WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Trần Đăng Khoa: Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Tác giả. Nguồn: trandangkhoa.com

Tác giả. Nguồn: trandangkhoa.com

Phần I

Cái tên như chân lý, có tính cảnh báo sắc lẹm này, không phải do tôi nghĩ ra đâu. Làm sao một “gã thợ cày không có trâu” lại sâu sắc thâm thúy được đến như thế. Đó là kinh nghiệm đúc kết từ ngàn đời mà ông bà, cụ kỵ truyền lại cho chúng ta đấy. Các cụ bảo: “Trăm năm bia đá thì mòn – Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Khiếp không? Cứ tưởng chạm trổ dấu ấn của mình lên bảng vàng, bia đá thì sẽ vĩnh cửu. Chả phải. Mọi giá trị đều bị thời gian sàng lọc, đào thải và chắt lại . Nhưng cũng có những dấu vết không làm sao xóa được, nhất là khi nó đã thành “bia miệng” của thế gian. Đến cái nỗi ấy, thì chả có “cái cống” nào để mà tẩu thoát.

Đấy là hai trường hợp, hai “tiêu điểm” nổi cộm, gây bất bình lớn trong dư luận xã hội. Một ông Tây và một ông Ta. Ông Tây là ngài Giáo sư Joel Brinkley và ông Ta là ngài nghị sĩ Quốc hội Hoàng Hữu Phước. Cả hai ông này có tuổi tác khác nhau, hình dáng khác nhau, số phận khác nhau, ở hai vùng văn hóa hoàn toàn khác biệt nhau, vậy mà lại giống nhau đến kỳ lạ: Đều phải hứng chịu những trận mưa đá của đông đảo công chúng và cộng đồng mạng. Đều ngỡ ngàng, kinh ngạc vì không ngờ bài viết của mình lại bị dư luận phản ứng dữ dội đến như thế. Và khủng khiếp hơn, đều bị công chúng đề nghị sa thải, đuổi khỏi trường Đại học và phế truất khỏi Nghị trường. Và điều thú vị giống nhau nữa: Những người nổi giận, đòi sa thải hai ông, đều không phải là những đối tượng bị các ông chỉ trích, lăng mạ, mà toàn là những người ngoài. Đấy là những tiếng nói trung thực và khách quan. Ở ông nghị sĩ Quốc hội Hoàng Hữu Phước, nhiều Luật sư còn lên tiếng, muốn đưa ông ra Tòa vì họ còn tìm thấy trong bài viết của ông, có những dấu hiệu của tội phạm hình sự. Đến cả như thế thì khủng khiếp quá. Sự nổi giận có phần thái quá này cũng là điều dễ hiểu. Tôi gọi đó là sự nổi giận của văn hóa trước những hành vi thiếu văn hóa.

Vậy sự thực thế nào? Đầu đuôi ra làm sao mà hai ông phải “chịu trận” khủng khiếp đến như vậy?

Phần tiếp

Trong Blog tuần trước, tôi có bàn về một ông Tây và một ông ta. Đó là Giáo sư Joel Brinkley và Nghị sĩ Quốc hội Hoàng Hữu Phước. Cả hai ông giống nhau đến kỳ lạ: Đều phải hứng chịu những trận mưa đá của đông đảo công chúng và cộng đồng mạng. Đều ngỡ ngàng, kinh ngạc vì không ngờ bài viết của mình lại bị dư luận phản ứng dữ dội đến thế. Và khủng khiếp hơn, đều bị công chúng đề nghị sa thải, đuổi khỏi trường Đại học và phế truất khỏi Nghị trường. Những người nổi giận, đòi sa thải hai ông, đều không phải là những đối tượng bị các ông chỉ trích, lăng mạ, mà toàn là những người ngoài cuộc, nên rất trung thực và khách quan. Ông Tây là khách vãng lai, không hiểu thấu đáo người Việt, nên đã nói càn, ta chả chấp làm gì. Chỉ tiếc ông Nghị Hoàng Hữu Phước, một người có trình độ Thạc sĩ, đại diện cho Dân, ở một cơ quan quyền lực cao nhất, sang trọng vào bậc nhất, lại làm những việc dưới tầm văn hóa, mà ta thường chỉ thấy ở giới du thủ du thực, không thể gọi được là người bình thường, càng không thể hình dung đấy lại là một Nghị sĩ Quốc hội.

Câu chuyện bắt đầu từ cuộc tranh luận ở Nghị trường, có sự khác biệt về quan điểm giữa ông Dương Trung Quốc với ông Hoàng Hữu Phước. Sự khác nhau là bình thường. Thậm chí rất hay. Nếu các Nghị sĩ Quốc hội đều đồng thuận, có cái nhìn giống nhau, quan điểm y hệt nhau, thì chỉ cần một người là đủ, hà cớ chi lại phải có đến mấy trăm người? Nhờ sự khác nhau, thậm chí trái ngược nhau mới có những cuộc tranh luận. Và rồi qua các cuộc cọ sát tranh luận ấy, chân lý sẽ dần sáng tỏ. Do đó, chúng ta mới có những quyết sách đúng đắn. Tránh được sự thiển cận và sai lầm.

Tranh luận ở Nghị trường, dù quyết liệt, gay gắt hay ôn hòa thì cũng đều rất tốt. Nếu thời gian ở nghị trường không đủ thì có thể tiếp tục trong các trang báo hay trên Blog cá nhân. Việc ông Phước viết bài về ông Quốc trên Blog của mình cũng không có gì sai, nếu ông chỉ tranh luận theo đúng nghĩa, để tìm ra chân lý vì lợi ích chung. Nhưng điều đáng bàn, và cũng chính là lý do khiến công chúng nổi giận, là ông không tranh luận mà lợi dụng tranh luận để bôi nhọ và hạ nhục một Đại biểu Quốc hội khác. Có lẽ cũng vì điều này mà nhiều Luật sư đã lên tiếng. Họ lên tiếng không phải vì “bệnh nghề nghiệp”, mà là sự tinh thông mẫn cảm, họ nhìn thấy trong việc làm rất không bình thường của ông Phước có dấu hiệu hình sự.

Tranh luận không phải là cãi vã. Tranh luận khác cãi vã ở chỗ, tranh luận có nghĩa là đối thoại, và đối thoại là cùng nghe nhau để cùng điều chỉnh mình, dẫn đến sự đồng thuận, nhằm tiếp cận chân lý vì mục đích chung. Còn cãi vã là tranh giành thắng thua, là chỉ nhăm nhăm tìm sơ hở của đối phương để ra đòn hạ gục, nhằm thỏa mãn mục đích cá nhân. Đối tượng chính mà ông Phước cần thuyết phục không phải ông Quốc, mà là các Đại biểu Quốc hội, và cao hơn nữa là đông đảo quần chúng nhân dân. Làm sao ông Phước có thể thuyết phục được ông Quốc, một người hoàn toàn khác biệt với ông cả ở sự hiểu biết, trình độ kiến thức và tầm vóc văn hóa? Nếu ông Quốc cũng như ông thì đã chẳng có sự khác biệt dẫn đến cuộc tranh luận. Điều quan trọng ông phải thuyết phục trước hết là các Đại biểu Quốc hội, sau nữa là đông đảo nhân dân, để mọi người cùng ủng hộ, đứng về phía ông. Nhưng do tính hiếu thắng, tiểu khí tỉnh lẻ, lại cả giận mất khôn, nên ông chẳng còn nhìn thấy ai, ngoài ông Quốc và ông chỉ tìm mọi cách hạ nhục, đổ hết mọi rác rưởi lên đầu ông Quốc. Và rồi cuối cùng, ông đã hiện nguyên hình một gã lục lâm thảo khấu, nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cựu Đại biểu Quốc hội nhiều khóa, thì Đại biểu Phước đã “hành xử một cách lỗ mãng, không phù hợp với tiêu chuẩn văn hóa thông thường chứ chưa nói đến văn hóa nghị trường. Trong cuộc sống, mọi người đều có thể có những ý kiến khác nhau, thậm chí nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng chỉ những người kém văn hóa mới dùng những lời lẽ nặng nề phản cảm, chợ búa để phỉ báng nhau”. Cũng theo ông Nguyễn Minh Thuyết, “sự hiểu biết của Đại biểu Phước về pháp luật rất hạn chế. Khi công kích Đại biểu Dương Trung Quốc về chuyện chất vấn tại kỳ họp vừa qua, ông Phước đã làm trái quy định tại điều 49 Luật Tổ chức Quốc hội. Bên cạnh đó, ông Phước còn quên rằng, điều 46 Luật Tổ chức QH đã quy định Đại biểu phải “gương mẫu” trong việc chấp hành hiến pháp và pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và “tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng”. Ngoài ra, khi miệt thị, xúc phạm nhân phẩm người khác, nhất là phỉ báng một Đại biểu Quốc hội vì những ý kiến của Đại biểu đó trong lúc thi hành công vụ, ông Hoàng Hữu Phước còn có thể vi phạm cả quy định của Bộ luật Hình sự…”

Cũng vì những việc làm động trời này, mà ta lại có dịp bình tĩnh ngắm kỹ gương mặt của hai Đại biểu Quốc hội, khi giới truyền thông liệt kê lại tất cả những ý kiến mà họ đã phát biểu. Không phải ngẫu nhiên, giới truyền thông đã định vị bốn ông Nghị có những đóng góp tích cực trên Nghị trường: “Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”. Đó là Tướng Nguyễn Quốc Thước, ông Nguyễn Ngọc Trân, ông Nguyễn Lân Dũng và ông Dương Trung Quốc. Tất nhiên, những Đại biểu Quốc hội xuất sắc, gây được ấn tượng mạnh trong công chúng, không phải chỉ có bốn ông Nghị này, mà còn nhiều vị khác, như Đỗ Trọng Ngoạn, Nguyễn Minh Thuyết… Ông Dương Trung Quốc, nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, là “người sắc sảo và lịch duyệt”. Tôi cũng đồng ý với ông Thuyết: “Không phải ý kiến nào của ông Dương Trung Quốc cũng được mọi người đồng tình nhưng những vấn đề ông Quốc nêu lên đều là những vấn đề cử tri rất quan tâm. Về phương pháp tư duy, ông Quốc thường có cách nhìn độc đáo, mới mẻ, đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ”. Còn với ông Phước, thú thật, dù không hề ác cảm với ông, tôi vẫn không tìm thấy trong ý kiến của ông có một chút ánh sáng nào của trí tuệ. Thậm chí, tôi còn thấy ông không được bình thường khi khoe với các phóng viên báo chí, rằng ông vẫn còn giữ các hóa đơn của bưu điện tiền gửi thư qua Iraq cho tổng thống Saddam Husein, đề nghị Tổng thống Saddam cử ông làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền để ông đi công du các nước, nhằm giữ gìn hòa bình thế giới (!)

Dù nhìn ở bất cứ góc độ nào cũng không thấy được đó là tư duy của một người bình thường, lành mạnh. Và nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Ông Phước không có tiến bộ nào trong nhận thức và hành động kể từ khi làm Đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIII, khi phát biểu về xây dựng Luật Biểu tình, Đại biểu Phước có những nhận thức lệch lạc và lời lẽ xúc phạm cử tri. Bởi vậy, khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, ông Phước đã bị cử tri chất vấn. Lúc đó ông Phước đã phải nói với cử tri hãy coi mình là con cháu và bỏ qua cho những sai sót đó. Đáng lẽ biết sai phải sửa, nhưng đến giờ ông Phước vẫn nói lại những chuyện đó như thể mình đúng”. Tôi cũng muốn nói thêm với ông Phước rằng, có đến trên 70% các cuộc biểu tình, khiếu kiện của dân, liên quan đến đất đai. Đừng nghĩ đơn giản và nông cạn rằng người biểu tình chống lại Nhà nước hay Chính phủ. Họ tìm đến Chính quyền khi những nỗi oan ức ở cơ sở không giải tỏa được. Bởi chính quyền là “Chính quyền của Dân, Do Dân và vì Dân”. Họ chỉ mong Chính quyền giúp họ lấy lại sự công bằng. Điều này cần minh bạch. Không người dân nào chống lại Chính quyền, một Chính quyền mà vì nó người ta đã không tiếc xương máu, tính mạng để bảo vệ. Hàng triệu con em họ còn nằm ở dưới đất kia, trong đó có rất nhiều người đến nay vẫn không tìm thấy được hài cốt. Để họ phải đói khổ, vất vưởng, không còn biết nương tựa vào đâu là chúng ta có tội. Chính quyền cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về mặt thủ tục, hành chính để các doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Còn việc giải tỏa, đền bù đất đai là việc của Doanh nghiệp với Dân. Chính quyền chỉ nên là người trung gian, người chứng kiến, giám sát. Và nếu có đứng thì cũng phải đứng về phía nhân dân, vì lợi ích của dân chứ không phải vì quyền lợi của mấy anh nhà giàu, theo kiểu “Lợi ích nhóm”. Nếu giải tỏa đất đai mà đền bù thỏa đáng cho Dân thì sẽ chẳng bao giờ có chuyện biểu tình, khiếu kiện. Nhưng đền bù chỉ mấy trăm ngàn một mét vuông đất nhưng sau đó lại bán lên đến mấy chục triệu đồng thì người dân nào chịu nổi. Họ không nổi khùng mới là chuyện lạ. Chính người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong sớm có Luật biểu tình, mà ông Phước lại “bảo hoàng hơn Vua”, muốn loại Luật biểu tình ra khỏỉ bàn Nghị sự, không bàn đến trong cả khóa Quốc hội vì “dân trí thấp”. Ngay cả đến khi bàn về chuyện Mại dâm, một hiện trạng nhức nhối trong xã hội, ông Phước cũng lại mạt sát ông Quốc bằng những lời lẽ rất thô bỉ :“Dương Trung Quốc do không quen nghiên cứu hàn lâm, nên tưởng nói về “đĩ” là chứng tỏ ta đây có trình độ “Trí”, muốn nữ công dân – trong đó có các nữ nhân thuộc gia tộc Dương Trung Quốc – có quyền tự do sử dụng vốn tự có để kinh doanh phát triển ngành công nghiệp bán dâm, không ngờ đó lại là cái “Thấp Kiến” của phường vô hạnh, vô đạo đức, vô lại, vô duyên, dễ đem lại danh xưng “Nhà Đĩ Học” bên cạnh “Nhà Sử Học”.

Không thể tưởng tượng được đấy lại là ngôn ngữ của một Ông Nghị. Xúc phạm một Đại biểu Quốc hội, xúc phạm đến cả dòng tộc người ta là một điều tối kỵ đối với người Việt. Chả lẽ sự tha hóa về đạo đức đã lan đến cả chốn linh thiêng, sang trọng vào bậc nhất của Quốc gia sao? Thật có lý khi nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Khoa Điềm, Cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Cựu Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đã phải ngỡ ngàng trong một câu thơ viết về ông Hoàng Hữu Phước: “Tại sao người ta lại bầu ông vào Quốc Hội?”. Thật kinh khiếp khi ông Phước lại còn tự vỗ ngực xưng danh: “Nhất Thạc Bàn Cờ, Lăng Tần Hoàng Hữu Phước, Nhà Việt Nam Cộng Hòa Học, Nhà Biểu Tình Pờ-rô-tét Đì-mông-sờ-tra-sân Học, Nhà Đa Đảng Học, Nhà Lưỡng Đảng Học, Nhà Độc Đảng Học, Nhà Tiếng Anh Học, Nhà Thánh Kinh Học, Nhà Đủ Thứ Học Học”.

Thật đau khổ cho Cử tri Thành Phố Hồ Chí Minh, và đau khổ cho Cử tri cả nước. Chúng ta bầu là bầu Đại biểu Quốc hội, Đại diện ưu tú nhất cho chúng ta vào cơ quan Quyền lực cao nhất, sang trọng nhất, để quyết sách những việc quan trong, chứ đâu có bầu “Nhà Việt Nam Cộng Hòa Học, Nhà Đa Đảng Học”… Thật hết chịu nổi.

