WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ca khúc tưởng niệm

Tác giả: Anna Akhmatova. Người dịch: Nguyễn Minh Cần

Lời người dịch: Một chiều mùa đông giá buốt ở Moskva, tôi đọc lại bài trường ca “Requiem” của nhà thơ Akhmatova. Tôi đã không cầm được nước mắt, nghĩ đến nỗi khổ đau lớn lao của biết bao bà mẹ, bà vợ, ông bố, ông chồng, anh chị em, người yêu, bà con…  của các nạn nhân của đủ loại chế độ độc tài trên thế giới này  – cả độc tài phát xít, cả độc tài cộng sản, cả độc tài quân phiệt, cả độc tài Hồi giáo, cả độc tài công an mật vụ… – đang  rục xác trong các nhà tù. Thế rồi tôi quyết định bắt tay dịch trường ca này để hiến tặng tất cả những ai trong nước Việt Nam yêu quý của tôi đang chịu mọi nỗi thống khổ dưới chế độ bất nhân, với ước mong gợi được. Trong tâm tư người đọc một chút rung cảm, một chút suy nghĩ, một chút hiệp thông, một chút ý muốn vượt thắng cái ác, vượt thắng chế độ bất nhân để được sống an bình, vui sướng trong tình thương, tự do và hạnh phúc.

Xin ghi lại đây vài lời:

Về tác giả:

Anna Akhmatova (1890-1966)

Anna Akhmatova (1890-1966) là bút danh của Anna Gorenko. Bút danh này bà lấy từ họ Akhmata của ông tổ phụ thuộc dòng họ bên mẹ là vị khả-hãn (khan) ở Orda. Bà là nhà thơ Nga nổi tiếng, đồng thời là nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình văn học, dịch giả.
Bà sinh năm 1889 ở Odessa, trong một gia đình quý tộc. Năm 1890, cả gia đình bà chuyển đến Hoàng thôn ở Petersburg và hầu như suốt đời bà gắn bó với thành phố này.

Bà bắt đầu làm thơ khi 11 tuổi. Thơ của bà được in lần đầu tiên vào năm 1911, lúc bà 22 tuổi. Năm 1912, bà xuất bản tập thơ “Chiều tối”, năm 1914 – tập thơ “Tràng hạt” và sau đó tiếp tục cho ra những tập khác. Trong những năm 10 thế kỷ 20, bà theo trường phái acmeism. Đó là trào lưu thơ ca chủ trương từ bỏ tính huyền bí, đề cao tính trong sáng của thơ ca, đối lập với trường phái tượng trưng (simbolism). Những nhà thơ Nga nổi tiếng cổ súy trường phái này là N. Gumiliov, A.  Akhmatova, S. Gorodetski, O. Mandelshtam, v.v… Thơ của bà thể hiện lòng trung thành với những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản, sự suy tư về những bi kịch của người dân trong thế kỷ XX.

Số phận của bà rất bi đát. Dù bản thân bà không bị tù đày dưới chế độ cộng sản, nhưng ba người thân yêu nhất đời của bà đã bị đàn áp khốc liệt: người chồng thứ nhất (từ năm 1910 đến năm 1918), Nikolai Gumiliov, đã bị bắt và bị bắn chết năm 1921; người chồng thứ hai (từ năm 1923 đến năm 1953), Nikolai Punin, đã bị bắt ba lần và chết trong tù năm 1953; người con độc nhất Lev Gumiliov, bị tù trên 10 năm, mãi đến năm 1956 mới được thả ra. Những trải nghiệm của người vợ, người mẹ của những “kẻ thù của nhân dân” (từ mà chính quyền cộng sản gán cho những người bị đàn áp) đã phản ánh rõ rệt nhất trong bài trường ca “Requiem” của bà. Bài trường ca này bị cấm ngặt ở Liên Xô. Tuy vậy, năm 1963, có một bản được bí mật đưa đến Phương Tây, và Hiệp hội Nhà văn Lưu vong Nga đã cho xuất bản. Còn ở Liên Xô, mãi đến năm 1987 mới được xuất bản lần đầu tiên dưới thời perestroika.

