Khi vô cảm trở thành không khí
Có bao giờ bạn chứng kiến tận mắt một đám đông bao vây hai con người, dùng mọi cách để tấn công và cuối cùng giết chết cả hai con người ấy trong trạng thái điên cuồng hay không?
Có bao giờ bạn chứng kiến chiếc xe thùng tuềnh toàng của công an chở hai cái xác người ấy nhưng vẫn bị bao vây bởi đám đông không chạy được vì họ vẫn còn giận dữ?
Có bao giờ bạn tưởng tượng ra rằng hai cái xác ấy là con cháu hay bạn bè của bạn, nếu vậy thì tâm trạng bạn thấy thế nào? buồn vui, tức giận hay oán hận cái đám đông ấy.
Nếu hai cái xác ấy là hai con chó thì liệu bạn có một chút cảm động nào không? hơn thế nếu trong nhà bạn đang nuôi một con chó và bạn rất yêu thương chúng?
Con chó của bạn bị bao vây, bị đánh chết trong nỗi sợ hãi tột cùng. Nó kêu ăng ẳng nhưng không biết xin và tiếng kêu của nó dù sao thì cũng chỉ là tiếng kêu của một con chó.
Nhưng hai cái xác người kia không phải là xác chó. Hai kẻ ấy là con người và trước khi chết họ đã quỳ lạy, đã van xin, đã khóc lóc và cũng đã nói lời xin lỗi vì cái tội ăn trộm chó.
Hai cái xác ấy trước khi chết là con người. Đã từng biết nói, biết cười, biết khóc than đau khổ hay sung sướng hạnh phúc. Hai cái xác ấy trước khi chết cũng biết thương, biết ghét và nhất là họ cũng có một mái gia đình. Với người vợ khốn khổ, rách rưới, với bầy con nheo nhóc đói rạc.
Đời sống thực của hai kẻ ấy trước khi chết có lẽ chỉ hơn con chó một chút, bởi vậy họ mới muối mặt đi làm cái nghề không ai muốn làm: cẩu tặc.
Cái tội lớn nhất vào ngày hôm ấy là họ đã tước đi mạng sống của vài con chó trong cái xóm người ấy. Vài con chó chết khiến cả làng cả xóm đau lòng, xót xa như cha ông họ bị giết. Thế là họ giết người để trả thù. Giết trong nỗi căm hận tột cùng của một bầy sài lang bao vây hai con vật khốn nạn.
Hai con vật người ấy bây giờ nằm trên chiếc xe công an, nằm như hai con chó vì họ không hề tin người ta đang tâm giết chết họ như giết chó.
“Mắt trả mắt, răng trả răng”.
Người Israel nói như vậy khi mất nước và họ đã lấy lại được lãnh địa Do Thái trong tay của khối Ả rập từ câu nhật tụng này.
Người Việt ở Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Trị…cũng nói như vậy khi mất chó, và họ lấy được những xác người. Những xác người trước khi chết họ gọi là đồng bào. Hoàn toàn không phải là kẻ thù. Chỉ vì vài con chó.
Bạn có bao giờ thấy hai cái xác người bị đánh chết ở Bắc Giang rồi quăng như xác hai con vật hay không?
Bạn có động lòng không khi biết rằng chiều hôm ấy và hàng ngàn buổi chiều khác con của hai người đàn ông ấy không bao giờ có cơ hội kêu lên hai tiếng “Bố về”.
Hai con người đáng ra không nên chết và vẫn có thể cống hiến cho gia đình, xã hội những thành quả nhỏ nhoi nhất sau khi trả giá việc làm của họ bằng những năm tháng nằm tù. Nếu họ được xét xử và bị kết tội cũng là cách mà luật pháp bảo vệ cho mọi công dân. Luật pháp không phải chỉ để trừng phạt bọn vô lại mà nó còn được dùng để bảo vệ chúng để chúng được xét xử công bằng.
Bất cứ ai tưởng rằng mình có thể thay thế công lý để trừng phạt ai đó dù chỉ là một tát tai cũng đã vi phạm luật pháp.
Những người mất chó đang tưởng như vậy. Hàng xóm của họ cũng tưởng như vậy và cái tưởng ấy khiến họ nghĩ mình có thể giết người.
Cả làng kéo nhau ra giết người. Giết hai thằng ăn trộm chó. Điều ấy không lạ lắm sao?
Không thể nói là lạ, mà phải nói là man rợ. Chỉ có kẻ man rợ chưa hưởng ánh sáng văn minh mới có thể hành động một cách xuẩn động như vậy. Cái lạ là họ không ở trong hang động, họ đang sống, đang sinh hoạt bình thường tại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đất nước luôn tự hào có truyền thống này truyền thống nọ nhưng hình như đã lâu không ai nhắc tới truyền thống thương yêu đồng loại. Bằng chứng là tại cái làng ấy, cái thôn ấy người ta thương chó hơn còn “đồng loại người”. Họ đồng loạt vung tất cả phương tiện giết người lên. Giết tập thể. Giết hội đồng.
Quán tính tập thể từ hợp tác xã, từ hội trường, từ chi bộ đảng, thậm chí nơi trường học, công trường đã ăn vào xương vào óc của những con người ấy, để bây giờ họ sinh ra nỗi khao khát giết người tập thể.
Cái tập thể ấy không những giết người mà còn ngang nhiên cùng nhau nhận rằng chính họ là kẻ giết người. 800 con người Bắc Giang tự nhận hết vào mình như những anh hùng, những anh thư khi cầm dao giết đồng bào chỉ vì vài con chó.
Bi kịch ở đây không còn là giết người hay không mà là nhận thức giá trị giữa người và vật bị cào bằng bởi một đám đông mù quáng và độc ác. Sự cào bằng hiện có trong xã hội giữa người lương thiện và kẻ tiểu nhân, giữa kẻ trong sạch và bọn nhũng lạm, giữa người tài năng và bọn vô học…phải chăng đã bén rễ vào người dân tạo cho họ quán tính này và khi được dịp chúng bộc lộ ra một cách mạnh mẽ như vậy?
Hệ thống pháp luật đang nghĩ ngợi làm cách nào để vừa bắt đúng kẻ sát nhân vừa không làm xã hội bất an. Hãy trị cái gốc, đừng leo lên cây chặt ngọn. Cái gốc của vấn đề là sự tha hóa trong ứng xử tức là cái căn bản nhân đạo đã bị xóa sạch từ lâu khi các bài học vỡ lòng của con trẻ chỉ biết “nhắm quân thù mà bắn” trong khi gần bốn mươi năm qua không còn một bóng quân thù nào trên dải đất này.
Cái gốc của vấn để là chính quyền không xứng đáng mang hai chữ đó trong tất cả mọi văn bản vì khi dân kêu cứu thì làm ngơ, khi dân đút lót thì hồ hởi. “Chính” đã mất đi chỉ còn lại chữ “quyền” kiêu hãnh thì sức mạnh mù lòa tăm tối ấy sẽ cày nát khuôn mặt nhân bản của người dân là chuyện hiển nhiên. Họ phải tự bảo vệ mình kể cả bằng những phương pháp tàn bạo. Chính quyền không thể bắt bọn cẩu tặc vì vậy khi họ bắt được, chiến lợi phẩm phải về phía họ và giết người là cách mà họ chia chát chiến lợi phẩm ấy.
Cái cách nhận mình là thủ phạm mà 800 con người cùng đứng tên trên lá đơn là hành vi khinh thường chính quyền rõ rệt nhất. Người dân có thói quen cúi mình nhẫn nhục trước cường hào, ác bá nhưng khi tạo cho họ có cơ hội manh nha trở thành thú dữ thì họ sẽ giống ngay lập tức với những kẻ giết người có cái tên đẹp đẽ “Lương sơn bạc”.
Một điều lạ nữa, đã nhiều tháng trôi qua từ vụ giết cẩu tặc đầu tiên chưa thấy ai lên tiếng nhắc nhở cho những kẻ sát nhân thấy rằng hành vi của họ là tàn bạo, dù là phụ nữ cầm một cái chổi đánh vào hay một ông già cố rướn người để chạm nạn nhân cũng đều là đồng phạm sát nhân. Cái tội lớn nhất của những kẻ đánh hôi ấy là dửng dưng với người xấu số. Nói theo ngôn ngữ thời đại là “vô cảm”.
Mà hỡi ơi sự vô cảm bây giờ đã trở thành không khí thì còn gì để mà bàn nữa?
© Cánh Cò, Việt Nam 20/09/2013
Bài viết trích từ trang blog Cánh Cò
Phải chăng đây là kết qủa cuả ” trăm năm trồng người” cuả Hinh?
* Hinh là nhân vật trong truyện ngắn “Linh nghiệm” của tác giả Trần Huy Quang.
Hai anh này chàng xác to kềnh, là dân chuyên ăn nhậu; không phải là thanh niên nông dân nghèo đói làm liều. Hai anh này chắc chắn không phải là dân trong vùng, người ta quen biết, mà là dân giang hồ ở đâu vô làng quê cướp bóc, cũng có thể 2 anh này là công an, cán bộ.
Bây giờ, cán bộ, công an, ‘quần chúng tự phát’, côn đồ, thông đồng, cùng là một lũ với nhau. Sẵn đây, nông dân nên chặt, cắt cái vòi bạch tuộc của việt cộng nằm vùng trong thôn xóm của mình luôn. Dân lo an ninh, dân quản lý thôn làng, đuổi đám cán bộ, công an việt cộng về hang pác bó.