Những chuyện không đâu vào đâu
Gần đây tại Hoa Kỳ và trong cộng đồng đấu tranh Việt Nam tại hải ngoại có những chuyện có thể liệt vào loại “không đâu vào đâu” trông như những màn hát xiệc. Chuyện không đâu vào đâu nhưng không phải là chuyện vô hại.
Trước hết là chuyện ông tổng thống mau mồm mau miệng:
Chuyện rằng hôm Thứ Năm 16/7 một ông cảnh sát tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts nhận được điện thoại báo cáo có người đang nạy cửa nhà của một lân bang. Ông cảnh sát, trung sĩ James Crowley mang còng và súng đến nơi định bắt kẻ gian. Tới nơi, và sau khi nói qua nói lại biết rằng người nạy cửa chính là giáo sư Henry Louis Gates Jr. của đại học Harvard và là chủ của ngôi nhà. Ông Gates đi du lịch Trung quốc về, mất chìa khóa nhà nên phải nạy cửa để vào. Đến đó ông cảnh sát Crowley có thể xem như xong việc và trở về đồn làm công việc khác.
Nhưng sự thể không diễn ra như vậy. Hai người lời qua tiếng lại nặng nề. Giáo sư Gates đòi ông trung sĩ Crowley xưng tên và trình thẻ cảnh sát, trong khi ông trung sĩ bảo ông giáo sư hãy bình tình trả lời các câu hỏi của ông. Không ai chịu nghe ai, ông giáo sư càng lúc càng nóng giận và to tiếng. Ông cảnh sát ra oai rút còng số 8 còng tay giáo sư Gates đưa về đồn cảnh sát Cambridge về tội làm mất trật tự.
Tại Hoa Kỳ cảnh sát công lộ còng tay quan tòa, dân biểu, nghị sĩ về tội lái xe đụng người bỏ chạy, hay say rượu lái xe là chuyện thường và chẳng bao giờ chiếm hơn một dòng tin trên mặt báo. Nhưng lần này câu chuyện cảnh sát còng tay giáo sư Gates biến thành một tin sốt dẻo chiếm nhiều thì giờ trong các buổi phát tin hằng ngày của các đài truyền hình toàn quốc trong nhiều ngày vì chuyện “đen trắng” – ông trung sĩ Crowley da trắng, trong khi giáo sư Gates da đen – và nhất là sự can thiệp của tổng thống Obama .
Sau khi bị chở về đồn cảnh sát, lăn tay chụp hình, tội trạng do trung sĩ Crowley gán cho giáo sư Gates được xí xóa và ông được trở về nhà. Nhưng tấm hình giáo sư Gates bị còng tay với khuôn mặt vừa hốt hoảng vừa tức giận đã tạo ra một cuộc cãi vã sôi nổi về vấn đề “đen trắng”. Người da đen cho rằng trung sĩ Crowley hành xử nhiệm vụ một cách kỳ thị, trong khi người da trắng cho rằng trung sĩ Crowley làm đúng nhiệm vụ giữ gìn trật tự xã hội.
Câu chuyện cũng chỉ có thể đến đó, vì vấn đề “đen trắng” là chuyện dài bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước và sẽ không bao giờ dứt tại Hoa Kỳ cho dù ông Barack Obama, một người da đen gốc Phi châu đã đắc cử tổng thống. Nhưng chuyện trở nên ồn ào khi ông Obama – đáng lẽ ở cương vị tổng thống không nên xen vào chuyện của một địa phương cấp quận – hôm Thứ Tư 22/7 trong buổi họp báo vận động luật cải tổ bảo hiểm sức khỏe đã miêu tả hành động của trung sĩ Crowley bắt giáo sư Gates tại nhà riêng của ông về tội làm mất trật tự là một hành động ngu xuẩn (the police acted stupidly).
Sau nhận xét của tổng thống Obama, có áp lực muốn trung sĩ Crowley xin lỗi giáo sư Gates, nhưng ông trung sĩ nói ông chỉ làm nhiệm vụ và không có gì để xin lỗi ai. Hôm Thứ Sáu 24/7 giới chức lãnh đạo các hội cựu nhân viên cảnh sát của thành phố Cambridge họp báo lên tiếng ủng hộ trung sĩ Crowley và yêu cầu tổng thống Obama xin lỗi (vì đã dùng từ nặng) đối với tất cả nhân viên công lực toàn quốc.
Thế là vở hài kịch có thêm một màn mới. Chỉ mấy giờ sau khi các hội cựu nhân viên cảnh sát lên tiếng, tổng thống Obama đột ngột bước vào phòng họp báo tại tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng có thể ông đã không cân nhắc ngôn từ chính xác khi miêu tả vụ cảnh sát còng tay giáo sư Gates mấy ngày trước. Ông nói cả hai người đều đã phản ứng quá mức cần thiết. Tổng thống cho biết ông đã điện thoại khuyên giải cả hai người và mời họ nếu đồng ý thì đến tòa Bạch Ốc uống bia để thông cảm nhau.
Sau lời nói lại của tổng thống Obama sự việc trở nên một màn xiệc. Đài CNN, một đài truyền hình chuyên loan tin có nhiều khán giả nhất tại Hoa Kỳ cho chiếu đi chiếu lại hình ảnh tổng thống đang phân bua và hằng loạt bình luận gia hăng hái bình luận giờ này qua giờ khác. Thật là không đẹp mặt cho tổng thống, nhưng đài CNN được nhiều người xem hơn, quảng cáo bán chạy hơn trong khi đài khỏi mất tiền làm tin trám chỗ.
Chuyện không đâu vào đâu bỗng trở nên nóng bỏng, trong khi đất nước đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa thấy lối ra và quốc hội đang kinh qua cuộc thử thách trong nỗ lực thông qua bộ luật cải tổ bảo hiểm sức khỏe, một bộ luật mà sự thông qua (hay không thông qua) cũng sẽ đánh dấu một bước ngoặc đối với lịch sử lập pháp của Hoa Kỳ.
Cuộc tranh luận của các chuyên viên bình luận của các đài TV kẻ bênh người chê thật gay gắt. Tựu chung việc cảnh sát bắt người là chuyện hằng ngày (bắt đúng bắt sai sẽ có quan tòa phân xử) và là một phần của sự vận hành đời sống ngoài đường phố và của cả xã hội biến thành chuyện lớn chỉ vì tổng thống Obama mau mồm mau miệng. Ông Obama mau mồm mau miệng cũng có lý do tiềm ẩn. Ông biết ông đắc cử tổng thống Hoa Kỳ trong một hoàn cảnh đặc biệt “nước Mỹ cần ông” chứ không phải tại Hoa Kỳ sự kỳ thị đen trắng không còn nữa. Thêm nữa, khi ông ra tranh cử các tổ chức cựu cảnh sát viên toàn quốc rất ít ủng hộ ông nên sự ấm ức tồn tại đã biến thành lời qua vụ Crowley-Gates . Hơn nữa giáo sư Gates là bạn của ông Obama nên ông thấy không nói gì cũng tệ.
Khổ nỗi, ông Obama là tổng thống của nước Mỹ chứ không phải tổng thống của người da đen, và sự lên tiếng với ngôn từ nặng nề của ông chứng tỏ ông thiếu kinh nghiệm và biến một chuyện “hằng ngày ngoài huyện” thành một chuyện khôi hài cả nước (và có thể cả thế giới) cùng cười.
Từ ngày đắc cử tổng thống, ông Obama chứng tỏ là người năng nổ, làm nhiều việc quan trọng cũng như không quan trọng cùng một lúc xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân Mỹ đã bầu ông. Nhưng có lẽ làm quá nhiều việc cùng một lúc ông không đủ thì giờ tiêu hóa “thông tin” và quên mất địa bàn hoạt động của ông là chuyện quốc gia đại sự chứ không phải chuyện lẻ tẻ địa phương.
Chuyện gì cũng phải học. Tổng thống Obama hụt chân một chút, sau đó rút kinh nghiệm là một quá trình đào luyện tự nhiên. Điều đáng lo là vụ này làm giảm sự tin tưởng của quần chúng vào sự phán đoán của ông và có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc tranh đấu đang hết sức cam go của ông và đảng Dân chủ để thông qua luật cải tổ bảo hiểm để bảo hiểm sức khỏe cho mọi công dân Mỹ. Chuyện không đâu có thể có ảnh hưởng lớn đến vận mệnh quốc gia là vậy.
Chuyện thứ hai không đâu vào đâu là chuyện ông nhạc sĩ Tô Hải với cuốn sách “Hồi ký của một thằng hèn”.
Không biết do đâu và vào lúc nào cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại gần như lên cơn sốt với cuốn “Hồi ký của một thằng hèn” của nhạc sĩ Tô Hải, tưởng chừng như cuốn sách được in ra là chế độ cộng sản tại Việt Nam sẽ sụp đổ không phương cứu chữa .
Ông Tô Hải là một đảng viên đảng cộng sản. Ông viết cuốn sách từ trong nước và (lẽ dĩ nhiên) không được xuất bản. Ông Tô Hải tìm cách cho lên mạng và cuốn sách được in và xuất bản tại Hoa Kỳ. Qua cuốn sách ông Tô Hải kể lại quá trình ông tham gia đảng cộng sản từ hồi kháng chiến chống Pháp và sau đó tiếp tục ở trong bộ máy của đảng trong cuộc chiến xâm lăng miền Nam. Đến ngày toàn thắng (30/4/75) ông được đảng cử vào Sài Gòn tiếp thu và lãnh đạo hoạt động của các nghệ sĩ miền Nam đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc.
Cuốn sách viết rất hấp dẫn. Ông Tô Hải luôn nói mình hèn như nhan đề cuốn sách. Thói đời ai không thích nghe người khác tự phê, tự chửi. Ông chửi chế độ cộng sản thậm tệ bằng những lời lẽ đọc rất khoái tai, và bạn có thể đọc hết cuốn sách không biết chán. Chỉ có thế thôi.
Và dựa trên “những cái thế thôi” bỗng nhiên cuốn sách trở thành một đại tác phẩm, được in, giới thiệu, ra mắt ầm ĩ tại hải ngoại, giống như một màn xiệc, người đạo diễn ở đâu không thấy chỉ thấy những “con cừu của ông Panurge” lên diễn đàn hay viết bài ca ngợi cuốn sách như một thánh thư.
Nơi chương 15 của cuốn “Hồi ký của một thằng hèn” ông Tô Hải kết luận “Tôi đã hết hèn”. Tôi tự hỏi :
(1) Ngoài giá trị đọc thấy “khoái con mắt”, cuốn “Hồi ký của một thằng hèn” đóng góp gì vào công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của đất nước, và
(2) Khi quyết định viết cuốn sách ông Tô Hải đã hết hèn chưa?
Qua cuốn sách ông Tô Hải nói trong suốt quá trình đảng viên ông luôn bị dằn vặt khi làm những việc theo chỉ thị của đảng mà ông thấy lương tâm cắn rứt, nhưng trong mỗi trường hợp ông đều tự biện minh vì an toàn cá nhân, vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai con cái nên ông đều cúi mình tuân lệnh đảng như một đảng viên tốt, ngay cả những lúc phải nhúng tay vào những hành động trái lương tâm trong cuộc cải cách ruộng đất. Cứ như vậy ông hưởng được mọi quyền lợi của một đảng viên và sống rồi hưởng thụ sau khi miền Nam sụp đổ.
Ông Tô Hải đã sống như một thằng hèn như ông thổ lộ tâm tư và tự thú. Khi quyết định viết hồi ký ông cho rằng mình đã hết hèn. Nhưng có hết hèn không khi cuốn sách ông ngoài những chi tiết về cá nhân và gia đình ông không chứa đựng một cái gì mới mẻ. Những tệ hại của chủ nghĩa, của chế độ cộng sản trên thế giới và của đảng cộng sản Việt Nam thì ai cũng đã biết, và tại Việt Nam trước ông đã có nhiều người viết. Vì chẳng có gì mới và thiệt hại gì thêm cho đảng nên ông vẫn bình chân như vại. Ông Tô Hải vừa được ăn được nói lại được gói được mở cho nên ông đâu có hết hèn. Hết hèn là khi biết rằng phản ứng của mình sẽ đưa mình vào tù tội, vợ con bị điêu đứng, nhưng vì lương tâm và tiền đồ đất nước mà phải làm. Ông Lưu Thiếu Kỳ ở Trung quốc không còn hèn khi chỉ trích Mao Trạch Đông để rồi phải chết trong ngục tù, và ông cựu ủy viên Bộ chính trị Trần Xuân Bách mới hết hèn khi đòi cải tổ chính trị để cứu nguy đất nước khi biết rằng đòi thì sẽ về vườn và bị giam lỏng suốt đời.
Một câu hỏi cuối cùng. Ông Tô Hải tính toán gì khi viết cuốn “Hồi ký của một thằng hèn”?
Tôi nghĩ ông khôn. Ông hiểu tâm lý chống cộng của người Việt hải ngoại và ông khai thác tâm lý đó một cách nhìn bề ngoài như một hành động can đảm dấn thân nguy hiểm nhưng kỳ thật khá an toàn. Ông hiến cho cộng đồng một cuốn sách đọc hay như đọc chuyện Phong Thần tưởng là chống Cộng nhưng thực chất chẳng chống ai cả và không đóng góp gì cho công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho quê hương.
Hy vọng rằng sau khi vỗ tay tán thưởng, khán giả nhận chân được rằng đó chỉ là một màn hát xiệc.
July 28, 2009
Bài do tác giả gửi tới Đàn Chim Việt