Mùa cá bột sông Hồng
Hàng năm khi con lũ tiểu mãn đầu mùa bắt đầu dâng nước sông Hồng lên, như báo hiệu với những con người nơi soi bãi hãy chuẩn bị tinh thần bước vào mùa lũ.
Người dân chài có cuộc sống bập bềnh trên sóng nước, bắt con cá nheo, cá chép để xem buồng trứng non hay trứng già. Người dân trên bờ sông thì nhìn con ễnh ương, con nhái bén đẻ bọc trứng như đám bọt xà phòng to bằng vốc tay, trên cành cây cao hay cành thấp trên mặt hồ ao. Người ta gặp nhau trên bờ sông, kẻ ngửa người đạp hai chân vào hai mái dầm, chèo con thuyền ngược dòng sông, nguời ở trên bờ lội xuống nước, lấy hai bàn tay chụm vào nhau vốc nước sông mới được pha chút ít phù sa của con lũ đầu mùa lên mặt.
Người bên bờ nước hỏi người dưới thuyền:
- Con cháu của Hà Bá ơi ! Ễnh ương đẻ cao lắm, năm nay liệu nước có to không?
- Trứng cá còn non lắm. Năm nay hẳn nước muộn.
Họ trả lời nhau chẳng ăn nhập vào câu hỏi. Người dưới sông, kẻ trên bờ quen biết nhau từ thời bãi làng mới nổi lên, vạn chài mới hình thành. Người kiếm con cá, con tôm dưới nước, kẻ vun trồng, đào bới, thu nhặt củ khoai, bắp ngô trên vạt đất phù sa, có quan hệ lâu đời.
Và hàng năm cứ đến mùa lũ bắt đầu này, những người làm nghề ương cá bột từ Bắc Ninh, Bắc Giang xuống, từ Hà Đông, Hà Nam lên. Họ làm lều, làm lán, đào lò bên bờ sông, hạ hàng trăm chiếc vợt hứng cá bột từ thượng nguồn trôi về. Cuộc sống bên bờ sông nhộn nhịp, tấp nập hẳn lên. Những lò ương cá bột, đất được nện chặt để không bị ngấm nước, tròn to như những cái nong đại, mặt nước đầy những chú cá bột mới nở nhỏ li ti như đầu kim. Những bát cá mẫu với hàng nghìn cá trứng chạy vòng quanh trong lòng bát. Những khách hàng từ các nơi là những chàng trai, những cô gái với đôi thúng sơn đen, nhẵn bóng. Họ xúm xít quanh bát cá mẫu, nghe những ông già cầm que tăm gẩy gẩy những con cá dính vào đầu que, rồi giảng cho mọi người biết con nào là cá trôi, con nào là cá mè. Cái lũ đầu mùa này nhiều trôi hay nhiều mè. Những chàng, những nàng mua cá giống ra về gánh đôi thúng trên vai, luôn luôn phải lắc lư cho nước trong thúng nổi bọt để cá khỏi chết vì thiếu không khí.
Từ sông Hồng này, cá giống được chia đi khắp các hồ ao ương lại trong đồng. Những ao cá bột này đã được tát cạn, phơi khô để bắt cho hết những con rô, con chuối kẻo chúng ăn hết cá con. Và khoảng ba, bốn mươi ngày sau, con cá trứng to bằng que đóm, bằng ngón tay, dài tám phân, mười phân. Các chàng, các nàng lại vợt cá lên bán cho những chủ ao, chủ hồ nuôi cá thịt. Những gánh cá, với những đôi thúng sơn đen, nhẵn bóng quen thuộc lại được dịp lắc lư trên vai các chàng, các nàng. Họ gánh cá đến cho một chủ hồ, chủ ao nào đó. Chủ, khách ngồi bên bờ ao chứng kiến các nàng đếm cá thả xuống ao. Mắt các cô hàng cá giống sắc như dao cau. Tay các cô thả cá xuống ao, mắt cô liếc ngang, liếc dọc, miệng đếm liến thoắng: “…Mười một, mười hai, mười ba…con mè hoa…hai ba, hai bốn…con này tốt, ba mốt, ba hai…”. Họ vừa đếm vừa khen, cứ cóc nhảy như thế, ông chủ mua cá dù có tinh mắt đến đâu, cũng vẫn chịu thua. Cá đã thả xuống ao rồi, cả người thả cá lẫn người nhận cá cũng đều chỉ nhớ con cá cuối cùng là thứ mấy trăm con để tính tiền. Người ta bảo, nghề ương cá từ khi mua con cá bột ngoài sông về mười con, chết năm con, chỉ ăn nhau cách đếm để bù lại. Thôi thì có bị mang tiếng là “láu cá”, cũng lờ đi. Có lẽ cái thời khoa học chăn thả con giống chưa hoàn hảo như bây giờ, nên tiếng “láu cá” còn vang mãi.
Đó là những câu chuyện về nghề ương cá bột của cái thời cách đây không lâu. Nó đã trở thành câu chuyện như thuở xưa, xa xôi chúng ta lắm lắm. Thôi hãy kể cái chuyện ngày xưa ấy, với những con người mang tiếng là “láu cá” ấy, vui với cây cỏ, trăng ngàn, trăng sông với những mùa cá bột thời mà mọi nguồn giống đều trông chờ vào thiên nhiên cung cấp.
Trong những năm gần đây sự nhân giống cá các loại của ngành thuỷ sản phát triển mạnh mẽ. Nhiều chủng loại cá được nhập nội và lai tạo có năng suất cao, đã mang lại cho nghề chăn thả cá thịt những nguồn lãi đáng kể. Nếu như trước đây người nuôi cá thịt trong ao hồ đều chỉ trông vào nguồn cá sông Hồng, với hai loại cá trôi và cá mè. Ngoài ra những loại cá có kích cỡ lớn như cá chép, cá trắm, nhưng chậm lớn cũng ít được chăn thả. Thì giờ đây, nghề nuôi cá đã có những giống lớn rất nhanh, có trọng lượng và kích cỡ rất to như mè hoa Trung Quốc, trắm cỏ, trôi Ấn Độ, trê Phi, trê lai… Không những cá được thả trong ao hồ, cá còn “lạc” ra những dòng sông. Người dân chài Hà Nội đã từng đánh bắt được những con mè hoa Trung Quốc 12-15kg, trắm cỏ trên dưới 10kg là chuyện thường.
Lẽ ra nhờ sự nhân giống những chủng loại cá mới, người nuôi thả không còn phải trông chờ vào nguồn cá giống tự nhiên, thì sông Hồng phải nhiều cá lên, tăng thêm nguồn cá thịt cho người Hà Nội. Trước đây, người Hà Nội đi xe qua cầu Long Biên, nhìn thấy những dãy lều, những dãy lò ương cá bột nằm rải rác như cảnh đi píc-níc trên bờ sông. Cùng với những cái lều ấy là những dãy vợt hứng cá bột dưới nước. Và cảnh sinh hoạt bên sông trong mùa cá bột như phần đầu bài đã nói thì giờ đây, bên bờ sông ấy, vẫn dòng nước chảy qua chút son đỏ của phù sa trong nước, cơn lũ đầu mùa, thật đáng buồn biết bao. Hai bên bờ dòng nước chảy siết ấy chỉ một màu cỏ bói, cỏ sậy chen nhau khoe cái màu xanh của lá, những bông trắng phớt như phất cờ của hoa. Những người làm nghề ương cá bột đi đâu? Có phải dòng sông phụ bạc với người? Con cá trôi, cá mè vẫn còn được coi là loài cá có sản lượng cao, nhanh lớn ở thượng nguồn kia không sinh đẻ nữa? Không! Không phải như vậy đâu bạn ạ. Những loài cá này vẫn vượt thác, vượt ghềnh. Con cá đực, cá cái vẫn quần tụ bên nhau, thả ra những bọc trứng cho nước mang về xuôi theo cơn lũ, nở ra những đàn cá bột để tự tồn tại giống nòi. Và ta có thể hỏi thêm: Phải chăng bây giờ con nguời đã có những giống cá nhân tạo, người ta bây giờ không còn nhờ vả dòng sông mang lại những nguồn cá tự nhiên nữa? Cũng không phải đâu bạn ạ.
Nguời dân chài lương thiện, người dân chài nhát gan đã bỏ nghề lên bờ đi làm những công việc khác. Người còn dăm ba vàng lưới, mấy vàng câu và những dụng cụ đồ nghề khác thở than rằng: “Thời buổi bây giờ kiếm con cá khó quá. Người ta đánh bắt bằng phương pháp hiện đại, cứ êm ru như dạo thuyền đi chơi trên sông”. Người đất bãi hàng năm kiếm con cá đầu mùa, theo nước tràn vào theo lòng trũng, những ngòi lạch, nhìn mấy kẻ lưng đeo ba-lô ắc-quy đang “chọc gậy xuống nước”, lắc đầu bảo nhau vác rập, vác nơm, vác vó về, ngả lưng xuống giường, kiếm giấc chiêm bao. Ngày mai bảo vợ con ra ruộng chảy quả cà, quả bí, để bữa ăn thêm “chất rau tươi”. Chuyện kiếm cá đầu mùa coi như cho qua vụ. Người có nghề ương cá bột, hạ thử một chiếc vợt xuống dòng sông. Nửa ngày nhai bánh mỳ chờ kết quả.
