WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

“Không vì dân, mọi chính thể sẽ thất bại”

Giờ phút giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thì ngày hôm nay được xem là dấu mốc chuyển giao một chặng đường mới của dân tộc, ngày đặc biệt mà toàn dân tộc đã chờ đợi suốt một nghìn năm nay.

Dâng hiến là con đường để Việt Nam cất cánh

Độc giả Trần Kinh Nghị, cán bộ hưu trí Hà Nội: Ai cũng có thể nhận ra rằng với thời gian hơn nửa thế kỷ qua, dân tộc đã làm nên một sự tích ngàn năm có

Chỉ khi nào chúng ta thực sự hiến dâng trí tuệ, sự sáng tạo, khát vọng, ý chí, tình yêu….cho một người bên cạnh thì chúng ta mới có thể bay lên. Ảnh: Lê Anh Dũng

một, đó là giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi ách thống trị của ngoại bang; nhưng có lẽ hơi khó để thừa nhận rằng tại thời điểm bản lề này đất nước đang bị “tắc nghẽn” , biểu hiện là đã “để trượt” hết cơ hội này đến cơ hội khác trong quá trình mưu tim phát triển, giàu mạnh , tự do và hạnh phúc. Công bằng mà nói dù chúng ta có tốc độ phát triển nhanh hơn một số nước, nhưng về tổng thể vẫn đang tụt hậu so với mặt bằng chung của nhân loại.

Câu hỏi đặt ra là, điều gì đã ngăn bước chúng ta?; chính chúng ta hay là kẻ thù bên ngoài? hay là cả hai? Như một quy luật, chỉ khi nào nhìn thấy nguyên nhân mới có thể bắt đầu nói đến “khắc phục” như thế nào.

Việt Long: Câu hỏi của ông Trần Kinh Nghị cũng là câu hỏi của mọi người Việt Nam. Câu hỏi ấy đã vang lên từ khi dân tộc chúng ta kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Đến bây giờ câu hỏi ấy lại vang lên cấp thiết hơn bao giờ hết. Lịch sử chứng minh rằng: dân tộc Việt Nam chưa từng bị kẻ thù bên ngoài khuất phục. Đặc biệt hơn trong những năm tháng này, dân tộc chúng ta có những cơ hội tốt nhất từ trước đến nay để bay lên. Nhưng cơ hội chỉ là một thứ vô giá trị khi chúng ta không nhận ra cơ hội ấy và không biết nắm lấy cơ hội đó.

Đức Phật đã dạy: kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình. Khi trước mắt chúng ta là ngoại xâm thì chúng ta nhận ra kẻ thù của dân tộc. Nhưng khi hòa bình rồi thì kẻ thù không đứng trước chúng ta với vũ khí lăm lăm trong tay mà ở trong chính con người chúng ta. Đó là sự ích kỷ, là thói vô cảm, là thói ngạo mạn, là thói tham lam, là sống không khát vọng, là sống không học hỏi, là sống không dâng hiến… Chính những điều đó sẽ biến chúng ta thành nô lệ của những dục vọng thấp hèn của chính mình. Và chúng ta thất bại và chỉ có thất bại.

Chúng ta chỉ liếc sang một số nước trong khu vực là chúng ta nhận ra những điều kỳ diệu. Đó là sự kỳ diệu của nước Nhật sau những hoang tàn của chiến tranh, là sự kỳ diệu của Malaysia sau những rối loạn, là sự kỳ diệu của Hàn Quốc sau những máu chảy… Còn chúng ta lại chưa làm được điều đó dù cho dân tộc chúng ta có một nền tảng văn hóa lâu đời và có một nhân cách làm người lớn lao qua những chặng đường lịch sử.

Và bây giờ, câu hỏi chúng ta cất lên có thể nói là lần hỏi cuối cùng. Chúng ta không còn cơ hội để đặt mãi câu hỏi ấy. Sự cách biệt và tụt hậu của dân tộc chúng ta so với nhân loại sau mỗi một ngày thức dậy lại tăng lên theo cấp số nhân. Nếu chúng ta không nhận ra điều đó và không thấy sợ hãi thì chúng ta không phải đi về tương lai mà là đang chìm vào quá khứ.

Bạn Lê Ngọc Hà – Thành phố Hồ Chí Minh: Hôm nay là ngày trọng đại của đất nước. Dù không được tận hưởng không khí của thủ đô trong những ngày này, chỉ theo dõi qua báo chí nhưng tôi cảm nhận được sự đặc biệt của ngày hôm nay, trong lòng rạo rực và bâng khuâng như ngày 30 tết. Bởi nó có một nét chung cảm nhận là sự chuyển giao đất trời giữa năm cũ và năm mới. Còn hôm nay, là sự chuyển giao một chặng đường của dân tộc. Dân tộc đang cất cánh lên một tầm cao mới. Vậy chúng ta đã chọn đường băng nào cho dân tộc lấy đà cất cánh khi mà đất nước còn nhiều ngổn ngang về giáo dục, văn hóa, kinh tế…?

Việt Long: Sự dâng hiến. Đó chính là đường băng để chúng ta cất cánh. Cá nhân tôi nghĩ vậy. Sự dâng hiến luôn luôn là điều kỳ diệu nhất để mở ra những năng lực lớn lao cho mọi hành động. Trong sự dâng hiến chứa đựng tình yêu thương, sự khát vọng, ý chí hành động, trách nhiệm và một cõi lòng trong sáng. Những gì mà con người Việt Nam đã có từ lịch sử, từ văn hóa, từ nhân cách làm người đều ngang bằng với mọi dân tộc phát triển nhất trên thế giới hiện nay. Nhưng sự hiến dâng của mỗi con người Việt Nam ở mỗi công việc và ở mỗi nơi đang sống đang vang lên những hồi chuông báo động. Khi chúng ta không biết hiến dâng cho một người bên cạnh hay nói rộng lớn hơn cho cộng đồng của mình thì chính chúng ta đã hoang hóa trí tuệ và nhân cách của chúng ta.

Độc giả Trần Minh, sinh viên ở Huế: Nghìn năm Thăng Long, thời điểm đất trời giao thoa với lòng người. Có ý kiến cho rằng “Tâm người có yên thì mới làm được việc tốt”. Nhưng sống giữa xã hội hôm nay, xã hội đầy biến động, xã hội bị xâm lăng văn hóa, xã hội đang dấy lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức thì tâm không thể yên đuợc. Mà tâm không yên thì lòng người cũng dễ bị xáo động. Nhà báo Việt Long có suy nghĩ gì về ý kiến này?

Việt Long: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên. Có thể nói đó là chân lý. Tôi không bàn thêm một câu nào về ý kiến đó. Nhưng tôi muốn nói rằng: đói khát và máu chảy không phải là là nguyên nhân đầu tiên làm cho tâm loạn. Tâm loạn bởi đánh mất niềm tin.

Dân tộc chúng ta đã đi qua biết bao nhiêu năm đói khát với kiếp làm nô lệ, đi qua bao máu chảy trong những cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhưng lịch sử dân tộc minh chứng rằng: con người Việt Nam không rối loạn tâm trí mình trong những năm tháng cam go như thế. Nhưng chính trong thời bình này, chính trong lúc đời sống vật chất nhiều hơn này… thì chúng ta lại đang lo lắng và đôi khi sợ hãi về chữ Tâm. Và Tâm chính là gốc của mọi hành động.

Vì dân là lẽ sinh tồn của một chính thể

Bạn Dương Minh Hùng với địa chỉ email dmhung1980@…tâm tư: Dân tộc Việt Nam có thể nói hội tụ đủ các yếu tố để trở thành đất nước giàu mạnh. Tuy nhiên, từ xưa đến nay chúng ta vẫn chưa một lần đạt đến điều đó. Trong lịch sử chúng ta có rất nhiều cơ hội để bứt phá nhưng do những lý do khách quan và chủ quan lại không thực hiện được. Hôm nay nhân dịp đại lễ 1000 Thăng Long – Hà Nội, đất nước ta đang đứng trước cơ hội để bứt phá?

