WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hoàng Trúc Ly: Hành trình đơn độc của một thiên tài thi ca suốt đời phiêu bạt

Thơ HTL có nhiều bài đầy chất sáng tạo, mới mẽ, mang sắc thái tuyệt mỹ, xuất thần với những thi ngữ hay mỹ từ pháp, thi ảnh tinh khôi, sống động. Thơ anh nhiều nhạc tính, âm vận uyển chuyển dể rung cảm. Thơ HTL còn chan chứa chất lãng mạn trữ tình và tiềm tàng ‎‎‎ý niệm hoài nghi ray rức, ngậm ngù, đôi khi ẩn lộ nét phóng đảng, an nhiên:

Hành trình

1.
tôi nay đi giữa hoang đường – niềm đau thân thể tủi buồn hai vai
giật mình nước mắt tương lai – ngày qua và tiếng thở dài xuống thu

2.
toa xe cửa khép khung trời – người đi môi đỏ run lời tiễn đưa
tóc dài xõa mộng ngày xưa – vết thương kỷ niệm bây giờ lại đau

3.
khuya đi dù biết về đâu? – nghiêng vai còn mãi tiếng sầu vọng âm
đường xưa trải nhớ nhung thầm – ngôi sao yểu mệnh căm căm cuối trời

4.
qua đây từng giọt buồn phiền – mắt em cổ thụ thâm xuyên gọi mời
bãi hoang cồn dựng bể khơi – xuôi tay xin gởi miệng cười mộng du

5.
tôi ơi tôi mãi tôi còn – trái tim bé nhỏ nỗi buồn chung thân
nhớ gì vết cỏ bàn chân – lối đi thơ dại đêm gần tịch liêu

Nhà thơ Hoàng Trúc Ly, 1933-1983

Nhà thơ Phạm Công Thiện đã từng phát biểu:”Thơ Hoàng Trúc Ly có ma lực kỳ quái của những câu phù chú. Đối với Hoàng Trúc Ly, ngôn ngữ hãy còn mới tinh. Mỗi chữ đều mang một linh hồn, mỗi chữ là một sinh vật. Tôi gọi Hoàng Trúc Ly là thi sĩ lớn, là nhà thơ bậc thầy của thi ca hiện đại”.

Lời nhận định trên quả đã diển tả trọn vẹn về thiên tài thi ca của nhà thơ lỗi lạc họ Hoàng tức Đinh Đắc Nghĩa này.

Trong Cơn Yêu Dấu của anh được ấn hành năm 63 và ra mắt sách tại quán Xinh Xinh trên đường Phan Đình Phùng. Vì chỉ tổ chức trong vòng thân hữu nên chẳng có bao nhiêu người được tham dự. Theo Hải Phương, người bạn thơ thâm giao của HTL, thì buổi ra mắt sách này đã được tài trợ bởi một nữ thương gia cư ngụ tại Phan Thiết. Vị nữ nhân này vốn là bạn quen thân với thi sĩ Bích Khê và là người rất ái mộ thơ anh.

Khi đề cập đến TCYD học giả Tam Ích – một trong những người sớm phát hiện tài năng cũa anh, đã nói: “Hoàng Trúc Ly đã và đang làm mọi người ngạc nhiên ít nhất là một lần nữa về thiên tài của mình.”

Giờ đây, nhờ mẹ và em gái anh, chúng ta có thể xác định được ngày sinh với tử của anh một cách rõ ràng: Hoàng Trúc Ly sinh ngày 14 tháng 4 năm 1933 và qua đời 2 ngày trước lể Giáng sinh năm 1983 như đã viết ở trên, chứ không phải như vài cây bút hải ngoại đã nhầm lẩn loan truyền bấy lâu nay là 1937-1985.

Tôi quen anh trong một dịp tình cờ. Số là vào đầu năm 1963, vừa lảnh lương xong vừa được nghỉ phép, nên khi từ trường SQTB/Thủ Đức về tôi bèn chạy ngay đến tòa soạn Phổ Thông rủ TTK và Nguyễn Thu Minh đi sang tuần báo Ngày Mới của nhà báo lảo thành Cồ Việt Tử [Nguyễn Duy Hinh] để kéo thêm anh AT đi Kim Sơn. Thu Minh vì là Thư ký Tòa Soạn hôm đó lại gặp ngày báo sắp ra nên chỉ có Kiệt theo tôi. Đến báo Ngày Mới thì thấy AT và HTL đang ngồi vừa nhâm nhi cà phê vừa đọc báo. Đó là lần đầu tiên tôi quen biết HTL qua sự giới thiệu của anh tôi và TTK. Lúc đó tôi nhận thấy anh hơi gầy yếu, xanh xao, tánh tình hòa nhã, khiêm tốn, dể thân thiện. Đôi mắt tuy trong sáng nhưng ẩn màu mang mang xa vắng.

