Những trận chiến trên Vàm Cỏ Tây
Ngay khi mặt trận Long An vừa bùng nổ, Lực Lượng 99, dưới sự chỉ huy của Hải Quân Đại Tá Lê Hữu Dõng, được đưa vào chiến trận.
Đại Tá Dõng là vị sĩ quan đầu tiên của khóa 8 Hải Quân Nha Trang được thăng Đại Tá. Về hải vụ, có thể nói Đại Tá Dõng không thua bất cứ một vị đàn anh nào cả. Về chỉ huy những đơn vị chiến đấu trong sông rạch, Đại Tá Dõng và người bạn cùng khóa, Hải Quân Trung Tá Hồ Quang Minh, là hai sĩ quan được các đại đơn vị Việt Cộng tại Vùng III và Vùng IV Sông Ngòi lên án nặng nề!
Ngày 17 tháng 4, Lực Lượng 99 khởi hành từ Nhà Bè, trực chỉ Long An.
Thời gian này, với mục đích cắt quốc lộ IV, ngăn chận sự tiếp viện của quân VNCH từ Vùng IV Chiến Thuật, Công Trường 7 Việt Cộng kéo quân từ Cái Bè đến Bến Tranh thì “đụng” nặng với một Trung Đoàn của Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Khi địch đến rạch Cần Đốt lại gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của Địa Phương Quân.
Cánh quân Công Trường 8 Việt Cộng đánh vào Rạch Kiến chạm phải sức kháng cự vũ bão của Lực Lượng Địa Phương Quân, khựng lại đó.
Cánh quân Việt Cộng tấn công quận Tân Trụ đang tràn ngập trong Chi Khu vừa lúc Lực Lượng Đặc Nhiệm 99 đang giang hành ngang Tân Trụ để tiến về Long An. Lúc này Giang Đoàn 40 Ngăn Chận cũng vừa đưa một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân từ Long An lên tiếp viện quận Tân Trụ.
Sau khi “đổ” quân, Giang Đoàn 40 Ngăn Chận cùng Lực Lượng 99 nhập trận, yểm trợ Địa Phương Quân.
Bất ngờ đụng nặng với hai đơn vị tác chiến Hải Quân, quân của Công Trường 8 Việt Cộng, sau nhiều đợt chống trả dữ dội, đành “chém vè”! Quận Tân Trụ được giải tỏa cùng ngày.
Ngày 18 tháng 4, khoảng 8 giờ sáng, Lực Lượng 99 đến Long An. Tình hình kinh Thủ Thừa nguy ngập. Trên giang trình tiến đến giải tỏa kinh Thủ Thừa, khi vừa qua khỏi cầu Long An khoảng hai trăm thước, Lực Lượng Đặc Nhiệm 99 thấy rất đông người đang tắm, nô đùa dưới sông, bên bờ đối diện rạch Cần Đốt. Đặt ống dòm quan sát, Hải Quân Đại Tá Lê Hữu Dõng, Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng 99, phát giác ra đó là một đại đơn vị Việt Cộng. Lập tức, Đại Tá Dõng ra lệnh toàn Lực Lượng ủi thẳng sang, tấn công.
Khi thấy đoàn chiến đỉnh ủi ngay vào điểm dừng quân của mình, một đơn vị của Công Trường 7 Việt Cộng, chấp nhận đánh nhau, không chạy. Hai bên cách nhau khoảng mười thước, có thể thấy nhau bằng mắt thường, cho nên, mọi người trên đoàn giang đỉnh đều thấy Việt Cộng nhốn nháo, tán loạn. Tuy vậy, sức phản công của địch từ bờ bắn ra cũng dữ dội với đủ loại súng, có cả 82 ly không giật và 12 ly 8. Phía Lực Lượng 99, mọi vũ khí nặng trên chiến đỉnh đều được xử dụng tối đa.
Trong khi trận chiến đang diễn ra dữ dội, Thủy Thủ Đức bị thương trên mặt và đầu, máu tuôn xối xả. Thủy Thủ Đức chỉ đưa tay vuốt máu trên mặt rồi đứng thẳng trên chiếc Tango, ôm MK19, nã thẳng vào địch quân.
Đến 5 giờ chiều, sức kháng cự của Việt Cộng yếu dần. Bộ Binh và Địa Phương Quân được điều động đến, đổ bộ. Lúc này chỉ còn nghe rời rạc vài tiếng B40.
Trong trận này, tổn thất về phía Hải Quân và quân bạn không đáng kể. Việt Cộng thiệt hại không dưới một Tiểu Đoàn. Vũ khí tịch thu gồm: 4 khẩu 82 ly không giật, 2 khẩu 12 ly 8, 12 khẩu B40, rất nhiều AK và súng trường Nga.
Sáng 19 tháng 4, Lực Lượng 99 và Giang Đoàn 42 Ngăn Chận trở lại địa điểm đã đụng độ với Việt Cộng ngày hôm trước. Đoàn giang đỉnh vừa đến nơi, hai giang đỉnh bị bắn. Một Monitor của Giang Đoàn 42 Ngăn Chận bị 82 ly không giật bắn trực xạ. Ba nhân viên và Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 42 Ngăn Chận, Hải Quân Thiếu Tá Phạm Ngọc Lộ, bị thương. Nhưng cả bốn thương binh đều không chịu tản thương, chỉ vuốt máu, tiếp tục chiến đấu!
Kể từ ngày 19 tháng 4, hễ Lực Lượng 99 và Địa Phương Quân giải tỏa xong điểm chạm địch đối diện với rạch Cần Đốt ngày hôm trước thì ngày hôm sau Việt Cộng lại chuyển vận súng lớn trở lại địa điểm này.
Trong thời gian này, mỗi ngày, tiểu đoàn pháo của Công Trường 7 Việt Cộng nã vào Long An từ 40 đến 60 quả 122 ly!
Bằng mọi giá, Việt Cộng quyết tiêu diệt Lực Lượng Đặc Nhiệm 99; vì Lực Lượng này là trở ngại lớn cho cuộc kéo quân của các Công Trường Việt Cộng về Long An.
Đêm 20 tháng 4, trong khi Lực Lượng 99 đang “nằm” gần cầu Long An thì người nhái Việt Cộng lội ra giang đỉnh, bám vào thành tàu, leo lên ngay chiến đỉnh của người nhái Hải Quân VNCH Tất cả người nhái Việt Cộng đều bị hạ trước khi hành động!
Đêm 21 tháng 4, Lực Lượng 99 “đổ” toán Hải Kích – do Đại Úy Hiền chỉ huy – lên bờ đối diện rạch Cần Đốt. Khi còn cách bờ khoảng 30 thước, Hải Quân phát hiện Việt Cộng đông quá! Thấy Đại Úy Hiền tỏ vẻ ngần ngại, Đại Tá Dõng ra lệnh rút; vì Ông nghĩ rằng khi Hải Kích không chấp nhận trận chiến thì không thể nào quân ta vào được.
Cánh quân của Công Trường 9 Việt Cộng từ Cái Bè tiến đến Bến Tranh thì gặp sự kháng cự của một Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Lúc địch kéo về đến rạch Cần Đốt lại “đụng” lực lượng Địa Phương Quân phòng thủ tại đây.
Cũng thời điểm này, Sư Đoàn 22 Bộ Binh, dưới sự chỉ huy của Chuẩn Tướng Phan Đình Niệm, từ Qui Nhơn về Bến Lức, đang tái trang bị, không xuất trận. Nhưng khi Cầu Voi bị tấn công, Tướng Niệm chỉ thị một Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh đến giải tỏa, nhưng không giải tỏa được.
Nhận thấy áp lực địch đè nặng trên vùng trách nhiệm của Đại Tá Lê Hữu Dõng, Phó Đề Đốc Nghiêm Văn Phú, Tư Lệnh Lực Lượng Tuần Thám, đem toàn Bộ Tham Mưu đến Long An hỗ trợ Đại Tá Dõng. (Trước khi trở thành Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng 99, Đại Tá Dõng đã là Tư Lệnh Phó Lực Lượng Tuần Thám). Tháp tùng Bộ Tham Mưu Lực Lượng Tuần Thám là bác sĩ Trần Quốc Dũng, vị y sĩ được tất cả đơn vị Hải Quân cũng như đồng bào và quân bạn tại bệnh viện Long An mến phục.
Từ giữa tháng 4, hầu như tất cả bác sĩ trong tỉnh Long An đều di tản. Mỗi ngày số thương vong do đại bác của địch và thương binh từ các mặt trận đưa về nườm nượp, nhưng khó tìm ra được một vị y sĩ!
Ngoài những lúc hành quân với Lực Lượng Đặc Nhiệm 99 để săn sóc thương binh tại trận địa, vị y sĩ tốt nghiệp khóa 16 Trưng Tập, Trần Quốc Dũng, cùng với trung sĩ y tá tên Thông, chưa kịp cất áo giáp, nón sắt, đã vội vàng đến ngay bệnh viện Long An để cấp cứu nạn nhân chiến tranh.
Lúc này xác thường dân chết vì hỏa tiễn Việt Cộng nằm rải rác ven đường. Vô số người bị thương được đưa đến bệnh viện Long An. Tại phòng nhận bệnh, nạn nhân chiến tranh nằm la liệt mà chỉ có hai y tá phụ trách! Trong số những nạn nhân, một người bị mảnh pháo kích ghim nơi ngực, thở không được.
Biết rằng nạn nhân này cần phải được giải phẫu cấp kỳ, bác sĩ Dũng và y tá Thông đẩy ngay người này vào phòng mổ. Dụng cụ giải phẫu và thuốc men đều bị khóa kín trong tủ. Trong khi bác sĩ Dũng và y tá Thông đập bể tủ, thực hiện cuộc “giải phẫu dã chiến” cứu sống nạn nhân thì Việt Cộng pháo nặng hơn. Kho dầu và kho đạn Long An trúng đại pháo. Và, ít nhất, có hai hỏa tiễn rơi ngay bệnh viện, gây thêm rất nhiều tử vong!
Nghe bệnh viện trúng đạn pháo kích, thân nhân dùng đủ mọi phương tiện để di chuyển người thân của họ ra khỏi bệnh viện. Bác sĩ Dũng và y tá Thông vẫn tiếp tục băng bó, săn sóc, cấp cứu nạn nhân trong những tiếng nổ rền trời của từng đợt hỏa tiễn do Việt Cộng nã vào thành phố Long An.
Trưa 29 tháng 4, lưu thông trên quốc lộ 4 bị gián đoạn. Vì cảm mến đức tính can cường của Thiếu Tá Phạm Ngọc Lộ trong những lần chạm địch suốt mấy ngày qua, Đại Tá Dõng hỏi Thiếu Tá Lộ có muốn đưa tàu về Saigon đón gia đình hay không? Nếu muốn, cứ lấy hai ASPB – trợ chiến đỉnh trang bị súng phun lửa – mà đi. Thiếu Tá Lộ cho hai ASPB rời vùng hành quân về Saigon đón gia đình, còn Ông ở lại với đơn vị.
Không hiểu tại sao câu chuyện giữa Đại Tá Dõng và Thiếu Tá Lộ đến tai Phó Đề Đốc Nghiêm Văn Phú.
Từ khi đến Long An, Phó Đề Đốc Phú là vị sĩ quan thâm niên hiện diện, được tất cả đơn vị Hải Quân trong vùng xem như Tư Lệnh hành quân. Đối với Hải Quân, không ai lạ gì cá tính nghiêm khắc, độc đoán của vị sĩ quan tốt nghiệp khóa II sĩ quan Hải Quân Nha Trang này. Nhưng, bù lại, Phó Đề Đốc Phú rất xuề xòa và thường âm thầm lo lắng cho thuộc cấp; vì vậy Ông được thuộc cấp đặt danh hiệu là Bố Già.
Chiều 29 tháng 4, khoảng 6 giờ 30, Phó Đề Đốc Phú cho tập họp tất cả thuyền trưởng của Giang Đoàn 42 Ngăn Chận, Đại Tá Dõng, Thiếu Tá Lộ và Thiếu Tá Chiến Binh Vĩnh Đính, Tham Mưu Phó Hành Quân Lực Lượng Tuần Thám. Trước mặt mọi người, Phó Đề Đốc Nghiêm Văn Phú, Tư Lệnh Lực Lượng Tuần Thám, kiêm Tư Lệnh Đặc Nhiệm 212, tuyên bố truất quyền chỉ huy của Thiếu Tá Lộ và chỉ định Thiếu Tá Vĩnh Đính làm Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 42 Ngăn Chận, thay thế Thiếu Tá Lộ! Mọi người, kể cả Đại Tá Dõng, đều sửng sốt đến không nói được một lời! Sau này, Đại Tá Dõng mạnh dạng xác nhận sự im lặng của Ông vào chiều hôm đó là một lầm lẫn!
Sở dĩ cho đến chiều 29 tháng 4 mà toàn tỉnh Long An vẫn chưa có phần đất nào bị Việt Cộng kiểm soát là nhờ hai yếu tố sau đây:
§ Liên Đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Long An là một lực lượng tinh nhuệ. Nếu so sánh Liên Đoàn Địa Phương Quân này với những lực lượng chính quy của VNCH như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, v. v… thì sức chiến đấu dai dẳng và can cường của Liên Đoàn Địa Phương Quân này sẽ ngang ngửa chứ không kém. Chính Liên Đoàn Địa Phương Quân này đã “chôn chân” Công Trường 7 Việt Cộng bên kia kinh Thủ Thừa.
§ Sự quyết định nhanh chóng của Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân VNCH khi đưa Lực Lượng 99 vào trận địa đúng thời điểm.
