WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tổng bí thư của “Đổi mới”

Mèo mù bắt được cá rô

Nguyễn Văn Linh (1915- 1998). Ảnh On the net

Tổng Bí Thư (TBT) Nguyễn Văn Linh có tên cúng cơm là Nguyễn Văn Cúc. Ông sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên, một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng. Nhưng cuộc đời và sự nghiệp chính trị của ông lại gắn liền với mảnh đất Nam bộ nên những người đồng chí miền Nam gọi ông là “Mười Cúc”.  Không thấy có tài liệu nào nói về học vấn của ông tại đất nước ở tuổi học đường.

Đại hội IV năm 1976 ông Linh giành được ghế trong Bộ chính trị (BCT), nhưng đến đại hội V năm 1980 bị gạt ra rìa, rồi được bầu bổ sung trở lại BCT. Đến đại hội VI năm 1986 thì ông được bầu làm TBT sau một cuộc đấu đá giữa hai chú khủng long Trường Chinh và Lê Đức Thọ.

Tháng 7 năm 1986 TBT Lê Duẩn qua đời vì chứng ung thư tiền liệt tuyến. Trường Chinh được chỉ định làm TBT vài tháng tạm thời trước kỳ đại hội.  Chiếc ghế TBT mà ông Duẩn ngự trị suốt 26 năm ròng nay bỗng nhiên vắng chủ. Nó giống như một cô gái ở tuổi dậy thì, đang những ngày rụng trứng, hở hang, khêu gợi làm bao nhiêu kẻ thèm muốn.
Những kẻ thèm muốn này truớc hết phải kể đến Lê Đức Thọ. Ông Thọ là nhân vật quyền lực thứ hai trong BCT, chỉ sau Lê Duẩn. Khi Lê Duẩn sắp gần đất xa trời, ông Thọ tự thảo một di chúc trong đó có đoạn chỉ định ông Thọ thay ông Duẩn làm TBT, rồi bảo Lê Duẩn ký vào tờ di chúc đã viết sẵn. Ông Duẩn ức lắm, không ký và đuổi ông Thọ ra ngoài không thèm tiếp. Tiếp theo là Trường Chinh đang tạm thời giữ ghế TBT, cũng rất muốn trở thành TBT nhiệm kỳ tới. Trường Chinh tính toán rằng, nếu ông trúng TBT, sẽ đưa Võ Nguyên Giáp làm chủ tịch nước, và Đoàn Duy Thành, người được Lê Duẩn rất tin tưởng, làm thủ tướng chính phủ.

Trong sự nghiệp chính trị của mình, Lê Đức Thọ đã đạt đến những đỉnh cao đầy quyền lực, nhưng chưa bao giờ có được một chức danh cho ra hồn như là TBT, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, chưa bao giờ được đọc diễn văn hay dạy dỗ công chúng như những lãnh tụ khác thường làm, ông chưa được tắm gội trong những ánh hào quang của 21 phát đại bác hay quân nhạc. Ông chưa bao giờ được đại diện Đảng, Nhà nước, hay Quốc hội đi thăm thú nơi này nơi kia. Trường Chinh thì ngược lại, đã có qua nhiều chức danh, khoác trên mình rất nhiều xiêm y lộng lẫy, nhưng quyền lực thực sự thì hơi bị ít. Lê Đức Thọ như con thoi, ra Bắc vô Nam để vận động dư luận và chuẩn bị “nhân sự”, còn Trường Chinh thì vùi đầu soạn thảo các văn kiện, nghị quyết chuẩn bị cho ĐH VI.

