WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Thống nhất Âu Châu – bằng mọi giá

Một hiện tượng chủ quan duy ý chí….

Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức: "Les Parapluies de Cherbourg" - ấn bản hiện đại của dự án Pháp Đức

Sau một tuần hoảng loạn trước và sau vụ Standard & Poor’s hạ mức tín nhiệm của công trái Hoa Kỳ vào mùng tám, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã thổn thức mất một tuần. Qua ngày Thứ Năm 18 lại hốt hoảng, đến trưa thì chỉ số Kỹ nghệ Dow Jones mất hơn 500 điểm, chỉ số tiêu biểu hơn – là S&P 500 – mất hơn 4%. Tại sao vậy?

Vì tuần qua số người ghi danh thất nghiệp lần đầu lại tăng, hoặc giá tiêu dùng trong Tháng Bảy nhích thêm 0,50%? Hay là do phúc trình bi quan về kinh tế Mỹ của Ngân hàng Dự trữ Philadelphia (Federal Reserve Bank of Philadelphia, được gọi tắt là Philly’s Fed)? Hoặc dự báo còn bi quan hơn của tổ hợp đầu tư Morgan Stanley về kinh tế toàn cầu? Hay là vì lãnh thổ Israel vừa bị đánh bom trong khu vực tiếp giáp với Egypt tại miền Nam, nhằm phá vỡ liên minh đã mong manh hơn giữa Israel và Egypt?

Chỉ một phần thôi, để nhắc nhở rằng kinh tế còn u ám, thất nghiệp còn cao và bạo loạn chưa chấm dứt tại Trung Đông.

Phần kia có thể được thấy từ đêm hôm trước, khi thị trường cổ phiếu Âu Châu tuột giá thê thảm ở bên kia Đại Tây dương.

Đấy là lúc ta ra khỏi Hoa Kỳ. Và quên đi chuyến vận động tranh cử của Tổng thống Barack Obama trong cái xe buýt bọc thép trị giá hơn triệu đô la trước khi đi nghỉ hè 10 ngày trong một khu vực đắt tiền là Martha’s Vineyard.

***

Số là hôm Thứ Tư 17, “thượng đỉnh bỏ túi” tại Paris giữa Thủ tướng Angela Merkel của Đức với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã kết thúc với một thông cáo chung làm nhiều người thất vọng.

Lãnh tụ hai nước thông báo quyết định tăng cường hội nhập cơ chế Liên hiệp Âu châu. Cụ thể là chuẩn bị kế hoạch thống nhất chế độ thuế khoá của hai nước trong năm năm tới, và vận động để ghi thêm vào Hiến pháp của các hội viên trong khối Euro điều khoản giới hạn mức đi vay của các thành viên.

Nghĩa là Thượng đỉnh Đức Pháp vừa kêu gọi thành lập một hệ thống chính trị thống nhất hơn, có khả năng điều tiết và tăng cường sức mạnh kinh tế của lục địa này. Diễn giải trên toàn cảnh: trong khi thị trường hốt hoảng về những khó khăn trước mặt, hai cường quốc hàng đầu của Liên Âu nói đến viễn ảnh trường kỳ là tiếp tục chiều hướng thống nhất về kinh tế và chính trị.

Nhìn lại thì vụ khủng hoảng Âu Châu đã qua một năm tròn mà chưa nguôi. Tuần qua, ngoài chuyện nước Mỹ vỡ mặt vì uy tín bị giáng cấp, người ta lo ngại là Tây Ban Nha sẽ phải chuộc nợ, nước Ý có khi vỡ nợ và đại gia kia là Pháp có thể cũng bị hạ điểm tín dụng xuống hạng AA+ như nước Mỹ. Đã thế, kinh tế Pháp có thể bị suy trầm và kinh tế Đức bị đình đọng.

Khi thị trường đang âu lo về những mối nguy ngắn hạn ấy thì lãnh tụ Pháp Đức đề nghị loại biện pháp cho lâu dài và còn đề nghị tu chính lại Hiến pháp Âu châu bằng một hiệp ước có thể sẽ lại gây tranh cãi. Vì sao lại có khác biệt về nhận thức như vậy?

Chẳng lẽ lãnh đạo Pháp Đức cứ cưỡi mây mà ngao du vào cõi ảo khi họ sắp phải tái tranh cử – và có thể thất cử?

***

Chúng ta nên lùi lại mà nhìn vào toàn cảnh.

Từ năm 1871, Pháp đã ba lần bị Đức khuất phục và chỉ “thắng trận” trong hai Thế chiến là nhờ đồng minh. Sau Thế chiến II, nước Pháp chủ trương hội nhập Âu Châu vào một khối, trong đó, Pháp giữ thế lãnh đạo cao hơn thực lực kinh tế. Chủ yếu là nhờ sức mạnh kinh tế và mặc cảm phạm tội của Đức.

Trong cái thế hội nhập để thống nhất đó, đầu máy kinh tế là của Đức, người lèo lái là Pháp. Liên minh giữa hai đối thủ đã được xây dựng như vậy. Từ Tổng thống Charles de Gaulle đến Francois Mitterrand hay Jacques Chirac rồi Nicolas Sarkozy ngày nay, chiến lược ấy là sự khôn ngoan nhất quán của lãnh đạo Pháp.

Vốn sống trên mặt đất và xoay chuyển theo biến động hàng ngày của đời sống, các thị trường có lẽ đã quên hẳn thực tế chiến lược này.

Nước Pháp vận động các thành viên Âu châu về một tương lai phát đạt và ổn định hơn dựa trên… ba điều ước – cứ như trong truyện cổ tích vậy. Ba điều ước đó là: Âu châu có tiếng nói tổng hợp cao hơn – do Pháp là phát ngôn viên. Âu châu có sức mạnh kinh tế lớn hơn do sự thịnh vượng của kinh tế Đức. Và thứ ba, nếu hội nhập trong tập thể Âu châu đó, Đức hết là mối đe dọa cho các nước khác.

Chiến lược ấy thành công mỹ mãn, khiến Pháp có thể kiễng chân trên vai của Đức thành một thế lực ngoại giao cao hơn đôi chân kinh tế. Không có gì lá đáng trách trong chuyện ấy!  Nhưng rồi Liên bang Xô viết tan rã và nước Đức thống nhất.

Sau 10 năm hàn gắn những đổ vỡ và dị biệt Đông Tây, Đức đã thoát xác và tìm lại vị trí bình thường của một cường quốc hết mặc cảm gây chiến và còn phải chăm lo cho quyền lợi của mình.

Thành thử, nếu các thị trường đã quên mất chiến lược lâu dài của Pháp và các nước Âu châu thì lãnh đạo Âu châu cũng quên mất sự thay đổi của thập niên vừa qua.

***

Trong tập thể hội nhập đó, nước Đức bắt đầu củng cố uy thế của mình để không chỉ là một ông “Cả Chi”, cứ trút tiền ra cho các nước khác tiêu xài và phát triển. Mà muốn họ phải chấp nhận một số kỷ luật chi thu về kinh tế. Kỷ luật theo kiểu Đức!

Trước sự xoay chuyển chậm rãi mà chắc chắn đó, Pháp đành bọc xuôi. Vì thụ động, vì rơi vào thực lực của mình, hoặc vì cũng chẳng còn hướng nào khác hơn là đồng hành với Đức. Đi cùng để còn hưởng lợi và kềm chế được xứ láng giềng quá mạnh này.

Nhưng sự vận hành thực tế của kinh tế, hay thị trường, cũng tạo ra nhiều thay đổi nằm bên ngoài những tính toán của lãnh đạo.

Đầu tiên là chất keo sơn kinh tế để thống nhất một tập thể chính trị có quá nhiều dị biệt đã mất dần chức năng gắn bó của nó trong thực tế.

Khi dân Đức không chấp nhận tiếp tục hy sinh cho các xứ khác tiêu xài mà không đếm, thì với nhiều nước việc tham gia vào “câu lạc bộ” thịnh vượng này hết còn sự quyến rũ ban đầu. Nhiều nước còn kết án các quan chức quốc tế tại thủ đô Bruxelles của Liên Âu đã lấy những quyết định độc đoán phương hại cho quyền lợi bao cấp của họ – “thành quả cách mạng” của cánh tả. Nhiều xứ khác thì nghi ngờ ý đồ bành trướng ảnh hưởng có tính chất “truyền kiếp” của Đức.

Tiến trình hội nhập Âu châu bằng quyền lợi kinh tế để tiến tới thống nhất về chính trị và cả quân sự coi như đã bị khựng.

May mà Hoa Kỳ lại bị khủng hoảng tài chánh năm 2008 nên các nước Âu châu có quyền giải thích với dân chúng bằng cách đổ lỗi cho Mỹ. Hoặc chỉ ra vụ khủng hoảng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản.

***

Hai năm sau, nhược điểm nội tại của Âu châu bị phơi bày. Đà tăng trưởng của cả khối Liên Âu bị đình trệ vả trong ba điều ước của Pháp, có hai điều đã thành ảo vọng hão huyền.

Điều thứ nhất, tiếng nói tổng hợp của Âu châu cũng chẳng có gì là cao hơn. Cao lắm thì dẫn nhau vào Libya mà chưa thấy lối ra.

Điều thứ hai, sự thịnh vượng nhờ đôi vai kinh tế của Đức – một quốc gia không đồng ý với cuộc phiêu lưu vào Libya – cũng hết. Chính quyền Merkel bị cử tri liên tục trừng phạt từ năm ngoái vì cứ è lưng chuộc nợ cho các nước khác và vì vậy lãnh đạo Berlin mới đòi tu chính lại luật chơi giữa các thành viên.

Là kết quả của thượng đỉnh Pháp-Đức hôm 17.

Trong một kỳ khác, chúng ta có thể tìm hiểu riêng về những chọn lựa khó khăn của Cộng hoà Liên bang Đức. Riêng tại đây, người ta đã có thể thấy một ngã rẽ trầm trọng giữa quần chúng ở dưới và thượng tầng lãnh đạo chính trị và tài chánh ở trên.

***

Từ Thế chiến II đến nay, lãnh đạo Âu châu đã không từ nan một cố gắng nào, kể cả mấy chục ngàn tỷ bạc trong khối Euro, để xây dựng những định chế cho một Âu châu thống nhất. Và bây giờ họ tiếp tục đẩy cỗ xe thống nhất đó vượt qua những thác ghềnh của thị trường. Nói cho dễ hiểu mà phũ phàng: nếu thống nhất Âu châu mà không đem lại quyền lợi kinh tế thì lại dùng phương tiện kinh tế để tiếp tục thống nhất.

Cho nên, dự án kéo dài gần bảy chục năm là một hiện tượng chủ quan duy ý chí.

Nó chỉ có thể thành hình với một Liên bang Âu châu có chính quyền và quân đội thống nhất, có khả năng ban hành và kiểm soát chánh sách kinh tế hay công chi thu thống nhất. Chuyện ấy nằm ngoài tầm nhìn của mọi người – và là một sự hoang tưởng. Trừ phi nước Đức sẽ tiến hành sự thống nhất đó như đã từng muốn làm trước đây bằng phương pháp quân sự.

Đó là thượng tầng ở trên, của lãnh đạo, của các cơ chế tài chính và các ngân hàng.

Ở bên dưới, quần chúng Âu châu – người dân bình thường và lá phiếu của họ – lại nghĩ khác.

Việc thống nhất không đem lại lợi lộc kinh tế như họ trông đợi hoặc đã được hứa hẹn. Bây giờ, lãnh đạo còn muốn đẩy mạnh việc thống nhất nữa! Dân Đức, Pháp, Ý – hay các nước Đông Âu nằm dưới sức ép của Liên bang Nga – đang tự hỏi là lãnh đạo của họ có còn sáng suốt không. Và có đáng tái đắc cử không?

Các cuộc trưng cầu ý kiến đều cho thấy sự hoài nghi phổ biến về tương lai Âu châu.

Tại trung tâm Âu châu, phân nửa dân Đức cho rằng Đức nên trở lại chế độ ĐM: dùng lại đồng Đức Mã Deutschemark! Thực tế là khai tử đồng Euro. Nhẹ nhất thì phải trục xuất Hy Lạp ra khỏi khối Euro để cứu lấy đồng bạc thống nhất của Âu châu: hơn phân nửa dân Đức muốn như vậy, hơn là lại hy sinh quyền lợi cho các nước tiêu xài vô trách nhiệm.

Lãnh đạo Pháp và Đức có thể tin rằng họ không thất cử, chỉ vì đối lập còn tệ hơn mình và chẳng có giải pháp nào khác. Nhưng đấy không là một điều đáng lạc quan cho tương lai Âu châu.

© Nguyễn Xuân Nghĩa

Việt Tribune Ngày 20110819

 

2 Phản hồi cho “Thống nhất Âu Châu – bằng mọi giá”

  1. Hoa Lan says:

    Dan Ha Lan cung ngan ngam phan nan rat nhieu ve viec tu khi ho tu bo tien gulden de dung sang tien Euro thi gia tri tien Euro bi mat gia the tham so voi dong tien Ha Lan cu truoc kia. Chinh vi the, tren bao chi Ha Lan phan anh y kien nhieu nguoi dan Ha Lan muon nuoc ho quay tro ve voi tien gulden truoc kia cua nuoc ho.

  2. Võ Nam Quảng says:

    ÔI QUẢ THẬT

    Ôi quả thật hai bên đều mùi mẫn
    Sắp hôn nhau, sắp ôm ấp cùng nhau
    Sắp xáp lại, đôi môi như bốc lửa
    Pháp – Đức đây, như bốc khói cuộc đời !

    Đời vẫn đẹp, khi hồn ai lai láng
    Còn hơn xưa, trong lò lửa chiến tranh
    Thế chiến hai quả lui vào dĩ vãng
    Cộng đồng chung, nay đúng điệu rành rành !

    Người ta vậy, sao mình như ghim mãi
    Hồn Việt Nam, như cứ mãi hận thù
    Ý thức hệ, say mê toàn lý thuyết
    Dầu chong đêm, leo lắt loại mù u !

    Ôi quả thật, văn minh nào có khác
    Chính trị xem như một kiểu tự tình
    Đâu phải thứ chỉ đằng đằng sát khí
    Từ lâu rồi, thiên hạ phải làm thinh !

    Môi kề môi, sắp hôn nhau có khác
    Có hề chi, đôi nam nữ giao duyên
    Ta Tổng thống còn nàng là Thủ tướng
    Nữ và nam hai giòng máu hai miền !

    Đôi bàn tay ghì vai như siết chặt
    Có làm sao, một nghĩa cử ngoại giao
    Có làm sao, chuyện điệu đàng chính trị
    Có làm sao, khi tình ái dạt dào !

    NGÀN KHƠI
    (21/8/11)

Phản hồi