Hà Nội: 1948-1954, những năm tháng cũ
(Phần cuối)
Trong những năm 1948-1954, đài phát thanh Hà Nội đã tổ chức hai lần thi hát, chỉ có 2 lần thôi, và phần lớn các người dự thi là nam nữ học sinh. Gọi là thi hát chứ không phải là tuyển lựa ca sĩ cho đài. Kỳ thứ nhất vào dịp đầu hè năm 1953 và kỳ thứ hai vào khoảng trước hay sau Giáng Sinh cuối 1953 đầu 1954. Các kỳ thi đều tổ chức tại đài. Mỗi kỳ có đến cả trăm người ghi tên tranh tài. Và chúng tôi đã theo dõi các kỳ thi hát này một cách thích thú.
Cũng vì thế, cách nay khoảng gần 10 năm, tôi rất ngạc nhiên khi xem chương trình Thúy Nga Paris by Night số 64 với chủ đề “Đêm Nhạc Thính Phòng’’ vinh danh 3 nhạc sĩ nổi tiếng từ những năm 1975 về trước. Trong phần giới thiệu và trình bày nhạc phẩm của người nhạc sĩ thứ nhất, MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã kể một giai thoại vui về vị nhạc sĩ này. Chuyện kể như sau:
Năm 1953, đài phát thanh Hà Nội tổ chức một buổi tuyển lựa ca sĩ. Vị nhạc sĩ này lúc đó 20 tuổi đã ghi tên dự thi. Tên ông là Trần Trọng Ngọc nhưng ghi dự thi lại lấy tên là Trần Ngọc, bỏ đi chữ đệm, ông mưu trí tính rằng nếu chẳng may không trúng tuyển thì sẽ không bị xấu hổ vì không ai biết đến cái tên Trần Ngọc là người nào. Sau khi dự thi hát xong, hôm sau ông đến đài xem kết qủa. Ông sửng sốt nhìn bảng kết quả từ trên xuống dưới không thấy tên mình. Bảng có ghi tên Trần Ngọc đậu số một, nhưng ông cứ tìm cái tên cúng cơm là Trần Trọng Ngọc. Đã về nhà ông lại trở ra đài phát thanh để coi lại, mang theo tờ giấy báo danh dự thi, và lúc đó ông mới biết ông mang tên dự thi là Trần Ngọc, ông đã đậu Thủ khoa mà không biết vì lần coi trước ông đã quên không nghĩ ra. Nghe Nguyễn Ngọc Ngạn kể đến đây, tôi thấy nhiều khán giả đã thích thú cười bò. Ông nhạc sĩ đã đạt được kết quả mong muốn: tạo được nụ cười của khán giả và ngầm khoe khi còn nhỏ ông đã là ca sĩ có hạng, đã từng đoạt chức Thủ khoa trong kỳ thi tuyển lựa của đài phát thanh.
Thế nhưng nếu khán giả biết được sự thực thì không hiểu họ sẽ còn cười được nữa không? Sự thực như thế nào? Sự thực là không có cái tên Trần Ngọc nào đã đậu Thủ khoa cả trong 2 lần thi hát cuả đài phát thanh Hà Nội dịp đầu hè 1953 và dịp cuối 1953, đầu 1954. Cả đến đậu Á khoa tức hạng nhì cũng không có nữa. Tôi nhớ rõ, lần thi đầu, Thủ khoa là anh Thanh Hiếu, người đậu thứ nhì là cô Thanh Hằng và lần thi thứ nhì, Thủ khoa là anh Duy Trác, người thứ nhì là cô Kim Tước. Tôi còn nhớ cô Thanh Hằng đậu Á khoa khi hát bài Đêm Xuân của Phạm Duy, đây là lần đầu tôi được nghe bài hát này. Thanh Hiếu tên thực là Thẩm Thành Hiếu, có người anh ruôt là Thẩm Thành Nghĩa lớn hơn 1 tuổi. Niên khóa 1950-1951, cả hai anh em học cùng lớp ở trường trung học Phan Đình Phùng phố Hàng Đẫy. Duy Trác và Kim Tước di cư vào Nam khi có vụ chia đôi đất nước và ở miền Nam, chuyện Duy Trác đậu Thủ khoa kỳ thi hát không ai có thể nhận xằng được. Thanh Hiếu và Thanh Hằng ở lại Hà Nội, và tên tuổi không mấy người còn nhớ tới nữa cho nên đem cái tên Trần Ngọc thay thế cho cái tên Thanh Hiếu ở chức Thủ khoa hẳn phải là ăn chắc.