Đại hội lần thứ 11 của Đảng sắp diễn ra, tôi mong rằng ĐH sẽ lắng nghe ý kiến của nhân dân, xây dựng nghị quyết hợp với lòng dân, hợp với quy luật phát triển, không bảo thủ, không định kiến với những ý kiến trái chiều, không đưa vào nghị quyết những khái niệm mù mờ mà chính những người soạn ra nó cũng không hiểu. Hãy vì đại cuộc của dân tộc, dũng cảm vứt bỏ những cái trì trệ, bảo thủ. Mong ĐH tìm ra được những người lãnh đạo có tâm có tầm chèo lái con thuyền Việt Nam cập bến vinh quang.

Việt Long: Đại thi hào Nguyễn Trãi viết về đạo làm Vua là để “hang cùng ngõ hẻm không còn tiếng khóc than”. Mọi chính thể phải vì dân, nếu không vì dân thì không một chính thể nào có cơ tồn tại và thất bại là con đường tất yếu. Chiến lược về con người của Đảng và Nhà nước cho chúng ta thấy rõ “đạo làm Vua”. Tôi nghĩ các lãnh đạo của đất nước đã và đang thực hiện “đạo làm Vua” đó.

Đại hội 11 của Đảng chỉ có thể minh chứng cái “đạo làm Vua” bằng cách tìm ra được những con người mang trong lòng chủ nghĩa nhân văn cao cả và một trí tuệ sâu sắc. Thiếu một trong hai yếu tố đó, chúng ta sẽ lại nhìn thấy tương lai của đất nước mờ nhạt ở đường chân trời mà thôi.

Phải biết hiến dâng

Độc giả Thùy Dương ở tỉnh Cần Thơ: Tôi vừa nghe ca khúc “Bay lên Việt Nam” trong bài viết của quý báo sáng nay. Bài hát rất khí thế và mạnh mẽ thể hiện khát vọng bay lên của người Việt Nam. Bài viết của tác giả Minh Luận về bài phát biểu của bác Phạm Quang Nghị về bản thông điệp làm người, khát vọng sống của con người cũng như vậy. Thưa nhà báo, vậy tại sao hôm nay dân tộc có khát vọng bay lên mà vẫn chưa bay được?

Việt Long: Thưa bạn đọc Thùy Dương, một nhà thơ viết: “Ánh sáng bắt đầu từ nơi ta đứng dậy và bước đi trong bóng tối”. Dân tộc chúng ta hơn bao giờ hết mang khát vọng bay lên như lúc này. Đấy chính là nền tảng cho sự cất cánh của chúng ta. Tôi rất tin vào điều đó.

Nhưng hiện thực lại cho thấy: đất nước chúng chưa thực sự bay lên. Vì sao vậy? Tôi xin lấy điều tôi nói với bạn đọc Trần Minh để nói về nguyên nhân chính. Đó là sự hiến dâng. Chỉ khi nào chúng ta thực sự hiến dâng trí tuệ, sự sáng tạo, khát vọng, ý chí, tình yêu… cho một người bên cạnh thì chúng ta mới có thể bay lên.

Bạn đọc Đỗ Viết Bình – Đà Nẵng: Thưa nhà báo Việt Long, sáng nay khi theo dõi lễ mit tinh kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, tôi cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào. Đặc biệt là khi nghe phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định truyền thống văn hiến nghìn năm của cha ông phải là điểm tựa của dân tộc hôm nay. Chủ tịch nước nói truyền thống đó là khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm, là tinh thần độc lập dân tộc, không bao giờ khuất phục trước cường quyền bạo lực. Nhà báo Việt Long nghĩ gì về thông điệp này? Theo anh, chúng ta đang gặp những thách thức nào để gìn giữ và phát huy truyền thống đó, nhất là khi cường quyền và bạo lực không phải dễ nhận thấy trong thời đại hôm nay?

Việt Long: Đó là một thông điệp mạnh mẽ và sâu sắc. Bạn Đỗ Viết Bình đã nhận ra một trong những ý nghĩa sâu sắc của thông điệp này. Tôi đã đề cập trong những phần trên về kẻ thù của chúng ta trong lúc này. Cường quyền, bạo lực là một trong những kẻ thù giấu mặt và đôi khi giấu trong một gương mặt mỹ miều.

Truyền thống văn hiến ngìn năm của chúng ta là một truyền thống của chủ nghĩa nhân văn cao cả và tinh thần độc lập tự do. Nhân văn là đạo làm người cao nhất và độc lập tự do là những điều kiện duy nhất để con người thực thi chủ nghĩa nhân văn ấy một cách thực sự và có ý nghĩa. Khi một con người bị tước đi tự do độc lập thì con người đó không thể thực thi chủ nghĩa nhân văn một cách thực sự.

Chúng ta đều hiểu rằng: cường quyền bạo lực là cái Ác. Chủ nghĩa nhân văn là chống lại cái ác và mang lại những điều tốt đẹp cho con người. Cái Ác này vừa ở bên ngoài chúng ta và vừa ở bên trong chúng ta. Cường quyền bạo lực có thể đến từ một thế lực bên ngoài biên giới của đất nước chúng ta và có thể đến từ chính gia đình nhỏ chúng ta. Cường quyền cũng đến từ thói vô cảm và sự áp đặt phi nhân tính của một con người đối với một con người, từ một nhóm ngườicó quyền lợi đối với một cộng đồng.

Bản thông điệp này gửi cho tất cả các thế lực trên thế giới và gửi tới mọi con người hay mọi nhóm người trên chính xứ sở chúng ta. Nó không phải là bản thông điệp của một ngày, không phải bản thông điệp của một Đại lễ, nó là một bản thông điệp ngìn đời nay của dân tộc Việt Nam và hôm nay là ngày chúng ta chuyển tiếp cho tương lai.

Người Hà Nội cần có ý thức về giấc mơ Thăng Long

Bạn Hoài Hương địa chỉ email hoaivan612@…….:Chỉ còn vài giờ nữa , sau lễ bế mạc tại Sân vận động Mỹ-Đình tối nay, là kết thúc 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội với 10 năm chuẩn bị kể từ tháng 10.2000. Và tất cả những gì đã và đang được thể hiện qua Đại lễ, vẫn không thể cảm nhận được đâu là tinh hoa văn hóa của Thăng Long- Hà Nội theo chiều sâu, để tất cả những ai dù không phải người Hà Nội vẫn nhìn ra được những gì thuộc về Hà Nội. Phải chăng đó là một đòi hỏi quá xưa cũ không thích hợp? Hay vì Hà Nội hôm nay đã bị pha trộn quá nhiều luồng văn hóa nên không còn giữ lại nét riêng của Hà Nội 1000 năm trước?

Việt Long: Bạn Hoài Hương đặt câu hỏi vừa đầy trách nhiệm và cũng vô cùng khắt khe.

Tôi cũng phải thừa nhận rằng: Hà Nội đã và đang đánh mất đi nhiều vẻ đẹp hào hoa, thanh lịch xa xưa. Tất nhiên, sự hiển lộ những nét hào hoa, thanh lịch của Hà Nội xưa được thể hiện trong những hình thái hiện đại. Nếu chúng ta có dịp sống trong lòng Hà Nội trong suốt 10 ngày nay, chúng ta sẽ nhận thấy còn nhiều vẻ đẹp của mảnh đất ngàn năm văn hiến chứa đựng trong những di sản sống đang hiển hiện quanh chúng ta – đó là những con người sống, làm việc và sáng tạo trên mảnh đất văn hiến này.

Nhưng dù sao, sự lo lắng và lời cảnh báo của bạn Hoài Hương là đúng và vô cùng cần thiết.

Độc giả Nghiêm Minh Châu – email Cnghiem016@…: Con số 1000 năm đã nói lên rất nhiều điều cho thế hệ người Hà Nội – Thăng Long nói riêng và người Việt Nam nói chung. Với tôi, một công dân Việt Nam, có cội nguồn ông cha là Hà Nội xưa nhưng cũng rất nhiều suy tư về Thăng Long bởi vì tôi rất có tình cảm với Thăng Long- Hà Nội. Tôi tâm niệm 1 điều: Đã qua những 1000 năm, ta đã đủ tự tin để đủ sức mạnh mà bay lên như Rồng mà từ thưở Lý Công Uẩn dám mơ ước chưa? Vậy sẽ còn phải bao nhiêu năm nữa? Nếu chỉ lấy đúng vị trí mảnh đất thiêng ông cha ta để lại mà bay cao bay lên cao chín tầng mây chắc sẽ tự tin hơn. Con người Hà Nội cần có ý thức về giấc mơ Thăng Long, mọi người dân Việt cần giúp Hà Nội thực hiện giấc mơ cao siêu đó?

Việt Long: Xin cám ơn bạn Nghiêm Minh Châu khi bạn nói: Con người Hà Nội cần có ý thức về giấc mơ Thăng Long. Tất cả là vậy. Tất cả mọi sự kỳ diệu trong cuộc sống đều nằm trong ý thức về giấc mơ. Khi chúng ta không mang trong mình giấc mơ thì chúng ta sẽ không bao giờ đi xa thêm một gang tay về phía tương lai của chúng ta cho dù chúng ta vẫn nghĩ rằng chúng ta đang bước về phía ấy.

Người xưa nói: con chim bay trên trời nhưng cái bóng của nó nằm trên mặt đất, còn con người đứng trên mặt đất mà tinh thần ở tận trời xanh. Đó chí là tiêu chuẩn duy nhất để xác lập giá trị của con người.

Hà Nội chỉ là một đơn vị hành chính như mọi đơn vị hành chính khác, nhưng Hà Nội được chọn làm biểu tượng của văn hiến của dân tộc Việt Nam. Sự bay lên ấy là sự bay lên của cả dân tộc, nền văn hiến ấy là nền văn hiến của cả dân tộc. Giấc mơ mà những công dân Hà Nội là giấc mơ của dân tộc.

Bạn Nguyễn Trấn Thành – email thtran.nguyen@…chia sẻ niềm vui: Chúc mừng Hà Nội 1000 tuổi. Tuổi trẻ chúng tôi thấy rất tự hào về lịch sử, về cha ông nhưng cũng không mấy vui vẻ khi xung quanh có quá nhiều yếu kém, bất cập mà không làm gì được. Đâu phải người VN không giỏi, không có cách giải quyết,vẫn có một cái gì đó ngăn không cho tập hợp được sức mạnh của cả dân tộc. Tôi là một sinh viên ĐH Bách Khoa tp HCM, tôi muốn hỏi về cơ chế tương tác ‘qua lại’ giữa sinh viên-nhà trường-hội đồng khoa học-giảng viên để việc đào tạo, đánh giá hiệu quả, công bằng, thiết thực. Đặc biệt là được tự do trao đổi, sáng tạo, góp ý. Chúc tuần VIệt Nam ngày càng có nhiều bài phân tích hay!

Việt Long : Bạn đang nói về những chi tiết trong một tổng thể của một cộng đồng. Điều bạn nói thuộc về vấn đề dân chủ trong xã hội chúng ta. Khi những gia đình nhỏ bé đánh mất tình thương yêu con người thì dân tộc đó đánh mất tình thương yêu con người, khi sự mất công bằng hay mất dân chủ ở từng cơ sở thì cả đất nước không có công bằng và dân chủ. Bởi vậy, chiến lược về một xã hội công bằng và dân chủ của Đảng và Nhà nước là một chiến lược vĩnh hằng cho mọi xã hội con người.

Nhưng chiến lược ấy phải được các cấp lãnh đạo thấu hiểu và có ý thức hành động. Điều bạn nói chính là điều xã hội đã và đang lên tiếng và tranh đấu.

Trong những gương mặt của con người ngày hôm nay, chúng ta thấy ở đó một niềm tự hào, một khát vọng và một ý thức. Chúng ta sẽ bay lên. Một dân tộc như dân tộc Việt Nam mà lịch sử đã minh chứng không thể là một dân tộc yếu hèn và nhu nhược. Dân tộc ấy sẽ bay lên. Chính những câu hỏi và sự bày tỏ của bạn đọc hôm nay cho chúng ta nghe thấy tiếng đập cánh đầy mạnh mẽ và khao khát của toàn dân tộc mình.

Một nền giáo dục biết nâng con người và mở rộng bước chân

Bạn đọc Mai Văn Tuệ – Email  tue.vielina@…: Tôi đồng ý rằng nếu mỗi người trong chúng ta đều lấy cách sống dâng hiến (cho tha nhân, cho cộng đồng, xã hội) làm hạnh phúc của mình thì khi đó với trí tuệ và lòng yêu nước, dân tộc VN sẽ cất cánh. Nhưng cũng chính nhà báo chỉ ra rằng kẻ thù lớn nhất của mỗi người chúng ta, “Đó là sự ích kỷ, là thói vô cảm, là thói ngạo mạn, là thói tham lam, là sống không khát vọng, là sống không học hỏi, là sống không dâng hiến…”lại có vẻ đang ngự trị trong xã hội ta đến nỗi lối sống đó gần như đã được coi là sự bình thường mà ở đó, lối sống dâng hiến bị “lép vế”, vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để chúng ta có được “đường băng” dâng hiến đó, và chúng ta phải làm gì để có được điều đó?

Việt Long: Khi ai đó hỏi làm sao để cánh đồng kia có được mùa bội thu thì tôi sẽ trả lời: cần có những cây lúa tốt. Vậy làm sao có được những cây lúa tốt, lại trả lời  cần có giống tốt… Và cứ thế chúng ta đi ngược lại để tìm ra nền tảng làm lên mùa bội thu kia.

Cũng như vậy, bạn hỏi tôi làm sao để có sự dâng hiến cao cả của một con người cho cộng đồng của anh ta? Tôi trả lời: cần có những con người nhân văn và trí tuệ. Vậy làm thế nào để có những con người như thế? Tôi lại trả lời: cần có một nền giáo dục nhân văn và trí tuệ. Nền giáo dục ấy được trải ra mọi nơi để đón nâng những con người và mở rộng bước chân họ. Nền giáo dục ấy được hiển hiện trong gia đình, nhà trường và trong xã hội.

Chúng ta hãy bắt đầu đường băng từ bậc cửa mỗi ngôi nhà, từ chiếc ghế của mỗi lớp học và từ mỗi gương mặt người trên đường phố và trên những cánh đồng của xứ sở chúng ta.

Độc giả Nguyễn Phương Tiến Anh – email lnptanh@…: Hòa cùng hào khí đất nước trong ngày lễ trọng đại mà trước thềm là Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc năm 2011. Chúng ta đã nói quá nhiều về các vấn nạn đang là trở lực ngăn cản sự phát triển của đất nước “thế rồng”; đặc biệt là vấn nạn tham nhũng, hủ bại trong một bộ phận cán bộ trong Đảng, các vướng mắc thủ tục hành chính, sự phát triển và gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa…. Xin hỏi Việt Long liệu chúng ta sẽ có một lộ trình chắc chắn và thời gian sớm nhất để loại bỏ các trở vật trên “đường bay của rồng” không?

Việt Long: Nếu bạn nhìn lại cách đây 10 năm, rồi cách đây 5 năm,bạn sẽ thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng của mọi tầng lớp quản lý xã hội và người dân càng ngày càng mạnh mẽ và cụ thể. Để chống tham nhũng và các vấn đề khách không chỉ có trái tim nhiệt huyết mà phải có trí tuệ. Trí tuệ ở đây là tính khoa học và luật pháp trong mọi hành động của chúng ta.

Khi dân trí càng cao thì ý thức về xã hội và cách thức tiến hành các các hành động làm trong sạch xã hội sẽ càng có hiệu quả hơn. Trong khi đó, hiện thực về một xã hội ngày càng dân chủ hơn, dân trí ngày càng cao hơn, tính hiệu quả của pháp luật ngày càng được thừa nhận hơn thì chúng ta tin sẽ làm được những điều chúng ta khát vọng.

Và tôi vẫn phải nói rằng: khát vọng bay lên là tiền đề cho mọi hành động tiếp theo của chúng ta. Khi chúng ta không dám và không biết cách đi qua một cái hố nhỏ thì không bao giờ chúng ta có khả năng đi qua từ được những vực sâu. Nhà thơ Ko Un, ứng cử viên sáng giá giải Nobel văn học 2010 có bài thơ :

Sự ra đi để trở thành nhà sư/ Nhưng sự trở về mới là con đường trở thành Đức Phật/ Nhưng người không thể trở về nếu không dám ra đi.

Chúng ta hãy bắt đầu từ những bước đi đầu tiên. Và tôi muôn nhắc lại một ý mà tôi đã nói: chính những dày vò, lo lắng và đôi khi cả sợ hãi của chúng ta là những bước đi đầu tiên đến bến bờ của những gì tốt đẹp. Vì khi bạn không dày vò…bạn không có lương tâm và ý thức về những gì bạn đang dày vò.

Một câu hỏi cuối cùng của độc giả Phạm Văn Bình – email Pcbinhks@….:Dân tộc ta là dân tộc điển hình về truyền thống dâng hiến. Việt Long cần đánh giá đúng. Khái niệm cất cánh chúng ta nói lâu rồi nhưng không cất lên được, tôi nghĩ chúng ta không nên lạm dụng khái niệm này. Phải chăng chúng ta chưa có nhân tài? Tôi thấy rằng do tư tưởng tham nhũng, mục tiêu tiến bộ của mỗi người cũng lấy tham nhũng làm mục đích, nên mọi tài năng phát triển , hiến dâng đều bị thui chột hoặc méo mó vì mục đích cá nhân làm cho xã hội phải lùi lại so với tốc độ phát triển của thế giới . Nhà báo nghĩ thế nào về điều này?

Việt Long: Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của bạn. Và có lẽ hầu hết những người có lương tâm và suy nghĩ như bạn đều đồng ý như vậy. Chúng ta có nhân tài và có lẽ cũng không thật khan hiếm như “lá mùa thu”. Nhưng chúng ta đang tìm cách cứu đất nước ra khỏi vấn nạn tham nhũng. Câu trả lời của tôi với bạn Nguyễn Phương Tiến Anh đã đề cập đến điều này.

Kính thưa bạn đọc, bóng đêm đang buông xuống, những ánh đèn đêm đã tỏa lung linh bên Hồ Gươm. Biết bao người đang đổ về trung tâm Thủ đô Hà Nội để thêm yêu mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Đêm nay sẽ là một đêm mang đến cho chúng ta nhiều cảm xúc kỳ lạ. Và trong những cảm xúc kỳ lạ ấy, giấc mơ chúng ta thức dậy và bay lên.

Cuộc trò chuyện của chúng ta đã dài. Cho dù chúng ta chưa nói được bao nhiêu những điều trăn trở, dày vò và cả niềm tin yêu, nhưng những gì mà bạn đọc chia sẻ với chúng tôi đó là sự hiển lộ lương tâm của con người. Một nhà thơ đã viết :

Còn một giọt nước thì còn dòng sông

Còn một hạt giống thì còn cánh đồng

Còn một người có đức tin thì thế gian được cứu rỗi.

Chúng ta có hơn một người còn đức tin. Hay nói đúng hơn nữa là chúng ta có hàng chục triệu người Việt Nam mang trong mình đức tin bất diệt về tương lai tươi sáng của tổ quốc mình. Và chúng ta chỉ cần thế để bắt đầu tất cả. Đức tin, đó là hành trang lớn nhất cho mọi sinh linh trên thế gian này. Chúng ta hay cùng nhau lên đường.

Xin chúc thuận buồm xuôi gió.

© tuanvn

Phản hồi