WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bốn chục năm trước, Hoa Kỳ-Trung Quốc từ thù đến bạn

Đúng bốn chục năm trước, tức vào năm 1971, Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon, bí mật du hành sang Trung Quốc, bắt đầu mối liên lạc giữa hai cường quốc vốn là thù nay trở thành bạn, làm thay đổi lịch sử thế giới và nhất là lịch sử Việt Nam.

1.  THÙ

Ảnh: Flickr

Sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt năm 1945, tại Trung Quốc diễn ra cuộc nội chiến Quốc Cộng.  Hoa Kỳ ủng hộ và viện trợ cho chính phủ Quốc Dân Đảng, tìm cách tiêu diệt đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ).  Cuối Cùng, đảng CSTQ thắng thế năm 1949, thành lập chế độ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) ngày 1-10-1949.  Quốc Dân Đảng di tản ra đảo Đài Loan (Taiwan), lập chính phủ mới.  Tuy chỉ cai trị một hải đảo nhỏ, nhưng nhờ Hoa Kỳ giúp đỡ, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) vẫn giữ ghế đại biểu tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), và là một trong năm ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, có quyền phủ quyết những vần đề quan trọng đưa ra trước LHQ.  Từ 1950 đến 1953, Trung Quốc và Hoa Kỳ đụng độ mạnh mẽ tại chiến tranh Cao Ly (Triều Tiên).

Trong khi đó, ngày 8-3-1949, tổng thống Pháp Vincent Auriol ký với cựu hoàng Bảo Đại hiệp định Élysée, mở đầu việc trao trả độc lập cho Việt Nam.  Cựu hoàng Bảo Đại thành lập chính phủ Quốc Gia Việt Nam (QGVN) ngày 1-7-1949, chống lại chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) do Hồ Chí Minh lãnh đạo.  Khi đó, Hoa Kỳ chưa công nhận chính phủ QGVN.

Tuy nhiên, khi chế độ VNDCCH được CHNDTQ thừa nhận ngày 18-1-1950, rồi được Liên Xô thừa nhận ngày 30-1-1950, thì Hoa Kỳ rất lo ngại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, nhất là của Trung Quốc, xuống Đông Nam Á.  Hoa Kỳ liền thừa nhận chính phủ QGVN ngày 4-2-1950.  Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam là Donald Heath, trình uỷ nhiệm thư lên quốc trưởng Bảo Đại tại Đà Lạt ngày 22-10-1950.   Từ đó, Hoa Kỳ càng ngày càng can thiệp sâu vào vấn đề Việt Nam.  Năm 1954, hiệp định Genève (20-7-1954) chia hai Việt Nam ở song Bến Hải (vĩ tuyến 17): VNDCCH ở phía Bắc; QGVN ở phía Nam.

Trong khi CHNDTQ giúp đỡ VNDCCH, thì Hoa Kỳ thay hẳn chính phủ Pháp để xây dựng QGVN, đổi thành Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) năm 1955, thật vững mạnh, nhằm biến VNCH thành “tiền đồn chống cộng”, thực tế là chống Trung Quốc bành trướng.  Như thế, cả hai bên, Hoa Kỳ và CSTQ, đều không chấp nhận nhau và coi nhau là thù địch.

Tại Liên Xô, trong Đại hội lần thứ 20 của đảng CSLX, ngày 25-2-1956, bí thư thứ nhất đảng CSLX, Nikita Khrushchev đọc một bài diễn văn kịch liệt lên án Stalin (chết năm 1953) và đưa ra chủ trương “sống chung hòa bình” (peaceful coexistence) giữa các nước không cùng thể chế chính trị, hòa dịu với các nước Tây phương.  Trung Quốc phản đối chủ trương nầy.  Lúc đầu mới chỉ lời qua tiếng lại giữa hai đảng Cộng Sản anh em Liên Xô và Trung Quốc, sau đó giữa hai nhà nước cộng sản, và cuối cùng hai nước thực sự đánh nhau dọc biên giới đông bắc Trung Quốc, trên sông Ussuri (Ô Tô Lý Giang) vào tháng 3-1969.

Từ nay, đối với nhà nước CSTQ, Liên Xô không còn là “đồng chí anh em”, mà là một kẻ thù mới.  Về địa lý chính trị, đối với Trung Quốc, kẻ thù mới nầy có bom nguyên tử, ở sát ngay biên giới, còn nguy hiểm hơn là kẻ thù phương xa là Hoa Kỳ.  Hoa Kỳ cũng là địch thủ của Liên Xô, nhưng có khả năng quân sự và kinh tế kềm chế Liên Xô.  Vì vậy, Trung Quốc xét lại quan điểm đối với Hoa Kỳ, và tìm cách liên lạc với Hoa Kỳ để làm đối trọng chống lại mối đe dọa từ người láng giềng Liên Xô.

