WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bốn nước Á Châu Dân Chủ

Trong chuyến công du Á Châu vừa qua Tổng Thống Barack Obama chỉ thăm những quốc gia đang sống với thể chế tự do dân chủ: Ấn Ðộ, Indonesia, Ðại Hàn Dân Quốc, và Nhật Bản. Bốn quốc gia này có những điều kiện văn hóa, tôn giáo, xã hội và chủng tộc khác nhau, quá trình hình thành chế độ dân chủ tại mỗi nước cũng khác nhau.

Ðó là bằng cớ chứng tỏ rằng dân chủ tự do là một thể chế có thể áp dụng trong mọi điều kiện mà vẫn đem lại lợi ích cho các dân tộc. Ông Obama không quên nhân dịp này lên tiếng ngợi ca những ích lợi của cuộc sống tự do dân chủ.

Tại Ấn Ðộ, ông Obama đã công nhận nền kinh tế của quốc gia này đang vươn lên trong hai chục năm qua sau hơn 40 năm theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Ông nhấn mạnh rằng người ta không thể nói Ấn Ðộ đã phát triển “mặc dầu” theo thể chế dân chủ, mà ngược lại phải nói kinh tế Ấn Ðộ đã phát triển chính “vì nhờ” có chế độ dân chủ. Tại Indonesia, ông Obama đã được dân chúng đón tiếp nồng nhiệt vì ông đã sống 4 năm thời thơ ấu ở nước này. Ðáp lại những người bạn cũ đó, ông đã đề cao Indonesia như một kiểu mẫu cho các nước chậm tiến khác. Giống như ở Ấn Ðộ, ông Obama nói, tiến bộ kinh tế mà Indonesia đạt được gần đây cũng vì nhờ thể chế dân chủ.

Nhìn lại quá trình xây dựng dân chủ tại các quốc gia trên ta sẽ thấy hiển nhiên là một thể chế tôn trọng tự do có thể thi hành trong nhiều hoàn cảnh khó khăn mà vẫn thành công để mang lại những lợi ích thực tế. Ấn Ðộ khi lập quốc có 400 triệu dân dùng hơn một ngàn thứ tiếng nói, hàng trăm thứ tiếng được coi là ngôn ngữ chính thức. Ða số dân theo Ấn Ðộ Giáo nhưng số người theo Hồi Giáo nhiều nhất thế giới. Nặng nề nhất là hệ thống đẳng cấp cổ truyền vẫn còn đè nặng lên tập quán của người dân cho tới bây giờ, kể cả giới chuyên viên, trí thức. Trước năm 1947 Ấn Ðộ chưa bao giờ là một quốc gia, họ sống trong những nước nhỏ lệ thuộc vào các đế quốc. Khi Ấn Ðộ độc lập, nhiều người hiểu biết cũng nghĩ rằng quốc gia quá phức tạp và đầy mâu thuẫn này không thể tồn tại lâu dài được. Nhiều nhà nghiên cứu chính trị thấy con đường duy nhất mà Ấn Ðộ nên theo để tránh nội chiến là thiết lập một chế độ độc tài theo kiểu Liên Xô.

Nhưng giới trí thức Ấn Ðộ đã quyết tâm chọn chế độ dân chủ tự do. Chỉ những người sáng suốt và tin tưởng ở khả năng sống thiện của con người, của đồng bào họ, và tự tin ở tư cách chính mình, mới đủ can đảm chọn lựa như vậy. Và bản Hiến Pháp dân chủ của Ấn Ðộ đã được thi hành trọn vẹn, chỉ gián đoạn một thời gian ngắn khi bà Indira Gandhi tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Ðến khi đảng của bà bị thất cử, Indira Gandhi đã tôn trọng Hiến Pháp, thản nhiên rút lui khỏi quyền hành, rất có tư cách đáng kính trọng.

Ðiều không may cho Ấn Ðộ là các chính quyền đầu tiên đã đi theo chủ trương kinh tế xã hội chủ nghĩa học theo lối Liên Xô. Ðến năm 1990, sau khi chế độ cộng sản đã thất bại rõ ràng, cáo chung ở Nga và Ðông Âu, Ấn Ðộ mới bắt đầu đổi mới kinh tế. Trong 20 năm qua, những thành quả ngoạn mục của kinh tế thị trường đạt được ở Ấn Ðộ chính là nhờ được đặt trên nền tảng của nếp sống tự do dân chủ và tinh thần tôn trọng luật pháp. Duy chỉ có guồng máy hành chánh, củng cố trong 40 năm quen điều khiển nền kinh tế theo lối hoạch định tập trung, đã trở thành rườm rà và cứng nhắc, hiện nay vẫn là chướng ngại lớn nhất trong việc phát triển của Ấn Ðộ.

