WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Mùa hè bất tử

Cuộc đấu giữa Tây Ban Nha và Ý đêm nay sẽ khép lại một mùa hè bóng đá sôi động và không thể quên.

Nỗ lực Ba Lan, Ukraine

Hành trình Euro 2012 của chúng tôi khởi đi từ Warsaw vào cuối tháng 5. Lúc bấy giờ, thủ đô của đất nước Ba Lan tươi đẹp vẫn còn rất trầm lắng, sức nóng của một mùa hè thiên nhiên và một mùa hè bóng đá vẫn chưa hiện diện. Dù thế, giữa thời tiết se lạnh và sự trầm tĩnh của người Ba Lan, chúng tôi cũng nhận ra nỗ lực của nước đồng chủ nhà.

Nàng tiên cá là biểu tượng của thủ đô Warsaw. Nàng là chị em với nàng tiên cá ở Đan Mạch. Nhưng trong khi người cá Đan Mạch ngồi với đôi mắt buồn mênh mang trong nỗi tiếc thương một cuộc tình đã mất, người cá bên sông Vistula tay cầm khiên, tay cầm kiếm như đang xung trận. Khi Euro tràn về, người Warsaw đã dựng lên những nàng tiên cá mới, với một tay nâng trái bóng, tay kia là hình ảnh lá cờ của các quốc gia. Người Warsaw đã “hy sinh” một chút biểu tượng thiêng liêng của mình, biến tấu nó đi, tất cả là vì bóng đá. Hình ảnh nàng tiên cá Warsaw nâng trên tay trái bóng, vì thế, có một ý nghĩa cực kỳ đặc biệt.

Chuyện biến tấu hình ảnh nàng tiên cá chỉ là một ví dụ trong quá trình chuẩn bị cho Euro 2012, trong việc tạo nên không khí sôi động tại hai quốc gia đăng cai. Để tổ chức sự kiện bóng đá lớn hàng đầu thế giới, Ba Lan đã chi khoảng 20 tỉ USD còn Ukraine chi 9 tỉ USD vào việc xây sân vận động, nâng cấp cảng hàng không, hệ thống đường sắt, đường bộ và những hạng mục liên quan khác. Con số này là do các hãng tư vấn tài chính công bố, cao hơn nhiều so với con số chính thức của chính phủ. Chẳng hạn, chính phủ Ukraine cho biết đã chi 5,5 tỉ USD cho Euro 2012. Dù là con số nào, thì cũng có thể thấy hai quốc gia đăng cai đã chi rất nhiều tiền, và con số đó càng trở nên lớn hơn trong bối cảnh châu Âu nói riêng và thế giới nói chung đang khủng hoảng kinh tế.

Đến với Euro 2012, đi khắp đất nước Ba Lan và Ukraine, qua những thành phố đăng cai cũng như không đăng cai, tôi đã thấy được sự hiện diện của những khoản đầu tư khổng lồ. Đó là những sân vận động được xây mới hoặc nâng cấp với kinh phí hàng trăm triệu USD, chẳng hạn sân đấu 550 triệu USD mang tên Olympic ở Kiev, sân 200 triệu USD ở Lviv và sân Metalist ở Kharkov được nâng cấp với khoản đầu tư 50 triệu USD. Tại Ba Lan, sân Quốc gia ở thủ đô Warsaw được đầu tư 630 triệu USD để xây mới, sân PGE Gdansk với 233 triệu USD, sân đấu 220 triệu USD ở Wroclaw, sân Poznan được đầu tư hơn 225 triệu USD để nâng cấp.

Ngay cửa ngõ vào đất nước Ba Lan, sân bay Chopin ở thủ đô Warsaw được đầu tư xây nhà ga quốc tế hiện đại. Sân bay ở tất cả các thành phố đăng cai cũng được nâng cấp. Bên cạnh đó là hệ thống đường bộ và đặc biệt là đường sắt. Chính phủ Ukraine và Ba Lan đã chi rất đậm cho việc nâng cấp đường sắt, với các khoản đầu tư chủ yếu vào nâng cấp nhà ga và mua tàu mới. Tại Ukraine, thỏa thuận mua 10 tàu nhanh của hãng Hyundai, Hàn Quốc đã được thực hiện. Với đội tàu nhanh này, hành trình giữa các thành phố đăng cai – Kiev, Kharkov, Donetsk, Lviv – đã được rút ngắn. Chẳng hạn, đi từ Donetsk lên Kiev bằng tàu thường mất khoảng 12-14 tiếng, đi tàu nhanh chỉ mất chừng 6-7 tiếng.

Những khoản đầu tư của các nước chủ nhà đã thực sự mang lại hiệu quả, ở khía cạnh phục vụ cho Euro 2012, mang lại những thuận tiện cho người hâm mộ bóng đá. Còn tác động của nó đối với toàn bộ nền kinh tế, tiêu cực cũng như tích cực, là một vấn đề vĩ mô và chưa thể đo đếm được.

Cảm xúc sống mãi

Tất cả những khoản đầu tư tiền tỉ của các nước đồng chủ nhà thực ra không có mấy ý nghĩa đối với người hâm mộ. Điều mà tín đồ của trò chơi vua này quan tâm nhất là, họ có thực sự thấy “đã” khi đến với Ukraine và Ba Lan.