Vị nhạc sĩ này đã sáng tác một số bản nhạc tình cảm khá làm rung động lòng người, đã được ưa chuộng và được ca ngợi . Đã tạo nên tiếng tăm hẳn hoi như thế, tôi thực không sao hiểu nổi ông còn phải cố tình tiếm danh vị như thế để làm gi? Có làm ông tăng giá trị thêm được chút nào không? Có lẽ vì trong lòng không yên tâm, và cảm thấy ngượng miệng nên ông đã lẩn tránh để cho MC Nguyễn Ngọc Ngạn đứng cạnh MC Kỳ Duyên kể lại hộ giai thoại này, trong khi đó thì chính ông đã đứng bên MC Nguyễn Ngọc Ngạn để tự miệng kể ra những kỷ niệm khác, những giai thoại khác trong cuộc đời làm nhạc của ông. Thêm nữa, 2 lần thi do đài phát thanh Hà Nội tổ chức đều gọi là các cuộc thi hát chứ không phải là để tuyển lựa ca sĩ cho đài phát thanh như ông đã cho biết một cách lầm lẫn, tuy sau đó các ca sĩ trúng giải cũng thỉnh thoảng được đài mời tới hát thêm để góp phần cho đài với các giọng hát mới.
Cũng năm 1953, vào dịp hè, ban hợp ca Thăng Long từ Sài Gòn lần đầu ra Bắc trình diễn. Có lẽ mục đích là để thăm dò phản ứng cùng mức độ thưởng ngoạn của người dân xứ Bắc cho nên họ đã chọn rạp chiếu bóng Bắc Đô ở phố Hàng Giấy, gần chợ Đồng Xuân làm nơi trình diễn, một rạp vào loại nhỏ, có tính cách bình dân. Ban hợp ca có 4 anh em: Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Hằng, Thái Thanh. Thêm vào đó, có Phạm Duy, đóng vai người lãnh đạo giới thiệu chương trình. Có các màn đơn ca, song ca, hợp ca và nhạc cảnh, các nhạc cảnh ‘Tình hoài hương’ và ‘Tiếng dân chài’. Khán giả đã hết sức thích thú qua màn hợp ca bản “Ngựa phi đường xa” với Hoài Trung vươn cổ lên bắt chước tiếng ngựa hí sao mà giống thế.. Chương trình dài chừng một giờ và sau khi chương trình chấm dứt thì tiếp theo ngay là màn phim chiếu bóng. Phản ứng của công chúng thật hết sức thuận lợi. Vé tất cả các xuất đều bán hết ngay. Lần đầu tiên khán giả Hà Nội được xem 1 chương trình ca nhạc đặc sắc và mới lạ, đặc sắc về cách thức trình diễn, mới lạ về các màn hợp ca và nhạc cảnh. Chúng tôi coi xong còn cố ở lại xem nốt phim chiếu bóng cho đáng đồng tiền, nhưng có nhiều người, khi chương trình chấm dứt, là bỏ về ngay, không cần coi phim. Họ cho rằng xem phim ngay sau đó sẽ làm giảm đi hương vị, làm loãng đi dư âm của các màn ca hát đặc sắc này.
Sau kinh nghiêm ra Bắc rất thành công vào mùa hè 1953, dịp Tết Giáp Ngọ đầu năm 1954, ban hợp ca Thăng Long trở lại đất Bắc, trình diễn tại Nhà Hát Lớn, sân khấu lớn nhất miền Bắc. Lần này ban Thăng Long có 5 người, thêm nữ ca sĩ Khánh Ngọc, vợ của Hoài Bắc và ban Thăng Long là một thành phần của đoàn ca vũ nhạc Gió Nam. Trước khi tới Hà Nội, Gió Nam đã ghé lại Huế để trình diễn mấy buổi rồi theo chương trình, sau Hà Nội, Gió Nam lại xuống Hải Phòng diễn tại Nhà Hát Lớn để dân chúng Cảng được thưởng thức tài nghệ. Đoàn Gió Nam chủ yếu là ban hợp ca Thăng Long, có thêm nghệ sĩ Trần Văn Trạch, ban vũ Lưu Bình, Lưu Hồng, Mỹ An, và nhạc sĩ dương cầm Võ Đức Thu. Họ mời thêm danh thủ vĩ cầm số một Hà Nội là Nguyễn Văn Diệp của Âm Nhạc Học Xá cộng tác để có các màn độc tấu vĩ cầm, độc tấu dương cầm và hợp tấu vĩ cầm dương cầm.
Ban vũ của ba anh em họ Lưu với Mỹ An trẻ, đẹp đã nhảy các bản vũ điệu tây phương, dồn dập như Flamenco của Tây Ban Nha, lả lướt như Tango Argentina, và trang trọng như các màn valse của thành Vienne. Quái kiệt Trần Văn Trạch làm khán giả ngạc nhiên thích thú với các bản hài hước như ‘Chuyến xe lửa Mùng Năm’. Không chỉ có tài với các bản hài hước, nghệ sĩ Trần Văn Trạch còn có giọng hát trầm ấm, hết sức truyền cảm trong các nhạc khúc như Sérénade của Schubert lời Việt là ‘Dạ Khúc’, một bài ‘Dạ Khúc’ khác của Nguyễn Mỹ Ca, bài ‘Đêm khuya trên đường Catinat” của chính Trần Văn Trạch sáng tác. Như thường lệ, ban Thăng Long cống hiến các bài đơn ca, song ca, hợp ca, và các màn nhạc cảnh. Ngoài các nhạc cảnh “Tình Hoài Hương’, ‘Tiếng Dân Chài’ còn có các màn nhạc cảnh mới như “Đi Chơi Chùa Huơng’, ‘Mùa Thi’, … Họ có lối trình diễn mới lạ, linh động, với những cử chỉ duyên dáng, nhịp nhàng chứ không như phần đông các ca sĩ đương thời khác, đứng hát cứng nhắc trước cái micro.
Phạm Duy vẫn là người giới thiệu chương trình, lúc đó mới 33, 34 tuổi, đang ở thời kỳ phong độ nhất. Phong cách của Phạm Duy, với lời giới thiệu thiết tha, duyên dáng, giọng nói lôi cuốn, truyền cảm, đã làm say mê công chúng Hà Thành, đã hoàn toàn chinh phục các thanh niên, học sinh chúng tôi. Trong chuyến Bắc Du này, Phạm Duy đã cho ra mắt bản ‘Tình Ca’ do Thái Thanh lần đầu hát trên sân khấu và đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Nhạc sĩ Tạ Tấn đã nói với các học trò của ông là “nghe Thái Thanh hát ‘Tình Ca’, hát ‘Về Miền Trung’ rồi thì không muốn nghe ai khác hát các bài ấy nữa”. Ấn bản của bài ‘Tình Ca’ cũng được phát hành kịp thời, với bìa ngoài màu tím có hình Phạm Duy. Hơn 10 buổi trình diễn mà không buổi nào còn một chỗ trống.