Thỉnh thoảng lại xuống sông, kéo phao gàu vào, lấy chiếc vợt nhỏ khoắng trong gàu, vớt lên. Mắt họ nhìn đăm đăm vào trong lòng vợt thở dài. Trong lòng vợt có cá bột trôi vào đấy, nhưng cá chết nhiều hơn cá sống. Thôi đành cuộn vợt, vác gàu về, bảo với vợ con đến trại cá giống của thuỷ sản, mua lấy dăm trăm con thả vào ao, cuối năm kiếm lấy vài tạ gạo bằng tiền lãi của ao nuôi cá thịt.
Ta thử đi tìm hiểu xem nguồn cá sông Hồng tại sao mà ít ỏi cạn kiệt đến như vậy. Vì đâu nên nỗi cá bột lại bị chết nhiều, gây nên sông trắng, nước trong để những người làm nghề ương cá, bắt cá lắc đầu thở dài, đi tìm nghề khác để kiếm sống? Xin mời bạn hãy tìm người dân chài hỏi xem họ sẽ kể rằng: Khi nước sông bắt đầu lên, chất nước mới từ thượng nguồn đổ về, các loài cá rủ nhau đi tìm những vùng đất mới ngập kiếm ăn. Ở những vùng bãi mới ngập ấy đầy những giun, dế và sâu bọ cùng hoa cỏ. Con cá vào bãi tha hồ mà no nê, rồi phởn chí tìm nhau tình tự, đẻ trứng.
Và lúc say nhau ấy, có những con người lưng đeo bình ắc-quy, có lắp kèm theo bộ kích điện. Bình ắc-quy chỉ 12 Vôn thôi, qua bộ kích điện sẽ có dòng điện cực mạnh lên đến nhiều trăm Vôn, tuỳ theo người dùng. Họ dùng hai cây sào dài khoảng hơn 2 mét, một cái sào lắp cái vợt bằng lưới sắt, một sào khác được gắn một cái cần ăng-ten bằng đồng. Hai đầu sào này được hàn vào dây điện có vỏ bọc, truyền vào hai cực của ắc-quy đã qua bộ kích điện. Khi họ khoắng hai đầu sào có vợt sắt và ăng-ten xuống nước thì cá ở trong vòng bán kính 4-5 mét đều nhao lên hết.
Cá to thì ngắc ngoải, họ đưa vợt bắt, cá nhỏ thì chết hẳn, bé quá chả bõ bèn nhặt làm gì. Còn cá bột mới nở chết trong nước, coi như không có gì.
Đó là cách đánh cá của người trên bờ. Còn người đánh cá dưới thuyền họ cũng dùng ắc-quy như trên, nhưng hai đầu dây âm và dương được thả ngầm dưới đáy thuyền, đầu thuyền căng một chiếc te to luôn luôn ghếch trên cao, dong thuyền xuôi nước hoặc vào nơi đầu ghềnh như dạo chơi. Người đằng lái chèo thuyền, người đứng đằng mũi thuyền quan sát nếu thấy cá nhao lên mới hạ te xúc lấy. Cả hai cách đánh cá này đều êm ru, lặng lẽ, khó ai có thể biết đó là nguời đi đánh cá, không như trước đây họ đánh cá bằng chất nổ. Nhưng sự diệt chủng thì không thua kém gì cách đánh bằng chất nổ.
Vâng, thưa bạn. Đó là nguyên nhân vì sao nguồn cá sông Hồng ngày càng ít đi. Nguồn tài nguyên về thực phẩm do thiên nhiên cung cấp mất dần, mất luôn cả bóng dáng những cô nàng gánh cá lắc lư đôi thúng sơn đen bên bờ sông trong những mùa cá bột của con lũ đầu mùa. Và những ông chài hiền lành như con cá chiên cá bống chỉ có cách bỏ nghề lên cạn kiếm ăn thôi. Cô gái hái dâu trong ca dao, không còn sợ gặp anh ấy ngồi câu bên kè đá, để phải khéo léo trả lời rằng: … “Bác mẹ em răn.Làm thân con gái chớ ăn trầu người…” Cái ngày xưa ấy nếu ta có lội xuống sông tắm thì lập tức có hàng đàn cá mương đến kì lưng, kì bụng như đùa với người. Bây giờ có ai đó tắm sông, hẳn sẽ ngẩn ngơ mà hỏi với dòng nước một câu ngớ ngẩn như trẻ thơ, rằng: Sông ơi! Bao giờ cho đến ngày… xưa?
© Thanh Hào
Điềm báo :Thế là sông cạn thế là bể dâu ?