Trong Mùa hè bất tận – ca khúc chủ đề của Euro 2012, ca sĩ Oceana đã hát lên “nào ta cùng vui say dưới ánh mặt trời”, “trống ngực đập rộn ràng”… Một không khí tưng bừng như trong ca khúc đã được, trước hết là, người dân Ba Lan và Ukraine tạo nên suốt mùa hè bóng đá. Chính họ đã “làm nền” cho niềm vui say ngây ngất của người hâm mộ nước ngoài khi đến đây.

Sau giai đoạn đầu trầm lắng, khi trái bóng Tango 12 bắt đầu lăn, chúng ta đã được chứng kiến những sân đấu chật kín người, những cuộc hội hè liên miên nơi Fan Zone. Ở Ba Lan, quảng trường Defilad giữa trung tâm thủ đô Warsaw thực sự trở thành trái tim của lễ hội bóng đá. Tại Ukraine, không khí còn tưng bừng hơn. Đại lộ Khreschatyk và quảng trường Độc Lập ở Kiev là nơi bùng nổ của cảm xúc. Trong những ngày không có trận đấu, người ta vẫn đến đây, tạo nên một không gian đầy sắc màu, sống động và sôi động. “Tôi đã quen với việc đến đây vào mỗi buổi chiều, sau giờ làm việc. Những ngày nghỉ thì tôi ra sớm hơn. Không chỉ có bóng đá, tôi đến đây để hít thở không khí đặc biệt này”, anh Andriy Semshov nói với tôi, sau cái cụng ly thân mật.

Người viết không thể quên được trên những chuyến tàu, trong những khoảnh khắc cô đơn, đã được những chàng trai, cô gái Ba Lan và Ukraine mời chung vui. Đó là những cuộc nhậu thâu đêm, với những bài hát, những câu chuyện thú vị, có hoặc không liên quan đến bóng đá. Hôm tới Kiev, khi đang dò dẫm tìm đường tới đại lộ Khreschatyk, tôi đã được hai cô gái dẫn xuống ga tàu điện và đưa đến tận nơi. Ở Ba Lan, tôi cũng thường được những người dân địa phương nhắc nhở phải cẩn thận trông coi đồ đạc ở chốn công cộng. Sự nhiệt tình như thế bạn có thể bắt gặp tại nhiều nơi trên đất nước Ukraine và Ba Lan, trong mùa bóng đá này.

Euro hay World Cup, bên ngoài những trận đấu hấp dẫn, là khái niệm lớn hơn bóng đá rất nhiều. Đó là một không gian lễ hội tưng bừng, mà mỗi khi tham dự vào, bạn sẽ không bao giờ quên được. Cảm xúc về nó sẽ sống với bạn rất lâu. Nhìn từ góc độ ấy, Euro 2012 là một thành công lớn.

Và còn lớn hơn nữa, đó là những thông điệp của mùa hè bóng đá. Chủ đề “Respect” (tôn trọng) luôn được nêu bật. Cầu thủ tôn trọng nhau, người hâm mộ, các tình nguyện viên, phóng viên tôn trọng nhau bằng một hành động đơn giản: đổi áo. Khi tôn trọng nhau, người ta sẽ rất dễ chan hòa, sẽ không bao giờ có kỳ thị. Khi nghe và xem phim minh họa bài hát Mùa hè bất tận, bạn có lẽ hơi ngỡ ngàng vì không khí đậm màu châu Phi, chứ không phải châu Âu. Ca sĩ Oceana da màu, hát giữa những người với sắc da khác nhau, trên bãi biển đầy nắng gió. Tất nhiên, đạo diễn không nhầm lẫn Euro với World Cup hay giải CAN của Lục địa đen, họ cố ý tạo ra chất đa sắc màu trong đoạn phim đó, như một thông điệp về tôn trọng sự khác biệt chủng tộc.

Khi đang ngồi viết những dòng này, xung quanh tôi, trên đại lộ Khreschatyk và quảng trường Độc Lập, người hâm mộ đã đổ về đông nghịt. Áo cờ Tây Ban Nha, Ý, Ukraine và cả Việt Nam nữa, tạo nên một thế giới đầy màu sắc. Họ đến với đêm nhạc của Elton John và Queen, nhưng quan trọng hơn, họ đến để được chìm đắm trong không khí đặc biệt mà trái bóng tròn tạo ra. Euro 2012 đang đi tới giai đoạn cuối, người dân Ukraine, Ba Lan và người hâm mộ bóng đá khắp nơi đang cháy hết mình, để mùa hè bóng đá trở nên bất tận, tức là cảm xúc về nó trở nên bất tử trong mỗi người.

Chợt nhiên, tôi nhớ đến Hồng và những người Việt bán áo, cờ bên quảng trường Defilad ở Warsaw. Họ chắc hẳn vừa có một mùa bội thu, tiền và niềm vui. Bóng đá đã đem lại cho họ, cho tất cả chúng ta những bội thu ấy.

Thật kỳ diệu phải không?

Đỗ Hùng (báo Thanh Niên) viết tứ Kiev

 

Phản hồi