Có một lần, trong một buổi trình diễn đặc biệt vào sáng chủ nhật với giá vé đồng hạng, không hiểu ban kiểm soát làm ăn ra sao mà khán giả đã ngồi kín chỗ rồi mà còn nhiều người đứng tràn đầy ra cả các lối đi. Đã quá nửa giờ mà chưa thấy vén màn sân khấu. Khán giả, phần đông là thanh niên, học sinh, đã bắt đầu náo loạn. Lúc đó mới có đại diện ban tổ chức ra tuyên bố vì số người quá đông, gây trở ngại và làm mất an toàn trong rạp hát cho nên buổi trình diễn phải hủy bỏ. Khán giả không chiụ ra về và còn làm ầm ỹ hơn nữa. Hai, ba người khác lên nói tiếp nhưng đều vô ích. Cuối cùng ban tổ chức phải mời Phạm Duy ra sân khấu trình bày rằng anh chị em nghệ sĩ sẵn sàng chờ để trình diễn đến lúc nào cũng được, nhưng vì hoàn cảnh thiếu an toàn cho chính các khán giả nên xin mọi người vui lòng ra về và nhớ giữ vé để coi bù vào 1 buôỉ trình diễn sau sẽ được thông báo trên đài phát thanh và báo chí. Lúc đó mọi người mới chịu ra về trong trật tự. Tôi còn nhớ một buổi khác, trong lúc nhạc kịch ‘Đi Chơi Chùa Hương’ do ban Thăng Long đang trình diễn thì đột nhiên cậu bé Duy Quang, lúc đó mới chừng hơn 3 tuổi, từ hậu trường lăng xăng chạy ra ngoài sân khấu, hẳn là để đuổi theo mẹ là ca sĩ Thái Hằng đang đóng vai khách đi lễ chùa, khiến cho ai nấy đều sửng sốt, kể cả các diễn viên lẫn khán giả. Rất may Hoài Bắc, cũng đang là một diễn viên, đã nhanh trí hỏi cậu bé này là con cái nhà ai, có phải đi lạc đường không, rồi dắt cậu bé Duy Quang nhập theo đoàn cùng đi lễ chùa, đóng vai cậu diễn viên tí hon một cách bất đắc dĩ.
Trong thời gian ở Hà Nội, đoàn Gió Nam đã cư ngụ tại một biệt thự đường Hai Bà Trưng. Nơi đây, khán giả ái mộ, nhất là các nam nữ học sinh chúng tôi, thường tới đê có dịp gặp mặt và được nói chuyện, chụp hình với các nghệ sĩ mà mình ưa thích. Báo chí còn ‘trách yêu’ ban hợp ca Thăng Long là ‘những đứa con hư của đất Bắc’, ý nói rằng những đúa con sinh trưởng, lớn lên từ đất Bắc lại đã bỏ nhà lưu lạc ra đi mãi đến nay mới trở về thăm viếng. Rồi cuối cùng thì đoàn Gió Nam cũng rời Hà Nội, rời vĩnh viễn, không còn có dịp nào trở lại vì chỉ nửa năm sau thì hiệp định Genève chia đôi đất nước ra đời.
Hà Nội tháng 7, 1954. Thành phố như lên cơn sốt. Quân đội Pháp đã rút khỏi Thái Bình, Nam Định lui dần lên phía nam Hà Nội. Lúc này người dân đã hiểu cộng sản qua các đợt cải cách, đấu tố và họ đã đổ xô về Hà Nội chờ đợi di cư vào Nam. Suốt từ chợ Đồng Xuân qua Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào tới hồ Hoàn Kiếm, người đi kẻ lại tấp nập, đông hơn xa cả những chiều cuối tuần khi trước. Khu phố Gia Long, Bà Triệu, chợ trời mọc lên nhan nhản. Những người quyết định ở lại đua nhau mua sắm đồ đạc của những người sắp sửa di cư sẵn sàng bán tống bán tháo những thứ mà họ biết chắc không thể mang theo.
