Thập kỉ mất mát, ai lợi? Ai thiệt?
Viết tiếp bài: một kiểu làm ăn nhàn hạ
Hiện nay, trên diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại Việt Nam sẽ rơi vào thập kỷ mất mát. Vậy thập kỷ mất mát là gì? Nếu điều đó xảy ra thì ai lợi, ai thiệt? Xin chia sẻ góc nhìn cá nhân tôi, một người tự nghiên cứu về kinh tế.
1. Tiền và hàng hóa: Trong nền kinh tế thị trường, tiền và hàng hóa như hai mặt của một đồng xu, có tiền bạn mua được hàng và có hàng thì bán được tiền. Mọi cá nhân tham gia hoạt động kinh tế cũng nhằm mục đích là có nhiều tiền. Tiền và hàng hóa liên kết với nhau qua hệ thống giá, khi hệ thống giá ổn định thì ta có mặt bằng giá. Dựa trên hệ thống giá này các chủ thể kinh tế có thể cung ứng cho thị trường sản phẩm và tính được hiệu quả kinh tế. Hiệu quả kinh tế làm cho tiền và hàng hóa giữ được tỷ lệ, tức là giữ được giá. Ví dụ tôi vay ngân hàng 100 triệu đi chăn nuôi gà, tôi làm ăn hiệu quả tức là tạo ra số gà tương ứng với số tiền (cả tiền lãi), và đồng tiền giữ giá.
2. Phá sản và lạm phát: Khi một chủ thể làm ăn ngoài vốn tự có, họ thường huy động tiền từ các chủ nợ (bank, hoặc chứng khoán), nếu làm ăn hiệu quả thì họ có tiền và chủ nợ cũng có đồng lãi. Nếu họ làm ăn không hiệu quả dẫn đến không thu đủ tiền để trả nợ thì họ buộc phải tuyên bố phá sản, lúc bấy giờ chủ thể kinh tế và chủ nợ chia nhau khoảng lỗ. Ví dụ vì một lý do nào đó-dịch bệnh chẳng hạn-gà chết sạch, tôi không bán được gà để thu tiền trả nợ, tôi phải tuyên bố phá sản. Lúc bấy giờ tôi và chủ nợ cùng mất vốn cho phi vụ làm ăn này. Lúc này hàng không có, tiền cũng không thêm nên tiền vẫn giữ giá. Kinh tế thị trường là lời ăn lỗ chịu, chủ nợ cũng phải chấp nhận cuộc chơi này. Chính điều này làm cho bên cho vay rất cẩn trọng trong việc cho người khác vay tiền làm ăn.
Trong trường hợp tôi là con quan chức cỡ bự-cậu ấm Vinashine chẳng hạn-tôi đến Bank vay 100 tỷ để nuôi gà. Tiền rút ra, tôi lại quả cho các vị ở đây 20 tỷ, ăn chơi xả láng 50 tỷ. Còn 30 tỷ tôi mua vài cái chuồng gà ộp ẹp của anh hàng xóm và vài trăm con gà rù về nuôi, cho ăn thất bát cho có việc để báo cáo. Đến hạn trả nợ tôi tuyên bố phá sản, bank tiếp quản, bán phát mãi chuồng gà tôi được 1 tỷ, mất vốn 99 tỷ. Lẽ ra theo nguyên lý thị thường những khách hàng cho tôi vay phải mất đứt khoản tiền này nhưng vì tôi là cậu ấm và chủ nợ không chấp nhận mất vốn nên được ông bố quyết định tái cơ cấu 99 tỷ đó thành trái phiếu trả dần trong 12 năm với lãi suất a%. Đây có thể gọi là cách khoanh nợ và đẩy nợ cho thế hệ tương lai trả dần. Xem cách làm đó tại đây và đây.
Đó là khoản nợ bank tư nhân hoặc bank quốc tế, nếu tôi vay bank quốc doanh thì khỏe nữa. Ông bố tôi chỉ việc ký cái rẹt xóa nợ và lệnh cho NHNN tái cấp vốn cho khoản bị mất trên. Chẳng ai thiệt trong vụ này nên chắc chắn không ai lên tiếng phản đối, có thiệt là thiệt thằng dân nhưng dân là thằng rất mông lung. Nếu ai theo dõi kinh tế VN thì sẽ biết vở diễn khoanh nợ và xóa nợ xảy ra rất nhiều lần cho các cậu ấm giống tôi-doanh nghiệp quốc doanh. Trong trường hợp này một lượng tiền mới đưa vào lưu thông mà không có vật chất làm ra trong xã hội nên đồng tiền mất giá (đây là lí do vì sao vàng từ 500k/chỉ lên 4,5 triệu/chỉ, thịt từ 30k/ký lên 100k/ký). Lạm phát là thuế đánh trên toàn dân, mọi người chịu một ít. Ai có tiền nhiều mất nhiều, ai có ít mất ít. Công nhân viên chức thì tô cơm bị vơi mất đi một phần (vì sức mua giảm).
3. Bong bóng và suy thoái: hiện nay loại cậu ấm như tôi hoặc họ hàng của tôi rất nhiều, chúng tôi ùn ùn đến bank ký giấy vay, rút tiền ra ăn chia như trên (Ông Nguyễn Bá Thanh cũng đã chỉ ra chiêu này), lúc này món đầu tư không phải gà mà là nhà đất. Vài năm trước đây chúng tôi tạo ra vui vẻ cho cả xã hội, ai ai cũng có nhiều tiền. Một số lớn đã nhanh chóng chuyển đồng bạc VNĐ sang khoảng có giá trị thực hơn là vàng và đola để gửi ra nước ngoài. Bằng cách mua bán, thế chấp, vay mượn quay vòng như vậy chúng tôi đã cùng nhau đẩy giá nhà đất lên vài lần so với giá thực của nó nếu hoạt động đúng với hệ thống giá. Đây là tình trạng bong bóng giá tài sản. Cuộc vui nào cùng đến lúc tàn, và hiện giờ cuộc vui đã tàn. Kết quả của cuộc vui là khoảng nợ tầm 2 triệu tỷ trong đó khoảng 500.000 tỷ là khoản mất đứt như 99 tỷ trong phi vụ nuôi gà trên. Đúng theo nguyên lý thị trường chúng tôi phải giao lại cả vốn lẫn lãi cho bank như trường hợp những gì ông già Alan đã làm bên Mỹ năm 1987 khi thị trường bể bóng bất động sản, nhưng Việt Nam mình nó khác. Ở đất nước Việt Nam này, không ai khác, chỉ có chúng tôi là có súng (một đảng nắm quyền) và tất nhiên chúng tôi không thể tự bắn vào chân mình được. Hiện tại không một ai có đủ sức để buộc chúng tôi phải làm cái việc đau đớn đó.
Xin lỗi các bạn là chơi không fairplay “lời ăn lỗ chịu” nhưng vì tương lai mình và con cháu, chúng tôi buộc phải tiến hành theo hai cách trên, đó là đẩy nợ vào tương lai để mọi người cùng trả hoặc xóa nợ, bơm tiền tạo lạm phát để mọi người đưa vai vào gánh giúp chúng tôi.
Khi nền kinh tế tạo bong bóng, những đối tượng hưởng lợi đã rút tiền đi mua sắm vàng, ngoại tệ. Nền kinh tế không chấp nhận phá sản để chủ nợ mất vốn thì sẽ tạo ra suy thoái.
4. Thập kỷ mất mát: Tiến trình như phân tích trên, Việt Nam chắc chắn sẽ đi vào thập kỷ mất mát. Thập kỷ là thời gian cần có để làm cho bong bóng bất động sản xì hơi xẹp vừa phải, đủ để cả đất nước lao động tạo ra thặng dư của cải để trả món nợ hiện nay thay vì phải phá sản.
Trong 10 năm tới hàng triệu người Việt Nam lao động quần quật nhưng gần như chỉ đủ ăn, dù đồng lương danh nghĩa có thể tăng. Thặng dư thực chất của sức lao động đã bị bòn rút qua lạm phát hoặc qua thuế để trả các khoản nợ khổng lồ hiện nay. Đây là trường hợp may mắn kinh tế tăng trưởng để mọi người có cơ hội nai lưng ra cày trả khoản nợ chung.
Trường hợp như vậy là rất hiếm vì quá trình xử lý bong bóng không qua phá sản, thường dưới sức mạnh của lợi ích phe nhóm sẽ làm cho nguồn tiền tiếp tục chảy vào nuôi các Zombie như Vinaline, Vinashine,….làm cho nền kinh tế suy thoái sâu hơn, làm thời gian trả nợ dài hơn có thể đến vài ba thập kỷ. Những nước lâm vào cảnh này được gọi là bẫy thu nhập trung bình tức là làm hoài mà không khá.
Hiện nay tôi (tác giả) hơn 30 tuổi, nếu không gì xảy ra, trong 20 năm tiếp theo, tôi và hàng triệu người khác làm ra của cải để trả cho các món nợ khổng lồ mà các đại gia mới nổi vài năm gần đây có được nhà lầu xe hơi-gây ra. Lẽ ra, đúng nguyên tắc của trời đất (nguyên tắc thị trường) họ phải nghèo đi nhưng không, họ đã khôn khéo dựa vào quyền lực chính trị để chuyển các bill thanh toán cho chúng tôi trả trong 20 năm tới. Cuộc đời mình xem như phấn đấu làm lụng để trả nợ cho người khác.
Còn gì bất công hơn điều này không?
Qua phân tích trên, hẳn các bạn biết vì sao ở các xứ tự do, khi kinh tế khủng hoảng là phải thay chính phủ?
© Nguyễn Văn Thạnh
© Đàn Chim Việt
————————————————
P.s: Những người đấu tranh cho nền dân chủ VN cần phải tiếp cận vấn đề dưới góc độ kinh tế để mọi người, nhất là người trẻ thấy được quyền lợi và trách nhiệm trong công cuộc dân chủ hóa đất nước. Lớp trẻ sẽ không còn thờ ơ khi họ biết là mình làm quần quật để gánh nợ cho người khác đang vi vu du lịch với bồ nhí bên trời Tây.
Ở các nước Tư Bản, cũng có nguyên tắc: “làm giàu là việc tốt (greed is good)”, ở xứ CHXHCH VN cũng có nguyên tắc tương tự (*), nhưng thêm “bằng tham nhũng” ở giữa, thành ra: “làm giàu bằng tham nhũng là tốt”!
Bởi thế những kẻ tham nhũng bạc triệu bạc tỷ (đô-la) lại còn vênh váo mới chết chứ!
(*) Bởi thế ở VN, “kinh tế thị trường” mới thêm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” vào. Vậy phải hiểu “định hướng XHCN” là bẻ lái hướng tài sản quốc gia vào túi lãnh đạo nhà nước.
Tôi có thể kết nối với bác Võ Hưng Thanh được ko?
Trân trọng
NVT
thanhipi@gmail.com
NÓI VỀ NHỮNG ĐIỀU CỰC ĐOAN TRONG KINH TẾ VÀ XÃ HỘI
Kinh tế nhất thiết gắn liền với các khía cạnh xã hội. Có nghĩa cả khu vực sản xuất lẫn khu vực phi sản xuất cũng gắn với nhau. Nói rộng ra hơn, kinh tế thế giới hay kinh tế toàn cầu giống cái ao lớn. Kinh tế các tiểu vùng hay mỗi quốc gia giống như cái ao nhỏ. Kích cỡ các ao nhỏ thì đủ mọi loại, có điều không có ai ao nào tuyệt đối tách biệt, độc lập, nhưng chúng toàn thông với nhau chẳng khác một hệ thống hết sức phức tạp các bình thông nhau. Đó là khía cạnh vĩ mô của kinh tế.
Còn khía cạnh vi mô của kinh tế chính là chủ thể mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân luôn theo đuổi các mục đích khác nhau của mình, nhưng khi họ kết hợp chung một hoạt động sản xuất hay dịch vụ nào đó, điều đó tạo thành một đơn vị, một thực tế, hay một hoạt động kinh tế. Tất nhiên quyền lợi của các nhân có thể mâu thuẫn nhau, nhưng ý thức cua các cá nhân có thể thống nhất trong một chiều hướng chung nào đó, đó chính là cơ sở cho mọi loại dạng hoạt động kinh tế.
Bởi kinh tế gắn liền với xã hội, nên hoạt động kinh tế trước nhất và cơ bản chính là hoạt động của tư nhân, của xã hội. Kinh tế là nhu cầu làm ra sản phẩm để nuôi sống, ổn định và phát triển xã hội. Có nghĩa nền tảng, mục đích của kinh tế chính là quyền tư hữu. Quyền tư hữu là công cụ thiết yếu và hiệu quả nhất để phục vụ con người, phục vụ xã hội.
Đầu vào của kinh tế là sản xuất, đầu ra của kinh tế là sự thụ hưởng hay đáp ứng mọi nhu cầu cá nhân và xã hội của con người. Nền tảng của kinh tế như vậy là cá thể hay cá nhân, giai cấp hay tập thể chẳng qua sự kết hợp của các đơn vị nào đó, song tự nó chưa hẳn đã là thường xuyên hay cơ bản.
Cá nhân và xã hội đó chính là hai cực chính yếu của nền kinh tế. Tiền tệ hay đồng tiền chỉ là con thoi chuyển động qua lại giữa hai cực cơ bản, dệt thành súc vải kinh tế của toàn thể cộng đồng hoặc xã hội trong những thời kỳ, thời điểm nào đó nhất định.
Cái sai lầm lớn nhất của Mác là thần bí hóa theo kiểu triết lý hóa một cách phi cơ sở chính nền kinh tế của xã hội loài người trong hiện thực. Chính trong quan niệm đó mà Mác đề cao giai cấp vô sản một cách ngốc nghếch, và đó cũng chính là cơ sở phá sản ngay từ đầu của học thuyết Mác.
Nói như thế cũng để nói rằng kinh tế không thể không gắn với văn hóa và pháp luật. Chính văn hóa cấu thành chất lượng của kinh tế và chính pháp luật tạo nên khung sườn của kinh tế. Dĩ nhiên cũng trên cơ sở đó mà văn hóa và pháp luật cũng gắn kết với nhau. Pháp luật là trên nền tảng văn hóa và văn hóa lại chính là ý nghĩa của pháp luật.
Như thế luật rừng không phải là luật của kinh tế lành mạnh và khách quan. Luật của những xã hội cộng sản chuyên chính nghiệt ngã, chủ quan, đó chính là luật rừng. Luật của những xã hội tư bản hoang dã sơ khai đó chính là luật rừng. Luật rừng không tương thích với những xã hội văn minh và không phù hợp với những nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh.
Như thế cũng có nghĩa cạnh tranh kinh tế lành mạnh, đó là nền kinh tế lành mạnh. Cạnh tranh kinh tế không lành mạnh, đó là xã hội của luật rừng, của cá lớn nuốt cá bé, của tình trạng xã hội vô tổ chức, vô pháp luật không lành mạnh. Nói như thế cũng để thấy vai trò của nhà nước, của chính phủ trong kinh tế là rất lớn.
Ảo tưởng của Mác là mơ tưởng một nền kinh tế vô chính phủ một cách lý tưởng. Đó chỉ là sự điên dại hay khờ khạo của Mác. Một xã hội không thể nào là xã hội phi chính quyền, phi luật pháp. Một xã hội cũng không thể là là một xã hội bị chính quyền hóa tuyệt đối để trở thành vô xã hội một cách khách quan và tự nhiên. Tính cách chuyên chính lẫn tính cách hổn độn vô chính phủ đều là các sự ngu ngốc tuyệt đối.
Nhưng ý nghĩa và vai trò của các nhà nước, các chính phủ chính là các chuyên gia trong mọi lãnh vực của chính các nhà nước, các chính phủ đó. Những nhà nước, những chính phủ không có chuyên gia, chỉ có đảng trị, chính là phản xã hội, phản khoa học, phản tiến hóa, hay nói chung là phản động.
Vậy thì một xã hội tiến bộ, phát triển luôn luôn phải là xã hội của các chuyên gia về mọi loại, mọi mặt mà không là gì khác. Bởi ý nghĩa chuyên gia cũng có nghĩa là ý nghĩa của dân chủ, tự do và khoa học. Chính tiếng nói của chuyên gia thuộc mỗi lãnh vực là tiếng nói thẩm quyền khách quan nhất mà không phải tiếng nói của những người nắm quyền.
Rõ ràng mỗi cá nhân chỉ có nghĩa vụ đối với toàn xã hội hay toàn nền kinh tế trong ý thức của mình mà không thể trong quyền hạn của mình. Sự chạy theo lợi nhuận hay lợi ích riêng của mỗi cá nhân, mỗi đơn vị kinh tế là lẽ đương nhiên, tất yếu. Nghĩa vụ chung nhất chỉ có thể là pháp luật, là nhà nước, là chính phủ, là chính quyền mà không ai khác.
Bởi thế bất cứ chính quyền nào mà bất lực đối với những khủng hoảng kinh tế, bất lực với những thao túng kinh tế nói chung, thậm chí gián tiếp hay trực tiếp tiếp tay với mọi thao túng vô hình chung hay có chủ đích ấy, đều là các thực thể vô tư lực và đều cần nên xem xét lại để nhằm giải quyết hay để thay đổi. Tính cách cực đoan hay không lành mạnh trong kinh tế nói chung chính là tính làm ăn phi pháp, phản đạo đức của cá nhân, tính cách độc đoán phi cơ sở của chính quyền, hay cả tính cách bất lực của chính quyền cũng vậy.
Nói chung lại, không có cái được gọi là chế độ xã hội hay chính trị nào, tức thể chế nào được gọi là toàn bích, vĩnh cửu hoặc bất di dịch cả. Đó chỉ là các quan niệm chủ quan và ngu ngốc. Xã hội lẫn kinh tế luôn luôn là các bài toán thực tế luôn luôn được đặt ra và được giải quyết trong các bối cảnh thực tế có liên quan. Đấy chính là ý nghĩa của giá trị chuyên gia, giá trị dân chủ, tự do, khoa học, khách quan một cách thường xuyên và liên tục như trên kia đã nói.
Võ Hưng Thanh
(15/4/13)