WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Mạc Ngôn: “Mình đã làm gì tổn thương đến người khác?”

“Hầu hết chúng ta vẫn tự coi mình là nạn nhân. Ít ai tự hỏi: Mình đã làm gì tổn thương đến người khác?”. Đó là điều mà nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn đã nói về thông điệp từ tiểu thuyết mới nhất của ông, Ếch, trong lần trả lời phỏng vấn đầu tiên sau khi đoạt giải Nobel 2012.

Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn. Nguồn: internet

Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn. Nguồn: internet

Nhận giải Nobel Văn học đầy tranh cãi của năm 2012, Mạc Ngôn ít phát biểu về giải thưởng. Nhà văn quen thuộc với Việt Nam nhưng còn xa lạ với nhiều nước phương Tây này còn từ chối nhiều cuộc phỏng vấn riêng với báo chí.

Tuy nhiên vừa qua, phóng viên báo Spiegel của Đức đã bất ngờ được Mạc Ngôn đồng ý trả lời phỏng vấn, nhân dịp cuốn tiểu thuyết Ếch (tên tiếng Anh Frog) của ông được dịch và phát hành ở Đức hồi đầu tuần này.

- Bút danh của ông, Mạc Ngôn, có nghĩa là “không nói”. Ông dường như đã sống theo bút danh đó và cũng ngại phát biểu trước đám đông, đặc biệt là trước báo chí. Tại sao vậy?

- Vì tôi không thích đưa ra các tuyên ngôn chính trị. Tôi là một người viết nhanh. Nhưng tôi nghĩ kỹ. Khi tôi phát biểu công khai, tôi thường tự hỏi là mình đã nói đủ rõ ràng hay chưa. Quan điểm chính trị của tôi cũng rõ ràng. Để hiểu người ta chỉ cần đọc sách của tôi là đủ.

“Tôi viết nhanh nhưng nghĩ kỹ. Để hiểu tôi, chỉ cần đọc tôi” – Mạc Ngôn giải thích việc ông không hay phát biểu về chính trị

- Tác phẩm đầu tiên của ông được dịch ra tiếng Đức là Ếch (sách này cũng đã có bản tiếng Việt), nói về chính sách một con ở Trung Quốc. Ông nghĩ sao về chính sách này?

- Là một người cha, tôi nghĩ rằng ai cũng nên có quyền sinh bao nhiêu con tùy ý. Nhưng là một công chức, tôi tuân thủ quy định dành cho mỗi cán bộ: một con, không hơn. Vấn đề dân số của Trung Quốc không dễ giải quyết chút nào. Tôi chỉ chắc chắn về một điều: không nên dùng bạo lực để ngăn cản người ta sinh con.

- Đó là điều đã diễn ra trong cuốn Ếch. Cảm hứng nào giúp ông viết nên cuốn sách?

- Đó là một câu chuyện đời có thật từ người cô của tôi, bà làm bác sĩ phụ khoa mấy chục năm trời ở bệnh viện Cao Mật và đã chứng kiến những điều không thể nói. Tôi thấy sự thôi thúc bên trong khi viết cuốn sách này.

- Bác sĩ Wan, nhân vật chính trong tiểu thuyết của ông, là người rất phức tạp, thậm chí còn bị ám ảnh một cách quái đản vì những hành động của chính bà ta. Cô của ông đã đọc cuốn sách này chưa?

- Cô tôi chưa đọc. Chính tôi đã nói bà không nên đọc vì bà sẽ giận tôi. Tất nhiên, không phải tất cả những gì xảy ra trong Ếch đều dựa trên câu chuyện của cô tôi. Thực tế, bà có đến 4 người con. Tôi đã thêm vào sách câu chuyện của những bác sĩ khác và cả những chuyện tôi từng chứng kiến.

- Trong tiểu thuyết của ông luôn có những chuyện không thể nói ra. Trong Cây tỏi nổi giận chẳng hạn, một phụ nữ đang mang bầu đã treo cổ tự tử. Nhưng Ếch vẫn là cuốn sách “nghiêm nghị” nhất của ông. Đó có phải là lý do thời gian sáng tác lâu đến thế?

- Ý tưởng viết Ếch đã được tôi ấp ủ trong một thời gian dài, nhưng khi viết thì lại tương đối nhanh. Anh nói đúng, tôi thấy nặng nề khi viết cuốn sách này. Tôi thấy công việc đó như là tự phê bình vậy.

- Theo nghĩa nào cơ? Ông đâu phải chịu trách nhiệm cá nhân về bạo lực hay những vụ phá thai bắt buộc mà ông mô tả trong sách.

- Trung Quốc đã trải qua nhiều thay đổi lớn trong những thập kỷ qua nhưng hầu hết mọi người vẫn tự coi mình là nạn nhân. Ít ai trong số họ tự hỏi “Mình đã làm gì tổn thương đến người khác?”. Tiểu thuyết Ếch đối mặt với câu hỏi đó, với khả năng đó. Tôi là một ví dụ. Khi học tiểu học, tôi mới 11 tuổi, nhưng đã công khai phê bình các thầy giáo của mình. Tôi ghen ghét với thành tích và tài năng của người khác, cả sự may mắn của họ nữa. Về sau, tôi thậm chí còn yêu cầu vợ phá thai để phục vụ cho tương lai của tôi. Tôi là kẻ có tội.

- Các tác phẩm của ông vẽ ra một bức tranh ảm đạm về Trung Quốc đương đại. Dường như không có gì tiến triển?

- Về phương diện này, tôi đã không sáng tác theo phong cách Trung Quốc. Hầu hết các tác phẩm Trung Quốc có cái kết tốt đẹp, còn phần lớn tiểu thuyết của tôi kết thúc trong bi kịch. Nhưng vẫn có hy vọng, phẩm giá và sức mạnh động lại.

- Nhiều cuốn sách của ông đọc thấy rất giống phim. Ông tránh đi sâu vào tâm lý nhân vật. Tại sao, những người như bà bác sĩ trong Ếch lại tuân thủ các quy định xã hội một cách nghiêm túc đến thế, dù bà hiểu rõ sự bất cập của chúng?

- Đó là một phần kinh nghiệm tinh thần của thế hệ tôi. Nhiều người đã từng nhận ra Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc là một sai lầm, nhưng họ cũng nhận ra chính quyền đã sửa chữa sai lầm.

- Tại sao ông viết rất mạnh dạn nhưng lại cẩn trọng trong những phát biểu cá nhân?

- Anh nghĩ tôi cẩn trọng trong những phát biểu cá nhân ư? Nếu thế thì tôi đã không đồng ý trả lời bài phỏng vấn này. Tôi là nhà văn, không phải diễn viên. Và khi tôi viết ra những điều mạnh dạn, tôi không nghĩ đến việc phá vỡ cấm kỵ.

Hạ Huyền (lược dịch)

Phản hồi