Gia đình tôi cũng sẽ vào Nam. Bạn bè tôi, những đứa thân nhất, vài đứa sẽ di cư, dăm đứa sẽ ở lại. Chúng tôi hầu hết không có ý kiến riêng, ý thích riêng và phải hoàn toàn lệ thuộc vào sự định đoạt của gia đình về đi hay ở. Với những đứa sẽ di cư, tôi hứa hẹn sẽ tìm gặp lại nhau tại Sài Gòn. Với mấy đứa ở lại, chúng tôi làm một cuộc tiễn đưa trọn một ngày bằng cách cùng nhau đi thăm, với tôi là lần cuối, vài nơi từng mang dấu vết của những kỷ niệm chung. Chúng tôi lên đường Cổ Ngư ghé qua chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây. Hồ bơi bên đường đi vào chùa hoang vắng, không một bóng người. Chúng tôi vào vườn Bách Thảo, lên Núi Nùng, đâu đâu cũng ‘vắng như chùa Bà Đanh’. Rồi vui chân, chúng tôi đạp xe ghé qua Núi Bò lên đến tận Đền Voi Phục, tại đây có một con voi, con voi thật, ở đâu mang tới và không biết để làm gì. Anh chàng chăn voi cho chúng tôi lần lượt thay nhau cuỡi voi đi lại vài vòng, dĩ nhiên là phải trả tiền thuê mướn. Ngay ở Đền Voi Phục, lần đầu tôi cưỡi voi, trong những ngày cuối còn lại ở Hà Nội.
Đầu hạ tuần tháng 7, 1954, tôi lên xe xuống Hải Phòng chờ tàu di cư vào Nam. Rời Hà Nội, còn văng vẳng nghe tiếng ca của bài ‘Hướng về Hà Nội’:
Hà Nội ơi,
Dáng huyền tha thướt đê mê
Tóc thề thả gió lê thê
Biết đâu ngày ấy anh về
……..
Hà Nội ơi,
Những chiều sương gió dâng khơi
Có người lặng ngắm mây trôi
Biết bao là nhớ tơi bời.
Đó là nỗi niềm, là tâm sự chung của những người phải rời xa Hà Nội, nhớ Hà Nội, tự hỏi không biết có ngày nào trở về Hà Nội được không. Nỗi lòng ấy đã được Hoàng Dương bày tỏ trong ca khúc ‘Hướng về Hà Nội’, lúc này đang được thịnh hành do ca sĩ đài phát thanh Hà Nội hát đi hát lại.
Trong những năm 1948-1954, có 2 bài hát mang tên ‘Hà Nội’, xuất hiện trong hai hoàn cảnh trái ngược. Đầu năm 1949, thời gian người dân Hà Nội tới tấp bỏ vùng hậu phương hồi cư về thành, có một nhạc sĩ người Sài Gòn ra làm việc tại Hà Nội và ông đã sáng tác bản nhạc ‘Hà Nội 49’. Trong bài hát với nhịp điệu tango nhịp nhàng qua phần điệp khúc dồn dập, tác giả Trần Văn Nhơn đã tỏ tấm lòng yêu mến Hà Nội với lối diễn tả thật là thiết tha. Gần giữa năm 1954, trước khi Hà Nội đổi chủ, trong lúc nhiều người Hà Nội đang chờ phương tiện để di cư thì có một người Hà Nội trước đó vì hoàn cảnh đã phải vào Sài Gòn và từ đây ông đã làm ra bài hát ‘Hướng về Hà Nội’, diễn tả nỗi nhớ thương về thành phố cũ, và mong có ngày trở về. Ca khúc với nhịp điệu chậm rãi, uyển chuyển này đã nói lên nỗi buồn ray rứt nhưng với một niềm tin sẽ có một ngày lên đường hồi hương. Cả hai bài, có thể nhiều người cho là rất bình thường, nhưng với tôi thì mỗi khi nghe hát, tôi lại thấy lòng sao xuyến và tự nhiên có một cảm giác buồn man mác, nhẹ nhàng, vì đó là nhũng bài hát mang dấu ấn kỷ niệm cũa từng chặng đường đời.
Cuối cùng, trưa ngày 4 tháng 8, 1954, tôi bước chân xuống tàu Ville de Saigon lên đường vào Nam. Lúc này lòng tôi buồn vui lẫn lộn. Buồn vì thế là phải rời xa đất Bắc biết đến bao giờ mới có ngày trở lại. Vui là vì lòng tôi vẫn nao nức sẽ được đặt chân đến thành phố Sài Gòn, “… là viên ngọc trân châu của Á Đông”, ‘ là nơi người viễn khách thường lui tới” như tôi hằng mơ tưởng khi nghe bài “Sài Gòn Xa Hoa” của Trần Văn Nhơn 4 năm về trước.