Về phía Hoa Kỳ, trong chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản và cộng sản, Hoa Kỳ lo ngại sức mạnh nguyên tử của Liên Xô và Trung Quốc có thể tàn phá Hoa Kỳ.  Liên Xô thử nghiệm thành công bom nguyên tử ngày 29-8-2949.  Năm năm sau, Trung Quốc cho nổ bom nguyên tử đầu tiên ng ày 16-10-1964.

Tranh chấp Liên Xô – Trung Quốc xảy ra từ năm 1956 cho Hoa Kỳ thấy rằng khối CSQT không còn đoàn kết như trước đây.  Khi chống lại chính sách can thiệp vào Việt Nam của Johnson, ứng cử viên đảng Cộng Hòa, Barry Goldwater, tuyên bố ngày 26-8-1964 rằng thương thuyết với CHNDTQ sẽ giúp giải quyết chiến tranh Việt Nam.(1)

Không biết đây là chủ trương cá nhân của ứng cử viên Goldwater hay là lộ trình của đảng Cộng Hòa, mà sau đó khi đảng Cộng Hòa giành được ghế tổng thống của đảng Dân Chủ, vị tổng thống Hoa Kỳ thuộc đảng Cộng Hòa, Richard Nixon, nhậm chức từ đầu năm 1969, khi gặp khó khăn trong chiến tranh Việt Nam, liền tìm cách liên lạc với Trung Quốc, vừa để chia rẽ khối CSQT, đào sâu sự phân cách giữa Liên Xô và Trung Quốc, vừa để nhờ Trung Quốc áp lực với Cộng Sản Việt Nam (CSVN), giải quyết chiến tranh Việt Nam.  Như thế, cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, tuy trước đây thù địch nhau, nay đều có nhu cầu thân thiện với nhau.

2. ĐẾN BẠN

Sau nhiều cuộc thăm dò và đàm phán bí mật, cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều tỏ thiện chí nhằm xích lại gần nhau.  Tháng 12-1969, Trung Quốc trả tự do cho hai người Mỹ bị bắt trước đó vài tháng vì vi phạm hải phận Trung Quốc trên một du thuyền.  Ngày 20-1-1970, Lei Yang [Lôi Dương], một nhà thương thuyết Trung Quốc báo cho Walter Stoessel, đại sứ Hoa Kỳ tại Varsaw (Ba Lan), biết rằng Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận đề nghị của Hoa Kỳ gởi một nhà ngoại giao đến Bắc Kinh để bàn luận về những vấn đề liên hệ song phương.(3) Ngày 10-7-1970, Trung Quốc thả giám mục Ky-Tô giáo La Mã, James Walsh, người Hoa Kỳ, thuộc dòng Marydnoll (Hoa Kỳ).  Ông bị bắt năm 1958 và bị kêu án 20 cấm cố từ năm 1960.(2)

Trong cuộc phỏng vấn đăng trên tạp chí Time vào ngày 5- 10-1970, tổng thống Nixon tuyên bố: “If there is anything I want to do before I die, it is to go to China.  If I don’t, I want my children to.” (Tạm dịch: “Nếu có điều gì tôi muốn thực hiện trước khi từ trần, thì đó là đi thăm Trung Quốc.  Nếu tôi không đi [được], tôi muốn các con tôi sẽ đi.”)(3) Mao Trạch Đông đáp ứng ngay qua cuộc phỏng vấn của Edgar Snow ngày 18-12-1970, hoan nghênh việc Nixon viếng thăm Trung Quốc dù với tư cách là một tổng thống hay một du khách.  Tiếp đó, trong bài diễn văn trình bày về chính sách ngoại giao trước quốc hội ngày 25-2-1971. tổng thống Nixon xác định Hoa Kỳ cần phải đối thoại với Trung Quốc, mở rộng quan hệ giữa hai nước.(3)