Lê Duẩn (1907- 1986)

Không được Lê Duẩn “đề bạt”,  lại bị làm nhục, ông Thọ ức lắm, tung tin rằng cả gia đình Lê Duẩn sẽ bị “làm thịt” sau khi ông Duẩn về chầu diêm vương. Cùng lúc ông Thọ tiếp tục gây phe cánh và vận động hành lang cho mình, nhưng Đảng khi đó cũng không mặn mà gì với ông lắm, và ông Thọ ngầm hiểu điều này. Làm trưởng ban tổ chức trung ương đã lâu năm, kinh nghiệm đầy mình, lại là một kẻ đa mưu túc kế, ông Thọ đâu có chịu thua. Không ăn được thì đạp đổ. Ông chơi một ván bài ngửa với những đấu thủ chính trị của mình – “không được tham quyền cố vị, phải nhường chỗ cho những đồng chí khác.”

Cuối cùng cuộc vật lộn của hai con khủng long Trường Chinh-Lê Đức Thọ bước vào hồi kết. Tất cả: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp phải theo gương Lê Đức Thọ về nghỉ hưu. Tháng 12 năm 1986, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, đưa ông Linh thành TBT Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Như mèo mù vớ được cá rô, Nguyễn Văn Linh giành được ghế TBT mà không cần phải tung móng vuốt. Đường lối, nghị quyết, văn kiện “Đổi Mới” thì Trường Chinh đã dọn cỗ sẵn cho ông xơi. Còn về mặt “nhân sự”, ông thừa hưởng di sản lớn của Lê Đức Thọ, nghĩa là Bộ chính trị bao gồm 13 vị, trong đó có đến 7 vị là đệ tử ruột của ông Thọ.

NVL -  “Nói Và Làm”  hay “Nói Và Lờ”?

Ông Linh làm TBT được khoảng nửa năm, người ta thấy trên trang nhất của báo Nhân Dân đăng một loạt bài “Những việc cần làm ngay” ký tên NVL. Lúc đầu NVL được giải thích là chữ ký tắt của “Nói và Làm”. Sau được nói thẳng ra rằng đó là Nguyễn Văn Linh. Những bài báo này thường ngắn, ngôn ngữ bình dân, nội dung chung chung, không có ý tưởng mới lạ, không có sức đột phá lớn, nhưng phần nào nó cũng gây tiếng vang trong dư luận và làm cho nhiều cán bộ phải khó chịu. Được vài tháng thì loạt bài này biến mất, cả tác giả NVL cũng không còn xuất hiện và không có một lời giải thích.  Dân ta vốn hài hước, dí dỏm, gọi NVL là “Nói Và Lờ”. Từ đó ngoài tên Nguyễn Văn Linh, Mười Cúc, ông có thêm một bí danh NVL, hay “Nói Và Lờ”.

“Cởi trói rồi lại trói vào như không”

Trần Độ (1923- 2002). Ảnh QSVN

Trần Độ khi đó làm trưởng ban văn hóa văn nghệ trung ương. Ông Độ và ông Linh thân nhau từ khi còn ở chiến trường. Nay trên địa hạt mới, hai người còn trở nên thân thiết hơn. Ông Linh đã nhờ ông Độ thu xếp cho cuộc gặp mặt 100 văn nghệ sĩ và những nhà hoạt động văn hóa với TBT vào hai ngày 6 va 7 tháng 10 năm 1987 tại Hà Nội. Trong hai ngày gặp mặt này, người ta ghi nhận rằng TBT Linh nói ít, chủ yếu là “lắng nghe” ý kiến của các văn nghệ sĩ. Đây là một điều trái ngược với những lãnh đạo khác thường nói nhiều hơn nghe. Khi Hồ Ngọc phát biểu về mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, có những chỗ “đụng chạm”, Hồ Ngọc sợ bị chụp mũ mang vạ vào thân, nên anh đã ngập ngừng, rào trước đón sau. TBT Linh khuyến khích anh mạnh dạn lên, nếu còn rào đón thì chưa khá được đâu, phải tự “cứu mình” trước khi trời cứu. Cuộc họp còn có hai bài phát biểu được cho rằng súc tích, thẳng thắn, gai góc là của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và nữ văn sĩ Dương Thu Hương. Khi ông Viện và bà Hương phát biểu xong, trong tiếng vỗ tay như sấm, TBT Linh đi đến từng người, bắt tay và ôm hôn thắm thiết, thăm hỏi, rồi xin lại bài phát biểu để nghiên cứu.