* * * * *
Tôi viết về Hà Nội đã dài. Viết về thành phố, nơi tôi đã qua hầu hết tuổi hoa niên trong suốt 6 năm đầu trung học, thì hẳn có biết bao nhiêu điều dể nói, muốn nói. Những kỷ niệm tràn tới liên miên, nhiều lúc tôi không biết bắt đầu từ đâu, chấm dứt nơi đâu, tiếp nối ra sao, thành ra tránh sao khỏi có sự lôi thôi, dài dòng mà tôi hy vọng đó chỉ là sự diễn tả thành thực của một tâm hồn. Hơn nữa, viết về những chuyện, những việc ở thời gian trên dưới 60 năm về trước, lại dựa nhiều vào ký ức của một người tuổi đã quá giữa thất tuần cho nên chắc chắn đã có nhiều sai lầm, thiếu sót về người, về vật, về việc, về ngày giờ, năm tháng, và đôi chỗ có đưa ra ý kiến thì cũng tránh sao khỏi có phần chủ quan. Tôi chỉ biết cố gắng sao cho trung thực, có sao nói vậy, nhớ sao viết vậy, dựa theo khả năng của trí nhớ, để ghi lại tất cả những gì tôi còn biết, còn nhớ về Hà Nội của một thời xa xưa, của hơn nửa thế kỷ trước.
Năm 2002, tôi về thăm Viêt Nam lần đầu và đã ra Bắc 2 tuần, ở lại Hà Nội 4 ngày. Sau 48 năm xa cách, tôi cảm thấy Hà Nội vừa quen thuộc lại vừa xa lạ. Quen thuộc vì cảnh cũ vẫn còn đây: Hồ Gươm với Tháp Rùa và Đền Ngọc Sơn, đường Cổ Ngư với Đền Quan Thánh và Chùa Trấn Quốc, vườn Bách Thảo với Núi Nùng và gần đó là Chùa Một Cột, rồi Văn Miếu, … Xa lạ trước tiên là các tên đường phố. Con đường Cổ Ngư, cái tên cổ kính đã có từ bao năm qua, nay được đổi tên thành đường Thanh Niên, một cái tên không nói lên được điều gì có ý nghĩa. Đường Hàng Lọng biến thành đường Lê Duẩn, thế là tự nhiên mất đi một cái tên trong băm sáu phố phường. Và còn nhiều nữa… Xa lạ hơn là vì cảnh đó mà sao khác xưa nhiều quá. Đâu đâu cũng người thì đông mà không khí thì náo nhiệt. Tại vườn Bách Thảo, không xa núi Nùng, đã mọc lên 2 trong 4 ‘cái’ của Bác: Nhà Sàn Bác và Ao Cá Bác. (Hai ‘cái’ kia là Lăng Bác và Bảo Tàng Bác). Ao Cá thì chính là cái hồ nước cũ, cái hồ có tường cao ngang ngực bao quanh, nay được chọn đóng nhiệm vụ Ao Bác. Hai ‘cái’ của Bác này lúc nào cũng có người được lôi kéo đến coi xếp hàng dài dằng dặc, chuyện trò ồn ào. Tại hồ Hoàn Kiếm, muốn qua cầu Thê Húc vào thăm Đền Ngọc Sơn phải trả tiền mua vé, mỗi người 1500 đồng, tương đương với 10 cents. Ngay những đại lộ như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, xưa kia đi cả mấy quãng đường mới gặp một người, nhà toàn là biêt thự thì nay xe cộ nườm nượp, hàng dãy cửa hàng buôn bán. Hà Nội lúc này có cả những khu ăn uống ngoài trời về buổi tối với nhiều loại hàng ăn khác nhau như khu gần phố Hàng Buồm, khu sau chợ Đồng Xuân, … khác hẳn với cái lề lối trước kia của người Hà Nội là chỉ ăn trong cửa hiệu, hoặc tại các gánh phở, các hàng xực tắc lẻ loi nơi đầu đường cuối phố hay các hàng quà rong đi bán rao mà thôi.
