WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chỉ cần không biết sợ

Chung quanh các cuộc nổi dậy đã thành công cũng như chưa thành công ở một số quốc gia thuộc Trung Đông và Bắc Phi gần đây, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học, trong đó, theo tôi, bài học này là quan trọng nhất: Không biết sợ.

Khi được các phóng viên hỏi, những người xuống đường biểu tình ở Tunisia, Ai Cập, Bahrain, Yemen, Iran và Libya thường nói một câu giống nhau: Họ không còn thấy sợ nữa. Mà thật, nhìn mặt họ, trên tivi, chúng ta cũng không thấy có chút sợ hãi nào cả. Nếu không hò hét thì họ cũng bình thản đứng yên trên đường phố. Riêng ở Tunisia và Ai Cập, xe thiết giáp của quân đội đến, họ cũng vẫn đứng yên. Thậm chí, nhiều người còn vẫy chào, có khi tặng hoa cho lính đang ngồi trên xe. Ở Libya thì người ta chống trả kịch liệt khi bị phe thân Đại tá Muammar el-Qaddafi tấn công.

Có thể nói chính việc không-biết-sợ ấy vừa là nguyên nhân hình thành các cuộc nổi dậy và cũng đồng thời là nguyên nhân dẫn đến sự thành công của các cuộc nổi dậy ấy.

Không phải chỉ bây giờ dân chúng các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi mới bị đối xử một cách bất công và tồi tệ. Ách độc tài và nạn tham nhũng đã đày đọa họ từ cả mấy chục năm nay. Thế nhưng, trong chừng ấy năm, họ vẫn câm lặng chịu đựng. Bị áp bức: họ cắn răng chịu. Bị nghèo đói: họ ra đường buôn bán lặt vặt hay thậm chí, ăn xin, ăn cắp để sống qua ngày. Nhìn giới cầm quyền sống giàu có và xa hoa một cách bất chính: họ vẫn im lặng. Rất hiếm, cực kỳ hiếm những người đủ can đảm lên tiếng kêu gọi hay tranh đấu cho một sự thay đổi theo hướng tốt lành và bình đẳng hơn. Hầu hết người dân, tuyệt đại đa số người dân, đều tiếp tục chịu đựng chỉ vì một lý do duy nhất: khiếp sợ.

Mà các nhà độc tài thì rất lão luyện trong việc củng cố những nỗi khiếp sợ ấy. Bằng tuyên truyền: lúc nào cũng đề cao sức mạnh của họ. Và bằng bạo lực: mật vụ, công an và cảnh sát có mặt hầu như khắp nơi để theo dõi mọi người, sẵn sàng ra tay trấn áp bất cứ ai bày tỏ chút phản đối nào đối với chính quyền.

Ai cũng tưởng sự khiếp sợ như vậy sẽ kéo dài mãi. Giới cầm quyền độc tài lại càng tưởng như thế. Chắc chắn trước khi dân chúng đổ xô xuống đường, Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali của Tunisia và Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập không thể tưởng tượng được là người dân của họ lại có ngày không còn sợ như vậy. Đại tá Qaddafi, sau đó, cũng không tưởng tượng được. Ngay cả khi dân chúng đã xuống đường, đã giành quyền kiểm soát khá nhiều địa phương trong cả nước, trong một cuộc phỏng vấn của các ký giả phương Tây, Qaddafi vẫn còn dõng dạc tuyên bố: “Không ai xuống đường cả!”, “Dân chúng cả nước đều yêu mến tôi!”

Tôi tin là ngay chính dân chúng, những người đã hoặc đang xuống đường đòi tự do và dân chủ ở các nước ấy, trước đó, cũng không thể tưởng tượng nổi là có ngày họ lại không còn biết sợ.

Nói cho đúng, theo tôi, suốt cả mấy chục năm trước: họ sợ. Một ngày trước khi đổ xô xuống đường: chắc họ cũng sợ. Có lẽ chỉ một hai giờ trước khi xuống đường họ mới bớt sợ. Bớt chứ không phải là hết. Tôi tin họ chỉ không còn thấy sợ nữa khi chung quanh họ đã có trùng trùng điệp điệp những người cùng cảnh ngộ và cùng lý tưởng quyết tâm chống lại độc tài.

Sự phẫn nộ trước họa độc tài và tham nhũng khiến người ta bất chấp sợ hãi chứ bản thân sự phẫn nộ không đủ làm tiêu tan hẳn mọi sự sợ hãi. Yếu tố làm cho sự sợ hãi ấy biến mất nằm ở chỗ khác: đám đông.

Khi người ta đứng một mình, ngay cả lúc ở trong nhà của mình: sợ. Túm tụm với nhau vài ba chục hoặc vài ba trăm người: sợ. Nhưng khi đứng giữa đám đông gồm cả hàng ngàn, hàng chục ngàn người, nỗi sợ hãi sẽ tự nhiên biến mất. Lúc ấy, kẻ sợ không còn là những người biểu tình. Mà là giới cầm quyền. Cuối cùng, chính những kẻ từng thét ra lửa ấy đã bỏ chạy.

Dĩ nhiên, vẫn có những kẻ không sợ, vẫn ra lệnh bắn sả vào đám đông. Chuyện ấy đã từng xảy ra ở Thiên An Môn hơn hai chục năm về trước. Nhưng một chuyện như vậy có lẽ sẽ không thể xảy ra vào lúc này.

Nếu biến cố Thiên An Môn xảy ra ở thời điểm hiện nay, con số mấy chục ngàn sinh viên đổ xô xuống đường sẽ trở thành một lực lượng lớn hơn gấp bội, cả hàng chục hay thậm chí, hàng trăm, hàng ngàn lần, nhờ một yếu tố: truyền thông. Đã đành mọi diễn biến ở Thiên An Môn năm 1989 đều được các cơ quan truyền thông trên thế giới theo dõi và loan tải. Nhưng thời ấy chỉ có báo in, truyền hình và truyền thanh. Bây giờ thì có vô số các phương tiện khác. Không những đa dạng hơn mà còn phổ biến hơn và nhất là, nhanh chóng hơn. Bây giờ, mọi chiếc điện thoại di động đều có thể trở thành vũ khí: chúng không những được dùng để liên lạc mà còn dùng để chụp ảnh và những bức ảnh ấy dễ dàng được gửi đi khắp nơi. Nếu mỗi người chỉ gửi đi một bức ảnh và một tin nhắn, sự hiện diện của số người trên đường phố sẽ được nhân lên gấp cả hàng chục lần. Và họ có cả thế giới đứng sau lưng họ. Ủng hộ họ.

Tuy nhiên, ở đây, tôi không đi sâu vào những sự khác biệt giữa thời của Thiên An Môn và thời bây giờ. Tôi chỉ muốn trở lại với luận điểm nêu ở trên: Dân chúng ở các nước Trung Đông và Bắc Phi chỉ bớt sợ ở thời điểm quyết định và chỉ hết sợ khi họ đã thực sự xuống đường. Khi họ hết sợ cũng là lúc họ thành công.

Cần phân biệt mức độ bớt sợ và hết sợ ở các nước Trung Đông và Bắc Phi: chúng khác nhau. Những sự phân tích ở trên có lẽ chỉ đúng với hai quốc gia đầu tiên bùng nổ cách mạng dân chủ: Tunisia và Ai Cập. Ở các quốc gia khác, sau đó, kể cả ở Libya hiện nay, cảm giác bớt sợ có lẽ xuất hiện sớm hơn và với mức độ cao hơn nhờ những sự thành công vang dội của dân chúng các nước lân cận. Những sự thành công ấy cho thấy ý định nổi dậy của họ không còn là một cuộc phiêu lưu liều lĩnh hay dại dột và cũng không còn là một ước mơ viển vông nữa.

Người ta thường nói: đối với một người, không có gì giúp cho người ta thành công nhanh bằng chính sự thành công. Thành công nuôi dưỡng sự tự tin. Tự tin giúp người ta dám quyết định và dám đương đầu với thử thách. Có quyết định và có đương đầu thì mới có những thành công liên tiếp được. Với một cộng đồng, cũng vậy. Những sự thành công của dân chúng ở Trung Đông và Bắc Phi giúp người dân ở vô số các quốc gia đang chịu đựng nạn độc tài khác thấy được một điều: Chỉ cần bớt sợ, dù chỉ một chút, người ta có thể dấn thân; và khi đã dấn thân vào cuộc tranh đấu thì tự nhiên những nỗi sợ hãi sẽ không còn nữa.

Và khi họ không còn sợ hãi nữa thì đến lượt bọn độc tài sẽ khiếp sợ.

Nguồn: Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)

2 Phản hồi cho “Chỉ cần không biết sợ”

  1. BốcPhét says:

    Nói ”không biết sợ”, dễ kwá ”thầy”!?,
    Sợ nhất phải sống cuộc đời nầy!!!
    Hỏi ”thầy”: ăn, ngủ, ”iêu”, ”ị”, chết,
    Và về cátbụi,.. sống chi đây ???

  2. iBi says:

    Ba Lan nổi dậy ở thập niên 1980s vì có Giáo Hoàng John Paul II ủng hộ đằng sau, với câu nói nổi tiếng “Các con ơi, đừng sợ nữa !”. Sau lưng nỗi sợ ở BaLan có trợ giúp rất dồi dào về tinh thần và vật chất – từ Vatican và Mỹ. Đám đông, bất mãn và uất hận, dù là có tổ chức chu đáo cỡ Solidarity đi nữa cũng cần có nguồn trợ giúp và ủng hộ đắng sau, để thành công. Đó là chỉ nói riêng ở Ba Lan, chưa nói tới các nước Đông Âu khác vào lúc đó, cũng có nguồn trợ giúp tinh thần và vật chất tương tự.

    Các cuộc cách mạng màu ở thập niên 2000s, cũng vậy, có sự trợ giúp từ phương tây về tinh thần và có giới hạn về vật chất. Bên trong các cuộc cách mạng màu có tổ chức hẳn hoi từ giới tinh hoa trong xã hội, với mục đích là tái cấu trúc và canh tân xã hội của họ mà giới cầm quyền bất lực không làm được. Sau lưng nỗi sợ nhiều “màu” có sự trợ giúp rất vững từ phương tây, khi thấy các yếu tố đã đủ, để nhanh chóng giúp các nước “màu” hội nhập vào thế giới văn minh.

    Các cuộc cách mạng quần chúng ở Bắc Phi và Trung Đông, hiện vẫn còn diễn ra, có tổ chức từ rất lâu, bền bĩ và kiên nhẫn của giới tinh hoa trong xã hội. Họ là những người âm thầm liên kết, cổ động, vạch sự thật v.v.. cho dân chúng biết hiện trạng xã hội, trốn tránh đàn áp từ chính quyền, nhẫn nại chờ thời cơ. Sự bùng dậy, tưởng chừng như bộc phát đột ngột, thực ra là đã được vận động từ rất lâu, nay đột biến có nguyên do: tiền đề xa là suy thoái kinh tế toàn cầu, tiền đề gần là kinh tế xã hội họ quá bi đát, giai cấp cầm quyền quá giàu và quá áp bức dân chúng… Căm phẫn làm họ nhanh chóng tập hợp thành khối biểu tình để đòi lật đổ giới cầm quyền thay bằng chính quyền khác mà thôi. Sau lưng nỗi sợ Bắc Phi và Trung Đông là nhắm vào và vận động sự đồng tình của quân đội trong nước họ để quân đội không bắn người bừa bãi.

    Hầu như các cuộc cách mạng thành công trên thế giới đều có sự trợ giúp tinh thần và/hoặc vật chất từ bên ngoài. Lenin có tiền của Đức giúp để về Nga làm cuộc cách mạng tháng mười. Mao có vũ khí của Liên Xô để làm cách mạng. Cách mạng độc lập của Mỹ cũng phải có Pháp giúp mới nên chuyện. Cái gọi là cách mạng tháng 8 của Việt Minh là hổ lốn từ cướp công của người Việt quốc gia và cướp chính quyền khi Nhật bại trận ở Đông Dương, và với sự trợ giúp của …OSS Mỹ. Cái gọi là các cuộc cách mạng của đảng CSVN được nuôi dưỡng từ TQ và LX.

    Hiện nay, các cuộc cách mạng ở Bắc Phi và Trung Đông đang thiếu hoặc nhận sự trợ giúp từ bên ngoài rất ít ỏi, cụ thể từ là Mỹ và phương tây. Từ lâu nay, Mỹ và tây phương theo đuổi chính sách thỏa hiệp với các chính quyền độc tài trong khu vực để… có lợi, bỏ quên những giá trị dân chủ và tự do mà họ hằng rao giảng. Nay, bỗng nhiên quần chúng nổi dậy đuổi độc tài làm Mỹ bối rối không ít. Bênh độc tài thì không được rồi vì trái với lương tâm, đạo đức, và những gì họ rao giảng trên thế giới. Bênh dân chúng thì mắc kẹt với độc tài, vì há miệng mắc quai, vả lại lâu nay đánh bạn khá thân. Mỹ đành “react” theo sóng cách mạng, nước trôi tới đâu thì thuyền trôi tới đó, hễ độc tài đang chới với sắp sụp là la lên hùa đuổi theo với dân chúng. Những ngày đầu lộn xộn ở Ai Cập, trong đám biểu tình có người trương biểu ngữ – tôi thấy rất thú vị và tuyệt vời – bằng Anh ngữ hẳn hoi “Hypocrite – Stop backing Mubarak !”.
    (viết về hypocrite này của Mỹ ở các nơi trên thế giới, trong đó có VN, cần phải là một chương sách dài. Có cần đạo ý để viết trước không ?).

    Tôi đã từng comments trên danchimviet.info cách đây mấy ngày: can đảm không phải là không biết sợ, mà là nhận thức rằng có nhiều điều còn quan trọng hơn nỗi sợ.

    Dẹp nỗi sợ qua một bên còn chưa đủ, còn cần phải có sự trợ giúp từ bên ngoài về tinh thần và vật chất. Để thành công. Không phải là yếu. Thế giới ngày nay liên quan nhau chặt chẽ, rất chặt chẽ – về quyền lợi.

    Làm gì có kẻ, hoặc đám đông, tư dưng hết sợ, vùng đứng dậy như Phù Đổng để làm cách mạng và thành công… rực rỡ, độc tài bỏ chạy quắn đít nhờ Facebook, Twitter v.v..

    Những người thầm lặng ơi, chớ buồn chi ! Rồi có khi.

Phản hồi