WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Formosa và MCC[2]

Tiếp theo kỳ I

 
II. Nhận diện MCC

MCC là tên viết tắt của China Metallurgical Group Corporation (Công ty – Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc). Tên gốc của MCC là 中国冶金科工集团有限公司 [Trung Quốc dã kim khoa công tập đoàn hữu hạn công ty]. Ngay trong tên gọi của công ty, chúng ta đã thấy từ 集团 (tập đoàn, group). Nói cách khác, công ty MCC là một công ty “mẹ” (parent company), trong đó có nhiều công ty “con”(subsidiary companies). Nhưng trong số các công ty con này, nhiều công ty cũng có tên gọi bao hàm từ tập đoàn (group).   Vd: Công ty MCC5 có tên là MCC5 Group Corporation Limited (Shanghai). Chúng ta có thể hình dung cách hình thành các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu nhà nước tại Trung Quốc như sau : nhiều công ty họp thành “tập đoàn”, nhiều tập đoàn nhỏ họp thành tập đoàn lớn, và cứ thế …
Vài nét về MCC:

Theo dữ liệu tháng 8 năm 2009, Tập đoàn MCC là một tập đoàn lớn với tổng tài sản hơn 60 tỷ yuan (nhân dân tệ), tương đương 7,7 tỷ đô-la Mỹ (US$ 7.7 billion). Tập đoàn sử dụng 45 ngàn người có tay nghề và có tổng cộng 70 công ty con (sở hữu toàn phần hoặc sở hữu một phần). Từ năm 1999, tập đoàn tăng trưởng hàng năm trên 30% và đạt được doanh thu kỷ lục vào năm 2005, với con số 69,1 tỷ yuan, tương đương 8,8 tỷ đô-la Mỹ (US$ 8.8 billion). Ngoài các hoạt động trong nội địa, công ty còn mở rộng hoạt động ra hải ngoại – nhất là châu Á và châu Phi, và đã bắt đầu mở rộng qua phía châu Mỹ la-tinh và châu Đại dương.

Từ 2009 đến nay, tập đoàn phát triển khá nhanh. Năm 2015, theo đánh giá của tạp chí Fortune , trong số 500 công ty lớn nhất toàn cầu (Global 500), MCC được xếp hạng 326, với thu nhập 35,8 tỷ đô-la.

Hình 6: Logo của MCC: hàng trên là tên chính thức của tập đoàn, hàng dưới là tên “thị trường hóa”

Hình 6: Logo của MCC: hàng trên là tên chính thức của tập đoàn, hàng dưới là tên “thị trường hóa”

MCC là một tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước. Vì vậy nó hoàn toàn khác với các tập đoàn tư nhân ở Trung Quốc, và cũng khác với các “doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước” (state-owned enterprise) ở các nước “tư bản”. Để hoạt động với dáng dấp của một công ty tư bản, MCC cùng với Tập đoàn Bảo Cương (Baosteel Group Corporation, thường gọi tắt là Baosteel) đầu tư thành lập một công ty con lấy tên là Metallurgical Corporation of China Limited vào năm 2008. Công ty này được niêm yết trên hai thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong. Nhưng đó chỉ là cái vỏ bên ngoài. Trong thực tế, MCC vẫn là một công ty thuộc sở hữu Nhà nước và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của SASAC (State-owned Assets Supervision and Administration Commission, Ủy ban Giám sát và Quản trị các Tài sản Nhà nước) trực thuộc Quốc Vụ Viện (tức Chính phủ Trung Quốc).

Về tổ chức nội bộ, MCC chịu sự lãnh đạo của một Đảng bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc – đứng đầu là một Đảng ủy. Và đây là một danh sách tiêu biểu của Đảng ủy tập đoàn MCC (không ghi rõ thời điểm, có lẽ vào năm 2014 hoặc 2015) :

· Bí thư Đảng ủy : Quốc Văn Thanh (国文清 Guo Wenqing)

· Phó bí thư Đảng ủy: Trương Triệu Tường (张兆祥 Zhang Zhaoxiang)

· Phó bí thư Đảng ủy kiêm Thư ký Ủy ban Thanh Tra Kỷ luật: Đan Trung Lập (单忠立 Shan Zhongli)

· Các ủy viên Thường vụ Đảng ủy: (1) Vương Vĩnh Quang 王永光 WangYongguang (2) Lý Thế Ngọc 李世钰 Li Shiyu (3) Trương Mạnh Tinh 张孟星 Zhang Mengxing và (4) Tiêu Học Văn 肖学文 Xiao Xuewen

Vào đầu năm 2016, để đánh dấu “sự khởi đầu một giai đoạn lịch sử mới trong việc giáo dục đảng viên và cán bộ của Tập đoàn MCC”, MCC đã áp dụng “một biện pháp quan trọng nhằm thực hiện các yêu cầu của Trung ương Đảng về việc quản lý Đảng một cách toàn diện và chặt chẽ”, đó là : thành lập một Trường Đảng (Party School) dành riêng cho Tập đoàn MCC.

Như vậy, dưới lớp vỏ bọc của Tập đoàn Formosa – một doanh nghiệp tư nhân của Đài Loan, phía Trung Quốc (Trung Hoa Cộng sản) đã đưa vào Việt Nam một tập đoàn xây dựng luyện kim phục vụ cho các mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Có thể kể tên một số chi nhánh của Tập đoàn MCC tham gia xây dựng nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh: CISDI [CISDI Engineering Co., Ltd], CIE [Zhongye Changtian International Engineering Co., Ltd, Trung Dã Trường Thiên], ACRE [ACRE Coking & Refractory Engineering Technology Co., Ltd], MCC 19 [China 19th Metallurgical Corporation], MCC 5 [MCC5 Group Corporation Limited – Shanghai], MCC 20, Shanghai Baoye [Shanghai Baoye Group Corp., Ltd, Thượng Hải Bảo Dã].

Trong thực tế, MCC đã phân công một số dự án quan trọng nằm trong dự án tổng thể của Nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh cho các công ty con như sau:

- CISDI chịu trách nhiệm thiết kế và cung cấp các lò cao (blast furnaces) và các lò nung lại (reheating furnaces) cho Nhà máy Thép Tổng hợp Formosa Hà Tĩnh trên cơ sở EPC (thiết kế kỹ thuật, mua sắm thiết bị và lắp đặt-xây dựng). Việc xây dựng các lò cao và lò nung được giao cho Công ty China MCC 19, có trụ sở đặt tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Đây chính là đơn vị có mặt tại Vũng Áng lúc Trung Quốc điều động “giàn khoan Hải Dương 981” đến vùng biển Hoàng Sa của nước ta.

- Dự án Nung kết (sintering project) của nhà máy Thép Hà Tĩnh được giao cho công ty CIE (Trung Dã Trường Thiên) thiết kế và Shanghai MCC 5 chịu trách nhiệm lắp đặt và xây dựng. Shanghai MCC 5 đã lặng lẽ tổ chức lễ “động thổ” dự án này vào ngày 15/4/2013.

- Hai lò luyện coke (coke ovens) không phải “do một công ty Đài Loan trúng thầu” như ông Vương Văn Tường lừa dối báo chí Việt Nam mà trái lại, được giao cho công ty ACRE thực hiện việc thiết kế và cung cấp, còn việc lắp đặt, xây dựng được giao cho hai công ty MCC 5 và MCC 20 thi công.

Qua đó, chúng ta thấy vai trò chủ yếu trong việc thiết kế và xây dựng nhà máy thép thuộc về Tập đoàn MCC chứ không phải là những nhà thầu lẻ tẻ như báo chí thường trình bày.

Hiểu được bản chất của Tập đoàn MCC, chúng ta có thể dễ dàng giải đáp được câu hỏi: Tại sao hàng ngàn công nhân Trung Quốc có mặt tại Vũng Áng?

Báo chí chính thống của Việt Nam – luôn nằm dưới lưỡi kéo của Ban Tuyên giáo, thường gieo vào lòng người đọc cái cảm tưởng rằng công nhân Trung Quốc làm việc tại Vũng Áng là do Formosa hoặc do “các nhà thầu phụ” tuyển mộ. Thật ra, đại đa số công nhân Trung Quốc là do Tập đoàn MCC đưa sang với tư cách là “công dân Trung Quốc làm việc tại nước ngoài”. Đây mới là lực lượng lao động có tổ chức, có kỷ luật nhất.

Vào ngày 19 tháng 5 năm 2014, báo chí Trung Quốc đồng loạt đưa tin về cuộc “di tản” của các công nhân Trung Quốc trở về từ Vũng Áng, được miêu tả giống như một vụ “nạn kiều”. Hãy đọc thử các tiêu đề trên một số báo tiếng Anh tại Trung Hoa đại lục: “Thêm 4 ngàn kiều dân Trung Quốc sẽ di tản khỏi Việt Nam” (4,000 more Chinese nationals to be evacuated from Vietnam, China Daily), “Các nạn nhân của bạo lực Việt Nam trở về Trung Quốc” (Victims of Vietnam violence back in China, Shanghai Daily), “Trung Quốc tạm ngưng các kế hoạch trao đổi song phương với Việt Nam” (China suspends bilateral exchange plans with Vietnam, China Economic Net), v.v…

Điều nổi bật trên các trang báo này là các công nhân Trung Quốc làm việc tại Vũng Áng đều được gọi là kiều dân Trung Quốc (Chinese nationals), công dân Trung Quốc (Chinese citizens). Chính phủ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đích thân can thiệp vào vụ việc này. Trong các bản tin, Quốc Văn Thanh (Guo Wenqing) xuất hiện với tư cách Tổng giám đốc (President) của China Metallurgigal Croup Corporation – tức là Tập đoàn MCC. Ông ta công khai thừa nhận hàng ngàn công nhân Trung Quốc là người của Công ty MCC 19 – một công ty con của tập đoàn MCC. MCC 19 được gọi là một “nhà thầu” xây dựng nhà máy thép (a contractor for construction of the plant). Thực ra, MCC mới là nhà thầu chính, còn MCC 19 chỉ là một đơn vị trong kế hoạch “tổng thầu” đã ký kết giữa MCC và Formosa.

Trách nhiệm của MCC trong thảm họa “Cá chết hàng loạt” tháng 4 năm 2016”:

Vụ cá chết hàng loạt (mass fish death) tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên) đã thật sự trở thành một thảm họa môi trường đối với Việt Nam. Thế nhưng nhà cầm quyền Việt Nam cũng như báo chí chính thống dường như chỉ nhắc đến trách nhiệm của Formosa. Một số bài báo “xé rào” nhắc đến vai trò của MCC đã ngay lập tức bị gỡ bỏ.

Nhưng MCC có trách nhiệm gì đối với thảm họa cá chết?

(1) Trước hết, căn cứ vào hợp đồng EPC (Engineering, Procurement and Construction) theo phương thức chìa khóa trao tay (turnkey) mà Formosa đã ký với MCC, MCC chỉ hoàn thành trách nhiệm khi bàn giao nhà máy thép cho Formosa. Đó là chưa kể đến trách nhiệm của MCC trong việc giúp Formosa bảo trì, sửa chữa thiết bị sau khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động.

(2) Trong năm 2015, đã có hai cuộc gặp mặt quan trọng giữa Formosa và MCC:

- Ngày 23 và 24/4/2015, Chủ tịch MCC là Quốc Văn Thanh (国文清 Guo Wenping) đã viếng thăm Tập đoàn Formosa và gặp gỡ ba nhân vật quan trọng của tập đoàn này: Tổng giám đốc Vương Văn Uyên (William Wang) – Phó Tổng giám đốc Vương Thụy Hoa (Susan Wang) và Trần Nguyên Thành – chủ tịch của Công ty Thép Formosa Hà Tĩnh. Tại cuộc gặp mặt này, Quốc hứa sẽ bố trí một số nhân sự nòng cốt về kỹ thuật và xây dựng lưu lại Vũng Áng sau khi nhà máy đi vào hoạt động. MCC cũng sẽ chỉ thị cho Công ty Dịch vụ Kỹ thuật MCC Baosteel (MCC Baosteel Technology Services Co., Ltd) gửi các đội chuyên nghiệp giúp thành lập Công ty Dịch vụ MCC-FPG Thép Hà Tĩnh nhằm cung ứng các dịch vụ tiếp theo (follow-up services) như sản xuất, bảo trì, và phối hợp để bảo đảm cho nhà máy thép vận hành thông suốt.

Hình 7: Vương Văn Uyên – Formosa (trái) hội đàm với Quốc Văn Thanh – MCC (phải) / tháng 4-2015

Hình 7: Vương Văn Uyên – Formosa (trái) hội đàm với Quốc Văn Thanh – MCC (phải) / tháng 4-2015

Hình 8: Quốc Văn Thanh – MCC (trái) và Vương Thụy Hoa – Formosa (phải) / tháng 4 năm 2015

Hình 8: Quốc Văn Thanh – MCC (trái) và Vương Thụy Hoa – Formosa (phải) / tháng 4 năm 2015

 

- Sáng ngày 19/8/2015 (ba tháng sau ngày Quốc Văn Thanh đến thăm tập đoàn Formosa), Trần Nguyên Thành (陳源成 Chen Yuancheng) đã dẫn một phái đoàn của Formosa Hà Tĩnh đến Bắc Kinh để gặp gỡ Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy của MCC là Quốc Văn Thanh. Tại cuộc họp này Quốc Văn Thanh hứa MCC sẽ tập trung các đội ngũ tốt nhất và các lợi thế mạnh nhất để cố gắng hoàn thành dự án Formosa Hà Tĩnh như đã dự kiến, tiếp tục tối ưu hóa bản thiết kế và xây dựng của nhà máy nhằm biến Formosa Hà Tĩnh thành một xí nghiệp thép quốc tế hàng đầu và là chuẩn mực của nền công nghiệp thép thế giới. Về phía Formosa, Trần Nguyên Thành trình bày tóm tắt về tình hình hiện tại của dự án Thép Hà Tĩnh tại Việt Nam và bày tỏ hy vọng rằng MCC sẽ tập trung lực lượng lao động, máy móc để nhà máy có thể đi vào hoạt động vào tháng 3 năm tới (2016) và làm cho nó trở thành một dự án mẫu mực về xây dựng và vận hành nhà máy thép ở Đông Nam Á hoặc cả trên phạm vi toàn cầu.

Như vậy, nội dung của hai cuộc họp nói trên đều phù hợp với hợp đồng EPC theo phương thức chìa khóa trao tay. Nói cách khác, trách nhiệm của MCC là phải giúp nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động và bảo đảm các dịch vụ tiếp theo (follow-up services) như “sản xuất, bảo trì, và phối hợp nhằm bảo đảm nhà máy thép vận hành thông suốt”.

(3) Trong “lá thư của Trần Nguyên Thành gửi toàn thể cán bộ nhân viên công ty FHS” ngày 30/6/2016, có đoạn viết: “Đối với hiện tượng cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung vừa qua, theo kết quả điều tra của Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ tài nguyên và Môi trường chủ trì, nhận định rằng công ty trong giai đoạn vận hành thử, do những sai sót của các nhà thầu phụ gây ra cá chết. Mặc dù đây là một kết quả mà tất cả chúng ta đều không mong muốn, nhưng Công ty tôn trọng kết quả điều tra của Chính phủ”.

“Các nhà thầu phụ” mà ông Trần nói đến là những nhà thầu nào nếu không phải là các công ty con của MCC? Và như ông Trần đã nói, hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra “trong giai đoạn vận hành thử”, thì theo đúng phương thức EPC, “chìa khóa trao tay” (turnkey), trách nhiệm thuộc về cả MCC lẫn Formosa chứ không phải chỉ thuộc về một mình Formosa.

Nói tóm lại, cho đến tháng 4 năm 2016, MCC vẫn chưa bàn giao toàn bộ Nhà máy thép Hà Tĩnh cho Formosa. “Nghi phạm” của vụ cá chết hàng loạt bao gồm cả Formosa và MCC, chứ không chỉ có một mình Formosa. Việc Chính phủ Việt Nam vội vàng quy kết cho Formosa, vội vàng tuyên bố “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại”, nhanh chóng tha thứ cho Formosa và quyết định nhận tiền bồi thường 500 triệu đô-la phải chăng là để che đậy phần trách nhiệm của MCC? Bởi vì nếu nói đến trách nhiệm của MCC thì không thể không nói đến “trách nhiệm của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam trong việc cho phép MCC trở thành nhà thầu chính của Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh”.

Theo nguồn tin của báo chí chính thống, hiện tượng “cá chết hàng loạt” tại các tỉnh miền Trung bắt đầu xuất hiện trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến ngày 10/4/2016. Vào ngày 22/4/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “đến thăm, thị sát tình hình sản xuất, tiến độ thi công một số công trình, dự án trọng điểm” – trong đó có “Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh”. Điều làm mọi người dân ngạc nhiên và thắc mắc là ông Tổng bí thư đã làm ngơ, không hề nhắc gì đến sự cố về sau được đánh giá là “thảm họa môi trường” lớn nhất trong lịch sử nước ta. Điều gì khiến cho ông Nguyễn Phú Trọng phải bối rối, kéo theo sự lúng túng của cả bộ máy Chính phủ lẫn bộ máy Đảng nếu không phải là “trách nhiệm của nhà thầu MCC” trong vụ xả thải làm cá chết hàng loạt?

Cho đến nay, hồ sơ về vụ “cá chết hàng loạt” vẫn chưa được công bố rộng rãi, khiến cho ngay cả các nhà khoa học cũng không thể xác định nguyên nhân và phạm vi ô nhiễm một cách chính xác, mà chỉ có thể tranh cãi với nhau dựa trên sự suy đoán. Ngay cả Quốc hội – một Quốc hội của Đảng do “đảng cử, dân bầu”, cũng không được phép thảo luận, chất vấn công khai. Cho nên khi người dân mất lòng tin vào các biện pháp xử lý của các cơ quan có thẩm quyền thì đó là do cách hành xử của của Đảng CS và Chính phủ, chứ không phải do sự tuyên truyền của “các phần tử xấu” hay “các thế lực thù địch” nào cả.

Điều làm cả thế giới ngạc nhiên là khi bà Tô Trị Phần (Su Chih-fen) – nghị sĩ thuộc Đảng Dân Tiến (DPP), từ Đài Loan sang khảo sát tình hình với tinh thần thiện chí, thì bà lại bị gây khó khăn vì những lý do rất khó hiểu. Trong cuộc họp báo tại Đài Bắc ngày 4/8/2016 vừa qua, bà cho biết ngay cả sau chuyến đi thăm Hà Tĩnh, nhóm của bà cũng không hiểu thêm được điều gì về sự cố ô nhiễm môi trường ngoài những gì mà các cơ quan truyền thông đã tường thuật. Mặt khác, bà nghi ngờ tính minh bạch của cuộc điều tra do chính phủ Việt Nam tiến hành. Bà Tô nói: “Chúng tôi không đạt được một kết luận dứt khoát về sự cố ô nhiễm”và : “Chính phủ Việt Nam buộc phải công khai hóa cuộc điều tra của họ.”

Như tôi đã giới thiệu qua bài viết “Bà nghị sĩ và Tập đoàn Formosa”, trong số các chính trị gia Đài Loan, bà Tô Trị Phần là người đấu tranh với Formosa kiên quyết nhất. Từ chối hợp tác với bà chẳng khác nào tự thú nhận “Chúng tôi là người bao che cho tập đoàn Formosa”!

Kỳ sau (tiếp theo và hết): Ý nghĩa của sự hợp tác giữa Formosa và MCC.

(Tác giả gửi đăng)

Phản hồi