Suốt thời gian 6 năm, 1948-1954, chỉ có 2 bài hát mang tên Hà Nội: “Hà Nội 49” của Trần Văn Nhơn và “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương. Năm 1997, tôi được một anh bạn tặng băng nhạc chủ đề “Nhớ về Hà Nội” do Diễm Xưa thực hiện. Ngoài bài “Hướng về Hà Nội” quen thuộc, tôi thấy có đến 8 bài khác cùng mang tên Hà Nội. Có 2 bài của người nhạc sỹ ‘phản chiến’ thời VNCH (Nhớ mùa thu Hà Nội và Đoản khúc mùa thu Hà Nội), ông Song Ngọc, một nhạc sĩ loại ‘tàng tàng’ cũng có được 2 bài (Nhớ em Hà Nội và Hà Nội ngày tháng cũ), còn 4 bài nữa là của các nhạc sĩ Trần Quang Lộc với Có phải em mùa thu Hà Nội, Trương Qúy Hải với Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Hữu Xuân với Hà Nội mùa lá bay, và Trọng Đại với Hà Nội đêm trở gió. Tôi đã nghe đủ cả 8 bài và cảm thấy vô cùng chán ngán. Đúng là hiện tượng lạm phát bài hát mang tên Hà Nội. Tôi không có được một xúc cảm nào, lòng tôi không rung đông chút nào khi nghe những bài hát này, ngay cả bài của người nhạc sĩ tài hoa trước kia. Dường như nói về Hà Nội, viết về Hà Nội sau khi văn nghệ được Nguyễn Văn Linh cho ‘cởi trói’ là một cái ‘mốt’, và nhiều ông nhạc sĩ cố gắng sáng tác ‘theo thời trang’ để đua nhau làm ra những bản nhạc nghe tên thì lãng mạn lắm nhưng thiếu vắng hẳn nhạc điệu, do những cảm hứng giả tạo và gượng ép.
Tôi không tìm lại được một người bạn cũ nào hết. Một người ở phố Hà Trung thì tôi không nhớ số nhà. Một người ở phố Kim Mã thì tôi không thấy dấu vết ngôi nhà xưa đâu nữa. Có nhà của mấy người tôi tìm thấy thì trước kia đó là nơi họ ở thuê, mà có ai thuê nhà ở suốt gân 5 chục năm liền. Trước khi về nước, tôi nghĩ rằng cứ tìm ra một người thì sẽ gặp đủ các người khác, nhưng cái hy vọng ấy nay đã tan biến hẳn. Đã có quá nhiều thay đổi. Ngôi nhà phố Nam Ngư tôi từng ở hơn 3 năm, nay đã từ 1 tầng xây lên 3 tầng; ngôi nhà phố Hàng Giấy tôi ở trước khi vào Nam mặt tiền không còn dấu vết cũ nào nữa; ngôi nhà đầu Phố Mới ngay trước Ô Quan Chưởng nay đã trở thành một cửa hàng, khách ăn ra vào tấp nập.
Hà Nội không nơi nào còn cái không khí êm đềm, cái khung cảnh vắng lặng nữa. Đâu đâu cũng người đông, nhà cao, xe cộ nhộn nhịp. Hà Nội đã thay đổi, và thay đổi tất nhiên là cần thiết cho sự tiến bộ chung, do đó phải chấp nhận cả những điều hay lẫn những điều dở. Nhưng riêng trong thâm tâm, tôi vẫn cảm thậy ngậm ngùi. Hà Nội, với tôi, mãi mãi vẫn là một khung trời kỷ niệm, là hình bóng của một ‘mối tình đầu’ kéo dài cho đến nay trong những ngày mãn chiều xế bóng.
20-7-2011
© Đỗ Văn Minh
© Đàn Chim Việt
——————————————
Xem: