân với mày, mày không lao động, phải trói mày lại không mày trốn. Đợi quản giáo về xử lý, việc tao làm có vậy.
Tôi quay giơ hai tay ra đằng sau người nói.
- Vâng, ông trói đi.
Quản phụ cầm dây thừng tên trách nhiệm đưa, trói tay tôi lại, thừa ra một đoạn hắn cầm dẫn tôi về khu buồng giam. Quản giáo hôm nay có mặt ở đó, ông ta ngạc nhiên thấy tôi là người bị cùm, ông ta hỏi.
- Sao đánh nhau hay chuyện gì?
Quản phụ báo cáo.
- Thưa anh, chống đối lao động ạ.
Quản giáo Sáu nhìn tôi ngỡ ngàng chắc ông ta không nghĩ tôi là loại chống đối như vậy, ông ta bảo quản phụ tháo dây cho tôi, gọi tôi vào buồng, cho uống nước trà và hút thuốc. Ông ta hỏi tôi sao không làm, tôi giơ bàn chân ở chỗ quanh xương mắt cá sưng tấy nói không thể đi được nữa. Giờ xin về trại chịu cùm vì tội không lao động. Ông ta cười, bảo đau quá thì xin thầy cho nghỉ, sao lại chống đối ngoài hiện trường lao động làm gì. Thôi vào buồng mà nghỉ mấy hôm.
Tôi vào buồng, nghỉ hai hôm, đội tù lao xao vì việc tôi chống đối mà không bị sao lại được nghỉ. Hôm thứ ba hết đau, tôi đi làm, trong lòng cũng không còn những cơn giận dữ nữa.
Mươi hôm sau một người công an đi xe máy vào khu chúng tôi. Bọn tù bảo nhau.
- Cán bộ ở trại ra.
Tôi tự nhiên linh cảm rằng điều đó liên quan đến tôi. Y rằng quản giáo gọi tôi về. Ông ta bảo.
- Sao không ở đây với thầy, về trại làm gì cho bí bách, gò bó. Rồi thầy thu xếp cho chỗ đứng cải tạo. Mày án dài tao cũng muốn ở đây với tao lâu, giúp tao.
Tôi lắc đầu, giờ tôi về trại thoát khỏi nơi này đã, sao mà về thì tính sau. Họ bàn giao giấy tờ, người cán bộ trại buộc tay tôi hờ hững và bảo tôi ngồi sau xe máy ông ta. Chúng tôi đi một đoạn xa trại thì anh thứ ba của tôi và bạn anh đứng ở góc đường đợi. Thì ra anh tôi biết đội gạch khổ thế nào, anh tôi lẳng lặng nhờ người quen là anh bạn đi cùng lo cho tôi về trại nơi có đội vệ sinh hay rau nhàn hơn rất nhiều lần.
Anh bạn anh trai tôi bảo người cán bộ khi vào quán ăn ở thị trấn
- Thầy cởi trói cho nó chứ.
Cán bộ nói.
- Trói gì đâu, tự nó cởi được mà.
Tôi bỏ sợi dây nilon vòng quanh tay ra.
Tôi ăn bát phở nóng sau nhiều ngày không thấy, ở giữa quán ăn đông đúc, như một người dân bình thường. Anh tôi mua cho tôi một số thứ đồ dùng, tôi theo người cán bộ về trại.
(Còn nữa)
© Đàn Chim Việt
Bọn Đức (Germany) phản động sẽ in những bài viết nầy thành sách . Tiếng Việt và Tiếng Đức . Đảng ta kỳ nầy tốn tiền khẳm rồi đấy . Ra cuốn sách nào đảng ta bao thầu mua hết . Thôi thì nên gặp thị trưởng Weimar mua đứt bản quyền cho tiện việc sổ sách . Chi 6 tháng tiền ăn ở phen nầy Weimar lời khẳm . Người buôn gió có chút đỉnh tiền ngao du sơn thủy . Hãy mua vài thứ đồ chơi cho Tí Hớn . Người Buôn Gió người chưa tốt nghiệp Trung Học mà độc như thịt vịt xiêm lai . Đáng nể
Mấy chú :”dư luận viên” CAM sành hay bọn bưng bô cho VC đâu không thấy . LS tui mời mấy đồng chí vào đây bàn luận nhà tù của Mỹ Ngụy và của Cách Mạng ai ngầu hơn ai . Mẹ!!! Chuồng cọp Côn Sơn Phú Quốc là thiên đàng nhá chả ăn thua gì so với nhà tù của Cắt Mạng ủa quên Cách Mạng