Niềm vui của tuổi già trong thời đại Internet
Thế hệ chúng tôi đang ở vào lứa tuổi 70 – 80, đã về nghỉ hưu để mà an tâm dưỡng trí được rồi. Cuộc đồi quả thật đã nhiều phen lận đận nổi trôi theo vận nước – vốn từng bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh liên tục suốt 30 năm (1945 – 1975). Và rồi sau đó là chế độ độc tài chuyên chế cộng sản – và bây giờ là cuộc sống định cư ở nước ngòai.
Nhiều người được cái may mắn có con cháu thành đạt, lại có lòng hiếu thảo – nên được các cháu chăm lo săn sóc cho thật là chu đáo từ việc ăn uống, áo quần đến chuyện nhà ở, và gia đình cả ba bốn thế hệ con cháu lại thường có dịp xum họp quây quần bên nhau v.v… Nhờ vậy mà gia đạo có phần được an vui, yên ấm. Đó là niềm an ủi thật lớn lao quý báu cho tuổi già sinh sống xa quê hương bản quán của mình vậy.
Không còn bị vướng mắc với chuyện phải chật vật bươn chải lo toan kiếm sống cho bản thân và cho gia đình với các món “cơm áo gạo tiền” gì gì nữa, nên chúng tôi có thật nhiều thời gian rảnh rỗi – mà có một vài người lại còn than phiền, đại khái như “không biết phải làm cái gì cho hết ngày hết giờ”…Lại nữa, người lớn tuổi thường ít ngủ, hay nằm trằn trọc trên giường, hoặc thức giấc nhiều lần trong đêm để mà lo chuyện “xả cái bàu tâm sự mau bị đày ứ” ấy đi.
Nhưng cũng có người biết chấp nhận cái quy luật muôn thuở của cuộc sống trên cõi đời này, đó là chuyện “Sinh, Lão, Bệnh, Tử” – tức là cái tiến trình lão hóa do tính chất sinh học khách quan – mà không một sinh vật nào, kể cả bất kỳ con người nào mà lại có thể vượt thóat khỏi được. Nhờ vậy mà họ an tâm vui vẻ tìm cách thích nghi êm thắm với cái quá trình khuôn thước đó.
Trong vòng vài chục năm gần đây, nhờ sự phổ biến rộng rãi của Internet, nên các bạn lớn tuổi của tôi đã có thêm được một nguồn vui mới – khiến làm tăng thêm phẩm chất của cuộc sống – và như vậy là có thêm điều kiện để thực hiện được cái lý tưởng “Sống lâu và Sống có ích” như nhiều người đã tâm niệm từ bấy lâu nay.
Bài viết này nhằm ghi lại cái kinh nghiệm bản thân của một số huynh trưởng và bạn bè thân thiết – mà tôi thường gặp gỡ hay trao đổi qua mạng lưới điện tóan tòan cầu trong thời gian gần đây.
Nói chung, thì môi trường sinh họat ở nước ngòai có tính cách thông thóang hơn – cả về mặt vật chất như thực phẩm, dịch vụ chăm sóc y tế, vệ sinh môi trường thiên nhiên … được bảo đảm trong lành hơn – và cả về mặt văn hóa tinh thần cũng thỏai mái hơn vì không bị công an mật vụ nhòm ngó, kiểm sóat hạn chế mặt này mặt khác. Do đó, mà cuộc sống có được phẩm chất cao hơn (high quality of life) – bà con được tự do sinh họat thỏai mái dễ chịu hơn, thơ thới vô tư hơn.
1 – Trước hết là trường hợp của nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh và của Giáo sư Phó Bá Long.
Cả hai vị này đều đã từ giã cõi đời cách đây không lâu. Nhưng họ đã sống rất thọ và ở tuổi 85 – 87, các vị vẫn còn hăng say nghiên cứu viết lách – mà đặc biệt là sử dụng internet khá thường xuyên trong việc giao tiếp với bà con bạn hữu hay tra cứu tham khảo tài liệu để viết báo viết sách. Nhà báo Sơn Điền còn tham gia viết báo thường xuyên khi đã tới tuổi thượng thọ 90 – ông chỉ ngưng viết vào hơn một tháng trước khi qua đời vào tháng 8 năm 2012 vì tuổi già kiệt sức. Mỗi lần tôi đến San Jose, thì đều ghé thăm ông tại khu cư xá bên cạnh thương xá Lion trên đường King với Tully. Ông luôn giữ được sự bình tĩnh sáng suốt tinh tường của một nhà báo kỳ cựu – mà có tay nghề dễ đến trên 60 năm.
Còn Giáo sư Long, thì vào cuối đời ông vẫn hăng say với nhiều công chuyện về giáo dục và văn hóa. Cụ thể là ông lo việc phổ biến cho công chúng tại Mỹ bản dịch tiếng Anh từ cuốn Hồi ký của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nguyên tác bằng tiếng Pháp “ L’excommunié “ (Kẻ bị khai trừ). Ông Long là môn sinh của Luật sư Tường tại trường Bưởi Hanoi hồi trước năm 1945, và rất mến phục sự uyên bác của vị giáo sư dậy môn văn chương này. Trước khi mất vào năm 2009, ông Long vẫn liên lạc qua e-mail với tôi và ông thúc giục tôi phải chú ý thực hiện rất nhiều việc này chuyện nọ.
2 – Hai nhà văn Uyên Thao và Trần Phong Vũ với Tủ sách Tiếng Quê Hương.
Hai nhà văn kỳ cựu này đã bước vào tuổi bát tuần, nhưng từ nhiều năm nay các anh đã miệt mài làm việc để cống hiến cho độc giả đến trên 50 đầu sách trong Tủ sách Tiếng Quê Hương được ấn hành tại hải ngọai. Nhà văn Uyên Thao bị bệnh thật ngặt nghèo – phải cắt đi đến quá nửa cái bao tử – ấy thế mà suốt ngày đêm vẫn bám sát máy computer – để lo viết bài giới thiệu cũng như biên tập, nhuận sắc cho những cuốn sách do các tác giả trao phó cho việc xuất bản. Anh được bà con trong vùng thủ đô Washington mến mộ vì sức làm việc dẻo dai kiên trì liên tục từ trên cả chục năm nay.
Nhà văn Trần Phong Vũ là bạn học với tôi từ tuổi niên thiếu hồi trước năm 1945 tại thị xã Thái Bình – đến nay tình bạn giữa chúng tôi tính ra đã tới trên 70 năm rồi. Anh là người được bà con ở California đánh giá cao vì rất tháo vát năng nổ trên lãnh vực truyền thông báo chí, đài phát thanh, truyền hình… Và đặc biệt là anh sát cánh với Uyên Thao – người bạn đồng nghiêp lâu năm trong ngành phát thanh và báo chí trước đây ở miền Nam Việt nam – để cùng điều hành Tủ sách Tiếng Quê Hương.
Cả hai anh đều sử dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật hiện đại của Internet, nhờ vậy mà công việc nghiên cứu, biên tập và sáng tác của các anh luôn có năng suất rất cao. Rõ ràng là hai anh đã có niềm say mê với sách vở chữ nghĩa và hiện đang sống thật sung mãn trọn vẹn cái tuổi của lớp người cao niên vậy.
3 – Các bạn đồng môn tại Trường Bưởi & Chu Văn An .
Các bạn cùng học chung với tôi lớp Đệ Nhất Ban Tóan tại Trung học Chu Văn An ở Hanoi niên khóa 1953 – 54, thì nay đều đã bước vào cái tuổi 80 cả rồi. Hiện nay, còn có tới trên 20 bạn vẫn giữ liên lạc được với nhau qua thư từ, điện thọai hay e-mail. Mùa hè năm 2012 vừa qua, tôi ghé qua Paris, thì gặp lại khá nhiều các bạn vốn đã sinh sống tại đó từ trên 50 năm nay – cụ thể là các bạn Phạm Xuân Yêm, Vũ Dương Tuyền, Bạch Lý Từ (em thày Bạch Văn Ngà). Và mấy bạn mới qua đây sau năm 1975 như Đỗ Đăng Di, Võ Thế Hào.
Trong buổi gặp nhau đông đủ tại nhà bạn Yêm ở thị trấn Bourg-la Reine, chúng tôi đã thỏa chí với đủ thứ chuyện hàn huyên tâm sự – nhắc lại bao nhiêu kỷ niệm của tuổi trẻ thơ mộng từ cái thời 60 năm trước trên đất Bắc. Và đặc biệt, chúng tôi lại còn nói chuyện qua điện thọai với nhiều bạn khác như Bùi Thiệu Tường ở Montréal Canada, Vũ Ngọc Óanh ở San Jose California, Vũ Tiến Thông, Vũ Hữu Bao ở Texas, Ngô Đình Thuấn ở Washington DC v.v… Bạn Di là trưởng lớp vẫn giữ được cái tác phong của con chim đầu đàn nhằm giữ vững cái mối tình keo sơn gắn bó giữa anh em chúng tôi – nhất là bạn lại rất siêng năng với chuyện thông tin liên lạc của các thành viên trong Nhóm qua Internet.
Nhân tiện, cũng xin ghi thêm về sinh họat của các Phân Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trường Bưởi – Chu Văn An tại nhiều địa phương như ở Nam và Bắc California, ở Texas, ở Washington DC, ở Canada, ở Paris v.v… Mỗi năm, hầu hết các Phân Hội này đều tổ chức các buổi Hội Ngộ Mùa Xuân, Mùa Hè và còn ấn hành các cuốn Đặc san hoặc Kỷ yếu để ghi lại những kỷ niệm thân thương trìu mến về Trường Xưa, Bạn Cũ nữa. Và nhờ qua Internet, mà việc thông tin liên lạc được mau lẹ và phổ biến rộng rãi cùng khắp nơi trên thế giới nữa. Quả thật Internet là một phương tiện thật đắc lực để giúp củng cố và tăng cường cái tình bạn từ thuở thiếu thời giữa các bạn đồng môn chúng tôi mà đều xuất thân từ trường Bưởi – Chu Văn An vậy đó.
