WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tâm sự với Angie Châu về tác phẩm đầu tay: “Quiet As They Come – Thầm Lặng Như Thế Đó”

Chiều thứ Hai vào thượng tuần tháng Mười, đúng 7 giờ tối, đang rảo bước đến điểm hẹn thì chợt thấy một cô gái đứng trước cửa Mixing Bowl Café vẫy tay chào. Angie Châu, một nhà văn nữ trẻ, giữa tuổi ba mươi, với cặp mắt bồ câu tinh anh, đen láy, tươi cười bắt tay tôi chào hỏi. Sau đó, chúng tôi có cơ hội trò chuyện với nhau về đề tài người Việt-Mỹ và cuốn sách mới ra mắt của cô: “Quiet As They Come/Thầm Lặng Như Thế Đó”.

Từ một việc làm khá thú vị, rất là khác thường của cô mà người Mỹ gọi nôm na là “thợ săn đầu người” tức là công việc tìm kiếm săn lùng các tổng giám đốc, các thủ trưởng trong ngành y tế cho các cơ quan y tế các hệ thống bệnh viện, chúng tôi lan man đến thân thế, gia cảnh của cô, cho đến thời gian cô còn là một sinh viên tại đại học Berkeley, theo học ba khóa tiếng Việt, cho đến đặc tính và tiếng nói thuần Việt của dân tộc đau khổ dài lâu và nhiều thương tật của chúng ta. Nhưng có lẽ chủ đề thú vị nhất là vai trò các nhân vật Việt-Mỹ nam giới, đặc biệt so với đối tác nữ nhi trong sách của cô. Cuộc thảo luận thân thiện khá hào hứng đã không đi đến đồng thuận, có lẽ vì hai cái nhìn giới tính cá biệt của chúng tôi có liên quan đến các nhân vật nam, cụ thể là người cha trong cuốn sách của cô. Angie đảm bảo với tôi rằng trong quyển tiểu thuyết tình sử lãng mạn sắp tới về Kim và Đức, đọc giả sẽ khám phá một quan hệ thậm chí còn sâu sắc hơn về cuộc đời tình ái rất hấp dẫn và phức tạp này.

Cuộc phỏng vấn sau đây được đúc kết sau hai tuần dài với những đối đáp qua lại cùng nhà văn – một quá trình phỏng vấn sau khi nghiền ngẫm tập truyện ngắn. Tôi mừng vì những câu chuyện Việt Nam trước đây bị quét dưới tấm thảm lãng quên của người Mỹ, giờ đây đã được vực sống dậy, cũng nhờ một phần không nhỏ vào những đóng góp như của Angie Châu bằng ngòi bút tả chân sắc bén cuộc hành trình nhập cư xác thực của một gia đình Việt Nam.

Với nó, tác giả đã đưa sự hiện hữu của người Việt hải ngoại lên cao trong ý thức hệ của dòng chính, dấy động lòng thương cảm của họ, và mang lại chính nghĩa cho sự hiện diện thầm lặng (hay ồn ào) của người Việt ở Hoa Kỳ.

————
Hỏi: Câu chuyện tị nạn mà một số nhà văn đương thời có thể cho là nhàm chán – đối với cô đã là mười năm nung nấu – với các khía cạnh đã được nói hay chưa nói lên – hiện giờ cô cảm thấy thế nào khi nó đã nở rộ trên sân khấu văn học với một nguồn sinh khí được tiếp thu dồi dào như vậy? Cô có cảm thấy lập trường mình đúng?

Angie Châu: Đây là một kinh nghiệm bổ ích, nó chứng thực rằng đọc giả mọi nơi xuyên suốt các ngành và sắc tộc đã đón nhận cuốn sách với hai cánh tay dang rộng và tâm trí cởi mở. Sách đã được khẳng định sẽ được dạy trong giáo trình khóa mùa xuân 2011 ở California College of the Arts (Đại học Mỹ thuật California). Giáo sư Đại học Loyola đã đề cập chuyện ông muốn dạy Quiet As They Come trong khóa học Văn chương Đương đại của mình. Giáo sư Stephen Sohn tại Đại học Stanford cho biết ông sẽ giảng dạy trong khóa học xuyên-quốc-gia và Văn học Châu Á Mỹ của mình. Tôi thật sự vui mừng  khi thấy rằng những câu chuyện này sẽ là một phần của một cuộc đối thoại lớn trong các lớp Anh Văn cũng như các khóa học về người Mỹ gốc Á. Đây đúng là một bước tiến về phía trước.

Hỏi: Vì tôi tin rằng, như cô nói trong cuộc phỏng vấn với nhà văn M. Lorraine López: “Tôi thích được thấy nhiều nhà văn người Mỹ gốc Việt xuất hiện với đọc giả đại chúng. Tôi có thể nói rằng, họ đang đói khát những câu chuyện như vầy.” Bên cạnh những đánh giá thuận lợi và tiếp nhận tích cực của công chúng, một cách để đánh giá nhu cầu của người đọc đối với sách mình, có những chỉ dấu hoặc yếu tố nào khác khiến cô nghĩ rằng đọc giả “đói vì (loại) chuyện như vậy? Cô có thể cho biết thêm?

Angie Châu: Những người thích nghe những câu chuyện về những kẻ yếu kém thế cô, những người đấu tranh chống lại tất cả những tỷ lệ cược và khắc phục được nó. Ở cấp độ vĩ mô chúng ta có thể nói đây là câu chuyện Việt Nam, ví phỏng đó có là cuộc chiến chống sự đô hộ của Trung Quốc, hay cai trị của thực dân Pháp, hoặc cuộc chiến (với Bắc Việt) khiến quân đội Mỹ phải rút lui. Một khi nói đến liên hệ cá nhân và gia đình và các nhân vật trong cốt truyện, thì câu chuyện trở nên thân thiết, gần gũi và dễ thông cảm hơn. Tôi nghĩ rằng người dân Việt Nam có một câu chuyện rất độc đáo, đi đôi với một di sản văn hóa cá biệt, và một hương vị khác thường. Chúng ta có rất nhiều câu chuyện để kể lại và tôi tin rằng ngoài kia có một thị trường thích đọc chuyện Việt. Kinh nghiệm riêng của tôi đối với Quiet As They Come, một mặt tôi cảm thấy hãnh diện được nghe phản hồi từ cộng đồng Việt Nam, những người như anh cảm thấy họ có thể cảm thông sâu xa với những câu chuyện này. Tôi nghĩ rằng mỗi người có một nhu cầu muốn thấy ngoài đời có một sự phản ảnh về mình trong đó và sách là một cách để thực hiện điều này. Tuy nhiên xa hơn nữa, tôi nghĩ rằng công chúng Mỹ cũng quan tâm đến quan điểm này cho dù họ có tò mò ở mức độ tri thức hoặc họ xem nó như một liều thuốc hàn gắn, giải thoát những vết thương lòng bởi vì chúng ta đều chia sẻ với cuộc chiến Việt Nam. Trên thực tế, nhiều người đều có một mẫu chuyện về một người cha, người chú, anh em, hay một người bạn thân đã từng chiến đấu tại Việt Nam, bất kể màu da hay thuộc phe nào.

Hỏi: Có phải cô đang trung kiên với chính mình trong câu chuyện này, nhất là trong khi một số nhà văn người Mỹ gốc Việt có tên tuổi đã từ bỏ đề tài Việt Nam?

Angie Châu: Vâng, tôi đang thủy chung với chính mình như một nghệ sĩ với dự án của cô ta. Tôi đã thành thật với bản thân mình bằng cách tiếp cận với mỗi câu chuyện với tất cả tâm sức mà tôi có thể cung ứng cho nó. Những câu chuyện trong sách nói về những người sống cuộc sống của họ và cố gắng hết sức mình bất chấp những khó khăn xảy đến cho mỗi cá nhân. Các chủ đề trong cuốn sách là chủ đề phổ cập. Đây là những nhân vật trong kịch bản của cuộc đời, tình cờ họ là những người Việt Nam.

Hỏi: Trong suốt những năm dài, đã bao nhiêu lần cô cảm thấy rằng mối tâm huyết của mình cho quyển sách cần bị bỏ rơi, thay đổi, hoặc làm lại? Vì vậy, khái niệm ban đầu về quyển sách có thay đổi nhiều không?

Angie Châu: Tôi khởi sự bằng cách viết một tuyển tập các câu truyện ngắn có liên kết về một đại gia đình thuyền nhân Việt Nam mới đến Mỹ. Khái niệm ban đầu của cuốn sách đã luôn luôn là như thế. Tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ dự án (viết sách) này. Tuy nhiên tôi phải nói rằng trong tám câu chuyện đầu tiên tôi đã viết trước khi học cao học, tôi chỉ giữ hai truyện cho cuốn sách. Và hai truyện mà anh đọc, “Pussycats” và “Thầm Lặng Như Thế Đó” mặc dù các chủ đề và lực đẩy vẫn như nhau, hai truyện này đã được viết lại nhiều lần. Tôi tin tưởng vào hai câu truyện gốc. Tôi biết chúng quan trọng và quan trọng để được viết cho chính xác.

Hỏi: Trong cuộc phỏng vấn với nhà văn López, cô nói: “Các ví dụ về hải tặc săn lùng thuyền nhân, vì họ biết rằng đây là những mục tiêu dễ dàng trên biển Đông xảy ra rất nhiều sau khi Sài Gòn bị thất thủ vào năm 1975.”

Đây có phải là một tuyên bố của cô cố tình nhắc nhở mọi người về một thực trạng ít được biết đến, là trong số cả triệu những người thực hiện những cuộc vượt biên kinh dị bằng tàu thoát khỏi Việt Nam, có đến 50 phần trăm trong số họ phải bỏ mạng trên biển (có thể chết đuối hoặc làm con mồi cho những gì mà Cao Ủy Liên Hiệp Quốc gọi là RPM (Rapes, Pillages and Murders/hãm hiếp, cướp bóc, và giết người)?

Angie Châu: Dạ có. Tôi làm rất nhiều cuộc điều nghiên và điều quan trọng là tôi làm hết sức mình để đảm bảo truyện mình viết  ăn khớp với sự thật. Tôi thích đào xới các hồ sơ  lưu trữ và tìm đọc các cuộc phỏng vấn và đọc sách báo cũ. Thật dễ để bị chôn vùi trong đống dữ liệu. Một phần của tôi thích làm chuyện đó. Tuy nhiên, đối với  một nhà văn, điều quan trọng là phải biết loại bỏ đi nhiều hơn là lưu giữ lại. Chuyện viết văn cũng như nghệ thuật nấu ăn! Cho nên, đúng thế, tôi muốn đọc giả của tôi phải nhận thức được một thực tế là khi vượt biên phần hiểm nghèo rất cao và rất nhiều gia đình đã bị chết trên biển, nhưng qua một cách làm cho họ xúc động và đặt cho họ vào được vị trí của những nhân vật này, có lẽ thậm chí còn cho phép họ được cảm thông. Những câu chuyện nhằm để giải trí và hy vọng cho phép những người khác có được một quan điểm mà họ đã không nghĩ đến trước đây. Tôi không quan tâm về chuyện viết một cuốn sách lịch sử.

Hỏi: Trong câu chuyện mang tên “Quiet As They Come/Thầm Lặng Như Thế Đó”, có một đoạn văn về một cuộc vượt biên bằng tàu từ VN liên quan đến một cuộc tấn công của cướp biển, nơi mà tôi cảm nhận một sự tức giận sôi sục dâng cao từ quan điểm của một phụ nữ:

“Con chó dại gào lên với cô đến nỗi một nhúm nước bọt của hắn bắn dính vào cằm nàng. Sau này Hương nói hơi thở của hắn bị thối rữa khủng khiếp và bởi thấy điều này tởm lợm quá, cô không thể uốn lưỡi của mình được nữa. “Mày là súc vật, là đồ chó!” Hương dí mặt chửi xả vào bản mặt hắn, “Mày hiếp dâm người bị hãm hiếp.” (tr.78) Có phải đây là nỗi giận của chính cô?

Angie Châu: Tôi tưởng tượng rằng nếu bị đặt trong những hoàn cảnh tương tự như vậy tôi hoàn toàn có thể là kinh tởm và khinh miệt hắn như Hương. Tôi không chấp nhận sự bất công và tàn ác và những người lợi dụng, hiếp đáp kẻ khác. Tuy nhiên tôi không nghĩ tôi có thể sẽ lì lợm như vậy. Có thể tôi đã giao lại chiếc áo khoác và dây chuyền của mình cho hắn. Mặc dù là người tình cảm, tôi có thể không đánh cao trị giá vật chất như nhân vật Hương.

Hỏi: Gia đình cô cũng vượt biên bằng thuyền khi cô lên bốn, không cần đi vào chi tiết, cô có nhớ hay chứng kiến một chuyện kinh dị nào trong cuộc hành trình này?

Angie Châu: Tôi đã không chứng kiến một chuyện kinh dị nào trong chuyến vượt biên. Cha tôi kể lại rằng mặc dù thuyền của chúng tôi đã đến Mã Lai, chính phủ Mã Lai đã không cho chúng tôi cập bến. Nhưng trong đêm đó, một cơn bão lớn ập đến và một số thuyền khác, cũng đầy ắp người tị nạn, bị lật úp. Khoảng một chục người bị chết và báo chí thế giới đăng tít lớn. Vì lý do đó, rốt cuộc chính phủ Mã Lai đã cho phép thuyền của chúng tôi vào bờ. Đó là khoảng thời gian chúng tôi sống sáu tháng ở Mã Lai.

Hỏi: Trong khi phần lớn các cuộc cướp của giết người ngoài đời liên quan đến ngư dân Thái Lan đối lốt hải tặc, những tên cướp biển trong câu chuyện của cô là người Hoa, có phải đây là một hành vi tử tế ngẫu nhiên (của cô) đối với một nhóm này thay vì nhóm khác?

Angie Châu: Đây là một hành động hư cấu thuần túy, tiểu thuyết hóa vai trò các nhân vật trong sách của tôi.

Hỏi: Ngược lại, một cuộc giải cứu dũng cảm do một nhân vật chính trong cốt truyện đưa đến vụ giết người trên biển cả là một động thái ngoạn mục (có hiệu quả như một đoạn phim), một chiêu tuyệt-cú-mèo. Cô sử dụng chuyện hoán đổi qua lại những cảnh chớp nhoáng giữa quá khứ và hiện tại. Đây có phải là cái túi-tài-nghệ của cô đưa ra để dàn dựng phút giây căng thẳng và hồi hộp để cho thấy những gì đang biến chuyển trong tâm trí của nhân vật trước khi ông chọn một hành động sống chết?

Angie Châu: Tôi không tin rằng tôi đã trở thành bậc thầy, đủ tài cán để có một chiếc túi thủ thuật để sử dụng! Tôi vui mừng vì anh thích câu chuyện và thực sự nó đã thành công trong chuyện làm cho anh hồi hộp. Trong câu chuyện này, mối quan tâm chính của tôi là về bản sắc và biểu tượng và những gì chúng tôi nghĩ rằng chúng ta nom thấy so với sự tiềm ẩn ở bên dưới. Tôi muốn mô tả Việt trong một số những hoàn cảnh khác nhau để người đọc có thể nhìn thấy khi ông ở Việt Nam, bản năng đàn ông mà ông có thể có, và người đàn ông đã nhận thức được khi đến Mỹ. Tôi nghĩ rằng những cảnh hồi tưởng từ quá khứ đến hiện tại cho ta thấy quang phổ, và nhiều khía cạnh của nhân vật này và độ tương phản cho phép câu truyện thêm phần sôi động. Nếu Việt làm mưa làm gió trên đường phố ở Sài Gòn trong các băng đảng, nó sẽ mang ít kịch tính khi ông rút dao đâm đồng nghiệp mình. Nhưng bởi vì ông là một giáo sư triết học, một người thậm chí không thể giết được một con nhện trong nhà riêng của mình, nên giờ đây đã dựng lên một cảnh gay cấn cho bộ phim.

Hỏi: Có đúng là nhà xuất bản có xu hướng thích các bộ sưu tập truyện ngắn có một chủ đề quen thuộc xuyên suốt, mà các truyện bên trong cần được kết nối?

Angie Châu: Chuyện này thì tôi không nghe nói đến nhiều, nhưng có lẽ tôi sẽ lý giải rằng nếu một người là tác giả những truyện ngắn, chắc chắn họ sẽ có một số giây mơ rể má liên kết các truyện của mình, cảm nghiệm của tác giả sẽ được bộc lộ qua các đoạn văn. Tôi đã nghe rất nhiều giả thuyết khác nhau về những gì mà ngành xuất bản này muốn hoặc không muốn, nên tôi xin nói với các nhà văn sắp tới – hãy viết những gì bạn quan tâm, hãy viết những gì mà bạn cho là quan trọng và thú vị và phần còn lại cũng sẽ đâu vào đó. Tôi cũng nên thêm rằng tôi đã nghe nói hầu như ngày nay khó có thể tìm một nhà xuất bản cho một bộ sưu tập truyện ngắn. Tôi nghe nói rằng cuốn tiểu thuyết nói chung có nhiều tính thương mại và dễ bán hơn so với các bộ sưu tập truyện ngắn. Nhưng cùng lúc, tôi lại chứng kiến một số tuyển tập truyện ngắn tuyệt vời được phổ biến rộng rãi cả mặt thương mại lẫn phê bình trích báo. Tôi tạo ra một bộ sưu tập các câu truyện liên quan vì đó là sở thích cá nhân của tôi. Tôi thích đọc một truyện ngắn và cảm thấy rằng truyện là cả một vũ trụ riêng của chính nó. Tôi cảm nghiệm được bằng một vòng cung nối phần đầu, phần giữa, và đoạn kết . Nhưng bởi vì những câu chuyện được liên kết, các nhân vật xuất hiện và tái xuất hiện và bạn đọc cảm thấy như các nhân vật đã trưởng thành với họ và họ có thể nhìn thấy chúng trong những quang cảnh khác nhau và đối với tôi nó mang lại được sự gần gũi của một cuốn tiểu thuyết, trong khi vẫn mang đến cho mình mãn nguyện của những truyện ngắn.

Hỏi: Trong trường hợp của cô, những câu chuyện của ba gia đình đang được kể thông qua quan điểm các thành viên nữ khác nhau, sử dụng thể tự thuật bằng ngôi thứ nhất. Đây có phải là sắp xếp và chọn lựa của riêng cô, hay cô có hội ý với những người khác cho phù hợp với nhu cầu của nhà xuất bản?

Angie Châu: Tất cả các quyết định nghệ thuật là của riêng tôi. Có một số truyện người phụ nữ giữ ngôi thứ nhất gồm cả “Silver Girl” và “In the Season of Milk Fruit/Trong mùa vú sữa.” Đa số những câu chuyện được viết ở ngôi thứ ba. Một số được kể từ quan điểm của một nhân vật nữ và một số từ quan điểm của nam giới.

Hỏi: Trong quá trình sáng tác một cốt truyện đáng thương và thân thích như thế – mà có thể là gần gũi với cá nhân và kinh nghiệm của riêng cô – cô đã tham khảo ý kiến hoặc thông qua với cha mẹ và gia đình của mình? Nói cách khác, cô đã nhận được sự ủng hộ của họ đối với lối trình bày cốt truyện như thế, mặc dù đã được tiểu thuyết hóa? Phản ứng của họ ra sao giờ đây cuốn sách đã được xuất bản?

Angie Châu: Tôi đã không tham khảo ý kiến với bất kỳ ai trong gia đình vì đó là truyện hư cấu. Tôi không lo lắng về việc tiết lộ bất kỳ bí mật, vì những nhân vật này đã phát sinh từ trí tưởng tượng của tôi. Những câu chuyện này được lấy cảm hứng từ gia đình tôi và những gia đình khác tương tự như gia đình chúng ta. Khi nhập cư người Việt chúng ta chia sẻ một kinh nghiệm chung là phải kiếm đường đi nước bước trong một đất nước mới. Tôi muốn viết ra tất cả những mẫu đời vui buồn, ngượng ngập, khó khăn, những khoảnh khắc cố gắng phát sinh từ các yếu tố ma xát  va chạm nhau. Tôi rất hân hoan khi đọc giả thấy được mình trong những câu chuyện. Mục tiêu của tôi là viết những câu chuyện về các chủ đề của tình yêu, sự hy sinh, chiến thắng, thảm kịch, mất mát. Mỗi con người có thể tiếp cận được những điều này. Tôi tin rằng đó là lý do tại sao cuốn sách hấp dẫn đối với nhiều đối tượng rộng lớn và không phải chỉ là một phần tử riêng rẽ nào trong dân số. Văn chương hay sẽ được tồn tại với thời gian và vượt qua những rào cản nhân tạo. Nhân vật của tôi tình cờ là người Việt Nam, vì đó là những gì tôi biết và tôi có thể liên hệ được. Cha mẹ tôi đang thưởng thức quyển sách này và nói với tôi rằng họ rất tự hào. Toàn bộ gia đình của tôi đều hết sức ủng hộ. Tôi đã nhận được những bức thư thật dễ thương từ Việt Nam, Úc, Đức, Pháp, và ở nhiều nơi trên đất Mỹ. Một ông chú trước đây là một tù binh chiến tranh hiện đang sống tại Úc đã viết, “Danh dự của gia đình đã tan biến từ lâu sau biến cố 30 tháng Tư 1975, đột nhiên trở về với chú. Cảm ơn cháu đã cho chú cảm giác tìm lại được nhân phẩm và niềm tự hào mà chú đã cố gắng quên để chấp nhận thực tế.”  Đó là một thực tại đập mạnh vào tôi.”

Hỏi: Qua các nhân vật Việt, tộc trưởng của gia đình Elle, và chính cô Elle – cô đã dựa vào bao nhiêu sự thật ngoài đời với cha cô và cô?

Angie Châu: Giống như Việt, cha tôi cũng thông minh, tốt bụng và ý tứ. Ông cũng là một giáo sư triết học (Đại học Cần Thơ). Giống như Việt, cha tôi rõ ràng đã bị mất mát nhiều trong vai trò của mình, vì bằng cấp Việt Nam không giữ cùng một giá trị như Mỹ. Không giống như Việt, cha tôi đã không cướp mạng sống của ai. Không giống Việt, ông cũng không mua một máy hút bụi với một số tiền vô lý như thế. Không giống như Việt, cha tôi không phải là một người lý sự hay dạy đời. Sự so sánh này có thể tiếp tục mãi, thực sự như vậy. Điều quan trọng đối với một nhà văn, lúc nào cũng liên tục quan sát và ghi chú, lấy cảm hứng từ cả triệu lẻ một thứ. Nhân vật của tôi là một hợp ảnh ghép lại của nhiều kẻ lạ, người quen, bạn bè, các thành viên gia đình, các nhân vật từ các công trình sáng tạo của người khác. Chúng ta khuếch đại một số đức tính và thu hẹp một số khác để tạo ra một cái gì, một ai đó với hy vọng chúng sẽ trở nên những điều thú vị. Tôi sẽ không ước đoán gì hơn thế. Tôi cũng có thể nói những điều tương tự về nhân vật Elle.

Hỏi: Tôi nhận thấy rằng cô cũng sử dụng kỹ thuật chuyển tiếp hồi tưởng-vượt nhanh đến tương lai trong những câu chuyện khác, đặt hai cảnh vật, hai nơi chốn cạnh nhau: quá khứ Việt Nam và hiện tại Mỹ để mang về một yếu tố tương phản trong các hai lãnh vực, hai thực tế. Ví dụ, như Hương là một chiêu đãi viên đẹp trong một xã hội cao sang Việt Nam, nơi thủ tướng (Tổng thống Thiệu) nịnh đầm hứa sẽ in chân dung của Hương trên các giấy bạc $500, và thực tế hiện giờ cô ấy chỉ là một nhà lắp ráp điện tử ở Mỹ, hay một trí giả, giáo sư cao ngạo ngày nay chỉ còn là một nhân viên trong sở Bưu Điện của Mỹ. Cô suy nghĩ gì về chuyện này?

Angie Châu: Theo kinh nghiệm của tôi, chuyện lên voi xuống chó trong chức vụ và địa vị chấm phá một nét lớn khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Thời nay sự di cư diễn ra rất thường tình làm thay đổi cuộc sống khá sâu đậm. Chúng ta thường xuyên nghe chuyện ăn mày trở nên triệu phú ở Mỹ. Nhưng chúng ta thường không nghe mặt trái của nó, như ông giáo sư trở thành nhân viên bưu điện, hoặc các kỹ sư thành tài xế taxi, hoặc các bác sĩ giải phẫu  trở thành người cạo giấy. Tôi thực sự biết những người trong ba trường hợp kể trên. Có một thời gian trong lịch sử nếu bạn được sinh ra trong giai cấp nông dân, thì đây là vị trí muôn đời của bạn, hoặc nếu bạn được sinh ra trong giới vọng tộc quý phái, nơi đây bạn sẽ giữ vị thế của mình. Rất ít hoặc không có chuyện trà trộn hay thay đổi giai cấp. Tôi nghĩ tác phẩm Remembrance of Things Past/Hồi nhớ Những Điều Đã Qua của Proust là một miêu tả tuyệt vời của hệ thống thứ bậc xã hội trong trường hợp này.

© Đàn Chim Việt

2 Phản hồi cho “Tâm sự với Angie Châu về tác phẩm đầu tay: “Quiet As They Come – Thầm Lặng Như Thế Đó””

  1. Can Nguyen says:

    Xin cho biết cuốn sách này đã xuất bản chưa? Mua ở đâu, nhà xuất bản nào?
    Đa tạ.

  2. Trần Như Nhộng says:

    Cám ơn Nguyễn Khoa Anh Thái đã giới thiêu cuốn sách QUIET AS THEY COME. by tác giả Angie Châu.
    Đặc biệt những gì cấu thành câu chuyện qua lời tác giả của nó và chính tác giả.

Leave a Reply to Trần Như Nhộng