Tối 29 tháng 4, đích thân Phó Đô Đốc Cang gọi máy, chỉ thị Đại Tá Lê Hữu Dõng đưa toàn Lực Lượng 99 ra sông Soài Rạp. Nhưng Đại Tá Dõng xin ở lại 24 giờ đồng hồ nữa; vì Long An “chưa hề hấn gì” và tinh thần chiến đấu của binh sĩ còn hăng.
Cũng thời điểm này, Đại Úy Trưởng Phòng An Ninh Lực Lượng Tuần Thám – theo lệnh của Phó Đề Đốc Phú – vào bệnh viện đưa bác sĩ Dũng di tản. Bác sĩ Dũng bảo: “Đại Úy thưa với Tư Lệnh, nếu Tư Lệnh muốn chạy thì cứ chạy đi. Tôi ở lại với anh em.”
Sáng 30 tháng 4, Việt Cộng vẫn tiếp tục pháo hỏa tiễn vào Long An. Đại Tá Dõng gặp Đại Tá Huyến, Tỉnh Trưởng Long An. Đại Tá Huyến tỏ vẻ thất vọng vì không liên lạc được với thẩm quyền nào cả. Đại Tá Dõng hỏi dò Đại Tá Huyến về ý định di tản. Đại Tá Huyến Lắc đầu: “Anh em còn đang chiến đấu, tôi đi không đành. Bao giờ đem được anh em về hết tôi sẽ đi.”
Khi nghe lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh, Đại Tá Dõng cho một chiếc Jeep đi tìm bác sĩ Dũng. Sau đó, Đại Tá Dõng đưa Lực Lượng Đặc Nhiệm 99, Giang Cảnh, Cảnh Sát, Đại Đội Tuần Giang, v.v…theo Vàm Cỏ Tây, ra sông Soài Rạp. Điểm hẹn là Bắc Cầu Nổi. Lúc này, cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cắm đầy hai bên bờ sông.
4 giờ chiều, mấy trăm chiến đỉnh của nhiều đơn vị Hải Quân tụ tập tại Bắc Cầu Nổi. Cũng lúc đó, mọi người thấy Phó Đề Đốc Nghiêm Văn Phú – người trở lại từ HQ 502 để đón những đơn vị của Ông ra trễ – trên một PBR đơn độc ngay chỗ phao đỏ cuối cùng trước khi dòng Soài Rạp tuôn ra biển.
Đại Tá Dõng kiểm soát tất cả đơn vị xong, trình lên Phó Đề Đốc Phú rằng các đơn vị đã đến điểm hẹn gần đầy đủ. Phó Đề Đốc Phú đáp: “Tốt”.
4 giờ 20 chiều, tại Bắc Cầu Nổi, Đại Tá Dõng, được xem như vị đại diện Hải Quân trong vùng, tuyên bố giải tán những đơn vị Hải Quân!
Sau đó, người nào đi thì dồn lên những LCM hoặc PBR để ra đi. Người nào muốn về thì dồn lên mấy PBR trở về. Số giang đỉnh còn lại được tháo ống, cho chìm từ từ.
Nhìn những chiến đỉnh không người lái, cứ quay vòng vòng rồi chìm từ từ, hầu như mọi người đều nén ngậm ngùi. Thượng sĩ D., thuộc Giang Đoàn 40 Ngăn Chận, không nén được xúc động, đã bật khóc và gào lên: “Chính phủ ơi! Con tàu ơi!”
Cũng trong tình huống đó, Hải Quân Đại Úy H., Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 59 Tuần Thám, từ LCM8 nhảy xuống một PBR rồi nhắn nhủ: “Thôi, Commandant đi đi. Tôi ở lại điều động đàn em của tôi, rồi… một là tôi sẽ tự tử chết; hai là tôi sẽ về Bến Tre tu với Mẹ tôi!”
(Trích từ “Hải quân VNCH ra khơi, 1975”)
Đọc và thấy đau lòng. Không hiểu vì sao 1 quân đội với những người lính quả cảm đến thế, vậy mà sao lại phải buông súng tức tưởi quá !?
Lòng ngậm ngùi nhớ chuyện ngày qua, tôi và gia đình luôn kính phục, mang ơn chén cơm manh áo mà các vị đã đổ máu cho chúng tôi. Muôn đời không quên.
“Đọc và thấy đau lòng. Không hiểu vì sao 1 quân đội với những người lính quả cảm đến thế, vậy mà sao lại phải buông súng tức tưởi quá !?” Hết trích.
Dễ hiểu: Vì bị ngưòi ta Đâm sau lưng.