WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Miến hư ảo [2]: Giang blog – Lời yêu thương cho Nông Lâm

Tiếp theo phần I

Tác giả Lưu Thủy Hương

Hãy để mỗi người trong chúng ta tự chọn cho mình một thời khắc để quay về.

Tôi đi từ chân đồi lên mang theo sương đêm lạnh lẽo phủ nhạt nhoà trên con đường nhựa không ánh đèn. Dưới tàn lá phượng vĩ mùa xuân mềm mại li ti, tôi chống cuốc nhìn vào sân trường. Các bạn của tôi ngồi quanh đây đông đủ cả, họ trẻ hơn những hình ảnh trong trí nhớ của tôi rất nhiều. Đêm mồng bảy âm lịch, vầng bán nguyệt huyền ảo nửa ẩn nửa hiện giữa bầu trời đen thăm thẳm, tiếng quạ kêu khoắc khoải dưới chân đồi, tiếng côn trùng trong những góc tối trôi miên man qua những ống sậy khô thổi vào đêm điệu sáo ai hoài. Tôi trở về đây để tìm lại bạn bè trong vùng quá khứ và để gặp lại một người. Dáng dấp mảnh mai ẻo lả của nàng hiện dần ra dưới bóng trăng. Tôi chậm rãi nhắm mặt lại, bức tranh cũ kỹ treo trên tường vàng vọt lung linh, những hình ảnh chập chờn chuyển động và dường như từ trong vùng ký ức cằn cỗi những âm thanh của đêm xuân tuổi hai mươi rộn rã gọi mời.

Tôi là Giang, Nguyễn Thanh Giang, sinh viên năm thứ hai lớp NH41, khoa Nông Học, trường Đại Học Nông Lâm – Thủ Đức.

Mồng bảy âm lịch, đêm trực trường của lớp NH41, 9 giờ tối, trên sân trường hình chữ U. Một đám đang đánh bài, một đám nhậu nước lã tâm sự chuyện đời, một đám đang mắc mùng đuổi muỗi trong xó hành lang. Nhỏ Duyên to mồm ngồi giữa sòng sát phạt cười ngặt nghẽo, chắc là thua tơi bời, chưa thấy ai binh lủng như Duyên, cũng không thấy ai dốt cờ bạc như Duyên. Nhưng cô nhỏ này yêu đời phơi phới, lúc nào cũng cười tươi như hoa, thắng thua gì cũng cười và bao giờ cũng có một câu triết lý khấp khểnh lãng nhách chẳng ăn nhập vào đâu, cũng chẳng liên quan gì tới cái bản tính thẳng tuột ruột ngựa của cô nàng.

“Cuộc đời không cho mình nhiều sự chọn lựa.”  Trời ơi, đâu phải một mình Duyên, thử hỏi, trong đám bạn ngồi ở đây có bao nhiêu đứa có được sự tự do chọn lựa một điều gì tốt đẹp hơn cho cuộc đời mình.

Chị Mẫn anh Bốn ngồi ngay bệ cửa ra vào giảng đường, bốn mắt nhìn nhau chan chứa tình thương mến thương thèm một cái mùng chung mà không dám mắc. Thằng Sỏi vừa ngáp vừa lén lút thò tay xuống áo gãi mấy cái mụn ghẻ, cái bóng gầy còm của nó chìm dần trong bóng tối của cây ngô đồng. Hình ảnh thằng Sỏi thường nhạt nhoà u uẩn như rứa, không bao giờ nổi lên rõ rệt giữa đám đông xô bồ của NH41. Cả trong cuộc sống và cái chết, cả trong hiện tại và quá khứ, cả trong niềm vui ít ỏi và nỗi buồn lê thê nó luôn là đứa đứng thấp thỏm bên lề, đau khổ, đói khát, hoài nghi và nhẫn nhục.

Buổi tối dài không tưởng, bốn mươi con ruồi đậu vất vưởng canh chừng cái vỏ chanh khô, trường đại học này hoang tàn quá đỗi, còn gì mà bắt sinh viên đêm đêm lên đây canh giữ. Một đống chai lọ sứt mẻ trong phòng thí nghiệm vi sinh, vài cục pin rỉ, đèn đứt bóng trong phòng vật lý, mấy gói đất, mấy cục đá trong phòng thổ nhưỡng…
Hoài Bắc ngồi im lìm trong bóng tối ở bậc cầu thang bên trái sân chữ U, mái tóc xoã dài che nửa khuôn mặt. Không biết Bắc đang nghĩ gì, chỉ thấy nửa khuôn mặt trắng ngần của nàng hiện ra diệu vợi như vầng bán nguyệt. Tôi không đứng đó ngẩn ngơ nhìn nàng như trong những giấc mơ đói khát hàng đêm, tôi thanh thản vác cuốc tới ngồi cạnh bên nàng. Bởi vì hai đứa là bạn thân, thân nhau từ hôm Bắc bị xe đụng, thân nhau từ khi tôi vừa khóc vừa cõng nàng chạy đi cấp cứu ở trạm xá. Bắc không quay sang, nhưng tiếng nói của nàng như sợi chỉ nhỏ xuyên qua ánh trăng, xỏ đúng vào lỗ tai tôi, cứ như chưa bao giờ chúng tôi xa nhau.

“Giang hả? Sao tới trễ vậy?”

Tim tôi thắt lại, câu hỏi làm tôi ngỡ như là nàng đợi mình, đợi từ lâu lắm rồi. Tôi biết, tôi biết chớ, Bắc chỉ vô tình hỏi rứa thôi, nhưng vì giọng nói nàng nhỏ nhẹ quá êm đềm quá mà tôi xôn xao. Tôi lắng nghe tiếng cười của mình, bỗng ngạc nhiên, tiếng cười tuổi hai mươi vui vẻ trong sáng như rứa sao. Làm răng có thể vui vẻ trong sáng trong những tháng ngày đói khát tuyệt vọng đó?

“Bắc lên đây ngồi lâu chưa? Răng không ra đánh bài với tụi nó cho vui? Ờ, Giang đi đào sùng ngoài sườn đồi, nhưng tối nay chẳng đào được con nào. Đất đồi mùa ni lại khô quá.”

Bắc rùng mình như là cố giấu cơn buồn nôn. Tụi con gái mà nghe chuyện đào sùng nấu cháo là khiếp vía. Tôi nhớ tới câu triết lý của Duyên lại tức cười, cuộc đời không cho mình nhiều sự chọn lựa. Chọn lựa cái con khỉ mốc gì, sùng tụi tôi cũng ăn, mối tụi tôi cũng ăn, cào cào dế lửa dế than châu chấu… ăn tuốt hết.

Ánh trăng non xuyên qua tàn lá liễu, đọng thành những đốm đen trắng loang lổ trên nền sân tráng nhựa đen. Tôi quay mặt đi, không muốn nhìn về hướng đó vào giữa lúc này, khi cái đói ùn ùn kéo tới thì tôi cứ nghĩ tới anh Tranh và nỗi ám ảnh cứ bám theo mình dai dẳng nhất định không buông tha. Cũng vì nỗi ám ảnh đó mà tôi phải quay trở về đây. Chỗ anh Tranh té xuống ngay trước mặt chỗ tụi tôi đang ngồi, kìa, vệt máu đen qua bao ngày mưa gió vẫn không phai đi, vẫn nằm nguyên vẹn ở đó lẫn vào bóng trăng như cái huyệt đen ngòm.

Anh Tranh từng nằm đó, hai tay dang rộng, mắt nhìn lên bầu trời, đôi môi mang nụ cười bí ẩn. Nửa đêm mà anh leo lên sân thượng giảng đường tìm cái chi rồi té xuống sân trường? Chỉ rặt những tin đồn thị phi, những mẩu chuyện quái đản về một nhân vật từng nổi tiếng lẫy lừng như anh. Ồn ào nhất là tin đồn anh thất tình một cô gái điếm ở Sài Gòn. Bạn bè lắc đầu thương xót, chỉ có thất tình kiểu đó mới làm người ta tuyệt vọng mất phương hướng như vậy. Hôm đưa đám, thầy trưởng phòng Đào Tạo cũng nhân dịp nhắc nhở toàn thể sinh viên, người sinh viên xã hội chủ nghĩa nên yêu đương trong sáng, tạo điều kiện giúp đỡ nhau học tập, đấu tranh bài trừ những loại tình cảm tiểu tư sản, đồi truỵ … Tôi nhìn sững cái quan tài ọp ẹp đóng bằng gỗ bàn gỗ ghế, không biết anh Tranh có nghe thầy trưởng phòng nói không, không biết anh Tranh có nghe xong rồi bò dậy ôm bụng cười không.

Sau cái chết lạ lùng của anh, sinh viên trong trường nhận thêm lệnh mới, các lớp phải thay nhau canh giữ suốt đêm sân chữ U, không cho bất kỳ sinh viên nào ra vào giảng đường. Người ta phòng ngừa chuyện lại có thêm một thằng thất tình nào trượt chân té xuống chết lãng gây phiền hà cho ban giám hiệu. Thật ra đứa nào muốn tự tử thì có trăm ngàn cách, canh giữ làm sao mà được, như chuyện tuần rồi mấy thằng khoa kinh tế kéo ra hồ đá trầm mình. Cũng là chết, chết chìm, chết xe đụng, chết đạp mìn, nhưng không cái nào gây hoang mang bí ẩn như kiểu té lầu của anh Tranh. Vệt máu đen còn nguyên ở đó, nằm ngay trên đường đi học, nằm ngay bên cạnh nhóm đánh bài.

Nhỏ Duyên lại thua thêm một ván, cô nàng cười nghiêng ngả, xô luôn thằng Thung té vô vũng máu khô. Tôi rùng mình. Thằng Thung vừa té vừa cười nắc nẻ cứ như là anh Tranh cù lét nó. Tôi nắm bàn tay mình lại, cảm giác nắm đất lạnh khô vẫn nằm trong tay, cảm giác cái huyệt sâu đen hun hút phía trước vẫn đang chờ được lấp đầy. Anh Tranh nói, thả nó xuống huyệt để mà đi tiếp. Anh nghĩ đơn giản vậy sao, anh Tranh? Thả nắm đất xuống huyệt của anh, nhưng còn những thương tổn trong tâm hồn của tôi, làm răng mà để lại phía sau, lấy chi mà lấp đầy? Anh bỏ cuộc quá sớm nhưng tôi còn phải đi tiếp, đi cho hết những năm tháng còn lại của mình. Tội nghiệp! Tội nghiệp cho anh hay tội nghiệp cho tôi? Hay tội nghiệp cho cả thế hệ của mình? Tôi không tin những lý giải của tay blogger nấp sau cái tên anh để viết về cái chết của anh. Anh chết vì lý do gì bạn bè không ai biết nổi, nhưng tôi dám chắc, khi chết anh cũng đói meo như tôi đang đói bây giờ.

Ý nghĩ quay trở về đây để rồi phải đối diện với cái đói làm tôi sợ hãi, chỉ muốn chạy trốn bỏ lại sau lưng mình những tháng ngày đói khát, bỏ lại sau lưng mình miền quá khứ u buồn. Nhưng, chạy trốn không phải là một cách giải quyết rốt ráo. Cho dù tôi chạy trốn tới phương trời nào, nỗi ám ảnh đó vẫn cứ đuổi theo tôi không buông tha.

Tôi đói.

Gió đập vào khung cửa kính thư viện, cánh cửa sổ bỗng mở ra loang loáng dưới ánh trăng. Một vệt sáng chợt lướt ngang nửa khuôn mặt u uẩn khuất dưới mái tóc bù xù. Tôi nhìn sững chiếc bóng đen xiêu vẹo lẩn khuất ở chân tường, loáng thoáng nhận ra hình ảnh mụ lao công nhưng cũng không chắc lắm. Chưa bao giờ tôi nhìn rõ được mặt mụ. Mà mụ ni quanh quẩn tìm chi ở góc nớ? Chiếc bóng vặn vẹo dưới ánh trăng rồi tan biến vào vùng bóng tối. Cảm giác rờn rợn từ phía sau tràn tới như có cái gì đó lạnh lẽo ướt át đang bò nhột nhạt trên sống lưng.

Tôi rùng mình há miệng ngáp cố quên đi cảm giác rờn rợn trên lưng. Bụng tôi quặn thắt giữa cơn đói cồn cào, cảm giác mệt mỏi rã rời. Lần cuối cùng tôi được ăn hủ tiếu mì là khi mô? Răng không tài nào nhớ được hương vị của hắn? Mì trứng? Hành phi? Nước lèo tôm khô? Hương cơm gà quay, hương cơm tấm bì, hương cơm cà ri… Hương cơm gà quay phải sực mùi ngũ vị hương, mùi xì dầu. Hương cơm tấm bì phải đượm mùi thính bì, mùi mỡ hành…Ha ha.

Tôi đói.

Thường thì tụi tôi ngủ để quên đói, kiểu thức trắng đêm nghe bụng rỗng kêu gào rồi mơ tưởng như vầy là một cực hình. Tôi nhắm mắt lại tưởng tượng tới tô mì gói quán chị Phụng. Mùi gia vị, mùi hành khô, mùi dầu bám trên những sợi mì chiên vàng. Tôi sẽ nói chị Phụng chế thật nhiều nước sôi. Miếng nước lèo nóng sẽ chui qua cổ họng, chui dần vào bao tử lép xẹp. Cái bao tử của tôi sẽ nở ra, nở ra mềm mại đón lấy những cọng mì mềm mại. Không, nhất quyết không phải là mì dây thun của anh Tranh.

“Giang.” Bắc gọi nhỏ.

“Ờ.”

“Mình đi dạo chút không?”

“Ờ.” Tôi lơ lửng trả lời, rồi ngạc nhiên nhận ra cái giọng mềm như cọng mì bở của mình. Lẽ ra tôi phải mừng rỡ vì lần đầu tiên được đi dạo ban đêm với Bắc, lẽ ra tôi phải ngạc nhiên vì Bắc bỗng dưng bạo dạn ngỏ lời, nhưng tôi chỉ uể oải đứng lên và thấy đói.

Chị Mẫn anh Bốn đã biến đi từ lúc nào, bây giờ chắc hai đồng chí cán bộ lớp đã cởi xong tấm áo đạo đức để ngồi ôm nhau cùng đuổi muỗi trong vườn điều.

Bắc đi phía trước, thân hình nàng lả lơi mềm mại. Tôi đi theo sau Bắc chậm một bước chân để vừa đủ ngắm một bờ vai xuôi, một mái tóc êm đềm. Con trai miền Trung mê con gái tóc dài chi lạ. Nếu tôi dấn lên nửa bước thì sẽ thấy một phần má trắng trẻo của Bắc và cái mũi thanh thanh. Chỉ nửa bước thôi. Nhưng rồi tôi nén giữ cảm giác thèm muốn lạ lùng đó lại chỉ bước đi lẽo đẽo theo sau nàng. Ngang qua khu cư xá Kinh Tế, Bắc bước nhanh hơn, nhanh như là chạy, cứ như Bắc sợ người ta thấy hai đứa đi chung với nhau. Tôi biết ý nên tụt lại phía sau Bắc một khoảng xa, lặng lẽ ngắm dáng Bắc lả lơi trong bóng trăng. Bắc duyên dáng bẩm sinh, đẹp từ trong trứng nước, không cần phải làm bộ làm tịch như mấy đứa con gái khác. Một người đẹp như Bắc không hiểu tại sao lại lạc vào giữa đám sinh viên dân cày để đánh bạn với một thằng nghèo rỗng ruột. Bắc cười cười thiệt hiền, hai đứa mình có những điểm giống nhau. Thật rứa à? Mà giống chỗ mô?

Ánh đèn dầu từ mấy ô cửa sổ cư xá hắt ra buồn ảm đạm, đêm cúp điện nhiều hơn đêm có điện sao vẫn thấy buồn. Đêm nay cúp điện toàn trường, bốn cư xá đều tối om om. Cúp điện kèm theo cúp nước. Gió đưa mùi nước đái khai rình từ mấy cư xá nam bay qua cư xá nữ. Không biết mấy giờ rồi, tôi không có đồng hồ, mà cũng chưa bao giờ có đồng hồ, nếu có thì sẽ bán ngay để mua gạo. Cư xá nữ còn mở cửa thì chưa tới mười giờ đêm.

Tôi theo Bắc đi lang thang ra phía dốc xa lộ, cũng không rõ Bắc dẫn tôi đi đâu. Mà hình như Bắc cũng chẳng biết đi đâu, cứ cúi đầu lủi thủi bước vậy thôi. Thỉnh thoảng qua những đoạn đường tối, Bắc quay lại nhìn coi tôi có còn ở phía sau hay không. Tôi không đi nhanh theo Bắc mà chỉ giả bộ ho lên một tiếng nhỏ để Bắc đừng sợ. Mà Bắc sợ thì cứ sợ đi, tôi đi theo Bắc cho quên đói thôi chứ sức tôi yếu như con ốc sên làm cách chi bảo vệ được Bắc, thằng con nít xô nhẹ tôi cũng té lăn quay.

Con đường len lỏi giữa bóng mây, trời đêm vần vũ xám, xa xa một vùng ánh sáng hắt lên từ phía thị trấn. Những dãy hàng quán ẩn trong vườn tràm lao xao một thứ đèn vàng vọt, nhấp nháy như đom đóm đồng. Ở đó có cà phê, có bàn bi da, có quán chè,có nhạc dìu dặt… có những góc tối tĩnh lặng. Tôi bước nhanh lên cạnh Bắc, nói vui.
“Nếu có tiền thì mình dẫn Bắc vô quán Mị ăn chè.”

Bắc cười nhỏ.

“Thôi, ai mà dám vô đó, kỳ lắm.”

Tôi đoán là Bắc chưa đi chơi đêm với ai bao giờ. Nam nữ dẫn nhau vào quán Mị là công khai nhận là bồ bịch rồi. Tôi với Bắc chỉ là bạn cùng lớp, thân phận khố rách áo ôm như vầy muốn đi xa hơn cũng khó. Bắc có hàng đống con trai vây quanh chầu chực để mong đưa Bắc đi chơi. Tụi nó sẵn sàng đánh nhau, chửi nhau, giết nhau vì Bắc. Nhưng Bắc dửng dưng với tất cả, dửng dưng đến độ tôi tự hỏi, lẽ nào trái tim của Bắc không biết rung động. Thật khó mà tìm được câu trả lời vì bao giờ Bắc cũng tỏ ra tử tế nhu thuận và biết kìm chế. Trong quán cà phê tụi con trai tán dóc về Bắc, bên những bậc thang giảng đường tụi nam sinh xì xào mỗi khi Bắc xuất hiện. Nhưng Bắc chỉ ngoan ngoãn cúi đầu đi giữa những lời thị phi mà chẳng chú ý tới ai.

Có những tiếng cười nói ồn ào phía trước, đám sinh viên khóa nào đi nhậu khuya la ó ầm ĩ. Mấy thằng điên này mà bắt gặp Bắc đi một mình trên đường là chọc ghẹo lôi thôi lắm, bắt gặp đi chung với tôi thì còn tệ hại hơn. Bắc dừng lại quay sang tôi hoảng hốt thì thào.

“Giang, phía trước có người.”

Dẫu biết là Bắc không muốn ai bắt gặp quả tang đi chơi với bạn trai ban đêm, nhưng cái kiểu hoảng hốt quá đáng của Bắc làm tôi đâm tự ái. Tôi trả đũa bắng cách lủi đại vào vùng cỏ dại cao lút đầu, đất dưới chân nhấp nhô hang chuột. Bắc lầm lủi bước phía sau, nhưng chắc không quen lội đồng cỏ nên thỉnh thoảng lại vấp, thỉnh thoảng lại ngã chúi về phía trước. Lúc đó tôi mới nhớ, chân Bắc bị xe đụng còn chưa lành hẳn.
Ừ, Bắc bị xe đụng, ngay dưới chân dốc.

Từ chỗ này nhìn thẳng xuống dốc là ngã ba Tan Thương, nơi Bắc bị xe chở đá cán ngang qua. Tám cái bánh xe tải đá khổng lồ nghiến ken két trên mặt đường nhựa, cái xe đạp nát dúm, nhưng không hiểu sao mà Bắc thoát chết. Tôi rùng mình, cảm giác ớn lạnh nơi sống lưng lại tràn tới. Miếu Tan Thương nằm ngay bên cạnh cánh rừng điều tăm tối hiện ra cô độc u uẩn dưới ánh trăng, ô cửa đổ nát dẫn vào một vùng tối đen hun hút sâu thăm thẳm. Đó là ngôi miếu của người dân quanh vùng lập để cầu siêu cho oan hồn mấy thằng sinh viên bị xe đụng. Tôi cố không nghĩ tới mấy cảnh xe đụng máu me lênh láng, cố không nghĩ tới cái xác thằng bạn mình tái mét nằm bất động trên đường. Dường như có một cái gì đó ở phía sau, một cái gì đó không hình thù không mùi vị, nó đuổi theo tôi và Bắc. Nó đến rất gần, chỉ cần tôi quay lại là sẽ bắt gặp nó. Tôi rảo bước gần như là chạy, tiếng bước chân Bắc đuổi thấp thỏm theo sau.
Gió từ sau miếu Tan Thương thổi qua bờ cỏ hoang đẩy màn sương lạnh rờn rợn trôi về phía trước.

Hai đứa chạy qua khỏi trảng cỏ dại lúc nào không hay, tiếng xe đêm từ phía quốc lộ 1 vọng tới rì rầm, ánh đèn xe loá lên sau hàng liễu. Tôi ngượng ngùng chậm bước chờ Bắc, chờ nghe một tiếng cằn nhằn hay một lời trách móc, nhưng Bắc chỉ im lặng. Tôi cũng im lặng, tự động đi thụt lại phía sau Bắc một bước chân.

Ra tới đường lộ, hai đứa vẫn im lặng, rồi cũng chẳng biết đi đâu nữa nên đành đứng lơ ngơ bên đường nhìn những chùm đèn xe nối đuôi nhau. Tôi đứng cách Bắc một tàn cây dương liễu, phía bên kia là chợ đêm, chỉ có vài hàng ăn xập xệ cho xe khách từ miền Trung vô thành phố. Chiếc xe đò Quãng Ngãi-TPHCM ì ạch leo dốc, trên xe gà heo kêu ngoắc ngoải, mùi miền quê khăm khẳm thân thuộc, ánh sáng đèn vừa khuất sau con dốc, tiếng máy rầm rì cũng tan dần trong bóng đêm. Tôi nghĩ tới quầy bánh mì thịt bên kia đường, ổ bánh mì có dưa leo, có nước sốt, có vài lát thịt quay… cắn vô một miếng mùi vị ngon ngọt thấm xuống cổ họng. Bắc đột ngột lên tiếng.

“Giang, bạn có biết thù hận không?”

Tôi giật mình ngó sang khuôn mặt Bắc khuất lấp trong tán liễu, chỉ thấy một khoảng má trắng ngà như ruột bánh mì. Bắc đang nghĩ gì mà lại hỏi như vậy. Tôi không tài nào hiểu được câu chuyện đêm nay, không tài nào đoán được ý Bắc, chỉ thấy thèm bánh mì, mùi thơm của bột, mùi thơm của ngò… Tôi tiếc nuối nuốt nước miếng, trả lời qua loa.

“Ờ. Mình chỉ căm ghét lung tung thôi. Có chi mô mà thù hận?”

Chiếc xe tải chạy từ thành phố ra hướng Biên Hoà ào ào đổ dốc vượt qua chỗ tụi tôi đứng. Bắc nghiêng người ra khỏi tàn liễu đưa tay ra trước mặt chụp lấy ánh đèn pha. Ánh đèn vụt sáng trong bàn tay Bắc, soi lên khuôn mặt Bắc, vầng trăng tròn chợt hiện ra trong phút chốc lạnh lẽo lạ lùng.

“Giang không thù kẻ giết cha mình sao?”

Câu hỏi của Bắc như ngọn roi gai đột ngột quất thẳng vào ngực tôi. Miếng bánh mì khô cứng mắc ngang cổ họng.

“Không.” Tôi khóc nhọc trả lời, bàn chân bất giác lùi lại nửa bước, thận trọng và sợ hãi, bởi tôi không rõ Bắc muốn dẫn dắt mình đi đâu, nhưng ngờ ngợ nhận ra rằng tôi chưa bao giờ hiểu Bắc. Tôi nặng nề nuốt nước miếng rồi nói thêm.

“Chuyện đó đã là quá khứ. Một quá khứ không minh bạch và không công bằng, cho cả hai phía, cho tất cả những ai là nạn nhân. Đi tìm sự thật đã là điều vô vọng lắm rồi, còn mang vác hận thù theo làm chi.”

Câu nói này là của mạ, tôi chỉ vô tình lặp lại, nó vừa buột ra khỏi miệng tôi đã vội vã kéo những năm tháng tuổi thơ cơ cực và tủi nhục trở về. Phía sau lưng tôi một màu tối đen ảm đạm, một quá khứ tan nát đau thương, từ nơi đó tôi học cách bò dậy, học cách đứng lên mà bắt đầu cuộc đời mình. Một miền quê nghèo ven sông Mỹ Chánh, ban ngày theo quốc gia, ban đêm theo cộng sản. Cha tôi nhảy núi đi làm cách mạng. Mạ ở lại bên bờ sông đêm đêm chờ nghe tiếng gõ cửa, đêm đêm hoảng sợ nghe tiếng súng ngoài sông, đêm đêm mạ ôm tôi vào lòng mà khóc. Cho tới ngày xác cha bị cắt đầu thả trôi sông thì cha mới về lại với mạ con tôi cùng với nỗi oan ức của đời mình. Nỗi oan ức đó không hề có cơ hội siêu thoát, như cái xác nằm trong lòng đất lạnh không tìm được phần đầu, nỗi oan ức đó tròng lên cổ thằng con vô tội để nó vác đi vào đời. Một cái chết thảm khốc mà không rõ bên nào giết, cũng không có bên nào nhận giết. Có người nói cha trốn ra dinh tề bị cách mạng bắt được xử tử. Có người nói, cha đi công tác bị lính quốc gia bắt được cắt đầu thả trôi sông. Vùng chiến tranh khói lửa mịt mùng biết đâu là sự thật biết ai mà hỏi. Mạ tôi nuốt ngược nước mắt vào lòng cắn răng chờ ngày cách mạng thành công, chờ ngày những người đồng chí của cha đem về công bình và sự thật. Ngày hoà bình các đồng chí của cha trở về làng, họ ngoảnh mặt làm ngơ. Tôi mang lý lịch thằng con Việt gian, ba năm liền thi đậu đại học, ba lần liên tục giấy báo trúng tuyển bị chính quyền địa phương huỷ bỏ. Ba lần, mạ tôi quỳ gối trước thềm nhà bạn chiến đấu của cha, uất hận kêu gào công lý.

“Giang, mình về nghen. Sương khuya lạnh quá.”

Bắc đột ngột lên tiếng đòi về sau khi quất thẳng tay vào vết thương lòng tôi. Răng mà Bắc không muốn đi tới tận cùng vấn đề, răng mà Bắc chỉ khơi gợi để… Để làm chi? Nếu Bắc ở lại bên tôi thêm chút nữa, thì chắc tôi sẽ ứa nước mắt kể cho Bắc nghe những ngày tháng đau khổ tủi nhục mà mình phải đi qua. Nhưng dường như Bắc lảng tránh. Dường như có một con người khác, một con người trong bóng đêm thật phức tạp và lạ lùng, con người đó biết dừng đúng nơi giới hạn.

”Ừ, thì về.”

Bỏ công ra tới đây, ngó mấy chiếc xe rồi về. Tôi dợm bước quay đi, nhưng Bắc vẫn ngập ngừng đứng yên chỗ cũ. Trời hỡi, lại còn chuyện chi nữa. Đôi mắt Bắc trong bóng đêm nhìn tôi bơ vơ lạc lõng thật lạ lùng. Tôi nhìn bờ vai buông xuôi, đôi môi hé mở ngập ngừng của Bắc tim bỗng thắt lại. Tụi con trai trong trường này bị Bắc mê hoặc không phải vì sắc đẹp. Vẫn có nhiều đứa con gái khác đẹp hơn Bắc, sang trọng sắc sảo hơn Bắc. Chính cái vẻ mỏng manh yếu ớt, cần được che chở của Bắc đánh thẳng vào nam tính của thằng con trai.

Bắc mân mê vạt áo cúi đầu nói nhỏ, tiếng nói của nàng mềm mỏng như một lời cầu xin.

”Chiều mai… chiều mai Giang đi với Bắc được không?”

”Được.”

Tôi buột miệng trả lời, nhưng rồi thấy hơi lạ. Bắc biết tình cảm tôi dành cho nàng, có chuyện gì cần thiết là tôi sẵn sàng giúp, đâu cần phải bày trò rủ rê nhau đi dạo, đâu cần phải mân mê tà áo nói quanh co. Mắt Bắc loang loáng ướt, cứ như là nàng sắp khóc tới nơi.

“Chuyện này… nguy hiểm.”

Tôi dịu giọng nói.

“Ừ. Chiều mai Giang đi với Bắc.”

Một chuyện gì đó rất nguy hiểm? Người hiền lành sao dính líu làm gì mấy chuyện nguy hiểm. Đánh ghen? tạt a xít? bắt cóc? buôn lậu? rải truyền đơn? xúi dục biểu tình? ám sát hiệu trưởng? Toàn những chuyện không hợp với loại con gái đẹp dịu dàng như Bắc. Nhưng ai mà biết nổi. Đói quá chuyện gì cũng dám làm.

——————————————

Comments (4 total)
Vũ Văn Thung      
Ê Giang, nhận được mail của mày tưởng kêu ăn uống nhậu nhẹt gì, không ngờ gửi link khoe blog! Tao đăng ký làm thành viên xong là mở blog liền, chọn nick Vũ Văn Thung cho mày dễ nhớ. Thung gì cũng là Thung.

Lẽ ra tao chẳng tốn thời gian để vô chỗ nhiễu nhương này, nhưng mày kể chuyện xúc phạm tao với em Duyên quá. Trời! Bao nhiêu năm rồi mà nhắc tới em Duyên vẫn còn cảm động, ngứa ngáy ghê gớm. Không biết bây giờ em ở đâu. Vì tự ái dùm cho em mà đại gia Thung bỏ một buổi tối (ngồi đếm tiền) để viết blog trả thù thằng Nguyễn Thanh Giang.

Cái tật te rẹt của mày vẫn vậy, tự dưng xông ra đòi làm nhân vật ném đất xuống mộ anh Tranh. Hồi đó cả trường đi đưa đám chứ đâu phải một mình mày. Tao với thằng Sỏi cũng chen vô ném được cục đất tống tiễn, tối về cư xá sợ ma muốn chết. Ủa, mà thằng Sỏi trong entry của mày có phải là thằng… Sỏi trong entry của tao không? Thằng Sỏi của tao cũng có ghẻ? Ghẻ nhiều lắm. Sau này nó bị xe đụng chết ở cổng trường. Mày gửi mail riêng cho tao nói rõ nghe.

Mời bạn bè qua blog tui đọc bài viết về lớp mình.


Thằng Thung về quê mở được cửa hàng phân bón nhỏ như cái lỗ mũi con chuột mà đi đâu cũng vỗ ngực xưng đại gia. Đọc chuyện thằng Giang xong tao đói quá, ra quán ăn hết hai con gà nướng mà vẫn còn thấy đói.
Ê, Thung lũng! Duyên hiện ở Mỹ, hình như nó hay liên lạc riêng với Loan, có thấy gửi comments loạn xạ bên Loan blog. Mày có rảnh ghé qua thăm vườn hoa của Loan. Bên đó có đủ loại kỳ hoa dị thảo, loại nào cũng có chú thích tên khoa học rõ ràng – tuy không chắc là đúng :-)
Duyên
Hi! Duyên đây.
Duyên vừa nhận được mail của Loan, lên tiếng liền để ủng hộ Giang. Cảm ơn những kỷ niệm của bạn, đọc nhớ ngày xưa rơi nước mắt. Mình cũng nghĩ, thời gian đã đủ dài để chúng ta bình tĩnh nhìn lại quá khứ. Yêu thương – hận thù và những bất công.
Vũ VănThung
Ủa, có ai qua blog tui chưa? Sáng nay dậy sớm, lật đật mở blog mà không thấy cái “còm còm” nào hết hận tình kinh khủng. Qua chơi lẹ nghen, coi tui “phản biện” thằng Giang hay ác ôn luôn.
Loan là ai? Nghĩ hoài không ra? Ai gửi lén cho tui cái mail nói tên thiệt của Loan dùm coi.

© Lưu Thủy Hương

© Đàn Chim Việt

Phản hồi