Obama một ngày ở Ba Lan và những thỏa thuận
Tổng thống Barack Obama vừa kết thúc chuyến thăm 1 ngày tới Ba Lan, đó cũng là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Âu 1 tuần của ông. Đây là lần đầu tiên Obama tới Ba Lan. Thực ra, một năm trước, khi Tổng thống Ba Lan tử nạn vì tai nạn máy bay, Obama đã muốn tới dự tang lễ nhưng chuyến bay của ông cũng như của hầu hết các nguyên thủ quốc gia khác đã bị hủy bỏ khi không phận châu Âu phải đóng cửa gần hết vì bụi núi lửa.
Mối quan hệ đặc biệt giữa Ba Lan và Mỹ từ hơn 2 thập kỷ qua đã rơi vào một khoảng lặng trong mấy năm gần đây và người Ba Lan cảm giác rằng họ đã bị người đồng minh lâu năm bỏ rơi. Chuyến thăm của Obama vì thế mang một sứ mệnh đặc biệt.
Đáp xuống sân bay lúc 17h30′ chiều qua, 27/5/2011, sau những nghi lễ đón tiếp khá giản đơn và đặt hoa tại tượng đài Chiến sĩ Vô danh, Obama đã có bữa ăn tối với nguyên thủ quốc gia của 21 nước thuộc khu vực Trung và Đông Âu. Các vị khách VIP này đã có mặt ở Warsaw từ sáng thứ Sáu để cùng nhau bàn thảo về việc áp dụng những kinh nghiệm chuyển hóa dân chủ của Đông Âu cho khu vực các nước bắc Phi, nơi vừa thoát thai khỏi chế độ độc tài bằng các cuộc cách mạng Hoa Nhài.
Kế tiếp, ngày thứ Bẩy, Obama dành trọn thời gian còn lại cho cuộc hội đàm với tổng thống Ba Lan, sau đó là cuộc gặp gỡ với thủ tướng Donald Tusk và các chính trị gia Ba Lan. Có mặt trong cuộc gặp thân tình này là chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Ba Lan cùng hàng chục chính khách có tên tuổi với các khuynh hướng chính trị khác nhau. Người duy nhất vắng mặt, dù được mời, là cựu Tổng thống Lech Wałesa, ông đưa ra thông báo chiều qua vì lý do không muốn hủy bỏ một công việc đã được lên kế hoạch từ trước đó. Trước khi kết thúc chuyến thăm, ông đã gặp gia đình các nạn nhân của thảm họa Smolensk và ông nói sẽ quay lại Ba Lan vào năm 2013 khi khánh thành khu tưởng niệm người Do Thái.
Trong phát biểu của mình, Obama nói, ông luôn cảm thấy trong lòng một phần Ba Lan vì ông sinh sống tại Chicago nơi có đông đảo kiều dân Ba Lan. Ông cũng nói, Ba Lan là một trong những đồng minh gần gũi, thân cận nhất của Mỹ và ông tin rằng, hàng triệu người Mỹ cũng có cảm nhận như vậy. Obama nhấn mạnh rằng, sự phát triển về kinh tế và vững mạnh về quân sự của châu Âu là phù hợp với các lợi ích của Mỹ. Ông ngợi khen những thành tựu về kinh tế và dân chủ mà đất nước Ba Lan đã đạt được và cho rằng đó là một điển hình không chỉ với các nước trong khu vực mà với cả thế giới.
Mặc dù chỉ có mặt ở Ba Lan vỏn vẹn 22 giờ, song những thỏa thuận đôi bên đạt được, được giới bình luận ghi nhận là đáng kể:
Về kinh tế: Mùa thu này, 2 nước dự tính mở một cuộc hội thảo với sự tham dự của đại diện bộ Kinh tế và các cơ quan chính phủ đôi bên nhằm xem xét một số điều luật, thủ tục để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.
Hợp tác về năng lượng: Các quan chức chính phủ cấp cao của 2 nước trong thời gian ngắn tới đây sẽ có cuộc bàn thảo về hợp tác năng lượng, chủ yếu là phía Mỹ đầu tư vào khai thác khí đốt từ đá mà trữ lượng của nó được đánh giá là có thể đủ cho Ba Lan dùng trong vài trăm năm, thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường khí đốt của Nga.
Hợp tác quân sự: Mỹ sẽ giúp đào tạo phi công lái máy bay F-16 cho Ba Lan và sẽ xây dựng Ba Lan thành trạm trung chuyển và bến đáp cho các máy bay F-16 cũng như máy bay vận tải loại C-130 của Mỹ. Hai bộ trưởng Quốc phòng cũng đã ký một bản thỏa thuận để tạo điều kiện cho sự tiếp cận giữa các công ty sản xuất vũ khí ở 2 quốc gia.
Lá chắn tên lửa: Quyết định từ bỏ hệ thống này của Obama 2 năm trước đây đã ít nhiều làm sứt mẻ tình cảm của dân chúng Ba Lan đối với Mỹ và báo chí Ba Lan đã không tiếc lời đưa ra những bình luận gay gắt. Nay ông Obama cho biết, tới năm 2018 Mỹ sẽ xây dựng hệ thống “phòng chống tên lửa từ mặt đất“.
Xây dựng lực lượng đặc nhiệm: Lầu Năm Góc sẽ hỗ trợ xây dựng lực lượng đặc nhiệm của Ba Lan để tới năm 2014 Ba Lan có thể phối hợp hành động trong các chiến dịch của biệt kích Mỹ.
Mối quan tâm quốc tế chung: Từ những kinh nghiệm chuyển hóa của Ba Lan, hai nước quyết định thành lập một đoàn cố vấn và đội ngũ chuyên gia để giúp Tunesia xây dựng nền kinh tế thị trường và chuyển đổi dân chủ.
Đồng thời, Obama bày tỏ mong muốn Ba Lan hỗ trợ cho các biện pháp trừng phạt của EU đối với chế độ độc tài ở nước láng giềng Belarus (Bạch Nga). Mỹ cũng dự định cung cấp tài chính cho quỹ “Đoàn kết Quốc tế” của Ba Lan với mục đích cổ xúy cho sự hình thành xã hội dân sự ở Belarus. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Ba Lan để phát các chương trình bằng tiếng Belarus hướng vào lãnh thổ nước này.
Thị thực cho công dân Ba Lan: Sau khi chế độ cộng sản ở Ba Lan sụp đổ, chính quyền dân chủ non trẻ đã đơn phương miễn thị thực cho công dân Mỹ. Nhưng sau nhiều năm chờ đợi và dù đã là thành viên của Liên minh châu Âu, tham gia vào hiệp ước Schengen, công dân Ba Lan vẫn phải xin visa vào Mỹ. Ba Lan là một trong 3 nước cuối cùng còn sót lại ở EU (2 nước kia là Bungaria và Rumani) chưa được miễn thị thực.
Lần này, Obama nói ông sẽ ủng hộ một dự luật đã được đệ trình lên Quốc hội Mỹ từ tháng 3/2011 về việc bãi bỏ thị thực cho công dân của một số nước, trong đó có Ba Lan. Điều luật này quy định, bất cứ nước nào cũng có thể được miễn thị thực vào Mỹ nếu các công dân của nước đó sau khi sang Mỹ không có quá 3% ở lại sinh sống bất hợp pháp khi đã hết hạn visa.
Hợp tác chống khủng bố: Ba Lan và Mỹ đã hoàn thành việc đàm phán hiệp định về trao đổi thông tin phục vụ cho công tác chống khủng bố. Chi tiết của hiệp định hiện không được công bố.
Trao đổi học sinh và sinh viên: Hai bên đã thảo thuận một chương trình dài hạn nhằm trao đổi sinh viên và học sinh trung học giữa 2 nước.
Trong lịch sử quan hệ giữa 2 quốc gia, Barack Obama là Tổng thống thứ 7 của nước Mỹ đã tới thăm Ba Lan nhưng theo bình luận của giới truyền thông, sự đón tiếp dành cho ông dường như nồng hậu, ấm cúng nhất. Không quá rườm rà và cứng nhắc trong các nghi thức ngoại giao, người ta thấy một Obama với phong cách dung dị và cởi mở giữa bầu không khí thân tình của những người chủ nhà.
Đón nhận vị trí chủ tịch Liên minh Châu Âu trong năm nay và với những bước tiến mới trong quan hệ song phương Ba Lan- Mỹ, đất nước của Chopin (Sô- panh) một lần nữa có thể tự hào vì những kỳ tích mà mình đã đạt được sau những năm dài đen tối dưới ách cộng sản.
Bài viết sử dụng tư liệu từ Wyborcza và PAP.
© Đàn Chim Việt