WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nữ Anh hùng Lao động Ba Sương và con mồi cho bữa tiệc mới

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bà Ba Sương khi Nông trường còn là những mái nhà tranh - Ảnh: CTV

Sáng 11/8/2011, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) tống đạt cáo trạng số 28 ký ngày 28/7/2011, tái truy tố cựu giám đốc Nông trường Sông Hậu (NTSH), bà Trần Ngọc Sương, và 4 người khác với tội danh “lập qũy trái phép” số tiền 10 tỷ 135.277.366 đồng, gây thiệt hại 5 tỷ 52.998.559 đồng.

Quay lại vụ án

Từ ngày 11 đến 15/8/2009, sau hơn 3 năm điều tra, Toà án Nhân dân (TAND) huyện Cờ Đỏ xử sơ thẩm bà Trần Ngọc Sương 8 năm tù và bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng, bà Trương Hồng Nhung (cựu Phó giám đốc) 6 năm tù, ông Đặng Thế Quốc Hưng (cựu kế toán trưởng) 4 năm tù, ông Nguyễn Văn Sơn (cựu thủ quỹ) 3 năm tù, bà Hoàng Thị Bình (cựu kế toán viên) 18 tháng tù cho hưởng án treo với thời hạn thử thách 36 tháng.

Ngày 19/11/2009, TAND thành phố (TP) Cần Thơ xử phúc thẩm, y án 8 năm tù với bà Ba Sương, 4 năm tù với ông Đặng Thế Quốc Hưng, giảm 1 năm tù cho hai người còn lại.

Tháng 04/2010, Bà Sương cùng những người bị quy phạm đã khiếu nại, yêu cầu các cơ quan tố tụng Trung ương giám đốc thẩm vụ án. Sau kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND tối cao, Toà án Nhân dân (TAND) Tối cao đã huỷ vụ án và buộc các cơ quan chức năng tiến hành lại từ đầu.

Thực chất quỹ đen là gì?

 Vào giữa thập niên 80, cả nước đúng bên bờ vực chết đói vì chính sách giá-lương-tiền của nhà thơ làm kinh tế Tố Hữu và cuộc cải tạo công thương nghiệp, tập thể hóa nông nghiệp, ngăn sông cấm chợ tại miền Nam của Đỗ Mười.

Từ đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, với khẩu hiệu “Nói và Làm” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người Việt bắt đầu được “cởi trói”, “đổi mới” tư duy kinh tế.

Phong trào “3 lợi ích” ra đời. Chủ nghĩa cơ hội ích nước song song với lợi nhà phát triển muôn hình muôn vẻ. Các cơ quan hành chính, thậm chí các tổ chức của Đảng, cũng lao vào cuộc làm ăn, từ lập bãi giữ xe đạp, xe gắn máy, đến sử dụng tiền ngân sách cho công đoàn mượn đầu tư vào bất cứ cái gì có thể kiếm được tiền (mượn rồi trả, có hại gì ai!).

Tiền thu được, công đoàn hoàn vốn, phần lãi chia thêm vào đồng lương chết đói cho cán bộ, viên chức. Lúc bấy giờ cụm từ “3 lợi ích” là cái đuôi gắn vào đủ các loại hình dịch vụ và sản phẩm của xã hội, hợp thức hóa khoản thu ngoài sổ sách kế toán chính thức: “Căng-tin 3 lợi ích”, “vải 3 lợi ích”, “sách 3 lợi ích”, “quán nhậu 3 lợi ích”, “thịt, gạo 3 lợi ích”, “cho thuê xe 3 lợi ích”… Vàng thau đôi khi cũng lẫn lộn. Bia chai phân phối rất hiếm, nhưng “bia hơi 3 lợi ích” bán trong các can bằng nhựa từ nhà máy tuồn ra lúc nào cũng sẵn!

“Quỹ đen” này thường được gọi là “Quỹ đời sống” ra đời trong bối cảnh trên và có mặt dường như ở mọi cơ quan từ trung ương xuống địa phương. Nó là con đẻ của chính sách nhà nước lúc bấy giờ, một chính sách mập mờ, bật đèn xanh cho các cơ quan, đơn vị kinh tế nhà nước linh hoạt vận dụng, với mục tiêu mang lại phúc lợi cho đời sống của công nhân, viên chức. Nhờ nó mà cuộc sống của hàng triệu người ăn lương đã được cải thiện. Quỹ đời sống của NTSH cũng là một trong số đó.