4 – Sinh họat của các Hội đòan khác.
Tôi tham gia sinh họat với nhiều hội đòan như Hội Ái Hữu Hành chánh Tài chánh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Hội Ái Hữu Luật khoa VN, Mạng Lưới Nhân Quyền VN … Và nhất là tôi còn hay viết bài gửi đăng trên nhiều báo giấy cũng như báo điện tử on-line tại nhiều nơi trên thế giới.
Trong khi sinh họat với các tập thể như vậy, lớp người lớn tuổi như chúng tôi lại được các bạn trẻ tiếp sức – mà các bạn trẻ thì thường là rất thành thạo về kỹ thuật điện tóan – nhờ vậy mà họat động của tập thể chúng tôi đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, có khi còn vượt quá sự mong ước của các thành viên nữa. Kết cục là anh chị em được tăng thêm niềm lạc quan phấn khởi sau những thành tựu thật tốt đẹp như thế.
Mà còn hơn thế nữa, lớp con cháu thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 trong gia đình thì lại còn nhuần nhuyễn gấp bội trong việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật về điện tóan – nên các cháu thường ra sức tiếp trợ về chuyên môn cũng như mua sắm máy móc hiện đại giúp nâng cao năng suất công việc của chúng tôi rất nhiều. Thành ra, tòan bộ gia đình gồm cả hai ba thế hệ đều cùng tập trung vào công chuyện xã hội nhân đạo cũng như tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt nam nữa.
Qua việc hỗ trợ kỹ thuật cũng như tài chánh như thế, các cháu có thêm cơ hội để hiểu biết thấu đáo hơn về tâm sự cùng ước vọng của thế hệ người lớn tuổi – và từ đó mà có thêm sự thông cảm và quan tâm sâu sắc hơn đối với những vấn đề sinh tử của bà con ruột thịt của mình ở bên quê nhà. Và hệ quả là cái hố cách biệt giữa hai thế hệ già và trẻ trong cùng một gia đình (Generation Gap) cũng có cơ may được giảm bớt đi rất nhiều nữa.
5 – Kinh nghiệm cá nhân về sự tìm kiếm tài liệu trên Internet.
Nhân tiện, tôi cũng xin ghi vắn tắt về chuyện truy cập tìm kiếm thông tin tài liệu trên Internet. Phải nói rằng nhờ có Internet mà chúng ta có thể tìm được bất kỳ tài liệu nào liên hệ đến chủ đề mình đang theo đuổi nghiền ngẫm – nguồn thông tin đó lắm khi quá phong phú dồi dào đến nỗi có khi mình đâm ra nghi ngờ lúng túng không còn biết đúng sai ở chỗ nào nữa. Tuy nhiên, nếu mà giữ được sự bình tĩnh kiên nhẫn cần thiết, thì ta vẫn có thể tìm cách sàng lọc từ cái khối lượng thông tin hỗn độn đó để rút ra được những tài liệu khả tín, chính xác – khả dĩ có thể khai thác và sử dụng được cho bài viết của mình.
Việc này thường được gọi là “sự tiếp nhận có chọn lọc” (the selective reception) – đó là phương cách hiệu quả nhất cho bất kỳ cuộc truy tầm nghiên cứu nghiêm túc nào vậy.
* * Nói vắn tắt lại, nhờ khôn khéo áp dụng những tiến bộ mới trong thời đại Internet ngày nay ở vào đầu thế kỷ XXI, mà lớp người cao niên đang có triển vọng đạt tới được năng suất cao hơn ở mọi lãnh vực sinh họat cũng như tranh đấu góp phần với bà con tại quê nhà – trong công cuộc xây dựng một xã hội thật sự tiến bộ, nhân bản và nhân ái theo trào lưu phổ biến của thế giới hiện đại.
- Vấn đề là chúng ta phải thực sự có quyết tâm bền chí để cùng kết hợp với thế hệ trẻ là lớp con cháu nơi mỗi gia đình – trong việc hội nhập êm thắm với dòng chính của xã hội nơi chúng ta đã chọn lựa để mà định cư sinh sống lâu dài – sau khi thóat khỏi chế độ độc tài chuyên chế tòan trị do người cộng sản áp đặt trên quê hương bản quán là nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
- Nhờ có việc hội nhập tốt đẹp như vậy, mà chúng ta còn kêu gọi thêm được sự hỗ trợ thật quý báu và hiệu quả từ phía nhân dân các quốc gia văn minh dân chủ trên thế giới – trong ý hướng cùng góp phần vào công cuộc tranh đấu trường kỳ cho chính nghĩa tự do, dân chủ và phẩm giá con người của đồng bào ruột thịt Việt Nam chúng ta hiện đang sinh sống trên quê hương đất nước mình nữa.
- Và đó mới đích thực là niềm vui lý tưởng trọn vẹn – với ý nghĩa cao quý trong cuộc sống của thế hệ người lớn tuổi như chúng ta hiện đang định cư tại những quốc gia văn minh trên khắp thế giới ngày nay vậy.
Westminster, California Hạ tuần tháng Bảy năm 2013
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt