WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Trận Hoàng Sa trong chiến tranh lạnh toàn cầu

Ảnh minh hoạ (internet)

Ảnh minh hoạ (internet)

1.-  CHIẾN TRANH LẠNH

Chiến tranh lạnh bắt đầu từ năm 1946, sau thế chiến thứ hai (1939-1945), là tình trạng tranh chấp căng thẳng, gay cấn và quyết liệt giữa hai khối tư bản và cộng sản (CS).  Nói trắng ra, đây là cuộc tranh chấp giữa hai tập đoàn quyền lợi tư bản và CS.  Hai tập đoàn quyền lợi nầy đối chọi nhau về tất cả các mặt, nhưng hai bên không trực tiếp đánh nhau vì các cường quốc đứng đầu hai khối cùng thủ đắc võ khí nguyên tử, sợ chiến tranh nguyên tử xảy ra, thì cả hai bên đều thiệt hại nặng nề.

Chiến tranh lạnh, có một số đặc điểm như sau: 1) Mỗi khối không phải là một tổ chức thống nhứt, không có chỉ huy chặt chẽ.  2) Các quốc gia trong mỗi khối vẫn duy trì quyền lợi riêng tư, nên trong nội bộ mỗi khối, các quốc gia vẫn xảy ra tranh chấp quyền lợi với nhau, nhiều khi không kém phần quyết liệt.  Ví dụ giữa Hoa Kỳ và Pháp trong khối tư bản, giữa Liên Xô và Trung Cộng trong khối CS.  3)  Quyền lợi quốc gia của các nước luôn luôn thay đổi theo hoàn cảnh và theo thời gian nên chính sách đối ngoại cũng thay đổi theo thời gian. (Ví dụ Hoa Kỳ, Pháp, Liên Xô, Trung Cộng.)  4) Các nước nhỏ yếu bị các nước cường quốc lợi dụng.  Các cường quốc dùng các nước nhỏ để trao đổi quyền lợi giữa các cường quốc. 5) Trong chiến tranh lạnh, có một số tranh chấp địa phương, bùng nổ thành những điểm nóng, mà các cường quốc trong hai khối đứng về hai phía đối đầu nhau.

Từ khi xảy ra chiến tranh lạnh trên thế giới năm 1946, tại Á Châu, hai điểm nóng quan trọng là chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và chiến tranh Việt Nam (1960-1975).  Trong cả hai cuộc chiến Triều Tiên và Việt Nam, Hoa Kỳ đều ủng hộ hai miền Nam tự do, chống lại hai miền Bắc CS, nhưng Hoa Kỳ áp dụng hai chiến lược khác nhau tại hai cuộc chiến nầy.

2.-  CHIẾN LƯỢC HOA KỲ TẠI NAM VIỆT NAM: PHÒNG THỦ

Tại Triều Tiên, Hoa Kỳ tấn công Bắc Triều Tiên để phòng thủ Nam Triều Tiên, tức Hoa Kỳ lấy công làm thủ.

Tại Việt Nam, Hoa Kỳ không tấn công Bắc Việt Nam mà chỉ phòng thủ ở  Nam Việt Nam, tức Hoa Kỳ lấy thủ làm thủ.

Cả hai nước Triều Tiên và Việt Nam đều có biên giới giáp ranh với Trung Cộng ở phía bắc.  Khi quân Bắc Triều Tiên tấn công Nam Triều Tiên năm 1950, quân đội Hoa Kỳ cùng quân đội Liên Hiệp Quốc giúp Nam Triều Tiên, đánh đuổi quân Bắc Triều Tiên đến sông Áp Lục (Yalu River), là biên giới với Trung Cộng.  Quân Trung Cộng tràn qua giúp Bắc Triều Tiên.  Sau ba năm đánh nhau qua lại, hai bên đình chiến năm 1953 ở vĩ tuyến 38, chia hai nước Triều Tiên.

Vì vậy, khi tham chiến ở Việt Nam năm 1965, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ bị ám ảnh bởi chiến tranh Triều Tiên. (Mark Moyar, Triumph Forsaken, The Vietnam War, 1954-1965, New York: Cambridge University Press, 2006, tr. 306.)  Hoa Kỳ lo ngại nếu đánh ra Bắc Việt Nam, thì Trung Cộng sẽ can thiệp như ở Triều Tiên, nên tại Nam Việt Nam, Hoa Kỳ chủ trương chỉ phòng thủ ở Nam Việt Nam, phía nam đường phi quân sự ở vĩ tuyến 17, không tấn công ra Bắc Việt Nam, tránh  đụng chạm đến Trung Cộng.

3.-  CHÍNH SÁCH KHÔNG CHIẾN THẮNG

Chiến lược phòng thủ của Hoa Kỳ có thể tóm gọn qua câu nói của đô đốc Grant Sharp, tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương 1964-1968: “Chính phủ chúng ta lập lại để làm rõ rằng những mục tiêu của chúng ta trong cuộc tranh chấp ở Việt Nam là giới hạn.  Chúng ta không buộc phải tiêu diệt chế độ Hà Nội, không cưỡng ép dân chúng Bắc Việt Nam phải chấp nhận một hình thức chế độ khác và cũng không tàn phá Bắc Việt Nam.  Chúng ta đơn giản muốn Bắc Việt Nam ngưng điều khiển và ngưng yểm trợ phiến quân Việt cộng ở miền Nam và đưa lực lượng của họ về nhà.  Chiến lược điều khiển chiến tranh của chúng ta phản ảnh những mục tiêu giới hạn nầy.” (Nguyên văn: “Our Government has repeatedly made it clear that our objectives in the Vietnam conflict are limited. We are not ought to destroy the Hanoi regime, or to compel the people of North Vietnam to adopt another form of government, nor are we out to devastate North Vietnam. We simply want North Vietnam to cease its direction and support of the Vietcong insurgency in the South and take its forces home. Our strategy for the conduct of the war reflects these limited objectives.”) (William D. Pawley & Richard R. Tryon, Jr., “Why the Communists are Winning as of 1976 and How They Lost in 1990”, http://www.gratisbooks.com/, chữ khóa: “Getting bogged down in Vietnam”.)

Do chủ trương chiến tranh giới hạn (limited war), bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đưa ra  những “quy tắc tham chiến” (rules of engament) tức quy tắc quân đội ứng xử khi tham chiến ở NVN như một thứ cẩm nang, nhằm ngăn ngừa và giới hạn những ngẫu biến ở biên giới Hoa Việt hay vùng phi quân sự vĩ tuyến 17.

Quy tắc tham chiến hạn chế các mục tiêu tấn công, và hạn chế các hoạt động của Không quân, giảm hỏa lực làm giảm sức mạnh quân đội Hoa Kỳ.  Ai vi phạm, sẽ bị trừng phạt nặng.  (ví dụ trường hợp đại tướng John Lavelle năm 1972.)

Những quy tắc nầy bảo đảm rằng chúng ta không thể thắng và cộng sản cũng không thể thất bại.” (Nguyên văn: “These rules insured that we could not win and that the communists could not lose.”) (Steve Farrell, Why We Lost in Vietnam – The Untold Story, University of Toronto, School of Continuimg Studies, The Moral Liberal. )

Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Barry Goldwater tuyên bố tại Taipei (Đài Bắc) khi đến Đài Loan viếng tang tổng thống Tưởng Giới Thạch, gọi đây là “chính sách không chiến thắng” (“no win policy”). (The Bryan Times, Thursday, April 17-4-1975.)

4.-  CHIẾN LƯỢC PHÒNG THỦ KHÔNG HỮU HIỆU VỚI KHỦNG BỐ VÀ DU KÍCH

Trong chiến tranh Nam Việt Nam, cộng sản Việt Nam sử dụng chiến thuật khủng bố và du kích.  Quân du kích CS khủng bố, đánh phá khắp nơi trên toàn quốc, gây thiệt hại mỗi ngày một ít, mỗi nơi một ít, nhưng “tích tiểu thành đa”, lâu ngày làm hao mòn quân đội Nam Việt Nam và quân đội Hoa Kỳ.

Thật rất khó chống lại du kích chiến, nhất là trong địa hình rừng núi như Việt Nam.  (Ngày nay, người Mỹ tận dụng hết khả năng quân sự vẫn không chống lại được du kích Al-Qaeda, Taliban, Afghanistan.)

Muốn chận đứng du kích CS ở Nam Việt Nam, chỉ có cách duy nhứt là chận đứng ngay từ gốc, tức là hậu phương lớn của du kích CS, là Bắc Việt Nam, tức phải tấn công Bắc Việt Nam, mới chận đứng được du kích CS trên toàn cõi Nam Việt Nam.  Như Hoa Kỳ đã từng đánh ra Bắc Triều Tiên trước đây mới chận đứng hẳn du kích CS ở Nam Triều Tiên.

Vì không đánh ra Bắc Việt Nam để chận đứng du kích từ tận gốc, mà chỉ mở những cuộc hành quân bình định ở Nam Việt Nam và ngồi chờ du kích đến quấy phá mới phản công, nên dù trang bị tối tân, quân đội Nam Việt Nam và Hoa Kỳ không thể tiêu diệt hết khủng bố và du kích của CS ở Nam Việt Nam.

Hoa Kỳ còn lo ngại quân đội Nam Việt Nam bất ngờ tấn công ra Bắc Việt Nam để giải tỏa áp lực của CS ở Nam Việt Nam, nên Hoa Kỳ ngăn chận tất cả những đề nghị từ phía Việt Nam Cộng Hòa tấn công ra Bắc Việt Nam.  Ví dụ trong cuộc mít-tin tại Sài Gòn ngày 19-7-1964, kỷ niệm Ngày Quốc hận [ngày ký kết Hiệp định Genève 20-7-1954], trung tướng Nguyễn Khánh hô hào Bắc tiến.  Đại sứ Maxwell Taylor và các viên chức Mỹ có mặt tại cuộc mít-tin tránh né không bình luận. (John S. Bowman, The Vietnam War, Day by Day, New York: Mallard Press, 1989, tr. 42.)  Ngày 1-12-1965, trung tướng Nguyễn Chánh Thi gởi thư lên chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia là trung tướng Nguyễn Văn Thiệu đề nghị Bắc tiến; đồng thời tướng Thi còn gởi thư cho đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn công khai đề nghị Bắc tiến. (Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam, một trời tâm sự, California: Nxb. Anh Thư, 1987, tt. 319=344.)  Năm 1972, trong mùa hè đỏ lửa. quân Bắc Việt Nam tràn qua vùng phi quân sự ở vĩ tuyến 17.  Quân đoàn I đề nghị đưa quân vượt qua vĩ tuyến 17 đánh ngược ra Bắc.  Được tin nầy, phía cố vấn Hoa Kỳ liền giới hạn cấp số xăng, cấp số đạn và ngưng tiếp tế lương khô cho Lữ đoàn 1 Kỵ binh Việt Nam Cộng Hòa nhằm chận đứng cuộc Bắc tiến. (Hà Mai Việt, Thép và Máu, Thiết giáp trong chiến tranh, Texas, 2005, tr. 103.)

Với chiến lược phòng thủ tại NVN, quân đội Hoa Kỳ không thất bại, nhưng quân đội Hoa Kỳ cũng không chiến thắng, dậm chân tại chỗ.  Trước tình hình nầy, vì quyền lợi của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ quyết định thay đổi sách lược.

5.-  HOA KỲ THAY ĐỔI VÌ LÝ DO QUỐC NỘI

Chiến tranh kéo dài, dân chúng Hoa Kỳ mệt mỏi, chán nản, nổi lên phản đối.  Phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ lên mạnh chỉ sau vài năm Hoa Kỳ tham chiến.  Trong niên khóa 1969-1970, xảy ra 1,800 cuộc biểu tình, 7,500 người bị bắt giữ, 247 vụ đốt phá, 462 người bị thương mà 2/3 là cảnh sát và 8 người chết. Từ tháng 1-1969 đến tháng 2-1970 có 40,000 vụ ném bom, hay âm mưu ném bom, hay đe dọa ném bom liên hệ đến chiến tranh, gây thiệt hại 21 triệu Mỹ kim, hàng trăm người bị thương và 43 người chết. (Richard Nixon, No more Vietnams, London: W. H. Allen, 1986, tr. 126.)

Phong trào phản chiến Hoa Kỳ lên cao vì trong thời điểm nầy, ngoài quân đội chuyên nghiệp, Hoa Kỳ còn có binh sĩ động viên.  Thân nhân binh sĩ động viên phản đối mạnh mẽ chiến tranh vì sợ con em phải bỏ mạng trên chiến trường Việt Nam.  (Luật động viên ở Hoa Kỳ được bãi bỏ ngày 27-1-1973.  Ngày nay, quân đội Hoa Kỳ chỉ gồm toàn quân nhân chuyên nghiệp.)

Tin tức phản chiến, chống chiến tranh Việt Nam, được các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ đưa lên truyền hình, chiếu liên tục suốt ngày làm nản lòng dân chúng Hoa Kỳ.  Có thể nói phong trào phản chiến Hoa Kỳ là đồng minh hữu hiệu và là nội tuyến đắc lực của Công sản Việt Nam.  Các chính trị gía và các đảng phái muốn đắc cử, phải điều chính sách lược để thu phục lòng dân Hoa Kỳ, mới được phiếu bầu.

6.-  HOA KỲ THAY ĐỔI VÌ LÝ DO QUỐC TẾ

Vào cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, các chính trị gia Hoa Kỳ dựa trên quan niệm địa lý chính trị học (geopolitics), như sau: “Bắc Việt không thể tàn phá Hoa Kỳ trong vòng nửa giờ, hoặc tiêu hủy các thành phố, giết một nửa dân số, nhưng với hỏa tiễn nguyên tử, Liên Xô có thể làm được việc đó.  Trung Quốc tuy chưa ngang tầm của Liên Xô vì ít võ khí nguyên tử, nhưng lại đe dọa phần còn lại của Á châu vì ý hệ chính trị cứng rắn và vì dân số đông đảo của họ.” (Roger Warner, Shooting at the Moon [Bắn trăng], Steerforth Press, South Royalton, Vermont, 1996, tr. 333-334.)

Từ  đó, giới chính trị  Hoa Kỳ đưa ra nhận định mới.  “Hy sinh Nam Việt Nam mới thật là đáng giá.  Còn hơn là hao phí thêm nhiều sinh mạng người Mỹ và hàng tỷ mỹ kim để chống đỡ Nam Việt Nam mà ít hy vọng thắng lợi, tại sao không thỏa thuận thua cuộc để đổi lấy sự mở cửa Trung Quốc nhắm làm yếu đi kẻ thù thực sự là Liên Xô.” (Roger Warner, sđd. tr. 336.)  Lúc đó, cuộc tranh chấp Liên Xô – Trung Cộng càng ngày càng gay gắt.  Hoa Kỳ muốn khai thác mối chia rẽ nầy, lôi kéo Trung Cộng về phía Hoa Kỳ.

Bill Sullivan, thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, trả lời một cuộc phỏng vấn rằng:  “Như thế, tôi đi đến kết luận, và điều nầy nghe ra có vẽ tráo trở, rằng không thắng cuộc chiến nầy thì chúng ta sẽ khá hơn.  Đặc biệt nữa là người Trung Quốc đã khai thông với chúng ta, và làm cho người Trung Quốc tách rời khỏi Liên Xô và nghiêng về phía chúng ta, đối với chúng ta còn quan trọng hơn nhiều việc chiến thắng ở Việt Nam.” (Roger Warner, sđd. tr. 336.)

Vì vậy, lúc đó người Hoa Kỳ nghĩ rằng: “Thua trận ở Việt Nam lành mạnh cho Hoa Kỳ hơn là thắng trận.  Rằng thua trận nằm trong quyền lợi quốc gia.  Rằng đó là lợi thế… Đó là quan niệm cấp tiến triệt để vào thời đó, rằng thua trận và phó mặc các đồng minh Đông nam Á của chúng ta cho số phận của họ, như thế mới đúng là cách làm của chúng ta.” (Roger Warner, sđd. tr. 333.)

Như trên đã viết, dù là tư bản hay cộng sản, quyền lợi của mỗi nước luôn luôn thay đổi theo hoàn cảnh.  Trước đây, vì quyền lợi của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ đến Nam Việt Nam để ngăn chận sự bành trướng của cộng sản nhất là Trung Cộng.  Nay cũng vì quyền lợi của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ tìm cách rút lui khỏi Việt Nam.  Năm 1969, tổng thống Richard Nixon đưa ra kế hoạch “Việt Nam hóa” chiến tranh (Vietnamization), là một mỹ từ để chỉ việc chuyển gánh nặng quân sự cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa, rồi Hoa Kỳ rút quân đội Hoa Kỳ về nước.

Đồng thời, Hoa Kỳ nhận thấy hố chia rẽ giữa Trung Cộng và Liên Xô càng ngày càng sâu rộng.  Hoa Kỳ tìm cách thân thiện với Trung Cộng, vừa nhờ Trung Cộng áp lực với Bắc Việt Nam để Hoa Kỳ rút quân, đem tù binh Hoa Kỳ về nước, vừa lôi kéo Trung Cộng về phía Hoa Kỳ, tách xa Liên Xô.

7.-  TRUNG CỘNG: THAM VỌNG XUỐNG ĐÔNG NAM Á

Các lãnh tụ Trung Cộng không khác gì các vua chúa Trung Hoa ngày xưa, luôn luôn nuôi mộng xâm lăng Việt Nam để tràn xuống Đông Nam Á.  Lịch sử cho thấy quân đội Trung Hoa thời quân chủ không thể chiến thắng được quân đội Đại Việt.  Vì vậy, lần nầy, Trung Cộng thay đổi sách lược, nhìn ra Biển Đông nhắm đến Hoàng Sa, là quần đảo của Việt Nam trong Biển Đông, nằm trên thủy lộ chiến lược từ eo biển Malacca ra Thái Bình Dương.

Nguyên từ 24-2 đến 29-4-1958 tại Genève, Liên Hiệp Quốc tổ chức Hội nghị về luật biển. Do những tranh cãi tại Genève về chiều rộng của hải phận quốc gia và hải phận quốc tế, Mao Trạch Đông tuyên bố ngày 28-6-1958: “Hiện nay, Thái Bình Dương không yên ổn.  Thái Bình Dương chỉ yên ổn khi nào chúng ta làm chủ nó.” (Jung Chang and Jon Halliday, The Unknown Story MAO, New York: Alfred A. Knopf, Publisher, 2005, tr. 426.) Phát biểu nầy là khởi đầu cho chủ trương mới của Trung Cộng về Biển Đông và Thái Bình Dương.

Năm tháng sau, ngày 4-9-1958, Quốc hội Trung Cộng đưa ra bản tuyên cáo về hải phận, gồm 4 điều.  Trong 4 điều nầy, Trung Cộng đưa ra hai điểm quan trọng: 1) Xác định hải phận Trung Cộng rộng 12 hải lý. 2) Xác định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc lãnh thổ Việt Nam, là của Trung Cộng (điều 1 và điều 4).

Đáp lại tuyên cáo ngang ngược nầy, Phạm Văn Đồng thủ tướng Bắc Việt Nam, thừa lệnh Hồ Chí Minh và bộ Chính trị đảng Lao Động tức đảng Cộng Sản Việt Nam, gởi cho Trung Cộng công hàm ngày 14-9-1958, tán thành bản tuyên cáo ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Trung Cộng, tức Bắc Việt Nam tán thành chuyện hải phận 12 hải lý của Trung Cộng, đồng thời tán thành luôn  rằng các quần đảo Hoàng Sa,và Trường Sa, thuộc lãnh thổ Trung Cộng.  Đây là tội phản quốc lớn lao nhất trong lịch sử Việt Nam từ cổ chí kim.

Năm 1963, trong cuộc họp với đại diện đảng Lao Động Việt Nam (tức đảng Cộng Sản Việt Nam), Mao Trạch Đông nói: “Tôi sẽ làm chủ tịch của 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam Á.”  Tháng 8-1965, trong cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông tuyên bố: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Singapore…” (Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 30 năm qua, Hà Nội: NXB Sự Thật, 10-1979, Chương “Việt Nam trong chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc”.)  Trong khi đó, Hoa Kỳ xích lại với Trung Cộng từ năm 1971.

8.-  HOA KỲ – TRUNG CỘNG XÍCH LẠI GẦN NHAU

Tháng 3-1969, chiến tranh giữa Liên Xô và Trung Cộng bùng nổ ở trên sông Ussuri.  Trung Cộng muốn tìm một đồng minh mới để làm đối trọng với Liên Xô.  Trong khi đó, Hoa Kỳ đang tìm cách rút lui dần dần khỏi Việt Nam, cũng muốn thân thiện với Trung Cộng để nhờ Trung Cộng áp lực với Cộng sản Việt Nam và tách Trung Cộng ra khỏi Liên Xô.  Hai kẻ cựu thù Hoa Kỳ và Trung Cộng nay đều có nhu cầu xích lại gần nhau.