Cụm từ “Cởi trói” cho văn nghệ đã có từ trước, nhưng được TBT Linh dùng trong lời phát biểu kết luận của mình hôm ấy: “Đảng sẽ cởi trói cho văn nghệ”. Từ đó cụm từ “Cởi trói” được sử dụng một cách rộng rãi. Ngờ đâu không đầy một năm sau, trong một cuộc họp, ông Linh công khai phát biểu rằng “Nguyễn Khắc Viện là “con nhà địa chủ đòi lên mặt dạy đời””,“Dương Thu Hương là “con mẹ ranh cũng dám nho nhoe đòi làm Tổng thống”. Dân làm văn nghệ bấy lâu suy tôn ông Linh là “Tổng bí thư của Cởi trói” nay mới ngộ ra, thất vọng, chua chát như kẻ bị lừa tình, đã mượn ý của cụ Nguyễn Tiên Điền mà lẩy rằng:

“Thà rằng đừng cởi cho xong,
Cởi ra sao nỡ cột vào như không”

Trần Xuân Bách – con dê tế thần

Trần Xuân Bách (1924- 2006). Ảnh Boxitvn.net

Trần Xuân Bách trước làm bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình), một vùng đất được mệnh danh là thủ đô của công giáo miền Bắc, với hai giáo phận nổi tiếng là Bùi Chu ở Nam Định và Phát Diệm ở Ninh Bình, cạnh đó còn có những giáo xứ trải dài ở các huyện duyên hải Kim Sơn, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy. Lúc đó sự xung đột giữa công giáo và chính quyền xảy ra thường xuyên ở khắp nơi. Nhưng riêng ở Hà Nam Ninh, dưới sự lãnh đạo mềm mỏng, khôn khéo, và khoáng đạt của ông Bách, đã không có một va chạm đáng tiếc nào. Dân vùng này cũng dễ làm ăn, dễ thở hơn so với những tỉnh khác.  Ông Bách thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, và có tiếng là giản dị, trong sạch nên được trung ương để ý, ông Bách lại là người cùng quê ông Lê Đức Thọ, nên được ông Thọ nâng đỡ đặc biệt.

Ông Bách thăng tiến rất nhanh, được bầu vào Ủy viên trung ương Khóa V năm 1982, và đến đại hội VI năm 1986 được vào Bộ chính trị. Ông đã từng giữ chức trưởng ban tôn giáo trung ương, chánh văn phòng trung ương, thành viên trong Bộ chỉ huy tối cao chiến dịch tấn công Campuchia tháng Giêng 1979, trưởng ban nghiên cứu lý luận trung ương, và trưởng ban đối ngoại trung ương.

Khi Đông Âu sụp đổ ông Bách được giao nhiệm vụ nghiên cứu tổng kết tìm ra nguyên nhân sụp đổ của phe “XHCN ” và đề ra một lối thoát cho Việt Nam. Ông Bách lập ra một nhóm giúp việc gồm những trí thức sáng giá, đầu ngành.  Cuối cùng ông đã đưa ra những kết luận như là: Dân chủ không phải là ban ơn. Không thể dùng quyền lực thay cho năng lực. Đảng nằm trong chứ không được nằm ngoài và đứng trên xã hội. Đa nguyên kinh tế sẽ tất yếu dẫn đến đa nguyên chính trị. Kinh tế thị trường, và đa nguyên là những thành tựu nổi bật của nhân loại trong thế kỷ XX. Ông Bách chưa bao giờ dám dùng từ “đa Đảng”. Những phát biểu của ông Bách đã dẫn đến một cuộc đấu tố mang màu sắc của cải cách ruộng đất, được tổ chức dưới sự chủ trì của TBT Linh và sự phụ họa đắc lực của Đào Duy Tùng. Người ta đồn rằng cuộc đấu tố ông Bách diễn ra trong ba ngày liên tục. Người duy nhất trong Bộ chính trị bênh đỡ ông Bách là  Nguyễn Cơ Thạch. Phút cuối cùng trước khi phán quyết, TBT  Linh hỏi ông Bách rằng ông Bách có muốn thay đổi chính kiến, quan điểm, lập trường không, chỉ cần trả lời “có” hay “không” mà không cần giải thích. Nếu thay đổi, sẽ được giữ nguyên chức vụ, quyền hạn cùng quyền lợi. Ông Bách khẳng khái giữ nguyên thái độ, lập trường của mình. Tất nhiên hậu quả thì như mọi người đã biết.

Điều đáng bàn ở đây là ông Linh được mệnh danh là TBT của “Đổi Mới” mà lại bóp chết một tư tưởng “Đổi Mới” ở thời kỳ phôi thai. Thế là ông Linh đã đậy tấm ván thiên, và đóng những cái đinh cuối cùng lên cỗ quan tài chính trị của ông Bách.

Mượn tay Đào Duy Tùng để giết Trần Độ

Ngược dòng thời gian trở lại những năm giữa thập kỷ 60 và đầu thập kỷ 70, Trần Độ làm cấp phó cho ông Nguyễn Văn Linh ở chiến trường Nam bộ. Hai người rất gắn bó với nhau. Ông Trần Độ viết trong hồi ký của mình rằng, năm 1969 khi ông Hồ Chí Minh ốm nặng, ông Độ và ông Linh được thay mặt quân dân miền Nam ra Hà Nội thăm Bác. Cả hai ông được Bác mời ăn cơm. Khi Bác mất, cả hai ông cùng nghiêng mình kính cẩn bên linh cữu Bác. Thời gian lưu lại ở miền Bắc, ông Linh thường ghé thăm vợ con ông Độ. Khi ông Linh làm TBT, tình bạn của hai ông vẫn thắm thiết. Có lần ông Linh nói với ông Độ rằng “Té ra là tôi thì tự do về kinh tế, còn anh thì tự do về văn hóa”. Hai ông thường gặp nhau hàng tuần, rủ nhau đi xem phim, đàm đạo những công việc thế sự. Thế nhưng không đầy một năm sau, khi Trần Độ phát biểu trong hội nghị rằng “đánh giá một tác phẩm nghệ thuật thì ý kiến của TBT cũng giống như ý kiến của một công chúng bình thường”, Đào Duy Tùng mách lại cho ông Linh, ông Linh đã nổi giận mắng Trần Độ rằng “Anh nói thế là anh xúc phạm tôi nặng nề”. Cuối cùng TBT Linh viết thư cho Trần Độ “Dạo này tôi bận lắm, vì vậy có chuyện gì về văn hóa văn nghệ anh nói với anh Đào Duy Tùng, chứ đừng nói chuyện với tôi nữa”.  Thế là số phận của Trần Độ cũng không khá gì hơn Trần Xuân Bách, được định đoạt trong tay Đào Duy Tùng – một đao phủ của “Đổi Mới”.

Chuyện gì đã xảy ra cho Trần Độ thì cả bàn dân thiên hạ đều biết. Chỉ muốn nhắc lại để thấy TBT Linh đã dẫn dắt con đường “Đổi Mới” của Việt Nam như thế nào.

Cuộc gặp Thành Đô hay sự đầu hàng hèn nhát

Vào những năm 60 khi Nguyễn Văn Linh còn là Bí thư trung ương cục miền Nam, thỉnh thoảng ông bí mật đi thăm Trung Quốc. Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đều khen và cho rằng ông Linh là một người thừa kế đầy hy vọng trong thế hệ lãnh đạo tương lai của Việt Nam.

Khi trúng TBT ông Linh không tán thành đường lối chống Trung Quốc của Lê Duẩn nên ông tìm cách “sửa sai”. Tháng 10 năm 1989, Kaysone Phomvihane TBT Đảng Cộng Sản Lào, trên đường đi thăm Trung Quốc về ghé qua Hà Nội, chuyển lời thăm hỏi của Đặng Tiểu Bình đến TBT Linh. Được lời như mở tấm lòng, ông Linh lập tức cho mời viên đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy đến phòng khách của Trung ương Đảng để hội kiến. Sự có mặt của Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người có tư tưởng chống Trung Quốc, khiến TBT Linh chưa trút được bầu tâm sự bữa đó. TBT Linh tìm cách vô hiệu hóa Nguyễn Cơ Thạch bằng cách bí mật cho Hoàng Nhật Tân (con trai Hoàng Văn Hoan) mang một lá thư tay, và lời nhắn miệng tới đại sứ Trương Đức Duy rằng TBT rất muốn gặp riêng Trương Đức Duy ở Bộ quốc phòng vừa an toàn, vừa kín đáo, và không cần phiên dịch. Thế là tại phòng khách của Bộ quốc phòng Việt Nam ngày 22-8-1990 TBT Linh cùng viên đại sứ Trương Đức Duy đã thai nghén ra một kế hoạch cho cuộc gặp cấp cao Việt-Trung đầu tiên sau những cuộc chém giết đẫm máu, rùng rợn, dã man mang màu sắc của những cuộc chiến thời Trung cổ của quân đội Trung Quốc gây ra dọc biên giới phía Bắc nước ta đầu năm 1979.

Không đầy hai tháng sau cuộc gặp ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên diễn ra vào hai ngày 3 và 4-10-1990. Phía Việt Nam gồm TBT Linh làm trưởng đoàn, Phạm Văn Đồng khi đó 84 tuổi mắt đã lòa nhìn không rõ chữ tai nghe câu được câu chăng, và Đỗ Mười – Thủ tướng chính phủ, đã một thời hành nghề hoạn lợn. Không có mặt Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Phía Trung Quốc gồm Giang Trạch Dân và Lý Bằng. Cuối buổi, Giang Trạch Dân đọc hai câu thơ của Giang Vĩnh đời nhà Thanh tặng đoàn Việt Nam: “Độ tận kiếp ba huynh đệ tại; tương kiến nhất tiếu mân ân cừu” (qua hết sóng gió anh em vẫn còn; gặp nhau cười một cái quên oán thù). Cảm kích quá, TBT Linh rưng rưng nước mắt họa lại đại ý rằng:

Anh em chơi với nhau đã mấy thế hệ.

Trong khoảnh khắc oán hận biến thành mây khói;
Gặp lại nhau cười rạng rỡ,
Tình nghĩa ngàn năm xây dựng lại.

Xin mở ngoặc nói thêm một chút về mối quan hệ giữa TBT Linh và Bộ trưởng ngoai giao Nguyễn Cơ Thạch. Ông Thạch có học, lịch lãm, là một nhà ngoại giao có tài, được thế giới biết đến, ông thông thạo nhiều ngoại ngữ, từng làm trợ lý đắc lực cho Lê Đức Thọ đối đầu với Henry Kissinger ở Hiệp Định Paris. Ông đã chủ trương thiết lập ngoại giao với Mỹ ngay từ những năm đầu của thập kỷ 80. Hơn nữa ông Thạch cũng như ông Bách là người cùng quê Nam Định với Lê Đức Thọ nên cũng được ông Thọ nâng đỡ đặc biệt. Ngược lại ông Linh học ít, trưởng thành ở chiến trường, lên làm TBT nhờ vào vận may. Thêm vào, ông Linh coi ông Thạch là một tay chân của Lê Đức Thọ và Trần Xuân Bách nên cần phải nhổ cho sạch cỏ.

Nhìn gương ông bạn đồng hương Trần Xuân Bách, ông Thạch tự biết rằng sự nghiệp chính trị của mình cũng đang vào chương kết. Vì thế trước khi thôi nhiệm sở, ông đưa một nghị quyết phải kiểm điểm những thành viên tham dự cuộc gặp Thành Đô vì đã vi phạm vào nghị quyết VI của Đảng về vấn đề Campuchia. Trong buổi kiểm điểm này, ông Phạm Văn đồng tỏ ra rất ân hận, cho rằng bị Trung Quốc lừa, chơi khăm. Còn TBT Linh thì phát biểu: “Bây giờ tôi vẫn nghĩ thế là đúng. Tôi không thấy ân hận về việc mình chấp nhận phương án…. âm mưu của đế quốc Mỹ chống phá chủ nghĩa xã hội. Nó đã phá Trung Quốc qua vụ Thiên An Môn, nay chuyển sang phá ta… Trung Quốc muốn thông qua Khmer Đỏ nắm Campuchia. Song dù bành trướng thế nào thì Trung Quốc vẫn là một nước XHCN.”

Cũng trong buổi kiểm điểm này, có đầy đủ thành viên Bộ chính trị, ông Thạch đã phát biểu rằng chính các ông đang đưa Việt Nam trở lại thời kỳ Bắc thuộc, ám chỉ ông Linh và những thuộc hạ đã qụy lụy Trung Quốc một cách qúa hèn hạ.

“Kẻ cơ hội nhất hành tinh, xin chào Ngài!”

Tháng 10-1989 đi mừng Quốc khánh Đông Đức, đáng lẽ đó là việc của chủ tịch nước Võ Chí Công, và thủ tướng chính phủ Đỗ Mười, nhưng TBT Linh giành lấy với lý do ông muốn gặp trực tiếp đồng chí Honecker và nhất là trao đổi ý kiến với Gorbachev, để cứu vãn tình hình, kẻo không thì nguy khốn lắm rồi. Thế là ông Linh có mặt ở Đông Berlin. Vừa gặp Gorbachev chưa kịp nói gì thì Gorbachev cúi gập người, ngả mũ, và chào ông Linh rằng “Kẻ cơ hội lớn nhất hành tinh, xin chào Ngài!” Người phiên dịch giật mình, đỏ mặt, không biết dịch thế nào. Sau bữa đó, ông Linh bị bệnh nặng, liệt dây thần kinh số bảy, mặt méo, mắt nhắm không kín, miệng ngậm không chặt, ăn uống khó khăn. Nhất là khi nghe tin bức tường Berlin sụp đổ, ông càng bệnh nặng hơn. Vợ ông đi coi bói, thầy bói phán rằng ngõ hướng Bắc là không hợp với thần thổ địa, nên vợ ông cho mở về hướng Đông. Quả tình bệnh ông thuyên giảm.  Khi hết nhiệm kỳ TBT, ông Linh còn làm cố vấn cho Ban chấp hành trung ương khóa VII và VIII. Ông qua đời vào tháng tư 1998, hưởng dương 83 tuổi. Khi ông chết dân tình bàn luận rằng ông tên Linh, nhưng không Thiêng, vì những điều ông nói không có gì ứng nghiệm cả. (Ngày đó dân Bắc kỳ thường truyền miệng câu “Linh mà không Thiêng, Hùng mà không Mạnh, Kiệt mà không Giỏi” ám chỉ ba ông Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, và Võ Văn Kiệt)

Đã hơn một phần tư thế kỷ trôi đi, kể từ khi ông Linh lãnh đạo công cuộc “Đổi Mới”, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia nghèo đói về kinh tế, lạc hậu về chính trị, man rợ về nhân quyền, băng hoại về đạo đức. Rồi đây những nhà sử học chân chính sẽ viết lại một cách sòng phẳng, công bằng về trách nhiệm của ông Linh đối với dân tộc Việt Nam. Nhất định sẽ không giống như những bồi bút đã tâng bốc ông.

© Trần Hồng Tâm

© Đàn Chim Việt

———————————————————
(Trong bài này tôi có tham khảo tài liệu của các tác giả Bùi Tín, Trần Quang Cơ, Trần Độ, Đoàn Duy Thành, và trang mạng Talawas. Nhưng tôi không chú giải vì tôi viết duới dạng câu chuyện quanh “bàn trà chiếu rượu” chớ không mang tính học thuật. Mục đích để cho dễ đọc hơn, không qúa nặng nề lệ thuộc vào những trích dẫn. Tôi cảm ơn các tác giả kể trên.)

6 Phản hồi cho “Tổng bí thư của “Đổi mới””

  1. Minh Đức says:

    Trích: “Khi trúng TBT ông Linh không tán thành đường lối chống Trung Quốc của Lê Duẩn nên ông tìm cách “sửa sai”. Tháng 10 năm 1989, Kaysone Phomvihane TBT Đảng Cộng Sản Lào, trên đường đi thăm Trung Quốc về ghé qua Hà Nội, chuyển lời thăm hỏi của Đặng Tiểu Bình đến TBT Linh”.

    Vào tháng 10, 1989 lúc Kaysone Phomvihane chuyển lới hỏi thăm của Đặng Tiểu Bình đến ông NV Linh là Đặng có ý muốn VN nối lại bang giao với Trung Quốc cũng là lúc Liên Bang Xô Viết đang tan rã. Tháng 11, 1988 Estonia tuyên bố độc lập, tháng 5, 1989 Lithuania tuyên bố độc lập, tháng 7, 1989 Lavia cũng tuyên bố độc lập. Tháng 4, 1989 Liên Xô đem quân vào thủ đô Tbilisi của Georgia để đàn áp biểu tình đòi độc lập. Đâng CSVN lúc đó đã mất chỗ dựa là Liên Xô thì Đặng chìa tay ra.

  2. Dân đen AUSTRALIA says:

    Tôi hoàn toàn đồng ý vối ông Lại Mạnh Cường. Hãy giữ vững lập trường cuả mình, đừng để bị ru ngũ bởi đám ma đầu VC
    Lịch sử sẽ phán xét ông Nguyễn Văn Thiệu trong vai trò Tổng thống VNCH, Nhưng câu nói của ông ấy thì không cần phải chờ lịch sử phán xét chúng ta mới biết nó đúng và chính xác:”Đừng nghe những gì CS nói, mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm”

  3. Minh Đức says:

    Cái cởi trói của ông Nguyễn Văn Linh là do Gorbachev bắt các nước CS đàn em phải theo chính sách của Liên Xô, lúc đó đng có Glasnost. Các nước CS trong quĩ đạo của Liên Xô phải theo chính sách nào mà Liên Xô đang theo, đó là đường lối từ xưa như vậy. Lúc Nguyễn Văn Linh khen Ng Khắc Viện, Dương Thu Hương là ông ta đang thực hành glasnost. Lúc ông ta lên án những người này là lúc VN bỏ glasnost vì thấy nguy hiểm cho đảng CS, và cũng vì thấy tình hình bên Liên Xô cũng đang rối ren, mà lúc đó Liên Xô không còn tiền để viện trợ cho VN nữa, có bỏ glanost cũng chẳng sợ LX trừng phạt. Lúc đó VN phải bỏ dần kinh tế bao cấp vì ngân sách không còn viện trợ của Liên Xô thì phải tìm cách khác để vực dậy kinh tế.

  4. D.Nhật Lệ says:

    Xin lỗi ở đây tôi cũng đánh máy lộn khi góp ý vì tác giả viết hưởng dương 80 tuổi thay vì đúng là
    hưởng thọ 80 tuổi.
    Nhân đính chính,tôi cũng xin góp ý thêm là ông Đoàn Duy Thành bị Đổ Mười chê bai là “ôm chân
    VVKiệt” thì rõ là phe miền Bắc với ĐM.đứng đầu vẫn giáo điều,bảo thủ,không thích đổi mới.Lẽ ra,
    NVL.cũng tiếp tục đổi mới nhưng khi đi thăm Ceauscescu về thì nghe tin tên này bị dân chúng xử
    tử,do đó ông ta run không dám CỞI mà TRÓI lại ngay.Thành thử Trần Xuân Bách liền bị thất sủng
    vì không còn ai trong BCT.ủng hộ nữa.Đúng là thời vận của nước ta vẫn cứ mạt,chưa thể khá nổi !
    Nếu gặp thời thì chính ông TXB.sẽ chủ trương đối mới toàn diện về KINH TẾ lẫn CHÍNH TRỊ .
    Trí thức điển hình miền Bắc ủng hộ đổi mới là ông Đặng Phong,nhà nghiên cứu sử kinh tế.

  5. D.Nhật Lệ says:

    Bài viết này cũng hay vì đúng với những điều có thực về NVL.nhưng tiếc rằng tác giả đã có vài sai sót
    xét ra không đáng có.Lầm lẫn về thời gian như khi NVL.gặp đại sứ Tàu năm 1990 mà lại có liên quan
    với việc Tàu xâm lược VN.năm 1979.(Có lẽ vì đánh chữ sai chăng ?) Sai lầm về chữ nghĩa như viết
    hưởng thọ 80 tuổi,đúng ra phải hưởng dương chẳng hạn.
    Đồng ý với tác giả là NVL.thực ra không phải người xướng xuất chủ trương đổi mới mà theo phe đổi
    mới nhưng người cầm đầu là Võ V Kiệt của Thành Uỷ SG.với sự cố vấn kinh tế của nhiều trí thức chế độ cũ được xem như “think tank” của VVK.Dĩ nhiên đổi mới thành công cũng là nhờ sự đóng góp lớn của vài đảng viên CS.có tinh thần đổi mới như Đoàn Duy Thành.
    Ở đây,phải thành thực cảm phục ông Nguyễn Cơ Thạch đã có viễn kiến về quan hệ với Tàu và lời kết
    tội của ông đối với phái đoàn NVL.ở hội nghị Thành Đô là đúng 100%.Những người kế tiếp sau này
    toàn là bọn ăn hại đái nát,qúa sức thiển cận chắc chắn sẽ đưa nước ta lệ thuộc Tàu hơn nữa !

  6. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    Kính qúi đồng hương,

    Theo tôi xem bài trên để mà biết, chứ tin vào đó tôi chưa dám. Tại sao ư ?
    Đang vào cuộc đấu đá quyết liệt để tranh dành các chức vụ chủ chốt trong cái gọi là đảng CSVN, sẽ có lắm hỏa mù tung ra. Và thật giả khó biết bởi chúng trộn lẫn với nhau.

    Điều quan trọng tôi xin thưa, thằng con CS nào cũng thế. Khi nắm được trong tay quyền lực thì chỉ nghĩ đến cá nhân mình và bè phái của mình thôi. Chả tin được chúng. Khi thất thế, về hưu … chúng mới tỏ ra dân chủ cới mở làm như thương dân thương nước lắm lắm.

    Đặc biệt xưa nay trong Cộng đảng chỉ có duy nhất Trần Xuân Bách, là kẻ dám đánh đổi mọi danh vọng để theo đuổi lý tưởng mở rộng cánh cửa tự do dân chủ, lúc đang ở đỉnh cao quyền lực trong đời mình. Vì thế trong cuộc đối đầu không khoan nhượng, Bách thất thế mất hết tất cả,
    Tuy Trần Xuân Bách trở thành bóng mờ sau đó, nhưng người ta sẽ nhắc mãi mãi sau này đến TXB, cũng như bí thư Vĩnh Phú Kim Ngọc đã đi tiên phong trong cải cách nông nghiệp, hầu mang lại quyền lợi thiết thực cho nông dân.

    Xin thắp một nén hương lòng tưởng nhớ hai ông Bách và Kim Ngọc, tuy không bao giờ muốn đứng cùng một chiến tuyến với hai ộng này.

    Amsterdam, ngày 11 tháng 01 năm 2011
    Lại Mạnh Cường

Phản hồi