Quy luật của Tháng Tám định mệnh
Tất cả bắt đầu từ ngày 26 tháng 6 năm 1954, khi ông Ngô Đình Diệm từ Paris trở về Sài Gòn sau 5 năm “từng lê gót nơi quê người” để “cứu đất nước và tranh đấu cho tự do” tại … quê người!.
Uy tín của ông ở trong nước là một vị quan thanh liêm, không màng danh lợi, cương quyết chống thực dân Pháp và Cọng sản. Uy tín của ông ở ngoại quốc là vua Bảo Đại đã phong cho ông làm Thủ tướng cộng với sự ủng hộ tài lực và nhân sự của đại cường Mỹ và ủng hộ tinh thần cùng uy tín của toà thánh Vatican. Thật là đầy đủ “danh chánh ngôn thuận”.
Trong bối cảnh ông Hồ Chí Minh đã nắm quyền ở Hà Nội, thực dân Tây còn quân đội ở trong Nam, ông Ngô Đình Diệm đã đủ uy tín để được sự ủng hộ của người dân Việt không chấp nhận thực dân Tây và cộng sản. Hai lực lượng chính yếu là chính trị và quân đội đã tin tưởng ông đến mức phiá dân sự, chính quyền của ông có ông Phan Khắc Sửu làm Bộ trưởng, ông Trần Văn Đỗ cầm đầu phái đoàn họp Hội nghị Genève, ông Trần Văn Hương làm Đô trưởng Sài Gòn …, và phía quân nhân có sự ủng hộ của các sĩ quan như Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Nguyễn Ngọc Lễ, Đỗ Mậu, Thái Quang Hoàng…
Trong những ngày đầu lãnh đạo lực lượng cơ bản xây dựng chế độ đó, ông Diệm đã bắt đầu lộ ra dấu hiệu độc tài và yếu kém chính trị khi tổ chức Trưng cầu Dân ý ngày 23/10/1955 để truất phế vị vua đã giao cho mình quyền Thủ tướng với tỉ số phiếu 98.2% cho mình và 1.1% cho đối thủ Bảo Đại đang ở bên Tây. Hành động phản bội vua Bảo Đại đó đã làm cho “danh ông Diệm không còn chánh” và bầu cử gian lận quá độ đã làm cho “ngôn ông Diệm không còn thuận” nữa.
Nhưng tuần trăng mật của Tổng thống Diệm với miền Nam Việt Nam vẫn kéo dài được 6 năm. Đây là thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hoà của Việt Nam được yên ổn phát triển mà những người viết sử sau nầy thường nhắc đến. Có hai nguyên nhân chính cho sự “yên ổn” nầy: Cả hai chính quyền ông Hồ và ông Ngô cần thời gian chấn chỉnh để bắt đầu một cuộc thư hùng đầy núi xương sông máu. Nguyên nhân thứ hai là chính quyền Mỹ vẫn còn viện trợ tuy chưa ồ ạt nhưng rất căn bản nên chưa cần phải cân nhắc mức độ ủng hộ.
Cho đến năm 1960, ba biến cố xảy ra báo hiệu sự sụp đổ phải đến cho chế độ Tổng thống Diệm: (i) Cuối tháng 4 là cuôc họp báo của 18 nhân sĩ và chính trị gia của miền Nam để công khai trình bày một bản tuyên ngôn yêu cầu chính phủ ông Diệm cải tổ vì những lý do chính trị độc tài, chính quyền tham nhũng, quân sự lũng đoạn, kinh tế yếu kém, xã hội băng hoại. Trong số những người ký tên trên bản tuyên ngôn nầy lại có chính các người cộng sự cũ của ông Diệm là các ông Phan Khắc Sửu, Trần Văn Đỗ, Trần Văn Hương, … (ii) Giữa tháng 11 là cuộc nổi dậy của binh chủng Nhảy Dù, lực lượng thiện chiến nhất của chế độ ông Diệm. Tuy thất bại nhưng cuộc nổi dậy đã làm thức tỉnh ý thức chính trị của một tập thể kỷ luật đã ủng hộ ông Diệm từ ngày đầu tiên khi ông trở lại Sài Gòn. Và (iii), cuối tháng 12, là sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam cho thấy miền Bắc đã nhận thức được chính quyền ông Diệm chỉ sống chủ yếu nhờ quân kinh viện của Mỹ và họ đủ mạnh để khởi đầu cuộc chiến thống nhất đất nước.
