WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bốn tầng nấc của người dân chủ VN

Nhân bài viết vừa qua của Liên Sơn ‘mộng mị dân chủ’ trên website Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà Báo Độc Lập đã gây ra nhiều tranh luận thú vị, tôi xin có đôi lời đóng góp như một góc nhìn về chính trị Việt Nam.

Tạm gọi theo cách của tôi và một phần dư luận hiện nay là góc nhìn về “phe dân chủ”, “quần chúng”, “phe cải cách” cùng “phe bảo thủ” trong Đảng CS Việt Nam.

Phe nào như thế nào thì cũng ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước, dù ít dù nhiều, một góc nhìn đa chiều sẽ làm sáng tỏ một số vấn đề về lý luận, để qua đó quần chúng có thể có nhiều thông tin hơn về bức tranh chính trị của đất nước

Viết cho phe dân chủ

Người dân chủ là người dùng các chuẩn mực dân chủ pháp trị trong lý luận để từ đó thực hiện các hành vi từ bất đồng chính kiến, phê phán, rồi tranh đấu với đảng cầm quyền độc tài. Do đó luôn cần sự ủng hộ, gắn kết với quần chúng và các người dân chủ khác. Đó chính là cơ sở cho việc hình thành phong trào, rồi lên cao hơn là tổ chức hội đoàn đến đảng đối lập rồi khi thành công, là chính quyền dân chủ.

Do đó trước khi nói đến chính quyền dân chủ, phải hình thành được một tư duy và lề lối sống và sinh hoạt dân chủ với nhau, và với chính quần chúng, người cùng ý thức như mình. Không thể có một tổ chức dân chủ nào có thể vững bền khi lập ra tổ chức tranh đấu dân chủ nhưng người trong đó là những người độc tài trong tư duy và hành xử nội bộ, và không có một thỏa ước, một nội qui sinh hoạt dân chủ thực thụ đựợc áp dụng và được sự đồng tình của toàn tổ chức một cách nghiêm chỉnh.

Từ nguyên tắc này cũng có thể nói cuộc tranh đấu cho dân chủ của những cá nhân và tổ chức “chưa dân chủ” thật sự như thế cũng khó hay không thể dẫn đến một chế độ và một chính quyền thực sự dân chủ.

Từ nhận định có tính nguyên tắc đó, đi đến nhìn nhận của một số người viết như Liên Sơn vừa qua khi bàn về “mộng mị dân chủ”, trong đó đánh giá, theo tôi, vừa bi quan, vừa không chính xác đầy đủ, làm quần chúng hiểu sai về phong trào dân chủ, không thể hiện sự đánh giá toàn cảnh bức tranh dân chủ đa sắc màu hiện nay.

Cần thấy rõ là người dân chủ hiện diện khắp nơi, trong quần chúng, đến cả trong đảng cầm quyền, ở mọi giai tầng xã hội, không chỉ gói gọn trong phạm trù được Liên Sơn đề cập là những cái tên A, B nào đó để rồi nghĩ rằng đó là đa số người dân chủ. Không chỉ gói gọn trong cộng đồng “có tên tuổi” hiện nay mà là có khắp nơi với hành động tranh đấu đa dạng khác nhau.

Từ một cậu học sinh lập ra video blog đưa lên mạng internet phê phán sự bảo thủ, độc tài của thể chế qua việc áp đặt tư duy giáo dục, cho đến một đảng viên đảng cộng sản ở nghị trường quốc hội không bấm nút thông qua Hiến Pháp 2013, đó chính là những người có tư duy và hành động dân chủ.

Nhiều người như thế thì đó chính là nền tảng của phong trào dân chủ. Do đó, khi đánh giá về dân chủ, phải nhìn chung các mặt này, để từ đó có thể hi vọng và lạc quan.

