WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [19]

Tiếp theo phần trước

 

Tôi về nhà, đường phố Hà Nội chật chội và nhung nhúc xe lẫn tiếng còi, tiếng động cơ. Đụng đâu cũng người và người, cảm giác còn chật chội hơn trại tù.

Mẹ tôi bán nước chè, cái quán nhỏ có mười cái chén con để rót trà nóng, 8 cái cốc to để rót trà đá. Có 4 bao thuốc lá Vinataba, 2 bao thuốc lá 555, một lọ kẹo lạc, một lọ kẹo chíp chíp bán cho trẻ con. Hàng ngày tôi lấy cậy nước đá trong khay tủ lạnh ra, đổ nước mới vào khay làm đá để có nước đá mới cho mẹ bán hàng. Buổi sáng tôi kỳ cọ, đánh ấm chén, khay, đun nước pha trà. Mẹ bán hàng còn tôi đi nấu cơm, lúc này nhà chỉ có hai mẹ con. Em trai tôi đi cai nghiện ma túy, vợ con nó về quê. Thỉnh thoảng mẹ tôi bảo về quê đón cháu ra, con cháu gái mới được hai tuổi, tôi phải chăm sóc nó. Bỗng nhiên tôi nhận ra mình chăm sóc trẻ con rất nhẫn nại và khéo léo. Tôi dỗ cháu từng thìa cơm, kể chuyện, pha trò , đôi khi là dọa dẫm để nó ăn.

Tôi muốn xin đi làm, nhưng nghề không có, xe gắn máy thì không. Có việc dễ nhất không cần đến nghề là đi giao hàng phải có xe gắn máy hay tiền thế chấp hàng. Nhưng nhà chẳng có đồng nào dư dật, tiền chỉ đủ bữa ăn. Tôi chỉ có hai bộ quần áo lành lặn mà nhà tôi mới mua cho hôm ở trại tù về. Tôi tính xin đi làm bảo vệ thì không cần phải xe máy, cả tiền thế chấp. Lần xin việc này là một vố đau, suýt nữa thiếu kiềm chế đã dẫn đến kết quả là tôi lại và tù. May sao tôi nhẫn nhịn được, đầu năm 2010 khi được mời dự hội nghị ở Châu Âu. Chợt thèm chén nước trà, đi lang thang trên phố phường Châu Âu với người bạn để tìm nước trà, tôi nhớ những ngày bán nước trà với mẹ, đã viết mẩu truyện ngắn có tên.

tra

Một trăm một chén nước trà.

Lúc ấy trời còn đang trong mùa lạnh, chỉ có trà nóng là bán được. Mẹ cứ gặp gió lạnh là nôn khan, hắn ngồi bán hàng thay cho mẹ. Giờ nhà chỉ còn hai mẹ con và quán nước chè của mẹ là kế sinh nhai.

Hắn mới ra tù, sau nhiều năm trong trại cải tạo trở về cuộc sống bên ngoài còn nhiều bỡ ngỡ. Hôm đầu tiên hắn nhìn đường phố kêu sao chật thế. Mẹ cười bảo anh đi đến anh về nhà vẫn từng ấy mét, phố xá vẫn từng ấy thước, mất đi đâu mà kêu bé. Hắn phì cười, ừ nhỉ, chẳng qua mấy năm ở trên ruộng đồng, núi non rộng rãi sải bước chân quen rồi. Giờ đi mấy bước là đụng người, đụng vật bé là phải thôi. Còn nữa lúc ngủ chiều nghe tiếng kẻng đổ rác, hắn vùng dậy lao xuống giường, mẹ hỏi làm sao, hắn mới nhớ ra ở nhà mà cứ nghĩ tiếng kẻng báo thức ở trại giam. Tiếng kẻng mà bọn tù gọi là kẻng gọi hồn.

Mẹ đưa 5 nghìn bảo đi chợ, dặn 2 nghìn mua gạo, 2 nghìn mua thịt ba chỉ, 1 nghìn mua rau cải. Thịt ba chỉ luộc lấy nước để nấu rau cải, xong đem thịt rim cháy cạnh. Hắn nấu cơm xong ăn trước rồi ra trông hàng cho mẹ ăn, mẹ dặn:

- Trà nóng một trăm một chén, trà đá thì hai trăm, thuốc lá hai trăm một điếu con nhé.

Tối mẹ con ngồi ăn cơm, mẹ nói:

- Thôi anh mới về, cứ bán hàng với mẹ, rồi tìm công việc gì sau.

Hắn bán hàng cho mẹ, mua báo Rao Vặt đọc mục tìm việc, chỗ đòi có xe máy, chỗ đòi có tay nghề. Hắn chỉ tìm được mục bảo vệ, đưa hàng (không cần có xe). Sáng mẹ cho hai nghìn ăn sáng, uống nước hắn mượn xe đạp hàng xóm đạp xe đến nơi xin việc. Hóa ra đều là văn phòng giới thiệu việc làm. Họ nói phải nộp 50 nghìn lệ phí.

8 tờ năm nghìn, 5 tờ 2 nghìn, mẹ vuốt từng tờ thật phẳng kẹp gáy thành từng chục nghìn một. Hai tờ năm nghìn tờ nọ kẹp gáy tờ kia, một tờ 2 nghìn kẹp gáy 4 tờ còn lại. Đếm trong xong rồi đếm gáy, đủ 5 gáy tiền là đủ năm chục nghìn. Mẹ bảo cầm cẩn thận, anh là hay ẩu lắm, từng này là bao nhiêu chén nước trà của mẹ đấy anh biết không?

Hắn làm bảo vệ cho một công ty THHH, hắn chỉ nghe nói vậy, cái công ty ấy có cái xác nhà không, chả thấy ai làm việc. Hàng ngày hắn đến ngồi ở cái phòng có đúng cái ghế và bàn cũ mèm. Trưa mua cơm hàng ăn, chiều khóa cửa về. Mỗi sáng hắn đi làm, mẹ nhìn thương mến lắm, mẹ khoe mấy bà hàng xóm cháu nó có việc làm, nét mặt mẹ rạng ngời niềm vui. Được bốn ngày thì người chủ công ty dẫn một người đàn ông khác đến, bảo hắn trao chìa khóa, ông ấy nói hắn làm không hợp, cứ về rồi mai kia công ty hoạt động sẽ gọi đến làm chân đi đưa hàng.

Nghỉ nhà mãi cả tuần không ai gọi, mẹ bảo có khi họ không muốn anh làm họ đuổi khéo. Hắn mò đến chỗ nhà ấy, thấy có người ở, vào hỏi thi họ nói nhà này tôi mới mua được hai hôm, đang dọn đồ đến. Hắn hỏi công ty ấy người ta đi đâu, chủ nhà nói làm gì có công ty nào ở đây, nhà này tôi mua hai tháng nay, nhưng mới đặt tiền, hôm kia trao hết thì nhận chìa khóa người ta trao nhà là hoàn tất mua bán. Hắn quay lại văn phòng môi giới việc làm, hỏi sao lại thế, bên môi giới đưa nói họ chỉ biết giới thiệu việc làm và lấy phí,nào công đưa đi, công giới thiệu còn, đã có người nhận làm rồi, còn làm được hay không làm được thì là người làm với chủ thuê, làm sao họ biết được.

Hắn lại ở nhà bán nước chè giúp mẹ, một hôm có hai người khách vào nói chuyện, họ nói về mở văn phòng môi giới việc làm, nhà đất là ăn nhất. Khách mua nhà cứ đưa đến chỉ nhà là lấy 50 nghìn, mua hay không mặc kệ chủ nhà với nhau, ngày 3 khách là cũng có 150 nghìn. Rồi họ còn nói là ông kiếm nhà nào quen cứ giả vờ là muốn bán, khách dẫn đến đòi giá cao không mua được, những cứ có 50 nghìn dẫn đi chia cho nhà kia mấy chục là ngon. Ồ thì ra là lừa đảo à, hắn chợt nghĩ đến việc mình đi làm, hỏi ông khách. Ông khách bảo môi giới việc làm thì cứ côn ti nhê với đứa nào đó, giả vờ nhận thử việc vài ngày đến 1 tuần rồi bảo không hợp. Mình có tiền thu phí, còn đứa kia được có kẻ làm thuê dăm hôm không bị mất tiền trả lương là được. Đứa nào cãi được mình cơ chứ, mình làm chặt chẽ, đúng luật, ông mua nhà được hay không việc của ông, tôi chỉ lấy công 50 nghìn dẫn đi, mua cái nhà thì 50 nghìn bõ bèn gì. Phần xin việc thì tôi chỉ giới thiệu, đưa đi, bảo đảm đúng công việc thỏa thuận môi giới. Ông làm được không với người ta là do khả năng của ông, tôi sao mà biết được.

Hai ông khách trả 1 nghìn cho hai chén nước và hai điếu thuốc, không lấy tiền trả lại. Hắn cầm tờ một nghìn máu sôi sùng sục, răng nghiến chặt. Hắn từng chém người thuê, đòi nợ thuê được hàng trăm nghìn, miễn là đối tượng phải vào viện, có phải khâu thế là ngon tiền. Hắn biết chém vào đâu để đối tượng không chết, không di chứng hậu quả, nhát chém sâu từng nào đủ phải khâu, cứa dao thế nào để đủ khâu bao nhiêu mũi. Chém ở thời điểm nào, thoát thân ra sao…

Ề chề, cay đắng, hôm nay hắn bị người ta chém, chém bằng luật lệ chặt chẽ. Chém đúng vào cái lúc hắn muốn tìm công việc lao động chân tay, sống bằng mồ hôi, sức lực sau bao năm vác đá, trồng rau nắng mưa ở trại tù. Lúc mà hắn và mẹ bưng từng chén nước trà lấy được 100 đồng có cả vốn lẫn lãi, công sức vào đó. 50 nghìn là bao chén nước trè của mẹ. Lúc mà bao thằng bạn giang hồ đảo qua thì thầm rủ rê mối nọ, mối kia bị hắn bỏ ngoài tai…Hắn cay cái con ranh ở phòng môi giới việc. Địt mẹ con chó con, bố mày chém người lấy tiền, từng phạm pháp đi tù, giờ về thương mẹ muốn làm người lành cho mẹ già vui những ngày còn lại trong đời. Không phải túi nhỏ, to lỉnh kỉnh đi tiếp tế cho con những ngày hè đổ lửa hay mùa đông mua gió. Giờ những con chó như chúng mày lại chém cả tao lẫn mẹ tao lúc này. Cả đêm hắn không ngủ, chỉ mong sáng dắt dao đến hỏi tội con ranh xem chúng nó trả tiền lại không. Hắn nhớ lúc mẹ vuốt tiền đưa, lời mẹ như gửi hết hy vọng vào đó, một trăm một chén nước trà con ạ.

Mờ sáng hắn dậy đánh răng, rửa mặt. Phải đợi thêm chút nữa mới mượn được xe đạp, hắn bọc con dao vào mấy lượt giấy báo nhìn đồng hồ chờ. Tiếng đồng hồ tích tắc, trong khi nghe tiếng tíc tắc ấy hắn nghe thấy thấy tiếng mõ của mẹ trên gác. Hắn lên đứng ở cầu thang nghe tiếng mẹ lần cuối thế nào. Hắn xử xong bọn này sẽ đi theo bọn thằng Thắng, biết bao giờ còn nghe tiếng mẹ. Tiếng mẹ rì rầm…

- Nam mô quan thế âm Bồ Tát, Nam mô…con xin cho nam tử con là…tuổi Tân…năm nay sớm có được công ăn việc làm, sớm yên bề gia thất, con Nam Mô…phù hộ độ trì, con lạy Thánh…con lạy Mẫu…con lạy chín phương trời, mười phương Phật, con lạy…

Hắn gục đầu vào bậc thang, đi lên các bậc thang kia là mẹ già đang cầu nguyện, đi xuống là đến chỗ con ranh ở văn phòng môi giới việc làm. Một lúc sau hắn bừng tỉnh khi nghe tiếng động mẹ cất mõ, chuông. Hắn đi lên xin mẹ tiền mua báo Rao Vặt.

Mẹ cho 4 nghìn, bảo con ăn gì đó nhé, lâu rồi mấy khi anh dậy sớm để ăn sáng đâu.

Mùa xuân năm đó hắn xin được việc làm không mất phí. Người đàn ông tuyển người gắt với hắn:

- Tôi đăng báo là tuyển người có tay nghề cơ mà.

Hắn nhìn sâu vào đôi mắt của ông. Nói chậm từng tiếng:

- Em hứa với anh em sẽ biết nghề nhanh nhất, xin anh cho em được thử việc.

Không biết người đàn ông khó tính ấy đọc được gì trong mắt hắn, ông thở dài:

- Thôi tao cho mày thử một tuần.

Được 3 ngày, ông gọi hắn bảo:

- Giờ tháng đầu lương mày là 300 nghìn.

Ba tháng sau lương hắn được 800 nghìn. Lúc đưa tiền lương cho mẹ, mẹ bảo để dành rồi mẹ vay bát họ mua cho cái xe máy mà đi làm con ạ. Anh đi làm thế này là mẹ yên tâm, không lo còn dại dột như xưa nữa.

Bây giờ mẹ hắn không còn bán nước chè nữa, nhưng thứ nước mà hắn thích uống nhất trên đời này vẫn là trà mạn, thích nhất cái thứ uống rẻ tiền lúc đầu chan chát sau vị ngọt đọng trên miệng lâm râm.

Lần nọ trên đường phố của Châu Âu, hắn đi tìm mãi thứ nước ấy, sau người bạn đi cùng phải đưa hắn vào một quán ăn sang trọng. Hai thằng ăn hết gần 200 euro để được ấm trà tráng miệng nhạt toẹt. Hắn bảo bạn rằng:

- Tôi không xa quê hương được đâu ông ạ, tôi nghiện trà.

Bạn nói:

- Ở đây cũng có, tại ông muốn ngay, chứ mình tìm mua siêu thị thì cái gì bên Việt Nam có bên này cũng có, ở khu bán cho người Việt mình có hết, rau muống cũng có mà.

Hắn lắc đầu:

- Không, tôi thích quán trà ở vỉa hè, hay đầu ngõ, nơi có những chiếc ghế dài bằng gỗ bóng loáng vì ngồi

nhiều, có mặt bàn gỗ xước tróc, có những chiếc cốc Bát Tràng, có một bà cụ già áo nâu bán hàng cơ, ở đây không có được như thế. Ngày xưa mẹ tôi cũng bán nước trà mạn đấy, hồi ấy có một trăm đồng một chén thôi

Tôi còn làm thơ về điều ấy.

Một trăm một chén nước trà.

Mẹ đong từng chèn để mà nuôi con.

Tôi đi làm chăm chỉ, hàng sáng tôi đạp xe đến chỗ làm sớm nhất ở xưởng làm biển hiệu quảng cáo. Nghề làm biển quảng cáo lắm công đoạn, từ thợ cơ khí đến thợ thủ công mỹ thuật. Mới đầu tôi chỉ được làm chân phụ là khoan và bắt vít. Rất nhanh sau đó tôi nắm được mọi kỹ thuật làm, và thành thợ giỏi. Ồng quản đốc cũng là người tuyển tôi vào làm, cũng chính là thầy dạy hài lòng về tôi lắm.

Nửa năm đi làm , rồi giữa ông quản đốc và giám đốc nảy sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân là chúng tôi đi làm các tỉnh xa, mọi khi có tiền công ty bao ăn. Bỗng nhiên ban giám đốc cắt tiền ăn đi làm tỉnh xa, với lý do là làm ở Hà Nội thì các anh cũng ăn, đi làm xa thì tất nhiên thì ăn cũng phải như ở Hà Nội. Mà ở Hà nội công ty không phải trả tiền ăn cho các anh, vậy cớ sao các anh đi làm xa phải trả. Các anh lấy tiền lương ra mà ăn chứ.

Ông quản đốc bác bỏ không được, ông nại lý do là công nhân làm ở Hn về nhà ăn, tiền ăn rất rẻ. Đi làm xa thì ai nấu cho. Công ty không nghe. Ông quản đốc thấy mình nói không trọng lượng nữa, ông quyết định bỏ làm.

Giám đốc gọi tôi lên, giao làm quản đốc phụ trách xưởng. Tôi đề nghị tăng thêm mỗi người 200 nghìn tiền ăn một tháng, tính vào tiền đi làm xa, vì công ty tôi đi làm các tỉnh nhiều. Nếu không thanh toán hóa đơn mỗi lần, thì xin tăng vào lương tự công nhân giải quyết.

Công ty không nghe, tôi bỏ việc.

Khi ông quản đốc bỏ và tôi cũng bỏ, có vài ba người nữa bỏ theo. Ông quản đốc cũ đi mở quán bia, tôi đến chơi gặp mấy người cùng công ty bỏ việc cũng đến đó. Ông quản đốc cũ bảo tôi mở xưởng mà làm. Ông ấy bán bia , quen nhiều khách, ông tìm mối cho.

Nhưng tôi không có tiền vốn để mua máy móc, tôi cố đi vay nhưng không vay ở đâu được. Anh chị tôi đều khó khăn. Có một anh khá giàu có lúc ấy, thì anh lại không cho vay. Tôi thỉnh thoảng có người nhờ làm vài thứ, đi mượn đồ, đi thuê đồ, hay gọi người có dụng cụ làm chung. Lúc ấy tôi có một thằng bạn, hai thằng lúc rảnh thường gặp nhau uống trà, hút thuốc nói đủ chuyên trên trời dưới biển. Thằng bạn tôi đọc nhiều, biết rộng lại thích có người để nói chuyện, vì thế chúng tôi hay gặp nhau để tào lao, tán phét.

Thằng bạn tôi học mỹ thuật, bố nó trước là quan chức to, nay về hưu, ông bố nó làm quan thanh liêm. Lúc về cũng không dư giả gì. Thằng bạn làm thiết kế quảng cáo, một hôm nó gọi tôi đến nói có mấy cái biển làm cho bọn Nhật dưới cầu Bãi Cháy, nó nhận cho tôi làm.

Tôi đi làm mấy cái biển dưới Bãi Cháy, thuê một ông thợ hàn cửa hoa cửa sắt làm cùng, suốt ngày ông say rượu. Mình tôi phải xoay sở, thuê ông ấy cốt để mượn đồ đạc và mặt bằng để làm là chủ yếu chứ chẳng trông mong gì. Chật vật tôi cũng làm xong ba cái biển.

Lúc thanh toán tiền, trừ chi phí đi, được lời 5 triệu đồng. Một số tiền khá lớn đối với tôi lúc đó, đủ để tôi có thể sắm được máy móc làm nghề. Lúc đầu chúng tôi thỏa thuận chia đôi, nhưng lúc nhận tiền, thằng bạn tôi nó đưa cả cho tôi không hề lấy đồng nào. Tôi vẫn nhớ đến giờ, lúc nó hất hàm nói – ông làm thì ông lấy cả đi. Tôi tưởng nó giận gì, phải nấn ná nói để nó nhận một nửa phần của nó . Mặt nó lạnh tanh, bảo cầm mà mua đồ, tôi mới biết là nó nói thật lòng.

Tôi có đủ đồ, đi nhận việc lại của người ta làm. Rồi tôi kéo mấy người bạn làm chỗ cũ cùng làm. Thằng bạn tôi nhận được vài hợp đồng kha khá, lại sang tay cho tôi làm, nếu thiếu tiền nó cho mượn vốn để làm. Nhờ vậy tôi đủ sức mở công ty quảng cáo , thuê nhà xưởng, thợ thuyền đông đến hai mươi người. Công việc khá trôi chảy và thuận lợi vì tôi lấy giá thành vừa phải, làm chu đáo.

Khi vợ tôi mang bầu, tôi thấy mệt mỏi vì những chuyến đi làm công trình tỉnh xa. Muốn ở nhà loanh quanh khi vợ sinh con. Tôi chuyển nhượng công ty cho người khác. Có vốn tôi làm nghề cầm đồ và cá độ bóng đá, chỉ ngồi ngay tại nhà mà không phải chạy ngược xuôi gì. Nhưng số tôi đen được thời gian thì bị mất sạch. Cơn đen nó đến dồn dập, lúc nghe tin cái thằng khách cầm tôi đống tiền bị bắn chết ở Đoàn Trần Nghiệp. Nó được bạn tù rủ đi đánh nhau, hung hổ nhảy lên taxi đến nơi, mở cửa chửi bới phách lối, rút súng ngắn bắn tứ tung để áp đảo bọn kia ngay từ đầu. Nào ngờ bọn kia không vừa, nó vác AK làm vài viên. Có viên trúng ngực, thằng khách của tôi ngã xuống còn bắn trúng chân một thằng. Đấy là đến viện tôi nghe kể lại vậy, chứ lúc đó con mụ chủ độ bóng đá nó biết tin trước, mụ ấy gọi điện cho tôi cười nhăn nhở bảo mày lên chỗ ấy thằng T nó trả tiền kìa. Tôi đến nơi thì mới biết nó bị bắn chết. Cái bọn bắn chết người là bọn thằng Ánh Usu cũng hàng máu mặt có tiếng. Nguyên nhân chỉ vì mẫu thuẫn vặt, muốn lấy số nhau thể hiện mà đến mức vác súng bắn nhau, chứ đâu phải thù hằn lớn làm ăn khúc mắc tiền bạc nhiều gì.

Đã thế trước đó thằng Lê Anh Hùng giám đốc công ty Tam Thanh, cùng bọn với Nguyễn Lâm Thái lừa hóa đơn, khai man giá bị bắt, vụ đó rùm beng trên báo chí bấy giờ. Lúc đó Lê Anh Hùng, còn gọi là Hùng Híp cầm của tôi tiền lớn. Số tiền đó không dây dưa gì đến chuyện nó làm. Hùng Híp chỉ có người trả tôi tiền thì nó cầm hộ, đáng ra lúc đó nó đã bị công an điều tra, nó phải từ chối. Nhưng nó cứ nhận cầm hộ. Hôm sau bị bắt, chẳng biết công an thu số tiền đó hay là nó đã ỉm đi, nhưng nó bị bắt rồi, muốn trình đơn cũng không được. Mà có trình thì công an có trả cho mình họ cũng còn lâu, hoặc công an thế nào cũng chỉ trả một nửa là may, trong khi họ bắt mình cam kết là nhận đủ toàn bộ. Đằng nào cũng mất, mất một nửa vào tay bọn công an hay mất cả vào đâu thì cho mất luôn. Rồi có thằng vợ bỏ, nhà bán, bố mẹ lo nghĩ mà chết. Thằng bỏ nhà trốn biệt không về….tôi đi đòi nợ, đến nơi đánh nhau tóe máu, mới được trả tiền. May hôm đó tôi lại chủ quan nghĩ rằng không đến mức đánh nhau, chả mang súng đi. Lúc nằm viện, uất định lấy súng quay lại tìm báo thù, nhưng anh tôi can. Ra viện tôi nằm nhà, thấy con trai đang ngủ ngon lành, tôi mang súng ra sông thả. Quyết giã từ cái nghề giang hồ, cho vay lãi, cờ bạc này. Mang theo số nợ lớn với bà dì vợ và ông anh trai thứ ba. Số nợ bà dì vợ tôi lần hồi cũng trả hết, còn số của ông anh trai thì ông ấy không nhắc đến. Nhưng tôi cũng quên luôn những món mà người ta nợ tôi, số nợ đó cộng lại gấp 3 lần số tôi nợ anh tôi và bà dì vợ, trong đó có cả ông cậu vợ nữa. Tôi quyết đã dứt là dứt hẳn, có người mang tiền đến trả nợ tôi, tôi lắc đầu không nhận.

Tôi thấy đó là quyết định đúng nhất đời, đã giã từ cái gì mình cho là không tốt là giã từ hẳn mới được, không luyến lưu, không vì vài thứ cám dỗ.

 (Còn nữa)

© Người Buôn Gió

© Đàn Chim Việt

1 Phản hồi cho “Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [19]”

  1. Quan phủ biết thằng bé ôm chó chửi xỏ mình, cho lính bắt lại hỏi. Xiển đáp: “Bẩm quan, nhà con muốn nuôi mọt con chó con để dọn cứt cho em, nên bố mẹ con bảo con đi mua”. Quan hỏi Xiển là con cái nhà ai, Xiển trả lời là chắt cụ Trạng Quỳnh. Quan hỏi: Ðã là chắt cụ Trạng tất phải hay chữ. Thế mày có đi học không?. Xiển đáp: Bẩm quan, con là học trò giỏi nhất vùng này ạ, quan lớn không đi học nên không biết đó thôi.

Leave a Reply to Joshua Martinez