Sau một thời gian thăm dò, liên lạc, thương thuyết mật giữa các phái đoàn Hoa Kỳ và Trung Cộng, ngày 9-7-1971, Henry Kissinger bí mật đến Bắc Kinh.  Năm sau, tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đi thăm Trung Cộng ngày 21-2-1972.  Nixon thông báo cho các lãnh tụ Trung Cộng biết là Hoa Kỳ sẽ đơn phương rút quân khỏi Nam Việt Nam, không đòi hỏi Bắc Việt Nam rút quân khỏi Nam Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ không báo cho Việt Nam Cộng Hòa biết.

Khi Richard Nixon về nước, Chu Ân Lai qua Hà Nội tường thuật cho giới lãnh đạo Bắc Việt Nam.  Bắc Việt Nam liền mở cuộc tấn công Nam Việt Nam mạnh mẽ từ tháng 4-1972. (Mùa hè đỏ lửa).  Lúc đó, “Kissinger đã phái Winston Lord tới New York gặp Hoàng Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, để trao đổi một “bức điện miệng” nhắn Trung Quốc: “Hải quân Mỹ sẽ được lệnh ở lại tại khoảng cách 12 dặm kể từ quần đảo Hoàng Sa”.” (Henry A. Kissinger, Ending the Vietnam War, New York:  Nxb. Simon & Schuster, 2003, tr. 246. Huy Đức trích lại, Bên thắng cuộc, I: Giải phóng, New York: Osin Book, 2012 , tr. 109.)  Đổi lại, Trung Cộng giúp Hoa Kỳ bằng cách áp lực Bắc Việt Nam trở lại thảo luận nghiêm chỉnh tại Hội nghị Paris, nhằm giải quyết chiến tranh Việt Nam.

Như thế, ngay từ năm 1972, Hoa Kỳ ngầm hứa hẹn đồng ý để cho Trung Cộng tự do hành động ở Hoàng Sa. Trung Cộng chờ đợi cơ hội ra tay.  Cuối cùng, Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa ngày 19-1-1974.

Cần chú ý về thời điểm nầy: 1) Sau hiệp định Paris (27-1-1973), Hoa Kỳ rút quân hoàn toàn ra khỏi Nam Việt Nam, và không trở lui nữa. 2)  Liên Xô tăng cường viện trợ gấp 4 lần cho Bắc Việt Nam để tấn công Nam Việt Nam. 3) Nam Việt Nam bận rộn chống đỡ cuộc tấn công của Bắc Việt Nam. 4) Trung Cộng dự đoán Bắc Việt Nam sẽ thắng thế, nên quyết định chiếm Hoàng Sa trước khi Nam Việt Nam sụp đổ. 5) Đầu năm 1974, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tìểu Bình quyết định kế hoạch tấn công Hoàng Sa.  Ngày 17-1-1974, Mao Trạch Đông phê chuẩn báo cáo của Diệp Kiếm Anh xin đánh Hoàng Sa. (Tân Hoa Xã ngày 6-8-2013 và BBC ngày 20-12-2013.)

9.-  PHẢN ỨNG CỦA HOA KỲ SAU TRẬN HOÀNG SA

Lúc đó Cơ quan Trung Ương Tình báo (CIA) Hoa Kỳ theo sát tình hình Biển Đông và Hoàng Sa.  Hằng ngày, CIA ra bản tin Central Intelligence Bulletin (CIB) và trình nạp thẳng đến Văn phòng tổng thống Hoa Kỳ.  Bản tin ngày 19-6-1971 viết: “Những đoàn công voa hải quân từ Yu-lin (Du Lâm) trên đảo Hải Nam hiện tới Hoàng Sa thường xuyên, nhất là Woody Island (đảo Phú Lâm), một trong những đảo lớn nhất trong nhóm. Bảo vệ đoàn tàu chủ yếu là tàu khu trục, là tàu chiến lớn nhất trong hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.”  (BBC, ngày 30-12-2013.) Như thế Chính phủ Hoa Kỳ nắm bắt rất rõ những hoạt động của Hải quân Trung Cộng ở Biển Đông. Năm 1972, khi xảy ra chiến cuộc “Mùa hè đỏ lửa”, Hoa Kỳ đã giao cho Trung Cộng một “thông điệp miệng” về vấn đề Hoàng Sa (đã trình bày ở trên).

Trong trận Hoàng Sa, quân đội Hoa Kỳ hoàn toàn làm ngơ và tránh xa Hoàng Sa, đến nỗi phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại “gọi điện thoại về Bộ tư lệnh Hải Quân xin can thiệp với cố vấn Mỹ yêu cầu Đệ thất Hạm đội Mỹ vớt các thủy thủ Việt Nam, nhưng dường như họ có được chỉ thị nên không một chiến hạm nào đến gần nơi cuộc xảy ra hải chiến.” (Hồ Văn Kỳ Thoại, Can trường trong chiến bại, tr. 171.)

Sau trận Hoàng Sa, gặp Han Hsu (Han Xu), quyền trưởng phái đoàn liên lạc TC tại Washington DC ngày 23-1-1974, ngoại trưởng HK Kissinger nói: “Hoa Kỳ không có lập trường trong việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Nam Việt Nam tại các đảo nầy.”  (BBC Vietnamese, cập nhật 12:24 GMT – thứ Hai, 3 tháng 10, 2011.)

Gần một tuần sau trận Hoàng Sa (19-1-1974), trong cuộc họp tại Bộ Ngoại giao HK ngày 25-1-1974, do ngoại trưởng Henry Kissinger chủ tọa, đô đốc Thomas H. Moorer, tham mưu trưởng Liên quân HK, báo cáo với Kissinger: “Chúng ta đã tránh xa vấn đề… Chỉ thị của tôi là tránh xa khỏi toàn bộ khu vực [Hoàng Sa].” (BBC Vietnamese, cập nhật 12:24 GMT – thứ hai, 3 tháng 10, 2011.)

KẾT LUẬN

Chiến tranh lạnh toàn cầu đưa đến trận Hoàng Sa ngày 19-1-1974.  Ngược lại trận Hoàng Sa đánh dấu sự thay đổi mối quan hệ quốc tế trong chiến tranh lạnh toàn cầu.

Trận Hoàng Sa một lần nữa cho thấy khi Việt Nam có nội chiến, đất nước chia rẽ, nội lực dân tộc sút giảm, kẻ thù bên ngoài thừa cơ hội xâm lăng nước ta.

Trận Hoàng Sa tiêu biểu cho lập trường bảo vệ đôc lập, chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và quân đội Việt Nam Cộng Hòa.  Trong khi đó, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tức Bắc Việt Nam theo chủ nghĩa cộng sản, làm tay sai cho Liên Xô và Trung Cộng, phạm tội phản quốc, nhượng đất đai của tổ tiên cho ngoại bang, để mưu cầu viện trợ nhằm tấn công Việt Nam Cộng Hòa, thực hiện tham vọng thống trị toàn cõi Việt Nam.

Hoa Kỳ đến giúp Việt Nam Cộng Hòa vì quyền lợi của Hoa Kỳ, và cũng vì quyền lợi của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ sẵn sàng rút quân về nước, bỏ rơi đồng minh.  Từ năm 1972, Hoa Kỳ đã ngầm thỏa thuận về Hoàng Sa với Trung Cộng. Cũng vì quyền lợi của Trung Cộng, Trung Cộng sẵn sàng tách ra khỏi Liên Xô và xích lại gần với Hoa Kỳ, làm thay đổi cục diện chiến tranh lạnh toàn cầu.

Đây là một kinh nghiệm quý báu về vấn đề đồng minh trong tương quan quyền lợi giữa các nước.  Chỉ có đồng minh khi có quyền lợi.  Hết quyền lợi, hết đồng minh.

Chiếm được Hoàng Sa, chẳng những Trung Cộng kiểm soát sự lưu thông trên Vịnh Bắc Việt, mà còn kiểm soát thủy lộ từ Malacca qua Biển Đông, nhập vào Thái Bình Dương.  Trong tương lai Hoàng Sa càng trở nên quan trọng khi Trung Cộng bắt đầu thành lập khu vực “nhận diện phòng thủ không phận” (Air Defense Identification Zone = ADIZ) trên quần đảo nầy.

Khi Hoa Kỳ thay đổi sách lược toàn cầu, rút quân và cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa, Nixon và Kissinger dự liệu là Việt Nam Cộng Hòa có thể bị sụp đổ trong vòng 18 tháng sau hiệp định Paris. (Kenneth Hughes, The Paris “Peace” Accords Were a Deadly Deception (Jan 31, 2013).

Tuy nhiên, quân đội Việt Nam Cộng Hòa vẫn tiếp tục chiến đấu anh dũng, chống trả cộng sản mãnh liệt, khiến Kissinger đã than một câu để đời: “Tại sao họ không chết lẹ đi cho rồi?  Điều tệ nhất có thể xảy ra là họ cứ sống dai dẳng hoài.” (Ron Nessen, It Sure Looks Different from the Inside, Chicago: Playboy Press, 1978, tr. 129.  Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter trích dẫn, Hồ sơ mật dinh Độc Lập, Los Angeles: C K Promotions, INC, 1987, tr. 512.)

Nghe câu nầy thì thật buồn cho thế thái nhân tình, nhưng đồng thời phải khâm phục sức chiến đấu của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.  Quân đội chúng ta không thua trận, nhưng phải ngưng chiến đấu vì sự thay đổi của hoàn cảnh chính trị thế giới.

Hoàn cảnh chính trị thế giới và bạo lực CS đã đẩy chúng ta ra khỏi Việt Nam, nhưng không một thế lực nào có thể đẩy Việt Nam ra khỏi trái tim chúng ta.  Người Việt luôn luôn nuôi mộng trở về quang phục quê hương, giải thể chế độ cộng sản bạo tàn, đòi lại Hoàng Sa cho tổ quốc thiêng liêng.

Ngày nay tình hình Đông Á đang thay đổi một lần nữa, là cơ hội cho chúng ta vận động giải thể nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.  Người Việt Hải ngoại chúng ta cần phải hết sức ủng hộ một cách thực tế những nhà tranh đấu dân chủ trong nước, những phong trào đòi hỏi dân chủ trong nước.  Trào lưu dân chủ sẽ xóa bỏ độc tài.

Chỉ khi nào chế độ cộng sản Việt Nam bị giải thể thì người Việt mới bắt đầu tính sổ đòi đất, đòi biển với Trung Cộng; bởi vì giải thể chế độ cộng sản Việt Nam mới chấm dứt những cam kết ngầm giữa đảng Cộng Sản Việt Nam và đảng Cộng Sản Trung Quốc, từ thời Hồ Chí Minh năm 1950 cho đến Hội nghị Thành Đô năm 1990.  Chấm dứt những cam kết ngầm mới có thể nói chuyện đòi đất đòi biển trở về với tổ quốc chúng ta.

© Trần  Gia Phụng

(California, 05-01-2014)

 

88 Phản hồi cho “Trận Hoàng Sa trong chiến tranh lạnh toàn cầu”

  1. MP says:

    MP: Chuyện dài hải chiến ở Hoàng Sa năm 1974 có vẻ như càng ngày càng mở ra nhiều mê lộ. Nhưng ít nhất nó chứng minh được rằng các vị chỉ huy của VNCH không hề nắm vững tình thế, rằng QLVNCH không làm chủ được chính mình. Những lời nói thật, như bài thứ nhất của cựu Trung tá hạm trưởng tàu HQ-16 Lê văn Thự, đã đăng ở số trước cũng trên trang Calitoday.com, đã lật tẩy những người đã tìm cách tự tạo hào quang cho mình mấy chục năm qua. Và đương nhiên, lý lẽ của sự thật lúc nào cũng vững chắc hơn những lý luận để bảo vệ cho cái gì khác hơn sự thật.

    Lời tòa soạn Calitoday.com: Trong thời gian qua, Calitoday.com có đăng bài thứ nhất có tiêu đề: “Sự thật về trận hải chiến Hoàng Sa” của cựu Trung tá hạm trưởng tàu HQ-16 hải quân VNCH Lê văn Thự. Nhiều ý kiến đã tham gia bàn luận, đồng ý cũng có và phản đối cũng có. Nay, Cali Today vưà nhận được bài trả lời của ông Lê văn Thự. Xin trân trọng giới thiệu với qúy độc giả trong nỗ lực tìm kiếm sự thật cho lịch sử VNCH.

    Calitoday, 1/6/04

    Lê Văn Thự

    Kính gởi qúy độc giả,

    Sau khi bài viết “Sự thật về trận hải chiến Hoàng Sa” của tôi được đưa lên website Calitoday, nhiều độc giả góp ý trên trang mạng này, trong đó đồng ý cũng có mà chỉ trích cũng có. Tôi nghĩ đó là chuyện thường tình, nhưng tôi cũng xin phép được trả lời một vài độc giả đã buộc tội tôi, trong số này có cựu Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Chí Toàn là người trong cuộc – ông Toàn có mặt trên HQ5 là chiến hạm đã dự trận Hoàng Sa – và ông Hoàng văn Tâm mà tôi chắc cũng là một cựu HQ tuy ông không nói ra.

    Những ý kiến của hai ông này nếu tôi không trả lời thì có thể gây ảnh hưởng sai lạc hay tạo nghi vấn nơi độc giả khi đọc bài viết cuả tôi. Trước khi trả lời thẳng vào những điểm ông Toàn và ông Tâm chỉ trích tôi, tôi xin nói rộng ra một chút về những gì liên quan đến trận chiến Hoàng Sa để quí độc giả hiểu rõ vấn đề hơn.

    1. Trận hải chiến Hoàng Sa xảy ra cách đây hơn 30 năm ở giữa biển khơi nên không ai có thể biết để kiểm chứng những gì tôi hay các người khác có dự trận hải chiến Hoàng Sa viết ra, ngoại trừ những người trong cuộc. Nhưng những người trong cuộc một số hoặc vì không đủ điều kiện hoặc vì ngại ngùng không muốn lên tiếng để nói lên sự thật, một số khác thì vì lý do này hay lý do khác lại muốn che dấu sự thật bằng cách nói khác đi, do đó nếu độc giả chỉ đọc một vài ý kiến nêu lên trong mục góp ý của mạng này thì khó mà biết đâu là sự thật.

    Muốn biết rõ về trận hải chiến Hoàng Sa phải tìm đọc tất cả các bài viết liên hệ rồi phân tích, so sánh mới may ra thấy được đâu là sự thật. Chưa kể là phải sưu tầm thêm tài liệu của Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH (BTL/HQ/VNCH) cũng như từ phía Trung Cộng có liên quan đến trận hải chiến Hoàng Sa. Công việc này đòi hỏi chuyên môn và chỉ dành cho những nhà nghiên cứu.

    Trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 tôi nghĩ là một thất bại trước mắt mọi người trong nước lúc đó (trong cũng như ngoài Hải Quân) vì đã không giữ được quần đảo Hoàng Sa, chứ không phải là một chiến thắng như một số người trong Hải Quân đang huênh hoang ở hải ngoại. Dân chúng Miền Nam thì rộng lượng chấp nhận thất bại vì cho rằng VNCH qúa yếu so vơí Trung Quốc nên dư luận qua báo chí thời đó không hề chỉ trích hay lên án Hải Quân VNCH đã để mất Hoàng Sa, còn trong nội bộ Hải Quân tôi đoán đa số cảm thấy không có gì để hãnh diện, không thỏa mãn và nghi ngờ tinh thần chiến đấu của các cấp chỉ huy trong trận chiến Hoàng Sa, mặc dầu họ không biết sự thật như thế nào.

    2. Tôi xin trích đoạn từ bài viết “Tường Thuật Trận Hải Chiến Hoàng Sa” của Đại Tá Hà văn Ngạc (page 21 of 33) để quí độc giả thấy phản ứng của vị Tư Lệnh Hải Quân VNCH đối với cấp chỉ huy trận chiến Hoàng Sa.

    Đại Tá Ngạc viết: “Vào khoảng 01:00 giờ trưa (ngày 19/1/74), hai chiến hạm HQ4 và HQ5 đã cách Hoàng Sa chừng 10 hải lý, trời nắng và quang đãng. Tư Lệnh HQ đích thân ra lệnh cho cả hai chiến hạm trở lại Hoàng Sa và đánh chìm nếu cần, tôi nhận được giọng nói của Đô Đốc. Lệnh được thi hành nghiêm chỉnh ngay tức khắc. Sau khi liên lạc vô tuyến siêu tần số được điều hòa trở lại thì mọi báo cáo chi tiết về tổn thất và tình trạng lúc bấy giờ của hai chiến hạm được chuyển đầy đủ. Trên Tuần Dương Hạm HQ5 tôi cũng được thông báo về Tuần Dương Hạm HQ16 được Tuần Dương Hạm HQ6 tới hộ tống về Căn Cứ Hải Quân Đà Nẳng.

    Đến khoảng 2:30 chiều , khi cả hai chiến hạm đang trở về Hoàng Sa, quá ngang Hòn Tri Tôn, nghĩa là cách đảo Hoàng Sa chừng 1 giờ rưỡi hải hành nữa (tức là cách Hoàng Sa chừng 22 hải lý nếu chạy với vận tốc 15 hải lý/giờ:ghi chú của người viết) thì hai chiến hạm được phản lệnh trở về Đà Nẳng.”

    Tại sao Tư Lệnh Hải Quân(TLHQ) đích thân ra lệnh cho cả hai chiến hạm HQ4 và HQ5 quay trở lại Hoàng Sa?

    Tôi đoán là TLHQ sau khi nghe Đại Tá Ngạc báo cáo có phản lực cơ và chiến hạm trang bị hỏa tiễn của Trung Cộng xuất hiện để có lý do rút lui, đã không tin những gì Đại Tá Ngạc báo cáo nên mơí bắt Đại Tá Ngạc quay trở lại Hoàng Sa.

    Nhưng tại sao một giờ rưỡi sau, TLHQ lại ra phản lệnh cho phép Đại Tá Ngạc và HQ4, HQ5 trở về Đà Nẳng?

    Tôi đoán là vì TLHQ cảm thấy bất lực trước một cấp chỉ huy tỏ ra tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ ở giữa biển mà ông không thể nào kiểm soát được. Nếu đã sợ mà rút lui thì khi bắt quay trở lại, hoặc Đại Tá Ngạc có thể cho HQ4, HQ5 lềnh bềnh giữa biển mà vẫn báo cáo là đang tiến về Hoàng Sa như trích đoạn bài viết của Đại Tá Ngạc ở trên cho thấy lúc 1:00 giờ cách Hoàng Sa 10 hải lý; lúc 2:30 giờ lại cách Hoàng Sa 22 Hải lý. Như vậy là đi thụt lùi chứ đâu có tiến về Hoàng Sa như Đại Tá Ngạc viết? Có thể vị trí thật sự của HQ4, HQ5 ở các thời điểm nêu trong bài viết của Đại Tá Ngạc còn ở xa đảo Hoàng Sa hơn nữa – hoặc Đại Tá Ngạc viện dẫn lý do trở ngại kỹ thuật (như HQ4 hay HQ5 hư máy chánh chẳng hạn) để không thể thi hành lệnh được nữa.

    Còn nếu có ra lệnh bắt đánh đến chìm thì Đại Tá Ngạc và HQ4, HQ5 cũng không thể thắng được địch. Không có tinh thần chiến đấu thì làm sao thắng? Do đó theo suy đoán của tôi, TLHQ nghĩ rằng tốt hơn là cho họ trở về để đỡ tổn thất thêm hai chiến hạm mà chẳng mang lại lợi ích gì.

    3. Sau trận chiến Hoàng Sa, BTL/HQ/VNCH có báo cáo lên Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH (BTTM/QĐ/VNCH) thì tôi chắc BTL/HQ ở trong cái thế phải che dấu sự thật và phải báo cáo là cả 4 chiến hạm (HQ4, HQ5, HQ10, và HQ16) đã tận lực chiến đấu và chiến hạm nào cũng bị thiệt hại không nhiều thì ít, riêng HQ10 bị chìm. Hải Quân VNCH đã nỗ lực bảo vệ Hoàng Sa nhưng không thể thắng được một địch quân hùng hậu và tối tân hơn.

    Còn nếu báo cáo HQ4, HQ5 vô sự thì có êm xuôi không? Sau trận chiến tôi nghe nói BTL/HQ có thành lập ủy Ban Điều Tra trận chiến Hoàng Sa (do HQ Đại Tá Phạm Mạnh Khuê điều khiển thì phải) nhưng tôi chưa bao giờ được ai hỏi một câu hỏi nào!

    Tôi nghĩ BTL/HQ muốn che dấu sự thật nên khi phóng viên đài BBC phỏng vấn, hỏi tôi có phản lực cơ Trung Cộng xuất hiện trong trận chiến không? Tôi trả lời không có thì ngày hôm sau BTL/HQ phái một sĩ quan xuống HQ16 chỉnh tôi về câu trả lời của tôi.

    Tuy BTL/HQ che dấu sự thật nhưng trong nội bộ Hải Quân, BTL/HQ đã đánh giá đúng thành tích chiến đấu của các đơn vị dự trận Hoàng Sa khi chỉ tiếp đón và ban huy chương cho một mình Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ16.

    Cũng chính vì sự che dấu này mà mọi chuyện không rõ trắng đen nên bây giờ ra hải ngoại, ai muốn viết sao về trận Hoàng Sa cũng được, kể cả viết sai sự thật, miễn người viết đề cao Hải Quân.

    4. Sau khi trình bày những nhận xét của tôi về tình hình bên ngoài và bên trong Hải Quân đối với trận chiến Hoàng Sa vào thời điểm đó; tôi xin trả lời những điểm ông cựu HQ Thiếu Tá Nguyễn Chí Toàn chỉ trích tôi.

    Trước hết tôi xin trích đoạn bài viết của Đ/Tá Ngạc (page 10 of 33) nói về nhiệm vụ của Thiếu Tá Toàn như sau:

    “…Ngoài ra vị Tư Lệnh HQ Vùng (Vùng I Duyên Hải ) còn tăng phái cho tôi HQ Thiếu Tá Toàn (ghi chú của Trần Đỗ Cẩm: HQ Thiếu Tá Nguyễn Chí Toàn, Khóa 11 SQHQ/Nha Trang) mà tôi chưa biết khả năng nên trong suốt thời gian tăng phái tôi chỉ trao nhiệm vụ giữ liên lạc với các Bộ Tư Lệnh cho vị sĩ quan nàỵ”

    Ông Toàn được tăng phái cho Đ/Tá Ngạc chứ không phục vụ trên HQ5 như ông ta nói. Ông Toàn viết trong mục góp ý của Calitoday.com ngày Apr.20,2004:

    “…tôi là một trong các nhân viên trên chiến hạm HQ5 bị thương tích và tôi được biết với các tài liệu còn lưu giữ tại Hoa Kỳ bởi các giới chức Hải Quân VN liên hệ đến cuộc chiến, cho biết HQ4, HQ5 bị đạn từ hơn 30 đến 50 vết đạn lớn, không kể rất nhiều vết đạn nhỏ khác, kết quả này do tài liệu của Hải Quân Công Xưởng VNCH kiểm chứng thiệt hại các chiến hạm sau trận chiến…”

    Ông Toàn nói ông bị thương nhưng ông có được chiến thương bội tinh không? Mà bất cứ quân nhân nào dự trận bị thương cũng đương nhiên được cấp. Lúc còn ở trong nước, tôi và có lẽ nhiều HQ khác không nghe nhân viên HQ4, HQ5 bị thương hay chết trong trận Hoàng Sa cũng như HQ4, HQ5 bị trúng đạn như ông nói. Nếu có thì tại sao HQ4, HQ5 không được tiếp đón và ban huy chương mà chỉ một mình HQ16 được thôi?

    Ông Toàn cũng biết là sau khi bài viết “Sự Thật Về Trận Hải Chiến Hoàng Sa” của tôi đăng trên Thời Luận trong đó có nói HQ4, HQ5 chẳng bị trầy một vết sơn nào cả thì Hội Đồng Hải Sử (HĐHS) gồm hai vị cựu Đại Tá HQ đã lên tiếng chỉ trích tôi y hệt ông Toàn chỉ trích và còn nói thêm là một trong hai vị Đại Tá có mang theo ra hải ngoại đầy đủ phúc trình của BTL/HQ lên BTTM về trận Hoàng Sa cũng như phúc trình kiểm chứng thiệt hại của Hải Quân Công Xưởng về HQ4, HQ5, nhưng khi một số cựu HQ yêu cầu HĐHS công bố tài liệu để mọi người được biết thì HĐHS vẫn giữ im lặng!

    Như vậy sự kiện ông Toàn bị thương, HQ4, HQ5 bị thiệt hại không có gì chứng minh cả.

    Nếu ông Toàn có nêu tên vài ba người trên HQ5 đã chứng kiến ông Toàn bị thương thì tôi cũng khó mà kiểm chứng được mấy người đó có thuộc thủy thủ đoàn của HQ5 không? Ngay cả 3 chiến sĩ hy sinh thuộc HQ5 được nói đến trong “Tài Liệu Hải Chiến Hoàng Sa” của Trần Đỗ Cẩm và Vũ Hữu San (trang 248) gồm 1 Thiếu úy và 2 Hạ sĩ quan nhưng cũng không rõ tên họ của họ, trong khi tác giả cuốn sách này chuẩn bị tài liệu để viết từ năm 1990 (trang 16 sách đã dẫn) mà vẫn chưa tìm được danh tánh của 3 người này!

    Một chi tiết nữa mà ông Toàn cũng biết là Hạm Trưởng HQ5 – HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh – hiện ở San Jose- CA, được rất nhiều cựu HQ góp ý về “Tuyển Tập Hải Sử” yêu cầu lên tiếng về trận chiến Hoàng Sa, nhưng Trung Tá Quỳnh vẫn giữ im lặng, chỉ cho biết, qua Trung Tá Trần Quang Thiệu bạn cùng khóa, trận Hoàng Sa là một thất bại, không có gì hãnh diện để lên tiếng.

    5. Tiếp theo là phần trả lời ông Tuấn Nguyễn.

    Ông Tuấn viết: “Viết sự thật là 1 chuyện nên làm. Tuy nhiên nay Đại Tá Ngạc đã ra người thiên cổ thì làm sao mở miệng được. Tại sao không lên tiếng khi Đại Tá Ngạc còn sống???”.

    Không phải tôi chờ Đại Tá Ngạc ra người thiên cổ rồi mới viết bài “STVTHCHS”. Tôi không biết Đại Tá Ngạc có viết bài về trận Hoàng Sa. Chỉ khi ông Vũ Hữu San quảng cáo ra mắt sách về trận Hoàng Sa trên báo, tôi mới có ý định viết bài về trận Hoàng Sạ Trong khi nói chuyện với người bạn cùng khóa là HQ Trung Tá Võ Hữu Danh tôi mới được cho biết có bài viết về trận Hoàng Sa của Đại Tá Ngạc và Trung Úy Đào Dân và Trung Tá Danh đã cung cấp các bài viết đó cho tôi.

    Tôi chỉ đề cập đến Đại Tá Ngạc khi thấy những điều ông nói liên quan đến HQ16 mà sai sự thật.

    Những điều này cũng có liên quan đến HQ4, HQ5 dưới quyền điều động của Đại Tá Ngạc. Nếu ông không còn sống thì Hạm Trưởng HQ4, HQ5 có thể lên tiếng thay cho ông. Cũng như hai vị Đại Tá trong HĐHS cũng đã lên tiếng thay cho Đại Tá Ngạc khi buộc tội tôi “vạch áo cho người xem lưng và nói xấu đồng đội”, để không chịu tu sửa “Tuyển Tập Hải Sử” phần viết về trận chiến Hoàng Sa.

    Hai vị này cũng nói là HQ4, HQ5 bị trúng đạn trong trận Hoàng Sa nhưng lại không chịu công bố tài liệu chứng minh!

    Tôi chỉ nói sự thật và nói những cái sai của Đ/Tá Ngạc chứ không nói xấu ông ta.

    Đại Tá Ngạc không còn sống nhưng có nhiều người lên tiếng thay cho ông trong đó có cả ông Toàn, ông Tâm và ông Tuấn.

    6. Sau cùng là phần trả lời ông Hoàng Văn Tâm.

    Ông Tâm nói tôi có 3 điểm sai lầm sau đây:

    1. “Chính tác giả (Lê văn Thự) tiết lộ không biết gì về hoạt động tác chiến của HQ4, HQ5 vậy mà dám đề tựa bài là: “Sự Thật Về Trận Hải Chiến Hoàng Sa”… Ngoài ra ông còn cho biết ông mất liên lạc với CHT Hành quân là Đại Tá Ngạc vậy mà ông dám phê bình bài tường thuật trận đánh của Đại Tá Ngạc là hoàn toàn sai”.

    Thật sự tôi không hay biết gì về hoạt động của HQ4, HQ5 từ ngày 18/1/74 đến ngày 19/1/74. Trong khi HQ16 di chuyển ra vào lòng chảo quần đảo Hoàng Sa trong 2 ngày đó, tôi không thấy HQ4, HQ5 trong tầm nhìn của tôi.

    Trong trận chiến ngày 19/1/74, bài viết của ông Ngạc cũng như của ông San đều nói là HQ4, HQ5 chỉ cách đảo Quang Hòa 4 đến 5 hải lý mà sao tôi không thấy được? Tôi đoán là họ ở cách xa từ 8, 9 hải lý trở lên, và phải quan sát thật kỹ may ra mới thấy được hoặc không thể thấy được vì quá xa.

    Tôi nói sự thật những gì xảy ra trong trận chiến và đính chính những điều ông Ngạc viết saị Ông Tâm đọc lại bài viết của tôi sẽ thấy tôi nêu rõ từng điểm một ông Ngạc viết sai.

    Tôi không biết hoạt động của HQ4, HQ5 nhưng tôi biết chắc là họ không tham chiến vì họ ở rất xa trận chiến. Đó là sự thật.

    2. Ông Tâm viết: “Thú nhận không biết hoạt động của HQ4, HQ5 vậy mà ông viết như đinh đóng cột: “Sự thật HQ4, HQ5 chẳng bị trầy 1 mảnh sơn nào cả. Cả Hải Quân đều biết… Nếu HQ4, HQ5 không bị trầy 1 mảnh sơn nào thì sao lại được Tuyên Dương Công Trạng trước Quân Đội?… Trong khi đó HQ4, HQ5 phải ứng chiến với 8 tàu TC còn lại để chúng không thể tập trung tiêu diệt tàu ông. Tình thế như vậy HQ4, HQ5 chắc chắn cũng phải mang đầy thương tích và tàu ông có bị 1 viên đạn lạc thì cũng chuyện thường. Nếu không xui xẻo bị trái đạn này thì tàu ông cũng đâu có trầy 1 mảnh sơn nào ?”

    Nếu HQ4, HQ5 mang đầy thương tích kể cả người chết thì chắc chắn HQ4, HQ5 phải được Tuyên Dương Công Trạng. Nhưng sự thật HQ4, HQ5 không có mặt trong lễ tiếp đón chiến hạm trở về từ Hoàng Sa mà chỉ có một mình HQ16 được tiếp đón và gắn huy chương. Sự kiện này xảy ra ở bến Bạch Đằng trước sự chứng kiến của bao nhiêu người trong và ngòai HQ và diễn ra ngay trước BTL/HQ, chứ đâu phải xảy ra giữa biển khơi không ai thấy? Ông Tâm có nằm mơ không đây?

    Ngoài ông Tâm ra, còn có ông Chu Bá Yến khóa 11 (cấp bậc Thiêú Tá hay Trung Tá HQ tôi không rõ) cũng gửi e-mail trong nội bộ HQ kèm theo 1 tấm hình TLHQ đang gắn huy chương cho một HSQ và nói đó là tấm hình TLHQ đang tuyên dương HQ4.

    Cựu HQ Thiếu Tá Phạm Đình San đã trả lời bằng e-mail như sau: “…để tránh sự nghi ngờ là hình đã được ghép bằng kỹ thuật điện toán…, xin anh cho trích 1 đoạn phóng sự của báo Lướt Sóng Đặc Biệt đã nói về buổi lễ cùng danh tánh 1 vài nhân viên của HQ4 được gắn huy chương thì tốt hơn nữa…”.

    Tôi xin thêm là tấm hình có thể không ghép nhưng không phải là hình tuyên dương cho trận Hoàng Sa. Sau đó ông Yến trả lời là tấm hình này được “scan” từ trong quyển “Lướt Sóng-Tiếng nói của HQ-Số Đặc Biệt Chiến Thắng Hoàng Sa” mà không viện dẫn thêm được điều gì nữa để chứng minh tấm hình là thật chẳng hạn như trích dẫn bài viết trong tờ Lướt Sóng.

    Buổi lễ tiếp đón một mình HQ16 diễn ra trước mắt bá quan mà nay ông Yến, ông Tâm cố nói lấy được là HQ4 được Tuyên Dương Công Trạng thì tôi hết còn ý kiến. Thế cho nên trận chiến Hoàng Sa xảy ra giữa biển khơi khuất mắt mọi người nên những người trong cuộc thiếu tự trọng lại háo danh tha hồ nói theo ý họ bất chấp sự thật.

    Đây là một dẫn chứng khác cho thấy người trong cuộc nói sai sự thật (không đánh mà nói có đánh) nhưng lại lòi đuôi ra: trong sách “Tài Liệu Hải Chiến Hoàng Sa”(TLHCHS) của Trần Đỗ Cẩm và Vũ Hữu San trang 111 có câu: “Hai đánh một, chẳng chột cũng què” chăng. Chúng ta phục vụ trên HQ4 ngày đó đều biết rằng sau hải chiến, chúng ta vẫn tiếp tục công tác tại vùng Duyên Hải Đà Nẵng không hề hấn gì.” (tức là không bị thiệt hại, không về Sài Gòn dự lễ tiếp đón và tuyên dương: ghi chú của người viết).

    Ông Tâm nói HQ4 phải ứng chiến với 8 tàu TC. Xin ông Tâm đọc các phần trích dẫn sau đây trước khi nói. Sách “TLHCHS” của TDC và VHS (trang 67 từ dòng 18) viết:

    “Ngay sau khi nhận được lệnh tác xạ vào tàu địch, hai khẩu đại bác 76,2 ly đã chuẩn bị từ lâu, khai hỏa chính xác trúng ngay tàu địch lúc đó nằm trong khoảng cách 1,600 yards. Chỉ trong vòng vài phút đầu tiên, chiếc Kronstadt 271 là soái hạm của hải đội Trung Cộng đã bị bắn cháy không còn khả năng tác chiến. Có nguồn tin nói rằng chiếc tàu này sau đó phát nổ và đã bị chìm.”

    Trang 68 (sách đã dẫn) từ dòng 5 viết: “Mục tiêu của HQ5 là chiếc Kronstadt mang số 274 mặc dầu chống trả mãnh liệt nhưng bị hư hại nặng vì trúng nhiều đạn 40 ly và 20 ly nên bị loại ra khỏi vòng chiến …Tuy nhiên bị trúng đạn quá nặng, chiết Kronstadt này bắt buộc phải ủi vô bờ san hô phía Nam đảo Quang Hòa để tránh bị chìm.”

    Như vậy là 2 chiến hạm Kronstadt bị loại ra khỏi vòng chiến, còn lại 6 chiến hạm Trung Cộng đi đâu mà tôi không thấy trong trận chiến. Nếu có 6 chiến hạm đó thì chúng phải tiếp cứu các chiến hạm Trung Cộng khác bị thiệt hại trong lòng chảo quần đảo Hoàng Sa hay truy kích và đánh chìm HQ16, HQ4, HQ5 để trả thù chứ?

    Chưa kể các Phi Tiễn đĩnh loại Komar cuả địch đang trên đường tiếp viện. Loại Komar này chạy rất nhanh và sắp đến đảo Quang Hòa vì trang 68 (sách đã dẫn) viết: “…Trung Tá San cho biết cũng trong lúc đó, các chiến hạm VNCH quan sát thấy (không có HQ16 trong các chiến hạm này: ghi chú của người viết) có bốn lượn sóng lớn trắng xóa đang tiến từ hướng Đông Bắc với vận tốc rất nhanh và có tin các phi tiễn của địch đang trên đường tiếp viện.”

    HQ16 lúc đó như con gà què, lê lết rời Hoàng Sa sau cùng thì phải thấy các chiến hạm Trung Cộng đó chứ, và nếu có chúng thì HQ16 đã bị đánh chìm rồi!

    Trong bài “Tường Thuật Trận Hải Chiến Lịch Sử Hoàng Sa” (TTTHCLSHS) của Đại Tá Ngạc (page 18 of 33) lại viết:

    “…Nhưng chẳng may, HQ4 báo cáo bị trở ngại tác xạ ngay từ phút đầu tiên và phải chờ sửa chữạ Việc này đã làm đảo các dự tính của tôi và làm tôi bối rối. Sau vài phút chiến hạm này xin bắn thử và kết qủa vẫn bị trở ngại và cần tiếp tục sửa chữa thêm, nhưng tôi vẫn còn chút hy vọng. Khu trục hạm HQ4 vài phút sau lại xin tác xạ thử lần thứ ba nhưng vẫn không có kết quả…”

    Như vậy ông Tâm thấy HQ4 có hạ được chiếc Kronstadt 271 không? Và có ứng chiến được 8 tàu Trung cộng không? Hay Đại Tá Ngạc nói sai? Hay hai ông TDC và VHS nói sai? Hay tất cả các ông đó đều sai?

    3. Điểm thứ 3, Ông Tâm viết: “Cuối bài viết, sau những suy luận vớ vẫn, ông gán cho Đại Tá Ngạc và bình luận gia Trần Bình Nam cái quyết định do ông nghĩ ra, để ông đưa ra một hàm ý nhục mạ các cấp chỉ huy HQVNCH trong trận HS.”

    Bài viết của tôi có đề cập đến bài “Biển Đông Dậy Sóng”(BDDS) của ông Trần Bình Nam. Tôi rất tiếc là tôi đã không trích đầy đủ để dẫn chứng điều ông Trần Bình Nam nói: là có lẽ có sự thỏa thuận ngầm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH. Nay tôi không còn giữ bài “BĐDS” nữa nên không trích ở đây được để ông Tâm thấy. Bây giờ tôi trích nguyên văn từ bài “TTTHCLSHS” của Đại Tá Ngạc (page 29 of 33) để ông Tâm thấy:

    “…HQ Đại Tá Đỗ Kiểm, tham mưu phó hành quân tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân còn đặc biệt cho tôi hay là có chiến hạm bạn (là Hoa Kỳ:ghi chú của người viết) ở gần, nhưng với sự hiểu biết của tôi, tôi không có một chút tin tưởng gì vào đồng minh này kể từ tháng 2 năm 1972 khi Hoa Kỳ và Trung Cộng đã chấm dứt sự thù nghịch nên Hải Quân họ sẽ không một lý do gì lại tham dự vào việc hỗ trợ Hải Quân VN trong vụ tranh chấp về lãnh thổ. Họa chăng họ có thể cứu vớt những người sống sót nếu các chiến hạm VN lâm nạn. Nhưng thực tế cho thấy trong suốt cuộc tìm kiếm những nhân viên từ Hộ Tống hạm HQ10 và các toán đổ bộ lên trấn giử các đảo đã đào thoát để trở về đất liền, chúng ta không nhận thấy một hành động nhân đạo nào từ phiá đồng minh kể cả của phi cơ không tuần…”.

    Cũng trang 29 of 33 sách đã dẫn viết:

    “…Một suy luận nữa là có thể trận hải chiến là một cuộc điều chỉnh sự nhượng quyền chiếm giữ từ một nhược tiểu đến một cường quốc theo một chiến lược hoàn cầu mà vài cường quốc đã ngầm thỏa thuận trước…”

    Đại Tá Ngạc tuy không nói thẳng ra là Trung quốc quá mạnh (với phi tiễn đỉnh, với phản lực cơ, với tiềm thủy đỉnh) và đã có sự nhượng quyền giữa hai cường quốc nên Hải Quân VN Cộng Hoà có đánh cũng không thắng được (nếu không muốn nói là vô ích), nhưng những ý tưỏng này bàng bạc trong bài viết của Đại Tá Ngạc và cũng là lý do biện bạch cho sự rút lui của Đ/Tá Ngạc.

    Không biết ông Tâm có thấy không nhưng nếu độc giả đọc bài “TTTHCLSHS” của Đại Tá Ngạc thì chắc sẽ thấy.

    Chính vì bị ám ảnh bởi các ý tưởng này nên Đại Tá Ngạc quá lo sợ mà không dám đánh. Nội việc trên đường trở về Đà Nẳng mà còn sợ tiềm thủy đĩnh Trung Cộng phục kích thì còn đâu tinh thần để chiến đấu ?

    Chính vì sợ mà Đại Tá Ngạc chỉ để cho HQ16 và HQ10 đánh cho lấy có (theo ý nghĩ của Đại Tá Ngạc) rồi cùng HQ4, HQ5 rút lui.

    Phần sau cùng bài viết “STVTHCHS” của tôi chủ ý muốn nói là nếu cấp chỉ huy trận chiến và các đơn vị tham chiến đồng tâm hiệp lực mà đánh thì Hoàng Sa đã không mất lúc đó. Còn chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai nơi đảo Hoàng Sa thì tôi không thể biết được.

    7. Trong phần đầu của bài “STVTHCHS”, tôi có nói muốn biết rõ trận Hải Chiến Hoàng Sa, những nhà nghiên cứu cần phải truy tầm tài liệu cả về phiá Trung Cộng nữa.

    Hai ông TĐC và VHS đã làm công việc đó. Từ trang 102 đếøn trang 115 sách “TLHCHS” của TĐC và VHS nói về các website Trung Cộng mà nội dung đề cập đến HQ4. Các website này viết bằng Hoa ngữ và được trích dịch sang Anh ngữ nhưng khi đọc tôi thấy lủng củng, sai văn phạm và rất khó hiểu. Tôi chỉ đoán chừng thôi.

    Tôi chắc các website này nếu có, cũng không nói lên sự thật vì Trung Cộng cách nay 30 năm là một nước độc tài sắt máu và cho đến bây giờ chính quyền Trung Cộng vẫn còn bắt giam những ai khác chính kiến, đòi tự do dân chủ hay chỉ trích chính quyền.

    Trận Hải Chiến Hoàng Sa lại liên quan đến Quân Đội nhân dân Trung Quốc tức là thuộc loại bí mật Quốc Phòng thì ai trong nước họ dám lên tiếng đề cao kẻ địch là HQ4 như sách “TLHCHS” đã khoa trương?

    Nếu đề cao kẻ địch chẳng được lợi ích gì mà còn mang họa vào thân thì có ai điên khùng để làm việc đó không?

    Sự thật đọc mấy đoạn website trích dẫn trong “TLHCHS”, tôi chẳng thấy họ đề cao gì đến HQ4 cả.

    Các website Trung Cộng nói về trận chiến Hoàng Sa nếu có, thì chỉ là do sự dàn dựng của chính quyền Trung Cộng mà thôi. Mục đích là để nói với thế giới quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của họ. Họ có dân ở đó, có cả một đội ngư thuyền ở đó và Hải Quân VNCH đã đến khiêu khích, đe dọa ngư dân, ủi và làm hư hại ngư thuyền của họ, cũng như xâm chiếm đảo của họ như một vài website đã trích dẫn trong sách “TLHCHS” của TĐC và VHS nói.

    Trong bài “STVTHCHS” và bài trả lời này của tôi, tôi luôn luôn khẳng định HQ4, HQ5 không trực chiến với tàu Trung Cộng, họ chỉ ở bên ngoài “wait and see” rồi rút lui, nhưng tại sao Trung Cộng lại biết HQ4 và nói đến HQ4 trong website ?

    Cái đó là vì Trung Cộng có bắt và đem về Trung Quốc một số quân nhân của HQ10 còn sống sót gồm sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ và một Trung úy cùng một số nhân viên thuộc HQ4 đưa lên giữ đảo.

    Trung Cộng đã điều tra để lấy tin tức từ nhóm quân nhân này nên mới biết rõ tên và chi tiết của từng chiến hạm VN cũng như cấp chỉ huy VN trong trận chiến.

    Trong bốn chiến hạm VN thì Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ4 là tối tân nhất do đó Trung Cộng mới nói đánh cho HQ4 tơi bời hoa lá thì mới oai hùng, (như website trích trong “TLHCHS” nói) chứ đánh với các chiến hạm tầm thường như HQ16, HQ10 thì đâu có gì oai phong. Trung Cộng đã cường điệu khi nói như vậy và HQ4 cũng dựa vào đó để cường điệu theo, chứ tối tân nhất mà chịu nhận là không đánh đấm gì cả thì coi sao được?

    Sau khi trả lời rất chi tiết những góp ý của ba độc giả nêu trên và đề cập đến tính bất khả tín của tài

    liệu do BTL/HQ VN Cộng Hòa và Trung Cộng đưa ra nếu có, tôi nghĩ là bài trả lời của tôi đã quá đủ, kể cả cho những thắc mắc chưa được nêu lên.

    Tôi xin cám ơn Calitoday đã đăng bài “STVTHCHS” cũng như bài trả lời độc giả này của tôi.

    Kính.

    Lê Văn Thự
    Calitoday, 1/6/04

  2. Curious says:

    Sau đây là đoạn văn nói về việc kụ hồ mời quân trung coóc sang giữ nhà hộ được trích trong hồi ký “Giọt nước trong biển cả ” của Hoàng Văn Hoan nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam :

    ” 1965 đến năm 1970, khi đế quốc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc, theo yêu cầu của Hồ Chủ
    tịch và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam,
    Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phái hơn ba mươi vạn bộ đội Trung Quốc gồm phòng không, công trình, đường sắt và hậu cần, mang theo toàn bộ vũ khí, trang bị, phương tiện, máy móc và vật liệu sang giúp Việt Nam, và đã hoàn thành được những nhiệm vụ quan trọng như đắp được 1.231 cây số đường ô tô, 476 cây số đường sắt, xây thành sân bay Yên Bái v.v… Đồng thời với việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, các đồng chí còn bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, cùng quân dân Việt Nam bảo vệ được các đường giao thông từ Bắc vào Nam.
    Ở những nơi đóng quân, các đồng chí Trung Quốc còn tích cực giúp nhân dân địa phương sơ tán người già, trẻ con, đào hầm hố phòng không, cứu chữa những người bị bệnh, bị thương v.v…gây thêm được mối tình thắm thiết giữa nhân dân hai nước Việt – Trung. Trong khi làm nhiệm vụ quốc tế, hơn một nghìn đồng chí Trung Quốc đã bị hy sinh và hơn ba nghìn đã bị thương trên đất Việt Nam. Đến tháng 7 năm 1970, khi làm xong nhiệm vụ, toàn thể bộ đội đó đã trở về Trung Quốc. Sự có mặt của bộ đội Trung Quốc ở Việt Nam còn có một ý nghĩa hết sức quan trọng là làm cho đế quốc Mỹ không dám đưa quân trực tiếp đụng đến đất đai miền Bắc, để quân dân ta có điều kiện dốc sức vào cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.

    4 – Ngoài những mặt nói trên, Trung Quốc còn thật sự là hậu phương vững chắc của Việt Nam
    Dưới sự bắn phá của máy bay Mỹ, giao thông vận tải là một vấn đề rất khó giải quyết. Trung Quốc đã tìm đủ trăm phương ngàn kế giúp ta giải quyết vấn đề này một cách có hiệu quả, như giúp ta đặt đường ống dẫn dầu dài chừng 4.000 cây số để đưa dầu Trung Quốc đến tận miền Nam Việt Nam. Bắt đầu từ năm 1967, Trung Quốc điều động 500 chiếc xe vận tải trực tiếp chuyển hàng vào Việt Nam. Sau khi cảng Hai Phòng bị Mỹ thả thủy lôi phong tỏa, Trung Quốc lại điều động thêm 2.200 chiếc xe vận tải chia ra năm đường chở các hàng viện trợ vào trong nội địa Việt Nam.
    Về đường biển, sau năm 1965, Trung Quốc đã mở một đường bí mật cho tàu đi theo bờ biển chở hàng viện trợ đến mấy hòn đảo nhỏ ở Trung bộ để tiện cho Việt Nam chuyển vào miền Nam. Trung Quốc còn dành hai cửa biển ở đảo Hải Nam để Việt Nam dùng làm trạm chuyển tiếp vật tư vào Nam.
    Một điều có tầm quan trọng đặc biệt là trung Quốc đã bỏ ra nhiều ngoại tệ mở một con đường qua Campu-chia đến tận Nam bộ để chở hàng viện trợ của Trung Quốc như vũ khí, đạn được, lương thực, thuốc men thẳng đến cho Quân giải phóng miền Nam.
    Trung Quốc còn thường xuyên giúp vận chuyển…..”

    Đọc xong chắc quý vị củng phải Đỗ Mười cái thằng khồn nạn hèn hạ dám làm mà không dám nhận!

    • phaman51 says:

      Cám ơn Curious đã trích một đoạn tài liệu trích trong hồi ký “Giọt
      nước trong biển cả” của Hoàng Văn Hoan.
      Qua đó cho ta thấy :
      - Lý do tại sao TQ đánh 6 tỉnh phía Bắc VN năm 1979.
      - CSVN đành ngậm đắng nuốt cay, vì khi “há miệng thì mắc quai”.

  3. Trần Hoàng says:

    Tôi thấy một khoảng thời gian ngắn trước năm 1974, báo chí Miền nam rầm rộ tin tức về các hãng thầu nước ngoài đi thăm dò dầu khí ở ngoài biển đông và có một số đã đưa vào khai thác như các giếng Bạch hổ, Bông hồng… và không bao lâu sau tới ngày 19/1/1974, Trung quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng sa (vấn đề này, chắc chắn nằm trong sách lược của Mỹ).
    Trước 30/4/1975, những vũ khí, súng đạn, của QLVNCH con để lại gần như nguyên vẹn và máy bay cũng còn để lại rất nhiều (cũng nằm trong sách lược lâu dài của Mỹ, vì muốn để các loại vũ khí này cho CSVN xử dụng sau này).
    Năm 1979, khi TQ đem quân đánh các tỉnh biên giới phía bắc, VN liền đem các loại vũ khí chiếm được trước đây và đem ra xử dụng rất hiệu quả trong các cuộc phản công lại quân TQ (như M-79, đại bác 105 ly). Khi đánh qua Kampuchia, VN cũng xử dụng các loại xe thiết giáp (M-113) và máy bay như F-5, A-37, các loại vũ khí của miền nam trước đây còn để lại.
    Thấy không thể thắng nổi cuộc chiến tranh nhân dân (học thuyết của Mao Trạch Đông, được áp dụng đầu tiên trên qui mô lớn tại VN), Mỹ liền chuyển hướng, bắt tay và liên minh với TQ để chống Liên Xô
    (Liên Xô lúc đó nguy hiểm hơn TQ, vì Liên Xô thủ đắc các loại vũ khí mang đầu đạn nguyên tử, trực tiếp uy hiếp nền an nính của Mỹ). Sau đó cục diện Á châu thay đổi hoàn toàn… Năm 1978, VN đánh chiếm Campuchia và ở đây đến 10 năm sau mới rút, thế giới cấm vận VN trong suốt thời gian chiếm đóng này. Năm 1979, TQ đánh phá 6 tỉnh phía bắc VN (trước khi đó Đặng Tiểu Bình đến thăm Hoa Kỳ) và cuộc chiến biên giới tiếp diễn đến 10 năm sau đó. VN khổ ải, điêu linh trong chiến tranh và sau chiến tranh.
    Ngày nay Mỹ trở lại Á châu, vì sự trổi dậy mạnh mẽ của TQ, biển đông nổi sóng với chính sách bành trướng cố hữu của TQ, trong đó có quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa.
    Qua đó cho ta thấy bàn cờ thế giới do các nước lớn xếp đặt, tôi xin mượn câu nói “Dại cũng chết, khôn cùng chết, biết cách sống thì sống”.

  4. NGUYEN AN says:

    Sài Gòn không cần “nhập tịch”
    (Vũ Thế Thành)
    http://www.haingoaiphiemdam.com/Sai-Gon-khong-can-nhap-tich-12965

    @ Bà con đọc bài nầy, để nhẹ nhàng giải lao chút đi!

    • Tudo.com says:

      @NGUYEN AN says:
      06/02/2014 at 16:50
      Sài Gòn không cần “nhập tịch”
      (Vũ Thế Thành)
      http://www.haingoaiphiemdam.com/Sai-Gon-khong-can-nhap-tich-12965
      @ Bà con đọc bài nầy, để nhẹ nhàng giải lao chút đi!