Ngày 6-4-1971, Trung Quốc mời đoàn bóng bàn Hoa Kỳ sang thi đấu giao hữu.  Khi tiếp đoàn bóng bàn Hoa Kỳ tại Đại sảnh đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 14-4-1971, thủ tướng Trung Quốc là Chu Ân Lai nói: “You have opened a new chapter in the relations of the American and Chinese people… I am confident that this beginning again of our friendship will certainly meet with majority support of our two peoples.” (Tạm dịch: “Quý vị đã mở ra một chương mới trong mối quan hệ giữa hai dân tộc Hoa Kỳ và Trung Quốc…  Tôi tin tưởng rằng sự bắt đầu trở lại tình hữu nghị nầy giữa chúng ta chắc chắn được đa số hai dân tộc chúng ta hỗ trợ.”) (4)

Để dọn đường và sắp đặt việc Nixon thăm viếng Trung Quốc, ngày 9-7-1971, trong một chuyến công du Pakistan, cố  vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ là Henri Kissinger bí mật bất ngờ đến Bắc Kinh.  Theo những tài liệu mới được giải mật, trong cuộc gặp gỡ nầy, ngoài những vấn đề song phương và thế giới, Kissinger còn thảo luận với thủ tướng Chu Ân Lai về vấn đề Việt Nam.  Kissinger cho Chu Ân Lai biết:

I would like to tell the Prime Minister, on behalf of President Nixon, as solemnly as I can, that the first of all, we are prepared to withdraw completely from Indochina and to give a fixed date, if there is a ceasefire and a released of our prisoniers.  Secondly, we will permit the political solution of South Vietnam to evolve and to leave it to the Vietnamese alone.” (5) (T ạm dịch: “Nhân danh tổng thống Nixon, tôi xin thông báo với Thủ tướng một cách trịnh trọng nhất rằng trước hết, chúng tôi sửa soạn rút quân hoàn toàn ra khỏi Đông Dương và ấn định ngày giờ rút quân, nếu có một cuộc ngưng bắn và phóng thích tù binh của chúng tôi.  Thứ đến, chúng tôi sẽ để cho giải pháp chính trị của Nam Việt Nam tự diễn biến và phó mặc cho một mình  người Việt [tự giải quyết với nhau].”)

Trong cuộc họp hôm sau (10-7-1971), Kissinger nói thêm:  “What we require is a transition period between the military withdrawal and the political evolution.  Not so that we can re-enter, but so that we can let the people of Vietnam and of other parts of Indochina determine their own fate… I have told the Prime Minister yesterday, and I am willing to repeat this, that if after complete American withdrawal, the Indochinese people change their government, the U.S. will not interfere.” (6) (T ạm dịch:  “Điều chúng tôi yêu cầu là một khoảng thời gian chuyển tiếp giữa sự rút quân và diễn biến chính trị.  Không phải là để chúng tôi có thể trở vào lại [Việt Nam], nhưng chúng tôi có thể để cho dân tộc Việt Nam và dân tộc các nơi khác ở Đông Dương tự quyết định lấy số phận của họ… Hôm qua, tôi đã thưa với Thủ tướng, và tôi muốn nhắc lại rằng, nếu sau khi quân đội Mỹ rút lui hoàn toàn, mà các dân tộc Đông Dương thay đổi chính quyền của họ, Hoa Kỳ sẽ không can thiệp.”)

Sau khi Kissinger về nước, ngày 13-7-1971, Chu Ân Lai qua Hà Nội tường trình cho những nhà lãnh đạo đảng CSVN về cuộc họp vừa qua với Kissinger và bảo đảm rằng Trung Quốc tiếp tục ủng hộ Bắc Việt Nam. (Qiang Zhai, sđd. tr. 196.)  Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, Nixon lên đài truyền hình ngày 15-7-1971, công bố sẽ thăm Trung Quốc vào đầu năm tới.

Lót đường cho chuyến thăm viếng hữu nghị sắp đến, Hoa Kỳ không phủ quyết cuộc biểu quyết tại Đại hội đồng thứ 26 của LHQ ngày 25-10-1971, theo đó CHNDTQ được cử giữ ghế đại biểu Trung Quốc tại LHQ thay cho Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan).  Sự kiện nầy có nghĩa là Hoa Kỳ quyết định bỏ rơi Đài Loan, đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ, để bắt tay với CHNDTQ.  Cần để ý thêm là Trung Quốc giữ ghế hội viên thường trực, có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ.

Như thế, từ năm 1971, tức cách đây đúng bốn chục năm, Hoa Kỳ từ thù trở thành bạn của Trung Quốc.  Lễ vật cho tình bạn mới nầy là Hoa Kỳ quyết định bỏ rơi Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và bỏ rơi luôn VNCH. Trung Quốc biết điều đó.  Chắc chắn nhà cầm quyền Hà Nội cũng biết điều đó.  Chỉ có chính phủ VNCH không biết điều đó, dầu điều đó là khởi đầu sự sụp đổ của VNCH.

CHÚ THÍCH

1. John S. Bowman, tổng biên tập, The Vietnam War, Day by Day [Chiến tranh Việt Nam, việc từng ngày], New York: Mallard Press, 1989, tr. 49.

2. Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tr. 182.

3. Richard Nixon, The Memoirs of Richard Nixon, New York: Grosset & Dunlap,  1978, tt. 546-548..

4. Henry Kissinger, White House Years, Boston:Little, Brown and Company, 1979, tr. 710.

5. Trích biên bản cuộc họp ngày 9-7-1971 tại Bắc Kinh giữa Henry Kissinger và Chu Ân Lai.) (Đăng lại trong Nguyễn Tiến Hưng, Tâm tư tổng thống Thiệu, California: Cơ sở Hứa Chấn Minh, 2010, tr. 617.)

6. Trích biên bản cuộc họp ngày 10-7-1971 tại Bắc Kinh giữa Henry Kissinger và Chu Ân Lai.) (Đăng lại trong Nguyễn Tiến Hưng, sđd. tr. 624.)

© Trần Gia Phụng

© Đàn Chim Việt Online

5 Phản hồi cho “Bốn chục năm trước, Hoa Kỳ-Trung Quốc từ thù đến bạn”

  1. Nguyen Tam Bao says:

    Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh từ nói đại ý là “các nước lớn bao giờ cũng đàm phán với nhau trên lưng các nước nhỏ”.

    Nếu các tướng lãnh quân phiệt thời mồ ma VNCH mà có được cái tầm nhìn và sự can trường như cha con Tướng Nguyễn Chí của cộng sản, thì VNCH đã không sụp đổ, mà rồi không vươn được như Nam Hàn thì chắc cũng tầm cỡ Thái Lan – có phải bây giờ Sài Gòn đã là Thủ Đô Du Lịch Tình Dục rồi chứ đâu đến lượt Bangkok? Tiếc thay.

    Những vị chống cộng ở hải ngoại thì không nói làm gì, nhưng các nhà dân chủ đối kháng trong nước dường như đang đi lại con đường ngây thơ nhầm lẫn của VNCH ngày xưa, đặt quá nhiều niềm tin vào Hoa Kỳ và Phương Tây, coi những lời đường mật của họ về Dân Chủ và Nhân Quyền như là ánh sáng của sao Bắc Đẩu vậy.

    Trong tiềm thức của bất cứ một người da trắng nào cũng là một sự bất an về số lượng dân số nhỏ nhoi lại đang càng ngày càng nhỏ vì tỷ lệ sinh đẻ thấp. Thế nên tâm lý bài người nhập cư ở châu Âu đang ngày một cao. Ở Mỹ thì người da đen và người da màu vẫn không sao ngóc đầu lên được. Đừng tưởng Obama lên ngai là mở đường cho người da đen tiến lên ngang bằng với người da trắng. Obama chỉ có nước da đen chứ thực ra là một người da trắng, mang tâm thức của người da trắng, được đào tạo bài bản như một người da trắng chính cống để gia nhập tầng lớp thượng đẳng trong xã hội Mỹ.

    Chính vì vậy mà trên bình diện quốc tế, chỉ có mối quan hệ giữa Bắc Mỹ và Tây Âu là mối quan hệ thực sự bền vững, với những dây chão ràng buộc về cả kinh tế, chính trị, văn hoá, lẫn dòng giống…

    Còn những mối quan hệ khác bao giờ cũng chỉ có tính tạm thời, có lợi thì là bạn, bất lợi sẽ trở thành thù địch.

    Trung Quốc và Hoa Kỳ hôm nay vừa là bạn làm ăn, lại vừa ganh đua với nhau, cả hai đều cần lẫn nhau. Trung Quốc cần Hoa Kỳ giữ vững trật tự thế giới hiện tại để có thể rảnh rang mà phát triển kinh tế và công nghiệp hoá, đi theo con đường của Nhật Bản đầu thế kỷ 20. Hoa Kỳ cần Trung Quốc như nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng và như một Ngân Hàng cho vay lãi xuất thấp để chi trả cho chi phí Quân Sự đặng mà giữ vững những vị trí chiến lược trên địa cầu.

    Trong cái thế giới mà kẻ mạnh tiếp tục liên kết với nhau để ăn thịt kẻ yếu hơn, thì một đất nước có tầm vóc trung bình như Việt Nam không thể ngu xuẩn mà liên kết gắn bó với kẻ mạnh này để chống lại kẻ mạnh khác. Không thể ngu xuẩn theo kiểu hô hào “liên Mỹ hoà Hoa”, cũng không thể dại dội là “liên Hoa chống Mỹ”.

    Thật tiếc thay hiện tại lại chỉ có những người cộng sản, như Tướng Vịnh chẳng hạn, là có được cái nhìn thực tế và có đủ khôn ngoan để giữ được độc lập tự chủ. Những người đối kháng thường lãng mạn cải lương, hoặc mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa bồng bột, chứ không ai có cái Tầm của một Nhà Lãnh Đạo Sáng Suốt.

  2. hon thieng song nui says:

    my hay tq gi thi sao cac ban ban nhieu de lam gi.co ai vi quyen loi 1dan toc nho be nhu vn minh hay k?minh la nguoi vn phai lam sao giau manh giong nguoi nhat ban vay moi co the noi chuyen voi may con tiger nay duoc.

  3. iBi says:

    Xin mạn phép đưa ra cái nhìn bên ngoài sử – tức là những gì không (hay chưa) được chính thức chép lại:
    VNCH chỉ là một cái chốt, chốt đông nam, trong vòng đai an ninh bao quanh TQ. Mặt đại dương thì Mỹ có hạm đội 5 ở Ấn Độ Dương và hạm đội 7 ở Thái Bình Dương. Vào năm 1972, Mỹ quyết định tạo cán cân phòng thủ mới: rút chốt VNCH ở đông nam, chuyển chốt đó về phía nam, Thái Lan, đã có sẵn; vòng đai an ninh vẫn an toàn. Nước cờ có hiệu quả, cho TQ một chút ảnh hưởng ở Đông Dương để tiến tới quan hệ bằng hữu thay vì đối đầu nhau ở Đông Dương gây nhiều tốn kém cả hai bên, Mỹ và TQ. Nước cờ đó còn hay hơn nữa là tạo mâu thuẫn giữa TQ và Liên Xô sâu sắc hơn. Hiệu quả dễ thấy ngay lúc đó là Liên Xô vội vã đồng ý ký hiệp ước tài giảm binh bị với Mỹ vào 1972, điều mà họ vẫn õng ẹo trước đó. Hiệp ước tài giảm binh bị này cho phép Nixon rảnh tay để đối phó với những vấn nạn kinh tế và xã hội Mỹ vào thời đó: vật giá leo thang, kinh tế suy thoái, thất nghiẹp gia tăng, khủng hoảng nhiên liệu, thâm thủng ngân sách nặng, cán cân mậu dịch với nước ngoài đang bất lợi v.v…Riêng Liên Xô thì hiệp ước tài giảm cũng giúp cho LX đỡ tốn kém hơn về quân sự một chút ở phương tây, chuyển sự chú ý vào “bạn” láng giềng TQ. Hiệu quả thứ 2 dễ thấy ngay lúc đó là TQ nhanh chóng chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 để làm bước đệm trấn thủ Đông Dương sau này. Hiệu quả thứ 3 dễ thấy là TQ trở thành bạn buôn bán với Mỹ, tạo thế đòn bẫy thúc đẩy nền kinh tế cả hai bên. Chỉ cần chuyển một chốt trong vòng đai an ninh bao quanh TQ về nam một chút, mất ảnh hưởng ở ĐD, nhưng Mỹ được lợi với cả hai bên, TQ và Liên Xô. Giai đoạn détente, giữa Mỹ – TQ (kết bạn) và giữa Mỹ – Liên Xô (tài giảm binh bị), đều có lợi cho các bên. Tất nhiên ai cũng hoan hỉ, trừ ra ông Thiệu và VNCH (VNCH biết rất rõ, vào lúc đó, thưa ông TGP).

    Giải pháp win – win, hai bên cùng có lợi, luôn luôn là giải pháp tối ưu cho các bên tham gia. Mỹ và phương tây rất sành điệu trong việc tìm kiếm hoặc tạo ra giải pháp win – win. Những người đã từng là CS thường không biết hoặc khó chịu với giải pháp này; họ biết và chỉ biết win – lose (ai thắng ai ?). An nam mít cũng thường chỉ thích win – lose: mình théng mà nó cũng théng thì kỳ quá. Khi mở cửa cho sinh viên VN du học sang Mỹ, có viên chức Mỹ (tôi quên tên) đã nói, đại ý là: giúp đào tạo những người biết cách làm ăn sao cho hai bên cùng thắng, cùng có lợi.

    Gần đây, TQ, ỷ thế có thêm vài vũ khí mới và chút ít tiền, đã rậm rực đòi mở rộng thêm vùng ảnh hưởng của họ ra những vùng biển chung quanh Hoàng Sa (đã chiếm được) và Trường Sa (đang đòi lấy được), khiến Mỹ lo ngại về đường giao thông ở Thái Bình Dương. Mỹ phải tập hợp các chốt trong vùng lại để lên tiếng phản pháo (gọi là đấu pháp, thay vì đấu trận) để TQ phải chỉnh nước cờ lại, tìm cho ra giải pháp win – win mới với Mỹ, nếu không thì cứ win – win như cũ. Đấu pháp còn đang tiếp tục.

  4. GopY says:

    Tri1chNhư thế, từ năm 1971, tức cách đây đúng bốn chục năm, Hoa Kỳ từ thù trở thành bạn của Trung Quốc. Lễ vật cho tình bạn mới nầy là Hoa Kỳ quyết định bỏ rơi Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và bỏ rơi luôn VNCH. Trung Quốc biết điều đó. Chắc chắn nhà cầm quyền Hà Nội cũng biết điều đó. Chỉ có chính phủ VNCH không biết điều đó, dầu điều đó là khởi đầu sự sụp đổ của VNCH…

    Tác gỉa nói thật hay đùa là “chính phủ VNCH không biết điều đó”….đúng ra là TT Thiệu biết điều đó …nhưng vẩn còn ngây thơ tin vào lời hừa của TT Nixon là Mỹ sẽ can thiệp trở lại VN nếu CSVN vi phạm HD Paris và không bao giờ tự đặt câu hỏi cơ bản:

    VNCH có tự đứng vững bằng nội lực của mình sau khi Mỹ quyết định bỏ con chốt Dimino Vietnam không còn cần thiết nửa sau khi đạt thỏa thuân với Mao:

    Biên giới TQ tàm thời kéo dài đến Cà Mau là ngừng lại !

    Đều mà Mỹ / VNCH bị Mao lừa là Chiếm Hoàng Sa vào năm 1974 và coi như kiểm soát được biển đông và hậu qủa còn kéo dài đến ngày hôm nay.

  5. Minh Đức says:

    Trích: “Như thế, từ năm 1971, tức cách đây đúng bốn chục năm, Hoa Kỳ từ thù trở thành bạn của Trung Quốc. Lễ vật cho tình bạn mới nầy là Hoa Kỳ quyết định bỏ rơi Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và bỏ rơi luôn VNCH. Trung Quốc biết điều đó. Chắc chắn nhà cầm quyền Hà Nội cũng biết điều đó. Chỉ có chính phủ VNCH không biết điều đó, dầu điều đó là khởi đầu sự sụp đổ của VNCH.”

    Việc Mỹ bỏ rơi VNCH dù VNCH biết trước hay không thì cũng vẫn đưa đến sự sụp đổ của VNCH. Sự sụp đổ của VNCH là do VNCH mất viện trợ của Mỹ trong khi bị miền Bắc tiếp tục nhận viện trợ của Liên Xô và tấn công miền Nam . Miền Nam một mình không thể nào chống nổi với sự hợp lực tấn công của miền Bắc, Liên Xô, khối Đông Âu và Trung Quốc .

    Không rõ là khi Kissinger quyết định bỏ Đông Dương thì có đoán trước được là Đông Dương sẽ trở thành khu vực xung đột giữa Liên Xô và Trung Quốc hay không?

    Việc Mỹ bắt tay với Trung Quốc không thể xảy ra sớm hơn được vì vào thập niên 60 trở về trước thì Mao vẫn tin rằng với sự lãnh đạo của mình Trung Quốc sẽ hùng mạnh và lãnh đạo một khối thứ ba ngang hàng với khối của Liên Xô và Mỹ. Khi Mao Trạch Đông chấp nhận bắt tay với Mỹ là lúc Mao thấy đến cuối đời mình mà Trung Quốc vẫn là một nước lạc hậu, thua kém Liên Xô và Mỹ, và thấy là chính sách đóng cửa tự phát triển của mình đã không đem lại Gió Đông thổi bạt Gió Tây như mình tưởng.

Leave a Reply to hon thieng song nui