Có nhiều tổ chức đoàn thể tự ra đời ở Việt Nam trong 10 năm qua

Có nhiều tổ chức đoàn thể tự ra đời ở Việt Nam trong 10 năm qua

Theo tôi, bốn tầng nấc của người dân chủ là người bộc lộ chính kiến, người bất đồng chính kiến, người tranh đấu, và chính khách đối lập. Tất cả những quần chúng nếu có xu hướng tranh đấu đều sẽ đi qua một hay toàn bộ bốn bước này, tùy theo nội lực và khát vọng của họ, và bước chân nào cũng cần được tôn trọng, vì họ dám đi. Còn trong quá trình đi, có va vấp, té ngã thì là chuyện bình thường vì có đi và có vấp ngã là quy luật.

Chúng ta không cần bàn về các danh hiệu do quần chúng vì tấm lòng nhiệt tình mà trao tặng cho người tranh đấu, chỉ nên bàn là khi có sự tôn vinh của quần chúng rồi, người đón nhận danh hiệu nên phải làm thế nào để xứng đáng với tấm lòng của công chúng hơn. Người được tôn vinh cần một sự góp ý và tiếp thu góp ý chân thành khi cần, là một lề lối dân chủ cần có.

Tôi quan sát phong trào dân chủ hơn 10 năm nay, có nhiều tổ chức đoàn thể thành lập trong nước rồi sau đó tàn lụi đi, ngoài sự đàn áp của nhà cầm quyền, còn là do chính lối sinh hoạt nội bộ chưa đến “tầm” như khi họ tuyên bố lúc mới ra đời. Các thành viên chỉ chú trọng gắn kết trên quan điểm chính trị, chưa có sự đồng thuận hoạt động trên một thỏa ước tập thể để từ đó mọi người đều phải hành xử theo như một tấm gương dân chủ.

Chú trọng đưa ra các tuyên bố nhiều hơn thực hiện điều lệ sinh hoạt nội bộ nhằm xây dựng con người dân chủ; chú trọng mở rộng ra ngoài nhiều hơn gắn bó chiều sâu bên trong; chú trọng cạnh tranh giữa những người tranh đấu trong tổ chức hơn là chú trọng mục tiêu tranh đấu của toàn tổ chức với đối thủ độc tài. Đó là những điều nên tránh

Gắn kết và chia rẽ

Một vấn đề khác cần chú ý là hiện tình đất nước hiện nay đã hình thành nên sáu mảng chính trị có tác động vào thế cuộc chính trị ở Việt Nam. Tôi tạm gọi là mảng bảo thủ cầm quyền, mảng cải cách cầm quyền, mảng quần chúng đứng ra tranh đấu, mảng áp lực lên đảng cầm quyền, từ bên ngoài của quốc tế và từ bên trong của sự nâng cao đời sống và dân trí (mảng quần chúng phổ thông), và mảng nghiên cứu gắn kết các yếu tố trên để hình thành một phong trào dân chủ có chất lượng và hoạt động phối hợp hiệu quả.

Cái còn thiếu của phong trào dân chủ hiện nay chính là mảng hoạt động gắn kết: yếu tố cuối cùng. Hầu như rất ít người làm công tác gắn kết này, trong khi lẽ ra cần sự gắn kết của ba mảng sau, để qua đó tận dụng những khe hở của hai mảng đầu, nhằm hình thành cho được đối trọng đủ mạnh với đảng cầm quyền, tức mảng thứ ba, mảng quần chúng đứng ra tranh đấu.

Cũng hay xảy ra việc những nhóm có chiến thuật tranh đấu khác nhau thường hay chỉ trích lẫn nhau dù nằm trong cùng một mảng. Thực ra nếu đặt các khác biệt đó ở tầm nhìn rộng lớn, thì phải tìm cách phối hợp, gắn kết các nhóm khác nhau này lại trong cùng một mảng, vì những công việc của các nhóm đó chính là bổ sung cho nhau.

Thiếu phối hợp sẽ xung khắc, có gắn kết sẽ thành sức mạnh tổng hợp. Ví dụ nếu coi những người tranh đấu đi quốc tế vận động các tổ chức nhân quyền, chính khách quốc tế ủng hộ na ná như nhóm “ngoại vận”, thì những người còn nằm trong đảng nhưng có xu hướng dân chủ và hành động ủng hộ cải cách tiến bộ phải được coi như nhóm “địch vận”, có cùng mục tiêu. Do đó cần kết hợp, chia sẽ thông tin và đối thoại với nhau để công việc các bên có hiệu quả cộng hưởng, hơn là chỉ trích “làm như tôi mới đúng, làm như các ông đó là yếu, là chưa đủ dũng khí”.

Có người nói cái dở của người Việt là hay chia rẽ. Nhận xét thế là chỉ nhìn một chiều, cần có cái nhìn rộng hơn khi đưa nó vào nhận xét về phong trào dân chủ. Trong tình hình tranh tối tranh sáng, địch ta lẫn lộn, an ninh đông hơn dân chủ thì sự chia rẽ (vì riêng rẽ) có khi là cần thiết để giữ ngọn lửa dân chủ, không bị “chết chùm”.

Cái quan trọng trước khi phong trào dân chủ chiến thắng chính là phải giữ ngọn lửa dân chủ qua các thời kỳ đàn áp khác nhau của đảng cầm quyền chứ không phải có bao nhiêu cây đuốc thì dùng cho hết lửa. Việc cá lớn cá bé cùng chui vào một cái rổ trong khi đảng cầm quyền còn mạnh thì chỉ làm cái ao hết cá, các con cá chưa vào rổ vì còn riêng rẽ với đàn cá kia chính là những người giữ lửa. Do đó cái cần chú ý là chia rẽ vì cần riêng rẽ (để giữ lửa) khác với nghĩ rằng thấy chưa hội tụ thì cho đó là chia rẽ do…mâu thuẫn.

Người dân chủ hay dùng nền dân chủ kiểu Mỹ làm chuẩn mực. Học hỏi dân chủ pháp trị theo Mỹ là tốt, nhưng nếu học thì đừng học nửa vời. Cái hạn chế của người tranh đấu là khi đã đặt một ai vào vị trí lãnh đạo dân chủ thì sau đó ra sức bảo vệ kể cả khi người đó sai lầm. Mỹ không có chuyện đó, dân bầu tổng thống là một chuyện, nhưng khi tổng thống làm bậy thì cũng bị phê phán thậm chí bãi chức.

Người dân chủ nên học điều này, để khỏi sa vào cái tư duy từ lãnh đạo cho lên thành lãnh tụ, rồi trở thành một hội-đảng bao che bảo vệ nhau bất chấp đúng sai. Cuối cùng thành ra…giống như đảng cộng sản và các lãnh đạo cộng sản (chỉ thích nghe khen và bài bác việc chê bai). Việc ủng hộ ai và phê phán ai trong từng giai đoạn, thời kỳ là chuyện bình thường nếu khen chê có lý luận thực tế và logic, và cần xem nó là việc phải làm, chứ không phải lúc khen thì nói là “nịnh”, lúc chê lại bảo là “âm mưu đánh phá”.

Phe cải cách và phe bảo thủ

Có người nói ở Việt Nam chỉ có phe lợi ích và phe bảo thủ, chưa có cái gì gọi là phe cải cách. Theo tôi điều này không đúng trong thực tế. Tôi Nguyễn An Dân, một công dân sống trong thể chế độc tài lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam, tôi cám ơn những ai trong đảng cầm quyền đã đồng ý cho internet vào Việt Nam một cách phổ thông. Để từ đó tôi có điều kiện và thông tin để tranh đấu cho dân chủ nhiều hơn.

Cùng là thể chế tư duy cộng sản toàn trị, nhưng dân Việt Nam cũng khá hơn Bắc Triều Tiên…do đó nếu nói trong đảng cầm quyền chưa có phe cải cách thì vừa thiếu thực tế, vừa non kém và lạc hậu. Toàn Đảng có thể không cần cải cách thì vẫn là “phe lợi ích” được, ví dụ như gia đình họ Kim ở Bắc Triều Tiên. Do đó tình hình dân chúng dễ thở hơn hiện nay chính là sự tổng hòa từ các yếu tố : sự nới rộng bên trong của phe cải cách, hiệu quả của áp lực quốc tế bên ngoài, sự tranh đấu của quần chúng. Cắt bỏ đi một bộ phận nào đó, là sai lầm về lý luận tranh đấu, và về nhận định thực tiễn, dẫn đến sai lầm và yếu kém về chiến lược và chiến thuật tranh đấu.

Nhưng cũng có người ngộ nhận rằng tôi kêu gọi ủng hộ phe cải cách nghĩa là ủng hộ phe của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nghĩ như vậy là chưa thấu đáo hết ý nghĩa của cụm từ phe cải cách. Trước khi bàn về phe cải cách, cần làm rõ phe bảo thủ là gì?

Hiện trạng đất nước thì nhiều bệnh, nhưng tựu trung từ ba cái chính: đó là thiết chế đảng và chế độ theo mô hình chính quyền mất dân chủ, theo đuổi một tư tưởng Mác Lê phi thực tế, và đưa đất nước sa vào một quan hệ lệ thuộc với một láng giềng độc tài có dã tâm xâm lược nguy hiểm là Trung Cộng. Tôi gọi ba vấn đề này là tư duy bảo thủ, và bất kỳ ai trong đảng cầm quyền muốn giữ nó thì là phe bảo thủ, và bất kỳ ai muốn phá vỡ nó, chính là phe cải cách. Phe cải cách có từ khi đảng ra đời, chứ không phải bây giờ mới có.

Chẳng qua dần dần quyền lực của phe này mạnh lên, cộng với sự bùng nổ về thông tin, nên công chúng biết đến họ nhiều hơn. Như nhóm Xét lại chống đảng trong quá khứ, hay như ông Trần Xuân Bách, ông Võ Văn Kiệt…chính là người của phe cải cách chứ gì nữa. Còn họ cải cách thế nào là một phạm trù khác.

Trong bài viết trước, nhiều người lý giải tôi nói “Hội Nhà Báo Độc Lập nên tranh thủ sự ủng hộ của phe cải cách” nghĩa là tôi “khuyên” Hội này ủng hộ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một đánh giá sai về lý luận do họ không đọc kỹ các tư duy của tôi. Ông Nguyễn Tấn Dũng không phải là tiêu biểu của phe cải cách, và các hoạt động của ông Dũng chỉ tiêu biểu cho một thời kỳ thân Mỹ của nhóm chính phủ. Nếu cần ủng hộ thì ủng hộ nhóm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc đưa Việt Nam “thoát Trung-thân Mỹ” vì nó có lợi cho đất nước trong hiện nay, việc khác tính sau.

Thành ra nói chưa có phe cải cách này trong đảng là thiếu cái nhìn hiện thực khách quan. Nếu không phải những đảng viên có tư duy cải cách cùng ký lá thư 61 vị vừa qua, thì chúng ta gọi họ là gì, gọi là “phe lợi ích” chăng ? Hoàn toàn không ổn. Do đó, người tranh đấu cần tranh thủ sự ủng hộ của phe cải cách nghĩa là hướng đến sự liên kết với các đảng viên có tư duy cải cách, chứ không phải ca tụng ông A, ông B nào đó khi mọi thứ còn đang mù mờ cài răng lược.

Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng có mở rộng dân chủ, thì ông ta chỉ là một thành viên (có quyền lực nhiều) của phe cải cách, chứ không đại diện cho phe cải cách, ông Dũng về hưu thì vẫn còn phe cải cách. Đây là cái cần minh định để sáng tỏ về lý luận.

© Nguyễn An Dân

Nguồn: BBC

Phản hồi