Sau khi thôi làm việc một thời gian tại Ohio, đến năm 2005 nhân cơ hội các con tôi vừa cho xây cất xong ngôi nhà mới ở bên kia cầu chử Y, tôi bay về để xem có thể dưởng hưu ở Saigon hay không, đồng thời giúp thân nhân lo việc dời nghĩa trang giòng họ ra khỏi thị trấn L.H – nơi quê nhà, theo lệnh của chính quyền địa phương.

Gặp lại 2 anh TL và TTK tôi mới biết được Phạm Lê Phan của phòng Văn Nghệ QĐ năm nào đã mất lâu rồi tại một khu Kinh tế mới hẻo lánh trong vùng rừng núi Định Quán. Còn HTL mấy năm sau cũng nối gót “đi” theo kịch tác gia họ Phạm. Trước khi tôi trở lại Hoa kỳ, TTK và tôi mỗi người đã làm một bài thơ tưởng niệm HTL. Đây là những dòng tôi viết cho anh – một hiền huynh chí tình, mà tôi luôn kính trọng, quí mến:

Bài tưởng niệm Hoàng Trúc Ly
gởi Trần Tuấn Kiệt

bụi trần phủ áo phong sương – mà người nay đã hà phương thăng trầm
rượu nồng tưởng niệm cố nhân – ngàn chung cay ngọt một lần từ ly

hỏi người, người đã bỏ đi – nằm trong đáy mộ có gì nhớ thương
tóc bồng nẻo vắng cô đơn – một thân lưu lạc u hồn lạnh mê

người xa chưa lạc lối về – sao hiền huynh chẳng chờ nghe đôi lời
ngủ yên Hoàng Trúc Ly ơi – chuyển thân hóa kiếp đời đời cuồng say

rượu ngon còn một chai này – hãy chia nhau chút men cay thâm tình
cõi trần dẫu có điêu linh – cõi hư vô hẳn hồi sinh non Bồng.

[PBTD * Sàigòn 7/2005]

Sau khi biết tin HTL đã nằm xuống tôi cứ nghỉ đến 2 câu thơ mang mang niềm hoài niệm của cụ Vũ Đình Liên: “Những người muôn năm cũ . Hồn ở đâu bây giờ ?”. Rồi chạnh nhớ tới Anh Việt Thu, Phạm Lê Phan, nhớ những người đã âm thầm ra đi mang theo những kỷ niệm đáng trân quí, khó quên của một đời người. AVT thì vĩnh viễn yên giấc trong một khu vườn xoài tại làng An Hữu quận Giáo Đức cách cầu Mỹ Thuận không xa. PLP thì chắc vẫn đang lạnh lẽo nằm dưới mộ trong một sơn khê vắng vẻ, thưa thớt bóng người. HTL may mắn hơn vì được chôn cất gần thành phố nơi mà gót chân anh đã từng lưu dấu bao năm dài qua những ngày mưa ngày nắng.

Nếu chúng ta tin rằng con người sau khi mất đi phần linh hồn vẫn còn vấn vương nơi trần thế hoặc siêu thoát về một cõi vô minh miên viễn nào đó, thì bây giờ thân xác các anh hẳn đã tan hoá trở thành cát bụi trong lòng đất, vậy thì hồn các anh giờ này đang ở đâu? Họ có còn nhớ đến những ân tình, hệ lụy trong tiền căn để quanh quẩn, quấn quít bên những người thân yêu? Hay là họ đã hoàn toàn trút bỏ, quên lãng quá khứ để hồn mình bềnh bồng phiêu bạt theo cỏ nội mây ngàn, vui với tiếng chim hót, gió ru trong cõi an nhiên vô ưu, vô úy ?

Nhiều người đã nói, đã phân tích, nhận định về thơ HTL, nên trong bài này tôi chỉ đề cập đến anh qua những giao tình cá nhân, những kỷ niệm một thời giữa tôi và con người luôn phiêu bạt này. HTL là một thi sĩ lỗi lạc, đọc qua thơ anh ai cũng dể cảm nhận những điểm nổi bật, sâu sắc để tự đánh giá sự khác biệt giữa thi ca của anh với thi ca của những người hữu danh cùng thời, trong giai đoạn 50-75.

Viết đến đây tôi nghĩ, tôi có thể mượn những lời nhận định sâu sắc về thơ HTL của nhà phê bình văn học Đặng Tiến để kết thúc bài này:

“…Thơ Hoàng Trúc Ly có cái bình thản âu yếm của kẻ đã đạt tới đạo, hiểu theo nghĩa Đông Phương: y hồ thiên lý, nhân kỳ cố nhiên. Văn chương hiện đại là một thứ văn chương sáng suốt, nghĩa là một thứ gương phản chiếu. Thơ Hoàng Trúc Ly trái lại chỉ là một khối thủy tinh, không trả lại hình ảnh nào, không đón đợi mà cũng không phải là không đón đợi, chỉ biết thích ứng với tất cả những gì đến với mình. Như thế tâm hồn Hoàng Trúc Ly đã đạt đến hạnh phúc tối cao, đã liên hợp được cái ngã và cái vô ngã trong sự thong dong không bờ bến.

…Trong thi ca Hoàng Trúc Ly giữ một địa vị đặc biệt. Địa vị của thi sĩ dường như vượt lên hẳn các trường phái thi ca; ngôn ngữ của ông tươi mát, mới mẻ, trong sáng, ở một giai đoạn mà Tây phương cũng đang biến thi ca thành tiếng hát.

…Trước cuộc đời, Hoàng Trúc Ly chỉ đóng vai người khách hào hoa phong nhã. Thi sĩ đã trở lại đời sống thanh thoát của nhà hiền triết Đông Phương. Ngôn ngữ tân kỳ ảnh hưởng của Tây phương, nhờ đó, đã chắp cánh để bay vút lên cao.”
[ĐT * Hoàng Trúc Ly: Nụ cười trong và đôi mắt sáng * http://damau.org/archives/5305]

Diển dịch thêm thơ của người thi sĩ tài hoa, phiêu bạt này – theo tôi – là một điều phí phạm. Phí phạm thêm thì giờ của người đọc.

phan bá thụy dương -  6/2010
[trong Những Trích Tiên Phiêu Bạt Trong Dòng Thi Ca Miền Nam]

Dưới đây là một số thi phẩm, những áng thơ hay, tiêu biểu của anh được nhiều người ưa thích, truyền tụng:

Hàng Cây Bên Ðường

người yêu tóc xõa tròn vai – nửa đêm da thịt quên cài áo khuya
xác thân rã mục lời thề – mùa đi lá rụng đường về xuân thu

Vĩnh Biệt

rồi mai khởi sự xa đời – chuyến xe trăm tuổi đưa người nghìn năm
trăng sao bốc cháy chỗ nằm – áo xanh mây lá vết bầm núi non.

Nằm Mộng Thấy Nữ Sinh
tặng HOA của trăm hoa

Ta từ giấc mộng bước gần em  – Đường phố đầy trăng hay mặt trời chìm  -
Ô hay con gái bay nhiều quá – Hai cánh tay mềm như cánh chim

Như cuống của hoa như cội của cành – Em đến bao giờ là em của anh  -
Thôi đã vô cùng cô liêu bóng cả – Như chim xa rừng tội nghiệp rừng xanh

Tuyệt mù giấc mộng mỏng như sương – Vai áo hào hoa tê tê bụi đường -
Ra đi ta đắp lên sông núi – Trời rộng sông dài nỗi nhớ thương

Gặp Người Em

Những người xưa đi rồi không về nữa – Một mình anh lại gặp một mình em
Chiều lửng lơ nghe nắng rụng bên thềm – Em cúi mặt mắt buồn ươn ướt đỏ

Nhà anh nghèo, anh đau tim anh yếu phổi – Đời anh lạnh lùng bốn hướng gió và mưa – Ta lạc nhau từ em còn bé nhỏ – Anh thương em câm nín đến bao giờ.

Bởi vì đâu da em xanh giá rét? – Nắng rưng vàng lên mái tóc mồ côi
Ngày giặc giã quê hương mình mỏi mệt -Mười năm qua hình ảnh có ngậm ngùi [*]

Nhà anh nghèo, anh đau tim anh yếu phổi – Em bềnh bồng, anh phiêu lãng về đâu  – Không dĩ vãng cho đêm dài đợi sang – Không mai sau cho nước chảy qua cầu

Em bảo anh người đi không trở lại – Nấm mồ ai như giọt lệ chưa tan
Ngọn gió nào mang anh vào mộng mị – Em giang hồ làm tiếng hát lang thang

Ta đến bên nhau sao chùng bước mỏi – Lời sắp xé môi sao bỗng nghẹn lời
Anh nhớ em: núi cao càng hiu hắt – Anh thương em: máu vọt bốn phương trời.

[*] Bài đăng trên báo Cải Tạo năm 1956 đến đây là dứt. Theo Trần Tuấn Kiệt
12 câu sau HTL đã làm thêm vào giữa thập niên 60 khi HTL cần phổ biến lại.

© Phan Bá Thụy Dương

Pages: 1 2

Phản hồi