Mặc dù được công nhận là nhà thơ kinh điển của thi ca Nga từ những năm 1920, nhưng dưới thời Liên Xô, A. Akhmatova đã bị cô lập, bị theo dõi, bị đả kích dữ dội. Bộ tổ chức TƯ ĐCSLX đã ra quyết nghị ngày 14.08.1946 về hai tạp chí “Ngôi sao” và “Leningrad”, trong đó kịch liệt phê phán sáng tác của Anna Akhmatova như sau (dịch theo nguyên bản): “Akhmatova là một đại biểu điển hình của loại thơ trống rỗng, vô tư tưởng, xa lạ với nhân dân ta. Thơ ca của bà ta thấm nhuần tinh thần bi quan và suy đồi, thể hiện khẩu vị của lối thơ xa-lông cũ rích, đông cứng trên những lập trường của đường lối mỹ học tư sản-quý tộc và đồi trụy là “nghệ thuật vị nghệ thuật”, không muốn đi cùng nhịp bước với nhân dân, gây tác hại cho sự nghiệp giáo dục thanh niên của chúng ta và không thể dung thứ được trong nền văn học xô-viết”.

Bà đã bị khai trừ khỏi Hội nhà văn Liên Xô. Cũng xin giới thiệu thêm với bạn đọc lời mạt sát trắng trợn và thô bỉ đối với bà thốt lên từ miệng của Andrei Zhdanov, ủy viên Bộ chính trị của ĐCSLX, phụ trách về văn học, nghệ thuật, một trong những hung thần khét tiếng dưới thời Stalin: “Hay là nữ tu sĩ, hay là gái đĩ, mà đúng hơn là nữ tu sĩ và gái đĩ, trong con người đó thì sự dâm đãng hòa lẫn với việc cầu kinh. <…>  Akhmatova là con người như thế, với cuộc đời tư bé nhỏ, chật hẹp, với những xúc cảm nhỏ nhen và lối khiêu dâm tôn giáo-huyền bí. Thơ ca của Akhmatova hoàn toàn xa nhân dân… ”.

Nhiều tác phẩm của bà chẳng những không được công bố khi bà còn sống, mà cả trên 20 năm sau khi bà đã qua đời cũng thế. Sự theo dõi, o ép nặng nề của chính quyền có lúc đã làm cho bà muốn nhân nhượng chút ít bằng cách làm vài bài thơ “đấu tranh cho hòa bình thế giới” để mong giảm bớt sự khắc nghiệt của nhà cầm quyền đối với mình. Nhưng vô hiệu. Từ đó bà cương quyết rút những bài ấy ra khỏi các tập sáng tác của mình.

Dù bị ĐCS đối xử tàn tệ, nhưng bà vẫn được công chúng yêu thơ ca cả ở nước Nga và trên thế giới mến mộ và đánh giá cao. Năm 1962, bà được đề cử Giải Nobel về văn chương. Trước năm 1964, bà thuộc diện “cấm không được xuất ngoại”, nhưng đến năm 1965 bà được cho đi Ý và Anh. Bà đã nhận được giải “Edna-Taormina” ở Ý và bằng tiến sĩ danh dự của Trường đại học Oxford ở Anh.

Anna Akhmatova  mất năm 1966, hưởng thọ 76 tuổi.

Ngày nay, nhiều tượng đài và bia lưu niệm của  A. Akhmatova đã được dựng lên ở Sankt Petersburg,
Xin nói thêm về những người yêu quý của A. Akhmatova, nạn nhân của chế độ độc tài:

Nikolai Gumiliov (1886-1921), nhà thơ Nga xuất sắc của thời đại ngân kim, người chủ xướng trường phái acmeism trong thi ca, nhà phê bình văn học, dịch giả, nhà du lịch, một trong những nhà nghiên cứu nổi tiếng về châu Phi. Tác giả các tập thơ “Những bông hoa lãng mạn”, “Ngọc châu”… Năm 1910, ông kết hôn với A. Akhmatova. Trong cuộc đại chiến thứ nhất 1914-1918, ông tình nguyện vào quân đội chiến đấu trên chiến trường. Năm 1018, ông ly hôn với A. Akhmatova. Sống dưới chế độ xô-viết, nhưng ông không che giấu quan điểm về tôn giáo và chính trị của mình. Năm 1921, ông bị bắt và 20 ngày sau bị xử bắn, vì bị buộc tội tham gia trong một vụ âm mưu lật đổ chính quyền. Sau này, khi Liên Xô đã sụp đổ, các nhà nghiên cứu mới khám phá rằng cái gọi là “vụ âm mưu” đó là do cơ quan an ninh của chính quyền xô-viết cố tình dựng lên để giết những trí thức bị tình nghi.

Nikolai Punin (1888-1963), sử gia về nghệ thuật, nhà phê bình hội họa, từ năm 1913-1934, làm việc ở Nhà bảo tàng Nga, phó giám đốc Viện Văn học nghệ thuật, giáo sư Trường đại học tổng hợp Leningrad và Học viện Hội họa, Điêu khắc và Kiến trúc, Tác giả nhiều tác phẩm viết về nghệ thuật. Năm 1923 kết hôn với A. Akhmatova. Ông bị bắt lần đầu tiên năm 1921. Những năm 30 lại bị bắt. Nhờ Boris Pasternak đưa đơn thỉnh cầu nên ông được thả ra. Đến năm 1949 lại bị bắt vào tù, đến năm 1953 thì mất trong tù. Sau này, ông được minh oan.

Lev Gumiliov (1912-1992), con trai của Nikolai Gumiliov và Anna Akhmatova, nhà khoa học Nga và Xô-viết, tiến sĩ sử học và địa lý, nhà thơ, dịch giả từ tiếng Perse (Ba Tư). Năm 1935, ông bị bắt, sau đó được thả ra. Năm 1938, lại bị bắt, bị kết án 5 năm tù. Năm 1944, sau khi ra tù tình nguyện vào quân đội tham gia chiến đấu chống phát xít, đã đến tận Berlin. Năm 1949, ông lại bị bắt, bị kết án 10 năm tù. Ở tù đến năm 1956, sau đại hội 20 của ĐCSLX, thì được thả ra và minh oan.  Ngày nay, ở thành phố Kazan đã dựng tượng đài Lev Gumiliov với dòng chữ: “Tượng người Nga đã bảo vệ cho người Tartar khỏi sự vu khống” và ở nước Kazakhstan đã lấy tên Lev Gumiliov đăt cho Trường đại học tổng hợp ở Astana, thủ đô mới của nước này.

Về trường ca “Requiem”:

Đây là một tập hợp gồm nhiều bài thơ ngắn. Mở đầu bằng bốn câu thơ “dẫn nhập” viết năm 1961, tiếp theo là một đoạn văn xuôi viết năm 1957. Đây là những năm sau đại hội ĐCSLX phê phán tệ sùng bái cá nhân Stalin (1956). Còn sau đó là những bài thơ viết rải rác qua nhiều năm, từ 1935 đến 1940.

Có thể nói, đây là một trong những tác phẩm thi ca đầu tiên đề cập đến nỗi khổ đau vô cùng tận của các nạn nhân trong các trận đàn áp dưới thời Liên Xô. Trong trường ca này – tác giả bộc lộ tâm tư của mình khi thì với người con yêu quý, khi thì với chính mình, khi thì với người cùng cảnh ngộ, khi thì với thần Chết… – tất cả đều thể hiện rõ tấn bi kịch khủng khiếp của nhân dân, nhân dân bị tước đoạt tự do đang khốn khổ trong một “nhà tù vĩ đại” là Liên bang Xô-viết, cũng như nhân dân đang rục xác trong những “nhà tù bé nhỏ” rải rác khắp đất nước trong “Quần đảo Ngục tù” gọi là GULAG. Trong trường ca bàng bạc tình yêu thương và mối cảm thông giữa những con người đau khổ mà hoàn toàn vắng bóng lòng căm thù, nỗi uất hận.

Thơ của Akhmatova có vần điệu rất chặt chẽ và tuyệt đẹp. Người dịch cảm thấy bất lực trong việc chuyển đạt những âm điệu đó mà chỉ mong sao truyền đạt chính xác ý tưởng của tác giả mà thôi. Hy vọng rồi đây có những nhà thơ sẽ bổ khuyết cho nhược điểm này của bản dịch.

N.M.C.
———————————–
ANNA AKHMATOVA: CA KHÚC TƯỞNG NIỆM
(REQUIEM)
1935 – 1940

Không, tôi không đứng dưới bầu trời khác lạ,
Không một cánh chim khác lạ nào che chở,
Hồi đó, tôi đã cùng với nhân dân tôi
Ở nơi mà nhân dân tôi, khốn thay, đã từng ở.
1961

THAY LỜI NÓI ĐẦU:

Vào những năm khủng khiếp thời Ezhov (1), trong mười bảy tháng liền, tôi đã phải xếp hàng cạnh nhà tù ở Leningrad (2). Một bận, có ai đó “nhận ra” tôi. Hồi ấy, một bà đứng sau tôi môi tím thâm, dĩ nhiên là bà không hề biết tên tôi, như sực tỉnh khỏi trạng thái sững sờ vốn có với tất cả chúng tôi, bà thì thầm hỏi khẽ bên tai tôi (ở đấy thì mọi người đều nói thì thầm):

- Chị có thể tả lại chuyện này được không?

Và tôi trả lời:

- Vâng, tôi có thể.

Lúc đó, hình như có một nụ cười thoáng qua trên cái trước đây đã từng là khuôn mặt của bà ta.
1 tháng 4 năm 1957
Leningrad

ĐỀ TẶNG

Trước nỗi đau khổ lớn lao này,
Núi cao gập mình, sông dài ngừng chảy,
Nhưng những then cửa nhà tù vẫn chốt chặt.
Còn sau cánh cửa là những “hang tù”
Và nỗi buồn đứt ruột.
Vì ai gió mát hắt hiu?
Vì ai mơn trớn ráng chiều hoàng hôn?
-    Chúng tôi nào có biết!
Khắp nơi chỉ nghe tiếng khóa tù đáng ghét
Rít lên ken két
Và bước chân nặng trịch của lính canh.

Dậy sớm như để kịp dự thánh lễ ban mai,
Lần bước qua đô thành hoang vắng,
Ở đấy, chúng tôi gặp nhau như những người chết vô hồn,
Mặt trời xuống thấp hơn, sông Neva mù sương hơn,
Mà hy vọng vẫn còn ca hát ở đằng xa.

Án quyết vừa tuyên… Tức thì dòng lệ trào lên,
Tôi đã bị tách khỏi mọi người,
Như thể sự sống bị rút ra từ con tim đau đớn,
Như thể bị quật nhào ngã nằm sấp mặt,
Nhưng vẫn đi… lảo đảo… cô đơn…

Đâu rồi những người bạn nữ tình cờ
Trong hai năm ác nghiệt của tôi?
Họ cảm thấy gì trong bão tuyết miền Siberia,
Ảo giác gì bàng bạc trong vầng trăng?
Tôi xin gửi tới họ lời chào vĩnh biệt.
Tháng 3 năm 1940

LỜI MỞ ĐẦU

Hồi đó, chỉ có người chết mỉm cười
Vui mừng được yên ổn.
Leningrad như một vật thừa vô dụng
Đung đưa cạnh những nhà tù.
Khi đoàn tù lê bước, đau khổ đến điên người,
Bác lái tàu rúc lên một hồi còi
Như hát bài ca vĩnh biệt ngắn ngủi.
Những ngôi sao chết chóc chiếu trên đầu chúng tôi,
Còn nước Nga vô tội thì quằn quại
Dưới những chiếc ủng đẫm máu
Và dưới những bánh xe tang đen ngòm.

I
Họ bắt con đi vào lúc rạng sáng,
Mẹ đi theo con như bước theo quan tài.
Trong buồng tối lũ trẻ khóc lóc,
Ngọn nến lụi dần trên bàn thờ Đức Mẹ,
Môi con đặt lên tượng thánh giá lạnh,
Trán con đầm đìa mồ hôi chết chóc…
Trời ơi, mẹ không thể nào quên được!
Mẹ sẽ làm như các bà vợ lính trung đoàn chiến binh (3)
Đến vật vã gào khóc dưới tháp điện Cẩm-linh (4).
(Tháng 11) 1935

II
Sông Đon (5) yên tĩnh chảy êm đềm,
Ánh trăng vàng nhợt lọt vào nhà,

Đội mũ lệch, trăng lưỡi liềm
Vào thấy một chiếc bóng chơ vơ.

Người đàn bà này ốm đau khốn khổ,
Người đàn bà này quạnh quẽ đơn côi.

Chồng nằm dưới mộ, con ngồi trong tù.
Xin hãy cầu nguyện cho tôi.
1938

III
Không, không phải tôi, mà là ai khác đang đau khổ.
Tôi không thể chịu được như thế, còn những gì đã xảy ra
Xin hãy đậy kín lại dưới những tấm dạ đen
Và hãy cất đi những chiếc đèn…
Đêm.
1939

IV
Giá mà chỉ cho mày xem, hỡi cô gái tinh nghịch,
Được tất cả bạn bè đều mến thương,
Nữ chúa bày trò vui nhộn ở Hoàng thôn (6),
Điều gì đã xảy đến trong đời mày.
Là người xếp hàng thứ ba trăm với giỏ nuôi tù
Mày sẽ đứng rục cẳng dưới khu Thánh giá (7),
Đôi mắt tràn lệ nóng bỏng của mày
Làm băng giá đầu năm tan chảy.
Ở đấy, cây dương cạnh nhà tù đứng run rẩy
Và lặng tờ không một tiếng vang. Còn trong kia
Biết bao người vô tội đang chết dần chết mòn…
1938

V
Suốt mười bảy tháng trời mẹ kêu vang,
Cố gọi con trở về nhà,
Mẹ phải phủ phục dưới chân tên đao phủ,
Vì con của mẹ cũng là nỗi kinh hoàng của mẹ.
Mọi sự mãi mãi rối tung
Và mẹ không còn phân biệt nổi
Giờ đây ai là con thú, ai là con người,
Và phải chờ bao lâu nữa mới tới giờ hành quyết.
Chỉ còn những bông hoa đẹp tuyệt (8)
Và tiếng bình hương âm vang, và những dấu chân
Đi đâu đó vào nơi không đến đâu cả.
Và bỗng một ngôi sao to tướng
Nhìn thẳng vào mắt mẹ
Và đe dọa cái chết đang tới gần.
1939

VI
Những tuần lễ nhẹ nhàng bay qua nhanh
Chẳng hiểu điều gì đã xảy ra với mẹ.
Con yêu ơi, trong tù con cảm thấy ra sao
Những đêm trắng (9) đã nhìn con thế nào,
Và chúng lại đang nhìn con
Bằng con mắt diều hâu nóng bỏng,
Chúng đang nói về khổ nạn cao cả của con
Và về cái chết.
1939

VII
ÁN QUYẾT

Lời nói nặng nề như tảng đá
Rơi xuống lồng ngực thoi thóp của mẹ.
Chẳng sao đâu, mẹ chịu đựng được mà
Vì mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng rồi.

Hôm nay mẹ có nhiều việc phải làm:
Mẹ phải giết chết hẳn trí nhớ,
Phải làm sao cho tâm hồn hóa đá,
Và phải học lại cách sống.
Nếu không thì… Tiếng lá xào xạc mùa hè
Reo lên như lễ hội ngoài cửa sổ.
Từ lâu mẹ đã linh cảm một ngày sáng sủa
Và ngôi nhà trống không.
1939. Mùa hè

VIII
NÓI VỚI THẦN CHẾT

Trước sau gì ngươi cũng tới. Sao không tới ngay bây giờ?
Ta đang chờ ngươi đây. Ta đau đớn lắm rồi.
Ta đã tắt đèn và mở toang cửa cho ngươi,
Ngươi thật giản dị và tuyệt vời.
Hãy hiện ra với dáng vẻ nào tùy ngươi,
Hãy ùa vào như viên đạn hơi độc
Hay xông vào như tên cướp sành nghề với cây gậy sắt,
Hay đầu độc ta bằng bùa mê thương hàn,
Hay bằng câu chuyện vớ vẩn do ngươi bịa đặt
Và bằng tất cả những gì quá ư quen thuộc, -
Để ta thấy được bên trên mũ xanh lam
Và mặt tái mét vì sợ của người quản gia.
Bây giờ thì đối với ta đằng nào cũng thế thôi.
Sông Enisey (10) сuồn cuộn, sao Bắc cực lấp lánh.
Còn ánh xanh của đôi mắt muôn vàn yêu dấu
Nỗi kinh hoàng cuối cùng đang khép lại.
19 tháng 8 năm 1939
Nhà trên phố Vòi nước (11)

IX
Cơn điên dại đã phủ cánh
Lên một nửa tâm hồn tôi,
Vừa chuốc rượu nồng cháy,
Vừa quyến rũ tôi xuống thung lũng đen ngòm.
Và tôi hiểu là tôi phải nhường thắng lợi cho nó,
Khi nghe theo cơn mê sảng của mình
Mà dường như của người nào khác lạ.
Còn nó – dù tôi có cầu khẩn van xin gì đi nữa –
Nó chẳng cho phép mang theo tôi:
Cả đôi mắt hãi hùng của cậu con trai
Với nỗi đau đã hóa đá,
Cả cái ngày khi bão táp ập đến,
Cả cái giờ thăm nuôi nó trong tù,
Cả cái mát lạnh mến yêu của đôi bàn tay nó,
Cả cái bóng râm rung động của rừng gia,
Cả cái tiếng thì thầm khe khẽ xa xa
Là những lời cuối cùng an ủi.
4 tháng 5 năm 1940
Nhà trên phố Vòi nước

X
HÀNH HÌNH
“Mẹ ơi, đừng khóc cho con,
nằm trong mồ mà vẫn thấy”.
1
Giờ phút trọng đại các thiên thần cùng hát bài tụng ca,
Các tầng trời nóng chảy ra trong lửa hừng hực.
Ngài nói với Đức Chúa Cha: “Sao Cha lại bỏ con?”
Còn với Đức Mẹ: “Mẹ ơi, đừng khóc cho con…”
1938

2
Nàng Magdalina vật vã khóc than,
Người môn đệ yêu quý (12) đã hóa đá,
Và không một ai dám nhìn về phía đó,
Nơi Đức Mẹ đang đứng lặng thinh.
1940
Nhà trên phố Vòi nước
ĐOẠN KẾT
1
Mẹ nhận ra những bộ mặt teo tóp,
Như từ dưới mi mắt ló ra nỗi kinh hoàng,
Khổ đau ê chề hằn sâu trên má hóp,
Như dòng chữ dạng nêm (13) trên trang giấy cứng,
Như những búp tóc đen nhánh và xám tro
Bỗng trở thành bạc phơ,

Nụ cười héo hon trên đôi môi ngoan ngoãn,
Nỗi sợ hãi run run trong cái cười khẽ khô khan.
Và mẹ cầu nguyện chẳng riêng gì cho mẹ,
Mà cho tất cả những ai cùng xếp hàng với mẹ cạnh nhà tù
Cả trong giá buốt mùa đông, cả trong nồng nực mùa hè
Dưới bức tường đỏ rực chói chang.

2
Giờ tưởng niệm lại tới gần lần nữa.
Tôi thấy, tôi nghe, tôi cảm giác các bạn:
Cả người liệt phải vất vả dìu đến cửa sổ,
Cả người không giẫm bước trên đất quê cha,
Cả cô gái lắc lắc cái đầu xinh đẹp
Và nói: “Tôi đến đây như trở về nhà”.
Tôi muốn gọi tất cả mọi người bằng tên của họ.
Nhưng danh sách đã bị tước mất rồi
Thì lấy đâu ra mà biết được.
Tôi đã dệt cho họ chiếc khăn phủ rộng
Bằng những lời đáng thương mà tôi nghe lỏm ở họ.
Tôi luôn luôn nhớ đến họ khắp nơi khắp chốn,
Cả trong cơn hoạn nạn mới tôi cũng sẽ không quên họ.
Và nếu người ta bóp miệng khốn khổ của tôi,
Nơi qua đó cả trăm triệu người đang gào thét.
Tôi mong sao họ sẽ tưởng nhớ đến tôi
Trong đêm trước ngày giỗ của tôi.
Và nếu có lúc nào đó trên đất nước này
Người ta muốn dựng tượng đài cho tôi,
Tôi sẽ đồng ý lễ hội mừng đó
Chỉ với điều kiện:  không đặt nó
Trên bờ biển nơi tôi đã chào đời (14)
(Mối dây cuối cùng với biển đã đứt rồi),
Không đặt nó trong vườn Hoàng thôn bên gốc cây thân thiết,
Nơi bóng thời trẻ khôn nguôi tìm kiếm tôi,
Mà đặt ở đây, nơi tôi đã rục cẳng đứng ba trăm giờ
Và là nơi người ta không chịu mở cửa cho tôi.
Bởi vì trong cái chết sung sướng, tôi sợ
Quên mất chiếc xe tang đen chạy rrầm rầm,
Quên mất cánh cửa đáng ghét đóng sập ầm
Và bà lão rú lên như con thú bị thương.
Hãy để từ đôi mi bất động của tôi bằng đồng
Tuyết tan chảy xuống như lệ nhỏ ròng,
Hãy để tiếng bồ câu nhà tù gù gù xa xa,
Và những chiếc tàu lững lờ chạy trên dòng Neva.
Khoảng 10 tháng 3 năm 1940
Nhà trên phố Vòi nước

© Nguyễn Minh Cần

© Đàn Chim Việt
—————————————

Chú thích:
1. Nikolai Ezhov (1895-1940), bí thư và là ủy viên dự khuyết Bộ chính trị TƯ ĐCSLX, bộ trưởng nội vụ (1936-1938), tổng ủy viên an ninh (1937-1941) là một trong những đao phủ khét tiếng trong cuộc đại khủng bố (1937-1938) dưới thời Stalin. Năm1941, bị bắt và bị xử tử vì bị buộc tội âm mưu làm đảo chính.
2. Nhà tù đó có tên là Krestư, Xem thêm chú thích 7.
3. Chiến binh (streltsư) là những lính bộ binh của nước Nga từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18. Dưới thời Nga hoàng Piotr đệ Nhất, đã xảy ra cuộc nổi loạn năm 1898 của bốn nghìn chiến binh ở Moskva vì cuộc sống khổ cực nên binh lính nổi dậy. Cuối cùng cuộc nổi loạn bị dẹp tan, gần 2000 người bị hành quyết. Hình ảnh những người vợ của các chiến binh đến vật vã gào khóc dưới tháp điện Cẩm linh là ý nói về sự kiện đó.
4. Điện Cẩm linh, tức là điện Kremli hay Kremlin, là cung điện của Nga hoàng ở Moskva. Từ năm 1917 đến nay là dinh thự của những nguyên thủ nhà nước xô-viết và Liên bang Nga. Cung điện được bao bọc bởi một bức tường cao, dày, cạnh các cổng có những tháp cao.
5. Don là sông lớn ở phần châu Âu của nước Nga.
6. Hoàng thôn, dịch từ chữ Tsarskoe Selo (Làng Vua) là một vùng ở cách St. Petersburg chừng 25 km, trong đó có cung điện của Nga hoàng, được thành lập từ năm 1710. Tên Tsarskoe Selo được dùng từ năm 1780 đến năm 1917, còn từ 1918 đến năm 1937, vì chính quyền mới muốn xóa bỏ mọi dấu vết của chế độ cũ, nên gọi là Detskoe Selo (Làng trẻ con), còn từ 1938 đến nay gọi là Pushkin. Thời còn ấu thơ và trẻ trung, Akhmatova sống ở vùng này.
7. Khu Thánh giá (Krestư) là một tổ hợp các dãy nhà tù được xây dựng ở Petersburg từ năm 1868. Trong khuôn viên nhà tù có đại giáo đường Thánh Alexandre Nevski. Các dãy nhà tù xếp theo hình thánh giá nên gọi là Krestư, tức là Thánh giá.
8. Chữ này ở hai bản in khác nhau, một bản in là “pưlnưi” (phủ bụi, đầy bụi), bản khác là “pưshnưi” (lộng lẫy, tuyệt đẹp). Chúng tôi thấy chữ “pưshnưi” hợp với văn cảnh hơn, nên dịch là đẹp tuyệt.
9. Những đêm trắng là hiện tượng thiên nhiên hàng năm vào tháng sáu ở vùng gần Bắc cực, ban đêm trời vẫn sáng như ban ngày.
10. Phố Vòi nước là một phố cổ ở St. Petersburg. A. Akhmatova sống nhiều năm ở phố đó. Hiện nay ở đấy có Bảo tàng A.Akhmatova.
11. Sông Enisey ở Siberia, một trong những con sông lớn trên thế giới, đổ ra Bắc Băng Dương.
12. Ý nói tông đồ Gioan, được Chúa Giesu yêu quý nhất.
13. Hệ thống văn tự cổ nhất (khoảng 3500 năm trước công nguyên) phát hiện được ở vùng Lưỡng hà. Những “chữ viết” này có dạng “nêm” được ghi trên những mảnh đất sét khi còn mềm rồi để chúng cứng lại.
14. A.Akhmatova sinh ở Odessa, thành phố trên bờ Hắc Hải.

2 Phản hồi cho “Ca khúc tưởng niệm”

  1. Sigma says:

    “Thuở Anh chưa ra đời
    Trái đất còn nức nở
    Nhân loại chửa thành người
    Đêm ngàn năm man rợ”
    (Tố Hữu- ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng sản Việt nam)

    *****

    Ta Hỏi Ngươi
    Ta hỏi ngươi, Tố Hữu, đôi lời
    Ngươi nói thủa ngươi “chưa ra đời
    Trái đất còn nức nở
    Nhân loại chưa thành người”
    Vậy bố mẹ ngươi
    Là trâu, bò, chó, lợn, đười ươi?
    NCT, 1979

  2. quang phan says:

    Trong khi nhà thơ Nga Anna Akhmatova – “Trước nỗi đau khổ lớn lao này
    Núi cao gập mình, sông dài ngừng chảy
    Nhưng những then cửa nhà tù vẫn chốt chặt
    Còn sau cánh cửa là những “hang tù”
    Và nỗi buồn đứt ruột ”
    ( Ngưng trích)
    ở Việt Nam, “thi sởi cẩu nô” Tố Hữu- ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng sản Việt nam- thì lại mở miệng tồ tồ ca tụng Quỷ Vương Stalin rằng:

    Thuở Anh chưa ra đời
    Trái đất còn nức nở
    Nhân loại chửa thành người
    Đêm ngàn năm man rợ
    …….

    Ngày xưa khô héo quạnh hiu
    Có Người mới có ít nhiều vui tươi
    Ngày xưa đói rách tơi bời
    Có Người mới có được nồi cơm no

    “Hoan hô Xít Ta Lin

    Ðời đời cây đại thọ

    Rợp bóng mát hòa bình

    Ðứng đầu sóng ngọn gió
    ……
    Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
    Ông Stalin bên cạnh nhi đồng
    Áo Ông trắng giữa mây hồng
    Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười
    ……”
    Thật là rõ tởm !

Leave a Reply to quang phan