Theo blog Lão Khoa

Bài viết liên quan:

Bóng tối nào?

6 Phản hồi cho “Trần Đăng Khoa: Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”

  1. Nguyễn Bá Huy says:

    Nói về Trần Đăng Khoa , tôi nghe khi còn nhỏ Ông đã ” sửa ” thơ của Tố Hữu và được cả ” Miền Bắc ” khen là ” Thần Đồng “, chuyện kể : Nhà thơ Vĩ Đại của Miền Bắc viết : ” đường ta rộng thênh thang tám thước ” và được thần đồng sửa là ” Đường ta rộng thênh thang ta bước ” .. Óc Ông Văn Hào Tố Hữu cho tám thước lả rông !! , thần đồng cho rằng rộng chỉ bể ” bước là ” đi bộ ” thật tại sao không dùng ” ta lướt ” chứng tỏ là ta đi xe máy, đi ô tô .. đúng là các bộ óc chỉ biết Lũy tre làng thì làm sao Việt Nam khá được !!!

  2. Người Sài Gòn says:

    Tiếng Việt có từ “KHÙNG CHỮ” để nói về những kẻ như Hoàng Hữu Phước này. Hồi nào tới giờ cứ nghĩ Mr Phước hèn quá, nịnh “đảng” để được ngồi ghế QH lâu, nay mới hiểu “chẳng những hèn mà còn khùng nữa” ! Trời ơi, ngó xuống mà coi !

  3. Lê minh Trí says:

    Nói tới chuyện ông giáo sư Mỹ nói xấu thói ăn uống của người Việt, thiết tưởng chúng ta cũng nên nhín chút thời giờ để lướt sơ qua những người khác nói gì, ko chỉ đọc những bài phản bác rầm rộ của truyền thông lề phải với cái “tâm thế” TỰ SƯỚNG: dân Việt anh hùng, thông minh, cần cù, chất phác……
    Đây báo lề phải noí về người Việt đây, xin mời đọc chơi

    http://nld.com.vn/20130303111142605p0c1006/te-giac-lam-nguy-su-can-du-cua-nguoi-viet.htm

  4. Hà Huy says:

    QH là cơ quan quyền lực cao nhất !? ( chú ý quyền lực này chỉ đứng sau sự lãnh đạo của ĐCS) . Nhà Thơ Nông dân Trần Đăng Khoa không thấy có ý kiến gì về sửa đổi HP hiện nay theo những nhà trí thức tiên tiến của đất nước .

  5. Khinh Binh says:

    Thường thì bài của mấy chú Vẹm, đặc biệt là vẹm thần đồng, tôi ít khi đọc nguyên bài, chỉ lướt sơ phần đầu, rồi phần cuối, nếu Ok thì xem tiếp, còn không thì thôi.Lần này lướt câu cuối, trích:

    ” Chúng ta bầu là bầu Đại biểu Quốc hội, Đại diện ưu tú nhất cho chúng ta vào cơ quan Quyền lực cao nhất, sang trọng nhất, …” thì bịt mũi không kịp.

    Không biết CS cho ăn cái giống gì mà mấy thằng “làm thơ” lại giống nhau quá ở cái khoảng nói không biết ngượng! Tố Hữu rồi đến tay thần đồng…nát này! Quốc Hội CS mà là cơ quan quyền lực nhất, sang nhất! Tởm!

  6. T. says:

    “..ông Nghị Hoàng Hữu Phước, một người có trình độ Thạc sĩ, đại diện cho Dân, ở một cơ quan quyền lực cao nhất, sang trọng vào bậc nhất, lại làm những việc dưới tầm văn hóa, mà ta thường chỉ thấy ở giới du thủ du thực, không thể gọi được là người bình thường, càng không thể hình dung đấy lại là một Nghị sĩ Quốc hội.”
    Thần đồng , nhà thơ lớn Trần Đăng Khoa mà không biết cái gọi là quốc hội tại VN là quốc hội bù nhìn thế mà vẫn cho rằng quốc hội là 1 cơ quan quyền lực cao nhất????? thần đồng Khoa bị cái đảng Cộng Sản nó bịp mà không biết???

Phản hồi