Nhưng ông Diệm đã không thấy qua ba biến cố đó ông đã mất đi sự ủng hộ chính trị và quân sự trong miền Nam đồng thời kẻ thù miền Bắc đã sẵn sàng để tấn công. Vì không thấy nên ông vẫn tiếp tục càng ngày càng lún sâu vào con đường độc tài và chủ quan của ông bà Nhu ở Sài Gòn, thối nát và tàn bạo của ông Cẩn ở Huế và cuồng tín và tham ô của ông Thục trên toàn miền Nam cho đến năm 1963.
Giọt nước làm tràn ly là lệnh cấm treo cờ Phật giáo nhân lễ Phật Đản ngày 7 tháng 5 ở Huế ngay sau khi cờ Thiên Chúa giáo Vatican (màu vàng và trắng) bay đầy thành phố Huế để đón Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục. Giọt nước nầy đưa đến sự phẫn nộ trên toàn quốc qua những cuộc biểu tình, đình công bãi thị, sinh viên học sinh bãi khoá, giáo sư từ chức, các vị sư Phật giáo tự thiêu. Đây là những biểu lộ của quần chúng còn sâu đậm và toàn diện hơn cả những gì chúng ta đang thấy ở Syria, Ai Cập, … Từ bà bán hàng ở chợ Đông Ba đến ông Viện trưởng Linh mục Cao Văn Luận, từ giáo sư Phạm biểu Tâm, khoa trương Y khoa Sài Gòn đến ông già đạp xích lô ở NhaTrang, từ Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu đến người lính Thủy quân Lục chiến gác biểu tình, … nhưng ông Diệm vẫn không thấy. Hoặc là ông Ngô Đình Nhu không muốn cho anh của mình thấy. Dù cuộc tự thiêu đầu tháng 6 của Hoà thượng Thích Quảng Đức và cuộc tự vẫn đầu tháng 7 của nhà văn Nhất Linh đã làm xúc động trên toàn thế giới, hai cái chết nầy cũng không làm rung chuyển ba người sống trong dinh Gia Long là ông bà Nhu và ông Diệm. Họ không ra khỏi tháp ngà đó nên đêm 20 rạng ngày 21 tháng 8 họ tổ chức một biến cố đã làm vỡ toang ly nước đời họ.
Tạp chí Hợp Lưu, xuất bản tại Little Saigon ở miền Nam California, số 88, 89, 90, đã trích đăng lại một bài viết kể lại biến cố được gọi là “chiến dịch Nước Lũ” đêm 20/8/1963 nầy như sau:
Khoảng nửa giờ sau khi Thiết Quân luật có hiệu lực, Nhu cho lệnh tấn công các chùa trên toàn quốc. Tại chùa Xá Lợi Sài Gòn, nơi đặt bản doanh Ủy ban Tranh đấu Liên Phái, hai đại đội thuộc Liên đoàn 31 Lực Lượng Ðặc Biệt [LLÐB], Ðại đội 16 Bảo An, và Cảnh Sát mặc giả quân phục đánh chiếm mục tiêu. Hòa thượng Tịnh Khiết, Thượng tọa Tâm Châu, cùng nhiều tăng sĩ bị bắt giam sau một giờ chống cự. Khoảng 30 tăng sĩ bị thương, và 2 người bị mất tích. Ðích thân Ðại tá Lê Quang Tung, Chỉ huy trưởng LLÐB, và Giám đốc Cảnh sát CA Ðô thành, Trần Văn Tư [tài liệu Pháp ghi là Cò Túc?], chỉ huy, dưới sự điều động của Ðính. Do mật báo từ Dinh Ðộc Lập, ký giả ngoại quốc biết trước tin này và có mặt tại chùa Xá Lợi để chứng kiến cuộc “vét chùa”, và quyết tâm bảo vệ đạo pháp của các tăng ni. Các chùa Ấn Quang, Chantareansay (Sài Gòn) đều bị chiếm. Các tăng trụ trì, Thiện Hoa và Lâm Em, bị bắt. ( 168) Ðồng thời, hai chùa Linh Mụ và Từ Ðàm (Huế), cùng các chùa ở Ðà Nẵng, Nha Trang v.. v… đều bị chìm trong “nước lũ” bạo lực.
Tại Huế, khoảng 3 giờ đêm, tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng kêu cầu cứu vang lên khắp nơi. Ðồng bào quanh chùa đánh mõ, gõ thùng thiếc báo nguy. Ðợt tấn công đầu, Cảnh sát bị đẩy lui. Sau đó, Ðỗ Cao Trí cho lệnh nổ súng. Những giáo sư, sinh viên và học sinh tranh đấu cũng bị bắt giữ.( 169) Tổng cộng khoảng 1,400 tăng sĩ, bị bắt trên toàn quốc. Chỉ có hai sư từ chùa Xá Lợi thoát được tới Phái Bộ Kinh Tế [USOM] gần đó xin tị nạn. Qua ngày 23/8, Trí Quang cũng trốn được vào Toà Ðại sứ Mỹ.
[Trích từ “Mùa Phật Đản Đẫm Máu” của tác giả Chính Đạo - Tạp chí Hợp Lưu số 88,89,90)]
Tạp chí Bách Khoa của giới trí thức Việt Nam, do ông Hùynh Văn Lang sáng lập theo ý của ông Ngô Đình Nhu, số 169 và 170, sau 1963, đã đăng một bài của tác giả Phạm Trọng Nhân với đề tựa: “Cuốn sổ tay của một nhân viên ngoại giao nhân vụ tấn công chùa Xá Lợi”. Sau đây là một vài trích đoạn (nhấn mạnh của LND):
■ …“Đầu tháng 8 dương lịch. Tình thế ngày thêm trầm trọng. Vì vấn đề Phật giáo trước dư luận quốc tế; uy tín quốc gia xuống quá thấp!
Một vị Bộ trưởng, một hôm nhận xét:
- Nguy quá! Nhiều sinh viên, học sinh bị bắt bớ, giam cầm … Động đến tôn giáo, đến sinh viên … Chánh phủ không thể đứng vững, nếu còn tiếp tục như hiện nay. Lịch sử cổ kim chứng tỏ khi chánh quyền đàn áp tôn giáo, khủng bố thanh niên, ấy là chánh quyền bắt đầu tự diệt …
Sau này, chúng ta được biết có lần ô. Vũ Văn Mẫu nhân danh là Giáo sư Đại học, đã can thiệp để trả tự do cho một số sinh viên. Và cấp thẩm quyền khi đó, thản nhiên, bình tĩnh, trả lời:
Sinh viên, thanh niên, làm loạn thì phải bỏ tù. Các trường có đóng cửa một năm cũng chẳng hại gì …”.
■… “Ngày 16-8, lễ độ nhưng cứng rắn Ô. Trần Văn Chương (thân phụ của bà Ngô Đình Nhu) Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, tường trình vị Nguyên thủ về tình thế nước nhà trước công luận quốc tế. Các báo Mỹ sau có đăng tải bản phúc trình, đại cương có thể tóm tắt:
“Tôi hân hạnh kính trình Tổng thống tường: dư luận quốc tế và nhất là ở Mỹ, tin rằng chánh thể do Tổng thống lãnh đạo không thể mang thắng lợi cho đất nước. Cuộc khủng hoảng Phật giáo vốn dĩ chẳng phải là nguyên nhân, mà là hậu quả: thật chẳng khác giọt nước làm tràn chiếc ly đã quá đầy. Vấn đề không thể giải quyết bằng một công trình vá víu hay dối trá. Cần phải chân thành triệt để từ bỏ chánh thể này đã mất hết hậu thuẫn và tín nhiệm của quốc dân. Đó là điều mà chính Tổng thống không ngờ và không biết!
■ …“Tổng thống chỉ có thể tiếp tục lãnh đạo quốc gia, với điều kiện tất yếu từ bỏ hẳn chánh sách độc tài chuyên chế, mà trong thực tế, Tổng thống đã ủy quyền cho hai em là NHU và CẨN. Tổng thống không biết rằng hai người này đã lạm quyền …
■ …“Quốc dân chán ghét chánh thể này quá lắm rồi!”
■…“Ba ngày sau, bất thình lình, trong đêm tối, đoàn Mật vụ chiến đấu tấn công chùa Xá Lợi. Có tiếng súng nổ, tiếng hò reo, tiếng kêu rên, rồi máu chảy đầu rơi, và một đoàn người ra đi, không hẹn ngày trở lại! …
Một nhân viên cao cấp nhà ở gần chùa Xá Lợi, được ông Bộ trưởng Ngoại giao điện thoại cho biết nên nhờ đó được thưởng thức một màn khẩu trình bất ngờ, bi đát; lời nói nghẹn ngào hoà với tiếng chuông ngân kêu cứu, tiếng súng nổ hãi hùng … Điện đàm được chùng 15 phút thì dây điện thoại bị cắt.”
■…“Chi tiết vụ tấn công chùa Xá Lợi không hề được chánh thức công bố. Các nhân viên nội các đã tự truy tầm tìm hiểu, bằng những phương tiện riêng. Và ai nấy kết luận: “Cộng sản thâm nhập ngay ngưỡng cửa thủ đô” (như Tổng thống tuyên bố đầu buổi họp hội đồng nội các sáng sớm ngày 21/8) là điều sai sự thực. Hôm trước (20-8) Hội đồng liên bộ họp tại Hội trường Diên Hồng từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, mà nào có ai nghe thấy ông Bộ trưởng Nội vụ (ông Lâm Lễ Trinh) nói tới vấn đề Cộng sản …”
Cũng trên hai số 169 và 170 của tạp chí Bách Khoa đó, ta đọc được những phản ứng của các quốc gia đồng minh với Việt Nam sau khi chính quyền ông Diệm tấn công chùa chiền đêm 20 tháng 8 năm 1963 như sau:
■ Ngày 22-8-1963:
- Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Văn Mẫu cạo đầu từ chức sau 8 năm làm Ngoại trưởng.
- Thái Lan: Thủ tướng Sarit Thanarat đòi đưa vấn đề Việt Nam ra trước Liên Hiệp Quốc.
- Mỹ: Báo Washington Post: Chính quyền đã khủng bố, trong khi đáng lẽ phải thuyết phục. Đối với Hoa Kỳ, sự kiện nêu lên một câu hỏi quan hệ và trầm trọng: cần duyệt lại chánh sách viện trợ. Viện trợ nhằm mục đích chống Cộng chớ không phải giúp Cộng sản thành công …”
- Úc: Tổng trưởng Ngoại giao tuyên bố trước Quốc hội: “rất lo ngại về chánh sách kỳ thị và cố chấp của các nhà đương cuộc Việt Nam.”
- Anh: báo Daily Telegraph (Bảo thủ) viết: “Chánh thể đã tự hạ phẩm đến mức thuộc quyền sở hữu của một gia đình, khiến những thiện chí qúy hoá nhất cũng bị xuyên tạc.”
■ Ngày 23-8:
- Đại sứ Trần Văn Chương, thân phụ bà Trần Lệ Xuân, từ chức.
“Tin ông Trần Văn Chương từ chức (Đại sứ) được loan sáng 23-8. Và nhật báo New York World Telegram trong nhóm Scripps Howard nêu câu hỏi: “Ô. Trần Văn Chương mà còn không thể tiếp tục cộng tác, thì chúng ta làm sao có thể tiếp tục ủng hộ chánh phủ này đã mất hết hậu thuẫn của quốc dân?”
- Miến Điện: Báo The Guardian viết: “ … nhà cầm quyền Việt Nam đã lâm tình trạng thác loạn. Hành động qủa là một lầm lỗi phi thường, ra ngoài trí tưởng tượng của nhân loại.”
- Nhật: Thứ trưởng Ngoại giao, ông Shigenobu Shima hội kiến với Đại sứ Việt Nam yêu cầu cho biết sự thực về chùa Xá Lợi.”.
- Mỹ: Thượng nghị sĩ Wayne Morse xứ Oregon tuyên bố: – Mỹ ủng hộ chánh phủ Ngô Đình Diệm chỉ là làm lợi cho Cộng sản.”
■ Ngày 25-8:
- Đại Hàn: Tướng Chang Chung Son (một nhân viên trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng) đã gay gắt lên án nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp Phật giáo đồ.
- Ấn độ: Dân tộc Ấn độ lấy làm công phẫn trước những hành động tàn ác hiển nhiên kia …”
- Phi Luật Tân (đa số dân theo Ki-tô giáo): Báo Manila Chronicle: “Nếu công cuộc đàn áp Phật giáo không chấm dứt, lệnh giới nghiêm không bãi bỏ, Phi có thể sẽ là một trong những nước đầu tiên đoạn giao với Việt Nam.”
■ Ngày 26-8:
- Hội nghị Phật giáo Tích Lan yêu cầu các đoàn thể Phật giáo toàn quốc treo cờ rũ để tang cho các Phật tử Việt Nam bỏ mình vì tín ngưỡng.”
■Ngày 27-8:
- Cao Mên đoạn giao với Việt Nam và hợp với Tích Lan đem vấn đề đàn áp Phật giáo của chính quyền Diệm ra trước Liên Hiệp Quốc.
■ Ngày 28-8:
- Pháp: Chủ tịch “Hội nghị Tranh đấu cho Tự do Văn hoá”, Denis Rougemont tuyên bố: “Hội nghị phản đối kịch liệt chánh phủ Việt Nam đã chà đạp những quyền căn bản của người Phật giáo”.
■ Ngày 29-8:
- Trung hoa Dân quốc: “… rất lo ngại về tình hình tại Việt Nam.”
Cuối cùng là ý kiến của hai nhân vật với uy tín toàn cầu:
■ Ngày 30-8-1963: Thông điệp của Giáo hoàng Paul VI có đoạn: “Chúng tôi có bổn phận nói lên nỗi ưu tư đau đớn của chúng tôi, đứng trước những diễn biến đáng buồn đang đè nén dân tộc Việt Nam thân mến. Mối lo ngại của chúng tôi mỗi ngày thêm thâm trầm bi đát.”
■ Ngày 31-8-1963: Ông U Thant, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc gửi thư cho Tổng thống Diệm có câu: “Thúc dục bởi những ý niệm nhân đạo mà toàn thể chúng tôi đều tôn trọng, nhân danh là thành phần của đại gia đình nhân loại, tôi cảm thấy có bổn phận gửi thư nầy tới Ngài, cùng với lời kêu gọi tha thiết của cá nhân tôi …”
Ngày 12-9-1963: Ông U Thant đã họp báo và tuyên bố như một tiên đoán: “Tình hình tại Việt Nam mỗi ngày thêm trầm trọng. Những đức tính cần thiết của dân chủ, ví dụ trách nhiệm thay đổi chánh phủ theo thủ tục hiến pháp không cần bạo động, và điều động công quyền với phương pháp thuyết phục không cần võ lực, đối với Việt Nam hiện nay đều hoàn toàn xa lạ …”
KẾT LUẬN
Ngày 1-11-1963, hậu qủa tất yếu mà ông U Thant cảnh báo đã xảy ra tại Sài Gòn với cuộc cách mạng khởi đầu từ quân đội để lật đổ một chế độ chỉ trong 2 ngày ngắn gọn với hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đi qua bên kia của “cõi đi về” để trùng phùng với Hoà thượng Thích Quảng Đức và văn hào Nhất Linh trong cõi vĩnh hằng.
Nhà văn nhà giáo Doãn Quốc Sỹ, đã nói về cái chết của hai ông Diệm Nhu như sau: “Bảo là người Mỹ đã giết Diệm. Không! Diệm đã chết trong lòng dân tộc từ lâu. Mỹ chỉ đến lượm xác sống của y.” [Người Việt Đáng Yêu, (Lời Mở Đầu) Nhà xuất bản Sáng Tạo, Sài Gòn, 1965. Đăng lại trên Tạp chí Việt Nam Hải Ngoại số 8 ngày 15-9-1977, San Diego, Hoa Kỳ.]
Từ Louis XVI ở Pháp đến Ngô Đình Diệm ở Việt Nam đến Mubarak ở Ai Cập, bài học lịch sử lập đi lập lại cho những nhà lãnh đạo quốc gia là gìn giữ yếu tố LÒNG DÂN. Dù được hay mất Tây, dù được hay mất Mỹ, dù được hay mất Tàu, dù được hay mất Vatican, … mà mất yếu tố lòng dân là mất tất cả.
Quy luật đó là bà mẹ đẻ ra nguyên tắc dân chủ làm cho nước Mỹ ngày càng hùng mạnh khi áp dụng hiến pháp một cách trung thực. Những ai đang/sẽ làm chính trị ở Việt Nam chỉ cần thuộc nguyên tắc “dân vi qúy, xã tắc thứ chi” nầy.
© Lý Nguyên Diệu
(extracted from Internet, Aug.20, 2011)
NÊN NHỚ : Đụng đến TÔN GIÁO là : Chế Độ nào cũng Tàn đời !!!
Tất cả câu chuyện trên là những gì thấy được bên ngoài rồi suy diễn theo cách “định hướng dư luận”,một
thủ đoạn của chính trị.Nếu bàn chính trị cho tận nguồn gốc thì cẩn phải minh bạch hóa mọi hồ sơ bí mật,mà
đó là những âm mưu và chiến thuật thực hiện ở trên mặt trận TÌNH BÁO.Nếu chưa giải mã thì chúng ta mãi
mãi không biết gì cả hay nếu 1 bên giải mã thì cũng chẳng biết HOÀN TOÀN sự thật.Trong thực tế,lâu nay mỗi lần bàn về chiến tranh VN. thì chúng ta chỉ bàn dựa trên tài liệu MẬT mà Mỹ giải mã mà thôi ! Về phía VC.thì cho đến nay vẫn chưa thực hiện (nghe đâu mới chỉ có đề nghị Quốc Hội cho giải mã hồ sơ mật !).
Như thế,những điều Mỹ đưa ra cũng chỉ nhằm giải thích cho việc họ “thò bàn tay lông lá” vào để lật đổ một
chế độ thì liệu chính xác bao nhiêu phần trăm mà chúng ta cứ a dua với họ.Chúng ta thực sự không thấy
Mỹ đã làm xấu hình ảnh của chúng ta,dù chiến tranh VN.đã kết thúc gần 1/2 thế kỷ rồi hay sao ?
Nên nhớ rằng để thực hiện bất cứ thủ đoạn chính trị nào,kẻ CHỦ MƯU lúc nào cũng vẫn phải nêu cao “chính nghĩa” của mình.Từ thời phong kiến đến thời tư bản hay cộng sản đều có chung một mẫu số là giơ cao cái
“chính nghĩa” của mình.Để lật đổ TT.NĐD.thì Mỹ phải định hướng dư luận trước về chế độ độc tài,gia đình
trị ngõ hầu có cớ đem quân vào miền Nam VN.mà ngăn chận làn sóng đỏ lan tràn.Về phía VC.thì chúng
cũng lu loa lên rằng NĐD.độc tài nên dân chúng miền Nam nổi dậy,dù sự thực con số người bất mãn chế
độ NĐD.chỉ làm bù nhìn trong MTGPMNVN.mà VC.dựng lên làm bình phong để áp đặt chủ nghĩa cộng sản
lên cả nước như thực tế đã chứng minh cho đến ngày hôm nay.Có điều khác hơn Mỹ,VC.tính đến việc thôn
tính miền Nam từ cuối năm 1959 qua một nghị quyết nhưng được che giấu dưới chiêu bài “thống nhất” và
“giải phóng” miền Nam VN. Mỹ chỉ có biên pháp đối phó theo chiến lược be bờ nạn CS.với một chính
sách THỰC DỤNG đầy THIẺN CẬN vì Mỹ nhảy vào VNCH.và can thiệp trắng trợn khiến thế giới nhìn nước VNCH.như 1 chính quyền BÙ NHÌN và do đó suốt thời chiến tranh VN.họ hầu như ủng hộ miền Bắc Cộng
sản ! Và hậu qủa tất nhiên là chúng ta mất nước vì miền Nam không được THIỆN CẢM của thế giới !
Hình như chúng ta chưa hay KHÔNG muốn rút ra được bài học nào cả nhưng trái lại thỉnh thoảng còn khêu
lại sự HẬN THÙ vốn đã chìm lắng sau khi chúng ta đã để mất nước VNCH.vào tay CS.Phúc trình của LHQ.
về cái gọi là sự đàn áp PG.đã bác bỏ thẳng thừng lời vu cáo thiếu chứng cớ của Mỹ nhưng đã bị Mỹ ngăn chận ở Đại Hội Đồng LHQ.để Mỹ có thì giờ ra tay lật đổ NĐD.trước.
Tưởng cũng nên nhắc lại nhận định sau đây của Ts.NNG.một Việt kiều thân Cộng trước 1975,hiện ở Pháp:
“Điểm lại những hiểu biết hiện nay về năm bản lề 1963 có lẽ chỉ cần nhấn mạnh một điều :nếu kho lưu trữ
ở VN.chưa được mở ra cho các nhà nghiên cứu và ngày nào chưa thực sự mở ra thì lịch sử VN.hiện đại
vẫn còn là độc quyền của các sử gia nước ngoài và “ký ức” quốc gia của dân tộc ta vẫn còn đắm chìm
trong cõi u minh”.(“40 năm sau nhìn lại 1963″ Diễn Đàn số 127 tháng 3/2003).
Chẳng lẽ sau mấy chục năm chúng ta chưa đủ BÌNH TĨNH hay sao mà giở giọng CĂM THÙ ở thế kỷ 21 như
VC.hay bọn khủng bố nhân danh HG. ? Lẽ ra,tôi không muốn lọt vào “bẫy chia rẽ” ở thời điểm tổ quốc đang bị Tàu lấn chiếm dần nhưng bất đắc dĩ phải lên tiếng lần đầu tiên và cũng duy nhất cho bài viết này.