Trong không khí ấy, suốt gần 30 năm, cùng với cha và bà con nông dân, bà Ba Sương đã biến vùng đất 6.981 hécta hoang dại, ngập phèn thành một trung tâm sản xuất lớn, bao gồm 14 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, gây giống, có phương tiện hiện đại, với trên 3.200 hộ dân (hơn 15 ngàn người). Gạo, lâm sản chế biến và khoảng 1.500 mặt hàng khác của NTSH được xuất khẩu đi nhiều nước.

Cần nhấn mạnh, khác với các đơn vị nhà nước, NTSH tự cung, tự cấp, hoàn toàn đứng trên đôi chân của mình trong mọi lĩnh vực, từ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị sản xuất, đến các hoạt động văn hóa, xã hội, mà không hề được nhà nước cấp một đồng vốn ngân sách nào.

Bà Trần Thị Sương trở thành một trong ba “Chị Ba” được nhiều người miền Nam biết đến và mến phục. Đó là Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi), giám đốc công ty kinh doanh lương thực, Anh hùng Lao động (1983, 1984), được tuần báo Asia Week bình chọn là nhà kinh doanh thành đạt nhất châu Á năm 1991. Thứ đến là bà Nguyễn Thị Định (Ba Định), Anh hùng Quân đội. Và bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được bình chọn danh hiệu “Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á-Thái Bình Dương” năm 2002 cùng với 15 phụ nữ xuất sắc nhất từ 11 nước vào vòng chung kết tổ chức tại Singapore.

Tổng Bí thư Đỗ Mười với bà Ba Sương và cha bà (người đi chân đất) - Ảnh: OnTheNet

Phản ứng của dư luận

 Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, 323 hộ viên của NTSH đã ký đơn kiến nghị gửi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Tp. Cần Thơ và nhiều cơ quan chức năng, đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm trên cơ sở có tình, có lý.

Bức thư  khẳng định bà Ba Sương, “đã làm mọi việc nhằm đưa NTSH vượt qua khó khăn và phát triển đi lên, chứ không ai có động cơ tư túi riêng”, “hơn 3.000 hộ nông dân lúc vào đây nghèo khó, nay đa số có của ăn của để và con cái được học hành. Cái gọi là quỹ trái phép thực chất là tiền tăng gia sản xuất, tận dụng đất bờ kênh, bờ ruộng, làm lợi cho nông trường và người lao động…”.

 Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư Nguyễn Đăng Trừng, đại biểu Quốc hội, người bào chữa cho bà Ba Sương, đã đọc danh sách 110 người của NTSH đề nghị được đi tù thay cho bà Ba Sương, nếu tòa án nhất quyết bỏ tù bà. Một hành động phản kháng chưa có tiền lệ trong hệ thống tư pháp của CHXHCN Việt Nam.

Đồng thời luật sư nói: “Một đơn vị như NTSH hai lần Anh hùng, ông Trần Ngọc Hoằng là Anh hùng. Con gái ông Hoằng là bà Sương cũng là Anh hùng. Cha con đều là Anh hùng, đơn vị được nhiều lần tôn vinh. Nếu không xem xét, thì chính chúng ta hôm nay sẽ nã đại bác vào quá khứ. Mà đây không phải là một quá khứ bình thường. Đây là một quá khứ đã được tôn vinh” (Vietnamnet, 20/11/2009).

Ông biện giải như sau:

Cần đặt vụ việc vào giai đoạn lịch sử thành lập, hoạt động của NTSH. Nông trường đã hình thành từ năm 1979, ngay từ khi cha bị cáo Sương là ông Trần Ngọc Hoằng điều hành nông trường. Từ thời điểm đó, nguồn quỹ này được hình thành.

 Đó là quỹ công đoàn, sử dụng cho ba lợi ích. Đến giai đoạn của bị cáo Sương điều hành nông trường, nguồn quỹ đó tiếp tục duy trì, ai cũng biết, không phải giấu giếm gì. Làm sao mà trong từng ấy năm các cơ quan chức năng không biết, không xử lý mà để đến bây giờ mới đem bà Sương ra quy trách nhiệm? Xử lý bà Sương về tội “lập quỹ trái phép” trong khi bà không phải là người lập ra quỹ ấy là chưa chuẩn xác. Bản thân bị cáo cũng không hề sử dụng bất cứ đồng nào từ nguồn quỹ ấy để chi xài riêng cho bản thân mình. Tất cả khoản chi đều là cho nông trường: tiếp khách, ma chay, trợ cấp, tìm đối tác…

 NTSH là một điển hình của mô hình kinh tế trong thời kỳ đổi mới, đã hai lần được phong danh hiệu anh hùng. Nếu cho rằng giám đốc Trần Ngọc Sương có sai phạm trong quản lý, điều hành nông trường thì cơ quan tố tụng phải đưa ra được các chứng cứ để chứng minh. Nếu bà Sương có vi phạm gì thì cũng không phải là tội lập quỹ trái phép”.

Đã có nhiều phát biểu sôi động, gây tranh cãi tại Quốc hội trong phiên họp cuối năm 2009.

- Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội:

Khi một bản án được tòa tuyên, có hiệu lực pháp luật rồi thì phải được dư luận xã hội đồng tình, đấy mới là bản án nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng người đúng tội. Còn bản án sau khi được tuyên mà dư luận lại không đồng tình thì phải xem lại” (VietNamNet 26/11/09).

- Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp:

Tôi thấy có điều gì đó chưa được nhuần nhuyễn trong quá trình vận dụng luật pháp. Không thể lấy tư duy ngày hôm nay để áp đặt, xét xử những vụ việc ngày trước, trong một hoàn cảnh xã hội rất khác so với hiện nay. Trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ quan giám sát, cơ quan quản lý, biết việc đó như thế nào, chấn chỉnh việc đó ra làm sao?” (Tuổi trẻ, 26/11/2009).

- Hà Thị Khiết, Trưởng Ban Dân vận Trung ương:

Tôi mong các cơ quan pháp luật ở Trung ương cần xem xét thận trọng và kỹ càng hơn, bây giờ sự việc lỡ thì đã lỡ rồi nên chúng ta càng phải thận trọng hơn. Khi xét xử, không thể không tính đến công trạng và cống hiến của bản thân chị ấy (Trần Ngọc Sương).

 Ngoài ra, chúng ta cũng rất cần đặt những sự việc đã xảy ra trong bối cảnh xã hội lúc đó để có những phán quyết đảm bảo có lý, có tình và đúng pháp luật. Tôi nghĩ chị ấy cũng chỉ vì để giúp đỡ, chăm lo cho mọi người, cho công việc chung của Nông trường nên mới duy trì Quỹ đó” (Vietnamnet, 25/11/2009).

Bà Nguyễn Thị Bình, cựu Phó Chủ tịch nước:

Nông trường Sông Hậu đã cải thiện được cuộc sống cho hàng ngàn người nông dân khi làm ăn càng ngày càng hiệu quả, phát triển. Đây không phải là “Quỹ đen” mà phải gọi đúng tên là “Quỹ đời sống”, trong thời gian đó người ta cũng gọi đây là “Quỹ đời sống”.

 Cô ấy duy trì quỹ đó không phải để cho riêng mình tiêu xài, cũng không hề có gì giấu giếm để phục vụ cho những lợi ích cá nhân. Bây giờ nếu so sánh với một số vụ án tham nhũng đã được xét xử gần đây thì bản án này quả là không công bằng, quá bất công cho cô ấy” (Vietnamnet, 23/11/2009).

Trong làng báo, nhiều người cầm bút có lương tri đã can đảm chui ra khỏi vỏ bọc sau vụ nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị tù (vụ án PMU 18), đồng loạt lên tiếng ủng hộ bà Ba Sương.

Tờ Lao Động ngày 27/11/09 có bài với nhan đề “Làm gì để giúp bà Ba Sương?”. Trên Blog của mình, nhà văn Phạm Viết Đào cảnh báo: “Vụ án bà Ba Sương, đòn điểm huyệt chế độ”.

Lê Thanh Tâm, Tuổi Trẻ, 26/11/2009, viết:

Có một thực tế tuy không nói ra rộng rãi song ai cũng biết là quỹ trái phép có từ rất lâu, vốn tồn tại ở không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan sự nghiệp có thu. Đến nay tình trạng lập quỹ trái phép vẫn còn diễn ra khá phổ biến, nếu làm thẳng tay có lẽ còn không ít người phải vào tù…

 Quỹ trái phép vốn xuất hiện để lách qua những nguyên tắc cứng nhắc. Nó cũng là sản phẩm của sự xuống cấp đạo đức xã hội, đặc biệt là sự tha hóa trong một bộ phận cán bộ nhà nước. Ngoài chuyện lập quỹ trái phép để tham ô hay mưu cầu danh lợi cá nhân hoặc “chung chi” này nọ, người ta còn sử dụng quỹ này để chi đủ thứ như tiệc tùng, tiếp cấp trên, “bôi trơn” cho các đoàn kiểm tra, thậm chí để đón khách tham quan học tập, giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ ma chay…

 Có thể ai đấy sẽ nói rằng các vị giám đốc ơi, đừng lập “quỹ đen” nữa, có rất nhiều người hưởng quỹ này, nhưng chỉ có mình anh chết, dại gì mà chết oan uổng như vậy”. Lời khuyên ấy có vẻ thông minh nhưng thiếu thực tiễn. Không có “quỹ đen”, e rằng khó ngóc đầu dậy, công việc của đơn vị cứ vướng chỗ nọ, mắc chỗ kia, ì ạch mãi chẳng trôi. Nỗi khổ của các giám đốc là đây”.

Cũng trên Tuổi Trẻ cùng ngày, trong bài “Luật không phải là bẫy rập” của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện có đoạn:

Vào những năm 1980, luật pháp chưa thiết lập các tiêu chí rành mạch giúp phân biệt giữa một bên là quỹ hợp pháp với bên kia là quỹ bất hợp pháp…

 Nếp làm việc đó tất yếu tạo ra thói quen lập luận ở cấp sơ đẳng, lấy mục tiêu của công việc để biện minh cho những phương tiện được sử dụng nhằm thực hiện công việc. Chẳng hạn, nếu mục tiêu của việc lập quỹ là chính đáng, như để giúp nhiều người có cuộc sống khả dĩ coi được trong bối cảnh khó khăn chung, để có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ các cơ quan, tổ chức khác mỗi dịp lễ, tết… thì cách đạt mục tiêu, tức là lập quỹ để chủ động nguồn tài chính cần thiết, cũng chính đáng, cũng hợp đạo lý, lẽ phải”.

Đan Tâm viết trên tờ Lao Động, 27/11/09:

Khi “vụ án Trần Ngọc Sương” nổ ra, tôi thực tình vừa lo cho cha con người anh hùng lao động có công đầu rất lớn, vừa lo cho một mô hình đưa nông thôn lên sản xuất lớn bị vùi dập và xoá bỏ, nên mặc dầu ở xa, nhưng tôi rất chăm chú theo dõi “vụ án” này. Nhưng rồi cái lo lắng đó của tôi đã được giải toả bước đầu, khi “vụ án Trần Ngọc Sương” đã và đang được xem xét lại. Tôi tin rằng, công lý trước sau sẽ được xác lập lại, đúng sai, công “tội” của nguyên Giám đốc Nông trường Trần Ngọc Sương sẽ sớm được sáng tỏ”.

Phía sau vụ án

 Khi có lệnh khởi tố bà Ba Sương, nhận thấy có điều thiếu minh bạch, bất bình thường, ngày 8/05/2008, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi thư cho Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, như sau ((Tiền phong, 25/11/2009):

Tôi được biết, cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án xuất phát từ Thông báo kết luận của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tại cuộc họp ngày 18/3/2008, trong đó có chỉ đạo trực tiếp việc khởi tố vụ án, đồng thời cũng nêu rõ tội danh làm cơ sở khởi tố.

 Tôi không lầm thì thông thường việc này phải do cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát tiến hành. Tôi không rõ có những lý do gì bên trong để các đồng chí giải thích cho việc này: cơ quan Đảng chỉ đạo cơ quan điều tra khởi tố án”.

Việc Thành ủy Cần Thơ chủ trương và chỉ đạo vụ án ngay từ đầu đã được báo chí trong nước chứng minh bằng công văn số 1575/UBND-NC ngày 25/3/2008 của Ủy ban Nhân dân TP Cần Thơ do Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn ký thay Chủ tịch.

Thế nhưng, khi tờ Tiền Phong chất vấn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Tấn Quyên “chạy làng” rất trơ tráo: “Thành ủy không có công văn trực tiếp chỉ đạo khởi tố vụ án”.

Còn tờ Tuổi Trẻ, qua điện thoại ngày 20/11/2009, ghi lời ông Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ: “Mức án mà tòa tuyên xử đối với chị Ba Sương như vậy là đã có tình có lý rồi. Ra tòa là quyền quyết định của tòa, Thành ủy không can thiệp gì cả”.

Ông Phạm Thanh Vận còn nói với báo Tiền Phong hôm 8/04/2010 rằng, “vụ án Nông trường Sông Hậu không phải của Cần Thơ. Vụ án này, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương cho rằng là một trong 17 vụ tham nhũng nghiêm trọng...”.

Rõ ràng lãnh đạo Cần Thơ như gà mắc tóc, tiền hậu bất nhất, mâu thuẫn với chính mình.

Trao đổi với tờ Lao Động ngày 7/04/2010, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể nhận định toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm “có nhiều sai lầm, thiếu sót cả về nội dung và thủ tục tố tụng”.

Trên Blog Osin (12/2009), Huy Đức viết thẳng vào vấn đề:

Có lẽ không có dẫn chứng nào đáng tin cậy hơn cho thấy vai trò của “Đất” trong vụ án bà Trần Ngọc Sương như phát biểu được ghi âm của ông Phạm Thanh Vận ngày 25/10/2007: “Chị nghỉ nhưng làm sao cho hạ cánh an toàn trong danh dự nếu giao lại đất Nông trường”.

Nguồn tin riêng của tôi từ một cán bộ cao cấp đang đương nhiệm tại Quốc hội Việt Nam khẳng định nguyên nhân mà nhà báo Huy Đức đưa ra.

Ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội của tỉnh Đồng Nai cũng nói:

Tôi rất chú ý đến chi tiết chưa được kiểm chứng là đằng sau vụ án này có yếu tố đất đai. Tôi không bình luận trực tiếp về những thông tin Thành phố Cần Thơ muốn lấy đất Nông trường Sông Hậu để làm khu đô thị, nhưng tôi thấy trong xã hội hiện nay, vấn đề đất đai luôn luôn có mặt đằng sau mọi động thái xã hội” (Vietnamnet, 25/11/2009).

Cần Thơ là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương. Tốc độ tăng trưởng của Cần Thơ trong các năm qua rất cao, bình quân hơn 15%, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội địa và quốc tế. Cần Thơ có tham vọng trở thành thủ đô của đồng bằng sông Cửu Long. Rất nhiều dự án xây dựng hạ tầng tiếp tục được thực hiện. Ngày 24/06/2009 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định công nhận Cần Thơ là đô thị loại 1. Sẽ rất ngây thơ nếu cho rằng vụ án bà Ba Sương chỉ nằm trong khu vực quyền lợi của Thành ủy Cần Thơ.

Tấc đất tấc vàng! Mấy ngàn hécta trên bờ Sông Hậu là địa điểm lý tưởng, một kho báu vô giá.

Đất thuộc sở hữu của nhà nước, nhưng nhà nước biến các đảng viên lãnh đạo thành những ông địa chủ thời mới. Hàng trăm ngàn đảng viên có chức quyền của ĐCSVN đã phù phép, trắng thay đen, phất lên giàu có bất ngờ chính là từ quy hoạch đầu cơ đất, chia chác, huê hồng từ các vụ sang nhượng chủ quyền, cấp sổ đỏ, cho thuê và đền bù thiệt hại. Trong những năm qua, hàng chục ngàn vụ lớn nhỏ gây xung đột, nhiều lần đổ máu, giữa người dân – với tên gọi phổ cập là “dân oan” – và nhà cầm quyền là do tranh chấp quyền lợi đất.

Đụng vào bà Ba Sương còn tại vị mà phía sau là hàng ngàn hộ nông dân mang ơn nghĩa và đông đảo quần chúng khác bảo vệ, việc lấy đất ngay lập tức sẽ không dễ dàng. Cho nên phải bắn gãy cánh con chim đầu đàn, trước khi cướp đoạt.

Và vì thế, một nữ Anh hùng lao động từng ôm ấp lý tưởng cống hiến hết mình cho lợi ích xã hội, nay tuổi già, sức yếu, không chồng, không con, không nhà cửa, đất đai, cũng không thoát khỏi cảnh nghiệt ngã trước chủ nghĩa vinh thân, phì gia, bội tình, bạc nghĩa đến mức bạc ác.

Nhận định

Trước Đại hội Đảng XI, tôi đã có một số nhận định về ván cờ tranh giành quyền lực, trong đó có nói tới việc tạm gác lại vụ án Bà Ba Sương, có lúc tưởng như đã bị quên lãng.

Nhưng không! Giờ đây ngôi vị đã xong, quyền lực đã thâu tóm. Phải bắt bằng được con mồi để đưa lên bàn tiệc mới.

Bi hài ở chỗ là kẻ mạnh có quyền lấy máu dìm chân lý, nhưng vì bất minh nên bộc lộ rất rõ sự lúng túng, nếu không nói là dốt nát.

Một vụ án kéo dài nhiều năm, được mổ xẻ chi tiết bởi dư luận xã hội, mấy lần xét xử, giám đốc thẩm huỷ bỏ, mà sau hơn một năm trời, đưa ra một bản cáo trạng mới vẫn với nhiều điều vi phạm Luật Tố tụng Hình sự.

Những vi phạm này đã được Luật sư Nguyễn Trường Thành ghi trrong bản kiến nghị gửi lên các cấp, thậm chí viết rằng, “VKSND huyện Cờ Đỏ không đủ thẩm quyền để ban hành cáo trạng” trao hôm 28/07/2011. Luật sư và bà Ba Sương đã “đề nghị VKSND Tp. Cần Thơ và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương xem xét lại sự thật về bản chất của vụ án để đình chỉ điều tra”.

Thế nhưng, trong cái nghịch cảnh của một đất nước mà:

- Một vị Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo, ký duyệt phát hành trái phiếu, đầu tư cho một tập đoàn kinh tế, trong vài năm đã dẫn đến món nợ hơn 4,5 tỷ đô la, không những được mặc nhiên cho qua “rút kinh nghiệm”, mà còn “tái đắc cử”;

- Một sĩ quan công an đánh gãy cổ, gây tử vong cho dân thường ngay tại trụ sở, đã hơn nửa năm trôi qua mà kẻ phạm tội vẫn nhởn nhở ngoài vòng pháp luật;

-  Sau 10 tháng biệt tăm, khi công an thông báo blogger Điều Cày bị “mất tay”, gia đình đã khiếu nại, truyền thông quốc tế đã lên tiếng đòi hỏi làm sáng tỏ sự việc, nhưng chính quyền vẫn im lặng vô cùng khó hiểu;

- Vân vân…

Có nghĩa là người ta sẵn sàng chà đạp lên luật pháp, công lý thuộc về kẻ có nhà tù và họng súng, đồng tiền biến con người thành quỷ khát máu, thì không có gì không thể xảy ra.

Tôi không tin Quốc hội khoá 13 này có những tiếng nói thẳng thắn bảo vệ bà Ba Sương như trong khoá 12.

Tôi không tin trong các ban biên tập của báo chí trong nước sau khi bị thay máu và tẩy não vì vụ Vinashin, nay còn có ai đó dám dóng lên tiếng nói bảo vệ bà Ba Sương.

Cho nên, số phận của Chị Ba Sương sẽ khó thoát khỏi tâm địa đen tối.

Mặc dù đã no nê, lòng tham của những tay tư bản đỏ luôn vô đáy. Và ai biết được rượu Mao đài sẽ không ngập Nông trường Sông Hậu trong bữa tiệc mới? ■

© 2011 Lê Diễn Đức – RFA Blog

 

19 Phản hồi cho “Nữ Anh hùng Lao động Ba Sương và con mồi cho bữa tiệc mới”

  1. cohaitanbinh says:

    Nói làm chi cho nhiều ,mệt ,cứ nhìn vào hai hình thức kinh doanh và đặt lên bàn cân thì sẽ rõ .VINASIN và NTSH , thế thôi

Leave a Reply to cohaitanbinh