Với những xung đột tôn giáo và chủng tộc do di sản của lịch sử hàng ngàn năm, hơn một tỷ dân Ấn Ðộ vẫn bảo vệ một bản Hiến Pháp dân chủ, bảo vệ quyền lợi của các sắc dân và tôn giáo thiểu số, nếu không nhờ tinh thần tôn trọng luật pháp của những người lãnh đạo thì quốc gia này đã chia năm xẻ bẩy từ lâu rồi. Sự tồn tại của Ấn Ðộ là bằng chứng ngợi ca thể chế dân chủ.

Vợ chồng TT Obama cùng TT Indonesia và phu nhân. Ảnh smh.com.au

Indonesia có những kinh nghiệm khác. Ðây là quốc gia đông dân thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Ðộ, với 250 triệu dân mà 85% theo Hồi Giáo. Nhưng người Indonesia đối xử với các tôn giáo thiểu số bằng tinh thần rộng lượng, luật pháp được áp dụng bình đẳng. Khi Indonesia tuyên bố độc lập sau Ðại Chiến Thứ Hai, tình trạng phức tạp về địa dư, chủng tộc, ngôn ngữ cũng không khác gì Ấn Ðộ. Tổng Thống Soekarno cũng chọn chế độ dân chủ như một thỏa hiệp để thành lập một quốc gia thống nhất. Nhưng năm 1966 ông đã ủng hộ đảng Cộng Sản Indonesia chuẩn bị một cuộc thay đổi thể chế. Quân đội đảo chính ngược, lật đổ ông và thiết lập một chế độ quân nhân sau khi tàn sát hàng triệu người bị coi là cộng sản, đại đa số là người Hoa. Mặc dù vẫn theo kinh tế thị trường và bên ngoài vẫn là thể chế dân chủ nhưng dưới chế độ độc tài quân phiệt trong thực tế Indonesia đã áp dụng đường lối tư bản quả đầu; mọi quyền lợi kinh tế được giành cho nhóm người phục tùng gia đình Tướng Suharto. Sau 32 năm cầm quyền, ông Suharto phải từ chức vì người dân vùng lên khi kinh tế khủng hoảng; từ đó Indonesia mới thực sự thí nghiệm lối sống dân chủ tự do theo Hiến Pháp mới. Một điều đáng kính trọng đối với giới chính trị ở Indonesia là sau những cuộc đảo chính trên, những người lãnh đạo cũ vẫn được sống quãng đời còn lại bình yên, đời sống và phẩm giá được kính trọng.

Chính trong thời gian 20 năm dân chủ hóa vừa qua người dân Indonesia đã chứng tỏ được tinh thần bao dung của họ, nhờ thế giải tỏa được những xung đột chủng tộc, xã hội và văn hóa vẫn kéo dài từ khi lập quốc. Vùng Ðông Timor được trả lại độc lập; vùng Aceh được giành nhiều quyền tự trị; người gốc Hoa được phép mở trường dạy chữ Hán. Trong 20 năm qua bốn vị tổng thống nhậm chức rồi rời khỏi chức vụ trong hòa bình, trật tự, các đảng chính trị ganh đua mạnh mẽ, báo chí được tự do.

Gánh nặng lớn nhất mà chế độ độc tài quân phiệt để lại ở Indonesia cũng là một bộ máy hành chánh nặng nề và thối nát. Bài học của Indonesia là phải chấm dứt chế độ độc tài càng sớm càng tốt; càng trì hoãn thì càng khó sửa đổi tác phong của hệ thống cảnh sát và công chức tham nhũng, lạm quyền.

Khác với Ấn Ðộ và Indonesia, hai nước Nhật Bản và Nam Hàn đã là những quốc gia thành lập từ mấy ngàn năm và đều thuộc truyền thống Khổng Giáo như các nước Á Ðông khác. Hai nước này đã từng là thù địch trong ít nhất nửa đầu thế kỷ 20 khi Nhật Bản thống trị bán đảo Cao Ly. Nhật đã dân chủ hóa từ sau Thế Chiến Thứ Hai nhưng Hàn Quốc phải đợi sau khi ngọn lửa chiến tranh Nam Bắc nguội bớt người dân mới bắt đầu tranh đấu lập nền dân chủ vào thập niên 1980.

Hiến Pháp dân chủ của Nhật Bản được ban hành năm 1947, dưới chế độ quân quản của Mỹ. Nhưng chính quyền quân sự Mỹ và giới chính trị Nhật đã giữ đúng tinh thần trọng pháp: Hai viện Quốc Hội Nhật đã tu chính bản Hiến Pháp Minh Trị theo đúng thủ tục điều 73 trong Hiến Pháp cũ. Có thể nói nước Nhật chỉ mới tập sống dân chủ từ năm 1952 khi chế độ quân quản chấm dứt, dân Nhật Bản lấy lại chủ quyền. Thí nghiệm dân chủ ở Nhật đã thành công, chính quyền đã thay đổi từ tay đảng này sang đảng khác đã bốn lần trong hòa bình, trật tự và tinh thần tương kính. Có thể nói truyền thống Khổng Giáo đã ảnh hưởng tới tư cách và hành vi của những người lãnh đạo xứ Nhật cho nên họ đều có tinh thần trách nhiệm, tôn trọng công ích, làm gương tốt cho quốc dân.

Sau khi Hàn Quốc chịu cảnh nội chiến Nam Bắc, giới quân nhân chiếm lấy quyền hành vừa lo chống mối đe dọa của cộng sản phía Bắc vừa canh tân nền kinh tế quốc dân. Nhưng mặc dù vẫn bị đe dọa xâm lăng, dân Nam Hàn vẫn đứng lên đòi tự do dân chủ. Những năm 1970, 80 khi kinh tế đang cất cánh cũng là những năm các phong trào đòi dân chủ tự do lên cao nhất, với những cuộc biểu tình, đình công, bãi khóa của công nhân và sinh viên. Nhờ giữ được truyền thống Khổng Mạnh, đặt công ích lên trên quyền lợi riêng, các tướng lãnh Nam Hàn đã trao trả lại quyền làm chủ cho dân. Kinh tế lại càng phát triển vì người dân được tự do hơn.

Thể chế dân chủ tự do ở Nhật Bản và Hàn Quốc được hỗ trợ bởi nền đạo lý cổ truyền thấm nhuần Nho Giáo. Tại hai nước đó Khổng Giáo không hề bị một chế độ độc tài chuyên chế nào tìm cách hủy hoại. Nền tảng đạo lý này coi chữ Tín là quan trọng bậc nhất, các nhà chính trị phải nêu gương tín nghĩa, nhờ thế đã tạo nên không khí tín nhiệm chung trong xã hội. Chữ Tín cũng là nền tảng của cả chế độ dân chủ lẫn kinh tế thị trường. Ðó là bí quyết của sự tiến bộ về chính trị và kinh tế tại hai quốc gia Á Ðông này. Trong 6 nước cùng chịu ảnh hưởng truyền thống Nho Giáo tại Á Châu, 3 nước theo chế độ dân chủ là Nam Hàn, Nhật Bản và Ðài Loan cũng là những nước kinh tế tiến bộ nhất. Ba nước cộng sản từng đả phá Nho Giáo là Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Hàn thì kinh tế thua kém. Một lý do cũng vì giới lãnh đạo cộng sản không có thói quen tôn trọng chữ Tín, khiến cho trong xã hội mất thói quen tin tưởng lẫn nhau, cũng như người dân không tin tưởng ở luật pháp và các định chế quốc gia, từ guồng máy công lực tới hệ thống tư pháp, và các cơ quan truyền thông. Thiếu chữ Tín thì kinh tế không thể tiến được.

Tổng Thống Obama đã đến 4 nước dân chủ tự do ở Á Châu, để có dịp cổ võ cho một thể chế mà nước ông đã thiết lập hơn 200 năm qua. Ông không cần nêu lên những tiến bộ mà dân Mỹ đã đạt được, chỉ cần lấy các nước Á Châu làm thí dụ. Ông nói một câu có thể sẽ trở thành khẩu hiệu cho các phong trào dân chủ: “Thịnh vượng kinh tế mà không có tự do thì vẫn còn là cảnh nghèo nàn dưới một hình thức khác.”

Ðó cũng là một lời nhắn gửi tới chính quyền và người dân Trung Quốc, Việt Nam, những nơi đảng Cộng Sản vẫn tiếp tục giam giữ nhiều người chỉ vì họ tranh đấu đòi cho đồng bào họ được sống tự do hơn. Các chính quyền cộng sản đó vẫn tiếp tục ngăn chặn làn sóng dân chủ đã lan tràn khắp thế giới từ năm 1989 đến nay, sau khi cộng sản Ðông Âu và Nga sụp đổ. Nhưng người dân Việt Nam và Trung Quốc chắc chắn mong muốn họ sẽ thoát khỏi cảnh nghèo khó không những về kinh tế mà cả về chính trị. Chỉ khi đủ no ấm và được tự do chúng ta mới được sống xứng đáng với phẩm giá con người.

Nguồn: Nguoi-viet.com

1 Phản hồi cho “Bốn nước Á Châu Dân Chủ”

  1. Lê Thiện Ý says:

    ” Thịnh vượng kinh tế mà không có tự do thì vẫn còn là cảnh nghèo nàn dưới một hình thức khác “.
    Thật súc tích,nhiều ý nghiã. Ý cuả TT Obama rõ ràng nhắm tới các chế độ độc tài toàn trị ở Áchâu TQ, VN, Bắc Hàn, Miến Điện, Lào, Campuchia, I-Răn : LÀ CẦN CẢI CÁCH THỂ CHẾ ĐỂ CÓ DÂN CHỦ, TỰ DO THÌ THỊNH VƯỢNG KINH TẾ MỚI BỀN VỮNG, TOÀN DÂN HƯỞNG LỢI.
    Lời vàng, nghiã ngọc sẽ là ” Nước đổ đầu vịt” với lũ người mất nhân tính, đặt lợi ích cá nhân, phe nhóm trên lợi ích dân tộc; cho đoản kỳ lấn lướt cái trường kỳ. Rồi họ sẽ bị trả giá

Phản hồi