      Trước xin cảm ơn Nguyen An cho link đọc giải lao. Và cũng cảm ơn Vũ Thế Thành đã gợi lại một Sài Gòn quá thật, quá hay !
      Thật đến nổi tuổi thơ Sài Gòn, tuổi trẻ miền Nam của chúng ta tràn về trong mắt tôi đầy lệ !

      Xin gửi Quí vị một đoạn trong bài thơ Ta Về của Tô Thuỳ Yên :

      Ta về qua những truông cùng phá
      Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
      Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
      Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

      Ta về như lá rơi về cội
      Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
      Chút rượu nồng đây xin rưới xuống
      Giải oan cho cuộc biển dâu nầy

      Ta về cúi mái đầu sương điểm
      Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
      Cảm ơn hoa đã vì ta nở
      Thế giới vui từ mổi lẻ loi

      Nhân tiện cũng gửi 4 câu thơ của Hoàng Hải Thuỷ, tặng cho người bạn ( gọi phone, than nhớ Sài Gòn nhưng không về ) mà Vũ Thế Thành Nói : kẻ một đi không trở lại, vì quê hương còn bóng quân thù.

      Năm năm cứ đến ngày oan trái
      Ta thắp hương lòng để nhớ thương
      Xa nửa địa cầu thương nhớ mải
      Ôi ! Những tàn xương ở cố hương !

  5. lethiep says:

    Trung Quốc thú nhận đã gửi hơn 300.000 lính chiến đến Việt Nam để chiến đấu chống lại lực lượng Mỹ và đồng minh Nam Việt Nam.

    http://news.google.com/newspapers?nid=1350&dat=19890516&id=HkRPAAAAIBAJ&sjid=_gIEAAAAIBAJ&pg=3769,1925460

    • DâM TiêN says:

      Thưa :

      Có, có lính và chuyên viên TrungCóc sang giúp Cộng phỉ Rợ Hồ.

      Có, là chắc chắn. Nhưng vì sao Trung Cóc lại đưa cái lưng ra ?

      Bởi vì sẽ có giải kết vấn đề VN-Đông dương, và Tàu muốn xí phần!

      • LeThiep says:

        Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Ðại sứ của CSVN tại Bắc Kinh từ 1974 đến 1989, đã nói như sau:

        “Ðánh ta năm 1979 một mặt gạt bỏ sự hàm ơn của ta đối với những giúp đỡ trước đây của nhân dân Trung Quốc, mặt khác tự phơi bày ý đồ vụ lợi trong sự viện trợ cho ta. Khi không đạt được thì trở mặt… Năm 1984, Trung Quốc huy động một Trung đoàn với hỏa lực mạnh liên tục tấn công bắn giết phân đội quân ta đóng giữ cao điểm 1.502 ở huyện Vị Xuyên, cuối cùng chiếm lấy cao điểm ấy làm điểm quan sát từ xa, nhòm vào nội địa ta. Ở biên giới phía Bắc nước ta từ trước đến nay, dân hai bên đã có những việc xâm canh, xâm cư, dân ta cũng có một số điểm xâm canh sang đất Trung Quốc, diện tích không đáng kể, dân Trung Quốc xâm canh, xâm cư sang nước ta tại rất nhiều điểm, tổng diện tích khá lớn. Trong đàm phán phân định biên giới, Trung Quốc luôn nêu lên “phân định theo hiện trạng”, tranh luận qua lại, Trung Quốc luôn nêu “nhân nhượng lẫn nhau vì đại cục(?),cuối cùng Trung Quốc vẫn ăn hơn thì mới chịu. Thác Bản Giốc vốn của ta nay họ chiếm đứt được một nửa. Xưa Nguyễn Trãi tiễn cha đến tận ải Nam Quan, trước nay ta vẫn nói đất nước ta từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, sau đàm phán, biên giới nước ta tụt lùi xuống mãi đến chợ Tân Thanh, đối diện đã là trụ sở hải quan của Trung Quốc…”

      • LeThiep says:

        Hà nội tố cáo mưu đồ của quan thày Tàu cộng trong Bạch Thư ngày 4/10/79:

        Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương. Pháp lo sợ thắng lợi hoàn toàn của nhân dân Việt Nam sẽ dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Trung Quốc là nước cung cấp nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam vào cuối cuộc kháng chiến của nhân dân Việt nam chống thực dân Pháp. Những người lãnh đạo Trung Quốc đã lợi dụng tình hình đó để đứng ra làm người thương lượng chủ yếu đối với đế quốc Pháp, câu kết với chúng và cùng nhau thoả hiệp về một giải pháp có lợi cho Trung Quốc và Pháp, không có lợi cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Campuchia. Họ đã hy sinh lợi ích của nhân dân ba nước ở Đông Dương để bảo đảm an ninh cho Trung Quốc ở phía nam, để thực hiện mưu đồ nắm Việt Nam và Đông Dương, đồng thời để có vai trò là một nước lớn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, trước hết là ở châu Á. Trong Hội nghị Giơnevơ năm 1954 mà phần đầu dành cho vấn đề Triều Tiên, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa lần đầu tiên xuất hiện ngang hàng với bốn cường quốc uỷ viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đó là một cơ hội tốt cho những người lãnh đạo Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Á và châu Phi. Đồng thời, họ tìm cách bắt tay với đế quốc Mỹ qua các cuộc thương lượng trực tiếp bắt đầu Giơnevơ, về sau chuyển sang Vacsava.

      • LeThiep says:

        Trong Bạch Thư ngày 4/10/79 , Hà nội vạch rõ âm mưu của Tàu cộng của quan thày Tàu cộng:

        Vì Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong chiến lược của Pháp giữa những năm 1950 cũng như trong chiến lược của Mỹ đầu những năm 1970, những người lãnh đạo Trung Quốc đã dùng “con bài” Việt Nam để câu kết với bọn đế quốc, phục vụ cho ý đồ chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của họ. Đồng thời họ mưu toan một mình nắm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, một vấn đề trung tâm của đời sống chính trị quốc tế lúc bấy giờ để giương cao chiêu bài “chống chủ nghĩa đế quốc” hòng nắm quyền “lãnh đạo cách mạng thế giới”, dìm ảnh hưởng của Liên Xô.
        ……………
        Chủ tịch Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965:

        “Chúng ta phải giành cho được Đông nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malayxia và Singapo…Một vùng như Đông nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản…xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy…Sau khi giành được Đông nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây…”.
        ………….
        Những người lãnh đạo Trung Quốc âm mưu nắm Việt Nam để nắm toàn bộ bán đảo Đông Dương, mở đường đi xuống Đông nam châu Á. Trong cuộc gặp giữa đại biểu bốn đảng cộng sản Việt nam, Trung Quốc, Inđônêxia và Lào tại Quảng Đông tháng 9 năm 1963, thủ tướng Chu Ân Lai nói:

        “Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông nam châu Á”.

        Để làm suy yếu và nắm lấy Việt Nam, họ ra sức phá sự đoàn kết giữa ba nước ở bán đảo Đông Dương, chia rẽ ba nước với nhau, đặc biệt là chia rẽ Lào và Campuchia với Việt Nam. Đồng thời họ cố lôi kéo các nước khác ở Đông nam châu Á đối lập với Việt Nam, vu khống, bôi xấu, hòng cô lập Việt Nam với các nước trên thế giới.
        …………..
        Những người lãnh đạo Trung Quốc hy vọng tập hợp lực lượng ở Đông nam Châu Á để tiến đến tập hợp lực lượng trên thế giới hòng thực hiện chiến lược toàn cầu của họ.
        ……………..
        Chính sách của những người lãnh đạo Trung Quốc muốn thôn tính Việt Nam nằm trong chính sách chung của họ đối với các nước Đông nam châu Á cũng như đối với các nước láng giềng ……… Họ tập trung mọi cố gắng để dấy lên một cuộc “thập tự chinh quốc tế” của các lực lượng đế quốc và phản động chống Liên Xô dưới chiêu bài “chống bá quyền” theo công thức của chủ tịch Mao Trạch Đông “Ngồi trên núi xem hổ đánh nhau”. Như nhiều nhà chính trị và báo chí Tây Âu nhận định, Trung Quốc quyết tâm “đánh Liên Xô đến người Tây Âu cuối cùng” cũng như Trung Quốc trước đây đã quyết tâm “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”.
        …………….
        Chính sách ngày nay của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam, mặc dù được nguỵ trang khéo léo như thế nào, vẫn chỉ là chính sách của những hoàng đế “thiên triều” trong mấy nghìn năm qua, nhằm thôn tính Việt Nam, biến Việt Nam thành một chư hầu của Trung Quốc.

  6. lethiep says:

    Cộng sản Bắc Hàn cũng đã từng tham chiến với quân đội Miền Bắc. Ngoại trưởng Bắc Hàn Paek Nam Sun, nhơn khi sang thăm Việt Nam từ ngày 25 đến 27-03-2000, đã đến viếng nghĩa trang nơi chôn 14 quân nhân Bắc Hàn. Năm nào nghĩa trang này cũng được các viên chức sứ quán Bắc Hàn viếng thăm. Theo một bản tin của thong tấn xã Nam Hàn Yonhap, đa số quân nhân Bắc Hàn tử trận đều là phi công chiến đấu. Các phi công này đóng tại phi trường Kép, thuộc huyện, tỉnh nói trên vào những ngày đầu của cuộc chiến, khoảng 1967-1968. Những phi công này đã bị phi cơ Hoa-kỳ bắn hạ khi họ bay lên nghinh chiến .

  7. lethiep says:

    ……..Tiến sỹ Anatoly Sokolov, chuyên gia về Việt Nam tại Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga,

    BBC: Và ngược lại, thì người Nga, hay đúng hơn là người Soviet, cũng đã tham gia trong các cuộc chiến ở Việt Nam?

    TS Sokolov: Vâng, chúng ta nói tới hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất đánh thực dân Pháp, nhiều người Nga tham gia lực lượng lính lê dương của Pháp đã chạy sang phía Việt Minh. Một trong những người đó là ông Platon Skrzhinski.

    Rồi sau đó có ông Fyodor Bessmernyi, và nhiều người khác. Những người này tham gia lê dương vì nhiều lý do nhưng sau đó hiểu ra là số phận của họ gắn liền với cuộc đấu tranh độc lập dân tộc của người Việt Nam.

    [Tổng cộng có bốn làn sóng người Nga gia nhập quân đoàn viễn chinh nước ngoài tại Đông Dương. Đầu tiên là hồi cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, làn sóng thứ hai là những năm 20 của thế kỷ trước, thứ ba là khi Thế chiến II bắt đầu, và đợt thứ tư là những năm chiến tranh. Năm 1921, có 107 lính lê dương Nga ở Việt Nam. Đến năm 1929, con số này lên đến 129.]

Phản hồi