Các tổ chức tín dụng VN đã ổn định và bền vững?
Doanh nghiệp tuyên bố phá sản là một phần tất yếu của kinh tế thị trường. Tổ chức tín dụng cũng là một doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, hoạt động kinh doanh hoạch toán độc lập, và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Có tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh hiệu quả thì cũng có tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng thua lỗ, không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, xuất phát từ sự sụp đổ của hệ thống tài chính của một nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Thế nhưng, ở Việt Nam có một đặc thù riêng biệt nào đó mà các tổ chức tín dụng Việt Nam có tính ổn định và bền vững, nên Nhà nước buộc các doanh nghiệp phải thanh toán qua Ngân hàng?
Theo quy định của Thông tư 129/2008/BTC ngày 26/12/2008 của Bộ tài chính thì: “Đối với hàng hóa mua nào trên 20 triệu đồng muốn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào thì phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Như vậy, các doanh nghiệp muốn khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào thì buộc phải chuyển tiền (dưới các hình thức ủy nhiệm chi, lệnh chi…) từ tài khoản ngân hàng của mình sang tài khoản ngân hàng bên bán.
Thông lệ giao dịch hiện nay trên thương trường, sau khi ngân hàng doanh nghiệp bên mua hàng hóa xác nhận việc chuyển tiền, thì Lệnh chi, ủy nhiệm chi được xem là chứng từ thanh toán; và doanh nghiệp bên bán hàng hóa đợi ngày số tiền đó chuyển đến tài khoản ngân hàng của mình. Nếu như, các doanh nghiệp không thanh toán qua Ngân hàng thì hóa đơn đầu vào chỉ được các cơ quan thuế thừa nhận chi phí hoạt động, không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Với mức thuế suất được áp dụng thống nhất 10% hiện nay thì khoản tiền nhà nước thu qua hình thức thuế giá trị gia tăng là một con số không nhỏ so với mức thu nhập trung bình của người Việt Nam hiện nay, và các doanh nghiệp được quyền hoàn thuết vì đây là thuế gián thu: Nhà nước đánh vào người tiêu dùng!
Như vậy, Ngân hàng và các tổ chức tín dụng Việt Nam phải có tính ổn định và bền vững cao mới bảo đảm được quyền lợi của các doanh nghiệp khi nhà nước buộc phải thanh toán qua ngân hàng!
Đùng một cái, ngày 18/1/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2010/NĐ-CP quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với các tổ chức tín dụng. Và Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/03/2010.
Giống các doanh nghiệp khác, Nghị định số 05 quy định thủ tục phá sản áp dụng đối với các tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản gồm 4 bước nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản; phục hồi hoạt động kinh doanh; thanh lý tài sản, các khoản nợ và tuyên bố phá sản.Tòa án Nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng.
Điều kiện xác định tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản là tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu, sau khi Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt thì được coi là lâm vào tình trạng phá sản. Theo Nghị đinh, những người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gồm chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần của tổ chức tín dụng; người lao động làm việc trong tổ chức tín dụng; chủ sở hữu của tổ chức tín dụng nhà nước, cổ đông của tổ chức tín dụng cổ phần.
Việc phá sản tổ chức tín dụng chắc chắc gây ảnh hưởng rất lớn đến những người gửi tiền, đặc biệt người gửi tiền cá nhân, với số lượng đông đảo, do đó cũng có thể ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội của quốc gia.Vì vậy, việc phá sản các tổ chức tín dụng đòi hỏi phải có quy trình đặc biệt để bảo đảm được quyền lợi của người gửi, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phải được xem xét, xử lý hợp lý để tránh ảnh hưởng, tác động dây chuyền đến các tổ chức tín dụng khác, ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống tổ chức tín dụng.
Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán nhưng vẫn không phục hồi được và không thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu. Tổ chức tín dụng có thể được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong những trường hợp sau đây:
a) Có nguy cơ mất khả năng chi trả;
b) Nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ mất khả năng thanh toán;
c) Khi số lỗ luỹ kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% tổng số vốn điều lệ thực có và các quỹ
Tại khoản 4 điều 93 Luật tổ chức tín dụng thì: Không đưa ra công luận khi một tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Sau ngày 15/03/2010, khi Nghị định số 05/2010/NĐ-CP quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với các tổ chức tín dụng này có hiệu lực thì việc áp dụng luật phá sản các tổ chức tín dụng được áp dụng trên thực tế.
Nhà nước thì buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải thanh toán bằng hình thứcA chuyển khoản qua ngân hàng nếu muốn hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, nhưng hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng không thể không thua lổ, lâm vào tình trạng phá sản. Thế nhưng, tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng nhà nước thì không được đưa ra công luận.
Như vậy, hình thức thanh toán qua ngân hàng của các doanh nghiệp hiện nay tìm ẩn rất nhiều rủi ro nếu như tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng tuyên bố phá sản. Các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phải làm gì để tự bảo vệ mình?
© Thanh Thanh
© Đàn Chim Việt Online