Tôn giáo và Xã hội Dân sự(III)
Bài 3 – Tôn giáo và Xã hội Dân sự Tòan cầu (Religion and the Global Civil Society)
Trong bài viết từ năm 2009 với nhan đề “ Sơ lược về Xã hội Dân sự Tòan cầu”, tôi đã có dịp trình bày về những nét chính yếu của một thực thể văn hóa xã hội đang mỗi ngày một thêm phát triển trong thế giới ngày nay với khuynh hướng tòan cầu hóa về nhiều phương diện, đặc biệt là về mặt khoa học kỹ thuật, về kinh tế chính trị, cũng như về văn hóa xã hội, và nhất là về sự bùng nổ thông tin qua kỹ thuật của mạng lưới tòan cầu internet vào những năm đầu của thế kỷ XXI hiện nay.
Trong bài viết này, tôi muốn được trình bày rõ ràng chi tiết hơn về các mặt sinh họat của Tôn giáo trên bình diện địa lý trải rộng khắp mọi vùng của thế giới nhân sinh, cũng như trên phương diện quy mô những vấn đề hệ trọng có liên hệ mật thiết đến sự sống còn của tòan thể các dân tộc hiện đang sinh sống trên hành tinh trái đất này.
Để độc giả dễ bề theo dõi câu chuyện, tôi xin được nhắc lại một cách hết sức vắn tắt về vài ba điều cốt yếu đã được đề cập đến trong các bài trước thuộc về chủ đề Xã hội Dân sự, mà có liên quan chặt chẽ đến sinh họat của càc tổ chức thuộc bất kỳ niềm tin tôn giáo nào. Tiếp theo, ta sẽ nêu ra những đường hướng phát triển sinh họat tôn giáo trong bối cảnh chung của xã hội đang trên đà tòan cầu hóa hiện nay vào đầu thế kỷ XXI.
A – Tôn giáo phát triển cùng nhịp với Xã hội Dân sự.
1 – Trước hết, tôn giáo là một thành phần quan trọng nằm trong khu vực Xã hội Dân sự, với tính chất “phi chính phủ“ (non- governmental NGO) và “bất vụ lợi” (non-profit), tức là nằm ngòai khu vực chính quyền Nhà nước, mà cũng khác biệt với khu vực Thị trường của các công ty xí nghiệp là những cơ sở kinh doanh chỉ nhằm mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận (for profit). Bình thường XHDS, cũng như Thị trường kinh doanh sinh họat trong khuôn khổ của một quốc gia, và chịu sự chi phối của luật pháp trong quốc gia đó. Trong nhiều quốc gia hiện nay, điển hình như ở Mỹ, ở Ấn độ, thì đã có đến hàng triệu những tổ chức NGO và nhiều triệu những nhóm nhỏ (small groups) mà lại có những họat động tại nhiều nơi trên trường quốc tế, chứ không phải chỉ giới hạn trong phạm vi nhỏ bé của riêng nước mình. Lại nữa, nhiều tổ chức nhỏ như Phong trào Bảo vệ Môi sinh (Green Peace), tổ chức Minh bạch Quốc tê (Transparency International), Ân xá Quốc tế (Amnesty International) v.v…, thì lại có họat động trên phạm vi tòan cầu, mặc dầu ngân sách và nhân sự của họ rất là eo hẹp hạn chế.
2 – Nhưng với sự phát triển của những công ty đa quốc gia (multi-national corporations), những định chế kinh tế tài chính đồ sộ như Ngân Hàng Thế giới (World Bank WB), Quỹ Tiền tệ Thế giới (International Monetary Funds IMF)…, thì trên thế giới ngày nay đang trổi lên một thực thể kinh tế đồ sộ được gọi là nền kinh tế tòan cầu (the Global Economy).
Rồi đến tổ chức Liên Hiệp Quốc tuy chưa phải là một thứ “Chính phủ Tòan cầu” với thẩm quyền bao trùm trên mọi quốc gia thành viên, thì đó cũng là một Diễn Đàn, một Cơ cấu chính trị có tính cách tòan cầu nhằm giải quyết những tranh chấp mâu thuẫn giữa các quốc gia, cũng như tăng cường sự hợp tác phát triển và tình liên đới huynh đệ giữa mọi thành viên trong cộng đồng quốc tế.
Và cũng trong chiều hướng phát triển tương tự như thế, mà ta có thể nói rằng hiện đang có một thực thể văn hóa xã hội bao quát trong thế giới hiện đại được gọi là “Xã hội Dân sự Tòan cầu” (the Global Civil Society).
3 – Nhờ sự giao thông di chuyển mau lẹ, cũng như thông tin liên lạc dễ dàng, và nhất là phong trào di dân từ nước này qua nước khác mỗi ngày một thêm phát triển, các tôn giáo đã thiết lập được cả một hệ thống những tổ chức họat động riêng biệt của mình vượt ra ngòai mọi biên giới quốc gia, qua các nhà dòng thừa sai hay do các cơ sở văn hóa xã hội, từ thiện nhân đạo. Hiện tượng phổ biến này không phải là đặc trưng duy nhất xưa nay của Thiên chúa giáo từ các quốc gia Âu Mỹ, mà còn được thấy trong mọi tôn giáo, cụ thể như với phong trào phát triển Hồi giáo rất mạnh mẽ khắp nơi từ hơn nửa thế kỷ nay, hoặc sự phổ biến tại các nước Âu Mỹ của các trung tâm về thiền học xuất phát từ Á châu, của đạo Hindu xuất phát từ tiểu lục địa Ấn độ, của đạo Bahai’ xuất phát từ Ba Tư v.v…
Thành ra tình trạng đa dạng và đa nguyên về Tôn giáo (religious diversity/pluralism) mỗi ngày càng thêm khởi sắc tại nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới ngày nay. Và hậu quả là nhân lọai đang có một tinh thần bao dung về phương diện tôn giáo (religious tolerance) được cổ võ khích lệ ở mức độ cao nhất trong lịch sử các dân tộc từ xưa tới nay. Đó quả là một bước tiến bộ rất đáng lạc quan cho lòai người sau bao nhiêu thế kỷ tranh chấp đẫm máu tàn bạo vì lý do mâu thuẫn tôn giáo.
B – Tôn giáo ngày nay lại có thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phục vụ con người và xã hội.
1 – Một số nhân vật điển hình nổi bật vì những họat động từ thiện nhân đạo và tranh đấu bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền, cũng như góp phần vào công cuộc xây dựng hòa bình trên thế giới.
Trước khi phân tích về cơ cấu tổ chức và lề lối điều hành của các chương trình hành động xã hội dựa vào niềm tin tôn giáo ( Faith-based Social Action Program), ta có thể liệt kê ra một số nhân vật tôn giáo xuất chúng với những họat động được cả thế giới biết đến và cảm phục, cụ thể như sau đây :
a/ Mục sư Albert Schweitzer với bệnh viện chăm sóc cho người nghèo túng ở vùng rừng rậm trong xứ Gabon ở Phi châu. Ông sinh trưởng tại vùng Alsace, mà vừa là nhà thần học, nhạc sĩ và bác sĩ y khoa, ông có liên hệ bà con với thân mẫu của triết gia Jean Paul Sartre. Sự hy sinh kiên trì của ông trong việc chăm sóc cho các bệnh nhân ở Phi châu đã được thế giới đánh giá rất cao, và ông đã được cấp phát giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1952.
b/ Nữ tu Teresa ở Calcutta, thường được gọi là Mẹ Teresa (Mother Teresa) là người xứ Albania mà qua phục vụ những người khốn cùng nhất trong khu vực Calcutta thuộc tiểu lục địa Ấn độ. Cả thế giới khâm phục sự hy sinh của bà cũng như của các chị em nữ tu Bác ái do bà điều khiển để tận tình chăm sóc cho những người tuyệt vọng vì bệnh họan, đói khát cận kề với cái chết. Chính cái cung cách chăm lo trìu mến chân thành như thế đối với lớp người cùng đinh mạt hạng trong xã hội Ấn độ đã làm cho tòan thế giới cảm kích mến chuộng và Chánh phủ Na Uy đã cấp phát cho Mẹ Teresa giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1979, và chánh phủ Ấn độ cũng đã cấp phát quy chế công dân danh dự cho bà.
c/ Giám mục Desmond Tutu tại Nam Phi là một trong những người nổi tiếng trên thế giới vì đã tận lực tranh đấu chống nạn kỳ thị chủng tộc Apartheid ở Nam Phi và ông đã được vinh danh với giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1984, cùng với nhiều giải thưởng cao quý khác trên thế giới. Ông cũng được Tổng thống Nelson Mandela mời chủ tọa Ủy Ban Sự Thật và Hòa Giải ở Nam Phi vào cuối thập niên 1990, nhằm hàn gắn những hận thù sâu đậm nặng nề giữa các sắc dân da trắng và da màu do chế độ kỳ thị tàn ác lâu đời Apartheid gây ra.
d/ Mục sư Martin Luther King ở Mỹ là một kiện tướng lãnh đạo phong trào tranh đấu dân quyền của lớp người da màu chống lại nạn kỳ thị tàn bạo, dày xéo nhân phẩm lâu đời đối với người Mỹ gốc Phi châu tại các tiểu bang thuộc khu vực miền Nam. Việc tranh đấu bất bạo động mà rất mực kiên quyết của ông đã được tòan thể người da màu hưởng ứng, và gây được sự ngưỡng mộ và thiện cảm của khắp thế giới, ông được tôn vinh với giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1964. Nhưng tiếc thay, vào năm 1968, ông lại bị một kẻ cuồng tín sát hại.
e/ Mục sư Rick Warren tại Saddleback Valley Community Church trong Quận Cam, California được tạp chí Time xếp vào danh sách “15 nhà lãnh đạo thế giới đáng kể nhất trong năm 2004”. Ông là tác giả của cuốn sách bestseller, bán được trên 30 triệu cuốn trong vòng có 6 – 7 năm. Cộng đòan tín hữu xung quanh ông hiện đã lên đến con số trên 25,000 người, được xếp hàng thứ 8 trong số trên 1,200 Megachurch (Đại giáo đòan) tại Mỹ. Megachurch này đặc biệt đang góp phần cộng tác với chánh phủ và nhân dân Rwanda trong việc thực hiện một chương trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội và nhân đạo rất lớn lao tại xứ sở này ở Phi châu là nơi đã xảy ra vụ tàn sát diệt chủng ghê rợn vào năm 1994. Megachurch này cũng tham gia hết sức tích cực vào việc chăm sóc cho hàng chục triệu nạn nhân bệnh HIV/AIDS ở Phi châu nữa.
f/ Ông Inamullah Khan là vị sáng lập và Tổng thư ký Hội nghị Hồi giáo Thế giới (The World Muslim Congress) tại Karachi, Pakistan. Ông dành trọn cuộc đời để xây dựng hòa bình giữa người Muslim, Thiên chúa giáo và Do thái giáo. Đặc biệt, ông còn đóng vai trò chủ yếu trong việc giàn xếp chấm dứt cuộc chiến tranh giữa Iran và Irak hồi đầu thập niên 1980. Năm 1987, ông được cấp phát Giải thưởng Hòa bình Niwano của Nhật bản. Và năm 1988, ông còn được lãnh Giải thưởng Templeton ở Anh quốc vì những đóng góp cho sự Tiến bộ về Tôn giáo, giải thưởng này có giá trị hiện kim là 1,000,000 đồng bảng Anh, còn cao hơn giải Nobel Hòa bình nữa. Ông qua đời vào năm 1997 ở tuổi 85, trước sự thương tiếc của biết bao nhiêu người.
g/ Đức Dalai Lama, vị lãnh đạo tinh thần và chính trị của Tây tạng cũng đã được trao tặng giải Hòa bình Nobel năm 1989, vì luôn cổ võ giải pháp hòa bình dựa trên sự khoan dung và tương kính lẫn nhau nhằm bảo tòan truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc Tây tạng. Vị lãnh đạo này kiên quyết chống đối việc sử dụng bạo lực trong cuộc tranh đấu nhằm giải phóng cho xứ sở của ông. Ngài được người dân Tây tạng tôn kính như là Vị Phật sống vậy.
2 – Chương trình Hành động Xả hội dựa vào Niềm Tin.
Nói chung, thì tôn giáo nào cũng có ba lọai sinh họat chính yếu, đại để là : Giảng đạo- Giáo lý-Nghi lễ (Ministry), Phục vụ Xã hội (Service) và Xây dựng Hòa bình (Peacebuilding).
Vì lý do kỹ thuật quản lý điều hành, các nhiệm vụ này được phân bố cho các cơ sở khác nhau, cụ thể như cơ quan Catholic Relief Services (CRS = Cứu trợ Công giáo) thì dù do Giáo Hội Công giáo Mỹ thành lập, nhưng họat động lại tách biệt khỏi hệ thống mục vụ của giáo quyền. Cơ quan World Vision (WV) cũng vậy, đó là một tổ chức họat động rất mạnh mẽ cùng khắp thế giới, nhưng cũng không trực tiếp thống thuộc vào một thẩm quyền của một Giáo hội Tin lành nào.
a/ Sau một quá trình họat động lâu dài, các tổ chức từ thiện nhân đạo này đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm quý báu, để mở rộng phạm vi họat động ra nhiều lọai dịch vụ phong phú nhằm đáp ứng được nhu cầu mỗi ngày thêm phức tạp của người dân với sự khác biệt rõ rệt về truyền thống văn hóa xã hội, cũng như tôn giáo tại các châu lục khác nhau.
Khởi đầu, đó chỉ là một chương trình cứu trợ khẩn cấp để cấp phát thực phẩm, quần áo, thuốc men cho các nạn nhân thiên tai vì động đất, bão lụt hay do chiến tranh gây ra. Nhưng lần hồi, thì các tổ chức lớn như World Vision, Catholic Relief Services… lại đã có sáng kiến thực hiện những dự án có tính cách phát triển về kinh tế kỹ thuật (economic and technical development projects) nhằm giúp người dân có thể tự túc mưu sinh một cách lâu bền được, mà không phải cứ ngửa tay đi xin viện trợ, xin của bố thí mãi. Muốn làm được như vậy, các tổ chức này phải tìm cách “liên kết” (in partnership) với các đối tác ở từng địa phương, cũng như với các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc như UNESCO, UNICEF, UNHCR, WHO, ILO ( Cơ quan Văn hóa, Cứu trợ Nhi đồng, Cao Ủy Tỵ nạn, Tổ chức Y tế, Văn phòng Lao Động) v.v…
b/ Một vài con số thống kê minh họa.
* Vào năm 2007, ngân sách của World Vision là 2.6 tỉ mỹ kim, với tổng số nhân viên là 40,000 người, mà trên 90% là người địa phương các quốc gia sở tại và họat động sát cánh với người dân tại trên 100 quốc gia trong cuộc tranh đấu chống lại nạn đói, sự nghèo túng, nạn bất công xã hội… Riêng tại Ấn độ, WV đã có kinh nghiệm làm việc ở đây từ trên 50 năm dàn trải khắp 26 tiểu bang của quốc gia rất đông dân này. WV còn có sáng kiến hướng dẫn cho giới nông dân ở các nước Á châu, Phi châu, châu Mỹ Latinh mở những nông trại nhỏ với những kỹ thuật đơn giản để cho họ và gia đình có thể tự túc được (small farms for self-reliance).
* Vào năm 2010, ngân sách của CRS là trên 900 triệu mỹ kim với tổng số nhân viên là trên 5,000 người và cũng họat động tại 90 quốc gia. CRS cũng đã chi ra 190 triệu mỹ kim để cứu trợ các nạn nhân nạn Sóng thần Tsunami ơ Indonesia năm 2004. CRS cũng dự trù cung ứng 200 triệu mỹ kim trong 5 năm cho các nạn nhân nạn động đất ở Haiti năm 2010.
Ngòai ra CRS lại còn thường xuyên tổ chức các khóa hội thảo quốc tế về Xây dựng Hòa bình tại các cơ sở chuyên môn như Mindanao Peace Institute ở Philippines, tại Joan B Kroc Institute for International Peace Studies tại Đại học Notre Dame ở Indiana Hoa kỳ.
c/ Họat động cứu trợ của Hồi giáo và Phật giáo.
* Từ 40 – 50 năm gần đây, với sự tăng giá của dầu hỏa, nên nhiều quốc gia Hồi giáo ổ vùng Trung Đông đã trở nên giàu có, và họ đã rộng rãi đóng góp vào việc từ thiện xã hội tại nhiều nới, nhất là đối với các đồng đạo của họ mà gặp khó khăn vì thiên tai hay do bị độc tài áp bức như ở Liên Xô thời đó. Tại nhiều nước như Ả rập Seoud chẳng hạn, chính quyền đã giúp thiết lập một cơ quan cứu trợ Hồi giáo lấy tên là “International Islamic Relief Organisation” (IIRO). Vào năm 1984, một tổ chức độc lập được thành lập và lấy tên là “Islamic Relief Worldwide” (IRW). Tổ chức IRW này được nhận vào làm thành viên của Hội Đồng Kinh tế Xã hội của Liên Hiệp Quốc, và liên kết họat động với Hội Hồng Thập tự Quốc tế và Hội Lưỡi Liềm Đỏ (Red Crescent) và cùng chung sức với 15 thành viên liên kết khác nữa. Ngân sách của IRW vào năm 2009 được ghi là có trên 100 triệu mỹ kim.
* Về phía Phật giáo, thì chưa có những tổ chức từ thiện nào có quy mô lớn lao có thể so sánh với các tổ chức WV, CRS, IRW nói trên. Nhưng từ xưa, tại các chùa ở miền quê hẻo lánh, thì các Phật tử ở địa phương vẫn thường xuyên tổ chức việc cứu đói, cứu nạn nhân thiên tai bão lụt v.v… Gần đây báo chí có đưa tin một số chùa ở Thái Lan đã thâu nhận và săn sóc cho những người bị bệnh HIV/AIDS mà bị gia đình hay xã hội ruồng bỏ. Trên Internet, ta có thể tìm thấy thông tin về một cơ quan lấy tên là Buddhist Global Relief (BGR) mới được thành lập 4-5 năm nay, và có chương trình họat động tai Kenya, Niger, Sri Lanka, India, Cambodia, Haiti, Mỹ và Việt nam. Ngân sách của BGR năm 2009 được ghi là có trên 111,000 mỹ kim.
Cũng cần ghi thêm về Quỹ Từ Tế ( Tzu Chi Foundation – the Buddhist Compassion Relief) do Sư Bà Cheng Yen ở Đài Loan thiết lập từ năm 1966 nhằm góp phần vào các chương trình phát triển cộng đồng, đặc biệt về y tế, giáo dục và nhân bản ở Đài Loan và trên nhiều quốc gia khác. Hiện nay Quỹ đã quy tụ được 10 triệu thiện nguyện viên và yểm trợ viên tại 50 quốc gia và điều hành các chương trình cứu trợ tại trên 70 nước khắp thế giới. Tháng 4 năm 2011, tuần báo Time đã xếp tên tuổi của Sư Bà Cheng Yen vào danh sách “ 100 Nhân vật có Ảnh hưởng nhất trên thế giới”.
C – Để tóm lược lại.
Qua sự trình bày sơ lược trên đây, ta có thể tạm thời rút ra được một vài ghi nhận khái quát như sau :
1 – Vì giàu lòng từ bi bác ái, nên tôn giáo nào cũng dễ dàng kêu gọi các tín đồ của mình tham gia tích cực vào công việc từ thiện nhân đạo để cứu trợ người đồng lọai đang gặp cảnh khó khăn ngặt nghèo do thiên tai hay do chiến tranh tàn phá. Khi dấn thân nhập cuộc để thực hiện những công tác này, các tôn giáo đã đóng vai trò “làm đối tác” đối với chính quyền nhà nước trong sự nghiệp phục vụ quần chúng nhân dân, như đã trình bày ở bài 1 trong lọat bài này (counterpart).
2 – Nhưng lần hồi các tôn giáo đã mở rộng thêm phạm vi họat động nhân đạo sang các lãnh vực khác như phát triển kinh tế xã hội, tìm mọi cách để bảo vệ các nạn nhân của nạn buôn người, của nạn bất công đàn áp bóc lột, nạn độc tài chà đạp nhân phẩm và nhân quyền của các công dân… Ngòai ra, các tôn giáo còn đi xa hơn nữa trong lãnh vực “Làm trung gian để giàn xếp những mâu thuẫn tranh chấp ở các địa phương”, cùng tìm cách góp phần vào công việc “Xây dựng Hòa bình trên Thế giới” nữa. Để có thể thực hiện viên mãn được những công việc khó khăn phức tạp này, các tôn giáo đã bắt đầu biết cách liên kết rộng rãi với giới hàn lâm đại học (academia),với các tổ chức NGO khác, và cả với các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc nữa. Làm như thế, các tôn giáo đã đóng được “vai trò làm Đối trọng đối với các chính quyền nhà nước” (counterbalance) trong ý hướng bảo vệ Công lý và Hòa bình cho con người trong xã hội ngày nay vậy.
3 – Nhờ sự cộng tác chân thành và sự liên kết bền chặt với nhiều thành phần có niềm tin tôn giáo khác nhau, qua những công tác cụ thể, thiết thực nhằm phục vụ đồng lọai kém may mắn trong suốt một thời gian lâu dài như vậy, mà các tôn giáo đã tạo ra được sự thông cảm, bao dung và tương kính lẫn nhau giữa các khối đông đảo quần chúng tín đồ của mỗi tôn giáo, để cùng chung sức góp phần bảo đảm xây dựng được một cuộc sống an lành, hòa nhã và nhân ái cho mọi người trong xã hội ngày nay.
Dĩ nhiên là vẫn còn một số thành phần cực đoan quá khích trong hàng ngũ các tín đồ, nhưng đó chỉ là một thiểu số rất nhỏ bé mà thôi, ta không nên quá bi quan với tình trạng tiêu cực nhỏ nhoi này. Đại bộ phận các tín đồ vẫn còn giữ được truyền thống đạo hạnh, lương hảo và luôn sẵn sàng liên đới chia sẻ với nỗi bất hạnh khốn khổ của người đồng lọai.
Đó mới đích thực là niềm hy vọng chứa chan cho nhân lọai chúng ta vào đầu thế kỷ XXI ngày nay vậy./
(Trong các bài kế tiếp, chúng tôi sẽ xin trình bày chi tiết cụ thể hơn về tình hình sinh họat xã hội của các tôn giáo ở các địa phương, đặc biệt là ở Phi châu, Á châu và châu Mỹ Latinh, cũng như tại các quốc gia cựu-công sản ở Đông Âu nữa. Xin mời quý bạn đọc nhớ đón xem.)
California, Tiết Vu Lan năm Tân Mão 2011
© Đòan Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt