Đức Thành: Chết chưa phải là đã “hết”
Thông thường trước cái chết của một con người, trong nhân gian thường có câu cửa miệng rằng “chết là hết”. Câu cửa miệng này thể hiện nhiều trạng thái khác nhau. Hàm ý mỉa mai có, khinh bỉ có, tiếc nuối có, thương xót có…
Nhưng khi một con người lúc sống chỉ biết có mình, sống mưu mô quỉ quyệt với bạn bè đồng chí, đồng nghiệp, dẫm đạp lên dư luận, vơ lợi bất chính cho cá nhân bản thân gia đình và bè cánh, thì thậm chí có chết già chết tự nhiên hay chết do bệnh tật đi chăng nữa ắt sẽ phải nhận được câu nói trên với hàm ý mỉa mai khinh bỉ, với nghĩa nguyền rủa: thế là kẻ đó đã hết cơ hội sống để mà bè cánh kiếm chác, vơ lợi, bất nhân và đẩy người đời đến oan khuất bất công… và thường đi kèm với cụm từ “trời có mắt”.
Mấy ngày gần đây theo dõi trên báo chí cả lề đảng lẫn lề dân, thấy người ta bàn tán nhiều về cái chết của ông Phạm Quý Ngọ khi ông đương chức thứ trưởng bộ công an, nhưng không phải bàn tán về lý do ông ốm đau, bệnh tật… mà chết như những người bình thường khác. Cũng như ít thấy họ thương xót hay khinh bỉ ông mà hầu hết các bài báo, bài viết nhất là trên các trang lề dân chỉ quan tâm đến việc đảng và nhà nước sẽ xử lý vụ việc tử tù Dương Chí Dũng đã tố cáo ông nhận hối lộ của Dũng và một vài người khác với số tiền lên đến hơn một triệu rưỡi USD như thế nào. Dũng cũng tố cáo rằng ông đã mật báo cho Dũng biết trước rằng Dũng sẽ bị bắt, thậm chí còn khuyên Dũng “nên trốn đi đâu đó một thời gian”.
Cũng chẳng biết lời tố cáo của tử tù Dũng nặng ký đến đâu mà được lãnh đạo ngành chống tham nhũng của đảng đặc biệt quan tâm và đã phải hạ cố đến tòa để theo dõi các phiên xét xử anh em nhà Dũng. Và điều đặc biệt là ngay tại phiên tòa xét xử em trai Dũng (Dương Tự Trọng), tòa cũng đã căn cứ vào quyền hạn của mình theo luật định để ra quyết định khởi tố vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”.
Chỉ biết rằng từ khi tòa có quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước đã hơn một tháng nay nhưng chưa thấy tòa hay cơ quan nào khác được luật qui định khởi tố bị can, hay nói cách khác là không thấy nhà nước khởi tố những người đã gây ra vụ án đó – thực hiện hành vi phạm tội làm lộ bí mật nhà nước đó (đây là điều mà bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam qui định bắt buộc), khiến mọi người đang chuyển dần sang bán tín bán nghi rằng hình như kẻ thực hiện tội phạm trong vụ án làm lộ bí mật nhà nước này không phải do người mà là “ma” thì phải nên mới không thấy khởi tố bị can trong hơn một tháng nay. Theo qui định của bộ luật tố tụng hình sự thì chỉ có “người” mới bị coi là “bị can” để mà khởi tố chứ nếu là “ma” thì luật lại không coi là bị can. Do đó ai mà khởi tố bị can “ma” sẽ là phạm pháp.
Trở lại vấn đề phạm tội của Dương Chí Dũng vì nó đã để lại hệ quả nặng nề về kinh tế, xã hội cho đất nước và dân tộc. Con số thất thoát là khủng khiếp. Từ cái sự thất thoát khủng khiếp ấy Tòa án tối cao đã căn cứ để lượng hình xử phạt Dương Chí Dũng và đồng bọn.Tuy có bắt các bị cáo phải bồi hoàn những khoản thất thoát cho nhà nước và Dũng cũng đã lập công chuộc tội bằng cách khai ra số tiền làm thất thoát ấy do Dũng tham nhũng và đem hối lộ. Dũng đã khai hối lộ cho những ai và bao nhiêu tiền mỗi người đều rõ cả. Vậy mà cho đến nay chưa thấy đảng cầm quyền và nhà nước do người của đảng lãnh đạo đi đến những nơi do Dũng chỉ ra để thu hồi khoản tiền đó đem về trả lại cho nhà nước. Mới hay rằng ở Việt Nam mình thật hay, thật lạ. Chuyện hay, chuyện lạ đến mức mà kẻ làm thất thoát tài sản của nhà nước chỉ bị xét xử, bị coi là có tội khi tài sản của nhà nước chẳng còn gì để người được chính phủ đề bạt cất nhắc làm thất thoát được nữa. Và khi kẻ làm thất thoát đã chỉ ra cho đảng và chính phủ chỗ chứa những đồng tiền của nhà nước bị thất thoát ấy, thì đảng, chính phủ lại lừng khừng không dám đến đó để lấy lại?!
Bởi thế đến nay mọi người dân Việt cũng như cộng đồng Quốc tế quan tâm đến những chuyện của Dương Chí Dũng mới chỉ biết đến có vụ khởi tố vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” nhưng lại đang thiếu bị can, còn những vụ án khác như đưa và nhận hối lộ, môi giới hối lộ hay những biện pháp và cách thức thu hồi những khoản tiền tài sản do Dũng đã tham nhũng để đưa hối lộ, môi giới hối lộ cho những kẻ đã nhận hối lộ theo lời khai của Dũng hiện nay vẫn hoàn toàn bị đảng và nhà nước lãng quên.
Một con người bình thường khi chết đi dù được người dân thương xót hay mỉa mai khinh bỉ thì câu nói cửa miệng của mọi người “chết là hết” cũng đúng tuy rằng tâm trạng có khác nhau.
Nhưng một con người như ông Phạm Quý Ngọ đang gánh trọng trách trong ngành công an đặc biệt trong lĩnh vực điều tra tội phạm lại đang bị tố là nhận hối lộ bằng tài sản của nhà nước do chính kẻ đang bị ông Ngọ chỉ đạo điều tra tham nhũng và đem hối lộ. Biết vậy mà ông vẫn nhận số tiền ấy để mật báo cho Dương Chí Dũng biết tin và chạy trốn theo như khai báo của Dương Chí Dũng thì quả là sự chết chưa thể hết chuyện được nếu nhân dân ta có một đảng chân chính và nhiều đảng vì công bằng dân chủ cho đất nước.
Nhiều học giả trí thức cũng đã từng phân tích để làm rõ lời khai của Dương Chí Dụng về ông Ngọ thật đến đâu thì chỉ cần tổng kiểm tra tài sản của gia đình, người thân của ông trong thời gian Dũng đưa hối lộ và các nhân chứng vật chứng, thời gian không gian địa điểm về tin mật báo cho Dũng, sẽ thấy rằng dù ông Ngọ có chết đi cũng không thể xóa được hết chuyện Dương Chí Dũng đã tố cáo về ông Ngọ và những người khác.
Nếu “chết là hết” để đậy vụ làm lộ bí mật lại thì coi chừng có thể Dương Chí Dũng lại là Nguyễn Thanh Chấn thứ hai và nếu Dương Chí Dũng tố cáo sai mà đảng nhà nước lại đậy vụ án lại thì e rằng hương hồn ông Ngọ không thể “ngậm cười nơi chín suối”. Mặt khác nếu coi “CHẾT LÀ HẾT” để đình chỉ vụ án thì chính cơ quan ra quyết định đình chỉ vụ án đã vi phạm vào điều 10 bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam vì điều 10 này qui định “cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội..”
Theo tinh thần này thì dù ông Ngọ có chết đi thì các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật vẫn phải làm rõ những qui định tại điều 10 bộ luật tố tụng hình sự. Vì điều 107 bộ luật này chỉ qui định không khởi tố khi người thực hiện hành vi nguy hiểm đã chết. Nhưng trong vụ án này đã có quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật từ trước khi ông Ngọ chết. Mặt khác theo điều 164 bộ luật tố tụng hình sự thì muốn đình chỉ điều tra vẫn phải ra kết luận điều tra, bản kết luận điều tra phải nêu rõ quá trình điều tra, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra.
Như vậy trong trường hợp này cơ quan pháp luật đã khởi tố vụ án được hơn một tháng ông Phạm Quý Ngọ mới chết, thì vẫn có thể tiến hành tiến hành xác minh làm rõ lời khai của Dương Chí Dũng. Sau khi có kết luận điều tra vẫn phải nêu rõ quá trình điều tra trong đó có cả kết quả xác minh lời khai của Dương Chí Dũng có đúng hay không và nêu lý do đình chỉ vụ án mặc dù nếu có đủ căn cứ chỉ mình ông Ngọ phạm tội thì vẫn phải đình chỉ vì ông Ngọ đã chết.
Theo tinh thần này thì “chết chưa chắc đã hết” được.
Và sẽ không thể hết được nếu như gia đình ông Ngọ không chứng minh được khối tài sản hiện có
Ngược lại cũng không thể hết được chuyện nếu Dương Chi Dũng tố cáo sai vì nhà nước còn phải truy danh cho ông Ngọ để ông khỏi bị hàm oan như bao nhiêu dân thường khác, vì ông là ủy viên trung ương đảng cơ mà!
© Đức Thành
Nguồn: boxitvn